oneshot
Tôi liếm lấy liếm để cây kem dừa đang chảy tong tong ra tay. Đáng ra tôi đâu cần phải gấp rút thế này nếu thằng Hiển mua kem nhanh nhẹn hơn. Cái tính nó mua được có hai que kem mà hát hò, nhảy múa mãi không mang về đến nhà, thành ra mới có chuyện này xảy ra. Ấy thế nhưng thằng Hiển nó lại ăn lẹ hơn tôi, ăn xong nó đã kịp ngắt một chùm cỏ 3 cánh rồi. Thằng này tính nó hay mộng mơ, ngày nào cũng ngắt cỏ với hy vọng sẽ sở hữu được chiếc cỏ 4 cánh trong truyền thuyết. Nó phấn khích đẩy vai tôi:
- Ê, Hải Lân! Mày có nghĩ thần tiên có thật không?
- Là sao?
- Là ông bụt, cô tiên nè, thiên thần nữa, giống trong Tấm Cám á mày. Tao muốn một lần được thấy họ.
Tôi nhún vai cười trừ:
- Có đếch đâu mày ơi! Trừ phi mày thích ai nghiệt ngã đi thì may ra có ai đó hiện ra chửi mày ngu đấy.
- Mày đúng là nhạt nhẽo mà. Tối ngày chỉ biết học học học thôi.
- Có mày sến súa đấy, Hiển ạ.
Thật lòng thì không phải tôi chưa từng mộng tưởng đến những chuyện như thế. Tôi muốn được một lần đặt chân đến vùng đất mộng mơ, được chạy nhảy trên những ngọn cỏ xanh mượt. Tôi muốn được cầm cọ vẽ, vẽ lên Utopia của riêng tôi, vẽ lên nàng thơ của tôi. Đúng vậy, là 'nàng thơ' của tôi.
- Mày đừng có như vậy. Xinh xắn, đáng yêu, học giỏi như mày chắc chắn một ngày sẽ có tiên nữ nào đó đến giúp mày thôi.
Tôi nhìn nó rồi lặng đi một hồi lâu. Tôi cắn nốt miếng kem cuối cùng rồi vứt que vào túi bóng. Thằng Hiển thấy tôi vậy cũng hiểu tôi đang nghĩ gì, nó trầm giọng xuống, cười cười giải thích với tôi:
- Chuyện mày thích con gái tao biết mà.
- Sao mày biết được? Lộ đến vậy hả mày? Bố mẹ tao không biết phải không?
Và rồi tôi vừa hỏi vừa lắc vai nó, giọng cũng trở nên run rẩy. Nó vỗ vai trấn an tôi.
- Tao là bạn thân mày mà, hồi cuối lớp Sáu mày thích chị Hân khối 9 tao biết. Nhưng tao không nghĩ có ai biết về chuyện này đâu. Mày cũng yên tâm đi, tao vẫn ở đây, vẫn là bạn thân của mày. Tao sẽ bảo vệ mày! Nói vậy chứ bố mẹ mày mà biết thì tao không biết sao.
- Tao không biết nữa mày, tao vẫn thấy mơ hồ lắm. Tao không biết mình có thật sự cảm mến ai đến mức được gọi là thích không? Chắc tao chẳng thích giới nào luôn quá! Chị Hân đối với tao chỉ là lòng cảm mến thôi mày. Với tao không nghĩ tính tao thích người đã có người yêu đâu. Lại còn là người yêu chị họ tao nữa.
Càng về sau tôi càng nói nhỏ hơn, đúng hơn là thì thầm. Vì cái chuyện này mà bị ai nghe thấy thì không hay đâu. Cái xóm này có chuyện gì mà không biết. Người này truyền tai người kia rồi câu chuyện nó cũng chẳng ra đâu vào với đâu. Mà chuyện thì toàn từ con Yến lớp kế bên mà ra. Nhỏ đó thì đanh đá lại còn học kém, nhưng cái miệng thì tối ngày bép xép nên bọn tôi ghét nó lắm. Tôi nhớ hôm đó là lần đầu chị họ tôi và chị Hân hôn, dù cũng chỉ là phớt qua thôi, nhưng nó cũng đã thể hiện tất cả rồi. Tôi chỉ là vô tình thấy khi đang trốn đi chơi với thằng Hiển, từ đó thì tôi và nó cũng biết về chuyện này. Không ngờ được rằng nhỏ Yến cũng trông thấy, nếu tôi và thằng Hiển không "đút lót" cho nó thì có lẽ giờ cả hai chị đã bị ép cưới chồng sinh con hết rồi đấy.
Còn nhớ lần đầu tôi gặp chị Hân là năm lớp Năm. Trước đó huyện tôi mở trường dạy từ lớp Năm đến lớp Chín, nhưng đến năm tốp học sinh như tôi lên lớp Năm thì trường mở thêm lớp Mười. Vậy là tôi có cơ hội chung trường với chị Hân. Mới đầu chị giúp đỡ tôi nhiều lắm, tôi nghĩ bản thân cũng có chút cảm nắng, nhưng không phải theo hướng thằng Hiển nói. Về sau tôi để ý được sự kì lạ giữa mối quan hệ của chị Hân và chị Trí. Biết về sự thật tôi cũng không có gì bất ngờ. Tiếc là hết năm lớp Mười, chị họ tôi phải lên Hà Nội để học tiếp, còn chị Hân vì không có đủ điều kiện nên ở nhà học may vá cùng mẹ. Có một điều tôi khá thắc mắc là tại sao các chị giấu chuyện này giỏi đến thế. Chị Trí dù đi học xa nhưng không bao giờ quên gửi thư về hàng tuần. Tại sao chúng tôi biết được chuyện này? Cơ bản vì lần nào họ Kim kia gửi thư về, họ Phạm lại được dịp kể lể về bạn người yêu hoàn hảo của mình với chúng tôi. Thấy họ vậy mà tôi không nỡ nghĩ đến cảnh hai người phải chia xa.
Tôi dần nghĩ về những mối quan hệ xung quanh mình nhiều hơn. Tôi không rõ về cảm giác của trái tim mình, nhưng cũng tự dặn rằng mình còn nhỏ, những chuyện này chưa đến lúc bận tâm. Nhưng đến tận bây giờ, tôi đã học lớp Bảy, cũng chẳng có ấn tượng với bất kỳ ai.
- Ừ nhở! Chẳng biết chị Trí trên Hà Nội sao rồi.
- Chắc đang vừa học vừa viết thư cho bạn yêu Phạm Ngọc Hân chứ gì!
Thằng Hiển vừa nói thì cả hai lăn ra cười vì bọn tôi nghĩ cùng một cảnh sến súa quen thuộc mà chúng tôi đã được "tiêm nhiễm" vào đầu. Đúng là tâm đầu ý hợp, tri kỷ tri kỷ! Đang cười chưa kịp hết trận, thì tiếng chửi từ mẹ tôi phá luôn cái bầu không khí vui vẻ này.
- HẢI LÂN MÀY LẠI RÔNG ĐI ĐÂU CHƠI NỮA HẢ? MÀY MÀ KHÔNG VỀ NHANH TAO KHÓA CỬA ĐỪNG HÒNG MÀ VỀ.
Đến nữa rồi! Mẹ tôi ngày nào cũng la lối om sòm, không để làng xóm yên được buổi nào. Từ chuyện ông chồng cờ bạc rượu bia của bà mà tôi cũng bị chửi lây. Rất khó để tôi có thể trốn đi chơi được với thằng Hiển. Không phải là tôi ham chơi, nhưng sao có thể chịu nổi được cái cảnh cả tuần chỉ có đi học về nhà rồi lại học tiếp mãi chứ. Nói gì thì nói bà cũng là mẹ tôi, sao mà dám cãi lời.
- Tao về trước nha, không mẹ tao bã lại khùng lên bây giờ.
Nói rồi tôi đập đập vai nó rồi chạy đi.
- Ê quên khăn quàng nè má!
- Ném đây cho tao.
Đang chạy thì phải "thắng lại" để nó ném khăn cho tôi. Không hiểu lúc đó nó nghĩ gì mà quấn cái khăn vào cục đá mà ném được. Vậy là cái mặt xinh xắn của tôi nhận nguyên một cục đá vào mặt.
- Mày muốn giết tao hay gì hả!?
- Tao buộc vào cho dễ ném thôi.
- Thằng ngu này!
Cũng chẳng còn thời gian để đôi co với nó nữa nên tôi vội quyệt máu, nhặt khăn đi về.
*
- Con chào mẹ.
- Bây giờ mấy giờ rồi mà mày mới vác cái mặt về.
- Con chỉ mới về học được có nửa tiếng thôi mà mẹ.
- Tao đã bảo mày bao nhiêu lần rồi, là việc của mày là học, học và học. Mày nhìn mẹ như này mà mày không thương tình mẹ chút được sao? Thằng cha mày nợ nần rượu bia tối ngày như vậy, mẹ phải nuôi cả hai cái mạng người. Còn không lo học cho mẹ được nhờ tí hả?
- Vâng.
Tôi chỉ trả lời qua loa cho xong bổn phận rồi bỏ đi vào phòng.
Cứ mỗi lần mẹ tôi bực mình là lại bắt đầu lôi chuyện này ra khiển trách. Gia đình tôi không phải thuộc hàng khá giả gì, bố thì không có việc làm đâm ra chán nản mà lâm vào con đường rượu bia, cá cược rồi nợ nần. Mẹ tôi khâu nón lá cũng chỉ làm tàng tàng thôi. Thương thì đương nhiên tôi thương mẹ rất nhiều, tôi cũng buồn vì chính bản thân mình cũng chưa giúp gì được cho mẹ. Nhiều lúc tôi cũng ngỏ ý muốn nghỉ học để đi làm phụ mẹ, nhưng câu trả lời tôi luôn nhận được là "Làm ăn cái gì. Lo mà học sau này làm bác sĩ cho tôi được nhờ." Tôi không dám cãi lời mẹ, chỉ biết làm theo những gì mẹ định hướng thôi. Và rồi khi tôi lớn hơn, tôi mới nhận ra mình không hứng thú học thứ mà mình đang bị ép buộc học. Tôi không phải là lười học, điểm số thì vẫn cao ngất ngưởng, nhưng dần dà tôi có khao khát được vẽ. Tôi muốn tự tay mình vẽ ra thứ đẹp đẽ nhất trên thế giới này.
