25
CHƯƠNG 74:
Thiếu niên nọ ngây ngẩn cả người.
Phong Tín và Mộ Tình chỉ hận không thể mọc tám tay bảy chân chặn Tạ Liên lại, khó khăn lắm mới kéo được y xuống, y lại hất hai người họ ra, nói: "Biết rồi! Không nói nữa! ta biết mình phạm luật mà, các ngươi vờ như không nghe thấy chẳng phải được rồi sao. Chỉ cần các ngươi không nói, sẽ không ai biết cả. Chỉ một lần này thôi. Không được phép truyền ra ngoài, nghe rõ chưa?"
Nét mặt trông như bị ép nhai tất, Mộ Tình lắc đầu lẩm bẩm: "Sao lại có người như huynh chứ... Hùng hồn nói ra mấy lời như 'sống tiếp vì ta', thật đúng là..."
Tạ Liên vốn chẳng cảm thấy có vấn đề gì, nghe Mộ Tình nói vậy lại cảm thấy có vấn đề thật, thoáng cái đỏ bừng cả mặt. Phong Tín lập tức nghiêm mặt nói: "Được rồi! Điện hạ đã bảo không nói nữa, ngươi còn nhắc làm gì?" Nhưng khóe miệng của chính hắn lại giật giật. Tạ Liên không nhìn nổi nữa, biện bạch: "Gì đó gì đó, rõ ràng lời ta nói rất hữu dụng mà. Các ngươi nhìn kìa."
Thiếu niên nọ ngồi đờ đẫn hồi lâu, không nghe được tiếng của Tạ Liên nữa, thế là dùng sức xoa mặt, lấy khay đồ cúng trên bàn xuống, ôm vào trong ngực, bắt đầu ăn trái cây và bánh ngọt khô quắt trong khay, cố gắng nhai nuốt, ăn như một con thú nhỏ vừa đáng thương vừa hung hăng. Tạ Liên khom lưng nhìn nó, đoạn nở nụ cười, nói với hai người kia: "Các ngươi nhìn đi, hữu dụng nha. Hồi nãy nó không ăn, giờ đã ăn rồi này."
Mộ Tình đáp: "Rồi rồi, hữu dụng. Huynh là thần mà."
Phong Tín cũng đáp: "Đúng đúng, hữu dụng. Huynh là thần mà."
"......"
Tạ Liên nghiêm nghị nói: "Đúng vậy, ta là thần. Gọi các ngươi tới, đích thực là vì ta đã có quyết định."
Nói đến đây, bầu không khí vừa thoải mái chưa được bao lâu bỗng chốc lại trở nên nặng nề, Phong Tín hỏi: "Làm thế nào?", còn Mộ Tình lại hỏi: "Vẫn quản à?"
Tạ Liên nói: "Quản chứ. Rất đơn giản. Nước trong Tiên Lạc không đủ, vậy thì đến quốc gia ngoài Tiên Lạc thôi."
Mộ Tình ngập ngừng lên tiếng: "Đến quốc gia khác? Vậy có xa quá không? Chỉ sợ phải mượn pháp bảo của một ít thần quan thủy pháp (thần quan có pháp thuật liên quan đến nước), hơn nữa thần quan trấn giữ quốc gia khác chưa chắc đã đồng ý."
Dĩ nhiên Tạ Liên đã cân nhắc đến điều này, nói: "Ta cứ thử trước xem sao, còn hơn là không làm gì cả. Các ngươi tiếp tục ở lại Vĩnh An trước đã, tăng cường cứu trợ vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ta trở về Thượng thiên đình, có vấn đề gì không?"
Phong Tín đáp: "Không vấn đề gì. Phía sau có ta gánh cho."
Mộ Tình ngẫm nghĩ rồi lại hỏi: "Điện hạ, vậy những lời cầu nguyện của tín đồ trong điện Thái tử bên huynh thì sao?"
Tạ Liên đáp: "Đây cũng là chuyện ta định nói. Trước tiên ngươi cứ lọc ra những việc quan trọng giải quyết thay ta, những việc không quá nguy cấp có thể tạm ém xuống."
Mặc dù không thấy lạc quan lắm, Mộ Tình vẫn nói: "Huynh là Thái tử điện hạ, nghe lời huynh vậy. Nhưng mà, ta kiến nghị không nên ém quá lâu."
Ta Liên vỗ vai hai người, Phong Tín và Mộ Tình hành lễ rồi lui xuống. Trong một tấc vuông của ngôi miếu nhỏ, chỉ còn lại Tạ Liên và đứa bé kia. Tạ Liên đi ra khỏi miếu, ngoảnh đầu nhìn một cái, không nán lại nữa mà lao thẳng lên Tiên kinh.
Ban đầu y định đi thăm hỏi mấy vị thần quan thủy pháp trước, nhưng lạ ở chỗ mấy vị đứng đầu đều trùng hợp không có mặt trong phủ ở Tiên kinh, chỉ còn đúng một vị Vũ Sư không sống ở Tiên kinh. Tạ Liên đang đi vội trên con đường ở Tiên kinh, người đầu tiên đi lướt qua là một nữ văn quan áo đen cầm mấy xấp tài liệu, cô nàng mỉm cười cất giọng: "Thái tử điện hạ, xem như ngài đã về rồi."
Tạ Liên vội hỏi: "Nam Cung, ngươi đến đúng lúc lắm, ngươi có biết phủ đệ của Vũ Sư ở đâu không?"
Cô gái mặc áo đen này tên là Nam Cung Kiệt, là một văn quan cấp thấp của Hạ thiên đình. Sau khi Tạ Liên phi thăng, rất nhiều việc lặt vặt đều do nàng giao nhận và xử lý. Vì nguồn tin của nàng nhanh nhẹn và làm việc thỏa đáng, Tạ Liên rất có thiện cảm với nàng. Nam Cung Kiệt đáp: "Hiện giờ Vũ Sư đại nhân vẫn chưa xây xong phủ đệ, đang tạm trú tại nước Vũ Sư ở phía Nam." Sau khi chỉ cho Tạ Liên chỗ ở của Vũ Sư, nàng lại hỏi: "Ngài tìm vị đại nhân đó làm gì thế?"
Tạ Liên đáp: "Có việc gấp, cảm ơn nhé." Đang định rời đi, y chợt xoay người lại, ho nhẹ một tiếng, ngượng ngùng hỏi: "Nam Cung à, ngươi quen khá thân với các thần quan trên Thượng Thiên Đình, có thể cho ta biết, Vũ Sư đại nhân có... đặc biệt thích cái gì không?"
Thông thường sau khi thần quan mới nhậm chức phi thăng, nếu khôn khéo một chút sẽ đến thăm miếu lớn của tất cả các vị thần quan cùng thiên đình và tặng quà một lượt. Đây chính là nể mặt, mà cũng gần như là quy luật bất thành văn, song vì Tạ Liên phi thăng quá đột ngột, lúc vừa lên không có ai dẫn dắt hay dạy bảo y. Đến tận sau này quốc sư nhắc nhở y, một là đã bỏ lỡ thời cơ tốt nhất, lại tặng nữa thì rất kỳ cục, hai là loại chuyện này khó tránh khiến người ta liên tưởng đến tham quan đi cửa sau ở nhân gian. Với tư cách là Thái tử, Tạ Liên cảm thấy việc này không ổn, cuối cùng y vẫn quyết định thuận theo tự nhiên, chung quy sẽ có cơ hội dùng cách thức chân thành và thỏa đáng để kéo gần quan hệ với các tiên liêu (những người cùng làm tiên).
