2 mat tam thuc
T
Trang tiếng Anh
Đạo Phật Ngày Nay
Trang tiếng Việt
...... ... .. . .. . .
HAI KHUÔN MẶT TÂM THỨC
Nguyên tác Tây Tạng: Lama Gendun Rinpoche
Dịch sang tiếng Anh: Anila Rinchen Palmo
Việt dịch: Lục Thạch
Sưu tầm và đánh máy: Thanh Sơn
MỤC LỤC
Giới thiệu
Dẫn nhập
Vài nét về tác giả
1.- Từ bỏ cảm xúc
2.- Đối trị của cảm xúc
3.- Chuyển hóa các cảm xúc
4.- Thực chất của các cảm xúc
5.- Dùng cảm xúc làm đạo pháp
GIỚI THIỆU
Bài thuyết pháp này đã được Lama Gendun Rinpoche trình bày ở Đạo viện Dhagpo Kagyu Ling, Dordogne, Pháp, vào mùa hè 1990. Lama Gendun sinh ở Tây Tạng và lưu vong khi nước này bị xâm lăng. Ngài nổi tiếng là một thiền giả ẩn tu nhiều năm ở Tây Tạng và Ấn Độ, Ngài được mời đến Dordogne trong thập niên bảy mươi để dạy thiền cho những người Tây phương quan tâm đến môn này.
Kể từ đó Ngài nhận xứ này làm nơi trú ngụ của mình, và hiện tại Ngài đang hướng dẫn các đệ tử qua các kỳ nhập thất dài hạn ở bảy tu viện thuộc tỉnh Auvergne, nước Pháp.
Những giáo lý trong bài thuyết pháp này được dựa trên tài liệu trước tác của Chagme Rinpoche, một Lama có sức học uyên thâm, người có nhiều kinh nghiệm tu chứng thuộc thế kỷ mười bảy, Ngài nổ lực không mệt mõi biên soạn lại các văn liệu thuộc vào thời đó thành những quyển sách có ý tưởng rõ ràng. Chúng ta chịu ơn Ngài vì nhiều luận thư vẫn còn được dùng ngày nay do có nội dung thấu đáo và trong sáng.
Trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của Ngài là "Giáo lý Núi" một tập hợp những lời khuyên về nhiều đề tài liên quan tới việc tu luyện tâm linh và đời sống ẩn tu, dày khoảng sáu trăm trang. Quyển sách này gồm các chương độc lập với nhau nói về nhiều đề tài, trong đó một chương về các cảm xúc. Chương này được Ngài đặt tên là "Chim công lớn", vì loài công được coi là có thể ăn chất độc rồi biến chúng thành những màu sắc rực rỡ của lông đuôi, và được Phật giáo Tây Tạng dùng làm biểu tượng cho việc tu tập tâm linh chuyển hóa lực cảm xúc thành lực trí huệ.
Trước khi tìm hiểu những giáo lý này chúng ta cần phải định nghĩa rõ từ ngữ "Cảm xúc". Chúng ta dùng từ ngữ này hằng ngày để nói tới một điều gì có thể xác định ngay được, một cảm giác rõ rệt trong tâm vừa là một phản ứng vừa là một lực. Tuy nhiên trong Phật giáo, cảm xúc có ý nghĩa rộng hơn như vậy. Đó là trạng thái tâm thức phát khởi ngay khi tâm hoạt động theo các nhị nguyên, trước khi con người bình thường ý thức được tâm trạng này.
Cảm xúc là thói quen chấp giữ khiến chúng ta tự động phân loại các kinh nghiệm của mình tùy theo bản ngã thấy những kinh nghiệm đó hấp dẫn (ưa) không hấp dẫn (ghét), hay vô ký (không để ý). Càng chấp giữ thì những phản ứng của chúng ta càng mạnh cho tới khi những phản ứng đó hòa tan vào tâm thức của chúng ta biểu lộ như những cảm giác hiển nhiên mà chúng ta thường gọi là cảm xúc.
Những phản ứng nói trên gồm ba độc tố và được thêm vào một loại chất độc coi kinh nghiêm của mình là vượt trội (kiêu mạn) và một loại chất độc nữa so sánh mình với người khác (ganh tị). Vậy, tất cả là năm chất độc. Chữ "độc tố" được dùng ở đây vì những phản ứng này độc hại cho tâm chúng ta, là chướng ngại của trí huệ. Khi đọc các giáo lý của Chagme Rinpoche mà Lama Gendun trình bày với chúng ta, chúng ta phải cẩn thận hiểu từng danh từ của năm cảm xúc theo nghĩa rộng nhất. Nếu không chúng ta sẽ không nắm vững yếu nghĩa của giáo lý này.
DẪN NHẬP
Giáo lý về đề mục cảm xúc trình bày ở đây trích từ một luận thư do Lama Chagme Rinpoche soạn. Đó là một chương trong tác phẩm lớn gồm các hướng dẫn thực hành (tu hành) chính yếu dành cho những hành giả ẩn tu trong vùng núi. Chương này có tên là "Chim công lớn hóa giải chất độc", ở đây chúng ta tìm thấy nhiều lời khuyên vô giá về cách đối trị năm loại độc tố, cách loại bỏ, nhận ra tính chất trí huệ thật của chúng, và sau cùng là cách dùng những cảm xúc như đạo pháp tu tập.
Mở đầu tác giả đảnh lễ Đức Phật: Ngài phục lạy Đức Phật do lòng tôn kính sâu xa với tất cả thân, khẩu, ý của mình. Ngài coi Đức Phật là người đã thành tựu Phật quả viên mãn, có tri kiến thấu suốt vũ trụ, và đã chia xẻ tri kiến này với chúng sinh, bắt đầu bằng bốn chân lý siêu diệu khổ, tập, diệt, đạo. Lama Chagme sau đó nói rằng Ngài soạn chương này là do lời thỉnh cầu của đệ tử là LamaKarma Tsundru Gyamtso. Vị đệ tử này than rằng mặc dù đã cố gắng hết sức, vẫn không thể loại bỏ "năm độc" ra khỏi tâm thức của mình và do đó thỉnh cầu Chagme Rinpoche từ bi chỉ dạy cách đối trị những tình cảm mạnh mẽ và độc hại này.
Qua bốn phần quan trọng của chương này, chúng ta biết cách loại bỏ năm độc, kiểm soát chúng qua việc ứng dụng những pháp đối trị thích hợp với mỗi loại cảm xúc. Sau đó chúng ta sẽ có thể nhận thấy chân tính của cảm xúc chính là lực trí huệ, và dùng cảm xúc làm phương tiện để tu tập tâm linh.
Giáo lý loại bỏ cảm xúc nói về tính chất sai lầm của cảm xúc. Chúng ta cần phải biết tại sao lại phải đối trị các cảm xúc của mình. Lý do có vẻ hiển nhiên nhưng sự thật thì không đơn giản như vậy. Có những cảm xúc làm cho chúng ta thích thú tới mức không bao giờ nghĩ tới chuyện chia tay với chúng. Nếu không có cảm xúc gì cả thì chúng ta sẽ ra sao?
Giáo lý Kim Cương thừa nói rằng tự thân cảm xúc không phải là một vấn đề đáng lo ngại. Cảm xúc hay những tình cảm mạnh, chỉ là hoạt động của tâm thức, một loại năng lực trong chuyển động, trở nên tốt hoặc xấu tùy theo phản ứng của chúng ta đối với cảm xúc đó. Nếu năng lực này có trạng thái rối loạn, chấp giữ hay đối kháng, thì đó là những trạng thái mà chúng ta thường gọi là những "cảm xúc" và những cảm xúc này sẽ sinh ra những hình thức đau khổ khác nhau. Nhưng nếu năng lượng này biểu lộ một cách không rối loạn thì đó không phải là một cảm xúc thuần túy mà là hành vi trí huệ có ích lợi cho chúng sinh.
Điều này đăïc biệt quan trọng đối với người Tây phương, do đó không nên diễn dịch sai ý niệm về sự không có cảm xúc. Có lẽ trước hết chúng ta nên tìm hiểu về mặt lý thuyết, cách tiếp cận vấn đề của Kim Cương thừa để khi chúng ta nói tới loại bỏ cảm xúc, diệt trừ cảm xúc hay chuyển hóa cảm xúc, chúng ta biết rõ là như vậy không có nghĩa là trở thành một xác chết biết đi, mà là trả lại những phản ứng rối loạn đó về cho tâm thức như bọt nước tan trở về nước.
Một điều quan trọng khác là phải minh định cái được gọi là loại bỏ cảm xúc. Cần phải nhận thấy rằng cảm xúc là một cái gì đó kết thúc trong sự đau khổ. Vì nói chung, đau khổ là điều mà chúng ta hết sức né tránh, nên chúng ta phải gây dựng những thái độ làm cho tâm thức chúng ta thoát khỏi các cảm xúc càng nhiều càng tốt. Loại bỏ cảm xúc không có nghĩa là ngăn chận không cho chúng phát sinh. Nếu chúng ta làm cho tâm thức của mình căng thẳng, không công nhận cảm xúc của mình, dựng một lớp bảo vệ chống lại mọi hoạt động cảm xúc trong tâm, chúng ta sẽ bị căng thẳng, tâm dễ sinh ra những rối loạn tâm lý sâu xa. Vậy chúng ta phải cẩn thận không được lầm lẫn việc loại bỏ cảm xúc với đè nén cảm xúc.
Hiểu biết về tính chất tiêu cực của cảm xúc, chúng ta sẽ sẵn sàng từ bỏ chúng. Chúng ta giảm thiểu sức mạnh của cảm xúc bằng cách làm cho chúng bớt quan trọng, như vậy chúng ta tạo một khoảng cách giữa mình và cảm xúc khi nó xuất hiện. Chúng ta không để cho cảm xúc lôi cuốn như trước, chúng ta quán niệm "Hãy quan sát cảm xúc này. Nếu ta tiếp tục đi theo nó thì hậu quả sẽ là đau khổ, vậy ta sẽ không để nó tiếp diễn". Khoảng cách giữa mình và cảm xúc là môi trường để chúng ta xử lý với cảm xúc.
TÔN GIẢ ORGYEN KUSUM-LINGPA
Tôn giả ORGYEN KUSUM-LINGPA là một thiền sư siêu tuyệt thuộc dòng cổ mật, và là một khai mật tạng Đại pháp vương. Sự ra đời của Ngài đã được huyền ký bởi chư Tổ và các hiền thánh Tây Tạng: "Một hóa thân của Kim Cương Thủ Bí mật Tích chủ Bồ tát sẽ ra đời vào năm Hộ Tài trong dòng tộc các hành giả Kim Cang Thừa...". Do Bồ tát hạnh, Ngài từng tái sanh với thân Đại thành tựu giả Ấn Độ Drilvupa, Lhalung Palge Dorje (đệ tử tâm đắc của Liên Hoa Sanh Đại sĩ). Sau khi sanh ra lúc ba tuổi, Ngài được nhìn nhận là một hóa thân, được đức Ban Thiền Lama đời thứ 9 thọ nguyện giới. Vào năm chín tuổi, Ngài đã thông hiểu nghi lễ và kinh đìển ngay khi vừa đọc qua. Khi mười tuổi, ngay lúc thọ Sa di giới, Ngài nhập thiền thấy đức Kim Cương Thủ Bồ tát trong dạng phẫn nộ thân. Suốt đời Ngài đã từ bi thể hiện nhiều sự nghiệp kỳ diệu như trị bịnh, cứu tử, cầu mưa, trừ tà...Ngài không ngừng truyền pháp quán đảnh, giảng dạy các giáo lý khẩu truyền và pháp thiền đốn ngộ (Đại viên mãn) cho hơn trăm ngàn tín đồ Phật tử xuất gia, tại gia và các hành giả Mật tu khắp các quốc gia, hiện Ngài là trụ trì của ba đại tu viện chánh ở Tây Tạng. Ngài đã nhiều lần linh kiến gặp Kim Cương Thủ Bồ Tát, chư Phật...
http://www.buddhismtoday.com/viet/ddtamly/khuonmat_tamthuc.htm
Giới thiệu | chương 1 | chương 2 | chương 3 | chương 4 | chương 5
Vào mạng: 27-11-2001
Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"
Đầu trang
rang tiếng Anh
Đạo Phật Ngày Nay
Trang tiếng Việt
...... ... .. . .. . .
HAI KHUÔN MẶT TÂM THỨC
Nguyên tác Tây Tạng: Lama Gendun Rinpoche
Dịch sang tiếng Anh: Anila Rinchen Palmo
Việt dịch: Lục Thạch
1
TỪ BỎ CẢM XÚC
Phần thứ nhất này nói về việc từ bỏ năm độc (hay năm cảm xúc tham, sân, si, ganh tị, kiêu mạn) dựa trên giáo lý Tứ diệu đế của Đức Phật. Ngài định nghĩa sự khổ, nguyên nhân của khổ. Để dứt khổ, ta phải diệt nguyên nhân của khổ, nghĩa là chúng ta phải cư xử một cách đức hạnh. Đức Phật dạy: "Hãy so sánh mình với người khác". Câu này có nghĩa hãy đối xử với người khác giống như mình. Chúng ta biết rõ là mình không thích đau khổ, vậy chúng ta có thể dễ dàng hiểu là người khác cũng không muốn đau khổ, do đó chúng ta sẽ không nghĩ tới chuyện làm hại người khác.
1.- Luật nhân quả
Theo lời Phật dạy: "Mọi sự vật trong vũ trụ đều từ nhân duyên mà có". Do luật nhân quả tự nhiên này, tự thân chúng ta và thế giới mà chúng ta sống chỉ là kết quả của những hành động trong quá khứ của chúng ta. Thế gian là do tâm chúng ta tạo ra, và được cảm nhận tùy theo ảo giác sản sinh bởi các hành động trong quá khứ hay nghiệp của chúng ta. Loại thế giới mà tâm phóng chiếu giống như một giấc mơ tùy thuộc vào biệt nghiệp của chúng ta. Thí dụ, có hạng chúng sinh với đau khổ thường trực, không có một khoảnh khắc nào sung sướng cả. Đó là những chúng sinh ở địa ngục, ở loại ngạ quỷ, hay súc sinh. Nguyên nhân là trong một thời gian dài, họ đã không làm một việc tốt nào cả. Thế giới hay cuộc sống của họ là kết quả của một tập hợp toàn những nghiệp xấu, làm phát sinh một cảnh giới có đặc tính đau khổ.
Giáo lý của Đức Phật dạy: "Từ đâu mà có sàn địa ngục bằng sắt nóng chảy, cái gì sinh ra lửa địa ngục? Đơn thuần chỉ là tâm vị kỷ". Vị kỷ là thái độ sinh ra những hành động xấu. Thế giới mà chúng ta đang sống chỉ là những hình tướng giả ảo do tâm của chúng ta hiển lộ ra. Chính tâm của chúng ta tạo ra thế giới mà chúng ta đang sống, và nếu tâm của chúng ta chứa đầy những nghiệp xấu, kết quả của những hành động xấu trong quá khứ, thì thế giới do tâm đó phóng chiếu ra sẽ có tính chất đau khổ.
Không phải chỉ có một địa ngục, mà có tới mười tám địa ngục, mỗi địa ngục là một loại đau khổ. Những sinh linh thọ trong những cảnh giới này do quá khứ đã gây nhiều tội lỗi và ở các mức độ khác nhau, vì vậy mà có nhiều địa ngục. Trong cõi ngạ quỷ cũng vậy. Có bốn loại quỷ đói. Mỗi loài chịu một hình thức đau khổ đặc biệt. Tất cả đều liên quan tới đói và khát. Chúng ta có thể thấy cảnh khổ của các loài thú sống dưới nước, trên mặt đất, và trên không. Mộ số loài chịu khổ vì bị loài người dùng làm vật sở hữu và khai thác, những loài khác thì sống tự do nhưng luôn luôn lo sợ bị săn bắt.
Nhìn về các cõi cao hơn chúng ta cũng thấy nhiều cảnh khổ. Trong cõi người, có người được hưởng hạnh phúc, trong khi những người khác phải gánh chịu rất nhiều đau khổ. Trong quá khứ, ở những kiếp làm người trước kia ta đã làm cả những việc thiện lẫn việc ác, những nguyên nhân này sẽ chín rải rác trong cuộc đời thành quả tốt và xấu có cả hạnh phúc lẫn đau khổ. Vậy, cõi người không hoàn toàn sung sướng mà cũng không hoàn toàn khổ cực.
Chúng sinh ở các cõi thấp được sánh nhiều như hạt cát trên một khu đất lớn, còn những người được sinh ra trong cõi người và các cõi trời thì chỉ bằng số cát trên một khoảnh đất nhỏ cở móng tay, đó là vì có quá ít người trong vũ trụ làm những việc lành, và có quá nhiều người gây tội lỗi.
Người ta có thể cho rằng không nên nghĩ gì về đau khổ, vì như vậy chỉ làm cho mình u uất. Nhưng thái độ như vậy chỉ là sự đánh lừa chính mình. Nếu không nghĩ tới đau khổ thì không bao giờ có hạnh phúc thực sự, vì chúng ta vẫn giữ sự rối loạn tâm trí (vô minh). Vô minh là nguyên nhân đau khổ của mình. Một khi nhận thấy tính chất đau khổ nơi thế gian, chúng ta sẽ cảm thấy cần làm một việc gì đó góp phần vào việc chấm dứt những đau khổ này. Có thể nói là, chúng sinh chịu tội trong địa ngục là những người giúp chúng ta nhiều nhất trong nổ lực thành Phật, vì do nghĩ tới cảnh khổ của họ mà lòng từ bi thúc đẩy chúng ta tiến tới Phật quả càng sớm càng tốt. Đức Phật cũng dạy rằng nếu muốn biết quá khứ của mình, chúng ta chỉ quan sát mình hiện tại, và muốn biế tương lai của mình, chúng ta chỉ cần nhìn vào những hành động hiện tại của mình. Nghĩa là muốn biết về kiếp trước của mình, chúng ta hãy nhìn vào kiếp hiện tại với những đau khổ và hạnh phúc, rồi chúng ta có thể suy luận về những hành động đã làm trong kiếp quá khứ. Và nếu muốn biết điều gì sẽ xảy ra cho chúng ta sau khi chết, một khi đã biết rằng những gì chúng ta làm trong đời này sẽ quyết định kiếp sau, thì chúng ta chỉ cần nhìn qua lối sống của mình hiện tại là có thể biết trước cuộc đời của mình sẽ ra sao trong kiếp sau. Luật nhân quả hết sức vô tư, không thay đổi. Một hành động nào đó luôn luôn sinh ra cùng một kết quả tương xứng đối với bất cứ ai nếu người đó đã gây ra. Cũng không có một hành động nào chúng ta làm mà lại mất đi hay bị lãng quên. Hành động nào cũng sinh ra kết quả tương ứng, dù sớm hay muộn.
