1
Tác giả: Superpanda
Dịch: Mặc Thủy
Chương 1
Kinh Hồng
Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Phiếm Hải.
Văn phòng tổng giám đốc.
Kinh Hồng ngồi sau bàn làm việc, tham dự cuộc họp riêng trong tuần này với Triệu Hãn Thanh, giám đốc ban đầu tư của tập đoàn Phiếm Hải.
Kinh Hồng năm nay ba mươi hai tuổi, có đôi mắt hai mí thiên hướng mắt phượng, dài và hẹp, đuôi mắt vẽ một đường cong xếch lên mượt mà. Con ngươi nhạt màu nằm ở vị trí hơi cao, viền dưới của con ngươi vừa chạm vào mép dưới của hốc mắt, gần lộ tròng trắng phía dưới, khiến đôi mắt có vẻ lạnh lùng và thể hiện khí thế kinh người. Nhưng ngoài những điều đó ra, anh lại có nước da trắng ngần, đường nét khuôn mặt mềm mại cùng chiếc cổ thon giúp hạ thấp cảm giác xa cách.
Kinh Hồng đã nắm quyền kiểm soát đế chế ngàn tỷ Phiếm Hải từ một năm trước.
Phiếm Hải được cha của Kinh Hồng là Kinh Hải Bình thành lập vào tháng 6 năm 1997, ban đầu làm trang web cá nhân và hộp thư điện tử, sau đó là các nền tảng xã hội khác, tiếp đến mở rộng phạm vi kinh doanh sang nhiều lĩnh vực trên Internet, được niêm yết trên Nasdaq (sở giao dịch chứng khoán của Mỹ) nhiều năm về trước. Khi thị trường chứng khoán Mỹ ngày càng phát triển, giá trị thị trường của Phiếm Hải ở thời kỳ đỉnh cao hiện đã lên tới một ngàn tỷ. Khi nói về giá trị vốn hóa thị trường của Phiếm Hải, ngay sau con số đó là đơn vị "Trillion" cực kỳ đáng kinh ngạc. Một khi tình hình kinh doanh của Phiếm Hải xảy ra vấn đề, phố Wall sẽ máu chảy thành sông.
Như nước chảy thành sông, Kinh Hải Bình con trai là Kinh Hồng học chuyên ngành khoa học máy tính, nhận cả bằng cử nhân và tiến sĩ tại Stanford. Dù vậy, vì Kinh Hồng đã có trình độ chuyên môn cao từ những năm trung học, cộng thêm những mối quan hệ của cha mình, nên ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất, anh đã bắt đầu thực tập tại các công ty lớn xung quanh như Google, Facebook. Sau đó anh lại đến các ngân hàng đầu tư hàng đầu được gọi là "Bulge Bracket" ở phố Wall như Goldman Sachs, tham gia vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi như phát hành cổ phiếu, phát hành trái phiếu, mua bán và sáp nhập, hoặc tái cơ cấu. Để lấy bằng tiến sĩ, ban đầu Kinh Hồng muốn nghiên cứu theo hướng khác, nhưng sau khi Geoffrey Hinton đề xuất khái niệm "học cấu trúc sâu (deep learning)" vào năm 2006, Kinh Hồng đã nhạy bén nhận ra được xu hướng tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo, quyết định chọn ngành học này. Anh thực tập tại Amazon và Microsoft ở Seattle trong thời gian học tiến sĩ, đồng thời cũng theo học để lấy thêm một bằng thạc sĩ.
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở tuổi hai mươi lăm, Kinh Hồng lập tức vào Phiếm Hải. Ban đầu, Kinh Hải Bình không tiết lộ danh tính của con trai, Kinh Hồng chỉ là quản lý của khối mạng xã hội do Phiếm Hải thành lập và cho ra mắt hai tính năng mới. Một năm sau, Kinh Hồng được chuyển sang khối phát triển doanh nghiệp, nơi anh dẫn dắt một số thương vụ mua bán và sáp nhập ở ban đầu tư của tập đoàn, đồng thời làm việc ở ban kinh doanh một thời gian.