Chú Huấn ở đầu xóm nói tôi có năng khiếu và rất khéo tay. Chú ấy tốt bụng lắm! Thế mà mọi người xóm tôi không thích chú ấy, họ nói chú là bất tài, nhưng tôi thấy chú vẽ đẹp lắm mà? Có lần chú Huấn nói với tôi, chú thích vẽ bởi vì thế giới này quá tàn nhẫn để những thứ xinh đẹp được hiện diện. Mới đầu tôi không hiểu ý chú muốn truyền lại cho tôi là gì, nhưng rồi chú cho tôi chiêm ngưỡng những bức tranh chú vẽ. Và tôi hiểu ra dường như chú đang vô cùng hạnh phúc trong thế giới của riêng chú ấy. Chú kể bản thân đã được tự do vẽ ra những thứ chú muốn thế nào. Trong số đó, tôi thấy bức tranh của một người phụ nữ vô cùng xinh đẹp, dường như không có đến một khuyết điểm. Tôi hỏi chú đó là ai. Chú chỉ ngậm ngùi trả lời cô ấy là nàng thơ của chú, nhưng nàng thơ ấy không còn nữa. Lúc đó tôi không hiểu "nàng thơ" là gì, tôi cũng không hỏi chú. Tôi từng nói mình muốn vẽ lên nàng thơ của riêng bản thân, ngay cả khi tôi còn chẳng hiểu chính xác nghĩa của nó là gì. Và bây giờ tôi chỉ có một khao khát được vẽ, được thấy, được hiểu, được tìm ra định nghĩa của thứ mà tôi cho rằng khá trừu tượng đối với tôi.
Đêm đó tôi cứ thao thức chẳng hiểu làm sao, cả đêm tôi không ngủ được dù đã cố nhắm mắt, như là đã uống cả lít cà phê vậy. Đột nhiên tôi nảy ra một ý này khá hay, ít nhất là hay đối với tôi. Nghĩ là làm ngay, tôi lục ục đi tìm giấy vẽ và màu chì, và hành trình đi tìm nàng thơ bắt đầu! Tôi cứ ngồi loay hoay rung tay rung chân nghĩ ra một hình bóng nào đó thật xinh đẹp. Cứ vò đầu bứt tóc rồi cắn tẩy, nghĩ lại tôi cũng chẳng hiểu lúc đó cục tẩy có gì ngon mà tôi gặm ngon lành thế. Tôi cầm tờ giấy giơ lên ánh trăng, tùy tiện để ánh sáng trong veo của nó chiếu qua, cầu mong nhận được câu trả lời cho câu hỏi mà tôi đang tìm kiếm. Tôi cứ giữ nguyên tư thế cầm giấy cho tới khi tay đã mỏi lừ thì từ từ hạ xuống. Ngay lúc ấy tôi mới để ý có một bóng trắng nào đó đang ngồi trên cành cây cổ thụ cách nhà tôi khoảng 10m. Ma!? Tim tôi đập nhanh hơn bao giờ hết. Toan chạy lại giường chùm chăn thì bóng trắng ấy nhảy xuống khỏi cành cây, từng hành động của cô ấy nhẹ nhàng và uyển chuyển như cách một con mèo nhảy xuống vậy. Tôi thấy miệng cô ấy lẩm bẩm gì đó, dù ở rất xa nhưng tôi cảm nhận như có một giọng nói nào đó thì thầm bên tai.
Theo tôi!
Đáng lẽ ra tôi phải rất sợ hãi, nhưng không, lần này tôi như bị mê hoặc bởi cô gái kia. Tôi nhảy qua cửa sổ, chạy theo bóng trắng đằng trước. Khung cảnh bây giờ chẳng khác nào cô chạy tôi đuổi. Nói thì nghe hơi kì, cơ mà nói thật thì cái cách tôi tả chẳng khác gì một tên biến thái.
Tôi cứ đi theo người trước mặt vào khu rừng gần trường và dừng lại trước một cái hồ nhỏ. Nó đẹp vô cùng, rất khác với những chiếc hồ khác, nước hồ trong và đầy những cánh hoa rụng trên đó, có thể tôi hoa mắt hoặc không nhưng tôi đã thấy chiếc hồ đó như phát sáng. Người bên cạnh tiến đến gần tôi. Tôi cứ ngắm nhìn gương mặt xinh đẹp ấy mãi. Người nọ mặc một chiếc váy trắng tinh khôi. Gương mặt mang nét đẹp thanh tao và dịu dàng, có chút nét tây tây. Mắt người nọ to tròn và long lanh lắm! Ánh sáng của mặt hồ chiếu vào lại càng làm đôi mắt ấy lấp lánh hơn. Người đối diện hít một hơi rồi nói:
- Này em, em tên gì thế?
Tôi phải nhìn người nọ trong một chốc nữa mới chợt tỉnh để trả lời câu hỏi kia.
- Tôi là Khương Hải Lân. Còn mày...à không cậu, ơ hay gọi là chị nhỉ, thôi nói chung là tên gì?
Nói thật thì bởi tôi sống ở quê, mấy người bằng tuổi tôi xưng là "mày", tôi cũng chẳng mấy khi gặp quen bạn mới, chẳng hiểu vì sao trong cái thời khắc này tôi không biết phải xưng hô sao cho phải lẽ. Người kia thấy tôi bối rối thế thì bật cười. Người ta có mắt cười đẹp lắm đấy! Tôi ngẩn người ra khó hiểu, chuyện này thì có gì thú vị để cười sao, tôi chỉ thấy xấu hổ chết đi thôi.
- Mưu Trí Tuệ là tên tôi. Tuệ năm nay 13 tuổi rồi.
- Lân 12. Tại sao chị ở đây mà chưa về nhà?
Chị cười nhẹ rồi nhìn ra chiếc hồ xinh đẹp bên cạnh.
- Đây là nhà của Tuệ. Tuệ sống ở đây.
Với cái bộ óc của một đứa nhóc 12 tuổi, khi ấy tôi không nghĩ gì nhiều, trong đầu nảy ra một thắc mắc. Tôi gãi đầu:
- Ủa thế chị lấy gì ăn?
- Thức ăn hả-
Chị chưa kịp nói xong thì tôi giơ năm ngón tay ra trước mặt chị ra hiệu im lặng. Tay còn lại cố lục lọi túi quần để tìm chiếc kẹo mút trái tim màu đỏ mà chiều nay có một bạn trong lớp cho tôi. Đương nhiên tôi không ngu ngơ đến mức không nhận ra sự cảm mến của bạn kia dành cho tôi. Mặc kệ tôi có từ chối nhiều lần thì cậu bạn này vẫn "ép" tôi lấy cho bằng được. Lúc nhận tôi cũng đâu có nghĩ chiếc kẹo sẽ có tác dụng như thế đâu. Tôi chìa chiếc kẹo ra trước mặt chị:
- Có cái kẹo này nè. Lân chưa ăn nên không biết vị nó ra sao, nhưng Lân nghĩ nó sẽ ngon, chị thử đi cho đỡ đói bụng.
Chị không định tiếp tục câu nói hồi nãy mà chỉ nhận lấy chiếc kẹo rồi xoa đầu tôi cảm ơn. Chưa bao giờ tôi thấy tim mình đập nhanh đến vậy, có lẽ đây chính là cái cảm giác thổn thức mà thằng Hiển vẫn hay huyên thuyên về. Chị ngồi bên hồ ngâm chân xuống nước. Tôi nghiêng đầu nhìn xuống mặt hồ, chị không đi dép? Tôi đã đi theo cả quãng đường mà lại không để ý rằng chân chị không có một thứ gì bảo vệ. Tôi cũng lại gần bờ hồ và ngồi bên cạnh Trí Tuệ.
- Chân chị có đau không?
Chị lắc đầu:
- Không. Tuệ không đau. Tuệ quen rồi.
Tôi nghe vậy cũng bĩu môi, ngồi đung đưa chân. Rồi một bầu không khí ngượng nghịu cũng đến. Chúng tôi chẳng ai nói lời nào, chị thì vẫn tiếp tục ăn hết chiếc kẹo mút, còn tôi chỉ biết đá đá những bông hoa dưới hồ. Phải công nhận nơi này đẹp đến nao lòng, em chưa bao giờ thấy chiếc hồ nào lộng lẫy đến vậy. Và vì sự hiện diện của người kế bên, em lại càng thấy nơi này mơ mộng hơn. Chị đẹp như một tiên nữ, như một thiên thần nơi thiên đàng không sầu khổ. Tôi không dám nhìn chị, sợ rằng mình sẽ đắm chìm trong ánh mắt trong veo ấy.
Đột nhiên chị dựa vào vai tôi rồi đung đưa chân nhanh hơn. Chị nói nhưng không nhìn tôi:
- Này, em có muốn đến nhà của Tuệ xem không?
- Nhưng chị nói đây là nhà của chị mà.
- Đúng rồi, đây là nhà của Tuệ.
Trí Tuệ đứng dậy và nhảy xuống hồ, chị quay đầu lại rồi nhìn tôi như ý chờ đợi. Tôi còn chần chừ nhưng rồi cũng nhẹ nhàng đặt chân xuống. Hồ này không quá sâu chỉ lưng chừng đến bụng tôi thôi, nước cũng rất ấm. Chị tiến lại gần và đỡ lấy tay tôi. Tôi có thể cảm nhận được chiếc hồ đang dần sâu hơn, tưởng như nền đất đang lún xuống vậy. Tôi vùng vẫy chân tay nhưng chị càng nắm tay tôi chặt hơn. Chị xoa xoa mu bàn tay tôi để tôi bình tĩnh hơn, nhưng tim tôi vẫn thấp thỏm không ngừng. Lúc đó tôi sợ đến suýt khóc, chỉ nãy ra câu hỏi là mình bị lừa rồi sao, tôi chưa muốn chết.
- Em cứ bình tĩnh đi, Tuệ đang ở đây mà.
- Lân sắp chết rồi, huhu.
Tôi khóc không ra nước mắt ôm lấy cổ chị.
- Bây giờ Tuệ sẽ đưa em tới nhà của Tuệ.
Rồi chị kéo tôi xuống hồ, tôi sợ hãi nhắm nghiền mắt không dám cử động, cứ để bản thân trôi theo hướng mà chị kéo tôi theo. Có lẽ bây giờ tôi dám khẳng định là chiếc hồ đã thực sự sâu hơn, chứ không hề do tôi tưởng tượng. Cảm giác được có bàn tay đang chạm vào gương mặt mình, tôi liều mạng mở mắt ra. Chị tròn mắt nhìn tôi, thấy tôi đã bình tĩnh hơn thì nhoẻn miệng cười.
- Mình xuống chỗ kia nha.
