2B-hoicungbican
Câu 2: Anh (chi) hãy phân tích: Khi hỏi cung gặp tình huống những bị can có chuyển biến về mặt tư tưởng, có thái độ khai báo thành khẩn và những bị can hạn chế về mặt trình độ, trí nhớ kém thì người hỏi cung cần áp dụng những chiến thuật hỏi cung nào? Hãy làm rõ nội dung của các chiến thuật hỏi cung đó? .
2.1. Khi hỏi cung gặp tình huống những bị can có chuyển biến về mặt tư tưởng, có thái độ khai báo thành khẩn và những bị can hạn chế về mặt trình độ, trí nhớ kém thì áp dụng chiến thuật hỏi
- Khái niệm hỏi cung bị can: Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự (khoản 1 Điều 49 BLTTHS).
Hỏi cung bị can là hoạt động điều tra công khai trực diện với bị can nhằm phát hiện, thu thập và củng cố chứng cứ để làm rõ toàn bộ sự thật về hành vi phạm tội của bị can và những người đồng phạm cùng với những vấn đề khác phục vụ cho công tác điều tra, xử lý và phòng ngừa tội phạm.
Mục đích của hỏi cung bị can là thu thập được những lời khai đúng, trung thực, phù hợp với sự thật của vụ án và những thông tin cần thiết khác có ý nghĩa cho việc điều tra và xử lý vụ án đúng đắn, khách quan, toàn diện, tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Hỏi cung bị can là một biện pháp thu thập chứng cứ phổ biến. Bị can là đối tượng thực hiện hành vi phạm tội và biết rõ về hành vi phạm tội của mình. Sau khi xác định được đối tượng thực hiện hành vi phạm tội và có quyết định khởi tố bị can, việc hỏi cung bị can phải được tiến hành ngay. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với người hỏi cung (Điều tra viên, Kiểm sát viên), đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc hỏi cung bị can có kết quả, vì thông thường, sau khi nhận được quyết định khởi tố, bị can rất hoang mang, dao động. Trong điều tra, xử lý vụ án hình sự, không có lời khai của bị can thì các cơ quan tiến hành tố tụng không thể kết thúc điều tra, xử lý bị can trước pháp luật một cách khách quan, chính xác.
Hỏi cung bị can là một biện pháp thu thập chứng cứ khó khăn, phức tạp. Các bị can có lứa tuổi, nhận thức, đặc điểm nhân thân, nhân cách và diễn biến tâm lý khác nhau… Đa số các bị can đều có xu hướng chối tội. Để việc hỏi cung đạt được mục đích, người hỏi cung phải nắm vững pháp luật, có kiến thức về khoa học điều tra hình sự, có kinh nghiệm giao tiếp… Khi hỏi cung bị can, đặc biệt là giai đoạn đầu, thường người hỏi cung chưa nắm được nhiều tài liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội của bị can. Vì vậy, việc sử dụng các phương pháp như giáo dục, thuyết phục, cảm hoá, sử dụng chứng cứ, mâu thuẫn để đấu tranh với bị can phải linh hoạt, sáng tạo mới đạt được mục đích của việc hỏi cung.
Hỏi cung bị can là một biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ có hiệu quả. Trong quá trình cảm hoá, giáo dục, thuyết phục hoặc sử dụng chứng cứ, sử dụng mâu thuẫn để đấu tranh với bị can, nếu bị can thành khẩn khai báo, thì người hỏi cung sẽ thu được nhiều thông tin về hành vi phạm tội của bị can và những người đồng phạm; về phương pháp, thủ đoạn thực hiện tội phạm và che giấu tội phạm; về công cụ, phương tiện phạm tội; nơi cất giấu, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có… Ngoài ra, bị can còn khai rõ các lần đã phạm tội của bản thân và những người đồng phạm mà bị can biết, nguyên nhân và điều kiện dẫn đến quá trình phạm tội của bị can. Kết quả hỏi cung bị can tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động điều tra khác, đồng thời có ý nghĩa quan trọng đối với việc phòng ngừa tội phạm.
- Hỏi tuần tự và cho bị can viết tự khai.
2.2. Nội dung của từng chiến thuật:
- Chiến thuật hỏi tuần tự:
+ Khái niệm: Là việc hỏi tuần tự theo thời gian hoặc diễn biến của sự việc xảy ra để tìm mâu thuẫn trong lời khai của bị can và giúp cho bị can nhớ lại được chi tiết của sự việc đó.
+ Tác dụng: Phát hiện được những mâu thuẫn trong lời khai, giúp cho bị can nhớ lại được chi tiết của sự việc.
+ Đối tượng áp dụng: Những bị can có chuyển biến về mặt tư tưởng, có thái độ khai báo tốt và những bị can hạn chế về mặt trình độ, trí nhớ kém.
