Pháp Cú 404: Truyện Tỳ kheo và thần Dạ Xoa
"Chẳng giao thiệp với ai
Sống độc cư, thiểu dục
Giới hạnh như gương soi
Ta gọi Bà-la-môn."
(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 404)
Tích Pháp Cú: Có Tỳ kheo tên là Tuýt Sa Pa-ra-va-ti. Vị đó tự tâm cảm thấy duyên tu hành nghiêm mật đã đến. Ngài quyết hạ thủ công phu tu tập hi vọng chứng đạo. Tỳ kheo Tuýt Sa Pa-ra-va-ti bèn đến xin Phật một đề mục thiền quán. Sau đó Ngài vào rừng ở gần một ngôi làng và ẩn tu.
Ngài độc cư tu hành trong một hang núi. Vì Ngài chưa đắc đạo nên không biết trong hang có một Nữ Thần Dạ Xoa ở đó từ trước với bầy con. Thế rồi "Đức trọng quỷ thần kinh". Một Tỳ kheo uy đức quyết tâm tu hành chứng đạo A-la-hán. Thế nên thần uy vị đó toát ra Quỷ thần không thể ở gần.
Nữ thần đó muốn đuổi Ngài đi mà không nghĩ ra cách nào. Cuối cùng bà nghĩ ra một cách là xem vị đó có lỗi gì không để bắt lỗi. Rồi nữ thần đi theo Tỳ kheo mãi mà không hề thấy ông ta có lỗi gì dù nhỏ nhất. Thế là nữ thần quyết định gài bẫy Tỳ kheo.
Lần đó Tỳ kheo đến nhà một dân trong làng khất thực. Nữ thần bèn nhập vào đứa bé trong nhà khiến nó giãy đành đạch, miệng sùi bọt mép. Cả nhà không biết làm thế nào chợt nghe thấy có tiếng nói bên tai: "Hãy lấy nước rửa chân của Tỳ kheo tưới lên mình đứa bé". Thế là họ mang nước ra cho Ngài rửa chân rồi xin nước dơ tưới lên mình đứa bé. Rồi nữ thần xuất khỏi xác đứa bé và đứa bé hết bệnh. Gia đình đó đội ơn Tỳ kheo và cúng dường Ngài.
Khi Ngài về hang thì thần Dạ Xoa đó hiện ra nói:
- Hôm nay Ngài đã phạm giới.
- Ta phạm giới gì?
- Ngài đã làm thầy thuốc. Mà theo giới luật thì Tỳ kheo không được làm thầy thuốc chữa bệnh.
Thế là ngay tại đó Ngài đứng lắng tâm quan sát lại hết tâm tư hành động của mình. Ngài thấy mình không cố ý làm thầy thuốc chữa bệnh cho đứa bé. Ngay trong lúc Ngài tập trung quan sát tâm thì Ngài bừng tỉnh giác ngộ chứng A-la-hán.
Sau khi chứng A-la-hán thì trí tuệ Tam Minh khai mở. Ngài thấy người đối diện là nữ thần Dạ Xoa. Chính kẻ đó đã lập mưu để hại Ngài. Ngài bèn trách mắng nữ thần Dạ Xoa:
- Này Dạ Xoa, ngươi có tâm ác. Ngươi không ở đây được. Ngươi hãy đi nơi khác.
Và thần Dạ Xoa cùng đàn con phải bỏ hang đó tìm nơi khác để ở. Hết mùa an cư kiết hạ thì Ngài về Tinh xá kể chuyện đó cho Phật nghe. Đức Phật mới khen ngợi Ngài bằng bài kệ:
"Chẳng giao thiệp với ai
Sống độc cư, thiểu dục
Giới hạnh như gương soi
Ta gọi Bà-la-môn."
(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 404)
Bài học kinh nghiệm
Bài học 1: Duyên tu hành quyết liệt
Khi duyên chứng đạo tới tự dưng tâm vị đó bị thôi thúc tu hành quyết liệt và các điều kiện thuận lợi kéo đến, gọi là Thuận Duyên. Còn khi duyên chưa tới thì các điều kiện bất lợi cứ hiện ra ngăn cản, gọi là Chướng Duyên.
Vậy nên khi duyên chưa tới mà ai đó cố cưỡng duyên, cố tu hành mặc kệ Chướng Duyên thì tu không tới đâu. Sau đó sẽ thất bại thất vọng thập chí hoàn tục. Bởi vì sao? Bởi "Vạn hữu do duyên sinh" không có duyên thì quả báo không thể tới.
Kẻ tu mong đắc đạo mà không đủ duyên thì sâu trong tâm ắt có Tham vọng. Chính tâm Tham vọng đó khiến kẻ đó thất bại thì tuyệt vọng. Còn vị tu thuận duyên tâm không có tham vọng thì duyên tới đâu vị đó đi tới đó, bình an tự tại. Khi duyên cho đắc đạo thì vị đó đi đến đắc đạo. Không đủ duyên thì thôi cứ bình tĩnh đi mãi trong Luân Hồi.
Thế nên Bồ Tát đi trong Luân Hồi vô lượng vô biên làm việc lợi ích cứu độ chúng sinh chẳng bao giờ cầu đắc đạo. Nhưng khi duyên tới là có Đức Phật xuất thế thì Bồ Tát nguyện tái sinh làm người tu chứng A-la-hán giải thoát.
