Pháp Cú 423: Truyện bậc đáng cúng dường
"Ai biết được đời trước
Thấy thiên giới đọa xứ
Chấm dứt mọi sinh diệt
Đạt thắng trí viên mãn
Bậc tịch tịnh đạo sĩ
Viên mãn mọi thành tựu
Ta gọi Bà-la-môn."
(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 423)
Tích Pháp Cú: Có lần Đức Phật bị bệnh. Ngài A-nan bèn đi xin nước nóng cho Phật tắm. Người gia chủ cúng được cho Phật thùng nước nóng thì ông mừng lắm. Một lần ông gặp Đức Phật thì ông hỏi:
- Bạch Thế Tôn, trong những người đáng cúng dường thì cúng cho ai được phúc nhiều nhất?
Phật bèn trả lời ông bằng bài kệ:
"Ai biết được đời trước
Thấy thiên giới đọa xứ
Chấm dứt mọi sinh diệt
Đạt thắng trí viên mãn
Bậc tịch tịnh đạo sĩ
Viên mãn mọi thành tựu
Ta gọi Bà-la-môn."
(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 423)
Đức Phật nói về tính chất của một vị A-la-hán. Và ai cúng dường cho vị A-la-hán đó thì phúc vĩ đại.
Bài học kinh nghiệm
Bài học 1: Đức Phật vẫn bị bệnh
Ta thấy Đức Phật thì vẫn bị bệnh. Bởi vì chứng đạo thành Phật rồi tức là "Phật đã dừng Ác nghiệp trong hiện tại và tương lai". Thế nhưng Ác nghiệp quá khứ Phật vẫn chưa trả nợ xong. Mà nguyên tắc để nhập Niết Bàn là toàn bộ Ác nghiệp quá khứ, hiện tại, tương lai phải chấm dứt. Nếu không nhập Niết Bàn thì cứ từ từ kiếp sau trả nợ cũng được. Nhưng vì đây là kiếp sống cuối cùng nên mọi Ác Nghiệp phải trả nợ hết.
Thế nên ta thấy cuộc đời Đức Phật rất nhiều nạn tai: Đao trời hiện ra chém chảy máu chân Phật (Thiên đao). Phật bị bỏ đói phải ăn lúa mạch dành cho ngựa (Mã mạch), bị dân chúng Cô-dăm-bi chửi, bị Đề Bà hãm hại, tăng chúng mất đoàn kết nên Phật bỏ vào rừng sống 3 tháng, cuối đời là Phật bị trọng bệnh bởi nấm độc. Nhưng còn nhiều nạn nhỏ mà Kinh không ghi chép. Ví dụ lần Phật bị bệnh phải tắm nước nóng để giải cảm như trong Pháp Cú này.
Vậy nên Nhân Quả là tuyệt đối. Không ai có thể vượt ngoài Nhân Quả. Đức Phật vĩ đại là bởi Phật thấy được tận cùng của Nhân Quả và Duyên tạo thành quả báo mà thôi.
Bài học 2: Bậc đáng cúng dường
Nếu ta mộ đạo Phật thì cứ thấy chùa là cúng, cứ thấy Sư là lễ... đâu biết rằng "Bậc đáng cúng dường lễ lạy là những vị thánh". Sư chỉ là hình tướng thôi chứ chẳng biết nội tâm Sư thế nào.
Vị Thánh có thể không phải là Sư tu hành. Có thể vị đó sống ở đời với đạo đức vĩ đại, trí tuệ vĩ đại. Vị đó tạo công đức vĩ đại sau khi chết thì làm thần, làm thánh hộ trì, bảo vệ đất nước.
Trong các vị thánh đó thì Đức Phật là vĩ đại nhất. Sau đó là các vị thánh A-la-hán giải thoát. Sau đó là các vị Bồ Tát hi sinh vì đời, cứu độ chúng sinh. Rồi các Thánh nhân, Phúc thần cứu nước giúp dân như: Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần... Và những vị đã diệt trừ được Kiết sử đều đáng kính trọng.
Nên ta phải xét đạo đức, công đức, trí tuệ của vị đó để biết "Đáng cúng dường" hay không. Ta không nên nhìn hình thức bên ngoài mà cúng dường.