Làm việc tại khối phát triển doanh nghiệp được một năm rưỡi, đúng lúc các đồng nghiệp cũ đang thắc mắc về con đường phát triển sự nghiệp của anh thì Kinh Hải Bình công bố danh tính của Kinh Hồng, đồng thời điều anh lên làm trợ lý cho ông. Kinh Hải Bình có ý bồi dưỡng con trai, hầu như mọi thứ đều để cho Kinh Hồng xem qua và cân nhắc trước. Kết quả khiến Kinh Hải Bình rất vui mừng, ông cho rằng Kinh Hồng thậm chí còn vượt qua chính mình, bởi một số tính năng mới mà Kinh Hải Bình thích nhưng Kinh Hồng phản đối đều không đạt kết quả tốt, thậm chí còn bị gỡ xuống bằng tốc độ ánh sáng trong vòng một ngày. Vì vậy, sang năm thứ hai, sau khi tập đoàn Phiếm Hải có sự điều chỉnh cơ cấu mang tính chấn động và tổ chức lại phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo thành khối trí tuệ nhân tạo, Kinh Hải Bình đã yêu cầu người phụ trách bộ phận mới này báo cáo trực tiếp cho Kinh Hồng, bởi lẽ quả thực quá mới và là điểm yếu của Kinh Hải Bình, nhưng lại là chuyên môn của Kinh Hồng. Kinh Hồng cũng là nhóm người đầu tiên trên thế giới tiếp xúc với "học cấu trúc sâu". Kinh Hải Bình muốn để con trai quản lý một bộ phận lớn, mà khối trí tuệ nhân tạo có vẻ rất phù hợp. Kinh Hải Bình thấp thỏm lo âu nhưng vẫn tin tưởng vào con trai mình, và sự thật đã chứng minh rằng một số sản phẩm mà Kinh Hồng quyết định dốc hết vốn liếng vào, ví dụ như hình ảnh y khoa, chính là xu hướng chung một năm sau đó.
Sau khoảng ba năm làm trợ lý, Kinh Hồng ngày càng tự tin hơn. Lúc này, giám đốc chiến lược kiêm tổng giám đốc khối phát triển doanh nghiệp của Phiếm Hải nhảy sang làm CEO của một ngân hàng khác, vì sự việc bất ngờ nên Kinh Hồng kiêm nhiệm luôn tổng giám đốc mới của khối phát triển doanh nghiệp. Lý do là vì một số thương vụ mua lại mà Kinh Hồng thực hiện vào thời điểm đó đều đạt được lợi nhuận cực cao, và một số lĩnh vực mà anh không thích sau đó đã được xác nhận là không tốt.
Kinh Hải Bình vốn không muốn con trai mình nối nghiệp quá sớm, nhưng ai mà đoán trước được tương lai, cách đây một năm, ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Dù đã tiến hành phẫu thuật và hóa trị, đồng thời bệnh lý xác nhận rằng khối u vẫn còn ở giai đoạn đầu, nhưng ung thư vẫn là ung thư, có thể tái phát và giết chết ông bất cứ lúc nào, cân nhắc tình trạng thể chất của mình, Kinh Hải Bình quyết định nghỉ hưu, dành cho mình một cuộc sống thoải mái. Tất nhiên, ông đã cân nhắc về năng lực của Kinh Hồng, dưới sự lãnh đạo của anh, khối trí tuệ nhân tạo và khối phát triển doanh nghiệp không xảy ra sai sót nào cả.
Thế là từ ngày đó, Kinh Hồng nối nghiệp cha, tiếp nhận vương trượng, toàn quyền cai quản đế chế Phiếm Hải. Anh là tổng giám đốc điều hành của tập đoàn Phiếm Hải, còn Kinh Hải Bình giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị.