Chị chỉ tay xuống một cái cửa được trang trí xung quanh là hoa. Tôi nhìn chị rồi gật đầu, xong lại nhắm nghiền mắt vào. Nhưng rồi tôi hé mở mắt ra khi nghe thấy tiếng cười khúc khích của người trước mặt.
- Em cứ mở mắt ra đi, không sao đâu!
Chị đưa tôi xuống chiếc cửa đó. Chúng tôi bước vào trong. Dường như cánh cửa này đã được tách biệt hoàn toàn với nguồn nước bên ngoài, tôi bình tĩnh hơn khi không còn thấy nước xung quanh mình nữa. Chị nắm lấy tay tôi đi qua chiếc hầm đó. Ánh sáng dần le lói, chiếu lên chân, lên tay, rồi lồng ngực đang phập phồng hồi hộp của tôi. Tôi bước lên một bước nữa.
Đẹp quá! Thứ duy nhất tôi muốn thốt lên khi thấy hình ảnh hùng vĩ trước mắt. Thì ra Trí Tuệ sống ở một nơi thật tuyệt vời.
Đó là một cánh đồng cỏ xanh rộng bát ngát. Gió thổi mạnh tung bay cả quần áo và mái tóc ướt của chúng tôi. Cơn gió ở đây mát mẻ và tươi mới, không hầm hập như cái gió nóng ở quê tôi. Tôi nhắm mắt ngẩng đầu lên hít hà mùi thơm thoang thoảng của cây cỏ. Chị buông cái nắm tay ra và chạy đi, cảm nhận được sự im lặng của tôi, chị ngoảnh lại vẫy tay gọi:
- Hải Lân ơi, em lại đây đi, Tuệ còn nhiều thứ vui lắm.
Ôi cái khoảnh khắc chị gọi tên tôi, chưa bao giờ tôi thấy tim mình bồi hồi đến thế. Đầu tôi cứ lặp đi lặp lại giọng nói ngọt ngào của chị. Chị lại cười tươi và vẫy tôi một lần nữa. Trước giờ tôi không biết mình thích thứ gì, nhưng có lẽ đến hiện tại đối với tôi, nụ cười tươi tắn, hồn nhiên trong sáng của Trí Tuệ chính là thứ tôi yêu nhất. Tôi muốn được thấy chị cười tươi như thế, từ đôi mắt biết cười đến đôi môi ấy đều thật xinh đẹp. Tôi cũng nở một nụ cười đáp lại chị và chạy đến bên người trước mặt.
- Em thấy cái nhà kia không?
- Dạ có.
- Đó là nơi Tuệ ở.
Theo hướng tay chị chỉ là một ngôi nhà nhỏ ở trên đỉnh đồi, nó không quá to, nhưng giản dị và rất xinh xắn. Chúng tôi rất nhanh đã đến căn nhà ấy. Bên trong cũng khá giống bên ngoài, không có gì quá đặc sắc. Không hiểu sao khi nhìn căn nhà này, tôi lại liên tưởng đến nhà của chú Huấn, nó cũng đơn giản và ngăn nắp, nhưng lại có gì đó rất cầu kỳ mà tôi không thể tả được. Tôi tò mò đảo mắt thăm dò quanh căn nhà rồi đặt sự chú ý ở góc nhà. Tôi tiến lại gần chiếc đàn dương cầm, bên trên có một chiếc đàn vĩ cầm, và bên cạnh chiếc vĩ cầm có hai bông hoa trắng, tôi đoán là làm bằng sứ.
- Chị biết chơi đàn hả?
- Tuệ chỉ biết chơi vĩ cầm thôi. Bố mẹ Tuệ mới chơi dương cầm.
- Lân muốn học dương cầm.
- Vậy hả?
- Lân muốn học để chơi cùng chị.
Chị xoa đầu tôi, tôi không nói là mình thích được chị xoa đầu như thế đâu. Rồi hai hàng lông mày của chị cau lại, chị đặt tay lên má nơi tôi bị thương hồi chiều. Và đột nhiên tôi không còn cảm thấy đau nhức nữa, vết thương của tôi đã tan biến. Tôi ngơ ra nhìn, có lẽ lúc đó trông cái bản mặt tôi ngu lắm. Tôi chớp chớp mắt rồi hỏi chị:
- Chị có phép thuật sao?
- Chị chỉ chữa lành được những vết thương cơ bản thôi.
Chị thật sự là một tiên nữ sao? Là thật ư? Nhưng cái ý nghĩ của tôi đã nhường chỗ cho một thứ khác thu hút được sự chú ý của tôi. Tôi chạy lại gần cửa sổ. Chỉ tay ra hướng đằng xa, đó là một lâu đài có vẻ đã bị tàn phá, hoặc vì một lý do nào đó mà làm cho đổ nát. Nó cách đây khá xa, cũng ở phía đồi bên kia. Tôi hỏi chị:
- Kia là gì thế chị?
Tôi chờ một lúc không thấy câu trả lời liền quay người lại kiểm tra, chỉ thấy chị đang nhìn xuống sàn, gương mặt cũng trở nên ngượng nghịu.
- Tuệ từng sống ở đó.
*
Tôi bị ánh sáng ngoài cửa sổ làm cho tỉnh giấc. Nhìn quanh phòng, tôi phát hiện mình tỉnh dậy trong chính căn phòng của mình. Chẳng lẽ mình chỉ mơ thôi sao? Tôi ngồi dậy thở hắt, tôi đã thực sự mong đây là sự thật. Nhưng rồi tôi cũng gạt chuyện này qua một bên để chuẩn bị đi học.
Dù tự dặn sẽ gạt chuyện này qua một bên, nhưng cả buổi học hôm ấy tôi cứ nghĩ về nó mãi. Chiếc hồ ấy có thật không? Thế giới kia có thật không? Và Trí Tuệ có tồn tại không? Giờ ra chơi, tôi kể cho thằng Hiển, nó cười khoái chí trách tôi không tin nó, thần tiên có thật. Tôi vẫn phản kháng lại nó, nói chuyện này chỉ là giấc mơ thôi. Nhưng thật tâm thì tôi mong Trí Tuệ là thật.
Không hiểu vì sao, dù chỉ gặp một lần nhưng tôi không thể nào quên đi được bóng hình của chị. Từ khi ấy đêm nào tôi cũng mong ngóng Trí Tuệ xuất hiện dẫu chỉ một lần nữa thôi. Hôm nào tôi cũng mệt mỏi vì những đêm dài thức trông. Thằng Hiển từ cười cợt vì sự cứng đầu của tôi, đến khuyên răn "năn nỉ" tôi quên. Nó bảo hai cái quầng thâm mắt của tôi còn đen hơn cái tương lai của nó rồi. Nhưng tôi nghĩ, trên cái thế gian này còn thứ gì đen hơn tương lai nó nữa sao?
Tìm được thời cơ, tôi trốn đến nhà chú Huấn kể cho chú về chuyện này. Chú chỉ cười rồi xoa đầu tôi.
- Cháu thật sự nhớ con bé đó đến vậy sao?
Tôi nhăn mặt, rồi khua tay múa chân giải thích.
- Đâu, cháu có nhớ đâu... Ý là...Ý là cháu cũng hơi nhớ chút thôi.
Chú được dịp lại trêu tôi nhiều hơn. Chú lấy cho tôi một cái bút chì và tờ giấy trắng.
- Cháu thử vẽ con bé cho chú xem, biết đâu chú lại biết.
- Không được đâu chú ơi!
Tôi chối rồi lắc đầu lia lịa. Tuy rằng tôi vẽ được, nhưng cũng không thể vẽ chân dung, lại còn là người trong trí tưởng tượng, cũng không đời nào chú quen Trí Tuệ được. Mà nghĩ lại tôi thấy chú Huấn cũng thật biết đồng cảm, nếu mà là người lớn khác thì họ sẽ chửi tôi nghĩ ngợi linh tinh rồi. Nhưng với chú Huấn thì không, chú luôn luôn ủng hộ và đứng về phía tôi.
Dù nằng nặc chối không vẽ được, nhưng đêm ấy, tôi cũng lôi giấy bút ra tập tành vẽ vời cũng là một ý tưởng hay mà. Thỉnh thoảng tôi đến nhà nhờ chú Huấn chỉ dạy cho vài đường. Ngày qua ngày tôi cũng hoàn thành được từng đặc điểm của chị, tôi chỉ sợ chưa kịp hoàn thiện hết thì kí ức của tôi về chị cũng dần phai mờ đi. Vậy nên tôi lại càng phải khẩn trương hơn.
*
Xong rồi! Đúng rồi! Mình làm được rồi!
Cuối cùng tôi cũng hoàn thành xong bức chân dung của người con gái mà tôi vẫn trông mong những ngày qua, à không, thời gian mà tôi bỏ ra để nhung nhớ này đã được tính bằng tháng. Ba tháng dài đằng đẵng, tôi chỉ mong chị sẽ quay lại thêm một lần nữa, nhưng niềm hy vọng của tôi đã hoàn toàn bị dập tắt. Biết trước sẽ có chuyện này nên tôi mới đặt nhiều tâm huyết vào bức chân dung này đến thế, ít ra thì tôi sẽ không thể quên đi được Trí Tuệ, một giấc mơ tuyệt đẹp đã được lưu giấy vẽ. Nếu theo tháng năm mà tôi quên hoàn toàn Trí Tuệ, có lẽ cả đời tôi sẽ mới hối hận vì điều này mất.
Mặc kệ trời mưa, tôi chạy thẳng đến nhà chú Huấn và gõ cửa. Lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba. Tôi có đập cửa nhiều đến thế nào chú cũng không mở cửa. Nhận thấy điều chẳng lành tôi trực tiếp mở cửa xông vào. Chú Huấn đang ngồi trước khung vẽ, tay cầm cọ đặt trên kệ màu, tay còn lại để trên đùi. Một lần nữa chú vẽ lại người con gái mà chú gọi là nàng thơ của chú. Tôi gọi chú thêm một lần nữa:
- Chú ơi, chú Huấn ơi.
Tôi gọi chú nhưng không nhận lại lời hồi đáp nào cả. Chú nhắm mắt. Tôi lay người chú. Chú không cử động. Tôi gọi tên chú lớn hơn. Chỉ có một khoảng không im lặng. Tôi đặt hai ngón tay lên mũi kiểm tra nhịp thở của chú. Chú đã tắt thở! Tôi sợ hãi điên cuồng, đẩy vai chú nhanh hơn.
