2.Trình bày quá trình hình thành và phát triển tư tưởng HCM

Câu 2

Mục đích của sự phân chia là để nắm được những nội dung tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh  trong từng thời kỳ. Tiêu chí làm cơ sở cho sự phân chia: Những chuyển biến trong nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh
a. Thời kỳ hình thành tư tưởng yêu nước thương nòi (trước 1911)
    Hồ Chí Minh tiếp nhận truyền thống yêu nước và nhân nghĩa của dân tộc, được trang bị vốn văn hoá Quốc học và Hán học, bước đầu tiếp xúc với văn hoá phương Tây.
Người được tận mắt chứng kiến cuộc sống điêu đứng, khổ cực của nhân dân và tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của các thế hệ những người yêu nước. Với tình cảm yêu nước thương dân, Người nuôi dưỡng một hoài bão cứu nước, cứu dân.
Trong thời kỳ này, ở Hồ Chí Minh đã hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân, thiết tha bảo vệ những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc, ham muốn học hỏi những tư tưởng tiến bộ của nhân loại.
 b. Thời kỳ tìm tòi con đường cứu nước, giải phóng dân tộc (1911-1920)
Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, trước tiên Người đến nước Pháp, từ đó thực hiện cuộc hành trình khắp các châu lục trên thế giới, tìm hiểu các cuộc cách mạng lớn, khảo sát cuộc sống của các dân tộc bị áp bức.
Năm 1920, Người nghiên cứu bản Sơ thảo Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin và đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn giải phóng dân tộc. Người biểu quyết tán thành Quốc tế thứ III và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Thời kỳ này, tư tưởng Hồ Chí Minh có sự chuyển biến vượt bậc về tư tưởng; từ giác ngộ chủ nghĩa dân tộc tiến lên giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin, từ một chiến sỹ chống thực dân phát triển thành một chiến sỹ cộng sản Việt Nam. Đây là một bước chuyển biến cơ bản về tư tưởng cứu nước của Hồ Chí Minh: xác định sự nghiệp cứu nước giải phóng dân tộc Việt Nam là con đường cách mạng vô sản.
c. Thời kỳ hình thành cơ bản tư tưởng về  cách mạng Việt Nam (1921- 1930)
Đây là thời kỳ hoạt động lý luận và thực tiễn sôi nổi và phong phú của Nguyễn ái Quốc trên địa bàn nước Pháp (1921-1923), Liên Xô (1923-1924), Trung Quốc (1924-1927), Thái lan (1928- 1929).
ở Pháp, Nguyễn ái Quốc hoạt động tích cực trong ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp, tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa, xuất bản báo Người cùng khổ (Le Paria) để tuyên truyền đường lối cách mạng vào các nước thuộc địa.
 ở Liên Xô, Nguyễn ái Quốc tham dự Hội nghị quốc tế nông dân, tham dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản và các đại hội của đoàn thể quần chúng như Đại hội quốc tế Thanh niên, Quốc tế Cứu tế đỏ, Quốc tế Công hội đỏ. Người làm việc tại Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản.
 ở Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn ái Quốc tổ chức ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, xuất bản báo Thanh niên, mở các lớp huấn luyện chính trị đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.
 ở Thái Lan, Người tiếp tục chuẩn bị cho thành lập Đảng và tuyên truyền đường lối cách mạng về trong nước.
 Tháng 2/1930, tại Hương Cảng, Người đứng ra tổ chức Hội nghị thành lập Đảng, trực tiếp soạn thảo ra các văn kiện của Đảng: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng.
Thời kỳ này, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam đã hình thành cơ bản. Hồ Chí Minh đã kết hợp nghiên cứu xây dựng lý luận, kết hợp với tuyên truyền tư tưởng giải phóng dân tộc và vận động tổ chúc quần chúng đấu tranh, xây dựng tổ chức cách mạng, chuẩn bị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. 
Những công trình của Người trong thời kỳ này gồm có các tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường Kách mệnh (1927); các Văn kiện được thông qua tại hội nghị thành lập Đảng và các bài viết, bài nói khác… Những công trình này đã thể hiện những quan điểm lớn, độc đáo và sáng tạo của Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam.
Cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh trong thời kỳ này đã được truyền bấ vào Việt Nam, làm cho phong trào dân tộc và giai cấp ở nước ta trở thành một phong trào tự giác, dẫn đến sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930.
d. Thời kỳ thử thách, kiên trì giữ vững quan điểm, nêu cao tư tưởng độc lập, tự do và quyền dân tộc cơ bản  (1930-1945)
 Trong thời kỳ đầu, tư tưởng Hồ Chí Minh không được đưa vào trong thực tiễn cách mạng Việt Nam mà lại bị chỉ trích, phê phán nhưng Người vẫn kiên trì quan điểm của mình. Do không nắm được tình hình cụ thể của các nước thuộc địa ở phương Đông và Việt Nam, lại bị chi phối của quan điểm “tả” khuynh trong thời kỳ đó, Quốc tế Cộng sản  đã chỉ trích và phê phán đường lối cách mạng Hồ Chí Minh vạch ra trong Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.  Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10/1930, theo sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản cũng đã mạnh mẽ phê phán quan điểm của Người, quyết định thủ tiêu Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Người soạn thảo và đổi tên Đảng thành Đảng cộng sản Đông Dương.
    Trong hoàn cảnh đó, Hồ Chí Minh vẫn giữ vững quan điểm cách mạng đúng đắn của Người, đảm bảo quan hệ với Đảng và cách mạng thế giới thường xuyên.
 Năm 1935, tại Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản, quan điểm tả khuynh đã được khắc phục về cơ bản. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản, năm 1936 Đảng ta phê phán quan điểm tả khuynh, biệt phái đã mắc phải, thực tế là trở về với quan điểm của Nguyễn ái Quốc.
Thực tiễn trên đây cho thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh đã vượt qua được khuynh hướng “tả” khuynh trong Quốc tế Cộng sản và Đảng ta. Hồ Chí Minh đã phát triển tư tưởng của Người thành chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, xác định tư tưởng độc lập, tự do dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ra đời nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Bản Tuyên ngôn Độc lập được Hồ Chí Minh công bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới (ngày 2-9-1945), khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã khẳng định về mặt pháp lý quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam. Đây là mốc lịch sử không chỉ đanh dấu kỷ nguyên tự do, độc lập mà còn là bước phát triển mở rộng tư tưởng dân quyền và nhân quyền của cách mạng tư sản thành quyền tự do, độc lập của các dân tộc trên thế giới: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Nhân dân Việt Nam nêu cao ý chí để bảo vệ quyền tự do, độc lập của dân tộc mình.
e. Thời kỳ tiếp tục phát triển mới về tư tưởng kháng chiến và kiến quốc (1945 - 1969)
Sau khi giành được chính quyền, Hồ Chí Minh cùng Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh được bổ sung, phát triển và hoàn thiện trong một loạt những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó nổi bật là các vấn đề sau:
 - Tư tưởng kết hợp kháng chiến với kiến quốc - chống giặc ngoại xâm kết hợp với xây dựng chế độ dân chủ nhân dân; tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng khác nhau, đó là cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nhằm một mục tiêu chung trước mắt là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ  quốc.
 - Tư tưởng chiến tranh nhân dân: toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính.
 - Tư tưởng về xây dựng quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước của  dân, do dân, vì dân.
 - Tư tưởng về xây dựng Đảng Cộng sản với tư cách là một Đảng cầm quyền ...
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, là sản phẩm tất yếu của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới, là ngọn cờ thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tthcm