Những dòng chữ khơi lửa
_ Lại đang hí hoáy viết gì đó hả?
Nam Tuấn ngưng bút, mỉm cười nhẹ, không hề giấu giếm đưa ra những mẩu giấy ngả màu úa tàn, những nét mực đắt đỏ đổi lấy bao nhiêu thùng cao su vẫn còn chưa khô hẳn đưa cho Duẫn Kì xem. Biết anh trai đọc chữ còn khó, anh một tay giữ giấy, một tay vẫn để Duẫn Kì cầm, chầm chậm nói rõ ràng từng câu mình đã viết.
_ Các anh em công nhân Phú Riềng ơi! Từ sáng tinh mơ đến tối mịt, bàn tay ta chai sạn vì mủ cao su, lưng ta oằn xuống bởi những đòn roi, miệng ta khô khốc vì đói khát. Trong khi đó, bọn chủ Tây sống trong biệt thự xa hoa, hưởng thụ trên công sức, mồ hôi, nước mắt, và cả máu của chúng ta! Họ coi ta như trâu ngựa, bắt làm quần quật, đánh đập ta, cướp đi bao sinh mạng vô tội chỉ vì không đủ chỉ tiêu bọn chúng đề ra. Đã bao người ngã xuống trên luống cạo? Đã bao nhà tan cửa nát vì chính sách hà khắc của bọn thực dân? Đến bao giờ chúng ta mới thôi sống kiếp nô lệ?
Đồn điền Phú Riềng to lớn, còn rừng Sài bọn họ đang làm việc chỉ là một phần nhỏ. Nam Tuấn biết rõ nếu đấu tranh, sức bảy người rõ ràng không đủ dịch chuyển. Anh cũng mồn một trong bụng biết rằng ngoài kia, những cánh rừng khác, những phân khu khác còn biết bao nhiêu người công nhân khác đang ngày ngày chịu cảnh đánh đập, bóc lột dã man của lũ thực dân. Họ có thể cũng giống như bọn người Nam Tuấn, muốn đánh nhưng không đủ lực, muốn vùng nhưng chưa đủ nhuệ khí. Nếu thế thì Nam Tuấn nghĩ rằng, truyền bá tư tưởng yêu nước qua những ngòi bút của mình, cũng là tiếp thêm một chút tinh thần dân tộc cho họ. Qua những bài viết của anh, Nam Tuấn hi vọng có thể kêu gọi mọi người đồng lòng, cùng nhau đấu tranh, rồi dần trở thành phong trào lật đổ bọn thực dân đang tác quai tác quái.
_ Ngày hôm nay, tôi viết những dòng này, cũng là muốn kêu gọi các anh em có thể cùng nhau hợp lực, cùng nhau tìm ra những đối sách, những cuộc đấu tranh, biểu tình hòng khiến bọn chúng nhượng bộ. Chúng ta không còn gì để mất ngoài xiềng xích, nhưng ta có thể giành lại được tất cả: cơm no, áo ấm, quyền được sống như con người! Chúng ta có thể bị đánh đập, bị tù đày, nhưng chúng ta sẽ giúp cho những thế hệ mai sau tốt đẹp hơn, và lịch sử sẽ không quên những người đứng lên vì chính nghĩa.
Cũng không biết từ lúc nào, khóe mắt Duẫn Kì đã ươn ướt, anh không đọc hiểu hết các con chữ, nhưng qua lời đọc của Nam Tuấn, anh cảm thấy biết bao nhiêu là sự hùng hồn. Đúng vậy, bọn họ không thể nào chỉ ở quy mô nhỏ bảy người như thế này, không thể chỉ dừng lại đốt phá kho lương thực, cướp bóc vũ khí, lấy trộm thức ăn đe dọa cỏn con bọn Pháp. Bọn họ phải kêu gọi thêm nhiều người nữa, tạo sức ép cho bọn chúng. Để chúng biết được rằng những người con phương Nam này không dễ mà bị chà đạp, bị ức hiếp.