Bài học 3: Tính chất của vị A-la-hán
"Ai biết được đời trước
Thấy thiên giới đọa xứ
Chấm dứt mọi sinh diệt
Đạt thắng trí viên mãn"
Kinh Thân Hành Niệm (Trung Bộ Kinh) là bản kinh nổi tiếng Phật dạy Thiền quán thân. Cuối kinh đó thì Phật ấn chứng một vị chứng A-la-hán sẽ có 10 năng lực: "(1) Tâm luôn hạnh phúc. (2) Tâm không sợ hãi. (3) Tâm luôn kham nhẫn. (4) Tâm nhập định Tứ thiền. (5) Có Tha tâm thông. (6) Có Thiên nhĩ thông. (7) Có Thần túc thông. (8) Có Thiên nhãn minh. (9) Có Túc mạng minh. (10) Có Lậu tận minh."
Ba năng lực 8,9,10 là Tam Minh vĩ đại nhất. "Thiên nhãn minh" là vị đó thấy được 6 cõi Luân hồi chúng sinh tạo nghiệp gì, chết tái sinh về đâu, đời sống đó lại tạo nghiệp gì, chết lại sinh về đâu. "Túc mạng minh" giống Thiên nhãn minh nhưng thấy bản thân đã tạo nghiệp gì, tái sinh ở đâu trong Luân hồi.
Phật nói "Ai biết được đời trước, thấy thiên giới đọa xứ" tức là vị đó có Thiên nhãn minh và Túc mạng minh thấy 6 cõi Luân hồi, thấy đời sống tái sinh.
Vĩ đại nhất là "Lậu tận minh" Tâm vị đó diệt trừ hết mọi cấu uế, nhiễm ô, tập khí, kiết sử, vô minh.
Ta hay dùng từ "Lậu" trong từ ghép: buôn lậu, bệnh lậu, hủ lậu, hàng lậu, lương lậu... tức là xấu xí, phạm pháp, thối tha, bẩn thỉu. Và "Lậu tận" tức chấm dứt hết mọi tâm xấu xa, tội lỗi, kiết sử, vô minh.
Chứng "Lậu tận minh" thì tâm vị đó sáng tỏ, trí tuệ vĩ đại thắng mọi trí tuệ (thắng trí viên mãn). Vị đó chấm dứt mọi Ác nghiệp nên không còn quả báo khổ, bởi Khổ là do Ác nghiệp tạo thành. Vị đó vượt khỏi Luân hồi sinh tử và đau khổ. Nơi vị đó đến không còn sinh tử, không còn đau khổ. Đó là Niết Bàn.
Bài học 4: Bậc tịch tịnh đạo sĩ - Viên mãn mọi thành tựu
"Tịch tịnh" tức là Niết Bàn Tịch Tịnh. Nơi đó yên tĩnh tuyệt đối, thanh tịnh tuyệt đối, không sinh, không tử, không tăng, không giảm, sắc thọ tưởng hành thức đều là không ...
Ta chú ý: Toàn bộ Bát Nhã Tâm Kinh 260 chữ có đoạn nói về "Lý Không Bát Nhã" chính là miêu tả cảnh giới Niết Bàn.
Ngày nay các Sư vẫn tranh cãi: Vì sao Bát Nhã Tâm Kinh lại nói: "Các pháp là không, Không có vô minh, không có diệt vô minh, không có Tứ diệu đế, không có Bát chánh đạo?".
Đó là bởi các Pháp mà Đức Phật Thích Ca dạy ta là con đường đi đến Niết Bàn. Nay ta đang đứng trong Niết Bàn rồi thì không còn con đường đi đến Niết Bàn nữa.
"Viên mãn mọi thành tựu" là chứng A-la-hán nhập Niết Bàn là mục tiêu viên mãn, thành tựu viên mãn. Đó là nơi Vô thượng Bồ Đề, nơi giác ngộ cao nhất, cõi giới cao nhất trong vũ trụ quan đạo Phật. Đó là cõi giới thứ 7 nằm ngoài 6 cõi Luân hồi.
Đó là lời dạy của Đức Phật Thích Ca. Còn về sau các Tổ Sư Đại Thừa phát triển thêm rất nhiều kinh. Và phát triển thêm con đường Bát Nhã Ba La Mật của hàng Bồ Tát đi đến vô lượng vô biên để thành Phật. Nhưng theo tôi thì làm cư dân Niết Bàn đã là vĩ đại lắm rồi chứ không cần làm vua Niết Bàn.
Hết tập 7
Hết toàn bộ Tích Pháp Cú!
Xin trân trọng cảm ơn các Bạn đã theo dõi!
Hà nội, 5-10-2023
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top