Ban đầu phong thái đẹp đẽ là thế, bây giờ thái độ lại hoàn toàn trái ngược, chủ động hỏi một vị thần quan thích thứ gì cứ như chuẩn bị hối lộ người ta, khó tránh cảm thấy ngượng ngùng, nhưng nếu không làm vậy cũng chẳng còn cách nào khác. Mấy vị sống ở Tiên kinh chí ít cũng từng nói chuyện trong Thông Linh trận, có điều kiện hay ân tình gì cũng dễ dàng thương lượng được. Nhưng Vũ Sư thì lại chưa hề tiếp xúc bao giờ, lần đầu đến nhà thăm hỏi, Tạ Liên cũng ngại khiến người ta hiểu lầm mình muốn mượn không pháp bảo.
Nam Cung Kiệt lập tức hiểu ra, đáp: "Ngại quá, e rằng không giúp được điện hạ rồi. Vũ Sư đại nhân tính tình khiêm tốn, đừng nói là ta, chỉ sợ cả thiên giới cũng chẳng ai biết sở thích riêng của vị đại nhân ấy. Xin lỗi nha."
Mặt Tạ Liên hơi đỏ: "Không sao, đừng để bụng, cảm ơn."
Nam Cung Kiệt lại nói: "Nhưng nếu ngài có chuyện quan trọng cần tìm gặp, đừng ngại trực tiếp đến nhà thăm hỏi. Theo tính cách của Vũ Sư đại nhân, chưa chắc sẽ không gặp ngài."
Tạ Liên cảm ơn lần nữa rồi đi một mạch về phía Nam theo hướng nàng chỉ, đến nơi Vũ Sư đang ở tạm.
Đó là một thôn trang nho nhỏ, non xanh nước biếc, phong cảnh tươi đẹp, nhưng Tạ Liên hoàn toàn không có lòng dạ nào mà thưởng thức. Băng ngang qua một thửa ruộng, cuối cùng cũng nhìn thấy tấm bia đá có khắc chữ "Vũ". Theo lý mà nói, đi qua bia đá này chính là địa bàn Vũ Sư đang ở tạm, đáng ra những vật sinh hoạt tại đây đều là thuộc hạ của Vũ Sư. Tuy nhiên suốt chặng đường Tạ Liên đi, chỉ thấy khắp nơi đều là ruộng đồng mơn mởn, trong ruộng có trâu kêu ò ò, có guồng nước xoay cuồn cuộn, có nông phu đang cần cù cấy mạ, cạnh ruộng còn có một gian nhà tranh xiêu vẹo, chẳng hề có chút phong thái tiên phong đạo cốt nào, khiến cho Tạ Liên thật sự hoài nghi mình đến nhầm chỗ rồi. Chẳng phải nơi này là một thôn nhỏ làm nông tàn tạ hẻo lánh sao?
Giữa lúc y đang ngờ vực, con trâu đen đang cày bừa bên kia đột nhiên tru vài tiếng ò ò, sau đó đứng thẳng dậy, duỗi hai chân trước tự tháo lưỡi cày cho mình. Thân thể cường tráng từ từ thu nhỏ, mũi trâu dài thòng cũng dần dần thu ngắn lại. Chỉ trong nháy mắt, từ một con trâu đen bóng loáng đã hóa thành một nông phu vai trần.
Nông phu cao to tráng kiện, bắp thịt từng múi rõ ràng, đường nét gương mặt rắn rỏi, mũi đeo một cái khuyên sắt sáng loáng hệt như con trâu kia, miệng còn đang ngậm một cọng cỏ. Mấy nông dân còn lại tận mắt chứng kiến màn biến hình đáng sợ này vẫn tiếp tục làm việc như đã nhìn mãi thành quen. Bấy giờ Tạ Liên mới khẳng định, những vật ở đây đều không phải là người phàm, y bước lên trước, chắp tay hỏi: "Xin hỏi đạo hữu, Vũ Sư đại nhân đang sống tạm ở nơi này sao?"
Nông phu hóa thành từ trâu đen chỉ tay sang bên bờ, đáp: "Ừ. Vũ Sư đại nhân sống trong đó."
"......"
Tạ Liên nhìn đi nhìn lại mấy lần, cuối cùng xác định hướng mà nông phu chỉ cho mình, chỉ có gian nhà tranh nhỏ trông như gió thổi là sụp mưa rơi là dột kia.
Dẫu cho là miếu Thái Tử thôn quê tồi tàn nhất của y, so ra cũng danh giá và sung túc hơn gian nhà nhỏ này, Tạ Liên không khỏi cảm thấy kỳ lạ. Nghe bảo trước khi Vũ Sư đại nhân phi thăng cũng giống như y, là hậu duệ hoàng tộc của nước Vũ Sư, chính vì lẽ đó, y mới không trực tiếp dùng những loại đá quý hiếm có trên đời làm quà tặng Vũ Sư, có lẽ cảm nhận của Vũ Sư về chúng cũng như y thôi, chẳng lấy làm lạ gì. Vì đâu sau khi phi thăng, Vũ Sư lại sa sút đến mức này? Có lẽ, đây cũng là một cách thức tu luyện.
Tạ Liên không giảm bớt chút lễ nghi nào, cảm ơn nông phu kia rồi đến gần gian nhà nhỏ, đứng bên ngoài cất cao giọng gọi: "Vũ Sư đại nhân, Thái tử Tiên Lạc Tạ Liên mạo muội đến thăm, chưa kịp báo trước, mong ngài lượng thứ."
Trong nhà không có tiếng động, nông phu kéo lưỡi cày đi tới, hỏi: "Hả? Ngươi là vị Thái Tử điện hạ mười bảy tuổi đã phi thăng đấy sao?"
Tạ Liên đáp: "Hổ thẹn."
Nông phu nói: "Có gì đâu mà hổ thẹn, sự thật mà. Nhưng Vũ Sư đại nhân không thích gặp người, gần đây còn bị thương, e rằng không thể ra gặp ngươi được."
Nghe vậy, Tạ Liên thấy hơi thất vọng, nhưng vẫn ôm lòng muốn thử: "Có thể nhờ ngài chuyển lời thay ta không? Tại hạ có chuyện quan trọng muốn nhờ. Nếu Vũ Sư đại nhân nghe xong mà thấy có điều bất tiện, ta tuyệt đối không miễn cưỡng."
Nông phu cười ha ha đáp: "Không cần ta phải chuyển lời, chúng ta biết tỏng ngươi đến làm gì mà. Tiên Lạc không có nước, cảm giác không mấy dễ chịu nhỉ?"
Tạ Liên sửng sốt, hỏi: "Ngài biết chuyện Tiên Lạc ư?"
Nông phu đáp: "Dĩ nhiên là biết. Đâu chỉ mấy kẻ sống ở khe núi bần cùng hẻo lánh như chúng ta biết, Tiên Lạc tai họa ập đầu, bây giờ còn ai mà không rõ? Chuyện của ngươi, chính ngươi không thấu được, nhưng người khác nhìn chằm chằm ngươi cả ngày, còn rõ hơn bản thân ngươi nữa, nói không chừng trong lòng còn đang hí hửng đấy, ha ha. Ngươi đến xin Vũ Sư cho mượn pháp bảo để cứu trợ đúng không?"