+ Chú ý khi áp dụng: Người hỏi cung phải có thái độ bình tĩnh, nhẹ nhàng; xác định được điểm mốc về thời gian, sự việc để hỏi cho sát; theo dõi thái độ, cử chỉ, biểu hiện qua nét mặt, lời nói…
- Cho bị can viết bản tự khai:
+ Khái niệm: Là việc người hỏi cung nêu ra các câu hỏi rồi yêu cầu bị can viết bản tự khai.
+ Tác dụng: Tạo điều kiện cho bị can khai báo đầy đủ, chi tiết; ngoài việc thu được lời khai còn thu được bút tích của bị can.
+ Điều kiện áp dụng: Áp dụng đối với những bị can có thái độ mong muốn khai báo sự thật.
+ Khi áp dụng cần chú ý: Khi bị can viết bản tự khai, người hỏi cung phải giám sát chặt chẽ, đề phòng bị can trốn hoặc viết thư thông cung.
Trong tình huống bị can thành khẩn khai báo, người hỏi cung nên để bị can tự khai về hành vi phạm tội của bản thân. Bị can có thể tự trình bày bằng miệng trước người hỏi cung hoặc viết bản tự khai về quá trình phạm tội theo trình tự do bị can lựa chọn hoặc theo sự hướng dẫn của người hỏi cung.
Để cho bị can tự khai về hành vi phạm tội của mình và những người đồng phạm là việc làm có ý nghĩa và cần thiết vì không phải mọi thông tin mà bị can biết, người hỏi cung đều dự đoán được để đặt câu hỏi. Bị can có thể cung cấp nhiều thông tin trong phạm vi vụ án và ngoài phạm vi vụ án.
Bị can tự khai về hành vi phạm tội của mình theo một trình tự do bị can lựa chọn sẽ tạo điều kiện để bị can nhớ lại, tái tạo lại trong trí nhớ những tình tiết của vụ án mà bị can biết, là cơ sở để khai báo đầy đủ, chính xác trước người hỏi cung.
Bị can tự khai báo sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người hỏi cung nắm được thái độ của bị can về các tình tiết của vụ án, là cơ sở góp phần ngăn ngừa bị can phản cung, chối tội sau này.
Khi bị can tự khai, người hỏi cung có thể hướng dẫn cho bị can tự lựa chọn trình tự để tạo điều kiện cho bị can trình bày lại đầy đủ nhất các sự kiện trong quá trình phạm tội. Người hỏi cung có thể hướng dẫn cho bị can khai theo trình tự sự việc hoặc khai theo trình tự thời gian. Đối với bị can phạm nhiều tội trong thời gian dài, thì người hỏi cung có thể hướng dẫn bị can khai về hành vi phạm tội đã bị khởi tố, rồi đến các hành vi phạm tội khác. Khi bị can trình bày, người hỏi cung cần lắng nghe đầy đủ nội dung khai báo, không nên cắt ngang khi bị can trình bày những vấn đề mà người hỏi cung cho rằng chưa hợp lý. Chỉ khi nào bị can trình bày những vấn đề nằm ngoài vụ án hoặc không có ý nghĩa trong phòng ngừa tội phạm thì mới yêu cầu họ trở lại đúng chủ đề.
Khi bị can trình bày miệng trước người hỏi cung, người hỏi cung không nên lập biên bản ngay. Nếu lập biên bản ngay sẽ gây ức chế trong quá trình khai báo. Nếu bị can trình bày lan man người hỏi cung cần khéo léo gợi ý để bị can trình bày thẳng vào hành vi phạm tội. Người hỏi cung cần tỏ ra chú ý lắng nghe bị can trình bày. Tuy nhiên, cần nhớ những điểm bị can trình bày chưa rõ, đứt đoạn để sau này có thể hỏi sâu thêm. Sau khi bị can đã tự trình bày bằng miệng hoặc kết thúc việc viết bản tự khai về hành vi phạm tội của bản thân và những người đồng phạm, người hỏi cung mới lập biên bản hỏi cung bị can, biên bản hỏi cung phải phản ánh đầy đủ lời khai của bị can và hỏi thêm một số chi tiết hoặc sự kiện nào đó cần làm rõ. Cần giải thích cho bị can rõ việc lập biên bản là cần thiết để phản ánh sự thành khẩn khai báo của bị can trong hồ sơ vụ án.
Trong trường hợp lời khai của bị can có nhiều tình tiết không lôgíc hoặc có những tình tiết chưa hợp lý, người hỏi cung cần hỏi bị can theo chiến thuật hỏi tuần tự. Sử dụng chiến thuật này giúp cho bị can nhớ lại những tình tiết đã quên, trên cơ sở mối liên tưởng về không gian, thời gian, tính lôgíc của các sự kiện… Người hỏi cung cần theo dõi, quan sát thái độ khai báo của bị can nhằm phát hiện kịp thời những biểu hiện lo lắng, do dự của bị can khi khai báo hoặc bị can cố ý lờ đi một tình tiết nào đó, những chỗ đứt đoạn, rời rạc, đảo lộn, không hợp lý trong lời khai để yêu cầu bị can giải thích và có biện pháp kiểm tra làm rõ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top