- Chú ơi, chú ơi chú. Chú đừng ngủ nữa mà. Chú dậy xem cháu vẽ xong rồi nè. Chú từng nói muốn xem Trí Tuệ trông thế nào mà... Làm ơn, chú dậy đi mà.
Tôi khóc đến lả người đi, cả người mất hết sức lực mà ngả ra nền đất lạnh lẽo. Khi tỉnh dậy thì thấy mình không còn ở nhà chú nữa, mà đang nằm ở chính căn phòng của mình. Tôi ngồi bật dậy, mong rằng những điều vừa xảy ra chỉ là một giấc mơ thôi, như giấc mơ từng xảy ra về Trí Tuệ. Hoặc có thể khi chú dậy đã thấy tôi ở đó và bế tôi về. Tôi chạy một mạch đến nhà chú, nhưng thứ tôi nhìn thấy không phải hình ảnh chú Huấn đang cặm cụi vẽ tranh như mọi ngày. Mà là một đóa hoa trắng được đặt trước cửa nhà. Bên trong không có một ai cả. Tôi thấy một tờ giấy trắng đặt trên kệ màu.
Cố lên nhé, Hải Lân của Tuệ. Mong rằng em sẽ ổn!
-Mưu Trí Tuệ-
Tôi hét lên một tiếng để cố gắng giải tỏa những nỗi đau đang chất chứa trong lòng mình. Nhưng dù có khóc lóc thế nào, trái tim tôi vẫn không ngừng kêu gào thảm thiết. Tại sao chứ? Chú Huấn giờ đây đã không còn trên đời này nữa, tôi đã mất đi mãi mãi một người thân yêu. Còn Trí Tuệ, chị vẫn ở đây mà, tại sao chị không xuất hiện? Cớ sao chị muốn tôi đau khổ đến thế này?
Lại một lần nữa tôi gục ngã sau khi đã mệt lả.
*
Sau sự mất mát ấy, tôi cũng tập quên đi những chuyện không vui trong quá khứ. Thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm mộ chú, dù vẫn không ngăn bản thân khóc mỗi khi nhớ lại cái ngày một thiên thần như chú phải nói lời từ biệt với trần gian khi tuổi còn trẻ. Tờ giấy trắng từ Trí Tuệ tôi còn giữ, tôi còn "hận" chị nhiều lắm. Tôi vẫn đặt rất nhiều câu hỏi cho chính mình, có lẽ Trí Tuệ vẫn chỉ là một giấc mơ thôi nhỉ?
*
Gửi đến bố mẹ,
Con là Trí Tuệ của bố mẹ đây. Con sống ở đây vẫn rất tốt... thật ra là cũng không ổn lắm ạ. Bố mẹ ơi, con thấy cô đơn lắm! Đã ba tháng rồi con chẳng có cơ hội gặp gia đình mình. Sau vụ đại hồng thuỷ, khi biết con là người duy nhất sống sót và còn ở lại chốn này con đã rất sợ. Nhưng con đã gặp được một cô bé ở Trái Đất... là con người. Con xin thú nhận là mình đã đến Trái Đất dù bố mẹ đã nhiều lần cảnh báo. Nhưng bố mẹ đừng lo, Hải Lân tốt với con lắm ạ. Con cũng cho em ấy đến đây nữa, vậy thì có nguy hiểm không ạ? Có sai trái khi con đã theo dõi em ấy mấy tháng qua không? Con không biết nữa! Con cứ có cảm giác mình muốn đi theo bảo vệ cho cô bé nhỏ này vậy. Nhưng con không để em ấy thấy con đâu nên bố mẹ yên tâm. Chú của em ấy qua đời rồi... con đã đưa em về nhà, con cũng viết thư cho em ấy nữa. Bố mẹ ơi, làm vậy có dại dột quá không? Em ấy đã vẽ con, không biết Hải Lân có cảm giác giống con không nhỉ? Con lỡ thích Khương Hải Lân rồi, con nhận ra trong thời gian mình đi theo em, có lẽ con đã phải lòng em ấy. Rồi cái khoảnh khắc khi con chạm vào má của em ấy, tim con đã đập không thôi. Nhưng Hải Lân là con người mà!
Thôi con không nói về chuyện này nữa. Con sẽ cố gắng hoàn thiện lại lâu đài và đi cùng bố mẹ. Dù gì cũng đi tại sao con lại muốn sửa sang lâu đài này đến vậy chứ nhỉ? Buồn cười nhỉ? Nhưng nó rất có ý nghĩa với con. Rồi con sẽ sớm đi cùng bố mẹ thôi.
Con của bố mẹ,
Mưu Trí Tuệ.
*
Hôm ấy là một tuần trước khi Tết về trên làng xóm tôi. Dù trên đài đã vang lên giai điệu "Xuân đã về", nhưng thứ tôi cảm nhận được chỉ là cái lạnh của mùa đông vẫn đang bủa vây, bao trùm lấy tôi.
- Nghe nói nay Mẫn Trí nó về, mày có muốn ra đón nó thì ra.
Mẹ tôi thông báo trong khi cả nhà đang ăn sáng. Tôi không biết là Tết này chị Mẫn Trí được về nên biết tin tôi hào hứng lắm, mẹ tôi còn cho phép tôi đi chơi trước khi hoàn thành xong bài tập tết lại càng khiến tôi vừa thấy lạ vừa hào hứng hơn. Tôi ăn cho nhanh nhanh chóng chóng để ra đón chị họ. Trước khi đi tôi rủ thêm thằng Hiển đi cùng cho vui. Nó cũng háo hức chẳng kém gì tôi. Nhưng chúng tôi đều thừa biết, người vui nhất chẳng phải chúng tôi. Chắc chắn ở bến xe đã có một người con gái khác đã ra chờ từ lâu. Đúng như dự đoán, chúng tôi thấy chị Hân đang nhảy lên nhảy xuống cố sưởi ấm vì trời quá lạnh.
- Hê lô chị Hân.
Thằng Hiển trổ tài nói tiếng Anh. Tôi cũng vẫy tay chào chị.
- Chào chị Hân, chị dậy sớm vậy?
- Tại bạn iu của chị ấy mà.
Dạo này chị Hân đã dám bày tỏ tình cảm với chị Trí hơn rất nhiều. Trước đây dù biết rằng chúng tôi biết chuyện này, nhưng chị Hân vẫn luôn nói chuyện trong tâm thế giấu giếm và sợ hãi. Nhưng giờ thì chị đã dám bày tỏ ra những suy nghĩ của mình, đã thoải mái hơn với chúng tôi. Chúng tôi cũng lấy làm mừng!
Cuối cùng chiếc xe cũng đã tới, chờ cả xe xuống rồi mà chẳng thấy cái đồ mọt sách kia đâu. Thấy cái đầu lấp ló ở hàng ghế sau xe, tôi đẩy vai thằng Hiển rồi chúng tôi cười khúc khích. Thì ra là cố trốn xuống ghế để trêu chúng tôi đây mà. Trò này tôi với thằng Hiển biết tỏng, chỉ tội chị Hân cứ phải ngó nghiêng tìm người yêu mãi chẳng thấy đâu. Tôi kéo vai thằng Hiển lại nói.
- Eo, tao mà là chị Hân, chắc tao đấm bà Trí luôn quá.
Thằng Hiển thì thầm vào tai tôi.
- Nhây vãi luôn mày, khéo bị tài xế chửi thì vừa lắm.
Rồi chuyện gì đến thì cũng đến, bà Trí thật sự đã bị bác tài xế nhắc nhở mới chịu xuống. Đã thế còn vừa gãi đầu vừa đi xuống nữa chứ, ngố như này ai mà tin được thủ khoa kì thi vừa rồi cơ chứ. Chị Trí chào chúng tôi rồi cũng vứt qua một xó để qua ôm bạn yêu của chị. Xong, chúng tôi vừa đi về nhà và nói chuyện rôm rả.
Có chị Trí mấy ngày hôm ấy tôi vui hơn hẳn. Chị cứ huyên thuyên về đủ thứ chị trải nghiệm được trên mảnh đất thủ đô rộng lớn ấy. Từ việc học hành đến sinh hoạt đời sống. Nhóm chúng tôi có tôi, thằng Hiển, chị Hân và chị Trí, cứ lượn hết chỗ này đến chỗ kia khám phá với nhau. Khổ cái cứ đang chơi thì tôi lại bị mẹ lôi cổ về. Chúng tôi đi từ xã này qua xã khác, đến cả ngoài huyện nữa. Đột nhiên tôi nhớ đến Trí Tuệ. Tôi vẫn luôn mông lung với câu hỏi, liệu Trí Tuệ có thật chứ? Tờ giấy thư kia cũng chẳng chứng minh được điều gì với tôi cả. Và tôi tự nảy ra một mong cầu, giá như chị ấy có thật, có lẽ bây giờ chúng tôi cũng đang vui vẻ cùng với nhóm rồi.
Tôi cũng kể cho Mẫn Trí về chuyện này. Chị họ tôi chỉ cười một cái rồi nói điều này quá hoang đường. Tôi cũng chẳng dám cãi gì chị, vì ai nghe vào mà chẳng thấy hoang đường cơ chứ, như tôi nghĩ lại còn thấy chẳng thật chút nào, chỉ là cái tội cứng đầu của tôi là vẫn có chút hy vọng. Nhưng có một điều chị Mẫn Trí nói mà làm tôi cứ suy nghĩ mãi.
"Mà cũng nửa năm rồi mày chưa quên con bé đó, thì mày thích nó rồi còn gì."
Lúc đầu tôi cũng suy nghĩ khá nhiều nhưng rồi cũng phủ nhận. Không đời nào! Tôi mới gặp Trí Tuệ đúng một lần duy nhất sao có thể nào thích được chứ. Nhưng chị ấy có một sức hút gì đó mà làm tôi không thể quên được. Duyên chăng? Thôi xàm quá!
Một tuần trước Tết ấy cũng chính là tuần mà chúng tôi được thấy chị Trí và chị Hân vui đến vậy. Ai mà ngờ được sẽ có chuyện không hay xảy ra chứ!
Sáng hôm sau đêm giao thừa, mùng một xóm tôi hắt hiu chẳng có lấy một bóng người. Mọi thứ đều lặng thinh tựa như có một chiếc lá rơi cũng có thể nghe thấy. Rồi đột nhiên tôi thấy tiếng đập cửa dữ dội từ ngôi nhà bên kia đường, cũng chính là nhà của chị họ tôi. Tôi thấy vậy cũng ra ngó xem có chuyện gì, rồi tròn mắt khi thấy bác Vĩnh - bố chị Hân đang siết chặt cổ tay chị ấy và liên tục đập cửa nhà chị Trí. Tôi thắc mắc không có biết có chuyện gì nghiêm trọng mà bác ấy trông có vẻ tức giận đến thế. Ông vẫn siết chặt cổ tay chị Hân. Chị ấy thì khóc lóc nức nở cố gỡ tay ông ra. Chị vừa khóc vừa giải thích.
