Pháp Cú 416: Truyện hai ông Trưởng ngân khố

"Ai ở đời đoạn ái

Bỏ nhà hạnh Sa Môn

Ái hữu được đoạn tận

Ta gọi Bà-la-môn."

(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 416)

Tích Pháp Cú: Ở Ma Kiệt Đà có vị trưởng giả giàu có và giỏi quản lý tên là Gia-pi-la. Vua Bình Sa mới phong ông làm chức quan Trưởng khố. Tức là người giữ ngân khố quốc gia. Trưởng khố phải có đủ 3 tính chất: (1) Giàu có, (2) giỏi quản lý, (3) có đạo đức. Ông Gia-pi-la có đầy đủ 3 tính chất đó nên được vua lựa chọn và giao trọng trách.

Vua Bình Sa mộ đạo Phật nên thường hay nghe Phật thuyết pháp. Ông Gia-pi-la cũng hay đi theo nghe pháp cùng vua thì ông mộ đạo và phát nguyện xuất gia. Nhưng vì công việc của ông vô cùng quan trọng với quốc gia khó có người thay thế. Nên ông phải đi tìm khắp nước xem ai giàu có, đạo đức, giỏi quản lý để thay ông. Rồi ông tìm được vị Giô-ti-ca giàu hơn ông. Sau đó ông đến thương lượng.

Gia-pi-la trình bày sự thật rằng ông có chí nguyện xuất gia, mà chức quản lý ngân khố quốc gia quá quan trọng. Ông phải tìm người đạo đức, giàu có mới có thể đảm nhận. Ông đề nghị Giô-ti-ca nhận công việc đó. Ông Giô-ti-ca đồng ý.

Sau đó Gia-pi-la về trình bạy sự thật với vua về chí nguyện được xuất gia theo Phật tu hành. Và ông đề xuất một người bạn giàu có và đạo đức tên là Giô-ti-ca. Ông dẫn Giô-ti-ca lên gặp vua Bình Sa. Vua đồng ý cho Gia-pi-la xuất gia đi tu rồi chứng A-la-hán.

Ông Giô-ti-ca làm quan trưởng khố rất lâu đến khi vua Bình Sa già và A Xà Thế cướp ngôi rồi giết cha. Vua A Xà Thế tham vọng lớn muốn xâm lược hết các nước lân bang mở rộng lãnh thổ. Nhưng muốn phát động chiến tranh thì cần rất nhiều tiền. Thế rồi vua ngầm xem ai trong nước Ma Kiệt Đà giàu có thì lập mưu cướp tài sản của họ. Vua nhìn quanh thì thấy quan trưởng khố Giô-ti-ca là giàu nhất.

Trong khi vua A Xà Thế đang lập mưu bày kế thì thám báo báo tin cho Giô-ti-ca. Bởi Giô-ti-ca cũng có tai mắt ở khắp nơi để nghe ngóng tài chính, kinh tế. Sau khi Giô-ti-ca biết chuyện thì ông buồn. Bởi bao năm phụng sự quốc gia mà công chẳng nhận lại còn bị nhận tội. Thế là ông gọi con cháu đến phân chia tài sản ngầm ông đã giấu ở đâu đó. Còn toàn bộ tài sản nổi vẫn để ở tư gia cho vua A Xà Thế. Rồi ông bỏ đi xuất gia theo Phật mà chứng A-la-hán.

Vua A Xà Thế chưa thực hiện âm mưu đã có được gia tài của quan trưởng khố Giô-ti-ca. Sau đó vua đi gây chiến khắp nơi mở rộng đất nước. Rồi chiếm luôn cả Ko-sa-la sau khi vua Lưu Ly bị chết.

Còn 2 ông quan trưởng khố Gia-pi-la và Giô-ti-ca nay là 2 vị A-la-hán ở trong tăng đoàn Đức Phật. Các Tỳ kheo chưa chứng đạo thì hay xì xầm bàn tán: "2 ông đó là quan trưởng khố của vua Bình Sa trước kia giàu lắm lắm đấy". Rồi khi đi khất thực qua các nhà giàu thấy ngựa xe, tài sản đầy ụ thì các Tỳ kheo đó mới hỏi 2 vị:

- Thưa Trưởng lão, Trưởng lão nhìn cảnh giàu sang đó có nhớ đời sống khi xưa không?

- Ta không còn gì để nhớ!

