23
Tạ Liên nói: "Không yên lòng là muốn nói?"
Quốc sư đáp: "Tuy rằng ngài đã đến một đẳng cấp như vậy, nhưng mà, có một số thứ ngài lại chẳng hiểu gì, người khác cũng chẳng có cách nào dạy cho ngài. Như chuyện hôm nay ở điện Thần Võ, ngài nói những lời như không nên sùng thần bái thần gì đó, mặc dù rất ít người để ý tới việc đó, ngài còn trẻ tuổi nên có những suy nghĩ riêng, điều này không sai. Nhưng ngài cũng đừng nghĩ rằng từ xưa đến giờ điều này chỉ có mình ngài nghĩ ra."
Tạ Liên hơi trợn mắt, Quốc sư lại nói: "Những lời ngài nói ngày hôm nay, có thể từ mấy chục năm trước thậm chí mấy trăm năm trước đã có người nghĩ ra, thế nhưng nó cũng không thể thành một xu thế lớn, chỉ là một âm thanh nhỏ, vì thế chẳng mấy ai nghe theo, tại sao lại như
Hơi trầm ngâm, Tạ Liên đáp: "Bởi vì những người kia tuy rằng có nghĩ ra nhưng lại không thực hiện nó, hơn nữa không đủ kiên định."
Quốc sư hỏi: "Vậy còn ngài? Ngài dựa vào cái gì mà cảm thấy mình đủ kiên định?"
Tạ Liên nói:"Quốc sư, người cảm thấy ta có thể phi thăng sao?"
Quốc sư liếc mắt nhìn hắn, nói:"Ngài mà không thể phi thăng thì chẳng còn ai có thể. Chỉ là sớm hay muộn thôi."
Tạ Liên hơi hơi mỉm cười, nói: "Vậy thì mời ngài đón xem."
Hắn chỉ lên trời nói: "Nếu có một ngày kia, ta phi thăng, ta nhất định sẽ làm cho những lời hôm nay ta nói trở thành đại thế."
(Đại thế: Xu thế lớn)
Phong Tín cùng Mộ Tình canh giữ ngay sau hắn, những lời hắn nói đều thu hết vào tai, hai người cũng không tự giác mà hơi hơi ngẩng đầu. Khóe miệng Phong Tín khẽ nhếch, mà ánh mắt Mộ Tình sáng lên, giống như đúc vẻ mặt Tạ Liên. Quốc sư gật đầu nói: "Được, vậy ta liền xem - có điều, ta không cho rằng ngài được phi thăng sớm là chuyện tốt. Ta hỏi ngài, cái gì gọi là đạo?"
Tạ Liên rướn đầu lên, nói: "Ngài nói, nhân hành vu lộ, tức là đạo."
(Nhân hành vu lộ: Người muốn theo đạo không cần phải đi đúng đường, chỉ cần một lòng hướng đạo)
Quốc sư nói: "Đúng rồi. Nhưng mà, con đường người đi chưa đủ nhiều. Vì thế, ta cảm thấy, bây giờ người nên xuống núi đi lại một chút."
Tạ Liên hai mắt sáng ngời. Quốc sư lại nói: "Năm nay người cũng mười bảy rồi, hiện giờ cho phép người xuống Thái Thương sơn, ra ngoài vân du rèn luyện."
Tạ Liên nói:"Vừa đúng dịp!"
Hắn ở Hoàng Thành một ngày, nghĩ ngay đến Quốc chủ, đám người Thích Dung tụ tập, hơn nữa Tiên Lạc cung hoa lệ như vậy mà bị lụi tàn theo lửa, không muốn cùng phụ mẫu rối rắm nhiều hơn, không bằng lại đi xa hơn chút, chuyên tâm đi trên con đường của chính mình.
Lúc này, Quốc sư lại nói: "Thái Tử điện hạ,rất nhiều năm rồi, có một câu cửa miệng vẫn được tương truyền, vẫn được coi là một chuyện đương nhiên, nhưng thực tế những lời này là sai, chỉ là người ta không nhận ra."
Tạ Liên hỏi:"Câu nào?"
Quốc sư đáp: "Nhân vãng thượng tẩu, thành thần; Nhân vãng hạ tẩu, thành quỷ."
(Người lên trên trời thành thần, người xuống dưới đất thành quỷ)
Tạ Liên suy nghĩ một chút, hỏi: Câu nói này có chỗ nào không đúng sao?"
Quốc sư nói: "Đương nhiên không đúng, ngài nhớ kỹ, nhân vãng thượng tẩu, hoàn thị nhân; vãng hạ tẩu, y cựu thị nhân."
(Người lên trời vẫn là người, người xuống dưới đất vẫn chỉ là người."
Tạ Liên vẫn còn đang nghiền ngẫm lời này, Quốc sư đã vỗ vỗ vai hắn, quay đầu lại nhìn, nói: "Nói chung, từ đứa trẻ kia đi . . . Ngài không cần phải quá để tâm, mỗi người đều có mệnh riêng. Nhiều khi, không phải ngài cứ giúp đỡ thì sẽ có cách giải quyết, có chuyện gì nói sau. Đi ra ngoài trước thì hảo hảo rèn luyện đi, chỉ mong lúc ngài trở về, sẽ trưởng thành hơn."
Nhưng mà, tất cả mọi người đều không ngờ rằng, buổi tối đó hài tử kia liền chạy trốn khỏi Hoàng Cực quan, biến mất rồi.
Càng không ngờ tới chính là, sau lần xuống núi này, Thái Tử Tạ Liên mười bảy tuổi của Tiên Lạc quốc với sự đại bại của quỷ hồn vô danh ở cầu Nhất Niệm, cứ như vậy, trong sấm vang chớp giật mà phi thăng.
Tam giới náo động.
CHƯƠNG 69:
"Mở --"
Đi kèm với một tiếng hô hào hùng hậu, gấm vóc đỏ thẫm rơi xuống đất. Giữa hàng ngàn người, nhất thời bùng lên tiếng hoan hô ngút trời.
Đây là một pho tượng thần Thái tử bằng vàng ròng. Một tay cầm kiếm, một tay cầm hoa*, ví với "Vốn có năng lực diệt thế, không đánh mất lòng tiếc hoa". Đường nét gương mặt tượng thần dịu dàng, mắt ngọc mày ngài, nét môi mỹ lệ, khóe miệng khẽ nhếch, cười như không cười. Nói đa tình mà không ngả ngớn, nói vô tình cũng chẳng hững hờ, là một tướng mạo từ bi mà tuấn tú.
*Cầm hoa ở đây là chỉ dùng ngón cái và ngón trỏ để cầm nha, tương tự như vầy.
Đây là tòa điện Thái Tử thứ tám ngàn trong lãnh thổ nước Tiên Lạc.
Phi thăng ba năm, đất bằng dựng nên tám ngàn tòa điện thần. Sự ủng hộ nhiệt liệt vô tiền khoáng hậu như thế, tuyệt đối là tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả, độc nhất một phần.
*Tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả: Trước nay chưa từng có ai làm được.
Nhưng điện thờ thứ tám ngàn này, cũng không phải là tượng thần Thái tử nguy nga quý giá nhất. Trên núi Thái Thương, đỉnh núi nơi Thái tử điện hạ tu hành vào thuở thiếu thời, nay đã được đặt tên là "đỉnh Thái Tử". Chính tại nơi đó, cung Tiên Lạc thứ nhất được dựng nên. Sau khi pho tượng thần Thái tử đầu tiên được đúc xong, cũng chính tại nơi đó, quốc vương bệ hạ đích thân vén màn. Pho tượng thần Thái tử ấy cao đến năm trượng (16.5m), kỹ thuật điêu khắc sinh động như thật. Cả pho tượng chế tạo từ vàng ròng, chính là "thân vàng" hàng thật giá thật.