Bị nông phu vạch trần, lúc này Tạ Liên mới nhận ra, những thần quan trên Thượng thiên đình không phải là trùng hợp vắng mặt, mà đã quá rõ mục đích tìm gặp của y, cố ý đóng cửa không tiếp, hoặc đã tránh đi từ sớm, không muốn vướng vào vụ rắc rối này. Tạ Liên thở dài, nghĩ thầm: "Chẳng lẽ ngay từ đầu, đáng ra phải đến thăm một lượt từng ngôi miếu lớn, về sau gặp lại mới dễ giải quyết?" Nghĩ đến có chút chán nản, y nói khẽ: "Đúng là như thế, nếu Vũ Sư đại nhân không tiện, tại hạ quyết không bám riết."
Nông phu lại hỏi: "Sao ngươi lại không bám riết? Tự ái à? Đây là chuyện lớn sống còn của dân chúng nước ngươi, chẳng phải ngươi nên bám dai như đỉa sao? Muốn ngươi hạ mình xuống một chút đã không chịu nổi hả? Người trẻ tuổi không thể thiếu kiên nhẫn như vậy được. Nói câu này hơi khó nghe, Vũ Sư đại nhân giúp ngươi là vì tình cảm, không giúp ngươi là giữ bổn phận. Cho ngươi mượn là tâm trạng tốt, không cho ngươi mượn thì sau này ngươi cũng không được oán trách."
Tạ Liên biết rõ những lời hắn nói đều có lý, nhưng giờ đã sứt đầu mẻ trán, lại thêm giọng điệu không mấy thân thiện, sự bực bội hơi trào lên, ngẩng đầu nghiêm mặt nói: "Những gì ngươi nói ta đều rõ cả, ta cũng tuyệt đối sẽ không oán trách sau lưng, ngươi cần gì phải suy diễn ta như thế? Ta nói sẽ không bám riết chỉ vì không muốn phí công mà còn làm Vũ Sư đại nhân khó xử. Nếu Vũ Sư đại nhân không thấy khó xử, chỉ cần ta bám riết là mượn được pháp bảo, vậy bảo ta chắp tay dâng lên tám ngàn đạo quán, quỳ xuống dập đầu lạy ngươi một trăm cái cũng có gì khó đâu?"
Nông phu cười ha ha: "Giận rồi hả? Tính khí trẻ con. Bắt lấy này!"
Nông phu vừa ném, Tạ Liên giơ tay đón lấy một chiếc nón trúc màu xanh, chính là cái mà thoạt đầu nông phu đeo trên lưng. Tạ Liên hỏi: "Đây là?"
Nông phu đáp: "Thứ ngươi muốn mượn đấy. Trước khi ngươi tới, Vũ Sư đại nhân đã bảo ta giao cho ngươi. Dùng cho cẩn thận, nếu làm hỏng chúng ta không tha cho ngươi đâu."
Tạ Liên trợn to mắt, hỏi: "Tại sao?"
Nông phu đáp: "Đã nói tại sao rồi mà? Cho ngươi mượn là vì tâm trạng tốt. Thần quan khác không cho ngươi mượn, Vũ Sư đại nhân cứ muốn cho ngươi mượn đấy. Vũ Sư đại nhân muốn làm gì thì làm nấy thôi."
Tạ Liên luôn miệng nói: "Cảm ơn! Cảm ơn!"
Nông phu lại cất lời: "Ngươi cũng đừng vui mừng quá sớm, Thái tử điện hạ à. Tuy Vũ Sư đại nhân phi thăng lâu hơn ngươi, nhưng tín đồ lại không nhiều bằng ngươi, pháp lực cũng kém xa ngươi, hơn nữa còn đang bị thương, ngoại trừ cho ngươi mượn vật này, những việc còn lại ngươi chỉ có thể tự dựa vào mình thôi. Nước xa không cứu được lửa gần, nón Vũ Sư chỉ có thể dời mưa, không thể tạo nước. Nước của Tiên Lạc các ngươi không đủ dùng, chỉ có thể đi mượn quốc gia khác, nhưng chưa chắc quốc gia khác đã bằng lòng, chỉ có nước Vũ Sư quanh năm dồi dào mới có dư. Thế nhưng núi dài nước xa, mỗi lần dùng đều phải tiêu hao một lượng lớn pháp lực của ngươi, pháp lực ngươi có nhiều hơn nữa rồi cũng có lúc cạn kiệt thôi."
Tạ Liên lại hiểu rất rõ, chịu cho một người không có quan hệ gì mượn pháp bảo của mình là chuyện khó khăn nhường nào. Y khom người thật thấp, gọi với về phía nhà tranh: "Vũ Sư đại nhân bằng lòng vươn tay giúp đỡ, tại hạ đã cảm kích muôn phần. Đại ân không lời nào cảm tạ hết, sau này nếu có gì ta giúp được, xin Vũ Sư đại nhân cứ việc sai bảo. Cáo từ!"
Mượn được pháp bảo, Tạ Liên tức khắc tìm một sông hồ ở phía Nam, dùng nón Vũ Sư thu một lượng nước lớn trong hồ, băng qua nghìn dặm, trở lại Vĩnh An ở Tiên Lạc, tìm đến thôn trang hạn hán nghiêm trọng nhất, Lang Nhi Loan, đứng trên mây lật nón lại.
Ngay lập tức, từ trên trời đổ xuống một trận mưa nhỏ tí tách. Tạ Liên nhảy khỏi đám mây, hai chân tiếp đất, các thôn dân đang sống dở chết dở chưa thể nào tin nổi, có người lao ra cửa tắm mưa nhảy nhót reo hò, có người vội vã xách chậu lớn chậu nhỏ rửa mặt rửa chân trong nhà ra hứng mưa.
Thấy thế, Tạ Liên thở phào nhẹ nhõm, bấy giờ mới nở nụ cười. Lúc này, chợt nghe một tiếng gọi từ xa vọng tới: "Thái tử điện hạ!"
Y quay đầu lại, chỉ thấy Mộ Tình nửa mặt u ám, vòng ra từ sau một thân cây. Thấy sắc mặt Mộ Tình không tốt, Tạ Liên biết ngay có chuyện không ổn, bèn hỏi: "Sao thế, xảy ra chuyện gì rồi?"
CHƯƠNG 75:
Mộ Tình nói: "Điện hạ, sao huynh đi một phát nhiều ngày thế?"
Tạ Liên ngẩn ra: "Ta đi lâu lắm sao?"
Đi đi đến đến, lên trời xuống đất, thu nước trong hồ, đạp mây tạo mưa, chẳng phân ngày đêm, sớm đã tiêu tốn rất nhiều thời gian, mà y lại không hề phát giác. Mộ Tình nói: "Nhiều ngày lắm rồi! Lời cầu nguyện của tín đồ bên điện Thái Tử đã chất thành núi."
Lúc này, Tạ Liên phát giác mưa phùn yếu dần, bèn vươn tay ra, nói: "Chẳng phải ta đã dặn dò, bảo các ngươi mau chóng giải quyết những việc quan trọng sao?"
Mộ Tình đáp: "Những gì giải quyết được, tất nhiên chúng ta đã giải quyết hết rồi, nhưng mà... còn rất nhiều lời cầu nguyện mà chúng ta không đủ tư cách vượt cấp làm thay. Bởi vậy trước đó ta mới bảo điện hạ đừng ém quá lâu, mau mau trở về."
Mộ Tình nói hết câu, mưa cũng tạnh. Thời gian kéo dài của cơn mưa này còn ngắn hơn tưởng tượng của Tạ Liên, lòng y không khỏi trĩu nặng. Mây đen giữa trời dần dần tản ra, chầm chậm rơi vào chiếc nón trúc màu xanh, Tạ Liên chìa hai tay bắt lấy, nói: "Nhưng ngươi nhìn tình hình này đi, ta cũng không thể phân thân được."
