Pháp Cú 391: Truyện Bà Kiều Đàm xuất gia
"Với người thân miệng ý
Không làm các ác hạnh
Tự phòng hộ chính mình
Ta gọi Bà-la-môn."
(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 391)
Tích Pháp Cú: Lúc đó Ni đoàn mới thành lập và Bà Kiều Đàm lãnh đạo Ni chúng. Khi đó có một "Thuyết âm mưu" nói rằng:
"Khi Bà xuất gia thì ai là người cạo tóc cho Bà. Đức Phật thì không cạo rồi vì Phật không xúc chạm người khác giới. Mà Bà tự cạo tóc cho mình thì không phải là người truyền thừa Chánh pháp của Phật. Nếu Bà không được truyền thừa Chánh pháp thì ai sẽ đi tu theo Bà?"
"Thuyến âm mưu" đó đồn lan rộng đến tai Phật thì Phật mới khẳng định trước đại chúng rằng: "Chính Phật đã đích thân làm tế độ sư cho Bà Kiều Đàm. Sau đó Phật ca ngợi đức hạnh của Bà Kiều Đàm là vĩ đại".
Sau đó Phật đọc bài kệ để tán thán Bà Kiều Đàm:
"Với người thân miệng ý
Không làm các ác hạnh
Tự phòng hộ chính mình
Ta gọi Bà-la-môn."
(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 391)
Sau đó thì lời bàn tán đó chấm dứt.
Bài học kinh nghiệm
Bài học 1: Được làm thân quyến với Phật thì phúc vô lượng
Bà Kiều Đàm là em ruột của hoàng hậu Ma-gia. Hoàng hậu Ma-gia là thân mẫu của Phật. Vậy nghĩa là vua Tịnh Phạm lấy cả 2 chị em làm vợ. Sau khi hoàng hậu Ma-gia đản sinh Đức Phật xong thì 7 ngày sau Bà mất. Cô em gái là Bà Kiều Đàm khi đó cũng hạ sinh ra hoàng tử Nan Đà. Thái tử Tất Đạt Đa và Hoàng tử Nan Đà đều được Bà Kiều Đàm nuôi bằng sữa của mình. Thế nên ta hay gọi Bà Kiều Đàm là Kiều Đàm Di Mẫu. Tức Bà vừa là mẹ vừa là dì của Phật.
Những người thân quyến của Phật đều có Đại Phúc và Đại Duyên. Tất cả đều được Phật độ đắc đạo A-la-hán: Bà Kiều Đàm thì đắc đạo A-la-hán và lãnh đạo Ni chúng. Vợ là Gia Du Đà La cũng đắc đạo A-la-hán. Em là Nan-Đà đắc đạo A-la-hán trong Tích Pháp Cú 13,14. Em gái Vô Thắng Sắc đắc đạo A-la-hán trong Tích Pháp Cú 150. Vua cha Tịnh Phạm trước khi mất thì Phật đến tắm rửa cho vua và độ cho vua chứng A-la-hán. Trước đó trong lần đầu tiên về thăm Ca Tỳ La Vệ thì Phật đã độ cho vua chứng Sơ quả Dự Lưu. Còn thân mẫu Ma-gia thì Phật lên cõi trời Đao Lợi và thuyết pháp hóa độ cho mẹ tại đây.
Bài học 2: Sao không được chạm vào người nữ khi đó là mẹ ta?
Mọi người cứ căn theo giới luật: "Xuất gia là Tỳ kheo tăng thì không được xúc chạm vào thân người nữ". Từ đó suy luận rằng Phật sẽ không cạo tóc cho Bà Kiều Đàm để truyền thừa Chánh Pháp. Đó gọi là "Giới cấm thủ" là Kiết sử thứ 2 rất thô thiển chỉ thua tham lam, ích kỷ (Thân kiến).
Sao ta lại có thể không xúc chạm người nữ khi đó mẹ ta? Cả thời thơ ấu mẹ đã ôm ấp yêu thương ta và cho ta những dòng sữa mát lành?
Và sự thật thì Phật đã không bị Giới cấm thủ. Chính Đức Phật khẳng định rằng Phật đã xuống tóc cho Bà Kiều Đàm và làm Tế độ sư cho Bà. Thế là mọi lời bàn tán mới chấm dứt.
Bài học 3: Bà-la-môn tu Tam nghiệp lành thiện
Ta còn nhớ Pháp Cú 01 và 02 Phật nói như sau:
"Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ tạo tác;
Nếu nói hay hành động
Với tâm ý ô nhiễm
Khổ não sẽ theo ta
Như xe theo ngựa kéo."
(I-Phẩm Song Yếu, Pháp Cú 01)
"Tâm dẫn đầu các pháp,
Tâm là chủ tạo tác,
Nếu nói hay hành động,
Với tâm hồn thanh tịnh,
Hạnh phúc sẽ theo ta,
Như bóng không rời hình."
(I-Phẩm Song Yếu, Pháp Cú 02)
Trong Tam Nghiệp thì tâm ý là đầu tiên và quan trọng nhất. Từ tâm ý mới dẫn đến lời nói và hành động. Ai có Tam Nghiệp lành thiện thì sẽ được hạnh phúc như bóng chẳng rời hình. Ai có Tam Nghiệp ác độc thì khổ não sẽ theo ta như xe theo ngựa kéo.
Tam nghiệp lành thiện sẽ sinh cõi Người, Thần, Trời. Cao nhất là cõi trời Phạm Thiên trong Sắc Giới. Phạm Thiên tiếng Pali là Brahmaloka dịch ra Tiếng Việt là Bà-la-môn. Vậy ta đã hiểu vì sao Đức Phật gọi vị thánh tu Tam Nghiệp viên mãn là Bà-la-môn rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top