Hiện nay, ban đầu tư do Triệu Hãn Thanh quản lý trực thuộc khối phát triển doanh nghiệp. Tổng giám đốc khối phát triển doanh nghiệp vẫn do Kinh Hồng kiêm nhiệm, giám đốc ban đầu tư (General Manager/GM) phía dưới là Triệu Hãn Thanh.
Sau khi cùng Triệu Hãn Thanh giải quyết xong vài vấn đề, Kinh Hồng tỏ ra thản nhiên hỏi: "Mà này, việc hợp nhất Côn Bằng và Hoa Vi đến đâu rồi?"
Triệu Hãn Thanh đáp: "Các điều khoản khác gần như ổn rồi, chúng ta sẽ nắm giữ 20% cổ phần công ty mới sau khi hợp nhất, Thanh Huy cũng sẽ nắm 20%. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thống nhất được ai sẽ là CEO sau khi hợp nhất."
Kinh Hồng nói: "Đoán trước được."
Côn Bằng là công ty khởi nghiệp do Phiếm Hải đầu tư, còn Hoa Vi được đầu tư bởi Thanh Huy, một công ty khác thuộc Internet Big Four của Trung Quốc. Côn Bằng và Hoa Vi đều làm về lĩnh vực ngân hàng trực tuyến mới nổi và hiện là hai ngân hàng trực tuyến duy nhất ở Trung Quốc. Ngân hàng trực tuyến thoạt nghe có vẻ rất lạ nhưng thực tế tiềm năng người dùng là vô cùng lớn, vì không cần mở chi nhánh và không cần thuê giao dịch viên, nên nó có thể đưa ra lãi suất rất cao. Tại Hoa Kỳ, ngay cả những công ty như Goldman Sachs cũng đã mở ngân hàng trực tuyến của riêng họ.
Cuối năm 2015, Ngân hàng Nhà nước công bố sẽ dỡ bỏ trần lãi suất tiền gửi cố định của kỳ hạn trên một năm nên Kinh Hồng đã nhìn thấy cơ hội và hành động dứt khoát.
Ban đầu, các quỹ đầu tư mạo hiểm đều nghĩ người gửi tiền Trung Quốc chỉ thích bốn ngân hàng lớn là Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Xây dựng; nên Côn Bằng không thu hút được nguồn đầu tư. Khi quyết định đầu tư, Kinh Hồng thực sự cảm thấy rất cô đơn, như thể mình là người duy nhất ở Trung Quốc đầu tư. Nhưng chưa đầy một tháng sau đó, đối thủ của Côn Bằng là Hoa Vi lại thông báo đã hoàn tất vòng gọi vốn Series A, đồng thời tự hào tiết lộ rằng nhà đầu tư là Thanh Huy, người thúc đẩy thực hiện giao dịch là Chu Sưởng.
Sau này, nhờ Phiếm Hải làm trung gian giới thiệu, Côn Bằng đã mua được bảo hiểm từ công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc với mức "lên tới 100.000/khách hàng", đồng thời có được giấy phép hoạt động như một ngân hàng chính thức, khiến người gửi tiền rất yên tâm, vì vậy lượng khách hàng tăng lên nhanh chóng.
Tuy nhiên, là "hai" ngân hàng trực tuyến duy nhất tại Trung Quốc, để đánh bại đối thủ và chiếm lĩnh thị trường, cả Côn Bằng và Hoa Vi đều đưa ra mức ưu đãi rất cao cho người dùng mới. Ví dụ, Côn Bằng hứa hẹn chỉ cần một khách hàng lôi kéo được một người dùng khác thì lãi suất tiền gửi cố định một năm của cả hai người có thể tăng từ 4.5% lên 5.5%. Chỉ riêng nghiệp vụ cho vay của Côn Bằng không thể hỗ trợ con số này nên chỉ có thể trông cậy vào nguồn đầu tư từ Phiếm Hải, mà ở bên kia thì tình trạng của Hoa Vi cũng tương tự. Hai bên đều giữ ý kiến riêng về việc ai là người bắn phát súng đầu tiên, nhưng kết quả là tỷ lệ ưu đãi của Côn Bằng và Hoa Vi ngày càng cao, số người gửi tiền tăng lên từng ngày nên đốt tiền ngày càng nhiều. Dần dần, nhà đầu tư của Côn Bằng là Phiếm Hải và nhà đầu tư của Hoa Vi là Thanh Huy không thể tiếp tục được nữa sau bao vòng bơm vốn.