Do lời dạy của Đức Phật mà chúng ta được biết về luật nhân quả. Trong đại định Đức Phật thấy cảnh vận hành của luật nhân quả, và Ngài giải thích luật này một cách rõ ràng để mọi người có thể hưởng lợi ích do tri kiến và ứng dụng vào đời sống của họ.
2.- Nhân quả và hạnh phúc
Tất cả loài người đều có những ý nguyện giống nhau. Chúng ta đều muốn có hạnh phúc và tránh đau khổ. Nhưng mặc dù chúng ta đã hết sức ngăn chặn mọi điều không may có thể xảy tới với mình, chúng ta vẫn thấy, mình là nạn nhân của hoàn cảnh, cảm thấy bất lực trước mọi tình huống mà mình gặp. Cảm giác bất lực này là do sự tác động của luật nhân quả. Hạnh phúc hay đau khổ của chúng ta trong hiện tại đã được quyết định bởi những hành động của chúng ta đã làm trong kiếp trước, vì vậy cảm giác không thể giúp gì cho tình trạng hiện tại của mình. Chúng ta tranh đấu một cách vô ích chỉ vì không hiểu rằng có những việc trong cuộc đời này đã được định trước.
Chúng ta nên nghĩ tới tương lai của mình bằng cách thay đổi lối hành xử hiện tại để có thể đạt được những quả tốt trong tương lai. Nếu chúng ta muốn có hạnh phúc mai sau thì hôm nay chúng ta phải làm những điều tốt. Nếu muốn tránh đau khổ trong tương lai thì hiện tại phải tránh làm điều xấu.
Những hành động của chúng ta luôn luôn sinh ra quả tương ứng không hề sai biệt. Giống như trồng cây, trồng hạt táo, thì có cây táo quả táo, trồng hạt cam thì có cây cam trái cam; nhân nào quả nấy. Bất cứ hành động nào cũng có lúc chín múi để trưởng thành hạnh phúc hay đau khổ tùy theo nguyên nhân gây ra hành động. Không thể thay đổi luật tự nhiên này. Vì vậy chúng ta phải cẩn thận trong mọi việc làm, nếu muốn hái quả hạnh phúc thay vì những trái đắng.
Hành động tốt hay xấu là tùy vào trạng thái tâm thức của chúng ta khi hành động. Nếu lúc hành động chúng ta chỉ nghĩ tới mình, thì hành động đó bị ô nhiễm bởi tính ngã chấp, và không thể sinh ra quả tốt. Nếu khi hành động chúng ta nghĩ tới lợi ích của người khác, thì đó là hành động tốt và sẽ sinh ra quả hạnh phúc.
Tất cả những hình thức hạnh phúc, tốt lành hay may mắn mà chúng ta thấy trong thế gian, như của cải, lòng thỏa mãn, sự hòa hợp với người khác, có óc sáng tạo, và những việc khác, đều được thực hiện bởi sự hộ trì của chư Phật. Điều này làm cho các Bồ tát phát nguyện tu tập tinh tấn trên đường đạo, để có thể thực hiện mọi ước muốn của chúng sinh. Các Bồ tát hồi hướng công đức của mình để chúng sinh đạt được niềm hạnh phúc mà họ đang tìm kiếm. Do ý nguyện đặc biệt đăït căn bản trên việc thực hành các đức hạnh mà thế gian có khả năng hưởng hạnh phúc.
Nhưng một cá nhân chỉ có thể hưởng hạnh phúc, khi người đó đã tích lũy nhiều nghiệp tốt. Người ta vẫn chịu nhiều loại đau khổ, đó không phải là do ý nguyện của các Bồ tát không có hiệu quả, mà do nghiệp xấu của họ vẫn còn quá nặng nề.
Chúng ta nên theo gương các Bồ tát tạo công đức càng nhiều càng tốt và hồi hướng những công đức này cho chúng sinh, để góp phần xây dựng hạnh phúc cho họ. Sau khi hồi hướng công đức, chúng ta nên tiếp tục phát nguyện, giống như các Bồ tát, nguyện rằng với những công đức như vậy, chúng sinh sẽ có hạnh phúc và thịnh vượng. Bằng cách này, chúng ta tu luyện dần dần để trở thành Bồ tát.
Trong sáu cõi luân hồi, cõi trời là nơi chúng sinh sống như những vị thần (vị trời), hoàn toàn hạnh phúc và không biết tới đau khổ. Đó là do phước báu được tạo ra trong những kiếp trước của họ, các phước báu này không có liên quan tới trí huệ, chúng bị giới hạn bởi các ý niệm, những điểm tham chiếu cho tâm, làm cho tâm bị kẹt trong các ý tưởng hạn chế về chủ thể hành động, đối tượng thọ lãnh và hành động. Thí dụ, họ chấp giữ ý tưởng người bố thí, kẻ nhận của thí và hành động bố thí. Một người tạo công đức loại này không biết cách để cho tâm trụ trong trạng thái trí huệ. Không có các ý tưởng hạn chế chủ thể, đối tượng và hành động. Người đó không hồi hướng việc thiện của mình cho chúng sinh. Kết quả của những phước báu đó là tái sanh trong các cõi trời. Hạnh phúc ở những cõi này cũng không bền vững, và khi thiện nghiệp không còn nữa thì những người đó sẽ rơi xuống những cõi thấp thọ nhiều đau khổ.
Chúng ta không nên nhắm tới việc tái sinh trong cõi trời, mà nên hồi hướng tất cả công đức vì lợi ích chúng sinh, và sau mỗi lần hồi hướng nên để cho tâm trụ trong trạng thái hoàn toàn mở rộng, không có một điểm tham chiếu nào (vô trụ), tức là trong trạng thái không có ý tưởng chủ thể, đối tượng và hành động. Công đức mà chúng ta tích lũy, sẽ không bao giờ bị cùng cạn mà trở nên công đức vô lượng.
Nếu chúng ta thành tâm thực hành giáo pháp của Đức Phật, chúng ta phải từ bỏ tất cả mọi ý tưởng thiên về vật chất, thế gian và cống hiến trọn vẹn bản thân (thân, khẩu, ý) cho mục tiêu tâm linh của mình. Chúng ta phải hồi hướng kết quả các việc làm của mình vì lợi ích chúng sinh. Như vậy chúng ta sẽ tiến dần qua các giai đoạn của Bồ tát đạo, cho đến khi đạt giác ngộ, viên mãn tối thượng. Vào lúc đó chúng ta thoát tất cả đau khổ, và hơn nữa, có khả năng giải thoát người khác khỏi đau khổ. Hoạt động của chúng ta sẽ trở nên rộng lớn hơn như bầu trời, chúng ta có thể hành động vô giới hạn với nhiều nguồn năng lực chưa được biết trước đây dành cho chúng ta.
Vậy, cần phải biết và tin tưởng vào sự vận hành của luật nhơn quả bất biến này. Chỉ khi nào hiểu rõ luật nhơn quả này chúng ta mới có thể hiểu thấu đáo tính chất không đáng thỏa mãn của luân hồi(1).
******
(1) Tóm lại, nghiệp quả của chúng sinh có sai khác là do niệm khởi trong quá khứ, ví như không đổ lúa xuống sân thì chim không đến, hay đường không rớt xuống nền thì kiến không bu.
******
3.- Cảm xúc và cái ta
Về mặt chân lý tối hậu, kiếp luân hồi không có một sự thật nào cả. Nhưng khi tâm còn vô minh thì không biết điều này và nó tạo ra một sự thật của riêng nó. Trong tâm của mỗi cá nhân có một niệm tưởng vi tế về bản ngã hay cái "ta", một cảm giác về chính mình, và dần dần cảm giác này đông cứng lại thành điều mà chúng ta gọi là ngã chấp, bám giữ vào cái ta.
Ý tưởng về bản ngã tự động hàm ý "người khác", và với ý tưởng "mình" và "người" này, chúng ta sống trong thế giới nhị nguyên. Tâm chúng ta bị ảnh hưởng bởi lối xét đoán về liên hệ giữa mình và người khác. Chúng ta phân biệt người thân, kẻ sơ, người đáng ưa và kẻ đáng ghét. Những phản ứng này dẫn tới việc tâm chúng ta bị quấy nhiễu liên tiếp bởi năm trạng thái cảm xúc căn bản và việc này làm cho thái độ của chúng ta sản sinh một phản ứng có hệ thống (nhân sinh quan và thế giới quan). Khi những phản ứng này chín mùi, chúng sẽ quyết định hình thức thế giới quanh ta.
Như vậy giống như ngủ mơ. Trong giấc mơ chúng ta coi thế giới mộng do tâm tạo ra là thật, và chúng ta hao tốn năng lực để hoạt động phản ứng những sự kiện trong giấc mơ, khi không thành công chúng ta thất vọng và đau khổ. Cuộc sống lúc thức của chúng ta đích thực giống như vậy. Chúng ta hoạt động trong đời sống hàng ngày là để đạt được những điều mong muốn , nhưng chúng ta thường không thành công. Khi chúng ta đạt được mục tiêu thì lại phải đối diện với vấn đề giữ cho nó khỏi mất. Chúng ta không thể tránh được tất cả những tình trạng xấu có thể tới với mình. Cũng như thế, thuận cảnh tốt dầu muốn nó cũng không tự đến. Cuộc đời của chúng ta đầy thất vọng. Khi trời mưa chúng ta không thích ướt, khi trời nắng chúng ta lo thiếu nước. Không có gì là hoàn toàn cả. Do sự đòi hỏi của bản ngã mà có những phản ứng khác nhau này. Vì vậy Đức Phật dạy rằng ngã chấp là gốc rễ của luân hồi.
Tất cả những cảm xúc căn bản mà chúng ta kinh nghiệm, tham, sân, si, ganh tị và kiêu mạn được hoạch định để sản sinh một thứ lợi ích nào đó cho bản ngả. Khi chúng ta hành động theo bản năng vì một cảm xúc, thì đó là để duy trì hiện hữu của bản ngã. Và vì muốn giữ cho mình sống còn mà chúng ta làm nhiều việc không đức hạnh, gây ra những quả xấu. Khi chết chúng ta không thể mang theo thứ vật chất nào cả, nhưng chúng ta lại phải mang theo tất cả những nghiệp xấu mà mình tạo ra vì bản ngã của mình.
Nếu suy nghĩ cẩn thận về tính chất không đáng thỏa mãn của đời sống thế gian, chúng ta sẽ nhận thấy là đặc tính của nó là đau khổ. Vì vậy chúng ta nên nhắm tới Phật quả, quay tâm của mình khỏi những giá trị phù phiếm thế gian. Đó là nền tảng cho con đường tâm linh của chúng ta, và đó là lý do người ta nói rằng sự dứt bỏ là đôi chân của thiền định mà chúng ta dùng để đi tới giác ngộ trọn vẹn.
Như một con người, phải chọn lối đi trước một ngã ba. Việc chọn lựa này tùy thuộc vào trình độ nhận thức của chúng ta. Nếu còn vô minh, chúng ta sẽ nghĩ rằng mình có thể tìm thấy hạnh phúc lâu bền trong thế gian này, và tất cả những nổ lực của chúng ta đang hướng tới sẽ tạo được hạnh phúc và tránh đau khổ. Nhưng nếu chúng ta không biết về những sự thật thế gian, thì mọi nổ lực đó đều vô ích. Chúng ta không thể tạo ra hạnh phúc lâu dài. Chúng ta tiếp tục đau khổ từ kiếp này sang kiếp khác, nếu chúng ta chọn sự tỉnh thức, thì điều này có nghĩa là chúng ta đã hiểu luân hồi là đau khổ. Điều duy nhất để chấm dứt hoàn toàn đau khổ là vượt lên trên lối sống thế gian thường tình và nhắm tới Phật quả.
Là một con người, chúng ta phải quyết định như vậy, và dứt khoát ngay bây giờ nếu muốn có kết quả tốt trong tương lai. Còn nếu đợi đến lúc chết thì sẽ là quá trể.
4.- Tứ diệu đế và các cảm xúc
Chúng ta thấy rằng nguồn gốc của đau khổ chính là những hành động xấu của chính ta. Mọi hành động chúng ta làm, nếu do ảnh hưởng bởi một trong năm độc thì đương nhiên là một hành động tiêu cực và sẽ có quả xấu. Chúng ta nên từ bỏ những hành động xấu do những cảm xúc phiền não này, nếu không chúng ta sẽ sống trong đau khổ. Hiểu như vậy tức là chúng ta hiểu điều thứ nhất của bốn chân lý cao quý, đời là khổ.
Do bám vào ý thức bản ngã hay cái ta, chúng ta coi thân ngũ uẩn này là thật là chính ta rồi tự đồng hóa mình với nó. Thái độ này là nguyên nhân gây đau khổ, vì tâm chúng ta sẽ liên tục bị kích động bởi những cảm xúc, nó làm cho chúng ta hành động một cách tiêu cực, gây ra đau khổ. Đây là chân lý thứ nhì, nguyên nhân của sự khổ. Năm độc là nguyên nhân gây đau khổ, vì thế chúng tạo nên những hành động xấu.
Nếu chúng ta chấm dứt mọi cảm xúc gây rối loạn tâm thức, thì chúng ta sẽ thoát khổ. Đây là chân lý diệt khổ.
Chúng ta có thể đạt giác ngộ tối hậu, vượt qua mọi chướng ngại, trong đó có năm cảm xúc, bằng cách thực hành lần lượt những phương pháp tu tập mà Đức Phật đã dạy. Đây là đạo diệt khổ, là chân lý cao quý thứ tư hay tứ diệu đế, những giáo lý đầu tiên mà Đức Phật đã dạy ở thành Ba-la-nại vài ngày sau khi đấng Từ phụ thành đạo.
5.- Những cảm xúc và sự tái sinh
Chương "Chim công lớn" nói tiếp rằng, nếu tâm chúng ta bị ảnh hưởng bởi cảm xúc tham dục thì hậu quả sẽ tái sinh làm ngạ quỷ; do ảnh hưởng của sân hận, chúng ta sẽ tái sinh trong địa ngục, nếu tâm chúng ta bị sự si mê ngự trị, chúng ta sẽ tái sinh trong loài súc sinh. Qua sự ganh tị, chúng ta sẽ tái sinh như một á thần (bán thần, A tu la), còn nếu bị ảnh hưởng mạnh của kiêu mạn, chúng ta sẽ tái sinh trong loài người hay trong một cõi trời. Đây chỉ là những điều trình bày tổng quát về những trạng thái cảm xúc mạnh, và không có nghĩa là mỗi lần giận, chúng ta lại tái sinh vào địa ngục, và những cảm xúc khác lại đưa chúng ta tới sự tái sinh vào những cõi khác. Luật nhơn quả phức tạp và tinh tế hơn thế nhiều.
Nhưng nếu chúng ta giữ sự tức giận lâu dài, chẳng hạn như lúc hấp hối, thì hậu quả là chúng ta sẽ rơi thẳng xuống địa ngục. Sự tức giận còn có thể làm cho chúng ta tái sinh trong loài A tu la, nơi có nhiều cảnh đánh và cải nhau, hay sinh ra làm người trong hoàn cảnh thường có xung đột. Có thể chúng ta trở thành người dễ nổi giận, hay một người có tính hung hăng. Các cảm xúc khác cũng làm cho người ta tái sinh theo quy luật tương tự. Như đã nói, dù mỗi cảm xúc chiếm ưu thế trong từng cá nhân, nhưng chúng chỉ ở mức độ giới hạn nào đó. Nếu chúng ta tái sinh trong ba cõi thấp địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, sự đau khổ sẽ bức bách và triền miên, ngược lại sinh vào ba cõi cao thần, á thần và loài người thì hạnh phúc cũng có mức độ nào đó và chỉ trong những giai đoạn ngắn. Sớm muộn gì hạnh phúc trong đời người cũng bị thay thế bởi đau khổ, một sự thay đổi có thể xảy ra thật nhanh. Với bốn điều khổ lớn là sinh, lão, bệnh, tử chúng ta đắm mình trong nó mà không có khả năng giải thoát.
Nguyên nhân của vấn đề này là hoạt động của năm cảm xúc trong tâm chúng ta, do đó phải từ bỏ chúng, chúng ta có thể thấy rằng mỗi người có một cảm xúc riêng chiếm ưu thế trong tâm. Ở một số người, đó là cảm xúc tham dục và sự đau khổ trong đời họ là do tham dục, vài người khác thì cảm xúc chính của họ là sân hận, hoặc ganh tị, làm cho mỗi người phản ứng một cách khác nhau trong một tình trạng nào đó.
Mỗi người có một cảm xúc chiếm ưu thế hơn những cảm xúc khác đó là do hành động của chúng ta trong kiếp trước. Nếu quá khứ, hành động bị thúc đẩy chính yếu là sân hận, thì giờ đây nó là hình thức cảm xúc hoạt động nhiều nhất trong chúng ta. Nguyên tắc này cũng ứng dụng cho những cảm xúc khác. Nếu hiểu luật nhân quả, chúng ta sẽ biết lý do vì sao một vài cảm xúc có khuynh hướng vượt trội.
6.- Lợi ích của việc từ bỏ cảm xúc
Muốn tránh đau khổ chúng ta phải từ bỏ tất cả những cảm xúc là nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Nhưng chúng ta thấy khó chấp nhận ý tưởng từ bỏ cảm xúc, dù ý tưởng này muốn nói tới tất cả sự loại trừ đau khổ là hậu quả của những cảm xúc. Đó là vì chúng ta chịu sự tác động của tánh ngã chấp, không thích nghe những lời khuyên làm giảm ảnh hưởng của bản ngã mình. Chỉ có việc suy ngẫm thường xuyên về từ bỏ cảm xúc thì chúng ta mới có thể thay đổi thái độ, chấp nhận ứng dụng và thực hành lời dạy này.
