25-11-45 chỉ thị kháng chiến kiến quốc

Cách mạng Tháng Tám thành công đã đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 2-9-1945, tại Hội trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới về nền độc lập của nhân dân Việt Nam.

Nhà nước cách mạng non trẻ vừa mới ra đời đã đứng trước những thách thức tưởng chừng khó vượt qua của thù trong, giặc ngoài và những khó khăn về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội,... mà chế độ thực dân phong kiến để lại. Vận mệnh dân tộc như "ngàn cân treo sợi tóc". Đảng ta từ một Đảng hoạt động bí mật trở thành Đảng cầm quyền, đứng trước tình thế phức tạp, buộc Đảng lại phải rút vào hoạt động bí mật (dưới hình thức tuyên bố "Tự ý giải tán" từ ngày 11-11-19451), nhưng vẫn duy trì phương thức lãnh đạo "khôn khéo", "kín đáo". Vì vậy, các cơ quan lãnh đạo của Đảng phải có hình thức ban hành nghị quyết phù hợp, linh hoạt, bảo đảm lãnh đạo kịp thời công cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ.
Ngày 25-11-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc. Chỉ thị phân tích những thay đổi căn bản về tình hình quốc tế và trong nước sau chiến tranh, nhận định lực lượng hoà bình, dân chủ thế giới đã mạnh hơn lực lượng chiến tranh. Bốn mâu thuẫn cơ bản trên thế giới vẫn còn và ngày càng sâu sắc, nhưng mâu thuẫn giữa các dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa đế quốc gay go hơn hết ở Đông Nam Á. Về tình hình trong nước, Chỉ thị nhận định: chính quyền nhân dân đã được thành lập trên khắp đất nước nhưng đang ở trong tình thế vô cùng gay go, phức tạp, không những phải đối phó với thực dân Pháp xâm lược mà còn phải đối phó với quân Anh, quân Tưởng, với bọn phản cách mạng, với nạn đói và các khó khăn về kinh tế, tài chính.

Để có đối sách thích hợp với từng kẻ thù cụ thể, Chỉ thị đánh giá âm mưu, ý đồ của từng đế quốc. Mỗi kẻ thù ấp ủ những mưu đồ riêng, nhưng đều có chung dã tâm tiêu diệt Đảng Cộng sản, thủ tiêu nền độc lập non trẻ của nhân dân ta. Chỉ thị xác định: “Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng. Cuộc cách mạng ấy đang tiếp diễn, nó chưa hoàn thành, vì nước chưa được hoàn toàn độc lập… Nhiệm vụ cứu nước của giai cấp vô sản chưa xong. Giai cấp vô sản vẫn phải hăng hái, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng ấy… Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”1.

Nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của nhân dân lúc này là củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân. Trong những nhiệm vụ đó, nhiệm vụ bao trùm là củng cố chính quyền. Để củng cố chính quyền cách mạng, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ "kháng chiến" và "kiến quốc", Chỉ thị vạch ra những biện pháp toàn diện và cơ bản để thực hiện:
Về chính trị, tăng cường khối đoàn kết toàn dân chống thực dân Pháp xâm lược và xây dựng đất nước, củng cố chính quyền nhân dân bằng cách kiên quyết trừng trị bọn phản quốc, tiến hành tổng tuyển cử để bầu Quốc hội, lập Chính phủ chính thức và ban hành Hiến pháp; có thể cải tổ chính phủ trước khi bầu cử; sửa đổi cách làm việc của chính quyền nhân dân địa phương.

Về quân sự, động viên toàn dân kiên trì kháng chiến, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến lâu dài, dùng lối đánh du kích cùng với phương pháp bất hợp tác triệt để của nhân dân ở vùng địch chiếm đóng, mở rộng chiến tranh du kích ở Campuchia và phát triển tuyên truyền vũ trang trên đất Lào.

Về ngoại giao,kiên trì chủ trương ngoại giao với các nước theo nguyên tắc "bình đẳng, tương trợ". Phương châm là "làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết"1 và "muốn ngoại giao được thắng lợi là phải biểu dương thực lực"2. Đối với Tưởng thì chủ trương Hoa - Việt thân thiện; đối với Pháp, độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế.

Về kinh tế và tài chính, mở lại các nhà máy do Nhật bỏ, khai thác các mỏ, cho tư nhân được góp vốn vào việc kinh doanh các nhà máy và mỏ ấy, khuyến khích các giới công thương mở hợp tác xã, mở các hội cổ phần tham gia kiến thiết lại nước nhà. Thực hiện khuyến nông, sửa chữa đê điều, lập ngân hàng, phát hành giấy bạc, định lại ngạch thuế, lập ngân quỹ toàn quốc, các xứ, các tỉnh. Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chống nạn đói theo khẩu hiệu "Tấc đất tấc vàng", "Sẻ cơm nhường áo", "Công việc cứu đói cũng cần như việc đánh giặc".

Về văn hoá, tổ chức bình dân học vụ, tích cực bài trừ nạn mù chữ, mở các trường đại học và trung học, cải cách việc học theo tinh thần mới, bài trừ cách dạy nhồi nhét, cổ động văn hoá cứu quốc, kiến thiết nền văn hoá mới theo nguyên tắc: khoa học hoá, đại chúng hoá, dân tộc hoá.

Về Đảng và Mặt trận Việt Minh, phải duy trì hệ thống tổ chức bí mật và công khai của Đảng, trong đó coi hoạt động bí mật là gốc. Tích cực phát triển đảng viên, chú trọng các cơ sở trong xí nghiệp. Mở rộng các tổ chức nghiên cứu chủ nghĩa Mác; giữ sinh hoạt Đảng đều đặn; thành lập đảng đoàn trong các cơ quan hành chính và các đoàn thể quần chúng; xây dựng hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội. Thống nhất các tổ chức cứu quốc trên toàn xứ và toàn quốc; mở rộng Mặt trận Việt Minh, lập các đoàn thể cứu quốc mới, giải quyết những mâu thuẫn giữa Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban Việt Minh; củng cố quyền lãnh đạo của Đảng trong Mặt trận, thống nhất Mặt trận Việt Nam - Lào - Campuchia chống Pháp xâm lược.

Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương ngày 25-11-1945 đã hoạch định chủ trương, sách lược đúng đắn của Đảng sau Cách mạng Tháng Tám, khi đất nước ở trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Nhờ có chủ trương đúng đắn, sáng suốt và nhiều quyết sách kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cách mạng Việt Nam đã vượt qua những thách thức hiểm nghèo, tranh thủ từng thời gian hoà bình quý báu để xây dựng thực lực, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: