Pháp Cú 392: Truyện Ngài Xá Lợi Phất biết ơn Tôn giả A-sa-di

"Nhớ ơn người đầu tiên

Giúp ta biết Phật đạo

Hãy kính lễ vị ấy

Như Phạm Chí thờ lửa."

(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 392)

Tích Pháp Cú: Ngài Xá Lợi Phất buổi đầu đi tìm đạo thì gặp Tôn giả A-sa-di khi đó đã chứng A-la-hán. Tôn gia là một trong 5 vị nhóm Kiều Trần Như. Lần đó Ngài Xá Lợi Phất thấy một vị Sa Môn có thân tướng oai nghi đĩnh đạc, các căn đều sáng rực rỡ. Xá Lợi Phất bèn đến và hỏi:

- Thưa Tôn giả, Ngài tu theo pháp môn gì, thầy Ngài là ai mà sao các căn của Ngài rực rỡ như vậy?

Ngài A-sa-di đáp rằng:

"Các Pháp do duyên sinh

Rồi cũng do duyên diệt

Thầy ta Gô-ta-ma

Đã dạy ta như thế"

Tôn giả vừa nói dứt câu thì Ngài Xá Lợi Phất hốt nhiên giác ngộ chứng Sơ quả Dự Lưu. Từ đó Tôn giả Xá Lợi Phất mang ơn Ngài A-sa-di suốt cuộc đời. Hễ mỗi khi nghe tin Ngài A-sa-di đang đi về hướng đó thì Tôn giả Xá Lợi Phất quỳ xuống hướng về đó mà lạy. Sau đó thì Ngài làm việc bình thường. Lâu lâu sau đó khi nghe ai nói Ngài A-sa-di đang du hành ở vùng nào thì Tôn giả Xá Lợi Phất lại hướng về vùng đó mà lạy.

Rồi mọi người mới ngạc nhiên bàn tán: "Không hiểu Ngài Xá Lợi Phất bị làm sao, hay tu theo đạo gì là lạ lắm. Cứ thỉnh thoảng đang yên đang lành tự dưng quỳ lạy rồi thôi".

Thế là Tỳ kheo mách Phật:

- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Xá Lợi Phất có biểu hiện rất bất thường không giống tu theo đạo Phật. Ngài lâu lâu lại quỳ lạy mà không hướng vào đâu cụ thể. Có khi nào Tôn giả tu theo ngoại đạo chăng?

Phật mới cho gọi Ngài Xá Lợi Phất lên hỏi:

- Này Xá Lợi Phất, ta nghe Tỳ kheo nói là ông hay lạy đủ các hướng có đúng không? Có phải ông quy y theo ngoại đạo không?

- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn biết rõ tâm con là sao. Con không hề theo ngoại đạo.

Đức Phật nghe vậy thì không hỏi nữa. Mà Phật đọc bài kệ để nói lý do Ngài Xá Lợi Phất lạy các hướng:

"Nhớ ơn người đầu tiên

Giúp ta biết Phật đạo

Hãy kính lễ vị ấy

Như Phạm Chí thờ lửa."

(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 392)

Thế là các Tỳ kheo mới vỡ lẽ: "Hóa ra Tôn giả lạy là lạy Ngài A-sa-di người đầu tiên giúp Tôn giả biết đạo Phật".

Bài học kinh nghiệm

Bài học 1: A-la-hán thì lòng biết ơn vĩ đại

Có một tà kiến cho rằng: "Tu hành chứng đạo thì sẽ Vô tâm, Vô khẩu, Vô hành. Vị đó chứng đạo Vô Vi là không nghĩ gì, không làm gì và không nói gì." Đó là sai lầm nghiêm trọng.

Ta thấy Đức Phật sau khi chứng đạo thì Phật có Vô Vi kiểu đó không? Hay Phật dùng toàn bộ cuộc đời 45 năm đi giáo hóa mang Chánh pháp dạy cho thế gian. Rồi Tôn giả Xá Lợi Phất biết ơn Ngài A-sa-di thì có "không nghĩ gì" không? Hay Tôn giả biết ơn Ngài A-sa-di như "Phạm Chí thờ lửa". Còn Đức Phật thì chứng đạo thành Phật thì có phải không nói gì không? Hay Phật nói 8 vạn 4 ngàn Pháp môn cho đến nay ta học điên cái đầu mà chỉ được góc nhỏ.

Thế rồi "Tu là bước vào Cửa Không, Tu hành là vô vi hư ảo, đi trên mây trắng, ngắm núi non hùng vĩ tâm thanh tịnh hư vô..." Tu thế thì thành đồ thừa của xã hội, sống mà chẳng có lợi ích gì cho cuộc đời. Tu thế một thời gian xài hết phúc thì đọa làm súc sinh bởi tâm ngu si đó tương ưng với súc sinh.

Bài học 2: Đạo Lương đạo của lòng biết ơn

Đạo gốc của người Việt ta là đạo "Lương". "Lương" tức là "Thiện" ta hay nói ghép là "Lương Thiện". Rồi "Lương Tâm" tức tâm hồn lương thiện. Đạo đó không có kinh sách để lại nhưng văn hóa lối sống đã dạy ta một đạo lý vĩ đại. Đó là "Lòng biết ơn".

Ta hay nói rằng: "Truyền thống văn hóa ngàn đời của Việt Nam ta là Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Đó chính là đạo Nghĩa hay Lòng biết ơn vậy. Sau đây tôi xin phân tích chút ít nhé:

Đạo Lương dạy ta thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ là những người đã khuất. Những vị đó phải đạo đức, đạo hạnh, có công ơn với gia tộc, sinh nhiều con cháu và con cháu thành đạt có đức. Nếu con cháu không có đạo đức thì chúng coi tổ tiên chẳng ra gì. Nếu con cháu nghèo khổ thì chúng cũng quên tổ tiên luôn. Thế nên chỉ có con cháu có đạo đức và thành đạt mới giữ lễ tổ tiên mà thờ cúng hương khói.

Vì có sự biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ bằng nghi thức thờ cúng đã dạy cho con cháu đời sau noi theo học tập. Từ đó con cháu biết đến đạo lễ gia đình, biết sống có đạo đức, giúp đỡ người thân, nuôi dạy thế hệ sau. Mục tiêu là được làm vị thần bảo hộ gia đình, chết vào cõi vĩnh hằng thì con cháu biết ơn.

Cao hơn tổ tiên là các vị thần mà đạo Lương tôn thờ. Đó không phải các vị thần biểu tượng cho sức mạnh như: Thần sáng tạo, thần hủy diệt, thần bảo hộ, thần mặt trời... Mà các vị thần là người thật có công ơn to lớn với dân. Sau khi chết thì được dân lập đền thờ để thờ cúng. Ví dụ các vị Thành Hoàng Làng. Đó là Tổ của làng, Tổ nghề đã khai địa lập ấp kêu gọi dân về sinh sống và truyền nghề cho trong làng.

Cao hơn là các vị thánh có công ơn đánh giặc cứu nước: Đức Thánh Gióng, Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương, Hai Bà Trưng... Các vị tướng quân đánh giặc đều trở thành các vị thần bảo hộ cho dân. Hoặc các vị Thánh xây dựng giúp đỡ dân như Tản Viên Sơn Thánh dạy dân chống lũ lụt, Thánh Mẫu Liễu Hạnh Phạm Tiên Nga xây dựng đê Ba Sát ở phủ Thiên Trường mở ra vựa lúa miền bắc. Hoặc Tổ Chử Đồng Tử đã dạy dân ta đạo Bụt (đạo Phật).

"Đạo Lương chính là đạo của Lòng biết ơn vậy"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lvt