Nếu chúng ta chỉ ghi nhớ những lời dạy dễ dàng, có vẻ hấp dẫn với mình vì nó không làm phật ý hay thay đổi nhiều, thì khi chúng ta thực hành những lời dạy lẻ tẻ đó, kết quả là bản ngã sẽ trở nên mạnh hơn, vì nó đã chọn các lời dạy theo ý muốn riêng. Vậy chúng ta phải cẩn thận không phạm sai lầm này, và chấp nhận những gì Đức Phật dạy mà không tự ý lựa chọn.
Khi bị kích động bởi năm cảm xúc, chúng ta thường dễ dàng đón nhận những ý tưởng khác nhau phát sinh trong tâm trí. Chỉ khi thực sự kinh nghiệm hậu quả đau khổ trong ba cõi thấp thì chúng ta mới bớt hứng khởi.
Bao nhiêu Đức Phật đã thị hiện trên thế gian để dạy bảo, thế mà mình không biết dùng kho giáo lý đó để thoát luân hồi. Chỉ riêng trong kiếp này, mình đã chứng kiến nhiều lễ điểm đạo, đọc nhiều kinh sách, nghe nhiều lời khuyên, vậy mà mình còn kẹt trong bánh xe luân hồi. Tất cả đã không có hiệu quả đối với mình.
Trong khi cố gắng tu tập, mình đã xin để được thọ ba giới nguyện: giới nguyện bên ngoài hạnh kiểm, giới nguyện bên trong của bậc Bồ tát về đạt giác ngộ tối thượng vì lợi ích của chúng sinh, và giới nguyện bí mật của Kim Cương thừa về việc giữ tri kiến coi các pháp đều thanh tịnh. Nhưng mình vi phạm những giới nguyện này và giới hạnh của mình hoàn toàn không còn trong sạch nữa, vì mỗi ngày mình đã phạm bao nhiêu là tội lỗi.
Mình đã bỏ nhiều thì giờ để niệm thần chú và thiền quán về vô số vị thần, vậy mà vẫn không trông thấy được vị thần nào trong một khoảnh khắc cả. Tâm đã hoàn toàn mê muội, và mình không đạt đuợc gì hay có một ấn chứng nào trong thiền quán. Đối với mình những điều đó cũng giống như lông rùa, sừng thỏ.
Trong vô số kiếp, từ khi sinh ra cho đến lúc chết, mình đã không tự lợi, mà chỉ ăn với ngủ và làm những chuyện hoang phí thì giờ vô ích, không dành một lúc nào để thực hành giáo pháp đạt giác ngộ. Mình chỉ ham mê những thứ vui trần tục của kiếp người mà không biết gì tới an lạc thật sự.
Không bao giờ thỏa mãn, mình chỉ biết bỏ thì giờ và sức lực để theo đuổi những mục tiêu phàm tục tầm thường. Tâm mình đầy những phiền não do năm độc gây ra, thế mà bên ngoài mình làm ra vẻ trong sạch, đắp y mang bình bát.
Không có một chút khả năng nào để giảng dạy hay thảo luận về một đề mục nào trong kinh sách, thế mà mình cho là có học thông minh hơn ngưòi. Lúc nào cũng tự khoe với người khác là mình nhiều kiến thức lại thông hiểu kinh sách. Mình không làm được gì để hóa giải năm độc, vậy mà vẫn cho là tài giỏi và còn thuyết với người khác như vậy. Không những tự lừa dối mà còn lừa dối luôn người khác.
Không biết lúc chết mình sẽ gặp điều gì, nhưng cả đời vẫn nói là mình biết hướng dẫn thần thức người chết, và quên đi lúc nào tới phiên mình. Mình chỉ biết tự kiêu về cái nghề dẹp bỏ những chướng ngại của người khác.
Khi nào chúng ta còn nghĩ tốt về mình, thì khi đó là còn che dấu tội lỗi, như thế thì không thể trừ bỏ được tội lỗi. Việc suy ngẫm như trên làm cho chúng ta nhận lỗi của mình, do đó có thể diệt trừ được những lỗi này, và tính kiêu ngạo được khắc phục.
Dù là tu sĩ hay cư sĩ, chúng ta cần phải thường xuyên nhìn vào tâm của mình và tự kiểm soát xem phải bỏ ý tưởng thù địch, nhất định không coi người khác là kẻ địch để tiêu diệt hay đánh bại.
Nếu một con ong bám vào mật mà nó làm ra, thì nó sẽ dính chặt vào mật và chết. Cũng vậy, nếu chúng ta bám vào hạnh phúc và thú vui thông thường của thế gian, chúng ta sẽ vướng vào luân hồi không thoát ra được. Vậy chúng ta cố gắng giảm thiểu ham muốn, chỉ thỏa mãn với những điều thanh cao, vui lòng với những gì mình đã có.
Cảm xúc ngu si, hay sự mê muội, tự biểu lộ trong giấc ngủ. Việc ngủ cướp của chúng ta cơ hội làm việc tốt. Dù cho chúng ta sống lâu bao nhiêu, một nữa đời của chúng ta cũng bị lãng phí trong trạng thái giống như một xác chết. Theo truyền thống, có hai mươi lỗi về sự ngủ, nhưng tất cả đều dẫn đến hậu quả là khi ngủ chúng ta không thể thực hành những đức tính. Vì vậy chúng ta nên cố gắng bớt ngủ và dùng nhiều thời gian hơn để làm việc tốt.
Một phương diện khác của sự mê muội là không biết phân biệt đúng, sai, phải, trái. Chúng ta hoàn toàn mơ hồ đâu là giáo lý của Đức Phật, đâu k hông phải là giáo lý của Ngài. Chúng ta có thể bỏ chánh pháp, nhận lầm tà giáo. Sự lầm lẫn này đã được ví với người tự cắt lưỡi của mình vì không có gì để ăn.Người này làm một điều vô lý vì không nghĩ rằng lưỡi của mình còn được dùng để nếm khi nào có thực phẩm.
Nếu chúng ta nghe giáo lý về luật nhân quả, về cái gì phải bỏ, cái gì phải theo, về những điều tốt và những điều xấu trong đời sống hàng ngày, nhưng không hiểu đúng ý nghĩa của những giáo lý này, thì chúng ta có nguy cơ làm ngược lại những lời dạy của Đức Phật. Chúng ta làm sai với đúng, trái với phải và có thể tạo nghiệp xấu không thể rửa sạch được bằng sám hối. Đó là lý do chúng ta không nên để cho mình tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự mê muội hay ngu si.
Trạng thái vô minh hay mê muội là một cảm xúc, mà mọi người chúng ta thường không nghĩ đến. Nhưng nếu xét kỹ, chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi sự tham dục, sân hận (cảm xúc) hay vô minh. Vì lẽ, vô minh không phải là một trạng thái (cảm xúc) mang tính chất trung tín, không có hậu quả, mà chính nó được nhận biết khi người ta thể hiện hành động theo một cách nào đó khi tâm ta đã xác định để thực hiện.
Mê muội hay vô minh là khi chúng ta không có khả năng xét biết sự vật theo tính chất thật của chúng. Vô minh có thể là có ý thức hay không ý thức về sự vô minh của mình. Vô minh vô thức là không có khả nănng nhận ra điều gì đang xảy ra, có khi được ca tụng là sự hồn nhiên, hay một cảm giác vô tư lự, hay có thể là một sự không cần biết. Sự vô minh có thể có những mức độ từ rối loạn tổng quát (tức là sự kém trí thông minh) về các sự việc, cho đến việc tạo lập những quan niệm sai lầm. Trong vô minh cũng có một thành phần chấp thủ nào đó. Vô minh có thể được coi là dễ chịu, như ý niệm "vô tư là an lạc"; nếu chúng ta tự xét mình, chúng ta sẽ thấy thái độ này trong nhiều hành vi của mình. Phật giáo cho rằng vô minh không thể nào là an lạc hay hồn nhiên. Vô minh là nguyên nhân chính của đau khổ, vì vậy nó là một trong năm độc.
Một cảm xúc khác là sự ganh tị. "Chim công lớn" của Lama Chagme Rinpoche nói rằng: Vì muốn là người hạng nhất hay quan trọng nhất mà chúng ta cư xử một cách ganh tị với người khác. Chúng ta sẽ gặp nguy cơ xúc phạm một vị Bồ tát, và đó là một tội nặng nhất trong vũ trụ, hơn cả tội giết người. Để tránh điều này, chúng ta phải bỏ mọi ganh tị mà mình có đối với người khác.
Có người được thọ giới trở nên kiêu mạn, cho rằng mình trong sạch, đạo đức, mình là người đặc biêït, tốt hơn những người thường còn bám vào những tư tưởng phàm tục như giàu sang, của cải. Người nào tự cao như vậy sẽ làm hại tới đức hạnh của mình.
Khi chúng ta thọ giới, trở thành một thành phần trong tăng đoàn, trong tâm của chúng ta chỉ nên có một ý nghĩ, đó là vui vẻ đi theo những bước chân của Đức Phật. Không nên có ý định trở thành người tốt hơn hay trong sạch hơn người khác. Người nào mặc áo tu sĩ thì người đó thuộc tăng đoàn của Tam bảo. Chúng ta không nên coi thường một người như vậy. Vì dù rằng hạnh kiểm của họ có vẻ không hoàn hảo, chúng ta không thể nhìn thấy bên trong họ để hiểu đúng động lực hay tâm trạng của họ. Đối với những người khác cũng vậy. Chúng ta phải trau dồi một cái nhìn trong sáng, một sự hiểu biết thành thật rằng chúng sinh đều có Phật tính. Không có lý do gì để khinh thường một chúng sinh khác, coi chúng sinh đó là vô giá trị. Ngay cả một con côn trùng nhỏ nhất cũng có Phật tính và cũng sẽ có ngày nó giác ngộ. Cần phải luôn luôn tự luyện mình theo quan điểm trong sạch này, tôn trọng tất cả những chúng sinh khác.
Nói chung, chúng ta nên trau dồi ý tưởng rằng mình kém hơn tất cả những người khác. Như vâïy chúng ta sẽ không rơi vào lỗi kiêu ngạo hay ganh tị.
Những ý tưởng suy ngẫm ở trên được trình bày để khuyến khích chúng ta từ bỏ năm độc. Đó là những phương pháp được dùng trong truyền thống Thinh văn của Tiểu Thừa.
Giới thiệu | chương 1 | chương 2 | chương 3 | chương 4 | chương 5
Vào mạng: 27-11-2001
Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"
Đầu trang
Trang tiếng Anh
Đạo Phật Ngày Nay
Trang tiếng Việt
...... ... .. . .. . .
HAI KHUÔN MẶT TÂM THỨC
Nguyên tác Tây Tạng: Lama Gendun Rinpoche
Dịch sang tiếng Anh: Anila Rinchen Palmo
Việt dịch: Lục Thạch
2
ĐỐI TRỊ CÁC CẢM XÚC
Khi áp dụng sự từ bỏ các cảm xúc, chúng ta sẳn sàng buông rơi chúng và tạo khoảng cách giữa mình và cảm xúc trong tâm ta, để quán sát khi cảm xúc xuất hiện. Như vậy là chuẩn bị cho tâm chiến đấu chống lại các cảm xúc.
Khi chúng ta bắt đầu quan tâm tới những vấn đề tâm linh. chúng ta nhận thấy rằng dù được hấp thụ bởi những ý tưởng cao cả, chúng ta vẫn khó trung thành với những ý tưởng đó. Là vì chúng ta chịu ảnh hưởng lớn bởi những khuynh hướng "tự nhiên". Mặc dù có ý định tốt nhưng chúng ta thường có những hành vi xấu. Chỉ khi nào thói quen tốt trở nên ngang hàng hoặc mạnh hơn thói quen xấu, thì lực tâm linh trong chúng ta mới bắt đầu hiển lộ.
Đây là lúc mà các phẩm tính bên trong chúng ta có khả năng gây ảnh hưởng tới các cảm xúc khi chúng xuất hiện. Giống như thuốc giải độc, những phẩm tính đó có thể thay đổi hiệu quả của các cảm xúc. Thuốc giải độc càng mạnh thì chất độc càng bị hóa giải nhiều.
Trước hết, chúng ta phải trau dồi những phẩm tính này, vì chúng không phải là những tính chất tự nhiên nơi con người vị kỷ của chúng ta. Qua thời gian và với kiên nhẫn, những phẩm tính này trở nên kiên cố để có thể chiến thắng mỗi lần chống lại các cảm xúc.
Chagme Rinpoche cho chúng ta biết những phẩm tính đặc biệt nào có hiệu lực nhất trong việc đối trị mỗi cảm xúc của năm cảm xúc chính yếu. Khi đã được biết công thức giải độc, chúng ta chỉ còn việc chế tạo và dùng thuốc.
1.- Thiền quán để đối trị Tham dục
Khi chúng ta khởi lòng ham muốn bởi sự quyến rũ về vẻ đẹp hình thể của người nào. Thì hãy xét tính chất thật của người mà ta đam mê. Sự thật là dù vóc dáng cô gái rất đẹp nhưng bên trong cơ thể lại toàn là những chất không hấp dẫn gì cả. Thân thể giống như một cái bình bằng vàng đựng đầy những thứ như phân và nước tiểu. Thân thể chỉ là một cái túi chứa ba mươi hai chất bẩn được liệt kê theo truyền thống. Thân trên là máu, mủ và óc; thân dưới là nước tiểu và phân, mật và bạch huyết. Nếu trông thấy như vậy, người ta sẽ nghĩ một con người như thế thì có gì đáng ham mê.
Thân thể cũng chứa đựng 84000 con vi trùng luôn luôn hoạt động để hủy hoại cái thân đó. Chúng ta không phạm sai lầm tham muốn một người đang bị những con trùng ăn mòn dần. Phương pháp suy ngẫm này được gọi là quán thân bất tịnh.
Những xác chết được mang cho kênh kênh rỉa thịt còn lại bộ xương là một cảnh mà chúng ta có thể thấy rõ. Chúng ta ghê sợ và tránh xa cảnh đó. Nhưng chính bộ xương đó cũng có bên trong thân thể chúng ta. Nếu chiêm nghiệm điều này chúng ta sẽ không còn ham muốn một bộ xương được phủ bên ngoài bằng những bộ phận khác của cơ thể.
Chúng ta cũng có thể tưởng tượng trước mắt mình xác chết của người mình yêu với đầy trùng và dòi bọ. Hay những xác chết ở các mức mục rữa khác nhau. Chúng ta có thể quán tưởng một bộ xương khô với hai hốc mắt trống rỗng. Chúng ta nhân lên bên trong tâm, số xác chết cho đến khi trước mặt mình chỉ có toàn xác chết. Nên quán tưởng như vậy đối với những chi tiết tỉ mỉ.
Chúng ta có thể hình dung thân xác của mình hay thân xác của người mình yêu đang tan rã dần dần, bắt đầu với lớp da bên ngoài, để lộ ra những bộ phận bên trong thật gớm ghiếc, nội tạng biến đi từng món một cho đến khi chỉ còn bộ xương.
Chúng ta lại tưởng tượng thân thể lộn từ trong ra ngoài để tất cả những bộ phận mà thường chúng ta không thấy như tim, phổi và các thứ khác đều được phơi bày rành rành. Đó là năm phương pháp quán tưởng sự đáng ghê tởm của thân thể, có hiệu lực trong việc khắc phục tính tham dục. Tất nhiên, loại thiền quán này cũng có thể được dùng để vượt qua những cảm xúc độc hại khác. Khi nào chúng ta cố gắng khắc phục những phản ứng của mình đối với người khác, dù phản ứng thuận xuất hiện từ ái dục, hay phản ứng nghịch do giận ghét, thì cách thiền quán này có thể tiêu diệt những cảm xúc đó. Cách này cũng đối trị được tính kiêu ngạo, vì nếu chúng ta quán tưởng chính mình như vậy thì tất cả sự tự kiêu trong chúng ta tiêu tan.
Đó là những pháp thiền quán chính yếu được dạy trong Phật tạng Phật giáo. Các Thinh văn dùng các pháp quán thân bất tịnh này. Các La hán đi xa hơn, dùng những pháp thiền quán về sự tan rã của thân thể dựa trên sự quan sát trực tiếp của họ ở các nghĩa địa, và những nơi thiêu xác chết. Mục dích của các pháp này là để hiểu tính vô thường và sự không có tính bền vững của thể xác, cũng như ở đây để từ bỏ tính tham dục thể xác vật chất.
Qua thực hành các pháp này chúng ta có thể giảm thiểu ý tưởng coi mình là quan trọng. Chúng ta thường nghĩ mình là người đẹp, hấp dẫn, nhưng nếu chúng ta thường xuyên xét sự kiện thân thể của mình chỉ là tổng hợp của những chất không trong sạch thì chúng ta có thể từ bỏ hình ảnh đẹp đẽ mà mình tự tô vẽ về mình. Theo nghĩa rộng, các pháp quán tưởng này giúp chúng ta hiểu tánh vô thường, và dễ hư hoại của thể xác, không bền vững đã nâng đở bản ngã của chúng ta, chúng ta không phải là thể xác, và đây là bước đầu tiên trong việc phát triển trí huệ vô ngã.
2.- Từ bi và nhẫn nhục đối trị Sân hận
Muốn đối trị sân hận phải hiểu rằng tất cả chúng sinh trong vũ trụ, dù đang ở trong trạng thái hiện hữu nào, đều là cha mẹ của chúng ta trong quá khứ; không chỉ một lần mà vô số lần. Khi chúng ta là con, họ đã chăm lo và yêu thương chúng ta rất nhiều.
Nhưng hiện tại những người đó không biết rằng họ đã là cha nmẹ của chúng ta trong quá khứ. Vì không biết như vậy, họ cố gắng giữ hết sức để làm hại chúng ta, cứ như là họ đã bị quỷ vô minh làm cho điên cuồng. Ngược lại, vì biết họ là cha mẹ cũ nên chúng ta tránh đáp trả lại sự sân hận và kình địch mà hãy làm những gì chúng ta có thể làm được để giúp họ.