Mộ Tình nhíu mày: "Điện hạ, huynh mượn được pháp bảo của Vũ Sư rồi sao? Nước này dời đến từ đâu?"
Tạ Liên nói: "Nước Vũ Sư ở phía Nam."
Mộ Tình hỏi: "Xa vậy ư? Một lần dời thế này tốn bao nhiêu pháp lực của huynh? Hơn nữa phạm vi mỗi lần đổ mưa rất nhỏ, lại không kéo dài được bao lâu, cứ hao tốn kiểu này, huynh làm sao ứng phó nổi lời cầu nguyện của tín đồ trong điện Thái Tử?"
Không cần Mộ Tình nói, Tạ Liên cũng tỏ tường. Y là Võ Thần, tín đồ trong điện Thái Tử là căn cơ lập điện và cội nguồn pháp lực của y. Hành động này chẳng khác nào bỏ căn cơ theo đuổi cái khác, hễ mà sơ sẩy, sợ rằng hai bên đều lo không xong, nhưng ngoại trừ làm thế, còn cách nào nữa chứ?
Tạ Liên nói: "Ta biết. Nhưng cứ cái đà này, nếu bên Vĩnh An bùng phát bạo động, sớm muộn gì cũng lan đến điện Thái Tử."
Mộ Tình lại nói: "Đã sắp bùng phát rồi!"
Tạ Liên hoảng hốt: "Gì cơ?"
Sau khi nghe Mộ Tình thông báo, Tạ Liên tức tốc trở về hoàng thành Tiên Lạc. Đi đến đường Thần Võ, vừa khéo gặp phải một nhóm binh sĩ hoàng gia võ trang đầy đủ, đang cầm lợi khí (vũ khí sắc bén) áp giải một đám đàn ông đầu tay đeo gông áo quần rách rưới đi tới. Dân chúng đứng đầy hai bên đường, sắc mặt ai nấy cũng vừa kích động vừa căm phẫn. Phong Tín tay giương cung đen, bày thế trận sẵn sàng đón địch, dường như đang đề phòng dân chúng hai bên bạo động. Tạ Liên quát: "Phong Tín! Những người bị áp giải là ai? Phạm tội gì? Đưa đi đâu?"
Nghe giọng Tạ Liên, Phong Tín bước nhanh tới, nói: "Điện hạ! Những người này đều là người Vĩnh An."
Hàng đàn ông này ai cũng cao gầy, màu da hơi sạm, tầm vài chục người. Phía sau nhóm binh sĩ áp giải bọn họ còn có vài cụ già, cùng với một ít phụ nữ và trẻ em mặt đầy hoảng hốt. Tạ Liên hỏi: "Đằng sau cũng toàn là người Vĩnh An?"
Mộ Tình đáp: "Phải."
Thì ra mấy tháng nay Vĩnh An gặp đại hạn, những người trước đây định cư ở Vĩnh An lục tục chạy nạn sang phía Đông. Một nhóm vài chục người thì chưa thấy rõ, nhưng tính đến hiện tại đã có hơn năm trăm người chạy nạn sang đây. Hơn năm trăm người đó tụ lại một chỗ, đầu người đông nghìn nghịt, vậy thì thấy rất rõ.
Nhóm người Vĩnh An này chưa quen với cuộc sống nơi đây, hai bàn tay trắng, vừa mở miệng là lộ rõ chất giọng vùng khác, đặt chân đến một thành trì xa lạ mà phồn hoa, dĩ nhiên muốn xúm thành một tốp sưởi ấm cho nhau, vì vậy bọn họ tìm khắp hoàng thành Tiên Lạc, cuối cùng tìm được một vùng đất xanh tốt không người sinh sống, thế là vui mừng khôn xiết, dựng nhà lều ở đây làm chỗ nghỉ chân.
Thật không may là, tuy vùng đất xanh tốt này đích thực không người sinh sống, nhưng lại là ánh trăng sáng trong lòng nhân sĩ hoàng thành. Người Tiên Lạc người quen hưởng thụ và thưởng thức, vì cái đẹp nơi đây, rất nhiều người dân hoàng thành rảnh rỗi không có gì làm sẽ đến vùng đất xanh tốt này tản bộ, khiêu vũ, luyện kiếm, ngâm thơ, vẽ tranh, tụ họp. Còn Vĩnh An tọa lạc tại phía Tây Tiên Lạc, đất đai cằn cỗi, vốn đã nghèo nàn, tính tình và phong tục của dân chúng nơi đó cũng khác xa dân chúng phía Đông Tiên Lạc. So với bọn họ, dân chúng hoàng thành thường có thể ý thức sâu sắc hơn rằng mình mới là "người Tiên Lạc" chính thống. Giờ đây, chốn khi xưa thanh nhã lại bị một đám dân chạy nạn chiếm đóng, suốt ngày nấu thuốc, khóc than, giặt quần áo, nhóm lửa, mùi mồ hôi và mùi thức ăn thừa thúi rình bay đầy, khiến cho rất nhiều người dân sống lân cận không tài nào chịu nổi, oán giận không ngớt.
Thật ra mấy cụ già Vĩnh An dẫn đầu thừa biết điều đó chứ, bọn họ cũng muốn dời sang nơi khác, nhưng hoàng thành vốn đã đông dân cư, dời đến đâu cũng chật ních người, không tìm được nơi nào khác có thể xếp chỗ cho nhiều người như thế, huống chi trong hơn năm trăm người này còn có trẻ em và phụ nữ già yếu bị thương bị bệnh, không thích hợp di chuyển nhiều lần, vậy nên buộc phải hành xử thận trọng, mặt dày ở lì không đi. Dân chúng hoàng thành tuy bất mãn là thế, nhưng dù sao cũng là người một nước, nếu đã gặp nạn thì tạm thời ráng nhịn vậy.
Nghe đến đó, hàng binh sĩ áp giải vài chục gã đàn ông Vĩnh An đi tới cổng chợ, quát tháo ra lệnh: "Quỳ xuống!"
Những người Vĩnh An kia tỏ vẻ không phục, nhưng đao kề trên cổ, không quỳ cũng phải quỳ. Thấy bọn họ quỳ xuống nhấp nhô cao thấp không đều, dân chúng hoàng thành đứng vây xem có người thở dài, có người hả giận. Tạ Liên hỏi: "Theo lời ngươi nói, hai bên đều đang nhẫn nhịn, vậy hôm nay là sao đây?"
Phong Tín và Mộ Tình còn chưa trả lời, trong đám dân có một người phụ nữ dập đầu gào khóc*: "Lũ trộm cướp man rợ các ngươi! Trộm gà trộm chó rồi còn đánh tướng công ta ra nông nỗi đó, muốn bò dậy cũng bò không nổi, nếu tướng công ta có mệnh hệ gì, ta liều mạng với các ngươi!"
*Nguyên văn là 哭天抢地: ý bảo miệng kêu trời, đập đầu xuống đất gào khóc tức tưởi.
Vài người bên cạnh vội vàng an ủi nàng, có người còn trách mắng: "Kẻ bỏ nhà rời quê đến địa bàn của người khác mà chẳng biết an phận thủ thường!"
"Đúng đấy, đến nhà người khác mà không khách sáo tí nào, còn trộm đồ nữa!"
Một chàng trai trẻ đeo gông không giữ được bình tĩnh, biện bạch: "Từ đầu đã nói không phải là bọn ta trộm! Kẻ ra tay trước cũng không phải bọn ta! Chưa kể bên bọn ta cũng có người bị thương..." Một cụ già quát bảo ngừng: "Đừng nói nữa!"
