Pháp Cú 412: Truyện Phật khen Ngài Rê-va-ta
"Người sống ở đời này
Không nhiễm ô thiện, ác
Không sầu, không bụi bẩn
Ta gọi Bà-la-môn."
(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 412)
Tích Pháp Cú: Ngài Rê-va-ta là em út của Ngài Xá Lợi Phất. Cậu được 1 tuổi thì Ngài Xá Lợi Phất xuất gia. "Tích Pháp Cú 98: Tinh xá giữa rừng gai" ta đã nghe câu chuyện về Ngài. Tôi xin kể tóm tắt:
Gia đình Ngài Xá Lợi Phất các anh em bỏ đi tu theo Ngài hết nên cha mẹ quyết giữ cậu út ở lại để thừa kế gia tài. Cha mẹ cho chú út lấy vợ sớm. Trong tiệc cưới thì vị chủ hôn cầu chúc:
- Chúc cho cô dâu chú rể sống tới đầu bạc răng long như bà cố này.
Ông ta chỉ về bà già 102 tuổi đang ngồi ở đó. Chú Rê-va-ta quay ra nhìn thì hoảng hồn. Cô dâu trẻ trung xinh đẹp vậy mà tương lai sẽ khủng khiếp như bà lão kia. Chú sợ quá bỏ chạy khỏi đám cưới.
Ngài Xá Lợi Phất biết trước sự việc nên cho Tỳ kheo đón trên đường chú chạy. Chú thấy Tỳ kheo thì vội quỳ xuống xin xuất gia. Tỳ kheo vội giấu chú đi mang về Tinh xá. Chú tu ở giữa rừng keo gai góc vì sợ cha mẹ bắt về. Tại đó chú chứng A-la-hán.
Sau khi chú chứng A-la-hán thì Phật và Chư tăng cùng Ngài Xá Lợi Phất là 500 vị đến thăm. Mọi người mới bạch với Phật rằng đường đi từ Tinh xá đến rừng keo hàng trăm dặm sẽ đi mất nhiều ngày. Nhưng trên đường thì dân cư thưa thớt sẽ không có ai cúng đồ ăn cho 500 Chư tăng.
Đức Phật mới hỏi rằng: "Có Si-va-li đi theo không?" Mọi người báo rằng có. Phật bảo "Nếu vậy thì ta cứ đi". Và tăng đoàn 500 vị đi đến rừng keo trong nhiều ngày. Trên đường đi cứ đến giờ trai tăng thì 2 bên đường hiện ra cảnh làng mạc, cư dân đông đúc. Mọi người thấy Chư tăng thì quỳ xuống cúng đồ ăn cho các vị. Sau khi thọ thực xong đoàn người rời đi thì toàn bộ nhà cửa, làng mạc biến mất.
Khi Tăng đoàn 500 vị đến rừng keo thì chú Rê-va-ta dùng thần thông biến rừng keo thành Tinh xá lâu đài để tiếp đón Tăng đoàn trong 7 ngày. Đó là Tích Pháp Cú 98 ta đã đọc.
Sau khi Chư tăng về lại Tinh xá thì mọi người mới bàn tán. Chú Rê-va-ta đó còn trẻ đã chứng A-la-hán rồi dùng thần thông biến khu rừng thành lâu đài Tinh xá đón tiếp 500 vị Chư tăng ăn ở. Rê-va-ta quả thật có phúc lớn vĩ đại, thần thông vĩ đại. Khi các Tỳ kheo bàn tán thì Đức Phật đi qua mới nói rằng:
- Này Tỳ kheo, Rê-va-ta không chấp có phúc hay vô phúc, thần thông lớn hay thần thông bé...
"Người sống ở đời này
Không nhiễm ô thiện, ác
Không sầu, không bụi bẩn
Ta gọi Bà-la-môn."
(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 412)
Bài học kinh nghiệm
Bài học 1: Không nhiễm ô thiện ác
Tại sao Phật lại bảo rằng: "Không nhiễm ô thiện ác?" Không nhiễm ác thì đúng và dễ hiểu. Nhưng sao lại không nhiễm thiện?