Chúng ta nên suy ngẫm cẩn thận về điều này cho đến khi thực sự cảm thấy biết ơn lòng tử tế mà họ đã dành cho chúng ta trong quá khứ. Cách suy nghĩ như vậy sẽ được đáp lại bằng từ bi thay thế thù địch. Một khi chúng ta khởi lòng yêu thương và biết ơn với họ chúng ta sẽ không tức giận một cách vô lý. Chúng ta nên nghĩ về họ : "Người này đã tử tế với mình trong quá khứ", vậy giờ đây mình phải hết sức giúp đở và giúp họ thỏa mãn ý nguyện. Họ cũng giống như chúng ta, cũng muốn có hạnh phúc và tránh đau khổ, vì vậy chúng ta hết sức giúp họ đạt hạnh phúc. Chúng ta biết rằng nguyên nhân của hạnh phúc là hành động đức hạnh, do đó chúng ta nên khéo léo tìm cách tạo hoàn cảnh thuận lợi cho những người thù địch để họ có thể dùng thân, khẩu, ý của họ làm những việc tốt, tạo cơ hội để họ gieo nhân tốt và nhận được nghiệp quả tốt sau này.
Chúng ta phải hiểu rằng muốn đạt giác ngộ viên mãn thì phải thực hành sáu hạnh hoàn hảo hay sáu ba la mật, một trong những hạnh đó là nhẫn nhục. Nếu không có những người kình địch và sân hận với mình thì chúng ta không có cơ hội để thực hành hạnh nhẫn nhục, chúng ta không có dịp để trau dồi đức tính cần thiết này. Như vậy người có hành động thù nghịch với chúng ta chính là người làm ơn cho chúng ta. Tình trạng kình địch mà người đó đang tạo ra là một cơ hội tuyệt hảo để chúng ta luyện tính nhẫn nhục. Xét như vậy, người đó không còn là kẻ thù của chúng ta nữa, mà là một người bạn tinh thần đang giúp chúng ta phát triển những đức tính cần thiết cho sự giác ngộ. Thực hành hạnh nhẫn nhục như vậy, mỗi khi chúng ta bị khinh khi, chỉ trích, hoặc bị người khác phơi bày những sự lỗi lầm của mình, thì chúng ta mới có thể thanh lọc vô minh chất chứa trong tâm ta.
Giáo lý dạy rằng không có gì tai hại hơn sân hận, vì một cơn giận có thể làm tiêu tan tất cả công đức được tích lũy trong hàng ngàn kiếp. Và không có gì quý bằng đức tính nhẫn nhục, vì nhẫn nhục có năng lực thanh lọc tất cả những nghiệp xấu tích lũy trong hàng ngàn kiếp. Nếu muốn giác ngộ viên mãn, thì chúng ta nhất định phải có đức tính nhẫn nhục. Nhẫn nhục là một trong những đức tính chính yếu tạo nên tâm giác ngộ. Để phát triển đức tính này chúng ta đối mặt với người thù lẫn nghịch cảnh theo nghĩa trừu tượng. Vì vậy, tất cả những ai khinh bỉ hay thù địch với ta đều là bạn, vì họ tạo cơ hội lý tưởng để chúng ta luyện tính nhẫn nhục, thanh lọc nghiệp xấu đã được tạo tác trong quá khứ và giải trừ những vô minh hiện tại.
Nếu ta không trông thấy những người đói khát, nghèo khổ thì không thể phát triển lòng từ bi và hạnh bố thí. Không có từ bi và hảo tâm hay những phẩm tính tương tự thì chúng ta không bao giờ có thể giác ngộ. Những cảnh nghèo đói thật là cần thiết cho chúng ta, vì thấy người khác trong hoàn cảnh khốn khó nên lấy đó làm phương tiện tốt nhất để tu tập các hạnh lành.
Có thể nói rằng, những người khác giúp chúng ta đạt giác ngộ nhiều hơn là chư Phật giúp chúng ta. Trong sáu hạnh hoàn hảo bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ thì chỉ có ba đức tính bố thí, trì giới và nhẫn nhục là có thể được trau dồi trong sự hợp quần với người khác. Chúng sinh là những người có công tạo điều kiêïn cho chúng ta luyện tập những đức tính này. Để thực hành hạnh bố thí cần phải có những người làm đối tượng cho hảo tâm của chúng ta. Hạnh lành chỉ có thể được xét theo mối liên hệ giữa chúng ta với người khác, vì trì giới hay hạnh tốt được định nghĩa là không làm điều gì có hại cho người khác về thân, khẩu, ý. Chúng ta đã biết rằng nhẫn nhục nghĩa là không có thái độ xấu nào đối với người khác. Vậy, chúng ta dễ thấy rằng ba đức tính này không thể phát triển trong sự thiếu vắng người khác.
Do đó, sân hận người khác khi họ giúp ta cơ hội luyện đức tính nhẫn nhục là vô lý. Người ta nói rằng ngay cả viêïc Đức Phật Thích Ca giác ngộ sớm hơn Đức Di Lặc cũng là nhờ vào hành vi thù địch của người anh họ Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) của Ngài. Chúng ta phải hiểu rằng nhờ vào các lực đối nghịch đó mà chúng ta có thể phát triển những phẩm tính như từ bi, vốn không thể thiếu trên con đường tiến tới giác ngộ.
Đạo sư Tilopa (Ấn Độ, thế kỷ mười một) nói rằng, ai muốn giác ngộ nhanh thì không nên tìm bạn tốt, trái lại dành nhiều thời gian để giao tiếp với người xấu. Vì nếu chỉ có bạn tốt mà không có ai kình địch, không ai thử thách thì các cảm xúc của chúng ta sẽ gia tăng, còn các đức tính thì không có dịp phát triển. Nếu chúng ta dành thời gian tiếp xúc với người xấu, chúng ta luyện được tính nhẫn nhục, và kết quả là chúng ta mau giác ngộ hơn.
Nếu những phương pháp nói trên không thể hóa giải sân hận, thì hãy tưởng tượng kẻ thù địch trước mặt chính là mẹ mình. Chúng ta quán tưởng như vậy nhiều lần cho đến khi có cảm giác người đó thực sự là mẹ mình, và hãy nghĩ tiếp rằng kẻ thù hiện tại này đã nhiều lần là mẹ mình trong các kiếp trước, do đó không có lý gì để mình thù ghét người này.
Một cách khác mà chúng ta có thể dùng là quán tưởng chính mình là kẻ thù địch, và kẻ thù địch chính là mình trao đổi hai nhân vật, mà cũng là trao đổi hai cảm giác của đôi bên. Chúng ta luyện cách nhìn sự việc từ quan điểm của bên đối nghịch. Chúng ta nên quán tưởng như vậy nhiều lần, cho đến khi thực sự thay thế ý muốn và quan điểm của mình bằng thái độ và tư tưởng của người thù địch đó.
Chúng ta thường chỉ chú trọng tới ý kiến của chính mình mà quên cách suy nghĩ về mình theo như người khác nhận xét, và nghĩ về người khác như họ nhận xét chính họ. Chúng ta thay đổi cách nhìn sự vật bằng cách đặt mình vào vị trí của người khác. Sự chuyển đổi thái độ này rất có lợi cho việc khắc phục tất cả cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc của sân hận.
Bằng việc luyện tập các hạnh Bồ tát, dần dần chúng ta sẽ quen với việc ban cho người khác mọi thành công và tự nhận mọi thất bại và khó khăn về mình.
Pháp đối trị sân hận tốt nhất là thiền quán về đức tính từ bi. Đó là phương pháp thiền quán chính yếu của truyền thống Kinh điển (Kinh Điển Thừa) với 21000 quyển kinh, trong đó có nhiều quyển chứa giáo lý đặc biệt về từ bi.
Nhiều nguời thấy việc trưởng dưỡng lòng từ bi và tánh nhẫn nhục rất khó. Thậm chí chúng ta còn cảm thấy đó là việc bất khả, nhưng chúng ta không nên tuyệt vọng, vì đó chỉ là vấn đề tập luyện. Nếu chúng ta không ra sức trau dồi thường xuyên những phẩm tính này thì tất nhiên chúng ta không thể đạt được chúng.
3.-Những giải pháp cho Vô minh và Hôn trầm
Pháp đối trị thứ nhứt cho vô minh hay ngu si là ghi nhớ mười hai giai đoạn trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca: giáng hạ từ cõi Đâu Xuất; nhập bào thai; sinh ra đời; biểu lộ tài năng trong các học thuật; du hí với phụ nữ; từ bỏ lối sống thế gian; thực hành khổ hạnh; thiền định dưới cội Bồ đề; nhiếp phục ma quỷ; giác ngộ; chuyển pháp luân và nhập Niết bàn.
Phương pháp thứ nhì là nghiên cứu thấu đáo mười hai nhân duyên, một chuổi các sự kiện lần lượt là nhân và quả của nhau trong luân hồi: vô minh, hành (tập hợïp của nghiệp quá khứ), thức (tâm thức), danh sắc (thân tâm), lục nhập (các cảm giác), xúc, thọ (cảm tưởng), ái (tham), thủ (chấp giữ), hữu (hiện hữu, nghiệp hiện tại), sinh, lão, tử.
Nguồn gốc của luân hồi là vô minh. Vô minh sinh ra các niệm tưởng khác nhau trong tâm và những niệm tưởng này phát sinh một loạt những sự kiện dẫn tới những kinh nghiệm sau cùng là sinh, lão, tử. Đó là tiến trình luân hồi mà tất cả chúng sinh đều phải trải qua từ kiếp này sang kiếp khác. Chư Phật là những người đã thoát luân hồi (chu trình đau khổ được vận hành bởi vô minh). Tiến trình này được tượng trưng bằng một bánh xe, chính là vì tính chất xoay chuyển không ngừng của nó.
Dù chúng ta sinh ra từ bào thai, từ trứng hay nơi ẩm ướt như vi trùng, hoặc sinh ra một cách tự nhiên như một vị hóa thần ở cõi trời thì vẫn có một điều chắc chắn là cuộc đời của chúng ta sẽ kết thúc với cái chết. Không thể tránh sự chết và sự tái sanh. Chúng sinh không ngoại lệ đều phải trải qua kinh nghiệm này. Đó là lý do trong các tranh vẽ theo truyền thống, bánh xe luân hồi được giữ trong miệng của Diêm Vương, hay Thần Chết, có hình dạng khổng lồ và quái đản. Sáu cõi luân hồi nằm ở giữa bụng Diêm Vương vì mọi sinh vật phải chuyển từ kiếp này qua kiếp khác.
Bên trái của cổng vào các tu viện có hình vẽ bánh xe luân hồi để nhắc nhở mọi người, tăng cũng như tục.
Người nào chấm dứt được sự vô minh của mình thì người đó tự động làm ngừng những mắc xích khác của mười hai nhân duyên, từ các niệm tưởng của tâm thức cho tới già và chết. Tiến trình này được đảo ngược và chấm dứt với việc thoát luân hồi. Ở bên phải cổng tu viên là hình vẽ bánh xe pháp có màu trắng tượng trưng cho sự thanh tịnh, tám căm xe tượng trưng cho Bát chánh đạo, là pháp mà Đức Phật đã dạy với mục đích chấm dứt mười hai nhân duyên gây ra luân hồi.
Vô minh hay ngu si thực sự nghĩa là gì? Tâm vô minh là tâm không biết chính mình, không hiểu chân như của mình. Vì vô minh , mà chúng ta vướng vào luân hồi, lang thang từ kiếp này sang kiếp khác, tìm hạnh phúc một cách vô vọng. Vô minh sẽ chấm dứt lúc nhận ra tâm chân như của mình, và lúc đó chúngta bước vào con đường của những đấng cao quý, đường đạo thoát khổ của các Bồ tát. Vậy việc làm chính yếu của chúng ta là loại bỏ vô minh để nhận ra chân tánh của mình.
Để chống lại vô minh, chúng ta không nên ngủ nhiều mà phải ngủ trể, dậy sớm. Để giúp vấn đề này, chúng ta dán vào cột nhà những biểu tượng thanh tịnh của chư Phật. Thay vì ngủ, chúng ta nhiễu quanh cột tỏ lòng tôn kính những biểu tượng này, hay phục lạy hoặc niệm chú. Như vậy chúng ta không để cho tâm hao phí thì giờ với giấc ngủ, vốn là sự biểu lộ của vô minh.
Nói cách khác để giảm thiểu tính ham ngủ, khi nào thấy buồn ngủ chúng ta hãy tưởng tượng mình đang đội một cái đèn trên đỉnh đầu, và tập trung tâm vào ngọn lửa, hình dung chiếc đèn thật rõ ràng. Pháp quán tưởng này có khả năng tiêu trừ sự hôn trầm, do đó rút ngắn thời gian ngủ cần thiết.
Trong Luận Tạng, thiền quán về mười hai nhân duyên được coi là pháp đối trị tốt nhất cho vô minh hay sự mê muội của tâm.
4.- Hủy diệt kiêu ngạo và tự cao
Loại cảm xúc độc hại tiếp theo cần phải đối trị là kiêu ngạo. Để hóa giải tính kiêu ngạo chúng ta hãy quán sát như sau:
Trải nhiều đại kiếp mình đã lang thang trong luân hồi vô tận. Mình thật là cứng đầu, vì dù phải trải qua bao đau khổ, mình vẫn trơ trơ, luôn luôn sẵn sàng lăn trôi sinh tử.
Khi nào tâm hậu quả bị xâm chiếm bởi những tư tưởng liên quan tới năm cảm xúc độc hại, chúng ta không nên làm gì cả. Đây chính là lúc làm theo những lời dạy của Đức Phật. Đức Phật là pháp vương là Vua của các giáo lý, và những lời dạy của Ngài phải được coi là mệnh lệnh của một vị vua đầy uy quyền, nếu không tuân theo thì chịu hậu quả nghiêm trọng. Nếu có những cảm xúc khuấy động tâm trí mà chúng ta không biết hành động đúng cách thức như Đức Phật đã dạy, thì chúng ta sẽ còn phải tái sinh hàng trăm, hàng ngàn kiếp trong những cõi thấp.
Cần phải ngăn chận hoạt động của năm cảm xúc, và cách độc nhất để kiềm chế những cảm xúc là thực hành giáo lý của Đức Phật. Không như vậy, những cảm xúc sẽ tiếp tục gây rối loạn và làm cho chúng ta rơi vào những cõi thấp và đau khổ trong nhiều kiếp.
Chúng ta biết rằng một khi sinh ra ở thế gian này sớm muộn gì chúng ta sẽ chết và lúc chết không phải là một kinh nghiệm dễ chịu đựng. Nhưng nếu chúng ta không làm theo những lời dạy của Đức Phật về cách đối trị các cảm xúc, thì sự đau khổ mà chúng ta chịu vào lúc chết sẽ được nhân lên một trăm ngàn lần. Nếu biết cách thay đổi những khuynh hướng cảm xúc của mình, chúng ta sẽ hành động một cách đạo đức. Lúc đó, dù phải chết, nhưng cái chết như không hiện hữu đối với chúng ta, vì vào lúc chết chúng ta tái sanh tức khắc với một thân thể tốt và một cuộc sống thật dễ chịu, vậy phải tránh mọi đau khổ vào lúc chết.
5.- Những ý tưởng giúp chúng ta bỏ cảm xúc
Nếu chúng ta từ bỏ giới nguyện vì tham muốn một cái gì đẹp đẻ hay hấp dẫn, thì như vậy giống như con thiêu thân lao đầu vào lửa, chúng ta tự gây ra sự hư hoại của mình.
Khi tâm bị xâm chiếm bởi một khối cảm xúc rối loạn bất an, chúng ta có thể bám vào cảm giác mờ nhạt về một sự dễ chịu và an toàn do tâm trạng này sinh ra. Tình trạng này cũng nguy hiểm như ngủ trên nệm rơm trải trên than nóng; rơm có thể bốc cháy bất cứ lúc nào.
Nếu chúng ta từ bỏ giới nguyện của mình về ẩm thực để uống quá nhiều rượu hay ăn quá nhiều thịt, thì thú vui đó giống như liếm mật ong dính trên lưỡi dao cạo, có nguy cơ bị đứt lưỡi.
Chúng ta có thể tìm cách đánh phá kẻ thù địch, giết họ và cướp tài sản, nhưng chúng ta không bao giờ thắng tất cả kẻ địch. Ngược lại, làm như vậy là chúng ta cướp hạnh phúc của chính mình không chỉ trong một kiếp mà là vô số kiếp. Hơn nữa công đức mà chúng ta đã tích lũy qua nhiều kiếp có thể bị tiêu tan hết chỉ vì một lúc tức giận. Vậy chúng ta cần xem mình có những lỗi lầm nào hay không. Những lỗi lầm cần phải được loại bỏ và thay thế bằng những tính tốt. Nếu không nhận lỗi, chúng ta sẽ mỗi lúc mỗi kiêu ngạo hơn. Sự kiêu ngạo làm cho chúng ta coi lỗi lầm của mình là những đức tính và đối xử xấu với người khác. Người khác bị thuyết phục phải chia xẻ ý kiến của ta về chính mình, và trên hết chúng ta tự cho mình đúng do nhận lầm những bợn dơ trong tâm trí của mình là trong sạch.
Những điều giả dối này, sẽ làm cho chúng ta lẫn người khác tái sanh vào những cõi thấp, vì vậy, phải liên tục thực hành giáo pháp để sám hối tội lỗi và ngăn chận những hậu quả xấu có thể sinh ra từ tội lỗi đó.. Chúng ta phải bắt đầu bằng việc tìm xem mình có những lỗi làm nào rồi ứng dụng những giáo lý đã học được vào việc tiêu diệt những lỗi lầm đó. Khi tâm chúng ta không còn lỗi lầm nào cả, thì mọi hành động của chúng ta sẽ hoàn hảo, sớm đạt sự thanh tịnh đích thực của Phật quả, giác ngộ viên mãn.
Việc nhìn thấy lỗi làm trong tâm sẽ tự động làm cho chúng ta cảm thấy hổ thẹn và do đó giải trừ tính kiêu ngạo.