Tiêu tiền như nước.
Cả Phiếm Hải và Thanh Huy đều mong muốn hợp nhất Côn Bằng với Hoa Vi, hai bên bắt tay làm hòa, giải quyết tranh chấp, chia sẻ thị trường và cùng tìm kiếm tương lai. Số tiền đã tiêu tốn quá lớn nên "hợp nhất hai công ty Côn Bằng Hoa Vi thành một" là giải pháp bình thường. Thị trường chỉ có bằng ấy, bỏ quá nhiều tiền để giành giật cũng chẳng có ý nghĩa gì, thà đừng chi tiền nữa mà chia thị trường làm đôi, còn hơn là ném tiền qua cửa mà vẫn chỉ nhận lại được một nửa thị trưởng. Người đưa hai bên ngồi lại bàn bạc với nhau chính là quản lý của Goldman Sachs tại Trung Quốc – người này muốn đầu tư vào công ty mới sau khi hợp nhất, vả lại mặc dù quan hệ giữa Phiếm Hải và Thanh Huy có thể ví như một núi không thể có hai hổ, nhưng cô lại có mối quan hệ rất tốt với cả hai bên.
Mặc dù ai cũng nói rằng trong lĩnh vực "đầu tư công ty" thì Phiếm Hải và Thanh Huy giống hệt hai con bò sữa, bò cung cấp dòng sữa đều đặn, còn Phiếm Hải và Thanh Huy cho dòng tiền đều đặn không dứt, nhưng thực tế thì tiết kiệm càng nhiều tiền càng tốt.
Nhưng hiện nay thì... Kinh Hồng nghĩ: Cuộc đàm phán dường như đã đi vào bế tắc đúng như anh dự đoán, đó là vấn đề CEO.
Sau khi hợp nhất Côn Bằng và Hoa Vi, ai sẽ là CEO của công ty mới? CEO của Côn Bằng cũ? Hay CEO của Hoa Vi trước kia? Hiển nhiên, CEO của Côn Bằng theo phe Phiếm Hải, sau này cũng sẽ nghiêng về Phiếm Hải, dù sao thì Phiếm Hải cũng đã đầu tư vào Côn Bằng mấy năm, tương đương với có ơn tri ngộ. CEO của Hoa Vi là phái Thanh Huy, nhất định sẽ thiên vị Thanh Huy.
"CEO là vị trí có hực quyền." Kinh Hồng nói: "Vẫn phải giành về mình."
Triệu Hãn Thanh: "Được. Tôi biết, tôi vẫn đang cố gắng."
Suy cho cùng, cổ đông không thể quản lý quá nhiều việc, CEO mới là người nắm quyền thực sự. Kinh Hồng mong rằng công ty mới sau khi hợp nhất Côn Bằng và Hoa Vi sẽ nghe theo mình, chứ không phải nghe Chu Sưởng.
Chu Sưởng ấy à, Kinh Hồng không hề thích hắn.
Chu Sưởng cũng ba mươi hai, và cũng như anh, hắn tiếp quản vị trí của cha mình vào năm ngoái ... Thực ra thì trong giới con cháu đời hai của các doanh nhân đầy những kẻ ăn chơi quần là áo lượt, chỉ có anh và Chu Sưởng là thành công thừa kế sự nghiệp gia đình.