Chàng trai trẻ kia tức tối ngậm miệng. Phong Tín nói: "Trong hoàng thành có người mất một con chó, bởi vì trước đây có trẻ em Vĩnh An đói quá trộm vịt của người ta luộc ăn, nên lần này cũng tình nghi là bị người Vĩnh An bắt đi nướng ăn, thế là chạy sang bên bọn họ hỏi, nói không hợp một câu đã choảng nhau."
Tạ Liên chỉ cảm thấy không lý giải nổi: "Chỉ vì một con chó mà làm ầm ĩ như thế, bắt nhiều người như thế sao?"
Phong Tín đáp: "Đúng vậy, chỉ vì một con chó mà ầm ĩ như thế. Hai bên nhịn nhau đã lâu, chuyện nhỏ cũng thành chuyện lớn. Hai bên đều thề thốt nói rằng đối phương ra tay trước, là lỗi của đối phương, choảng nhau túi bụi một trận, không hiểu sao càng đánh càng lớn."
Một binh sĩ dẫn đầu quát: "Tụ tập gây rối, nghiêm trị không tha! Đeo gông thị chúng, không được tái phạm!" Nói xong lùi ra, giây tiếp theo, hàng loạt người bắt đầu ném rau cải và trứng thối vào đám đàn ông Vĩnh An kia. Mấy người lớn tuổi thì khom lưng nói khắp bốn phía: "Xin lỗi, các vị, xin lỗi." "Xin thủ hạ lưu tình, thủ hạ lưu tình."
*Thị chúng: bêu trước đám đông, thường chỉ trừng trị phạm nhân trước công chúng.
Mặc dù Tạ Liên cho rằng đúng là chuyện bé xé ra to, hoang đường tột độ, nhưng đại khái vẫn thông hiểu được, nói: "Vậy rốt cuộc có phải bọn họ trộm không? Tìm được con chó kia chưa?"
Phong Tín lắc đầu: "Chuyện đó ai biết được. Ăn xong chỉ cần đổ vụn xương, còn ai tìm được nữa? Có điều nhìn nét mặt, ta cảm thấy không giống là do bọn họ trộm."
Nhưng mà, hiển nhiên binh sĩ hoàng thành sẽ phán xét nghiêng về phía dân chúng hoàng thành, bất luận có trộm hay không, nếu đã đánh nhau thì chắc chắn là do người Vĩnh An không đúng. Nhất là khi cánh đàn ông hoàng thành rất thích vui đùa, không giỏi đánh nhau như đàn ông Vĩnh An, xem ra lần này bị người vùng khác đánh tơi bời, mất sạch thể diện, oán thù kết sâu. Tạ Liên lắc đầu, lia mắt qua nhìn, chợt phát hiện trong hàng đàn ông Vĩnh An này có một thanh niên cúi đầu đứng giữa trông vô cùng quen mắt, chính là thanh niên Lang Anh chôn con trong khu rừng nhỏ kia.
Tạ Liên lập tức ngẩn ra. Lúc này, gần đó có người oán trách: "Sao ta cảm thấy mấy tháng nay người Vĩnh An trong hoàng thành càng đến càng đông nhỉ, hôm nay còn dám đánh người nữa."
"Chắc không phải bọn họ muốn qua đây hết chứ?"
Một gã đàn ông trông như thương nhân vung hai tay loạn xạ, nói: "Quốc vương bệ hạ sẽ không đồng ý đâu! Mấy hôm trước nhà của ta đã bị người Vĩnh An vào trộm đồ, nếu bọn họ túa qua đây hết, vậy còn được sao?"
Nghe gã nói thế, Lang Anh vẫn một mực cúi đầu mặc cho rau quả ném đầy mặt thình lình ngẩng đầu lên, nói: "Ngươi nhìn thấy à."
Không ngờ người này lại nói chuyện với mình, thương nhân kia thuận miệng đáp: "Cái gì?"
Lang Anh hỏi: "Người Vĩnh An trộm đồ nhà ngươi, là ngươi tận mắt nhìn thấy sao?"
"......" Thương nhân kia nói: "Ta không tận mắt nhìn thấy, nhưng trước giờ luôn yên lành, sau khi các ngươi tới mới tự dưng bị trộm, chẳng lẽ nó không liên quan chút nào đến các ngươi?"
Lang Anh gật đầu: "Thì ra là thế. Ta hiểu rồi. Trước khi chúng ta đến, kẻ trộm đồ đều là các ngươi, sau khi chúng ta đến, kẻ trộm đồ đều là chúng ta..."
Lời còn chưa dứt, một trái hồng chín rữa bay xoáy tới, đập vào khóe miệng của Lang Anh, trông như nôn ra một đóa hoa máu lớn. Thương nhân kia phì cười ra tiếng, ánh mắt Lang Anh hờ hững, ngậm miệng không nói nữa.
Tạ Liên biến đổi những hòn đá sắc nhọn ném về phía các thanh niên Vĩnh An, để bọn họ không đến mức máu chảy đầu rơi. Trận thị chúng này tiến hành mãi đến chập tối, dân chúng vây xem từ từ giải tán, đám binh sĩ thấy đủ rồi, bây giờ mới ngạo mạn mở gông, cảnh cáo sau này không được gây chuyện thị phi nữa, bằng không nhất định không dễ dàng bỏ qua. Mấy người lớn tuổi một mực cúi người gật đầu cười làm lành, cam đoan sẽ không tái phạm, Lang Anh lại tỏ ra bình thản, tùy ý bỏ đi. Thấy hắn đi một mình, Tạ Liên chộp đúng thời cơ, vụt ra từ sau thân cây, chặn đường của hắn.
Tạ Liên bất chợt xuất hiện, đầu tiên ánh mắt của Lang Anh chuyển lạnh, trong phút chốc, dường như muốn ra tay bóp cổ họng của y. Ngay tích tắc sau khi thấy rõ người đến, hắn rút lại cánh tay còn chưa duỗi ra, nói: "Là ngươi."
Hình dạng mà Tạ Liên hóa thành chính là tiểu đạo sĩ kia. Bị cái vồ hụt khi nãy của Lang Anh làm cho thoáng sửng sốt, y nghĩ thầm: "Võ nghệ của người này khá lợi hại." Sau đó nói: "Ta đã tặng viên ngọc đó cho ngươi, sao ngươi không mang nó về Vĩnh An?"
Lang Anh nhìn y, đáp: "Con ta ở đây, ta cũng ở đây."
Ngừng một hồi, hắn lấy viên ngọc san hô ra khỏi dây lưng, nói: "Ngươi muốn lấy lại cái này không? Trả ngươi."
Trên bàn tay Lang Anh đưa viên ngọc qua còn có vết bầm do đeo gông. Im lặng chốc lát, Tạ Liên không nhận, nói: "Về đi. Hôm nay Lang Nhi Loan mưa rồi."
Y chỉ trời, nói: "Ngày mai! Sẽ còn mưa nữa. Ta đảm bảo đấy, nhất định sẽ mưa."
Lang Anh lại lắc đầu, nói: "Bất luận có mưa không cũng không về được nữa."
Nhìn bóng lưng Lang Anh bỏ đi, Tạ Liên ngớ người giây lát, chỉ cảm thấy phiền muộn vô cùng.
