Pháp Cú 394: Truyện khổ hạnh xin tiền
"Kẻ ngu có ích gì
Tóc bệnh áo da dê
Nội tâm toàn phiền não
Mặt làm bộ nghiêm trang."
(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 394)
Tích Pháp Cú: Thành Tỳ Xá Ly ở phía đông Ma Kiệt Đà tiếp giáp với nước Thích Ca. Ở đó có người biểu diễn khổ hạnh. Ông ta đến cái cây to rồi móc ngược chân treo lên cành cây cứ lủng lẳng như vậy cả ngày. Bên dưới có cái mũ rách để xin tiền.
Ông đó còn có nghề thứ 2 là xem bói. Khi không làm khổ hạnh xin tiền thì ông đi xem bói. Nhưng ông toàn hù dọa người để moi tiền: "Ông này sắp bị tai nạn, nhà này sắp bị cháy, cô đó sắp bị chồng bỏ ..." Rồi ông ta bắt đưa tiền để trừ tà đuổi ma giúp họ. Mọi người vì sợ nên cúng tiền cho ông đó.
Thế vẫn chưa đủ. Ông đó còn hăm dọa toàn bộ thành Tỳ Xá Ly. Khi treo ngược người trên cây thì ông nói: "Nếu không cúng dường cho Ta thì toàn bộ thành này sẽ gặp tai họa". Mọi người vô cùng tức giận bởi lời nói của ông khổ hạnh này toàn mang đến điều xui xẻo.
Các Tỳ kheo đi khất thực ở thành Tỳ Xá Ly thấy truyện đó bèn về Tinh xá kể cho Phật nghe. Đức Phật nghe xong thì đọc bài kệ:
"Kẻ ngu có ích gì
Tóc bệnh áo da dê
Nội tâm toàn phiền não
Mặt làm bộ nghiêm trang."
(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 394)
Phật kể rằng nhiều kiếp trước thì ông đó cũng là đạo sỹ, cũng hù dọa mọi người để lấy tiền cúng dường. Sau đó ông bị đọa vào cõi dữ. Đến đời này được làm người mà vẫn chưa bỏ tật xấu đó.
Bài học kinh nghiệm
Bài học 1: Biểu diễn khổ hạnh và hù dọa
Kẻ ăn xin luôn hóa trang thành khốn khổ để đánh vào lòng thương của dân chúng. Cũng có thể họ khổ thật, tật nguyền thật, mất khả năng lao động thật. Nhưng họ khổ 1 thì phải hóa trang thành khổ 10 để dễ bề xin tiền. Không ai khổ mà hóa trang thành sướng để ăn xin cả.
Ông khổ hạnh này lại trù ẻo, nói điềm gở để mọi người sợ mà cúng tiền là nguy cho ông. Bởi quả báo của Khẩu Nghiệp tương lai sẽ ứng vào ông giống lời ông nói.
Không phải ở kiếp này ông ta mắc tật đó. Nhiều kiếp trước ông cũng là đạo sỹ hù dọa mọi người để xin tiền. Quả báo bị đọa cõi dữ chịu đau khổ đúng như lời nói nhưng không chừa. Đến đời này thoát cõi dữ được sinh làm người lại tiếp tục "bệnh cũ kiếp xưa" tái phát.
Thời nay kẻ "Biểu diễn khổ hạnh xin tiền" đó được gọi là "Kẻ ăn xin hóa trang khốn khổ". Xã hội này nhiều lắm. Còn kẻ hù dọa kiếm tiền bằng nghề thầy bói cũng nhiều. Nhưng ngày nay họ dọa có nghề hơn, nghe tâm linh thần bí hơn:
"Nhà này có vong theo phải làm lễ trừ tà đuổi ma. Cô đó bị ma kết duyên đeo bám phải cắt đứt tiền duyên. Nhà này có người thân đọa địa ngục phải cúng siêu độ. Rồi năm hạn tháng hạn, sao hung chiếu mệnh phải làm lễ dâng sao giải hạn..."