- Con xin bố mà, thật sự không phải đâu. Mình về đi mà bố. Không phải thật mà.
Tôi thấy ông đập khoảng vài phút sau thì bác Thường mở cửa ra với vẻ mặt chẳng mấy thiện cảm.
- Ông lại phá rối gia đình tôi vì chuyện gì nữa đây hả? Tại sao ông cứ phải gây sự với tôi thì mới chịu được hả? Tết tư tôi không muốn rước họa vào thân đâu.
Bác Thường trách móc bố chị Hân với giọng điệu khó chịu. Bố của hai chị từ lâu đã chẳng ưa nhau. Người ở đây không ít lần thấy bọn họ cãi nhau, nhưng lần nào bác tôi cũng chịu nhịn dừng trước vì để giữ thể diện cho gia đình. Nhà chị Trí thì đã nổi tiếng khắp vùng này là gia đình gia giáo, lịch sự, giỏi giang, ngoan ngoãn, gia đình chị dường như là hội tụ mọi đức tính tốt đẹp nhất. Dù cùng là huyết thống nhưng gia đình tôi lại thua kém gia đình chị rất nhiều. Bác nhiều lần giúp nhưng bố tôi hết lần này đến lần khác để nợ nần chồng chất vì cờ bạc, cá cược, rồi rượu bia nên hai bên cũng từ mặt nhau. Nhưng may thay, bác vẫn quý tôi và để tôi với Mẫn Trí chơi với nhau. Bác ấy còn đối xử với tôi tốt hơn bố ruột tôi nữa.
- Mày gọi con gái mày ra đây!
- Này ông muốn động gì đến con gái tôi?
- Mày gọi nó ra đây?
Bác thở ra rồi nhìn chằm chằm vào bố chị Hân. Bác không muốn đôi co nhiều nên gọi chị Trí ra giải quyết cho xong chuyện. Nhưng một điều chính tôi và bác Thường không ngờ đến là cái tát mà bố chị Hân dành cho Mẫn Trí khi chị vừa xuất hiện. Mẫn Trí hoang mang chưa kịp định hình được chuyện gì đang xảy ra, từ bé đến lớn, chị ấy chưa bao giờ bị ai đánh đập gì cả, giờ này, ngay tại đây lại bị người ngoài tát như thế đương nhiên rất uất ức. Bác Vĩnh chỉ thẳng mặt chị Trí đang ôm má mà cảnh cáo:
- Mày liệu hồn mà tránh xa con gái tao ra.
Bác Vĩnh chỉ tay vào mặt bác Thường chỉ trích với những lời xúc phạm vô cùng nặng nề.
- Còn mày cũng lo mà dạy dỗ lại thứ bệnh hoạn nhà mày đi.
Bác Thường trông có vẻ rất bực mình, bác gỡ cặp kính xuống đặt vào túi áo sơ mi. Bác vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh nói:
- Ông đang phá rối con gái tôi và tôi đó, ông thậm chí còn động chân động tay với con gái tôi. Vui lòng mời ông đi cho! Đầu năm đầu tháng tôi không muốn gây sự với ông đâu.
- Này, mày không hiểu vấn đề ở đây à? Con gái mày hôn con gái tao đêm hôm qua, đêm giao thừa ấy. Đồ thứ kinh tởm. Tao nói cho mày biết, con gái mày lên thành phố học những cái thói hư tật xấu thì giữ một mình đi, đằng này còn đi nhiễm vào đầu óc con tao.
Chị Trí nghe thấy thế thì sửng sốt hết nhìn bác Vĩnh đến nhìn bố. Chị ấy lại ngoái qua nhìn chị Hân, chị Hân chỉ biết mím môi cố ngăn nước mắt nhìn người mà lắc đầu. Trong tâm tôi bây giờ cứ thấy bức bối làm sao, điều này đang xảy ra trước mắt nhưng tôi lại không làm gì được. Đang lúc tôi muốn chạy ra cứu vãn tình thế thì Mẫn Trí quỳ hai đầu gối xuống đất, chị cúi đầu không dám nhìn bố.
- Con xin lỗi bố!
- Là thật hả Trí?
Chị ấy không xác nhận cũng không phủ nhận, chỉ liên tục xin lỗi bố của mình. Chị Hân cũng chạy lại kéo người yêu đứng dậy, nhưng liền bị bác Vĩnh giật mạnh tay lại đến suýt ngã. Những giọt nước mặt từ nãy đến giờ chị Hân cố gắng gượng giữ lại giờ đã không tự chủ mà tuôn trào. Rồi bố chị Hân kéo tay chị rời đi. Bác Thường mặc kệ con gái đang quỳ dưới chân mình mà bước vào nhà, nhẫn tâm đóng cửa lại. Chị Trí cũng không có ý gì là muốn đi vào nhà. Thật ra đây là luật lệ giữa bác Thường và chị Trí. Nếu làm gì không vừa ý bác thì chị sẽ không được vào nhà, ngày hôm ấy cũng không được ăn gì. Giờ tôi nghĩ lại thấy mình may mắn hơn chị Trí nhiều. Sau khi nhận được sự cho phép của mẹ, tôi chạy ngay đến bên cạnh Mẫn Trí. Vừa thấy tôi chị liền mệt mỏi mà ngả đầu vào vai tôi.
- Chị phải làm gì đây Hải Lân? Chị mệt quá! Chị đâu nghĩ mọi chuyện sẽ như này chứ.
Tôi không nói gì chỉ vuốt lưng an ủi chị. Trong lúc này tôi nghĩ mình không nói gì thì hơn.
- Em đi xem Hân đang ra sao giúp chị được không? Làm ơn, chị không muốn Hân gặp chuyện.
Tôi quay lại nhìn chị lần cuối rồi chạy thật nhanh đến nhà chị Hân, mong là không đến quá muộn. Không biết từ bao giờ một đứa ít vận động như tôi lại chạy nhanh thoăn thoắt như thế. Đến gần nhà chị Hân thì tôi rón rén từng bước nhìn qua cửa sổ sau nhà. Từ góc này tôi có thể bao trọn cả gian chính của nhà.
- Là con thật sự yêu Trí ạ.
Tôi không biết mình đã bỏ qua phần nào, nhưng hiện tại chị Hân đang đứng trước mặt bố, cúi mặt trả lời bố trong những cơn nấc còn chưa hết vì khóc quá nhiều.
- Sao mày ngu vậy hả con?
Ông đứng dậy, tuyên bố thẳng thừng.
- Sau tết bố và mẹ sẽ lo liệu tổ chức đám cưới cho mày. Tao đã cho mày quyền quyết định rồi, mày chối hết thằng này đến thằng kia cũng không trách. Bây giờ còn có chuyện này, mày cấm cãi. Một là cưới, hai là mày đừng mong sống.
- Đừng mà bố, con xin bố, đừng mà.
Tôi đứng sau cửa không dám hó hé nửa lời. Bác Vĩnh vừa nhìn ra cửa sổ tôi liền giật bắn mình mà chạy đi trước.
*
- Tôi không tin được luôn đó mày. Chị Hân còn trẻ như thế. Lại còn phải cưới người mình không yêu. Rồi... rồi lỡ yêu phải thằng tệ bạc thì sao.
Thằng Hiển bức xúc đá mấy cục đá trên đường. Tôi quyết định kể cho nó trước, tôi không dám để chị Trí biết về chuyện này. Tình yêu đồng tình là một điều vô cùng cấm kỵ ở nơi tôi ở, nếu biết được ai là người đồng tính thì chắc cả đời họ sẽ chẳng thể sống yên, trừ phi họ chuyển đi một nơi thật xa thì mới tránh khỏi được những tai tiếng. Nhưng việc cưới xin này thật sự quá đột ngột, đến tôi còn sốc không tin được thì sao chị Trí sống nổi đây. Mối tình này cũng hai năm chứ không phải là ít. Tôi chỉ cầu rằng những điều tôi nghe thấy chỉ là hiểu lầm thôi. Nhưng có như nào tôi cũng không thể chối bỏ sự thật tàn khốc này. Những người xung quanh tôi cứ lần lượt lần lượt gặp chuyện. Dù không phải chuyện của tôi nhưng tôi cũng chẳng thể yên lòng.
- Ước gì mà giờ có phép màu như mày hay nói nhỉ, Hiển?
*
Nhưng rồi sau tết, một đám cưới chẳng mấy vui vẻ cũng diễn ra. Gia đình của chị Trí cũng chuyển lên Hà Nội sinh sống, để tránh càng xa gia đình chị Hân càng tốt. Từ ngày chị Hân cưới, tôi chưa bao giờ thấy chị cười, không ngày nào chị được hạnh phúc. Đáng ra ở cái tuổi của chị, chị phải đang được trải qua những ngày tháng thanh xuân tươi đẹp. Nhưng giờ đây chị lại là một người phụ nữ đã có gia đình, tối ngày chỉ làm lụng việc nhà, bị gia đình chồng chèn ép, bị chồng hành hạ. Từ khi cưới đến giờ, tôi thấy chị gầy đi rất nhiều. Gần đây chị bắt có những dấu hiệu của ốm nghén, có vẻ như chị Hân đã tiến tới bước tiếp theo của mối quan hệ hôn nhân rồi. Khác với những cô gái khác, chị Hân không cảm thấy vui vì điều này. Mỗi lần chị cảm thấy khó chịu vì những dấu hiệu của một người phụ nữ mang thai, chị lại tự trách bản thân với tôi rằng:
- Dù trong chuyện này chị hoàn toàn không có quyền quyết định, nói thẳng ra thì chị bị cưỡng ép, nhưng cứ mỗi lần bụng của chị đau chị lại cảm thấy như mình đang phản bội Trí vậy. Chị còn yêu Trí nhiều lắm. Em biết cái cảm giác đó không? Nó giống như là chị đang ngoại tình với một người đàn ông khác, bỏ Mẫn Trí ấy. Dù bọn chị không còn bên nhau, nhưng chị vẫn luôn tự cho mình chức hiệu là vợ của Kim Mẫn Trí. Vậy có gọi là sai trái không, Hải Lân?
Chị mỉm cười nói lại càng làm tôi xót xa hơn.