Thuở xưa lúc chưa phi thăng, dường như chẳng có muộn phiền chi, y muốn làm gì là sẽ làm được tuốt. Nào ngờ sau khi phi thăng, dường như trong lúc bất chợt, y đã bị phiền muộn vô cùng vô tận bủa vây. Có phiền muộn của người khác, cũng có phiền muộn của chính mình. Muốn làm một chuyện mà lại khó khăn như thế, được này mất nọ, lực bất tòng tâm. Tạ Liên thở dài rồi cũng xoay người rời khỏi, quay về điện Thái Tử, giải quyết lời cầu nguyện tồn đọng suốt nhiều ngày của các tín đồ.
Dẫu vậy, Tạ Liên cũng không phải là người phiền muộn nhất. Quốc vương mới phải.
Nỗi lo của quốc vương Tiên Lạc trở thành sự thật, hơn năm trăm người Vĩnh An kia chỉ là bước đầu mà thôi.
Trong nhiều lần xuôi Nam ngược Bắc, Tạ Liên cầm nón Vũ Sư mượn được, dùng năng lực của một mình mình, làm phép tạo mưa. Mỗi lần tạo mưa phải tốn ít nhất năm sáu ngày và lượng lớn pháp lực, nếu không phải là y, e rằng thật sự không có người nào chịu được kiểu bôn ba chạy đôn chạy đáo như thế. Tất nhiên, ngoại trừ Quân Ngô. Nhưng nơi cai quản của Thần Võ Đại Đế rộng hơn y nhiều, tín đồ và lãnh thổ cần tiêu tốn tinh lực cũng nhiều hơn một nước Tiên Lạc, làm sao Tạ Liên có thể đi xin Quân Ngô hao tâm tổn trí vì việc này? Huống chi một lần chỉ có thể tưới mát một phần đất nhỏ của Vĩnh An, mà còn không kéo dài được bao lâu, tuy có thuyên giảm nhưng không thể trị tận gốc. Vì vậy một tháng sau, người Vĩnh An bắt đầu chính thức kết bè kết đội di cư về phía Đông. Ban đầu là một nhóm vài chục người, bây giờ là vài trăm người, vài nghìn người, nhiều vô số kể, hội tụ thành sông.
Qua thêm một tháng, quốc vương Tiên Lạc ban hành một mệnh lệnh: Xét thấy mấy tháng nay giao tranh không ngừng, ẩu đả liên miên, vì duy trì an ninh trong hoàng thành, bắt đầu từ hôm nay, người Vĩnh An lang bạt trong vương đô Tiên Lạc phải rút hết khỏi hoàng thành. Mỗi người được cho lộ phí nhất định, đến thành trấn khác an cư trú tạm.
Ngay trước mặt dòng người Vĩnh An nườm nượp đi về phía Đông, đóng cổng chính hoàng thành Tiên Lạc.
CHƯƠNG 76:
"Mở cổng!"
"Cho chúng ta vào!"
Các binh sĩ lùi vào trong thành, cổng lớn ngàn cân khép lại. Những người bị đám binh sĩ trục xuất ra ngoài cổng túa về như cơn thủy triều đen kịt, nện ầm lên cổng. Các tướng sĩ trên cổng thành hét lớn: "Rút đi! Rút đi! Ai đã lãnh lộ phí có thể khởi hành rồi, đi về phía Đông, đừng dừng dọc đường!"
Tuy nhiên, những người Vĩnh An này rời bỏ quê hương, chạy nạn suốt một đường, đi đến hoàng thành gần với mình nhất. Cổng chính hoàng thành đóng trước mặt bọn họ, nếu muốn sống thì phải vòng qua hoàng thành, đi đoạn đường dài hơn để đến thành trì càng xa về phía Đông.
Thế nhưng đi cả chặng đường đến đây đã trải qua biết bao gian khó, tử thương vô số, nào còn thừa sức tiếp tục đi về phía trước? Cho dù mỗi người được phát cho một ít lộ phí, nước và lương khô, nhưng liệu chống được mấy ngày trên đường đây?
Ai nấy cũng mặt xám mày tro, có người kéo lê nồi niêu xoong chảo, có người cõng trẻ con, có người khiêng cáng cứu thương, dìu thì dìu, nằm thì nằm, đi không nổi nữa, ngồi thành từng tốp trước tường thành. Đám đàn ông trẻ tuổi còn sức để nổi giận, đập cổng thành hô lớn: "Các ngươi không thể làm vậy được! Các ngươi muốn bọn ta chết sao!"
"Đều là người Tiên Lạc với nhau, các ngươi có cần đuổi cùng giết tận như vậy không!"
Một người đàn ông gào đến khản cổ: "Đuổi bọn ta ra thì thôi đi, ta không vào, nhưng cho vợ con ta ở lại được không?!"
Như kiến càng lay cây, cổng thành chẳng hề nhúc nhích.
Tạ Liên đứng trên lầu cổng thành. Áo trắng bay phần phật, y lướt qua tường chắn mái, nhìn xuống bên dưới. Phía ngoài hoàng thành toàn là đầu người chậm chạp lúc nhúc, chi chít đông nghịt, cực giống bầy kiến mà y từng thấy vào thuở nhỏ chơi trong ngự hoa viên.
Lúc đó xuất phát từ tò mò, y nhìn thêm vài lần, vừa duỗi một ngón tay định chọt lén thì có cung nhân kêu lên ngay: "Điện hạ, thứ này bẩn muốn chết, không được chạm, không được chạm!" Sau đó nhấc váy chạy vội qua đây, đạp vài cái nghiền chết bầy kiến ấy.
Lúc kiến dế còn sống, ngoài chi chít lít nhít thì chẳng có gì đẹp mắt, bị giẫm chết lại biến thành một bãi thua cả bùn cặn, càng chẳng đẹp đẽ gì cho cam.
Còn bên trong hoàng thành, vạn nhà đèn đuốc sáng trưng, ca múa vui vẻ. Một bức tường thành, tách rời hai thế giới khác nhau một trời một vực.
Người Vĩnh An đến sau không được vào thì thôi, vậy mà người ở trong từ trước cũng bị đuổi ra. Tuy nhẫn tâm thật, nhưng Tạ Liên có thể hiểu được, đó là bởi vì mấy tháng nay, dân hoàng thành và dân Vĩnh An xung đột gây sự càng lúc càng nhiều, để cả đám đàn ông như thế trong thành, chỉ sợ lỡ như bọn họ nội ứng ngoại hợp gây nhiễu loạn.
Tuy nhiên, có một điều Tạ Liên cho rằng vẫn thương lượng được, y nghiêm túc nói: "Tại sao phụ nữ và trẻ em cũng phải rút luôn? Trong đó có một số người chẳng còn đi được bao xa nữa."
Phong Tín và Mộ Tình đứng hầu sau lưng y. Mộ Tình đáp: "Muốn rút thì phải rút đi cùng nhau. Không lo ít chỉ lo chia không đều, không thể phân biệt đối xử, bằng không khó tránh kích động kẻ khác. Dựa vào đâu họ ở lại được còn ta thì không?"
Phong Tín nói: "Ngươi nghĩ nhiều quá."
Mộ Tình hờ hững cất giọng: "Sẽ có người nghĩ thế đấy. Hơn nữa nếu vợ và con đều ở lại, đám đàn ông đó sẽ không chịu đi quá xa, sớm muộn cũng sẽ quay trở lại. Giữ người trong thành chẳng khác nào để lại tai họa về sau."
Nhóm người Vĩnh An này không chịu đi, các tướng sĩ phía trong cổng thành cũng không đi được, nói: "Hừ, cứ nhây thế đi!"
Quốc vương bệ hạ đã hạ lệnh, lẽ nào bọn chúng cho rằng ngồi đây ăn vạ sẽ có tác dụng sao? Nhây được một hai ngày thôi, lẽ nào nhây được một hai tháng, một hai năm?