_ Viết cũng văn vở dữ chèn. - Duẫn Kì giật nhẹ tờ giấy từ tay Nam Tuấn, lại tự mình đọc lại lần nữa, như muốn khảm sâu trong kí ức từng dòng nhuệ khí này.
Đáp lại người anh lớn chỉ là sự cười ngố của Nam Tuấn và cái gãi đầu hì hì. Đoạn Nam Tuấn lại hỏi.
_ Thế tay anh sao rồi? Đã đỡ hơn chưa?
_ Thì thấy chú mày lo viết quá, mà Thạc Trân lại không cho tao đi ra cạo mủ, nên tao vào xem mày như thế nào.
_ Em viết xong rồi, đợi tối nay mặt trời xuống là đi sang mấy chỗ khác đưa.
Duẫn Kì đọc lại lần ba, rồi trả lại giấy cho Nam Tuấn, ước chừng trên bàn hiện tại cũng đã viết xong sáu, bảy tờ rồi.
_ Thế mày không sợ bên đó không ai biết chữ à?
_ Em có, nếu mà họ không biết chữ, em sẽ thuật lại bằng miệng.
Duẫn Kì nghĩ thầm, thế thì tốn nhiều thời gian quá đi mất, cũng không biết khu này có bao nhiêu là chỗ, có mà đi tới hết đêm, giữa chừng bọn me Tây nó đi tuần bắt được lại khổ.
_ Thế thôi sao không chia ra tụi anh mỗi đứa một việc?
Nam Tuấn cũng từng nghĩ tới, nhưng như vậy cũng nguy hiểm cho mọi người quá, dù sao đây cũng là ý kiến của Nam Tuấn trước, còn chưa kịp bàn với mọi người nữa.
_ Mày khỏi lo, mày im im là tao ngó bộ tao đi guốc trong bụng mày rồi. Mọi người đã coi như anh em chí cốt, cắt máu ăn thề, có còn gì nữa đau mà phải sợ kia chứ. Mày lo cho bọn này nguy hiểm, tụi anh cũng lo cho mày vậy Tuấn ơi. Khỏi phải lo, anh chắc chắn mọi người sẽ đồng tình thôi.
Duẫn Kì không phải mạnh mồm nói suông, chưa quá mấy giờ sau, trời nhá nhem tối, mọi người còn đang chuẩn bị dọn cơm lên ăn, bị quạt một trận kéo lại ngồi bàn, ai ai cũng gật gù theo sau những lời Duẫn Kì nói, Duẫn Kì còn bắt Nam Tuấn thuật lại cái giọng "oai dũng" mà anh kể cho "anh ba Duẫn Kì" nghe ban nãy, nói rằng nghe "thằng 'lão' này nói là hừng hực ý chí ngay". Thế là năm người còn lại đồng tình, còn chưa cơm nước đã luân phiên nhau xem xem ai đi tới đội nào mà nói chuyện.
Bảy người, đi được bảy đội, rồi nếu có thể lại nhờ bảy đội nối tiếp bảy đội. Chẳng mấy chốc tiếng danh sẽ đồn xa.
Trong ánh đèn dầu leo lét giữa bàn cơm còn chưa nêm thịt, gạo còn chưa vo sạch, mọi thứ dọn gọn sang một bên, còn Nam Tuấn thì siết chặt những tờ giấy còn lại trong tay. Ngọn lửa trong lòng anh bừng cháy, sáng rực như chính ngọn đèn trước mặt. Có lẽ chính bản thân họ cũng không ngờ rằng, bước tiến sau ngày hôm nay của bọn họ đã đặt nền móng cho một phong trào lớn, một phong trào mà khiến bọn thực dân Pháp cũng phải nao núng khiếp sợ.
