LƯỢC GHI HUẤN THỊ CỦA BÁC

LƯỢC GHI HUẤN THỊ CỦA BÁC

(Trong cuộc mít tinh của CB CNV và HS Học viện Nông Lâm chiều ngày 24/5/1959)

            - Các cháu khoẻ không? (khoẻ ạ!)

            - Học hăng không? (hăng ạ !)

- Lao động tốt không? (tốt ạ!)

            Bác thay mặt TƯ, Chính phủ hỏi thăm các cháu học sinh, thầy giáo, cán bộ, chuyên gia các nước bạn.

            Nhân dịp này Bác có mấy ý kiến:

Bác nghe nói trường có nhiều tiến bộ về học tập, nghiên cứu, lao động, về tư tưởng cũng có tiến bộ. Tiến bộ hay không lấy gì mà đo? Tiến bộ là tiến bước. Có nghìn vạn bước. Các cháu đã tiến được mấy bước rồi?

            Bây giờ chỉ có hai con đường, phải chọn lấy một.Nước ta là nước thuộc địa nửa phong kiến, nếu tiến sang con đường Tư bản chủ nghĩa, kết quả lại bị áp bức bóc lột, cho nên ta chỉ có một con đường xã hội chủ nghĩa chứ không có con đường nào khác. Phải nhận rằng con đường xã hội chủ nghĩa không phải là dễ, có nhiều khó khăn gian khổ nhưng rất vẻ vang. Chúng ta gặp khó khăn nhưng chúng ta cố gắng, một mặt có sự lãnh đạo của Đảng, một mặt có các nước anh em giúp đỡ, ta đang vượt khó khăn. Nếu các cháu theo dõi sẽ thấy trước hoà bình nước ta như thế nào? từ hoà bình đến nay như thế nào? Nông nghiệp, công nghiệp phát triển như thế nào? Thế các cháu có quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa không?

            Các cháu có tiến bộ so với trước nhưng chưa đủ, so với tương lai còn xa lắm, cho nên phải cố gắng nhiều, chớ tự cao tự đại, cho mình là trời. Kiêu ngạo là hỏng - Trường này đào tạo cán bộ để phục vụ phát trtiển nông nghhiệp, các cháu tiến bộ đã đủ đáp ứng yêu cầu của nông nghiệp chưa?...

            Sẵn đây Bác nói về ruộng thí nghiệm.

            Ruộng thí nghiệm có hai bài học:

1)      Chưa biết kết quả thế nào đã khua chuông, đánh trống; khi thất bại thì ỉu xìu.

2)       Mới thất bại một lần đã nản chí. Phải nghiên cứu xem nguyên nhân thất bại. Cách mạng cũng thế thôi, thua keo này ta bày keo khác. Qua nhiều thất bại, mới đến thành công như cuộc kháng chiến của chúng ta cũng vậy.

Tóm lại, phải cố gắng nghiên cứu, nhưng phải bền chí, khiêm tốn. Các cháu phải làm sao cho kỹ thuật tiến bộ kịp với phong trào đổi công, hợp tác; muốn thế phải thực tế, đi đúng đường lối quần chúng, đúng chính sách của Đảng. Thường khi nói chớ sợ khó sợ khổ thì dễ, nhưng lúc thực hành thì mới thấy ngại  khó, ngại khổ . Như ở ta trước đây người giáo viên hoặc là chỉ nghiên cứu, hoặc chỉ dạy học, bây giờ làm cả hai việc có ngại? Các cháu phải làm thế nào 1 người bằng 2 người, 1 ngày bằng 2 ngày. Các cháu có tán thành không? (mọi người đồng thanh trả lời: có ạ!)

      Một điểm nữa là phải yên tâm công tác. Người chăn nuôi thấy lợn gà bẩn, thích trồng cây; trồng cây mệt, thích nghiên cứu; nghiên cứu mệt, lại thích trở về chăn nuôi. Như vậy là đứng núi này trông núi nọ. Mình phải nhận công việc xã hội giao cho chứ không phải chọn công việc theo ý mình muốn. Các cháu hiểu không? Việc gì cũng có khó khăn cho nên chọn một việc thích thú với mình là không bao giờ được. Mình phải hợp với việc.

      Các thầy giáo phải dạy, các cháu phải học.

Kinh tế tiến lên chủ nghĩa xã hội có hai ngành chính: công nghiệp và nông nghiệp, hoàn cảnh nước ta nông nghiệp bây giờ là chính. Nếu nông nghiệp không tiến bộ, công nghiệp cũng không tiến bộ. Vì vậy, công việc của các cháu quan trọng, góp phần đưa kinh tế nước nhà tiến lên.

      Trong việc học tập, nghiên cứu phải bền gan.