Nhưng các Tỳ kheo không tin. Họ vẫn xì xầm: "Làm gì mà không nhớ, ngày xưa giàu sang sung sướng, người hầu kẻ hạ, cơm bưng tận nơi, nước rót tận miệng. Nay tự đắp y ôm bình bát đi xin ăn".

Đức Phật không muốn các Tỳ kheo đó nghĩ xấu A-la-hán thì mang tội. Thế nên Đức Phật xuất hiện đi tới hỏi xem các Tỳ kheo bàn chuyện gì. Tỳ kheo mới nói thật suy nghĩ trong tâm họ. Phật mới xác nhận rằng 2 vị Trưởng lão đó đã chứng A-la-hán nên không còn yêu hay tham tài sản:

"Ai ở đời đoạn ái

Bỏ nhà hạnh Sa Môn

Ái hữu được đoạn tận

Ta gọi Bà-la-môn."

(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 416)

Sau khi Tỳ kheo biết 2 ông đã chứng A-la-hán thì thôi không bàn tán nữa.

Bài học kinh nghiệm

Bài học 1: Phúc lớn, gặp Chánh pháp, tu lập tức chứng A-la-hán

Nếu là 1 trường hợp thì ta còn bảo là do may mắn. Ở đây 2 ông Trưởng khố bỏ tài sản lớn đi tu thì đều chứng A-la-hán Phúc 2 vị là lớn như nhau bởi đều vô cùng giàu có quyền lực. 2 vị đều gặp đúng Chánh Pháp của Phật dạy để tu hành. Thế nhưng hoàn cảnh xuất gia lại khác nhau.

Ông Gia-pi-la thì hiểu đạo và phát tâm từ bỏ hết tài sản và quyến thuộc để tu hành thì chứng A-la-hán. Còn Ông Giô-ti-ca thì bị buộc phải từ bỏ tài sản nếu không sẽ bị vua giết. Gia đình buộc phải ly tan chạy nạn. Còn ông chọn theo Phật xuất gia tu hành thì vua A Xà Thế sẽ không truy cứu trách nhiệm. Vậy mà ông tu vẫn chứng A-la-hán dù chẳng có lý tưởng cao đẹp gì? Sao lạ vậy?

Bởi vì những điều ta nói ở trên chỉ là hoàn cảnh khiến ông xuất gia. Sau khi xuất gia rồi gặp Phật thì Phật nói pháp lập tức ông có ý chí, mong ước chứng đạo. Ngoài ra tâm ông cũng chán cảnh đời giàu sang mà bạc bẽo. Ông hết lòng phụng sự quốc gia rồi còn bị tội. Chính vì chán cảnh đời nên ông mới tìm đến đạo Phật tu thời gian sau chứng A-la-hán.

Bài học 2: Giàu và đạo đức thì không cần tiền, mà cần cuộc sống có ý nghĩa

Hai ông Trưởng khố đó giàu có tiền vàng nhiều như núi. Và 2 ông đó vô cùng đạo hạnh. Hai ông làm chức quan trưởng khố bởi mong muốn cuộc sống có ý nghĩa, muốn giúp vua, giúp dân, giúp nước. Chứ với khối tài sản đó, đạo đức đó thì ông không cần thêm tiền nữa.

Vậy nên một người giàu tài sản nhiều như núi mà có đạo đức thì họ thích làm điều gì có ích cho đời, giúp đất nước, giúp dân tộc. Thế nhưng cũng có kẻ giàu mà kém đạo đức thì lại muốn có thêm quyền lực lớn nữa cho "đủ bộ có anh có em".

Họ sẽ bỏ tiền ra để mua quyền lực, chạy đua ghế tổng thống. Bởi tiền nhiều thì họ chỉ nói được cấp dưới mà thôi. Còn làm Tổng thống 1 lời nói thì nhân dân cả nước phải lắng nghe. Rồi đi khắp Thế giới bắt tay tổng thống Mỹ, tổng thống Nga, Chủ tịch Trung Quốc... oai như cóc. Nếu chỉ giàu có, tiền nhiều thì chẳng bao giờ được oai như vậy. Kẻ tham vọng lớn có tiền ắt sẽ thích có quyền.

Bài học 3: Bàn về tham vọng ngai vàng

Thời Đức Phật có 2 đại vương quốc Ma Kiệt Đà và Ko-sa-la. Một quốc gia muốn trở thành Đại Quốc thì chắc chắn phải xâm lược các nước nhỏ yếu. Rồi vương quyền, ngai vàng của Đại Quốc đó lại là mục tiêu tranh giành của các hoàng tử.