6.- Pháp đối trị ganh tị
Tính ganh tị cũng được đối trị bằng thực hành quán sát tương tự. Chúng ta nhớ lại lúc mình thọ giới Bồ tát. Trong lễ thọ giới, chư Phật chứng giám lời thệ nguyện của chúng ta về việc đạt giác ngộ vì lợi ích của chúng sinh sau khi mình giác ngộ, cũng giúp chúng sinh giác ngộ.
Chúng ta thệ nguyện cư xử đức hạnh, tạo nghiệp tốt để giúp đở và luôn luôn làm việc vì lợi ích chúng sinh. Chúng ta cũng thề sẽ cầu nguyện liên tục cho người khác, mong cầu họ được hạnh phúc và tạo được nhân lành đem lại hạnh phúc.
Vậy chúng ta không được quên tất cả những lời thệ nguyện này, để mỗi lần trông thấy những người nào hạnh phúc hay thành công, người nào khá giả hơn hay đạt được nhiều hơn mình, chúng ta lại ganh tị và ghét họ. Nếu đó là phản ứng thì chúng ta đã làm ngược lại tất cả những lời thệ nguyện trước của mình. Để chống lại phản ứng ganh tị này, mỗi lần thấy người nào hạnh phúc, chúng ta hãy vui vì hạnh phúc của họ. Đó là pháp đối trị cảm xúc ganh tị.
Chúng ta phải hiểu rằng, cảm giác ganh tị khi thấy người nào hơn mình sẽ sinh ra hậu quả xấu là tái sanh vào địa ngục hay vào cõi của loài bán thần A tu la với tất cả mọi đau khổ của những cõi này. Vì vậy chúng ta phải suy ngẫm thật cẩn thận để hóa giải tính ganh tị của mình.
Đến đây là chấm dứt phần thứ nhì bàn về cách đối trị những cảm xúc. Những phương pháp đối trị được trình bày trong phần này, tương ứng với những phương pháp có trong Kinh điển thông thường của Đại thừa cũng như Tiểu thừa.
Giới thiệu | chương 1 | chương 2 | chương 3 | chương 4 | chương 5
Vào mạng: 27-11-2001
Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"
Đầu trang
Trang tiếng Anh
Đạo Phật Ngày Nay
Trang tiếng Việt
...... ... .. . .. . .
HAI KHUÔN MẶT TÂM THỨC
Nguyên tác Tây Tạng: Lama Gendun Rinpoche
Dịch sang tiếng Anh: Anila Rinchen Palmo
Việt dịch: Lục Thạch
3
CHUYỂN HÓA CÁC CẢM XÚC
Khi chúng ta có lối cư xử tốt và làm nhiều việc tốt thì những công đức được tích lũy qua thời gian này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới tâm chúng ta; chúng ta bắt đầu cảm thấy mình ý thức về các sự việc nhiều hơn; tâm của chúng ta thoát dần dần sự u mê; cảm giác phát triển thành trực giác thuần túy
Nếu chúng ta thường xuyên hành thiền thì dấu hiệu đầu tiên của giai đoạn phát triển tâm linh mới này sẽ là kinh nghiệm tánh không. Thế gian có vẻ không vững chắc, không có cái gì cố định hay thường tồn như trước nữa, nhưng tất cả đều có vẽ hoàn toàn tự nhiên, không có cảm giác xa lạ nào.Nếu bản ngã của chúng ta sẳn sàng lìa bỏ ý niệm cụ thể về thế gian, thì sự trong sáng của tâm trong khi tham thiền sẽ gia tăng, "cảm giác" sẽ biến dần chỉ còn lại tâm trong sáng.
Đây chính là loại môi trường, mà trong đó chúng ta có thể tập nhìn vào thật tánh của cái mà chúng ta vẫn gọi là "cảm xúc". Dùng sự trong sáng mới đạt được của mình như một ngọn đèn pha, chúng ta sẽ thấy các cảm xúc chính là lực trí huệ. Ngay trong khoảnh khắc khám phá đầu tiên sự thực phía sau chiếc mặt nạ bản ngã là sự rối loạn cảm xúc được phá hủy và trong một phần của giây chúng ta nhận biết trí huệ. Khoảnh khắc này sẽ qua đi nhưng chúng ta ghi nhớ nó và chúng ta tự biến đổi, thái độ của chúng ta đối với các cảm xúc của mình sẽ hoàn toàn khác trước.
Nhưng trước khi khoảnh khắc này xuất hiện, sẽ có nhiều nổ lực tìm hiểu các cảm xúc, một số nổ lực này sẽ không thành công, một số nổ lực khác tự cho thấy là sai lầm sau khi một thời gian đã trôi qua, thường là nhờ vào sự hướng dẫn của một người có kinh nghiệm. Trước khi sự trong sáng thật sự xuất hiện, chúng ta ta có tham vọng thấy cảm xúc là một cái gì khác thì chúng ta sẽ bị lạc hướng.
Cũng như trong việc ứng dụng các pháp đối trị, những giai đoạn đầu của việc thực hành được xếp đặt để có thể đạt sự trong sáng cao độ. Đây là pháp minh sát quán một thành phần của đạo pháp truyền thống, được đăït ra cho những người tu tập, với môn thiền quán không chính thức, tâm quán chiếu tánh chất thật của chính tâm.
Những người dùng pháp quán tưởng hình ảnh phổ quát có một pháp đặc biệt hoà tan trong tâm, thế giới cụ thể vào chân không và tưởng tượng năm cảm xúc là năm phương tiện phổ quát của tâm trí đã giác ngộ. Những việc quán tưởng này được dùng để tái luyện tâm trí cho một tri kiến về sự vật vốn đã mất khi bản ngã nắm quyền kiểm soát. Chagme Rinpoche gọi việc này là chuyển hóa cảm xúc, và xếp vào một phần riêng trước khi xét tới nhận thức trực tiếp của tâm dùng chính sự trong sáng nội tại của nó.
1.- Làm cho các cảm xúc biến mất bằng quán tưởng
Ngay khi một cảm xúc độc hại nào xuất hiện trong tâm, hãy niệm chú Sobhawa và nghĩ rằng mọi vật đều tan biến vào chân không, tưởng tượng năm cảm xúc độc hại trong tâm, hoặc chính các cảm xúc hoặc mầm mống của chúng, trở thành năm vị Phật Thiền (Ngũ Phật Thiền Định), là những hình ảnh phổ quát tượng trưng cho năng lực đã được thanh tịnh của năm cảm xúc. Quán tưởng thật rõ ràng sự tức giận của mình biến thành hình dạng Dorje Sempa (Vajrasattva, Kim Cương Tát Đỏa). sự kiêu ngạo của mình hóa thành Ratnasambhava (Phật Bảo Sinh), sự tham dục là Phật A Di Đà, sự ganh tị biến thành Amoghasiddhi (Phật Bất Không Thành Tựu) và sự si mê biến thành hình dạng Vairocana (Tì Lô Giá Na)
Tưởng năm vị Phật này phát ra những tia sáng đầy vũ trụ. Những tia sáng này không chỉ thanh lọc tất cả những nghiệp xấu xa do năm độc trong mỗi người gây ra mà đồng thời còn thanh lọc chính những cảm xúc đó. Tâm thức của chúng sinh thoát mọi cảm xúc, do đó tiêu diệt mọi khả năng tái sinh vào bất cứ một trạng thái hiện hữu nào. Những tia sáng lại hòa tan vào hình các vị Phật, hình các vị Phật tan thành ánh sáng rồi mờ dần vào chân không.
Chúng ta nên thực hành pháp thiền quán này mỗi khi một cảm xúc nào xuất hiện trong tâm, rồi nguyện như sau; "Từ kiếp này cho tới các kiếp sau của tôi, nguyện tất cả những người nào tiếp xúc với tôi qua việc trông thấy tôi; hay nghe tôi nói, hay nghĩ về tôi, sẽ thấy năm cảm xúc độc hại của họ được thanh lọc. Nguyện tôi đạt được khả năng thanh lọc này. Thêm nữa, khi tôi đạt giác ngộ, nguyện cõi Phật mà tôi phóng chiếu từ tâm sẽ không chứa một cảm xúc độc hại nào cả".
Có thể nguyện thầm hay nguyện lớn tiếng khi thực hành môn thiền quán có hình tướng này để thanh lọc năm cảm xúc và làm cho chúng tan biến vào chân không.
2.- Thần linh quán và các cảm xúc
Nền tảng của pháp thiền quán về vị thần Yidam (Bổn tôn) là như sau:
Theo nghĩa tối hậu, vũ trụ như một cung điện thanh tịnh, là trụ xứ của chư vị thần linh. Tất cả chúng sinh ngự trong cung điện này đều đã là những vị thần Yidam từ lúc bắt đầu có thời gian. Quán tưởng cung điện này cùng các vị thần thật rõ ràng, và có ý thức về nó, sẽ hóa giải sự vô minh của chúng ta. Không thể có chuyện chúng ta phát sinh ái dục đối với các vị thần Yidam, chúng ta cũng không thể sân hận những vị thần được quán tưởng này. Nếu tất cả đều là thần linh trong sạch thì mọi người đều bình đẳng, vì vậy không có lý do gì để phân biệt kẻ hơn người kém. Ở đây không có chỗ cho kiêu ngạo hay ganh tị. Vậy, chúng ta thấy là với các pháp quán tưởng này, tất cả năm cảm xúc độc hại tự động chấm dứt.
Vì vô minh, chúng ta không trông thấy tính chất thật của năm uẩn, hay năm nguyên tố tạo nên thể xác và tâm thức của chúng ta. Năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức và những năng lực mà chúng tùy thuộc đã từ thời vô thủy chính là những năng lực hiển lộ như các vị Phật và người phối ngẫu của họ. Vì không biết như vậy, chúng ta tự coi mình chỉ là những con người bình thường, và chúng ta cảm nhận hoạt động của những năng lực này như những cảm xúc rắc rối xuất hiện thường xuyên trong tâm trí chúng ta.
Thật ra những nguyên tố này và năng lực của chúng rất thanh tịnh. Trong thực tế năm cảm xúc độc hại chính là năm loại trí huệ. Sự khác biệt độc nhất giữa một cảm xúc và trí huệ tương ứng của nó là sự có ý thức hay không ý thức. Khi chúng ta có ý thức về tính chất thật của sự vật thì chúng ta trông thấy năm trí huệ, ngược lại chúng ta chỉ trông thấy năm cảm xúc độc hại và kinh nghiệm của chúng như năm cảm xúc độc hại. Vậy, điều quan trọng lànhận ra rằng, một cảm xúc không phải là một cái gì có tính chất bất tịnh, vấn đề chỉ đơn giản là chúng ta không biết tính chất thật của một cảm xúc: một trong năm trí huệ.
Nếu chúng ta coi mình là một vị thần Yidam thanh tịnh mà trong lúc đó vẫn coi người khác là tầm thường và không trong sạch, thì đó chỉ là một hình thức kiêu ngạo. Đó là thái độ còn tiếp tục lệ thuộc tính ngã chấp, vì dù chúng ta đã sẳn sàng coi mình là thần linh, chúng ta vẫn tiếp tục khinh người khác là tầm thường với tất cả mọi lỗi lầm thông thường. Như vậy nhất định không phải là niềm kiêu hãnh thanh tịnh về tính chất thiêng liêng của mình. Mỗi khi chúng ta buông bỏ bản ngã, chúng ta có thể cảm nhận trí huệ nguyên thủy không có bản ngã, vì nó vượt lên trên bản ngã, là vô ngã. Đây là tâm đích thực của thần linh, và đối với tâm này không chỉ chúng ta là thần linh, mà mọi chúng sinh trong vũ trụ cũng là thần linh. Trong trạng thái ý thức thanh tịnh này, không có chỗ cho tham, sân, si, ganh tị và kiêu ngạo.
Cách quán như vậy cũng áp dụng cho việc xét tính chất của năm cảm xúc độc hại được trình bày sơ lược ở phần kế tiếp.
Giới thiệu | chương 1 | chương 2 | chương 3 | chương 4 | chương 5
Vào mạng: 27-11-2001
Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"
Đầu trang
Trang tiếng Anh
Đạo Phật Ngày Nay
Trang tiếng Việt
...... ... .. . .. . .
HAI KHUÔN MẶT TÂM THỨC
Nguyên tác Tây Tạng: Lama Gendun Rinpoche
Dịch sang tiếng Anh: Anila Rinchen Palmo
Việt dịch: Lục Thạch
4
THỰC CHẤT CỦA CÁC CẢM XÚC
Phần thứ nhì của chuơng "Chim Công Lớn" nói rằng những người thực hành Kim Cương Thừa có lời nguyện thiêng liêng là không từ bỏ năm độc tố: tham. sân, si, ganh tị và kiêu mạn, vì nếu từ bỏ những cảm xúc này, họ sẽ không thể khám phá ra trí huệ chính là thật tánh của chúng. Từ bỏ năm độc tức là từ bỏ mọi khả năng hiểu biết về năm trí, vì không thể tìm thấy năm trí này ở đâu ngoài các cảm xúc.
Vậy khi thực hành mật giáo, chúng ta phải làm việc với các đối tượng khác nhau gây ra những phản ứng cảm xúc để chứng nghiệm loại trí huệ tương ứng cảm xúc đó. Những đối tượng của tham, sân, si, ganh tị và kiêu ngạo trở thành phương tiện cho chúng ta thoát khỏi những cảm xúc gây phiền não.
Điều này có nghĩa là, khi có một cảm xúc độc hại nào xuất hiện nơi tâm thức, chúng ta phải nhìn thẳng vào bản chất của nó, cho đến khi nào hiểu ra rằng cảm xúc này không thật.
1.- Nhận thức cảm xúc và trí huệ
Cảm xúc chế ngự chúng ta khi tâm thức bị rối loạn. Khi tâm còn vô minh, căn và trần duyên vào nhau, phóng chiếu những niệm tưởng về thế gian. Do tập quán cũ (hoặc nghiệp) của chúng ta, tâm tự phóng chiếu những hình ảnh và tâm nhận lầm là những hình ảnh này phân cách với nó. Những hình ảnh này trở thành sắc tướng đối tượng của thị giác và âm thanh trở thành đối tượng của thính giác v.v... Sự hiện diện của sắc tướng (đối tượng) dường như có vẻ độc lập lại càng làm cho tâm bị nhiễu loạn và gây ra cảm xúc phiền não. Thí dụ, khi mắt của chúng ta trông thấy một hình thể, ngay tức khắc chúng ta có phản ứng với hình thể của nó. Nếu hài lòng hay ưa thích, chúng ta thấy nó hấp dẫn. Bằng ngược lại không hài lòng hay ghét bỏ, chúng ta từ chối và tránh xa nó. Với các loại cảm giác khác chúng ta cũng có những phản ứng như vậy.
Mỗi khi các giác quan hoạt động chúng ta nên nhìn thẳng vào bản chất của những sự kiện đang xảy ra.Dần dần chúng ta sẽ thấy rằng đối tượng mà chúng ta cảm nhận, chỉ là những hoạt động của tâm thức. Không khác tâm, đối tượng chính là tâm, vì vậy không cần phải dựng lên nhị nguyên giả tạo, bằng cách giữ sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng. Nếu chúng ta nhìn vào yếu tính của sự bất nhị này, tức là thực tính của đối tượng, lẫn chủ thể, chúng ta sẽ khám phá ra yếu tính của chính tâm thức.
Sự cảm nhận yếu tính của tâm thức xảy ra khi tất cả các niệm trước đã dừng lại và niệm sau chưa xuất hiện. Tâm trụ trong tự nhiên, là thực tại của chính nó. Đó là tâm nhìn thấy yếu tính của chính nó, và đây là cái mà chúng ta gọi là trí huệ nguyên thủy. Sự xuất hiện của trí huệ nguyên thủy trong tâm sẽ tự động dẹp bỏ các cảm xúc. Giống như đốt ngọn nến trong căn phòng tối, khi ánh sáng xuất hiện, bóng tối tự động biến đi, trí huệ trong tâm sẽ loại trừ hoàn toàn tất cả các cảm xúc.
Khi áp dụng thành công pháp thiền quán này thì mỗi khi cảm xúc nào dấy lên, trí huệ liền xuất hiện chặt đứt cảm xúc ấy. Sự xuất hiện đồng thời này vừa tạo giải thoát vừa sinh trí huệ. Như vậy, mỗi loại cảm xúc trở thành một loại trí huệ.
Nhưng nếu chúng ta không thấy khía cạnh trí huệ của sự kiện xảy ra trong tâm trí, thì chúng ta vẫn còn vướng vào nhị nguyên. Chúng ta đi theo niệm tưởng, chịu ảnh hưởng của niệm tưởng, và phản ứng với đối tượng, hoặc nhận hoặc bỏ đối tượng, cho đến khi tâm bị rối loạn và cảm xúc xâm chiếm và hậu quả là chúng ta kinh nghiệm đau khổ.
Giáo lý này nói rằng nếu bỏ năm độc chúng ta sẽ không tìm thấy trí huệ. Hoạt động của các cảm xúc là hoạt động của tâm thức. Mỗi cảm xúc xuất hiện thì đó là tâm thức đang hoạt động, vì vậy nếu chúng ta chối bỏ cảm xúc, chúng ta cũng chối bỏ tâm thức. Chỉ qua hoạt động của tâm chúng ta mới có thể khám phá hoạt động của trí huệ. Từ chối hoạt động cảm xúc của tâm thức là từ chối khả năng trông thấy hoạt động trí huệ của tâm, và sẽ không thể hiểu sự thật tối hậu của tâm thúc, hiểu thấy "Bản lai diện mục". Một điều nên cảnh giác.
Từ bỏ năm cảm xúc phiền nhiễu là đi vào con đường gián tiếp dẫn đến giác ngộ. Đó là con đường mà các Thanh văn đi theo. Nhưng nhìn vào thực chất của các cảm xúc như chúng xuất hiện và khi chúng xuất hiện không phải là chuyện dễ. Nếu chúng ta chỉ nhìn các cảm xúc lần lượt diễn ra trong tâm trí, theo cách thông thường, thì chúng ta không thay đổi gì cả. Nếu chúng ta thực sự vui hưởng các cảm xúc của mình, cố ý gia tăng sức mạnh của chúng cho đến khi say sưa vì chúng, thì như vậy chúng ta cư xử như người bị quỷ ám, hậu quả là chúng ta sẽ tạo nghiệp của một con quỷ.