Dân chúng và tướng sĩ trong hoàng thành đều cho là thế. Có người Vĩnh An vì tuyệt vọng mà chấp nhận số phận, quyết định đánh cược một lần, tiếp tục đi về phía Đông, nhưng số lượng đó không nhiều. Phần lớn vẫn mong mỏi ngồi trước cổng thành, ngóng trông hoàng thành mở cổng cho mình vào, chí ít cho mình một chốn dừng chân để thu xếp sơ trước rồi tiếp tục lên đường. Thêm nhiều người Vĩnh An mới tới, nhìn cổng thành đóng chặt cũng thất vọng vô cùng, nhưng thấy nhiều người ngồi canh như thế, bọn họ cũng ôm lòng kỳ vọng và mong đợi gia nhập đại đội.
Thế là ba bốn ngày sau, người tụ tập ở cổng thành càng lúc càng đông, mấy chục ngàn người gần như đã dựng trại đóng quân tại đây, tạo nên một cảnh tượng hoành tráng. Bọn họ miễn cưỡng chèo chống nhờ nước và lương khô mà quốc vương phân phát, nhưng đã sắp đến cực hạn.
Cực hạn này, xảy ra vào ngày thứ năm.
Năm ngày qua, ngày nào Tạ Liên cũng chia một ngày làm ba, một phần dùng cho tín đồ điện Thái Tử, một phần dùng cho thu xếp chuyển nước tạo mưa, một phần dùng cho chăm sóc dân chúng Vĩnh An ngoài thành, tuy có Phong Tín và Mộ Tình phụ giúp, nhưng đôi lúc y cũng cảm thấy không kham nổi gánh nặng, có lòng mà không đủ sức. Ngày hôm đó, vào đúng canh giờ y không canh giữ ở ngoài thành, dưới ánh mặt trời gay gắt, trước cổng thành đột nhiên vang lên một tiếng hét thảm.
Tiếng hét thảm là của một cặp vợ chồng đang bế một đứa bé. Người người đua nhau vây quanh họ, hỏi: "Thằng bé này sao thế?" "Đói hay khát?" Lát sau kinh hãi kêu lên: "Mọi người đem chút nước tới đây đi, sắc mặt thằng bé này không ổn rồi!"
Phụ nhân kia khóc lóc đút nước cho đứa bé ngộp đến nỗi mặt đỏ au, song tất cả nước đều bị nôn ra. Cha nó nói: "Ta không biết xảy ra chuyện gì nữa, nó bị bệnh rồi, đại phu, cần đại phu!" (Phụ nhân = phụ nữ đã có chồng)
Bế con trai xông đến trước cổng thành, hắn đập cổng rầm rầm: "Mở cổng, mở cổng cứu mạng với! Có người sắp chết, con ta sắp chết!"
Dĩ nhiên binh sĩ phía trong không dám mở cổng. Bất luận có phải thật sự có người sắp chết hay không, ngoài cổng tận mấy chục ngàn người, mở cổng rồi đừng mong đóng lại nữa, vì vậy chỉ dám thông báo cho tướng sĩ cấp trên. Khí trời oi bức, các tướng sĩ canh giữ suốt nhiều ngày cũng có hơi cáu kỉnh, nói qua quýt lấy lệ: "Cho hắn nước và thức ăn." Thế là bọn họ dùng một sợi dây thừng, treo chút nước và thức ăn đưa xuống dưới. Cha đứa bé kia nói: "Cảm ơn các ngươi, cảm ơn các vị tướng sĩ đại ca, nhưng chúng ta không cần nước và thức ăn, có thể nào tìm giúp chúng ta một đại phu không?"
Điều này thật sự khiến người ta khó xử, không thể cho hắn vào cổng tìm đại phu, cũng không thể treo một đại phu đưa xuống cho hắn. Có trời mới biết ra đến ngoài cổng, đám dân đói bụng suốt bốn năm ngày đó sẽ làm nên chuyện gì? Vì vậy, mấy vị tướng quân nói: "Bỏ đi, đừng quan tâm, cứ lờ đấy, không chết được đâu. Nếu hỏi nữa thì bảo đã thông báo rồi, đang đi xin chỉ thị của quốc vương bệ hạ."
Liên tục mấy ngày buồn phiền vì chuyện của Vĩnh An, quốc vương đã nhiều lần nổi giận, dĩ nhiên không ai dám đi quấy rầy ngài vì chút chuyện vặt này. Các binh sĩ đáp lại theo lời dặn, cha đứa bé kia mới yên tâm, luôn miệng nói cảm tạ, đội ơn quốc vương, quỳ xuống đất dập đầu. Nhưng hết canh giờ này đến canh giờ khác trôi qua, bóng nắng chói chan ngả từ bên này sang bên kia, đại phu mãi không xuất hiện, đứa bé trong ngực lại càng lúc càng nóng.
Cặp vợ chồng kia bế con mà tay run cầm cập, cha đứa bé đổ mồ hôi lạnh đầy đầu, lẩm bẩm: "Còn có người tới không? Còn mở cổng cho ta không?"
Cuối cùng hắn không nhịn được nữa, lớn tiếng gọi với lên cổng thành: "Các tướng quân, thật xin lỗi, ta muốn hỏi một chút... Đại phu đâu?"
Binh sĩ đáp: "Đã đi xin chỉ thị của quốc vương bệ hạ, ngươi chờ thêm chút đi."
Bên dưới có người không kiềm được: "Hai canh giờ trước đã nói đi rồi, sao đến giờ vẫn chưa trở lại?"
Đám binh sĩ nghe theo chỉ thị của cấp trên, đáp xong không đếm xỉa tới nữa. Những người dưới tường thành vừa tức giận, vừa bất đắc dĩ, vừa đau lòng, bọn họ túm tụm quanh đứa bé, bắt đầu hoài nghi: "Mấy người đó thật sự đã thông báo cho quốc vương bệ hạ sao? Không phải đang gạt chúng ta chứ?"
Cha đứa bé không chờ được nữa, hạ quyết tâm cõng con trai buộc sau lưng mình, dặn dò vợ vài câu. Phụ nhân kia tháo một lá bùa hộ mệnh trên cổ, đeo vào cổ chồng. Người đàn ông nọ chạy nhanh về phía tường thành, thử trèo lên trên.
Mặt bên tường thành được xây theo kiểu cực khó đặt tay, cha đứa bé túm vài cái nhưng không trèo lên được, đám đàn ông còn lại rối rít nói: "Để ta giúp ngươi!" Sau đó chạy qua nâng hắn lên. Mấy chục người xếp chồng lên nhau, đưa hắn lên chỗ cao hơn một trượng. Đến đây, cha đứa bé mới miễn cưỡng nắm lấy sợi dây thừng vừa rồi được dùng để treo nước và thức ăn, tiếp tục trèo lên trên. Mấy chục ngàn người bên dưới hồi hộp theo dõi cha đứa bé, không dám cổ vũ hắn cố lên, sợ bị phát hiện. Nhóm binh sĩ trên lầu cổng thành đã canh giữ vài ngày, đám dân chạy nạn Vĩnh An này cũng không gây nên chuyện lớn gì, khó tránh có chút lơi lỏng, chờ khi cha đứa bé trèo đến gần phân nửa, bọn họ mới bất chợt phát hiện có một người bám trên tường thành, bèn cất giọng quát to: "Làm gì vậy! Không được phép trèo tường! Kẻ nào trèo tường giết không tha! Có nghe rõ không, kẻ nào trèo tường giết không tha!"