Mọi người đều nói rằng họ giống nhau, và quả thực là vậy, mới ngoài ba mươi, tốt nghiệp trường danh giá, có lý lịch xuất sắc, và bước ra xã hội từ rất sớm. Khác hoàn toàn với những "doanh nhân thế hệ thứ hai" thông thường, Kinh Hồng và Chu Sưởng đều chọn con đường kỹ thuật, học ngành khoa học máy tính đến tận tiến sĩ, đồng thời có nhiều kinh nghiệm thực tế tại các công ty công nghệ Mỹ.
Điểm khác biệt duy nhất là Kinh Hồng trở về Trung Quốc ngay sau khi tốt nghiệp, trong khi Chu Sưởng làm việc đến năm năm tại McKinsey ở San Francisco, làm tư vấn quản lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khởi đầu từ quản lý kinh doanh, sau đó quản lý đầu tư, rồi lên làm Director, mãi đến ba mươi tuổi mới về nước. Sau khi về Trung Quốc, hắn trực tiếp phụ trách quản lý những bộ phận nòng cốt trong Thanh Huy.
Theo những tin đồn bên lề, điều khiến Chu Sưởng nổi tiếng tại McKinsey chỉ trong một thời gian ngắn là dự án cắt giảm nhân sự của một công ty khổng lồ. Khi đó Chu Sưởng chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch sa thải toàn cầu của công ty nọ, hắn ra tay cực kỳ tàn nhẫn, thẳng tay cắt giảm luôn một phần ba số nhân viên, khiến cả ngành chấn động, nhưng sau đó, khách hàng cuối cùng đã thoát khỏi tấm thân cồng kềnh ban đầu và cất cánh trở lại, giá cổ phiếu của công ty tăng vọt một đường.
Năm ngoái, cha của Chu Sưởng là Chu Bất Quần đã lỡ lời trong lúc say rượu, mà còn rất nghiêm trọng. Sau khi Chu Bất Quần tỉnh rượu thì sợ gần chết, chỉ lo bị bên trên khiển trách nên nhân lúc chưa xảy ra chuyện gì, ông ta đã giao Thanh Huy lại cho con trai và trốn sang châu Âu nghỉ hưu. Chu Bất Quần hơi cả nghĩ nên chủ động chặt đứt cánh tay của mình lùi về hậu trường, có như vậy thì hoạt động của công ty ít nhất sẽ bình thường, công ty vẫn nằm trong tay nhà họ Chu. Nhưng dù thế nào đi nữa, lỗi nói bậy của ông ta cuối cùng cũng thực sự được cho qua.
Sau khi thay đổi người nắm quyền, cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt xảy ra giữa phe Thanh Huy cũ và phe Thanh Huy mới, quá trình chuyển giao không suôn sẻ như Phiếm Hải. Tuy nhiên, Chu Sưởng rất cao tay trong việc đàn áp hội đồng quản trị, xứng danh chiến thần hay vua của các vị vua, ai muốn đá hắn đi sau cùng đều bị hắn sút thẳng ra ngoài. Hai ba lần qua đi, không còn ai dám nói lời phản đối.
Trên mạng cũng có người nói Chu Sưởng đẹp trai mà xấu xa, hay Chu Sưởng bụng dạ xấu xa nhưng đẹp trai, cùng một nghĩa nhưng trọng điểm khác nhau.
Thế hệ trước thì Kinh Hải Bình coi thường cha Chu Sưởng, sang thế hệ này, Phiếm Hải và Thanh Huy tranh đấu trên mọi lĩnh vực của Internet, cạnh tranh thường xuyên đến mức khốc liệt, Kinh Hồng và Chu Sưởng lại càng không qua lại gì. Nếu thực sự gặp nhau ở các cuộc họp, họ chắc chắn sẽ gật đầu qua loa, thậm chí còn chào hỏi lịch sự hoặc có khi trao đổi vài lời, nhưng họ không liên lạc riêng, ngay cả thông tin liên lạc của nhau cũng không có.