Cũng có thể chúng ta trở thành hạng người mỗi lúc mỗi kiêu ngạo hơn về khả năng nhìn vào thực chất của cảm xúc. Dù chưa hiểu biết trọn vẹn về cảm xúc, chúng ta gia tăng lực của các cảm xúc. Cảm xúc càng mạnh, sự kiêu ngạo của chúng ta càng tăng. Dù không thực sự thoát khỏi phiền nhiễu của cảm xúc chúng ta vẫn nói là mình đã thoát, và tự coi mình là tấm gương có kinh nghiệm cảm xúc mà không để cho cảm xúc lôi cuốn. Do thói kiêu ngạo, chúng ta tìm danh tiếng. muốn người khác coi mình là quan trọng, biết cách đối trị các cảm xúc. Mỗi lúc mỗi kiêu ngạo và lầm lẫn hơn, chúng ta sẽ tạo những nghiệp mỗi lúc mỗi xấu hơn.
2.- Một vị Phật cho mỗi cảm xúc
Nếu chúng ta cố gắng nhìn thẳng vào thực chất của mỗi cảm xúc như chúng xuất hiện thì chúng ta sẽ thấy các cảm xúc này chính là năm trí huệ. Trong sự độc hại của sân hận, chúng ta cảm nhận trí huệ giống như tấm gương (Đại viên cảnh trí) tương ưng với Phật Dorje Sempa (Vajrasattva). Nhìn thẳng vào thực chất của kiêu ngạo, chúng ta thấy trí huệ về sự bình đẳng và Phật Ratnasambhava. Trong tính chất của tham dục chúng ta tìm ra trí quan sát (Diệu quan sát trí) và Phật Amitabha. Nhìn vào tính ganh tị chúng ta thấy trí thành tựu toàn thể (Thành sở tác trí) và Phật Amoghasiddhi. Và khi nhìn vào vô minh chúng ta tìm thấy trí huệ pháp giới, thực tế tối hậu, và Phật Vairocana.
Các vị Phật này cũng tương ứng với các năng lực căn bản trong thân thể và mỗi năng lực này liên quan tới một cảm xúc. Việc quan sát các cảm xúc không chỉ làm cho chúng ta nhận ra một phương diện của trí huệ, mà còn chuyển hóa nguyên tố tương ứng của thân thể thành một trong năm vị Phật.
Theo đạo pháp này chúng ta không tìm cách bỏ năm cảm xúc, mà chỉ nhìn thẳng vào yếu tính hay sự thật của chúng, như vậy chúng ta sẽ tự động chuyển hóa ngay lúc đó thành năm trí huệ, và chúng ta phát sinh một cách tự nhiên tâm trí của năm vị Phật nguyên thủy.
Những người hành thiền theo các truyền thống Mahamudra (Đại ấn) hay Dzogchen (Đại hoàn thiện = Đại giác ngộ) dùng pháp này để chuyển hóa các cảm xúc.
3.- Phương thuốc trị bách bệnh
Nhìn thẳng vào yếu tính hay tính chất của một cảm xúc là phương pháp được ứng dụng trong mọi trường hợp, giống như một phương thuốc có thể trị được tất cả các bệnh tật.
Một hành giả có khả năng lớn dùng phương pháp này để triệt hạ các cảm xúc ngay khi một cảm xúc nào đó xuất hiện trong tâm, giống như đặt tia lửa nhỏ vào đống cỏ khô, đống cỏ sẽ cháy tiêu. Cũng vậy, chỉ một tia lửa nhỏ trí huệ có thể đốt tất cả phiền não cùng với các cảm xúc cho đến khi trong tâm chỉ còn lại sự thật tối hậu.
Những người có khả năng trung bình sẽ dùng phương pháp này như sau. Ngay khi họ nhận thấy có một cảm xúc xuất hiện nơi tâm trong lúc đang tham thiền, họ sẽ trừng trừng nhìn thẳng vào nó. Cảm xúc đó sẽ tự yên tĩnh và không làm phiền hành giả nữa. Điều này được ví với tính bất nhị của sóng và nước. Sóng và nước chỉ là một, thực sự không có sự khác biệt nào. Cũng vậy, nhiều loại cảm xúc khác nhau xuất hiện trong tâm không là gì khác hơn chính tâm. Do đó không có lý do gì để chối bỏ cảm xúc hay coi nó là khác với tâm. Hành giả trung bình có thể hiểu được điều này và vì vậy các cảm xúc sẽ tự yên tĩnh.
Hành giả có khả năng bình thường qua phương pháp này sẽ ý thức về cảm xúc khi nó xuất hiện trong tâm. Người đó sẽ không hưởng ứng và bị lôi cuốn bởi cảm xúc theo thường lệ. Giống như một người khùng chợt tỉnh lại; tâm thức của người đó trở lại thay thế cho sự điên khùng. Cũng vậy, ngay khi hành giả nhận ra sự có mặt của một cảm xúc, người đó sẽ áp dụng phương pháp nào mà y coi là thích hợp với trường hợp riêng biệt đó. Ý thức về cảm xúc, dù không đủ rõ rệt để giải thoát chúng khỏi cảm xúc, ý thức đó sẽ là khởi điểm cho việc áp dụng những lối tiếp cận khác, sẳn có hơn.
Chagme Rinpoche chấm dứt phần này với kết luận rằng vì ngài đã dùng tất cả những phương pháp mà ngài đã nói ở trên có hiệu quả nên ngài khuyên Tsundru Gyamtso, vị Lạt ma đã thỉnh cầu ngài giảng về cảm xúc, hãy thực hành những phương pháp này vì chúng là thành quả của kinh nghiệm bản thân ngài.
Giới thiệu | chương 1 | chương 2 | chương 3 | chương 4 | chương 5
Vào mạng: 27-11-2001
Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"
Đầu trang
Trang tiếng Anh
Đạo Phật Ngày Nay
Trang tiếng Việt
...... ... .. . .. . .
HAI KHUÔN MẶT TÂM THỨC
Nguyên tác Tây Tạng: Lama Gendun Rinpoche
Dịch sang tiếng Anh: Anila Rinchen Palmo
Việt dịch: Lục Thạch
5
DÙNG CẢM XÚC LÀM ĐẠO PHÁP
Từ trước tới nay sự quá tự tin chỉ sinh ra hậu quả thất bại. Với cách thức này chúng ta có nguy cơ làm hại không lường tới chính mình, đó là lý do Chagme Rinpoche đã đưa vào chỗ này của luận thư lời cảnh cáo người đọc không nên đi xa hơn nếu chưa cho phép.
Dùng chính lực cảm xúc như một phương tiện để diệt trừ cảm xúc đòi hỏi chúng ta phải có sự cảnh giác đặc biệt. Lúc đầu những phương pháp này làm tăng lực của cảm xúc, vì chỉ khi nào cảm xúc đạt cường lực trọn vẹn thì nó mới có thể tự thanh lọc, đủ để đốt tiêu tất cả những ô trược. Do đó nguy cơ này là hiển nhiên.
Đó là lý do tất cả những phương pháp này được giữ bí mật. Ngôn ngữ được dùng để che dấu ý nghĩa thật của các pháp cũng giống như trong các văn bản thông thường viết về cảm xúc và làm cho các phương pháp này được diễn dịch sai lạc, nhưng một hành giả có khả năng sẽ có những kinh nghiệm bản thân rất khác. Còn hành giả không có khả năng sẽ hiểu sai hoàn toàn, bị tràn ngập bởi lực cảm xúc do kỹ thuật này phát sinh, phá hủy tất cả công trình tu tập đã đạt được của mình. Tệ hơn nữa, người đó là tấm gương xấu làm cho người khác lầm lạc.
Vì vậy tất nhiên là sự hiểu biết trọn vẹn về pháp đối trị cảm xúc này được dành riêng cho những người đã tự chứng tỏ, thông thạo các kỹ thuật đã nói ở phần trước.
Tới phần này của chương "Chim Công Lớn" do Chagme Rinpoche, Lama Gendun giải thích sơ lược những nguyên tắc của pháp đối trị ba cảm xúc chính yếu để trình bày phương diện quan trọng dùng lực cảm xúc. Trong khi giảng giải, ngài có phần nào không theo sát văn bản của Chagme Rinpoche, mà dựa trực tiếp vào kinh nghiệm riêng của mình.
Trong ba cảm xúc được bàn tới ở đây, thì việc đối trị vô minh trong khi ngủ có ít nguy hiểm hay không có nguy hiểm nào cả, vì vậy, pháp này được nói tới nhiều hơn hai pháp đối trị tham dục và sân hận. Tuy nhiên, phải nói rằng đây chỉ là một bản hướng dẫn sơ lược. Người nào muốn thực hành đầy đủ những phương pháp này, trước hết phải học về chúng trong ba năm ẩn tu.
Với lối tiếp cận này, hành giả không trừ bỏ cảm xúc, cũng không biến đổi cảm xúc, mà chính các cảm xúc trở thành phương tiện dẫn đến trí huệ.
Nhưng trước khi trình bày giáo lý, Chagme Rinpoche cảnh cáo các đệ tử của ngài rằng vì những phương pháp này rất đăïc biêït nên chúng không được dành cho những người chỉ có mức tu bình thường. Chỉ khi nào khả năng của các đệ tử đã được khảo sát cẩn thận thì họ mới được phép thực hành những phương pháp này. Đệ tử phải có mức tu chứng rất cao thì việc thực hành mới có hiêïu quả.
1.- Dùng Vô minh để khắc phục Vô minh
a.- Tiến trình thực hành
Tìm một chỗ yên tĩnh và sạch sẽ, hoàn toàn xa cách mọi sự phiền nhiễu hay những điều xao lãng tâm. Hành giả nên ẩn tu ở chỗ này, không tiếp xúc bất cứ ai khác trong suốt thời gian tu tập.
Trước hết thực hành một số pháp thanh lọc. Hành giả tự thanh lọc về tất cả những người nào có thể có hại cho việc tu tập của mình do tiếp xúc với họ. Thí dụ, nếu hành giả giao tiếp với những người đã vi phạm giới nguyện "Samaya" của họ (Giới nguyện thiêng liêng của Kim Cương Thừa ràng buộc hành giả với sự thật tối hậu), thì như vậy sẽ có ảnh hưởng xấu đến tâm thanh tịnh của hành giả. Đó là lý do hành giả nên thực hành "pháp ngủ" trong sự cô độc hoàn toàn, không có bất cứ một sự can thiệp nào của bất cứ ai.
Trong khóa nhập thất, hành giả nên dùng thực phẩm do chính mình kiếm được, chứ không dùng thức ăn do người khác cung cấp, vì thông thường những người cúng dường thực phẩm cho các tu sĩ thường là do mong cầu phước báo hay muốn nhờ cầu nguyện hoặc làm lễ cho mình. Thức ăn đó bị ô nhiễm bởi tham dục của người khác và nếu ăn vào, hành giả phải chịu ơn người cúng dường. Những liên hệ nghiệp quả như vậy sẽ là một chướng ngại cho việc thực hành pháp ngủ.
Hành giả tắm rửa kỹ càng rồi tẩy tịnh bằng hương liệu. Làm lễ cúng và làm pháp Dorje Sempa (Vajrasattva), niệm thần chú bách sư của ngài trong khi quán tưởng mình sám hối và thanh lọc mọi nghiệp xấu đã tạo từ thời vô thủy và đặc biệt là việc vi phạm giới nguyện, nếu có.
Những việc nói trên cốt làm cho hành giả hoàn toàn tin tưởng vào sự thanh tịnh của mình cũng như sự thanh tịnh của khung cảnh.
Phải thật cẩn thận không để mình chìm vào giấc ngủ một khoảnh khắc nào trong trọn ngày. Làm cho thể xác mệt mõi bằng bằng cách phục lạy nhiễu quanh. Đến lúc ngủ, nằm trên một cái giường theo thế nằm của sư tử, là thế nằm của Phật Thích Ca khi ngài nhập Niết bàn, nằm nghiêng bên phải với bàn tay phải ở dưới má phải.
Quán tưởng thật rõ rệt mình là thần bản mệnh Yidam, và tưởng tượng ở tim mình hoa sen có bốn cánh. Nhụy của bông hoa màu trắng và có một chủng tự "OM" màu trắng đứng thẳng ở trên. Cánh hoa phía trước màu xanh có chủng tự "A" màu xanh ở trên. Cánh hoa bên phải ở hướng Nam, màu vàng, có chủng tự "NU". Cánh hoa phía sau, hướng Tây, màu đỏ có chủng tự "TA", Cánh hoa hướng Bắc, màu lục có chủng tự "RA"
Khi hành giả bắt đầu ngủ, trước hết chú tâm của mình vào chủng tự "A" trên cánh hoa phía trước. Khi thấy mình chìm dần vào giấc ngủ, chuyển sự chú tâm qua ba cánh kia, lần lượt từng cánh một cho tới khi sắp ngủ hẳn, lúc đó hành giả chú tâm vào chủng tự "OM" trên nhụy hoa. Trụ tâm trên chủng tự này không lay động hay quay sang một đối tượng nào khác cho đến khi thực sự mất ý thức và ngủ hẳn.
Lúc đó hành giả có cảm tưởng thế giới bên ngoài, vốn là những sự biểu lộ do tâm tạo ra, được thu lại và tan vào tim mình. Tiếp theo là tâm trở nên u mê, không có một chút trong sáng nào cả, chỉ có toàn bóng tối, tới chỗ này các năng lực khác nhau của tâm sẽ đi vào kinh mạch trung ương và trong một khoảnh khắc, ánh sáng trong suốt của tâm thức sẽ xuất hiện. Nếu không xao lãng chúng ta sẽ có thể nhận ra ánh sáng trong suốt hay Tịnh quang này.
b.- Ngủ và Chết
Cần phải biết rõ hai trạng thái ngủ và chết, vì giấc ngủ rất giống một hình thức nhỏ của sự chết. Khi đi vào giấc ngủ, chúng ta trải qua cùng một tiến trình diễn ra vào lúc chết. Nếu chúng ta học cách nhận biết những giai đoạn khác nhau của giấc ngủ và có ý thức về chúng khi chúng diễn ra, thì chúng ta có thể dùng kiếp sống này làm nơi tập luyện để sửa soạn cho những gì sẽ xảy ra vào lúc chết và sau đó.
Khi đi qua từ kiếp sống này đến kiếp sống khác, chúng ta kinh nghiệm trạng thái trung gian giữa hai kiếp, hay "Bardo". Bardo mà chúng ta đang ở trong đó lúc này là bardo đời sống, gồm khoảng thời gian từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Khi ngủ tâm của chúng ta bước vào một bardo khác, bardo ngủ và mộng, và ở cõi bardo này cho đến khi thức dậy. Hai cõi bardo này có thể được dùng làm khuôn khổ để chúng ta tập luyện cho cõi bardo khác bắt đầu xuất hiện vào lúc chết.
Nếu chúng ta có ý thức trọn vẹn tính chất giả ảo của trạng thái tâm lúc thức, thì chúng ta sẽ nhìn xa hơn sự biểu lộ của phiền não xuất hiện trong giấc ngủ. Khi mộng, chúng ta biết là mình đang mộng, và do đó giải thoát tâm khỏi sự rối loạn của trạng thái mộng. Nếu chúng ta tu tập thông suốt phương pháp này, thì vào lúc chết và sau khi chết, khi nghiệp của chúng ta bắt đầu biểu lộ trong các ảo giác khác nhau do tâm sản sinh và kinh nghiệm, chúng ta cũng sẽ có thể tự thoát khỏi sự rối loạn đó.
c.- Cảnh giới lúc ngủ và lúc thức
Trong cõi Bardo của kiếp sống hiện tại, tâm chúng ta không biết tính chất thật của sự vật, vì vậy nó sản sinh năm độc, tức năm cảm xúc phiền nhiễu, và năm cãm xúc này lại sinh ra đủ loại ý tưởng.
Tất cả những ý tưởng của chúng ta, dù thô kệch hay tinh tế, đều sinh ra từ ảnh hưởng của một trong năm cảm xúc độc hại, nếu không hiểu như vậy thì ngay khi ý tưởng xuất hiện chúng ta sẽ đi theo nó, chúng ta phát triển nó, ghi nhớ nó, suy ngẫm về nó, chúng ta muốn đạt những điều gì đó, muốn tránh những điều nào đó, cứ như thế chúng ta đi qua cuộc đời với đầy hy vọng và lo sợ, hy vọng đạt được điều gì mình muốn, và lo sợ những gì mình không muốn xảy ra. Vì vậy mà chúng ta khổ. Nếu không đạt được cái gì mình muốn, chúng ta khổ, và ngay cả khi đạt được, chúng ta tạm thời tránh được đau khổ, nhưng do sự vô thường, chúng ta sẽ mất cái mình có, sớm hay muộn, và chúng ta sẽ đau khổ hơn.
Dù chúng ta có đạt được tham vọng trong đời của mình, chúng ta cũng không thể thỏa mản ngồi yên mà hưởng thụ, vì không có gì bảo đảm là chúng ta sẽ giữ được thành công một cách lâu bền. Sự vật luôn luôn thay đổi. Không những thành quả của chúng ta không lâu bền, mà thông thường một tình trạng thuận lợi của sự việc sẽ được tiếp theo sau bởi một giai đoạn khó khăn mà chúng ta không thể tránh khỏi.
Vậy, sự lo sợ ngự trị phần lớn cuộc đời chúng ta. Chúng ta sợ bệnh tật, già yếu, chết và tái sinh. Chúng sợ phải mất cái gì mình có và không đạt được cái gì mình muốn.
Tất cả trạng thái Bardo khác nhau, đều là những hình tướng biểu lộ của các khuynh hướng nội tại, kết quả của nghiệp quá khứ nơi chúng ta. Điều này có nghĩa là, bất cứ điều gì xảy ra cho chúng ta trong cõi bardo nào, cũng tương ứng với nghiệp tốt hay xấu chứa trong tâm chúng ta. Vì vậy chúng ta thường nghĩ là mình không hoàn toàn điều khiển được cuộc đời của mình. Thật vậy, những ảo giác này có hình tướng tùy theo nghiệp quá khứ của chúng ta.