Nghe bọn họ uy hiếp, cha đứa bé cũng hô lớn: "Ta không có ác ý! Ta chỉ muốn đưa con đi xem bệnh, sẽ không làm gì hết!" Vừa hô vừa tiếp tục trèo lên trên. Một gã tướng quân vốn đang dùng cơm, vừa hay tin này thì nổi cơn tam bành. Nếu hắn ta trèo lên bình yên vô sự, mở ra tiền lệ đó, thế chẳng phải sau này sẽ có vô số người Vĩnh An noi theo? Nhất định phải cản lại! Thế là gã sải bước dài, đứng bên bờ tường rống xuống dưới: "Ngươi không muốn sống nữa sao! Lập tức xuống ngay, nếu còn không xuống chúng ta không tha cho ngươi đâu!"
Mà người đàn ông nọ đã trèo đến nơi rất cao, qua được hơn phân nửa, cố thêm một chút là lên tới rồi, tất nhiên không chịu dừng lại. Xưa nay trong quân doanh, gã tướng quân kia luôn nói một là không có hai, chẳng ai dám trái lệnh của gã, ai dám trái lệnh thì đơn giản thôi. Gã đi tới bên tường, rút kiếm ra chém một nhát, sợi dây thừng đứt phựt.
Người đàn ông nọ nắm sợi dây thừng bị chém đứt, rơi xuống từ lưng chừng không trung. Giữa tiếng thét chói tai của vô số người, ngã phịch xuống nền đất cứng ngoài cổng thành.
Tạ Liên xuất hiện ngay sau đó.
Người đàn ông nọ ngã đưa lưng xuống đất, mà lưng hắn còn cõng đứa bé. "Đùng" một tiếng, đứa bé bị ép thành một bãi thịt vụn nát bấy, một đóa hoa máu bắn tóe ra mấy trượng. Cổ của cha nó cũng bẻ gãy, hai mắt trợn tròn, một lá bùa hộ mệnh trượt khỏi cần cổ méo lệch, chính giữa viết hai chữ "Tiên Lạc", có hoa văn thêu bằng chỉ vàng, chính là bùa hộ mệnh khai quang lấy từ điện Thái Tử.
Vào khoảnh khắc trước khi trèo lên, người đàn ông nọ và vợ mình từng nắm bùa hộ mệnh, lặng lẽ khẩn cầu Thái tử điện hạ phù hộ, thế nên Tạ Liên mới nghe được tiếng cầu nguyện của bọn họ mà đuổi tới nơi này.
Tiếc rằng suy cho cùng, y nào phải những nhân vật chính anh hùng trong thoại bản* truyền kỳ, lần nào cũng có thể hiện thân vào đúng một khắc trước khi đao chém xuống, hô đao hạ lưu nhân trong khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc. Phụ nhân kia không đủ can đảm lật xác chồng lại xem con trai biến thành hình dạng gì, nàng bụm mặt gào to một tiếng, không nhìn mà lao thẳng về phía trước, đâm đầu vào tường, "cộp" một tiếng, ngã xuống không nhúc nhích nữa.
*Thoại bản: hình thức tiểu thuyết Bạch thoại phát triển từ thời Tống, chủ yếu kể chuyện lịch sử và đời sống xã hội đương thời, thường được dùng làm cốt truyện cho các nghệ nhân sau này. (theo vndic)
Ngay trước mắt Tạ Liên, dưới bức tường hoàng thành, chỉ trong nháy mắt đã có thêm ba thi thể!
Y còn chưa kịp phản ứng, dân chúng ngoài cổng thành đã không chịu nổi nữa.
Có người bắt đầu mắng: "Chết cả rồi, một nhà ba người chết cả rồi! Nhìn đi, đây là tướng quân tốt phụng sự cho quốc vương bệ hạ của chúng ta đấy! Không cứu chúng ta, ngược lại còn ép chúng ta vào đường chết!"
"Không cho chúng ta vào cũng không đưa người ra, bảo người ta phải làm sao đây? Ba mạng người máu me đầm đìa đang nhìn các ngươi đấy!"
"Bảo rằng người Vĩnh An phải rút hết khỏi hoàng thành, thế tại sao những kẻ giàu có kia không rút chung luôn? Chúng ta không tiền không quyền thì đáng phải chờ chết phải không? Xem như ta đã nhìn rõ rồi!"
"Không nhịn được nữa... thật sự không nhịn được nữa. Thuế cần thu hàng năm thu đâu có ít, lúc cứu trợ thiên tai bay đi đâu hết rồi?"
"Thà đút tiền nuôi lũ sâu mọt đó xây miếu cho con mình chứ không cứu tế nạn dân, chỉ cho chút nước và lương khô rồi đuổi đi, coi chúng ta là gì chứ? Hôn quân, hôn quân!"
Binh sĩ trên lầu cổng thành quát to bảo ngừng, tướng quân kia có tình thế nào mà chưa từng nhìn thấy, vì vậy chẳng để vào mắt. Tuy nhiên, tình hình đã mơ hồ vượt khỏi tầm kiểm soát. Hàng ngàn hàng vạn đôi tay căm phẫn đẩy cổng chính, có người còn dứt khoát dùng đầu hay thân mình mà tông, lần này không còn là kiến càng lay cây nữa.
Cổng thành nhúc nhích, thậm chí cả tòa lầu cổng thành cũng lờ mờ rung chuyển!
Từ khi sinh ra tới nay, Tạ Liên chưa bao giờ chứng kiến tình hình thế này. Nhân dân mà y nhìn thấy luôn thân thiết, hoà đồng, ấm no, đáng mến. Những người mặt mày méo xệch khóc la thảm thiết này, khiến y như lọt vào một thế giới hoàn toàn lạ lẫm, không khỏi sởn hết gai ốc. Ngay cả khi chạm trán yêu ma tà linh khủng bố nhất, y cũng chưa hề có cảm giac như thế. Đúng lúc này, trên lầu cổng thành trruyền đến một tiếng gầm giận dữ.
Tạ Liên quay phắt đầu lại, chỉ thấy một bóng người cao gầy bóp cổ gã tướng quân khi nãy chém đứt dây thừng khiến cho ba người dưới tường thành bỏ mạng, "rắc" một tiếng giòn vang, bẻ gãy cổ của gã.
Đám binh sĩ cũng không biết người này đột ngột xuất hiện thế nào, cả bọn sợ mất mật, gào thét cầm kiếm vây tới: "Kẻ nào đấy?!" "Ngươi lên đây bằng cách nào?!"
Tạ Liên lại nhanh chóng chú ý đến tay đối phương, đôi tay ấy đã máu thịt lẫn lộn. Người này thế mà lại dùng một đôi tay bằng xương bằng thịt, bấu vào tường thành gần như không có kẽ hở trèo lên trên. Mà khi bóng người kia quay lại, quả nhiên là Lang Anh!
Lang Anh bị binh sĩ bao vây chẳng hề suy suyển, lật tường chắn mái ném thi thể của gã tướng quân kia xuống lầu cổng thành, còn mình thì giẫm lên thi thể đó, xem nó như bàn đạp giảm xóc, nhảy xuống.
Một khắc trước khi nhảy xuống, hắn nhìn thẳng về phía Tạ Liên, nhưng không phải nhìn Tạ Liên, mà là xuyên qua Tạ Liên, nhìn hoàng cung tọa lạc tại chính giữa hoàng thành.
Kể từ hôm đó, nước Tiên Lạc chìm sâu vào hỗn loạn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top