Kinh Hồng là con cưng của ông trời, xưa nay không có ai sánh kịp, chính anh cũng cho rằng mình đặc biệt. Nhưng bây giờ bỗng nhiên mọi người đều nói "hai người giống hệt nhau", điều này thực sự khiến Kinh Hồng khó chịu.
"Được, xong rồi." Kết thúc cuộc họp, Kinh Hồng lấy trên bàn ra một tập hồ sơ màu đỏ sậm, rõ ràng là còn phải làm việc khác: "Chỉ có một việc đó thôi, sau khi hợp nhất Côn Bằng và Hoa Vi, không thể nhường bên kia vị trí CEO có thực quyền."
Triệu Hãn Thanh đáp: "Tôi biết."
"Cảm ơn các anh." Kinh Hồng còn trẻ, bình thường anh sẽ cố gắng để thân thiện và hòa nhã với cấp dưới. "Tôi biết việc này không dễ, nhưng tôi chờ tin tốt của anh."
......
Làm việc đến khoảng bảy giờ, thư ký của Kinh Hồng báo với tài xế là anh đã xong việc, gọi tài xế đợi Kinh Hồng xuống lầu. Ở Phiếm Hải, Kinh Hải Bình trước đây và Kinh Hồng hiện tại có thang máy riêng đi thẳng xuống chỗ để xe, người khác không được sử dụng. Mỗi tối tài xế đều đợi họ ở cửa thang máy. Vài quản lý cấp cao khác của Phiếm Hải cũng có thang máy riêng, nhưng là nhiều người dùng chung một cái.
Ra khỏi văn phòng, đi thang máy xuống bãi đậu xe, tài xế đã đợi sẵn bên cạnh xe. Nhìn thấy Kinh Hồng, tài xế chào "sếp Kinh rồi nhẹ nhàng mở cửa hàng ghế sau. Kinh Hồng nhấc chân bước lên xe.
Sau khi thắt dây an toàn, Kinh Hồng nói với tài xế: "Tối nay đến nhà sếp Kinh lớn đi."
"Sếp Kinh" hoặc "sếp Kinh nhỏ" là chính anh, còn "sếp Kinh lớn" tất nhiên là gọi Kinh Hải Bình. Kinh Hồng thường về nhà riêng ở gần Phiếm Hải mà anh đã mua cách đây bốn năm, tuy nhiên, thỉnh thoảng có thời gian rảnh như hôm nay, anh sẽ về thăm cha mẹ.
Vợ chồng sếp Kinh lớn sống trong khu biệt thự cao cấp nào đó. Tài xế đáp lời, xe chạy êm ái.
Kinh Hồng tiếp tục làm việc. Vừa đọc tài liệu trên tay, anh vừa suy nghĩ về việc hợp nhất Côn Bằng và Hoa Vi. Dù nói với Triệu Hãn Thanh rằng "tôi chờ tin tốt của anh", nhưng thực chất Kinh Hồng đã sẵn sàng cho một cuộc đàm phán đổ vỡ.
Điều này không liên quan gì tới thái độ làm việc của Triệu Hãn Thanh. Kinh Hồng không hỏi về tất cả các dự án đầu tư của Phiếm Hải, nên mỗi khi anh hỏi đến thì dù có vẻ bình thản đến đâu, cũng có nghĩa là dự án đó quan trọng, Triệu Hãn Thanh sẽ hiểu được.