Các trạng thái bardo là sản phẫm hữu tình do tâm rối loạn của chúng ta, không có sự thật vững chắc nào cả, không có hình thể hay màu sắc thật. Vì không hiểu như vậy, nên chúng ta cảm thấy đau khổ. Bất cứ cái gì chúng ta nghĩ hay cảm nhận cũng chỉ là ấn tượng được tạo ra trong tâm. Do sự rối loạn của tâm, chúng ta cho rằng mọi vật đều xuất hiện ở tâm và vì vậy chúng ta có thể điều khiển được chúng, thay đổi chúng, ảnh hưởng tới chúng, tất cả những nổ lực của chúng ta đều được hướng tới việc đạt những mục tiêu nào đó, giữ vững những tình trạng nào đó, hay ngăn chận những sự việc nào đó có thể xảy ra, nhưng tất cả những việc chúng ta làm chỉ tạo thêm đau khổ cho chính mình, vì chúng ta đang sống trong ảo giác.
Như đã giải thích trong phần nói về việc nhận ra thực chất của các cảm xúc, chúng ta phải học cách chứng nghiệm sự thật của mỗi cảm xúc khi chúng xuất hiện trong tâm. Bất cứ ý tưởng nào do chúng gây ra, dù thô kệch hay tinh tế, chúng ta cũng nhìn vào tính chất thật của ý tưởng đó khi nó xuất hiện trong tâm. Chúng ta sẽ thấy rằng những ý tưởng, những hình thức cảm xúc đó, không có hình thể hay màu sắc nào riêng biệt cả, không có gì xác định rõ ràng về chúng. Khi chúng ta nhận thấy một cảm xúc không có gì xác định rõ ràng để quan sát cả, lúc đó chúng ta hiểu ra tính chất thật của nó. Nó giống như hư không. Như vậy chúng ta đã nhìn thẳng vào tính chất tối hậu của cảm xúc và thoát khỏi sự rối loạn tâm thức và những phiền não do nó gây ra. Chúng ta không kinh nghiệm sự vật qua việc phân biệt chủ thể và đối tượng nữa.
Nếu chúng ta hiểu biết như vậy trong đời sống lúc thức, thì khi chúng ta ngủ và mộng, chúng ta cũng có thể hiểu biết như vậy về giấc mộng khi nó diễn ra. Chúng ta sẽ có thể thoát khỏi ảo giác của giấc mộng. Nếu trong lúc thức, chúng ta thoát tính chấp giữ vào những nhận thức xuất hiện trong tâm thì trong khi ngủ chúng ta cũng có thể thoát tính chấp giữ vào những ảo giác của giấc mộng.
Thế giới mà chúng ta kinh nghiệm lúc thức giống như một giấc mộng ở nhìều mặt, theo nghĩa thế giới này không thật hay vững chắc, chỉ do tâm chúng ta phóng chiếu. Chúng ta phải tập cho tâm của mình trụ trong sự hiểu biết này. Chúng ta không nhất quyết từ chối sự thật của thế giới mà chúng ta nghĩ là hiện hữu, hãy để cho tâm mình tự hiểu ra rằng, thế giới này chưa lúc nào có sự hiện hữu thật sự, mà chỉ là hình ảnh do tâm của chúng ta phóng chiếu.
Một cách để đạt sự hiểu biết này là suy ngẫm về tính vô thường của sự vật. Nếu chúng ta quan sát sự biến đổi của thế giới, chúng ta sẽ thấy là không có gì đứng yên dù chỉ trong một khoảnh khắc, thời gian không bao giờ ngừng lại. Dù bề ngoài có vẻ không biến đổi, nhưng thế gian không phải là một cái gì vững chắc để chúng ta nương tựa. Đúng hơn thế gian giống như một giấc mộng hay một ảo ảnh, một cuốn phim trên máy truyền hình tâm trí. Chúng ta phải tập coi kinh nghiệm sống lúc thức chỉ là ảo giác, để không còn chấp giữ những sự kiện diễn ra trong kinh nghiêïm sống này. Chúng ta phải trau dồi ý thức về đời sống lúc thức như một ảo giác hay một giấc mộng, để tự chuẩn bị cho bất cứ chuyện gì có thể xảy ra. Bằng cách hiểu rằng hiện hữu của chúng ta chỉ là những cảnh phiền não do tâm phóng chiếu, chúng ta sẽ thoát khỏi cuộc sống phiền não. Chúng ta có thể thường trực trụ trong ý thức mọi sự vật đều do tâm tạo ra (vạn pháp duy tâm tạo).
Đây là bước đầu tiên để thực hành việc chuyển hóa giấc ngủ. Quen thuộc với cách ý thức về tính giả ảo của sự vật như vậy tức là chúng ta thiết lập một thói quen tái khẳng định mình trong khi chúng ta đang mộng. Giữa giấc mộng, chúng ta sẽ chợt nhận ra rằng giấc mộng chỉ là một giấc mộng, một ảo ảnh được phóng chiếu từ tâm thức. Một khi đã nhận ra tính chất thật của giấc mộng, chúng ta sẽ trụ trong sự thật tối hậu của tâm thức, thoát khỏi phiền não do giấc mộng gây ra.
d.- Nguyên nhân của các giấc mộng
Giấc mộng là sản phẩm của những cảm nghĩ và hành động quen thuộc của chúng ta trong đời sống lúc thức. Vì chúng ta lầm nghĩ mọi việc trải qua trong lúc thức là có thật, nên chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ và hành động theo một lối cá biệt, và điều này được tâm phóng chiếu khi chúng ta ngủ, với hình thức ảo ảnh của giấc mộng.
Khi chúng ta quen nghĩ đời sống lúc thức là có thật, thì trong giấc mộng chúng ta cũng cho rằng những sự vật đang xuất hiện là có thật, và chúng ta còn tiếp tục nghĩ như vậy sau khi đã thức dậy, vì chúng ta nghĩ rằng giấc mộng có liên quan gì đó với đời sống lúc thức của mình. Nếu có giấc mộng dễ chịu thì chúng ta cảm thấy sung sướng và cho đó là điềm báo trước một viêïc tốt sắp xảy ra. Nếu mộng những điều khó chịu thì chúng ta coi đó là điều xấu. Như vậy giấc mộng trở thành động lực gây ra hy vọng hay lo sợ cho chúng ta, làm cho cuộc đời của chúng ta thêm phiền não. Một khi chúng ta nhận ra giấc mộng, chỉ là sự biểu lộ của tâm thì chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi chúng nữa. Thí dụ, có hai người ngủ trong cùng một căn phòng và mộng. Ngủ cùng phòng không có nghĩa là gặp cùng một giấc mộng, vì giấc mộng tùy thuộc vào khuynh hướng lúc thức của cá nhân. Người này giấc mộng đẹp khi thức dậy với cảm giác hạnh phúc, người kia gặp ác mộng, cảm thấy lo buồn. Tâm của mọi người tạo ra giấc mộng của người đó.
Ngay lúc thức dậy sau giấc mộng, nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy là những sự vật mà chúng ta cho là thật trong giấc mộng thì bây giờ đã tan biến hết. Bằng cách suy ngẫm như vậy mỗi khi thức dậy, chúng ta sẽ không coi những giấc mộng là có ý nghĩa liên quan tới đời sống lúc thức nữa. Nếu chúng ta để cho tâm trụ trong trạng thái tự nhiên lúc thiền định, trong thực tại tự nhiên của tâm thức mà chúng ta gọi là "Mahamudra" hay đại ấn, thì khi nào một ý tưởng xuất hiện chúng ta sẽ tức khắc nhận ra tính chất thật của nó và thoát khỏi sự lôi cuốn của nó. Trong giấc ngủ sự việc cũng như vậy, do đó chúng ta nên tập cách nhận ra giấc mộng.
Để thành công trong việc có ý thức về giấc mộng, chúng ta phải tập tính dứt bỏ trong đời sống lúc thức như đã nói ở trên. Như vậy chúng ta sẽ nhận ra Tịnh quang khi đi vào giấc ngủ cũng như nhận ra thực chất của bất cứ giấc mộng nào.
Tóm lại, muốn có ý thức về những biểu lộ của tâm thức trong giấc ngủ thì phải có ý thức về những biểu lộ của tâm trong đời sống lúc thức.
e.- Tịnh quang:
* Ánh sáng trong và mỏng
Chúng ta đã nói tới Tịnh quang, như kinh nghiệm của tâm lúc ngủ khi không có giấc mộng nào cả. Chúng ta có thể kinh nghiệm Tịnh quang ở nhiều mức khác nhau, vì vậy có một số từ ngữ được dùng để chỉ những kinh nghiệm này: Tịnh quang mỏng, Tịnh quang sâu, Tịnh quang thiền định, Tịnh quang tối hậu.
Tịnh quang mỏng là trạng thái xuất hiện khi hành giả thực hành phương pháp này với sự mong cầu lớn. Khi chúng ta rơi vào vô thức, tâm của chúng ta không ngủ hẳn. Chúng ta quá mong muốn nhận ra tâm, đến nổi lúc ngủ tâm ta trụ ở trạng thái không thức mà cũng không ngủ, vẫn trong sáng và ý thức trọn vẹn về tình trạng. Lúc đó tâm phóng chiếu một trạng thái giả ảo rất giống tình trạng thông thường của đời sống lúc thức, đến đổi chúng ta không biết chắc là mình đang ngủ hay thức. Chúng ta trụ giữa kinh nghiệm này, tìm mọi cách để có thể quyết định là mình thức hay ngủ, nhưng không biết dựa vào tiêu chuẩn nào để quyết định.
Loại kinh nghiệm rất rõ rệt này là do ký ức mạnh của chúng ta. Chúng ta quá mong muốn và cố gắng đạt kinh nghiệm Tịnh quang, đến nổi tâm trở nên rất trong sáng, kích thích ký ức về thiền định mà chúng ta đã thực hành lúc thức, và rồi ký ức này do tâm rối loạn tái tạo. Vậy, kinh nghiệm mà chúng ta gặp sự thật chính là ký ức về việc thiền quán của chúng ta.
Các hành giả trải qua thời kỳ nhập thất ba năm thường gặp kinh nghiệm này vì lúc đó họ quen với việc thiền quán ban ngày, và sự thiền quán này tái xuất hiện dễ dàng trong giấc ngủ. Kinh nghiệm này cũng thường được gặp khi thiền quán về hoa sen bốn cánh có các chủng tự đã nói ở phần trên. Lý do là khi chúng ta thiền quán về các chủng tự này với ước muốn đạt kinh nghiệm Tịnh quang, tâm sẽ trở nên căng thẳng. Thật vậy, có khi sự phấn khích của chúng ta làm cho tâm căng thẳng tới mức chúng ta không thể ngủ được. Dù có cố gắng chìm vào giấc ngủ, như tiến trình tự nhiên của giấc ngủ đã được biến đổi và tâm kẹt giữa hai trạng thái ngủ và thức, do đó mà có kinh nghiệm Tịnh quang mỏng.
* Thiền quán trong giấc ngủ
Như thường lệ, khi ngủ chúng ta nên để cho tâm trụ trong tính chất như thật của nó, và lúc đầu không làm gì tới nó, sau đó khéo dùng tâm quán mỗi chủng tự trên bông sen bốn cánh, không xao lãng khỏi việc thiền quán. Coi những chủng tự này là những đối tượng thiền quán dùng để làm cho tâm an tĩnh; trụ tâm trên đối tượng nhưng không tập trung, không cưỡng ép tâm. Nên để cho tâm thật thoải mái và trong sáng.
Dần dần, qua thực hành, chúng ta sẽ nhận ra những giai đoạn hôn trầm khi chúng ta chìm vào giấc ngủ, và cả những dấu hiệu tinh tế của sự mất quyền năng của năm uẩn. Lúc đó các năng lực âm và dương sẽ giao hội ở tim và tâm thức của chúng ta sẽ bị kẹt giữa những năng lực này, cảm thấy như vô thức trong một khoảnh khắc. Chính những điều này sẽ xảy ra vào lúc chết ,vì vậy ngủ và chết là hai tiến trình giống nhau. Sau đó, khoảnh khắc vô thức này có thể nhường chỗ cho thiền quán mà chúng ta đã thực hành vào ban ngày. Trong pháp thực hành Mahamudra (đại ấn, đại thành tựu) chúng ta phát triển khả năng thiền quán với ý thức thật trong sáng và thoải mái về sự hợp nhất của cảnh giới (sự biểu lộ của chân tâm), quang minh (phương diện năng động của chân tâm tạo ra các cảnh giới) và tính không. Việc thiền quán này sẽ tái xuất hiện vào lúc này, và tâm lại trở nên rất trong sáng. Dù dang ngủ, nhưng tâm thực sự đang tham thiền.
Khi trụ trong trạng thái này lâu dài, tâm sẽ phóng chiếu ảo ảnh, tạo ra giấc mộng. Nhưng chúng ta không chịu ảnh hưởng của những ảo giác này theo thường lệ, chúng ta quan sát giấc mộng như nhìn bóng trong gương. Tâm hiểu ra rằng giấc mộng không có thật, vì vậy chúng ta không bị lôi cuốn bởi những sự kiện của giấc mơ, không bị ảnh hưởng bởi chúng, giống như mặt gương không bị ảnh hưởng bởi hình phản chiếu trong gương, dù những hình này có phức tạp và khích động đến mức độ nào đi nữa.
Giấc mộng xuất hiện như vậy vì trong đời sống lúc thức, chúng ta tập không ưa, ghét, chấp giữ, hay chối bỏ. Khuynh hướng này tái xuất hiện trong giấc ngủ, vì vậy khi tâm phóng chiếu các hình tướng và tạp niệm rối loạn, chúng ta không chấp giữ hay chối bỏ chúng. Tâm không có các cảm xúc phiền não, chìm vào thiền định đại ấn. Bất cứ niệm tưởng nào xuất hiện cũng được tự động nhận ra là giả ảo, và tất nhiên nó sẽ biến trở lại trạng thái thiền định. Đó là lý do chúng ta phân cách với giấc mộng dù nó đang diễn ra.
Ngay cả khi ý thức của chúng ta không hoạt động và đi vào giấc mộng, chúng ta vẫn còn một chút ý thức đủ để dẹp bỏ sự bám giữ của mình vào những sự kiện của giấc mộng, và giấc mộng được thay thế bằng thiền quán về tính không. Những giấc mộng dữ thường gây ra phản ứng này. Chúng ta cũng có thể quán tưởng mình là vị thần Yidam, hay cầu nguyện Đạo sư hay vị thần bảo hộ mình. Việc này có thể làm cho giấc mộng biến đổi không còn đáng sợ nữa. Nếu có thể làm được như vậy trong giấc ngủ, chúng ta cũng có thể làm được việc này sau khi chết., trong trường hợp chúng ta gặp tình trạng đáng sợ tương tự. Đối với người Tây Tạng thì thực hành pháp này rất dễ, vì ngay từ lúc nhỏ họ đã quen với việc cầu nguyện tức khắc Đạo sư hay Tam bảo khi gặp khó khăn. Những phản ứng như vậy là một phần của sự giáo dục của họ. Do đó những phản ứng này xuất hiện rất dễ dàng trong giấc mộng. Đối với người Tây phương thì cần phải nổ lực tập luyện để có thể thoát và biến đổi những giấc mộng đáng sợ trong khi ngủ.
Nếu có ý thức về giấc mộng mà mình đang mộng, chúng ta có thể củng cố ý thức này bằng cách cố ý gây ảnh hưởng tới dòng sự kiện từ bên trong giấc mộng. Thí dụ, nếu trong giấc mộng thấy mình ở trên bờ của một vực thẳm, sợ rơi xuống đó, chúng ta hãy nghĩ: "Đây chỉ là một giấc mộng, nên mình sẽ không bị gì cả" rồi nhảy xuống vực. Chúng ta sẽ thức dậy, không hề hấn gì cả. Việc nhận biết tính chất thật của giấc mộng này là cách tuyệt hảo để chúng ta dần dần thoát khỏi những giấc mộng, không còn bị lôi cuốn vì tưởng lầm chúng là thật nữa.
f.- Tịnh quang sâu
Tịnh quang sâu là trạng thái tâm trụ trong thiền quán đại ấn, và cũng trụ trong đó, trong suốt giấc ngủ của chúng ta. Ở bên trên nhị nguyên, Tịnh quang này sâu tới mức chúng ta không còn cảm giác gì về chủ thể phân biệt và đối tượng kinh nghiệm nữa. Chúng ta không ý thức về một sự vật nào cả, không kinh nghiệm, không mộng, và ngay khi tâm thức dậy, chúng ta thấy mình vẫn đang thiền định bản chất rốt ráo của tâm (thanh tịnh và bất nhị). Chúng ta cảm thấy an lạc cả thân lẫn tâm. Theo Gampopa đại đệ tử của Milarepa (thế kỷ mười hai) thì da của hành giả sẽ có màu tái nhợt và mịn màng, những dấu hiệu của việc trụ trong Tịnh quang sâu, nhưng chúng ta không có ý thức gì về kinh nghiệm này.
g.- Tịnh quang Thiền định
Tịnh quang thiền định xuất hiện khi hành giả kiên trì thực hành pháp an tâm. Trong khi tham thiền, chúng ta có kinh nghiệm về ba đặc tính của đại định là an lạc, trong sáng và vô niệm. Nếu được trau dồi, ba tính chất này sẽ trụ trong tâm thức cả trong giấc ngủ và có ảnh hưởng tới nhận thức lúc chúng ta ngủ. Sau khi đã chìm vào giấc ngủ, chúng ta có cảm tưởng là tâm đang tỏa ra từ tim, đầy trong sáng, và có vẻ như đầy trong thân thể soi sáng khắp xung quanh nơi chúng ta ngủ. Chúng ta cảm thấy có thể nhìn xuống thể xác đang ngủ của mình cũng như các đồ vật khác. Cùng lúc chúng ta biết chắc là mình đang ngủ.
Có thể đạt kinh nghiệm này khi tâm lúc thức của chúng ta trụ vững trong tham thiền. Nếu gia tăng sự ổn định tâm này thì ánh sáng của tâm lúc ngủ sẽ mạnh hơn nữa và tâm có thể đi xa hơn căn phòng nơi chúng ta ngủ.
h.- Tịnh quang tối hậu
Tịnh quang tối hậu sẽ được hành giả kinh nghiệm khi mọi tính chất của sự định tâm được phá hủy bởi lực minh sát quán. Pháp thực hành cao cấp này phát sinh trí huệ nguyên thủy đích thực của tâm thức, ở điểm này tất cả những kinh nghiệm về ánh sáng tỏa chiếu chấm dứt và thay vào đó là quang minh và tính không, là sự thật tối hậu của tâm thức. Bây giờ, tâm thức trong giấc ngủ trụ trong Tịnh quang tối hậu, sự thật đích thực của nó.
