Day 13: Favorite book
Tôi đã, đang và sẽ luôn khẳng định rằng mình là một fan của Murakama Haruki. Tất nhiên tôi chẳng quan tâm lắm đến đời tư hay quá khứ của một nhà văn, dù điều đó có thể đôi phần có ích trong việc thẩm định tác phẩm. Nhưng tôi thì không phải một nhà bình luận văn học. Tôi chỉ đơn giản là một người đọc và là một người viết chịu ảnh hưởng ít nhiều từ Murakami.
Tôi cũng chẳng phải là đã đọc hết các tác phẩm của ông. Tôi chưa đọc 1Q84, cũng chưa đọc Giết chỉ huy dội kị sĩ. Tôi đang chờ Ngôi thứ nhất số ít và Sau trận động đất. Nhưng tôi thích Kafka bên bờ biển. Tôi cũng thích cả Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương. Nếu được chọn duy nhất một tác phẩm thì tôi sẽ chọn Kafka bên bờ biển.
Tôi thích cái cách mà Murakami đưa những người đồng tính vào truyện một cách rất tự nhiên. Như Oshima của Kafka bên bờ biển. Như Đỏ của Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương. Hay thậm chí cả con bé học sinh trong Rừng Na-uy. Tất nhiên không phải họ sẽ luôn là những kẻ tốt đẹp để tôn vinh cộng đồng LGBT+ hay gì đó. Có kẻ tốt kẻ xấu, có đủ thứ xoay quanh họ mà có thể chẳng liên quan gì đến việc họ là giới nào, yêu giới nào.
Phụ nữ trong những câu chuyện của Murakami đều không tầm thường. Họ nữ tính, nhưng cũng đầy cá tính. Một vài người trong số họ có những nỗi khắc khoải khó diễn tả, một vài người trong số họ lại có nghị lực và trái tim quả cảm. Rất nhiều người trong số họ là những người bạn đồng hành đáng tin cậy.
Đàn ông trong những câu chuyện của Murakami không đơn giản chỉ là đàn ông. Họ có những nỗi đau rất tinh tế. Họ có những ham muốn rất chân thành. Họ có thể mạnh, có thể yếu. Họ có thể lạc lối, có thể sụp đổ, thậm chí cận kề bờ vực cái chết. Và bằng một cách nào đó, họ đều bình thường và chân thật đến kì lạ trong một thế giới quá đỗi siêu thực.
Dù tôi chẳng biết được ở thực tế, đàn ông và phụ nữ, và cả những người đồng tính, có sẻ chia những cảm giác ấy với nhau hay không. Tôi chỉ đơn giản là thích cái cách mà những con người như thế tồn tại trong một thế giới tuy có thực nhưng cũng chẳng có thực.
Kafka bên bờ biển có lẽ là một trong số những câu chuyện khiến tôi thấy hứng khởi nhất khi đọc. Khi những nút thắt và giao thoa hình thành thì chẳng gì có thể cản được tâm trí tôi bị cuốn vào đó.
Nhưng đọc Murakami thì phải ném hết thảy mọi đạo đức quy chuẩn ra sau gáy. Vì vốn dĩ xúc cảm đơn thuần con người không tồn tại khái niệm đạo đức. Nó sẽ đúng và sai cùng một lúc, nó mặc kệ mọi thứ để yêu và ghét. Như cách Kafka đi tìm mẹ, và rồi yêu bà bằng nhiều cách. Nó không chỉ là tình yêu xác thịt đơn thuần, nó giống như một lời nguyền. Tôi thích cái cách mà rất nhiều thứ trong các tác phẩm của Murakami hiện hữu như một lời nguyền rủa, bí ẩn và khó giải thích, đặc biệt là khía cạnh tình dục và cái chết. Có vô số thứ tồn tại như một giấc mơ. Dù sao thì đó cũng là tiểu thuyết siêu thực. Các yếu tố tâm linh và mộng tưởng là điều phải có. Nhưng tất nhiên không phải ai cũng có thể viết được.
Tôi cũng đã ảnh hưởng kha khá những yếu tố ấy từ Murakami, dù điều đó không đồng nghĩa với việc tôi có thể trở thành Murakami thứ hai. Siêu thực là những thế giới mang tính cá nhân, và chỉ cần hai cuộc đời khác nhau, thế giới ấy cũng sẽ khác nhau. Tôi chẳng bao giờ viết về những cái giếng, tôi cũng không viết về nhạc jazz hay giao hưởng. Nhưng tôi cũng bị ám ảnh bởi tình dục và cái chết. Dù tôi chưa từng có trải nghiệm thực tiễn trong cả hai. Tất cả đều chỉ là mộng tưởng. Mộng tưởng cũng chẳng sao, vì siêu thực là mộng tưởng.
Những mộng tưởng thật phù du.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top