Từng người một tản ra các hướng khác nhau, hòa mình vào bóng tối của rừng Sài. Tiếng bước chân trên mặt đất ẩm ướt vang lên khe khẽ, như nhịp tim đồng điệu của những con người cùng chung chí hướng.
Nam Tuấn men theo con đường nhỏ dẫn đến khu phía đông. Những khuôn mặt mệt mỏi sau một ngày làm việc xa xa dần rõ hơn trước mắt anh, Nam Tuấn hiểu rằng ai ai ở đây, những người công nhân đều cùng cảnh ngộ. Họ đến với Phú Riềng khi không còn chốn dung thân, vì cái nghèo, vì bị lừa gạt. Nơi này đang dần dà ăn mòn họ, khiến họ không còn rõ trước mắt là màu ngà của nhựa cao su chảy, hay là chính màu đỏ từ máu, từ da, từ thịt của họ nữa.
Khi thấy Nam Tuấn đến gần, người lạ nên họ cũng có sự cảnh giác nhất định, thời buổi bây giờ bọn giả danh tri thức nhưng làm tay sai cho Pháp cũng không phải hiếm. Nếu như nhỡ nói lời không hay hoặc có thái độ chống đối mà để truyền ra ngoài thì một phát chết tươi lúc nào không hay. Họ cẩn trọng, Nam Tuấn cũng phải cẩn trọng.
Những người đàn ông còn đang ngồi xì xụp húp cháo loãng ngoài hiên, khuôn mặt hốc hác vì lao động vất vả dần ngừng động tác. Nam Tuấn thân thiện ngỏ lời chào, rồi từng bước chậm rãi tiến lại gần, rút ra một tờ giấy, giọng khẽ khàng nhưng đầy kiên định.
_ Chào các anh, tôi là Nam Tuấn, tôi ở đoạn khu rừng Sài bên kia. Các anh,... nghe tôi nói một chút được không?
Một vài ánh mắt ngước lên, thoáng chút đề phòng. Nhưng rồi, khi Nam Tuấn bắt đầu đọc, khi từng lời anh viết thấm vào từng tấc lòng chai sạn của những con người khốn khổ, một luồng khí thế dần dâng trào.
Nam Tuấn thấy rõ qua ánh mắt bọn họ, đó là điều anh cần, đó là điều khiến lòng tự hào và tự tin của anh sục sôi.
Bên kia, Duẫn Kì cũng đang làm điều tương tự, nhưng thẳng thắn và mạnh mẽ hơn. Anh không chỉ đọc, mà còn nhìn thẳng vào mắt từng người, như muốn truyền cho họ sự can đảm mà anh luôn mang trong mình.
_ Chúng ta không thể mãi sống như thế này! Nếu cứ cúi đầu, bọn chúng sẽ còn áp bức chúng ta đến bao giờ? Hãy cùng nhau đứng lên, giành lại quyền làm người!
Những lời ấy như một ngọn lửa len lỏi vào trái tim đã nguội lạnh của đám công nhân. Một vài người siết chặt nắm đấm, có người khẽ gật đầu, có người nhìn nhau đầy do dự. Nhưng Nam Tuấn biết, chỉ cần gieo mầm, hạt giống đấu tranh sẽ nảy nở.
Thạc Trân, Hiệu Tích, Thái Hanh, Mân và Chính Quốc cũng như vậy, nối tiếp vòng tay nhỏ tạo thành một vòng tay lớn, đem những tinh thần và lòng yêu nước đến những trái tim dần dà nguội lạnh thiếu đi sức ấm lòng người và ý chí của sự sống.
Bảy người, bảy ngọn lửa nhỏ. Và nếu may mắn, đêm nay sẽ là khởi đầu cho một đám cháy lớn.
~Hamm, 13/2/2025~
Chời ơi lâu quá mới viết lại =)))))))))) ta nói văn vở cũ chuối quá huhu hi vọng chap sau sẽ vào guồng hơn ạ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top