- Không, chị không sai gì cả.
Mỗi khi nghe chị Hân nói vậy tôi không kiềm lòng được. Tuy tôi không có thông tin gì về Mẫn Trí, nhưng tôi tin rằng ở một nơi nào đó chị ấy cũng đang nhớ về người con gái mà chị ấy yêu nhất.
Bụng của chị Hân ngày càng to hơn, tôi cũng đến thăm chị thường xuyên hơn. Bây giờ tôi đã học lớp Tám, đã lớn hơn rất nhiều rồi. Tôi thậm chí còn không tin vào chính bản thân mình mới có 9 tháng kể từ ngày chị Hân có bầu mà bản thân đã cao hơn nhiều như thế. Tuổi dậy thì mà! Nhắc mới nhớ chỉ còn mấy ngày nữa đứa con đang trong bụng chị Hân sẽ ra đời. Tôi cũng mang trong mình chút hào hứng không biết trông nó như thế nào, mà này, tôi hào hứng vì nó là con của Ngọc Hân chứ không phải vì là của gã tồi kia đâu nhé. Đó là một bé gái, trông rất xinh xắn và có phần lém lỉnh. Lúc em bé ra đời, lần đầu tiên chị Hân cười một nụ cười thật sự hạnh phúc sau một thời gian dài. Tôi nhìn cảnh tượng này mà ấm lòng. Trước khi con bé được sinh ra chị Hân vẫn luôn thấy dằn vặt bản thân, nhưng tôi biết rằng khi chị được chính tay mình ôm hình hài nhỏ bé này vào lòng, mọi cảm giác mà chị dành cho con vẫn là thương vô cùng. Em bé được đặt tên là Lý Huệ Nhân, một cái tên rất xinh đẹp.
Sau khi sinh, tôi lại càng thường xuyên đến nhà chị hơn, mẹ tôi cũng khá vui vẻ về điều này. Cứ đi học về là tôi lại chạy qua nhà chị bế em cho chị dọn dẹp nhà cửa. Có Huệ Nhân, tôi thấy chị vui vẻ hơn hẳn. Chị nói mỗi lần thấy Huệ Nhân chị lại được truyền thêm chút động lực mỗi ngày, và không biết bằng một cách nào đó con bé làm chị liên tưởng đến Mẫn Trí, trông thật kháu khỉnh và thông minh.
Về phần tôi thì chẳng có gì mới lạ, cuộc sống vẫn tẻ nhạt chẳng có gì hay ho. Tôi chỉ chú tâm vào học hành, bỏ sở thích vẽ vời qua một bên, tác phẩm cuối cùng mà tôi vẽ là chiếc lâu đài ở thế giới kỳ diệu của Trí Tuệ ở một hình hài nguyên vẹn hơn. Mà nhắc mới nhớ bây giờ tôi cũng quên Trí Tuệ rồi, tôi nghĩ thế. Tôi chấp nhận bỏ giấc mơ hoang đường ấy vào quá khứ. Nhưng tôi có muốn quên hình hài Trí Tuệ cũng chẳng thể, tấm vẽ chân dung vẫn còn đó. Khi nhìn nó tôi không thấy nhung nhớ, hay buồn bã như tôi đã từng, chỉ không ngừng cảm thán tài vẽ của mình lúc đó cũng thật đỉnh cao... và người ấy cũng thật đẹp. Không thể chối rằng khi nhìn bức vẽ đó, lòng tôi không ít lần xao xuyến. Nhưng đâu phải tôi muốn quên là quên dễ dàng như vậy.
Khi tôi đã từ bỏ thì chị lại một lần nữa xuất hiện.
*
Từ lúc có Huệ Nhân, gã chồng của chị Hân cũng chẳng thay đổi gì cả, đi làm bữa được bữa không. Gã chẳng khác gì bố tôi, cũng suốt ngày say xỉn rồi đánh đập vợ, chỉ khác cái là gã có được cái việc làm. Hôm ấy, tôi lại đến trông Huệ Nhân như bình thường. Nhưng khi vừa nghe thấy tiếng gã đi về, chị Hân liền bế Huệ Nhân đưa cho tôi, dặn dò tôi bế em bé về nhà bằng cửa sau, gã chồng của chị lại say xỉn chắc chắn sẽ làm loạn lên. Tôi nghe theo lời chị, bế Huệ Nhân về. Nhưng không hiểu sao đêm hôm nay em khóc rất nhiều, mẹ tôi thì vắng nhà ngày mai mới về. Tôi cứ ôm em dỗ dành mãi nhưng chẳng thấy có dấu hiệu ngừng khóc. Đột nhiên tôi thấy tiếng hét nhỏ dần rồi ngừng hẳn. Tôi nhìn Huệ Nhân, em đang chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi giật mình khi thấy một bàn đang tạo hình con thỏ ngoài cửa sổ. Tôi tóm lấy cái chổi phòng trường hợp xấu nhất xảy ra. Người đó từ từ ló đôi mắt ra nhìn. Sao quen quen vậy nhỉ?
- Hải Lân à, là Tuệ này.
Là thật sao? Không phải ma chứ? Tôi không gặp ảo giác đúng không? Trí Tuệ nhảy qua cửa sổ vào phòng một cách vô cùng tự nhiên.
Ủa ngộ ha?
- Chắc là em cũng không nhớ Tuệ đâu, Tuệ giới thiệu lại ha.
- Thôi khỏi, em còn giữ cái mặt của chị chình ình trong cặp kìa!
Tôi đặt Huệ Nhân lên giường và cũng thả bản thân mình xuống. Trí Tuệ thấy vậy cũng ngồi đối diện tôi. Chúng tôi bây giờ chỉ được ngăn cách bởi đứa bé nhỏ ở giữa. Chị nhìn tôi hỏi:
- Em còn nhớ Tuệ sao?
Cách xưng hô của chị vẫn không thay đổi gì so với trước đây, chỉ có tôi là đã thay đổi. Tôi không nói gì, im lặng vuốt lưng chờ cho Huệ Nhân ngủ. Không thấy tôi trả lời, Trí Tuệ lại đổi thế từ ngồi xuống nằm đối mặt với tôi để lấy được sự chú ý.
- Em quên Tuệ rồi đúng không?
- Chị khờ quá, em quên rồi thì có cho chị vào nhà không? Đương nhiên là nhớ rồi, nhớ ấy, "miss" ấy không phải "remember" đâu.
Bây giờ thì tôi công nhận là biết tí ngoại ngữ sang hơn thật. Tôi nhìn Trí Tuệ. Chị vẫn đẹp y như lần đầu chúng tôi gặp gỡ. Tôi nhìn vào mắt chị và chất vấn.
- Một năm qua chị ở đâu hả? Tại sao chị không xuất hiện?
- Tuệ có khá nhiều chuyện cần giải quyết, thứ lỗi cho Tuệ nhé!
- Một năm qua em vẫn luôn hỏi bản thân chị có tồn tại hay không, em rất thắc mắc. Nhưng giờ đây trước mặt em lại là chị, em có nên tin vào những gì mắt mình đang thấy không?
- Không. - Chị nắm lấy tay tôi - Đừng tin vào mắt của em, cảm nhận bằng chính bàn tay của em. Chị đang hiện diện ngay đây và đang nắm tay em.
Vậy là câu hỏi bấy lâu nay của em đã được giải đáp. Chị chuyển qua vuốt má tôi và nhắm mắt lại nói.
- Em có muốn Tuệ ở lại với em không?
- Chị có thể ở lại sao?
Nhưng cả hai chúng tôi chìm trong sự im lặng mà chẳng có một câu trả lời nào cả. Tôi không muốn nhắm mắt lại rồi khi tỉnh dậy lại đánh mất chị một lần nữa. Nhưng đầu óc tôi trở nên mụ mị và chìm vào cơn mê.
May thay, khi tôi tỉnh dậy chị vẫn ở đây, bên cạnh tôi. Thấy chị vẫn còn say giấc nên tôi nhẹ nhàng bước xuống khỏi giường và bế Huệ Nhân lên. Hay thật chính xác là Trí Tuệ tỏa ra hóc môn làm người khác dễ chịu rồi, chứ không đời nào đêm qua con bé ngủ ngoan như thế được. Tôi bế con bé về cho chị Hân rồi nhanh nhanh chóng chóng chạy về nhà. Không biết vì sao ngay lúc này tôi cứ có một nỗi sợ sẽ để vụt mất chị một lần nữa. Tôi biết rằng mình đã nhắc đi nhắc lại điều này rất nhiều lần, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ Trí Tuệ chỉ là một thứ gì đó hư cấu mà chính tôi tưởng tượng lên, vậy nên tôi lại càng sốt ruột hơn. Vừa về đến nhà, tôi thấy Trí Tuệ đang ngồi trên giường chờ tôi, lần này chị không đi đâu nữa, chị vẫn ở đây đợi tôi.
- Ồ, Hải Lân về rồi này.
- Trí Tuệ...
*
Và đúng như lời hứa, chị đã không đi đâu hết, chị không còn đột ngột biến mất, rồi lại xuất hiện. Chị đưa tôi đến chiếc hồ kia một lần nữa. Cũng đã một năm, nơi này đã có rất nhiều đổi thay. Bãi cỏ đã có nhiều loài cây hơn, được tô điểm bằng vườn hoa đủ loại hình hài và màu sắc. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất chính là chiếc lâu đài bên kia đồi mà tôi từng thấy trước đây. Dường như nó đã thay đổi hoàn toàn so với khi tôi thấy nó lần cuối vào một năm trước. Nó đẹp hơn, tráng lệ hơn, và mang đúng cái vẻ nguy nga của một lâu đài. Tôi hỏi Trí Tuệ, chị nói rằng trong một năm qua chị đã tự mình sửa sang lại tòa lâu đài để chờ tôi. Chị bảo trông tôi có vẻ phấn khởi khi thấy nó, hơn nữa nơi này là nơi chị sinh ra, nó có ý nghĩa rất lớn đối với chị, nên chị càng quyết tâm khôi phục toà lâu đài này hơn. Tôi đã không ngờ rằng mình là một trong những lý do để chị làm điều này. Từ khi gặp lại chị đối xử rất tốt với tôi, khiến tôi đắm chìm trong cái sự ân cần ngọt ngào ấy. Từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ nhận được sự ưu ái như vậy từ ai cả lại càng khiến tôi trân trọng Trí Tuệ hơn.