Vậy đầu tiên ta phải hiểu từ "Nhiễm ô" là gì? "Nhiễm ô" là tâm ta bị nhiễm sự đen tối, xấu xa, cấu uế, tập khí, kiết sử. "Nhiễm ô" này Phật hay gọi là "Lậu". Còn ta thì hay dùng từ "Lậu" ở từ ghép: buôn lậu, lương lậu, hủ lậu, hàng lậu, bệnh lậu, thuyền lậu, lậu vé, lậu thuế... "Lậu" nghĩa là xấu xa, bẩn thỉu, đen tối, mờ ám. Một vị thánh A-la-hán chứng Tam Minh thì cao nhất trong Tam Minh là "Lậu Tận Minh". Tức tâm vị đó không còn chút nhiễm ô nào.
Vậy "Nhiễm ô Thiện, Ác" là gì? Tức tâm vị đó bị tham lam thích làm thiện hay thích làm ác. Kẻ tham lam thích làm ác thì tạo ác nghiệp tương lai sẽ bị quả báo khổ ta không bàn. Điều đó đơn giản. Nhưng kẻ tham lam thích làm thiện để tương lai hưởng quả báo sướng thì cũng là nhiễm ô, xấu xa. Bởi tâm họ thích làm thiện tích phúc vĩ đại để hưởng phúc ở tương lai. Khi phúc lớn đến, có thần thông vĩ đại, quyền lực vĩ đại, tài sản vĩ đại mà tâm nhiễm ô chưa diệt, họ sẽ thành Ma Vương.
Thế nên Đức Phật hay nói rằng: "Làm phúc không chấp thủ 2 đời". Tức là làm thiện tích phúc thì tương lai sẽ có quả phúc lớn. Nhưng tâm vị đó không được chấp thủ 2 đời tức "Mong đời này hoặc đời sau ta có phúc lớn để hưởng sướng". Chính tâm chấp thủ, mong cầu, mong ước đó là tâm tham và nhiễm ô. Tương lai có phúc lớn, có quyền lực, tiền bạc, thần thông vĩ đại... thì sẽ thành Ma Vương.
Vậy nên Đức Phật bảo rằng: "Rê-va-ta không chấp thần thông lớn hay thần thông bé, không chấp phúc lớn hay phúc bé đâu. Bởi Rê-va-ta không nhiễm ô thiện ác". Nếu Rê-va-ta chấp vào thần thông vĩ đại đó thì lập tức hóa thành Ma Vương. Chính bởi vì Rê-va-ta không chấp nên mới là A-la-hán.
Vậy nên khi các Tỳ kheo buôn chuyện khen ngợi Ngài Rê-va-ta thì tâm các vị khởi tâm tham, nhiễm ô, thèm khát quả phúc và thần thông của Ngài. Đức Phật biết sự nguy hiểm đó nên mới đến khuyên bảo.
Và "Nhiễm ô thiện, làm thiện mà chấp thủ" chính là mặt trái của Nhân quả. Kẻ làm thiện tích phúc để mong cầu tương lai hưởng thì sẽ thành Ma Vương.
Bài học 2: Không sầu
Đức Phật còn khen Rê-va-ta là tu hành 1 mình giữa rừng keo gai góc không 1 bóng người, thậm chí sinh vật cũng ít thấy. Thế nhưng Ngài không hề buồn sầu. Còn các Tỳ kheo khác tu độc cư trong rừng dù sao vẫn thấy con thú đi tới đi lui, con chim chuyền cành nhảy nhót. Ở đây rừng keo gai góc này chim thú rất ít nhưng Ngài không hề buồn. Đây cũng là đặc điểm của một vị A-la-hán.
Bài học 3: Không bụi bẩn
A-la-hán thì không chấp nhận bẩn. Đây cũng là đặc điểm của một vị thánh. Khi chứng thánh thì tâm các vị thanh tịnh. Lập tức cảnh quan, nhà cửa, chỗ ở, nơi vị đó an trú đều sạch sẽ, không bụi bẩn, không cầu kỳ phức tạp rườm rà (gọi là Thanh). Và nơi đó yên tĩnh, không ồn ào náo nhiệt (gọi là Tịnh).
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top