Bài học 2: Rừng núi hùng vĩ nơi ở của thần linh
Tỳ kheo Tuýt Sa Pa-ra-va-ti thấy hang núi hoang vu tưởng không có ai, hóa ra trong đó là nhà của nữ thần Dạ Xoa và đàn con. Vậy nên những nơi có cảnh trí đẹp đẽ, núi non hùng vĩ, "Bồng lai tiên cảnh" thì đó là nơi ở của thần linh. Kẻ nào đi chặt cây phá rừng, phá hoại thiên nhiên cũng là kẻ đi phá nhà của quỷ thần. Khi phúc nó lớn thì quỷ thần không làm gì được. Nhưng khi phúc nó yếu thì quỷ thần sẽ trả thù, gọi là Thánh Vật. Đó là sự thật.
Thế nên "Ăn của rừng rưng rưng nước mắt" đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Nghĩa bóng là: "Ai ăn chặn của cải công cộng tập thể thì sẽ đau khổ dài dài". Nghĩa đen là: "Ai chặt cây phá rừng thì sẽ bị quỷ thần phạt cho đau khổ".
Vì sao ăn cắp đồ công cộng tập thể lại khổ dài dài? Bởi đồ phục vụ công cộng mang lại lợi ích tập thể. Ai bố thí cúng dường đồ tập thể, mang lại lợi ích tập thể thì phúc lớn. Còn ai phá hoại lợi ích tập thể, biến đồ tập thể làm của riêng thì tội lớn.
Ví dụ: Cái nắp cống bằng sắt để mọi người đi lại an toàn. Nay có kẻ vì tham nên lấy mang bán được 5000đ. Sau đó đoạn đường đó xảy ra tai nạn nhiều vì xe cộ lao xuống cống. Quả báo cho kẻ ăn cắp nắp cống đó là thảm khốc, nhiều đời đọa địa ngục.
Cũng vậy, đất nước là của chung của dân tộc hàng triệu người. Nay có kẻ vì hám lợi cá nhân bán nước cầu vinh. Nó làm hàng triệu người lâm vào cảnh nước mất nhà tan. Tội nó nhiều đời đọa địa ngục.
Bài học 3: Nữ thần Dạ Xoa
Ta hay gọi là Quỷ Dạ Xoa là sai. Bởi cõi Ngã Quỷ là cõi quỷ đói khát, xấu xí, cô đơn lạnh lẽo, không nhà không cửa. Ta hay gọi Quỷ là Vong. Chúng sinh cõi Ngã Quỷ thì thiếu phúc vì tâm tham lam ích kỷ nên luôn bị đói khát, cô đơn, lạnh lẽo và thèm muốn.
Còn cõi Thần thì các vị phúc lớn hơn cõi người, có nhà để ở, đồ ăn vật thực đầy đủ. Vị đó ở trong hang núi như nữ thần Dạ Xoa kia vậy. Hoặc vị đó ở trong đền thờ, miếu thờ, điện, phủ, am. Vị đó có đồ ăn vật thực, hưởng hương khói và nhận sự lễ lạy của người. Các vị có thần thông biến hóa và có trí tuệ. Vậy nên Dạ Xoa là một vị thần chứ không phải quỷ đói.
Bài học 4: Nhập hồn vào xác
Văn hóa tín ngưỡng tâm linh Việt Nam ta không hiểu sao rất tương đồng với đạo Phật. Từ phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ... bởi tâm dân Việt tin rằng chết là đi về "nơi chín suối". Còn Đức Phật nói rằng: "Người chết sẽ chuyển từ cõi người sang cõi tâm linh tùy theo Nghiệp Duyên của họ".
Rồi người sống tạo công đức lớn như giúp dân lập làng, lập ấp, dạy nghề cho dân thì được thờ làm Tổ làng, Tổ nghề, Thành hoàng làng. Các vị có công bảo vệ dân, đánh giặc cứu nước thì chết đều được lập đền thờ, miếu thờ, phủ điện thờ và dân phong các vị làm thần, làm thánh.
Còn Đức Phật thì nói rằng: "Những người tạo phúc lớn thì sau khi chết vì phúc duyên sẽ được sinh vào cõi Thần hay cõi Thiên". Vậy dân Việt thờ cúng những vị có công ơn với dân chúng chính là thờ các vị Thần hay Chư Thiên theo lời Đức Phật. Các vị đó ở cõi các vị thấy dân chúng biết ơn thờ cúng lễ lạy thì động tâm nên thường dõi theo giúp đỡ.
Và hiện tượng gọi hồn, hầu đồng, nhập hồn trong tín ngưỡng tâm linh người Việt thì Truyện Pháp Cú cũng nói rằng có thật. Chính nữ thần Dạ Xoa đó đã nhập vào thân xác đứa trẻ khiến nó như bị bệnh. Thế nên khi đạo Phật truyền vào Việt Nam ta thì lập tức được tiếp nhận và hòa chung với tín ngưỡng tâm linh dân tộc.
Bài học 5: Sống độc cư thiểu dục, giới hạnh như gương soi
Đây là Phật khen Tỳ kheo Tuýt Sa Pa-ra-va-ti. Vị đó sống độc cư trong rừng và tiết giảm ham muốn vật chất. "Dục" ở đây là ham muốn vật chất chứ không phải tình dục. Đức Phật thường khen một vị có thể sống độc cư trong rừng bởi đó là phép tu "Thiểu dục" diệt trừ Thân kiến. "Thân kiến" là tâm tham lam vật chất và danh tiếng.
"Giới hạnh như gương soi" là tâm Tỳ kheo đó trong sáng tuyệt đối, không một vết nhơ trong tâm, tâm không chút lỗi lầm. Chính vì "Thiểu dục và Giới hạnh trong sáng" nên vị đó định tâm xét lại tâm thì lập tức chứng A-la-hán dù không ngồi thiền.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top