Điều này cũng không liên quan gì tới năng lực của Triệu Hãn Thanh. Ban đầu tư của tập đoàn Phiếm Hải là một bộ phận ưu tú trong công ty, được thành lập bởi cựu chủ tịch khu vực Trung Quốc của Goldman Sachs, nhân viên không nhiều nhưng đều có thành tích đáng nể, đến từ đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa và ngân hàng đầu tư Bulge Bracket, bước chân vào ban đầu tư của Phiếm Hải, tương đương với việc vươn tới đỉnh cao chuỗi đầu tư trong ngành tài chính. Một số quản lý cấp cao của ban đầu tư đã từng giữ chức vụ giám đốc điều hành trong các ngân hàng đầu tư hàng đầu, Triệu Hãn Thanh cũng không ngoại lệ. Nhờ có nền tảng sâu rộng ở nhiều lĩnh vực và năng lực chuyên môn mạnh mẽ, gần một nửa số kỳ lân của Trung Quốc trong những năm gần đây đều thấp thoáng bóng dáng của Phiếm Hải sau lưng. Hội nghị đầu tư của Phiếm Hải là hội nghị đầu tư tốt nhất, các công ty khởi nghiệp đều muốn tham gia, thậm chí có người còn nói rằng nếu Phiếm Hải rút thăm và đầu tư vào một công ty, thì đảm bảo sang ngày hôm sau công ty đó sẽ đạt mức giới hạn.
Vấn đề là anh không từ bỏ vị trí CEO, thì Chu Sưởng kia cũng không bao giờ nhường. Ban đầu tư của Thanh Huy cũng là tập thể giỏi nhất trong ngành.
Một năm qua, sau nhiều lần đối đầu, Kinh Hồng đã rất quen thuộc với phong cách cá nhân của Chu Sưởng.
Quả thực là rất giống anh.
Kể từ năm nay, phong cách đầu tư của cả hai công ty ngày càng trở nên duy ngã độc tôn. Có thể nói là có tiền muốn làm gì cũng được, phong cách rất cấp tiến, quyết tâm đạt được điều mình muốn, vung tiền hào phóng đến mức kinh người, sẵn sàng đưa ra mức định giá cao và rót tiền nhanh chóng. Trong một năm nay, chỉ cần Phiếm Hải và Thanh Huy để mắt tới thứ gì, sau đó chắc chắn sẽ có bão.
Lần nào người trong ngành cũng nói: "Trời ơi! Kinh Hồng và Chu Sưởng lại nhắm trúng cùng một món đồ chơi mới!"
Kinh Hồng hiểu Chu Sưởng, hai người họ thật sự quá giống nhau, bất chấp việc không hề qua lại. Kinh Hồng được lợi từ đó, nhưng lại ghét bỏ sự thấu hiểu lạ lùng này.
Đang suy nghĩ, Kinh Hồng phát hiện đường ống trên đường dẫn vào khu biệt thự đang được sửa chữa.
Con đường này vốn có một làn đường hướng Nam-Bắc và một làn hướng Bắc-Nam, bây giờ một bên bị phong tỏa, người qua lại chỉ có thể tự mình điều chỉnh.
Từ xa, tài xế của Kinh Hồng đã thấy một chiếc xe hơi đang lao tới, nhưng nóvẫn còn ở xa, mà bên mình thì đang gần khu vực cấm đường nên không dừng lại. Không ngờ, tài xế chiếc Maybach bên kia rõ ràng đã ngang ngược quen thói, còn đạp ga cố gắng đi vào làn đường bình thường trước, ép xe của Kinh Hồng dừng lại, giành đường đi qua!
Kinh Hồng có thói quen khiêm tốn, hôm nay chỉ đi một chiếc Tesla, kém xa chiếc Maybach 62S kia. Với tư cách là CEO của một công ty công nghệ, Kinh Hồng quyết không bao giờ lựa chọn mẫu xe 12 xi-lanh ấy, dung tích cực lớn gây ô nhiễm môi trường trái đất. Có lẽ do xe của Kinh Hồng có vẻ thông thường quá nên tài xế kia mới ỷ thế bắt nạt.
Nhưng rõ ràng, tài xế của Kinh Hồng không thích ngậm bồ hòn làm ngọt, hậu quả là hai xe đối đầu nhau trong thế bế tắc trên làn đường duy nhất mà xe hơi có thể đi qua.