Trong khi thực hành thiền định chúng ta hóa giải mọi sự chấp thủ thô kệch vào sự thật thế gian, và điều này phát sinh những kinh nghiệm trong thiền quán cũng như trong giấc ngủ như đã nói ở trên. Trong minh sát quán chúng ta loại bỏ những chấp thủ tinh tế hơn vào ảo tưởng về tính chất của thế gian. Vì vậy trong giấc mộng và trong thiền định những kinh nghiệm về loại thiền quán này rất khác nhau. Tất cả những kinh nghiệm và tri thức đạt được trong việc hành thiền của chúng ta sẽ có ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Tóm lại, với sự thiền quán trong giấc ngủ và giấc mộng, chúng ta hiểu biết tính chất thật những sự biểu lộ của vô minh này, và nổ lực bên trong giấc ngủ và mộng để đạt giác ngộ.
2.- Dùng Tham dục hóa giải Tham dục
a.- Hợp nhất trong Kim Cương Thừa
Một phần trong pháp thực hành của chúng ta là thực hiện sự hợp nhất diệu dụng và trí huệ. Đây là một vấn đề được nói tới nhiều trong Kim Cương Thừa, nhưng nhiều người đã hiểu sai lầm về ý nghĩa thật của vấn đề này. Họ thường nghĩ rằng pháp bất nhị hay sự hợp nhất âm dương là nói tới đàn ông và đàn bà. Thật ra, đây là một quan kiến rất chật hẹp đưa tới một số sai lầm lớn trong kinh nghiệm thiền quán. Khi nói đến trí huệ, tức là âm, phương diện nữ tính, là chúng ta nói tới sự thật rằng tất cả các hiện tượng (các pháp hữu vi), không ngoại lệ, đều không có tự tính hay sự sống riêng của mình cả. Khi nói tới diệu dụng là chúng ta nói tới phương diện nam tính, hay dương, của tất cả các hiện tượng, sự kiện chúng hữu tình. Nói về sự hợp nhất giữa trí huệ và diệu dụng là nói về chân lý rằng không có sự phân biệt tự biểu lộ của hiện tượng và sự không tự tính của nó. Điều này có nghĩa là không lìa tánh không để theo sắc tướng mà cũng không lìa sắc tướng để theo tánh không. Chúng ta phải tập để cho tâm trụ trong sự hợp nhất của hai đối cực này.
Nếu không hiểu rõ sự hợp nhất giữa diệu dụng và trí huệ theo nghĩa tối hậu này, thì mỗi lần thiền quán về các vị thần hợp nhất, chúng ta chỉ làm tăng tính ái dục độc hại. Cảm xúc tham dục của chúng ta sẽ mỗi lúc mỗi tệ hại hơn, và do đó không giải quyết được vấn đề.
Tuy nhiên chúng ta không nên rơi vào thái cực chối bỏ hoàn toàn ý tưởng nữ là trí huệ và nam là diệu dụng. Chối bỏ như vậy tức là chúng ta theo thuyết hư vô cực đoan, làm cho mình chối bỏ sự thật đích thực của sự vật.
Mọi hiện tượng phát sinh từ tâm của chúng ta có hình tướng như thế là nhờ tùy thuộc vào tâm. Điều này được gọi là "tendrel" hay là duyên khởi, liên hệ tương thuộc giữa các hiện tượng và tâm mà từ đó chúng phát sinh. Khi tâm chúng ta hoạt động theo cách nhị nguyên thì thế giới mà nó sản sinh sẽ phải là sự biểu hiện nhị nguyên, và một phần của tính nhị nguyên đó là phóng chiếu vào thế giới đó là sự hiện hữu của phái tính đối xứng (nam và nữ), cùng với những liên hệ phiền não xuất hiện khi hai cực thu hút tìm cách giải quyết sự nhị nguyên mà họ là phản ảnh (tức là ái dục phái tính).
Một khi tâm chúng ta hoàn toàn trong sạch, những hiện tượng biểu lộ của nó sẽ là biểu hiện của trí huệ thuần túy, vì vậy chúng ta có hình ảnh sự giao hợp tự nhiên của các thần linh trí huệ. Lần này tâm tự biểu hiện mình theo điều kiện tính bất nhị của biểu lộ và tánh không. Tự thân các thần linh trí huệ không có ái dục gì cả, họ không giao hợp vì yêu nhau.
Chúng ta thiền quán về các vị thần giao hợp nhau, là để tạo liên hệ giữa tâm hiện tại của chúng ta với trạng thái bất nhị tối hậu tức sự biểu lộ trí huệ mà trong đó có sự hợp nhất của các vị thần.
Với những ai không hiểu sự thật tự nhiên này thì việc thiền quán về các thần giao hợp sẽ chỉ làm tăng thói quen ái dục mà họ có trong tâm. Bất cứ lúc nào trong tâm của chúng ta cũng có hai khuynh hướng vô minh và trí huệ. Khi vô minh chiếm ưu thế chúng ta không thể nhận ra tính chất giác ngộ của tâm và tự coi mình là tầm thường. Đức Phật và một người bình thường chỉ khác nhau ở chỗ Đức Phật đã trông thấy tính chất thật của tâm mình, còn người bình thường thì chưa. Nếu chúng ta thực tâm tự coi mình là thần linh, thị kiến tự nhiên phát xuất từ việc nhận ra căn bản tâm, thì lúc đó chúng ta là một vị Phật, chúng ta có trí huệ. Còn nếu không như vậy, tâm của chúng ta vẫn bị ảnh hưởng bởi các cảm xúc như sân hận và tham dục, làm cho chúng ta kinh nghiệm một thế giới không trong sạch. Chúng ta không cần phải tìm Phật tính ở đâu cả. Chúng ta đã có sẳn Phật tính, chỉ còn việc nhận ra Phật tính mà thôi.
Trong các cảm xúc thì tham dục là cảm xúc khó trừ bỏ nhất. Đó là vì tất cả chúng ta có thói quen tiềm tàng luôn tìm cách nắm giữ sự vật cho riêng mình, và chúng ta thấy ý tưởng buông bỏ tính chấp thủ rất kỳ lạ. Chúng ta đặc biệt gặp khó khăn trong việc đối trị ái dục. Chúng ta bị trói vào luân hồi bằng sợi dây tham dục rất khó cắt đứt.
b.- Bốn "Mudra"
Phương pháp dùng ái dục làm đạo pháp đạt giác ngộ gồm bốn pháp được gọi là bốn "Mudra" (nguyên nghĩa là dấu ấn).
Mudra thứ nhất là "Karma mudra", hay "Nghiệp ấn". Dùng nghiệp ấn nghĩa là thực hành giao hợp một người đàn bà vật chất, nhưng người đó phải là người có đủ điều kiện. Tuy nhiên, người nào chưa đạt quả vị Bồ tát sẽ rơi vào những cõi thấp nếu y dùng phương pháp này. Bồ tát là người đã thoát ngã chấp và bám giữ vào nhị nguyên, có nhiều quyền năng đối với bên ngoài, tức là có thể làm những điều thường được gọi là phép lạ. Nói cách khác, sự thành tựu của một Bồ tát trở thành hữu hình đối với thế giới bên ngoài.
Nhưng có những người nhận định sai lầm về mức độ tu chứng của mình. Do kiêu ngạo họ nghĩ là mình đã đạt quả vị Bồ tát và có ảo tưởng là mình không cần phải giữ giới đức. Tâm của họ chịu ảnh hưởng của những cảm xúc mạnh hơn trước, và họ đi tới chỗ thực hành mười điều không đức hạnh (sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói ác hay nói hành, nói chia rẽ, nói phù phiếm, tham, sân, si) vì cho rằng mình không còn bị luật nhân quả chi phối nữa. Như vậy là họ tự lừa dối mình và hướng dẫn sai lầm những người tin cậy mình, và hậu quả dành cho họ là tái sinh vào những cõi thấp.
Những người nào chưa thọ đại giới nhưng đã tập luyện các pháp dùng kinh mạch năng lực tinh tế và các tinh lực thì có thể dùng pháp nghiệp ấn. Đó là trường hợp của các gia chủ Kim Cương Trì (cư sĩ tại gia). Loại hành giả này vẫn giữ năm giới căn bản của người tại gia (không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu). Chúng ta được biết là có nhiều "terton". tức là những người khám phá các kho tàng kinh sách đã được cất dấu từ xưa và cả những người thuộc phái Sakya và phái Drikung cũng dùngpháp nghiệp ấn này.
Loại thứ nhì là "Ramaya mudra" hay "thệ ấn", là pháp luyện "tummo", sức nóng huyền bí, hay lửa tam muội. Hành giả thiền quán về lửa trí huệ và sức nóng của lửa này làm cho lực Bồ đề tâm tan chảy trong thân thể. Mỗi lần chúng ta cảm thấy tham dục, sức nóng do cảm xúc này sanh ra, hay tummo, sẽ được kinh nghiệm như sự hợp nhất của an lạc và tánh không, với điều kiện là tâm của chúng ta phải trụ trong trạng thái tánh không bất biến suốt thời thiền.
Trong pháp Tummo, điều rất quan trọng là không để mất sức mạnh bên trong của thân thể, nghĩa là phải bảo vệ năng lực tính dục (bảo tinh) như giữ sinh mạng của mình, không để mất qua ái dục. Pháp này thường được dùng trong dòng Dhagpo Kagyu.
Pháp Mudra thứ ba là "Jnana mudra" hay "trí ấn", là pháp thiền quán về thần linh giao hợp, hai phương diện nam nữ hợp nhất và được coi là bất khả phân. Với pháp thiền quán này chúng ta lập liên hệ bình đẳng của hai đối cực (âm và dương) nội tại trong trạng thái thực tế tối hậu, đó là sự hợp nhất của sắc tướng và tánh không đã nói ở phần trên.
Pháp Mudra thứ tư và cuối cùng là "Mahamudra" hay "đại ấn", tức là tánh không của tâm, cũng được gọi là Mẹ của chư Phật ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, vì từ tánh không này phát sinh bốn hạng thánh nhân: Thinh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật. Pháp thiền quán về tánh không còn được gọi là pháp Mẹ Lớn. Pháp này đặc biệt có giá trị đối với những người không thể thực hành các pháp tu tập dùng các kinh mạch và các lựïc tinh thế, thí dụ những người già.
Bốn pháp Mudra này là bốn phương pháp dùng ái dục làm phương tiện đạt giác ngộ.
3.- Dùng Sân hận thanh lọc Sân hận
a.- Sự luân hồi của quỷ
Chúng ta tức giận khi gặp những người và nhiều tình huống trái ý mình. Chúng ta cần phải có những kẻ thù địch để có dịp đối trị cảm xúc này.
Những hoàn cảnh tốt nhất để chúng ta tập luyện là những nghịch cảnh mà chúng ta gặp hàng ngày. Những khó khăn này thường là việc làm của các tinh linh (ma, quỷ) có ác cảm với chúng ta và thích gây khó khăn cho chúng ta.
Những lực lượng tiêu cực này, hay quỷ, là những chúng sinh đã làm rất nhiều việc xấu trong các kiếp trước. Họ đã tạo cho mình thói quen thích làm hại nghười khác, một khuynh hướng làm lệch lạc lối nghĩ của họ tới mức họ chỉ có những tà niệm, những thái độ tiêu cực và những ý muốn thấy người khác đau klhổ. Những ý tưởng xấu này được thể hiện khi những người này dùng trọn kiếp sống của mình để gây đau khổ cho người khác, càng nhiều người càng tốt, dù chính họ cũng đang chịu đau khổ. Họ chỉ nghĩ tới việc giữ vững luân hồi và những đau khổ của luân hồi, vì vậy họ quyết cản trở người khác tiến tới giác ngộ. Những người như vậy chắc chắn sẽ sa vào địa ngục vì những nghiệp xấu này.
Nếu chúng ta ghét, giận một chúng sinh như vậy, y có thể chiếm cả thể xác lẫn tâm thức của chúng ta. Chúng ta bị y ám ảnh và làm theo ý muốn của y. Nhưng nếu chúng ta có lòng từ bi với y, thì chính y sẽ ở dưới quyền điều khiển của chúng ta, và chúng ta có thể giúp y thoát tình trạng khủng khiếp này.
Sự đau khổ và tình trạng xấu của loại quỷ này trầm trọng tới mức không thể được chuyển hóa bằng tâm từ bi an tĩnh thông thường, mà cần phải có một loại từ bi đặc biệt mãnh liệt phát xuất từ tâm với hình dạng một vị thần phẫn nộ. Tâm từ bi phẫn nộ nhận thấy rằng sự đau khổ của loại quỷ này không chỉ do chúng không hướng tới giác ngộ, mà còn do chúng liên tục làm hại người khác và cản trở việc đạt giác ngộ. Nhận biết như vậy, chúng ta phát nguyện mạnh mẽ giải thoát y khỏi trạng thái xấu này.
Dùng sân hận để khắc phục sân hận nghĩa là quán tưởng rằng chúng ta đoạn lìa và hủy diệt trong một lúc tất cả nghiệp xấu và ý hướng xấu trong tâm của y, giải thoát y khỏi con đường tà để y có thể đi tới giác ngộ.
Để cho việc này có hiệu quả, tâm từ bi phẫn nộ của chúng ta phải được phối hợp với trí huệ bất nhị. Tâm của chúng ta phải nhận ra rằng chướng ngại này không gì khác hơn là sự hiển lộ tâm của chính mình. Kẻ địch chính là chúng ta.
b.- Sân hận và Từ bi
Nếu chúng ta gặp một chúng sinh như vậy và không thể làm được gì đối với y, thì hãy để cho y theo con đường y đã chọn, trong khi vẫn phát ý nguyện mạnh mẽ là y có thể được giải thoát khỏi trạng thái xấu. Nếu chúng ta không có khả năng giúp y thì đó không phải là lỗi không hành động của chúng ta.
Nếu chúng ta cố gắng hủy diệt tiêu cực của chúng sinh đó trong khi chúng ta thiếu tri thức và trí huệ để thực hiện đúng việc làm này, thì như vậy không khác gì tức giận một người và hủy diệt người đó. Khi tâm chúng ta có sự ghét giận thông thường do nhận thức nhị nguyên, thì hành động hủy diệt như vậy giống như giết người và chính chúng ta sẽ chịu hậu quả của hành động này. Hơn nữa, nếu chúng ta không thành công trong việc hủy diệt tính tiêu cực của y, y sẽ cảm thấy bị đe dọa bởi hành động của chúng ta, và sẽ gây đủ loại khó khăn cho chúng ta.
Vậy chúng ta cần phải biết rõ khả năng của mình để tránh nguy cơ làm cho sự việc tệ hại hơn.
Nếu được làm đúng cách, thì năng lực xuất hiện trong tâm không phải là cảm xúc sân hận, mà là lực từ bi thanh tịnh có lợi cho chúng sinh tiêu cực vì hành động này sẽ đưa y đi hẳn vào con đường giải thoát. Tâm từ bi phẫn nộ đó là đối cực của cảm xúc sân hận thông thường của chúng ta.
Đây là cách đối trị với những lực lượng có hại không phải là những thực thể vật chất.
c.- Địch nhân
Trong trường hợp chúng ta gặp kẻ thù địch là con người vật chất thì tốt nhất là nên nhận biết phương diện tích cực của tình trạng.
Nếu chúng ta gặp một người nào làm cho chúng ta tức giận, một người mà chúng ta không thích, một người không hợp với chúng ta, chúng ta nên nhận thấy thái độ thù địch của người đó đối với chúng ta không phải là lỗi của người đó. Y chỉ biểu lộ kết quả của sự tức giận trước đó của chính chúng ta. Khi đã chấp nhận điều này, chúng ta nên coi tình trạng rắc rối của mình là một cơ hội tốt để luyện tánh nhẫn nhục, và vì cơ hội này chỉ xuất hiện do sự có mặt của y, chúng ta nên biết ơn y, và còn tới mức ước mong hiệu quả của sự sân hận của y sẽ còn là của chúng ta trong tương lai để chúng ta kinh nghiệm và do đó trau dồi tính nhẫn nhục.
Khi rắc rối và tức giận đã trôi qua, thì kẻ gây rối thật ra là người đã tạo cơ hội tốt cho chúng ta tập tánh nhẫn nhục. Bài học tương tự khi gặp phải chỉ vì chúng ta nhận định và phản ứng lại nó theo cái thấy sai lệch cố chấp của mình. Do ích kỷ chúng ta muốn mọi việc thuận theo ý của mình, bằng ngược lại, ta cảm thấy như cản trở chướng ngại. Nếu nhận ra những tính trạng này từ tính ngã chấp thì chúng ta sẽ coi chúng là những điều tốt.
Trong chương "Chim Công Lớn" này chúng ta đã được thấy nhiều cách đối trị của các cảm xúc, nhận ra tính chất thật của chúng, chuyển hóa chúng, và dùng chúng như đạo pháp dẫn tới giác ngộ.
Bằng cách ghi nhớ cẩn thận những giáo lý này và ứng dụng chúng khi có cơ hội, chúng ta sẽ sớm tìm ra con đường thoát khỏi những phiền não của tâm do bị tràn ngập bởi các cảm xúc.
Tác giả Chagme Rinpoche chấm dứt chương này với lời tạ lỗi vì những điểm sai lầm nếu có, xin những bậc có nhiều kiến thức về kinh sách hơn mình lượng thứ, và ngài mong rằng qua công đức biên soạn tác phẩm này, nguyện cho mọi người sẽ ham thích và thực hành giáo pháp, nguyện sẽ có nhiều tu sĩ và cư sĩ làm theo đến cùng giáo lý của Đức Phật.
Mộ địa, đọc xong ngày 2/6/1998
Giới thiệu | chương 1 | chương 2 | chương 3 | chương 4 | chương 5
Vào mạng: 27-11-2001
Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"
Đầu trang
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top