Thế nên vua Bình Sa thì bị con là Thái tử A Xà Thế cướp ngôi, nhốt vào ngục rồi hại chết. Vua Ba Tư Nặc thì bị Thái tử Lưu Ly cướp ngôi khi vua đang thăm Phật ở ngoài thành. Đến khi biết bị cướp ngôi, vua chạy về thành thì thành đã đóng cửa không cho vua vào. Đêm đó vua nằm ở ngoài thành mà chết.

Vua Lưu Ly cướp ngôi xong thì mang quân diệt vong nước Thích Ca. Giết xong hết toàn bộ dòng họ Thích Ca thì vua về và bị lũ cuốn trôi chết hết toàn bộ cả vua và đạo quân chinh phạt. Sau đó Ko-sa-la bị vua A Xà Thế chiếm. Về sau không biết vua A Xà Thế ra sao, thế nào, cuộc sống có yên vui không?

Thế nên kẻ có tham vọng thì khi có quyền lực luôn dùng quyền lực đó để thực hiện tham vọng mới mà tạo Ác nghiệp. Về sau quả báo tới luôn là đau khổ. Nhưng nào mấy ai hiểu được Nhân Quả. Nhưng vua Bình Sa chứng sơ quả Dự Lưu hiểu sâu Nhân quả mà vẫn cũng bình an đón nhận quả báo. Bởi bởi Ác nghiệp vua đã gây trong quá khứ trước khi biết đạo thì không thể không trả nợ.

Bài học 4: Tỳ kheo chưa chứng thánh là những kẻ phàm phu, tham lam, ngồi lê mách lẻo

Ta thấy các Tỳ kheo chưa chứng thánh thì ngồi lê mách lẻo, buôn chuyện, bà tám, rất chi là xàm bậy. Thế nên ai bảo Quy Y Tam Bảo (quay về nương tựa vào Tam Bảo) là quy y: Phật - Pháp - Tăng là thiếu sót trầm trọng.

Phật thì có 500 vị Phật ở "Kinh Ngũ Bách Danh" Đại Thừa. Nhưng sự thật trong 91 đại kiếp đã qua tức 91 lần Thế gian sinh diệt chỉ có 7 vị Phật ra đời. Đó là lời dạy của Phật Thích Ca trong Kinh Đại Bổn. Không biết Tổ nào giỏi và có sức định gấp 72 lần sức định của Phật Thích Ca mà thấy được tới 500 vị Phật. Xàm bậy thật!

Mà trong 7 vị Phật thật ra ta đang học Chánh pháp của duy nhất từ Phật Thích Ca. Còn 6 vị Phật quá khứ ta chỉ để biết mà thôi. Thế nên ta nương tựa (quy y) tức là Quy y Phật Thích Ca.

Pháp thì có Chánh Pháp và Tà Pháp. Ta nói Quy y pháp chung chung thì Tà Pháp ta cũng Quy y là sai.

Còn Tăng ví như mấy vị tăng ngồi lê mách lẻo, bà tám, xàm bậy kia thì sao ta có thể nương tựa. Quy y Tăng là Quy y các vị Thánh tăng đắc đạo đã diệt trừ Kiết sử. Còn các Tăng xàm bậy kia chẳng đáng Quy y.

Vậy nên phải chỉnh lại là: Quy y Tam Bảo là: Quy y Phật Thích Ca - Quy y chánh pháp - Quy y hiền thánh tăng. Và hiền thánh tăng là các vị Bồ tát và A-la-hán.

Bài học 5: Ai ở đời đoạn ái, ái hữu được đoạn tận

"Ai ở đời đoạn ái

Bỏ nhà hạnh Sa Môn

Ái hữu được đoạn tận

Ta gọi Bà-la-môn."

Theo đạo lý Duyên Khởi thì "Ái sinh Thủ, Thủ sinh Hữu, Hữu sinh Sinh, Sinh sinh Lão Tử". Từ yêu nên muốn nắm giữ (Thủ), muốn sở hữu (Hữu) rồi sẽ tái sinh để sở hữu (Sinh) rồi có già chết mà thành Luân hồi. "Ái hữu được đoạn tận" sẽ chấm dứt Luân hồi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lvt