Dù thời nay con người ta văn minh hơn, hiểu biết hơn mà vẫn nhiều người tin sái cổ. Tuy nhiên...
"Tiền không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi. Nó chỉ chuyển từ túi người ngu sang túi người khôn mà thôi".
Bài học 2: Bồ Tát sợ nhân chúng sinh sợ quả
Chúng sinh luôn sợ quả báo đau khổ. Bởi chúng sinh chẳng biết về Nhân quả nên cứ thấy khổ tới là kêu gào, than khóc, cầu Trời, khấn Phật, phong thủy, bùa chú, dâng sao giải hạn... để thoát quả báo khổ. Nhưng làm sao thoát được. Đến Ông Phật còn bị khổ thì làm sao người thoát được.
Bồ Tát thì hiểu Nhân quả và biết rằng: "Mọi quả báo buồn vui sướng khổ đến với ta lúc này là do Nghiệp quá khứ đủ Duyên tạo thành Quả báo". Quá khứ đã qua chẳng thể thay đổi nên quả báo tới là không thể thoát. Bồ Tát "Nhẫn nhục Ba-la-mật" chịu đựng quả khổ để trả nợ Ác Nghiệp. Bồ Tát "Tinh tấn Ba-la-mật" đón nhận quả báo phúc mà không hưởng thụ dục lạc Thế gian. Bồ Tát hướng quả báo phúc đó vào tu hành giác ngộ.
Nhưng Bồ Tát lại sợ làm sai tạo tội. Bởi nếu làm sai thì tương lai 100% sẽ có quả khổ. Nên Bồ Tát sợ Nhân. Còn chúng sinh thấy quả khổ tới là lo sợ khóc than. Quả phúc tới thì hưởng hết vào dục lạc. Còn chúng sinh thoải mái làm sai tạo tội mà không sợ.
Nếu ta hiểu tính chất của Bồ Tát vậy, hiểu Luật nhân quả vậy thì không ai có thể hù dọa ta được. Bởi ta chính là Bồ Tát "chỉ sợ nhân, không sợ quả".
Bài học 3: Tập khí kiết sử nhiều đời khó đổi
Ông biểu diễn khổ hạnh xin tiền đó thì kiếp xưa cũng vậy rồi đọa cõi dữ. Nay thoát cõi dữ làm người vẫn "ngựa quen đường cũ". Phật gọi đó Tập khí Kiết sử. "Kiết" hay là "Kết" tức là nó bám keo két, kết dính chặt vào tâm chúng sinh nhiều đời nhiều kiếp. "Sử" là nó sai sử mọi hành động và lời nói của chúng sinh. "Kiết" chính là Ý nghiệp sai lầm, ác độc. "Sử" chính là Khẩu nghiệp và Thân nghiệp do Ý sinh ra. Chỉ có vị thánh tu hành chứng đạo mới diệt trừ được Kiết sử. Còn chưa chứng thánh thì Kiết sử vẫn còn.
Đức Phật dạy có 10 Kiết sử. Vị diệt được 3 Kiết sử đầu sẽ chứng Sơ quả Dự Lưu. Vị diệt thêm 3 Kiết sử sau sẽ chứng Nhị quả Nhất Lai. Vị diệt hết toàn bộ 5 Hạ phần Kiết sử cuối cùng thì chứng A-la-hán. Trong kinh Nikaya thì không có Tam quả Bất Lai.
Vị thánh Sơ quả Dự Lưu thì tương lai chắc chắn được đắc đạo giải thoát. Còn từ lúc này cho đến vĩnh viễn về sau sẽ không bị đọa vào 3 ác đạo: Địa ngục, Súc sinh, Ngã quỷ. Vị thánh Nhị quả Nhất Lai sẽ quay trở lại Luân hồi này 1 kiếp sống rồi đắc đạo giải thoát. Đa phần các vị sẽ sinh về cõi Đâu Suất Đà Thiên của Bồ Tát Di Lặc. Còn vị A-la-hán sẽ sống 1 đời sống cuối cùng này sau đó nhập Niết Bàn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top