Một điều quan trọng nữa là đoàn kết, vì công tác của các cháu và thầy giáo là công tác tập thể, cho nên phải giúp đỡ nhau; đoàn kết giữa thầy giáo và thầy giáo, giữa cán bộ với cán bộ, thầy giáo với cán bộ, thầy giáo với học sinh, học sinh cũ với học sinh mới. Nếu học trò cũ khinh học trò mới là không được. Càng ở lớp trên càng phải dìu dắt lớp dưới. Nghe nói đây có nhiều ngành cho nên khó đoàn kết. Ở đây có 4 ngành nhưng một mục đích. Nhiều ngành mà không đoàn kết được là vô lý. Thế ở nhà máy có đến bao nhiêu ngành thì không đoàn kết được à? Trong nước có bao nhiêu ngành thì tkhông đoàn kết được à? Cách mạng thắng lợi, kháng chiến thắng lợi vì có đoàn kết. Lực lượng đoàn kết là rất to lớn.

      Số học sinh so với yêu cầu của nông thôn ta hiện bây giờ chưa đủ. Trong lúc các cháu học, phải vừa học vừa áp dụng, khi ra trường là một người cán bộ toàn diện. Cách học của Tây trước kia là theo lối tư bản, ta học theo lối xã hội chủ nghĩa, miệng nói tay làm. Số học sinh hiện tại chưa đủ nhu cầu, số nữ học sinh càng ít, số học sinh người miền núi, Bác nghe nói có 16 người, càng ít hơn. (rồi Bác dặn đ/c Bí thư Đảng uỷ phải chú ý điểm này)

      Phải học tập ở chuyên gia. Các đồng chí chuyên gia sang có hai nhiệm vụ:

1)      Giúp đỡ ta đào tạo cán bộ.

2)      Giúp đỡ ta xây dựng

Học tập ở các đồng chí ấy không những chỉ phần kỹ thuật mà học tập tinh thần quốc tế vô sản, tác phong, đạo đức cách mạng.

Điểm thứ ba là học tập chuyên môn, nhưng cũng phải học chính trị. Có người cho rằng tôi trồng cây thì tôi chỉ cần trồng cho giỏi, tôi chăn nuôi thì tôi nuôi lợn, nuôi gà cho giỏi chứ cần gì chính trị: lợn, gà không biết nghe chính trị. Kỹ thuật, cố nhiên là quan trọng, nhưng kỹ thuật không có chính trị như người không có linh hồn. Liên xô trước cách mạng là một nước rộng, người đông mà lại lạc hậu, nhưng sau cách mạng vài mươi năm, từ một nước công nghiệp phát triển kém thành một nước giàu mạnh. Vì sao vậy? Vì chính trị. Nước ta vì sao cách đây 13, 14 năm là một nước nô lệ, Tây cứ “xà – lù, cô soong” mà bây giờ được như thế này? Vì sao trước đây cũng ruộng, cũng người mà nông dân chết đói đến 2 triệu người. Bây giờ cũng ruộng ấy, cũng nông dân ấy mà làm ăn lại khá hơn trước? Vì chính trị.

Hồi Bác ở Việt bắc, một đồng bào có trâu ốm báo cáo về Bộ, Bộ phái cán bộ về. Cán bộ nằm trên sàn gảy đàn ( thật là đàn gảy tai trâu), vì thế trâu chết. Vì sao trâu chết? vì anh cán bộ không có chính trị. Chắc các cháu đều tán thành tiến lên CNXH. Tiến lên CNXH là con người tiến lên, cho nên chúng ta phải công tác, phải lao động chứ không phải CNXH  trên trời rơi xuống. Một người XHCN phải có tư tưởng, đạo đức XHCN, Bác nói vắn tắt: trong người có 2 cái: tư tưởng XHCN là cái tốt, tư tưởng cá nhân chủ nghĩa là cái xấu. Các cháu có học vi trùng chứ? “ Vi trùng” các nhân chủ nghĩa đẻ ra một trăm thứ bệnh: siêng ăn, biếng làm, kèn cựa, hiếu danh, nghĩ đến cái gì lợi cho mình trước thì làm. Nếu phải dậy sớm tranh thủ làm viêc, anh cá nhân chủ nghĩa nghĩ rằng thôi thì dạy trễ cũng được. Phải nhờ anh em phê bình xây dựng cho. Có đầu óc XHCN, mới có con người XHCN, có con người XHCN nước mình mưói tiến lên CNXH được.

Phe XHCN do Liên xô đứng đầu tiến bộ rất nhanh về mọi mặt. Vì vậy các cháu phải cố gắng nhiều để theo kịp các nước anh em. Trong lúc các cháu có làm đôi việc như chọn giống, làm máy cấy, đó là do sáng kiến tập thể xây dựng nên. Mỗi một tiến bộ của các cháu là góp phần xây dựng miền Bắc, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà và góp phần bảo vệ hoà bình thế giới. Chúng ta quyết tâm nhất định làm được nhiệm vụ.

Các cháu có làm được không? Có quyết tâm không?

( Tất cả mọi người đồng thanh trả lời: Quyết tâm)

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #abc#tuananh