Tài xế xe Kinh Hồng hạ kính xuống chửi: "Anh chạy xe kiểu quái gì thế?! Xa như vậy mà còn cố giành vào trước?!"
Chiếc xe đối diện dài hơn sáu mét, trông thì sang trọng nhưng tài xế cứ như một tên côn đồ: "Cha nội đi ngược đường đấy biết không?! Ông đây đi đúng đường! Bộ không có mắt hả?"
"Các anh lui về đi." Không muốn tranh cãi với côn đồ, tài xế của Kinh Hồng xua tay: "Bây giờ chúng tôi cách xa lối ra, các anh ở gần lối ra."
"Lui cái đệch!"
Bên kia lại chửi rủa, tài xế của Kinh Hồng nhận thấy người ngồi ghế sau chiếc Maybach hình như đang nói gì đó, tài xế nọ lập tức ngoan như mèo con, không dám lên tiếng nữa, chỉ nổ máy rồi từ từ lùi ra ngoài.
Maybach tránh sang một bên, dừng ở làn đường khác phía sau rào chắn.
"Xí! Thì cũng phải lùi mà!" Tài xế của Kinh Hồng đạp ga.
Khi đi ngang qua chiếc Maybach, vì một phút tò mò, Kinh Hồng hơi xoay cổ liếc nhìn người ngồi ở ghế sau.
Tình cờ đối phương cũng nhìn sang.
Hai người ngồi trong xe, cửa sổ xe cũng không dán gì. Qua hai lớp cửa kính, Kinh Hồng vừa chạm mắt đối phương thì sửng sốt trong giây lát.
Người kia không có ngoại hình của một ngôi sao thần tượng hiện nay, mà như một kẻ bề trên đã quen với quyền lực. Vầng trán nhẵn nhụi, sống mũi cao, đôi môi mỏng và hàm dưới góc cạnh. Đẹp nhất là đôi mắt kia, đen thẳm tưởng như có thể nhìn thấu vạn vật. Nhưng nếu nhìn kỹ, người ta sẽ cảm thấy sâu trong đôi mắt hoa đào đa tình đó chỉ có lạnh nhạt vô tình.
Chu Sưởng.
Kinh Hồng nghĩ, không ngờ lại gặp Chu Sưởng.
Cả hai im lặng nhìn nhau qua cửa sổ xe như đang suy nghĩ điều gì, nhưng lại như chẳng hề nghĩ ngợi, đôi mắt họ đều không bộc lộ suy nghĩ của chủ nhân. Xe lướt qua nhau, một chiếc đi về phía Nam, một chiếc đi về phía Bắc. Chẳng bao lâu, Chu Sưởng biến mất khỏi tầm mắt Kinh Hồng.
Đi ngang qua rồi Kinh Hồng mới nhớ ra ông già nhà Chu Sưởng và cha mình mua nhà trong cùng một khu biệt thự. Xem ra là anh thì vào, còn Chu Sưởng trở ra.
Vì đặc biệt không thích cha của Chu Sưởng là Chu Bất Quần, nên mỗi lần nhìn thấy ông ta trong khu vực, Kinh Hải Bình vào nhà sẽ nói "xui xẻo".
Không biết lát nữa nghe xong câu chuyện đối đầu giữa hai chiếc xe, ông cụ có nói "xui xẻo" nữa hay không đây.
---
Chú thích:
Bulge Bracket: bao gồm các ngân hàng đầu tư tầm cỡ thế giới như Goldman Sachs, Morgan Stanley, JP Morgan Chase, UBS Group AG, Deutsche Bank, Baclays Capital, Chứng khoán BofA, Credit Suisse, Citigroup.
Kỳ lân: Một công ty khởi nghiệp công nghệ mới thành lập chưa đầy 10 năm, được định giá hơn 1 tỷ đô la Mỹ và chưa niêm yết, kỳ lân lớn nhất Trung Quốc trong vài năm qua là ByteDance.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top