Tất cả mọi thứ đều thay đổi trừ ngôi nhà nhỏ mà chị đang ở, có thay đổi cũng chỉ là những thứ tiểu tiết lặt vặt. Ngôi nhà vẫn gọn gàng, ngăn nắp và đơn sơ như vậy. Trí Tuệ hỏi rằng liệu tôi có còn muốn cùng chơi dương cầm với chị không. Câu trả lời của tôi đương nhiên luôn luôn là có. Chị giao cho tôi cuốn sách học đàn mà chị có được từ bố mẹ, và học cùng tôi. Càng học tôi lại càng yêu bộ môn này hơn. Học chơi đàn là một điều rất khó ở quê tôi, chơi dương cầm lại là một thứ càng xa xỉ hơn. Vậy tại sao có cơ hội ngay trước mắt, tôi ngại gì không nắm lấy? Mỗi khi đến đây tôi đều rất chăm chỉ học chơi đàn. Tôi lại càng có nhiều động lực hơn khi chị luôn mỉm cười và khen tôi giỏi. Cuối cùng cũng có một ngày những cố gắng của tôi được công nhận. Mỗi ngày gặp Trí Tuệ, chị lại khiến tôi lún sâu hơn vào cái tình cảm ngọt ngào mà chị dành cho tôi. Tôi tự hỏi liệu tôi có thể sống mãi trong niềm hạnh phúc này cả đời không.
Trong một lần đang chơi bản nhạc mà tôi mới học thành thạo. Đột nhiên Trí Tuệ cầm cây đàn vĩ cầm lên và bắt đầu kéo những nốt nhạc đầu tiên, điều này khiến tôi ngừng lại trong vài giây, chị cũng ngừng lại theo tôi. Và rồi không ai nói gì, chúng tôi chơi nhạc cụ của mình cùng một lúc. Một bản nhạc vĩ đại! Thời gian như tĩnh lại, tôi và chị vẫn tiếp tục, hai giai điệu hòa vào nhau khiến tâm hồn của chúng tôi cũng xao xuyến hòa vào làm một.
Tiếng đàn du dương nhẹ nhàng luôn đeo bám lấy tâm trí tôi, tôi không thể tưởng tượng đến một ngày tôi không thể được chạm vào chiếc đàn này. Càng không tin sẽ có một ngày tôi không được gặp lại chị nữa. m nhạc đã trở thành một phần của cuộc đời tôi và Mưu Trí Tuệ giờ chính là cả cuộc đời tôi. Tôi luôn cảm thấy mơ hồ không biết mối quan hệ giữa chúng tôi được gọi là gì, nhưng có một điều rất rõ ràng mà tôi có thể khẳng định là tôi không thể sống thiếu chị.
Tôi ngắm nhìn Trí Tuệ, chị thật sự rất hoàn hảo. Khi nhìn chị, tôi luôn bất giác mỉm cười và chợt cảm thấy hạnh phúc. Trí Tuệ chính là nàng thơ của tôi. Tôi đã tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi tôi luôn tìm kiếm. Vì chị mà tôi một lần nữa lôi giấy bút ra tiếp tục đam mê còn dở dang năm ấy. Tôi đến mộ của chú Huấn và cho chú xem từng bức tranh mà tôi vẽ Trí Tuệ. Tôi kể cho chú những thứ mà tôi đang được trải qua, và tôi thầm cảm ơn chú vì đã khuyên tôi vẽ bức chân dung ấy, tôi thầm cảm ơn vì chú cho tôi biết đến sự tồn tại của hai từ "nàng thơ". Tôi không biết chú có thể nghe tôi nói không, nhưng mong rằng nếu nghe thấy chú cũng sẽ thấy vui cho tôi.
*
Đã hai năm trôi qua, Huệ Nhân lớn lên rất nhanh, giờ con bé đã có thể nói chuyện rất sõi. Trông con bé lớn lên tươi cười và hồn nhiên như thế, tôi không khỏi thấy xót xa. Trong hai năm qua, không ít lần tôi phải đưa con bé về nhà tôi khi bố mẹ nó cãi vã và bố nó thì làm loạn. Cũng may những lúc như thế Trí Tuệ lại xuất hiện để giúp tôi, dường như con bé cũng rất quý Trí Tuệ. Có khi nó còn quý Trí Tuệ hơn cả dì Hải Lân của nó nữa ấy chứ, chạnh lòng lắm đấy nhé!
Trong một lần khi tôi đưa Huệ Nhân về nhà, tôi không thể tin vào mắt mình khi thấy nhà cửa tang hoang đến mức này. Bàn ghế cái gãy cái không, bình hoa thì bị đập vỡ bung bét ra sàn nhà. Tôi thả con bé để nó chơi ngoài sân, còn mình thì chạy vào nhà xem xét. Tôi thấy chị Hân đang ngồi trong bếp, đầu gục xuống hai gối.
- Chị, chị Hân ơi!
Chị ngẩng đầu nhìn tôi, khóe miệng còn vết máu đã khô, trên mặt và trên người chằng chịt vết bầm tím. Tôi đỡ chị dậy, may là chị vẫn còn chút sức lực để mở mắt và nói chuyện với tôi.
- Hải Lân à, em có thể giúp chị một chuyện này không? Em có thể trông Huệ Nhân trong ngày hôm nay được không? Chị sẽ chuẩn bị đồ để bỏ trốn.
Mới đầu tôi có hơi ngỡ ngàng vì chị đưa ra quyết định này, nhưng nghĩ lại thì sau những tổn thương mà chị đã phải chịu thì tốt hơn là như thế. Tôi làm theo lời của chị Hân, riêng lần này tôi không kể cho Trí Tuệ nghe. Lần này tôi sẽ âm thầm giúp chị. Tôi không biết chị sẽ có kế hoạch gì, và đi đâu, nhưng chỉ cần là đi khỏi những đau khổ mà đang phải gánh vác hiện tại thì tôi sẵn lòng giúp đỡ. Tối ấy tôi dắt Huệ Nhân đến bến xe trước. Đã một tiếng trôi qua mà không thấy bóng dáng của chị Hân. Tôi tưởng chị đã không thể đến, nhưng lúc chuyến xe chuẩn bị khởi hành thì chị gấp gáp mang vác đồ đạc chạy đến. Tôi liều mạng đi theo mẹ con chị dù chưa có sự cho phép của mẹ, nhưng tôi thật sự rất lo cho sự an nguy của hai người. Trên suốt chuyến đi tôi thấy chị Hân cứ nắm chặt một tờ giấy trên tay mãi. Thì ra đó là địa chỉ Mẫn Trí đang cư trú. Tôi hỏi ra thì chị Hân giải thích mới vài ngày trước, chị nhận được thư của chị Trí và địa chỉ ở, đó cũng chính là lý do khiến chị Hân kiên quyết đến thế. Mẫn Trí vẫn đang sống ở Hà Nội nhưng giờ thì không còn sống chung với bố mẹ nữa. Chị đã có việc làm và cuộc sống riêng rồi.
Đến nơi, tôi cũng được gặp lại Mẫn Trí trong một thời gian dài. Chị ôm chầm lấy chị Hân. Tôi dắt Huệ Nhân vào nhà, chị Trí xoa đầu con bé. Thì ra chị ấy có biết về chuyện đứa con riêng này của chị Hân nhưng chị vẫn chấp nhận nó. Tôi thấy cảnh tượng này mà hạnh phúc lây, vậy là từ bây giờ chị Hân có thể sống cuộc sống của chính mình rồi. Còn Huệ Nhân nữa, tôi sẽ nhớ nó lắm, nhưng tôi mừng rằng nó đã có thể có một gia đình hạnh phúc.
Sáng hôm sau, tôi bắt một chuyến xe trở về. Trong lòng cũng sẵn sàng tâm thế bị nghe chửi. Nhưng vừa khi về nhà, thứ đang hiện diện trước mắt tôi ngỡ ngàng không nói lên lời. Mẹ tôi đang nằm trên vũng máu, còn ông bố của tôi thì cầm mảnh thuỷ tinh dính đầy máu. Tôi chạy lại ôm mặt mẹ, nước mắt cứ thế tuôn dài. Đôi mắt tôi đỏ ngầu nhìn người đàn ông mà tôi từng gọi là bố kia, tôi đứng dậy đạp ông ta ngã xuống sàn. Tôi hét vào mặt ông ta đến lạc cả giọng:
- Ông đang làm gì mẹ tôi thế hả? Ông hành hạ mẹ con tôi chưa đủ nữa sao hả?
Tôi quay đầu muốn rời đi, nhưng ông ta đã kịp giữ tay tôi lại, ông đặt miếng thủy tinh vào cổ tôi.
- Mày mà báo cảnh sát, thì mày cũng sẽ như mẹ của mày. Nếu ngoan ngoãn biết điều, tao cho mày từ bây giờ đến nửa đêm nay để chuẩn bị. Cả mày cả tao sẽ vào Sài Gòn, mày không được để lộ chuyện này ra, nếu không tao sẽ không để mày yên đâu.
Ngay lúc này tôi chỉ muốn giết quắt ông ta đi thôi, dù ngồi tù cũng được, tôi sẽ không bao giờ thấy ân hận. Ông ta buộc hai cổ tay của tôi lại, rồi đi khóa tất cả các chốt cửa.
- Còn cái xác của mẹ mày tao sẽ lo liệu.
Nghe xong câu nói đó thì tôi hiểu được ông ta vô tâm đến nhường nào. Vợ chết nhưng thứ duy nhất ông ta nghĩ đến lại trốn chạy. Ông ta gỡ tay tôi ra, giờ đây tôi phải giữ mình bình tĩnh vì nếu tôi kích động, tôi không biết số phận mình sẽ đi về đâu. Tôi rúc trong phòng cả buổi sáng hôm ấy để chuẩn bị như lời ông ta nói. Nhưng đến chiều, tôi nảy ra một ý tưởng. Nghĩ là làm liền, tôi cố tìm cách trốn ra ngoài, nhưng tôi không báo tội ác của bố tôi. Tôi chạy đến khu rừng gần trường và chạy đến cái hồ nhỏ. Đúng vậy, tôi đang đi tìm Trí Tuệ. Tôi kể cho chị nghe về chuyện này.
- Em sẽ...
Tôi ngập ngừng không nói hết câu. Mục đích tôi đến đây là để tâm sự về chuyện này, và một phần muốn nói rằng mình sẽ ở lại đây. Nhưng đến khi tôi chuẩn bị nói ra thì đột nhiên trong đầu lại có một ý nghĩ khác. Lúc đầu tôi muốn bỏ tất cả để ở lại đây cùng Trí Tuệ, nhưng nghĩ lại thì tôi chưa sẵn sàng. Tôi còn rất nhiều thứ muốn làm, tôi vẫn muốn học, tôi vẫn muốn trải nghiệm rất nhiều thứ. Tôi thú nhận khi đó tôi thật sự ích kỷ. Ở cạnh Trí Tuệ tôi có thể có được niềm hạnh phúc trong sự yên bình. Nhưng con người ai cũng sẽ bị thu hút bởi những thứ thú vị cuồng nhiệt ngoài kia hơn. Và tôi nhận ra tôi không thuộc về nơi này, Trí Tuệ cũng không thuộc về thế giới của con người.
- ... đi cùng bố.
Tôi quyết định và rời đi. Trí Tuệ ôm tôi từ phía sau, chị thủ thỉ với chất giọng run run.
- Nhưng Tuệ yêu em. Em ở lại được không?
- Em phải đi rồi.
Tôi gỡ tay chị ra và bước về phía cánh cửa. Trí Tuệ ở đằng sau vẫn cố nói với tôi những lời cuối.
- Nếu em đi, chị phải đi cùng bố mẹ... Em là lý do duy nhất để chị ở lại đây. Liệu bây giờ chị nói chị cũng phải ra đi mãi mãi, liệu em có ở lại không?
Bước chân tôi chậm lại rồi dừng hẳn. Tôi không trả lời câu hỏi của chị. Tôi quay người lại nhìn chị và nở nụ cười.
- Mưu Trí Tuệ, em cũng yêu chị.
Và rồi tôi chạy thật nhanh đi, để lại Trí Tuệ đằng sau nhìn theo bóng lưng tôi đang xa dần.
*
Hai năm sống ở Sài Gòn, nơi đất xa kẻ lạ, tôi chẳng quen một ai cả. Cuộc sống tẻ nhất của trước đây lại trở về với tôi, ít ra khi ấy tôi còn có thằng Hiển làm bạn, bây giờ thì tôi chỉ có một mình cùng với ông bố tệ bạc ở đây. Hai năm đầu tôi không có đủ tiền để đi học, phải đi làm thêm để kiếm tiền dành dụm nuôi cả tôi và bố. Giờ thì tôi đã hiểu được nỗi vất vả của mẹ năm ấy, tôi cầm những đồng tiền mà mình tiết kiệm được mà khóc. Ngay lúc này, có tiếng người bên ngoài đập cửa nhà tôi. Tôi ra mở cửa thì có hai người đàn ông đi vào.
- Chúng tôi nghi ông đây là thủ phạm giết vợ của mình vào hai năm trước.
Và ông ta bị bắt đi, ông ta vừa phản kháng lại cảnh sát vừa gào lên mong tôi giải thích làm chứng. Nhưng tôi chẳng một chút lưu luyến nhìn bố của mình bị người ta bắt đi. Ông ta xứng đáng bị như thế
*
Những năm tiếp theo, tôi đã có thể đi học lại. Cuộc sống hiện tại đối với tôi vất vả vô cùng, tôi phải vừa đi học vừa đi làm. Học xong cấp ba, tôi tiếp tục thi vào học y. Tôi đành bỏ lại tất cả những đam mê lại phía sau. Tôi không thể tích cực được như chú Huấn, tôi có quá nhiều khao khát cuộc sống xa hoa ngoài kia. Tôi ích kỷ với chính bản thân mình. Giờ tôi chỉ có thể nghĩ đến chuyện học y vất vả một chút, nhưng sau này có thể làm bác sĩ, kiếm được nhiều tiền như mẹ tôi từng nói. Tôi chỉ nghĩ rằng mình thực sự xứng đáng nhận được điều này mà. Nhưng trong thời gian học, tôi thật sự gặp rất nhiều áp lực. Tôi nhớ về khoảng thời gian còn ở dưới quê, mỗi lần tôi mệt mỏi, tôi lại tìm đến Trí Tuệ. Đã nhiều năm tôi gặp chị, có lẽ giờ đây chị đang sống hạnh phúc cùng gia đình ở một nơi khác rồi. Đến tận bây giờ tôi mới biết mình cần chị đến nhường nào.
Tôi đã thực sự trở thành một trong những bác sĩ mổ giỏi nhất. Nhưng tôi vẫn thấy cuộc sống mình thiếu thứ gì đó, có lẽ khi đã thành công rồi tôi thấy mình thật cô đơn. Có tiền cũng chẳng thể vui vẻ được, áp lực công việc, áp lực từ đồng nghiệp chồng chất lên tôi. Ở độ tuổi 26, tôi đã có tất cả, tiền bạc danh vọng. Nhưng cuộc sống đâu chỉ dừng ở đó, suốt những năm qua tôi bận đến chẳng thể quan tâm đến một ai, nhưng dù có muốn thì tôi cũng chẳng thể yêu thêm ai được nữa. Và rồi tôi bất giác nhớ về tình đầu năm ấy, chị quan trọng với tôi đến mức dù đã mười năm trôi qua tôi cũng không thể quên được chị. Chị là tình đầu của tôi, là nàng thơ của tôi, và mãi mãi là người tôi thương nhất. Trong tình yêu ai rồi cũng phải hy sinh, như một Mẫn Trí đã đi xa những vẫn luôn tìm cách để liên lạc với Ngọc Hân, như một Ngọc Hân chịu thương chịu khó chờ đợi, và cuối cùng bỏ tất cả để đến với Mẫn Trí. Tôi nghĩ về bản thân mình khi ấy còn quá non dại mà đánh mất người tôi thương mãi mãi. Tôi lấy lá thư từ nhà tù gửi về chiều nay. Gần đây tôi liên tục nhận được như lá thư từ tù nhân cùng huyết thống với mình. Ông ta cũng chẳng quan tâm gì tôi, giờ đây ông ta như một kẻ điên liên tục muốn quấy rối tôi bằng những lá thư đe doạ. Tôi gục xuống. Như một quả bóng bay bị bơm đầy khí, mọi chuyện xảy đến với tôi cũng đến lúc sẽ bị bùng nổ. Tôi ôm đầu nấc lên từng cơn, tôi bắt đầu đập phá đồ đạc. Tôi còn chẳng muốn nhìn chính mình nữa, tấm gương trước mặt vỡ thành từng mảnh, tay tôi bị những mảnh thuỷ tinh đâm vào đến chảy máu. Tôi gục ngã.
Hôm nay tôi có một ca mổ rất quan trọng, tôi không muốn huỷ nên đã tự tay tham gia vào ca này. Lúc đầu diễn ra khá suôn sẻ, nhưng tay tôi bắt đầu run lên vì chấn thương tôi hôm qua. Và đương nhiên là kết quả xấu không thể tránh khỏi. Bệnh nhân của tôi đã không còn sống được nữa. Tất cả đều là lỗi của tôi hết. Đáng ra từ đầu tôi nên từ chối ca mổ này thì bây giờ có lẽ bệnh nhân này vẫn còn cơ hội để sống sót. Là tôi đã dại dột liều mạng như năm xưa, bỏ đi để khi quay lại chỉ thấy mẹ nằm bất động giữa vũng máu. Tôi bị trách móc rất nhiều, trưởng khoa cũng nói rằng sẽ lo liệu việc này nhưng tôi không muốn như thế. Tôi sẽ bị trừng phạt!
Tôi đứng trên sân thượng, cầm con dao mổ, tôi mỉm cười với nơi này một lần nữa rồi cứa một đường vào cổ tay.
*
Một lần nữa, tôi tỉnh dậy ở phòng ở căn nhà cũ. Tôi nhảy qua cửa sổ, đi về hướng khu rừng quen thuộc. Đã mười năm rồi đấy nhỉ! Tôi đứng trước chiếc hồ hoa, ngây ngốc nghiêng đầu nhìn. Nó vẫn thật lung linh, nước trong veo. Từng bước từng bước một, nước đã ngập đến đầu gối của tôi. Và rồi tôi cảm nhận được hơi ấm từ sau lưng truyền đến.
- Trí Tuệ là chị sao? Chị vẫn luôn ở đây sao?
- Chị vẫn ở đây, chị không đi đâu cả, chị luôn luôn chờ một ngày em trở về. Tuệ yêu em!
Tôi nắm lấy tay chị mà thút thít như một đứa trẻ con, giống như Hải Lân 13 tuổi hay khóc nhè với Trí Tuệ 14 tuổi. Tôi quay người lại nhìn chị. Chị đã thay đổi khá nhiều, từng đường nét sắc sảo hơn nhưng đến cuối cùng chị vẫn là Mưu Trí Tuệ. Chị ôm lấy cổ và hôn lên môi tôi. Tôi đáp lại nụ hôn ấy, thay cho những nhớ nhung tháng ngày qua.
Thần tiên có không? Nếu là tôi của mười năm trước, câu trả lời sẽ là không. Nhưng đến bây giờ tôi mới ngộ nhận ra một điều rằng thần tiên là thật. "Em ở lại được không?" Nếu là tôi của mười năm trước, câu trả lời sẽ là không. Nhưng đến bây giờ tôi mới biết, dù câu trả lời của tôi có là gì đi chăng nữa thì 'thần tiên' vẫn ở bên tôi, hữu hình nhưng lặng lẽ. Chị vẫn bên tôi, chở che tôi và vẫn luôn chờ đợi tôi. Vậy mà đến khi cuộc đời vật ngã với bao sóng gió tôi mới tìm đến chị.
*
Gửi bố mẹ,
Con là Mưu Trí Tuệ đây. Bố mẹ à! Con nhớ bố mẹ nhiều lắm, nhưng con quyết định ở lại vì một người. Người mà con thương rất nhiều. Một cô bé tuy mít ướt nhưng lại rất mạnh mẽ. Một cô bé mà có xảy ra chuyện gì cũng vẫn tiếp tục đứng lên được. Cô bé hồn nhiên đưa cho con chiếc kẹo mút vì sợ con đói. Cô bé đã nói muốn học đàn vì con.
Hôm ấy, cô gái ấy lại tuyệt vọng đến tự vẫn. Cũng may con đã đến kịp. Chưa bao giờ con nghĩ mình sẽ dùng hết sức mạnh để cứu một người như thế. Nhưng con thấy điều đó hoàn toàn xứng đáng. Đối với một thiên thần nhỏ như Hải Lân, em xứng đáng được sống, em xứng đáng có được hạnh phúc. Một lần nữa con đưa em về với căn phòng ấy.
Bố mẹ ơi, con yêu Khương Hải Lân, thật sự yêu, rất nhiều!
Con của bố mẹ,
Mưu Trí Tuệ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top