Trong cung Tiên Lạc, khách hành hương nườm nượp không ngớt, đạp phá bậc cửa. Đỉnh hương trước điện cắm chi chít nén dài nén ngắn, hòm công đức cũng to lớn bền chắc hơn hòm công đức trong những ngôi miếu bình thường, bởi vì nếu không làm lớn một chút, thông thường chưa đến một ngày đã bị ném đầy đồ cúng, người đến sau không bỏ vào được. Mới vừa vào quán, còn có một hồ nước sâu trong vắt cũng bị ném đầy tiền xu, lấp lóe ánh xanh dưới gợn sóng lăn tăn, mấy con rùa già trong hồ ngày nào cũng bị tiền của khách hành hương trên cầu đá nện cho rụt vào mai rùa không dám ló đầu ra, các đạo nhân khuyên can du khách thế nào cũng vô dụng. Phía trong tường đỏ cao rộng của đạo quán trồng đầy hoa mai, trên cành cây cột vô số dải băng cầu phúc rực đỏ. Băng đỏ tung bay theo gió giữa biển hoa, phồn hoa tựa gấm.
Còn trong đại điện, Tạ Liên ngồi ngay ngắn dưới tượng thần của mình, quan sát mọi người. Không ai trông thấy y, nhưng y lại có thể ngồi nhìn đám khách hành hương bên dưới nhao nhao bàn tán:
"Sao trong điện Thái Tử này không có đệm hương bồ dùng để quỳ lạy vậy?"
"Đúng rồi, quán chủ cũng nói không được quỳ, quán cũng mở rồi mà không được quỳ là sao?"
Có một người nói: "Các ngươi mới tới cung Tiên Lạc lần đầu tiên nhỉ, cung Tiên Lạc luôn là thế mà. Nghe nói sau khi phi thăng, Thái tử điện hạ báo mộng cho rất nhiều ông từ và quán chủ, nói người tin mình không cần quỳ. Vậy nên trong điện Thái Tử không có chỗ quỳ lạy."
Tuy rằng người khác chẳng hề nhìn thấy Tạ Liên, Tạ Liên vẫn gật gật đầu. Ngờ đâu, những người khác lại cười nói: "Đây là cái đạo lý gì? Thần tiên là để quỳ lạy kia mà? Tin nhảm à."
Tạ Liên nghẹn họng. Lại nghe có người phụ họa: "Đúng đó, quỳ thì nhất định phải quỳ. Quỳ mới tỏ ra thành tâm chứ!"
"Không có đệm hương bồ cũng chẳng sao, chúng ta quỳ dưới đất đi."
Thế là một người tiên phong quỳ xuống, ngay lập tức, hàng loạt người khắp bốn bề đều quỳ theo. Hàng trăm hàng ngàn người chen chúc trong điện ngoài điện, dập đầu bái lạy tượng thần hết lớp này đến lớp khác, miệng lẩm nhẩm đọc, âm thầm hứa nguyện cầu phúc. Tạ Liên lẳng lặng tránh ra, nghĩ bụng: "Thôi vậy, cứ từ từ mà tiến."
Giây tiếp theo, vô số ầm ĩ tiếng người hệt như sóng lớn từ bốn phương tám hướng ập về phía y.
"Cầu trúng tuyển khoa cử! Trúng tuyển khoa cử! Năm nay nhất định phải trúng tuyển khoa cử! Trúng rồi sẽ hoàn nguyện!"
*Hoàn nguyện: Người cầu xin thần phù hộ thực hiện những gì mình hứa với thần sau khi đạt được nguyện vọng.
"Lên đường bình an!"
"Cô nương mà ta để ý toàn để ý sư huynh của ta, xin ngài hãy làm cho huynh ấy xấu xí một chút, xin ngài đó."
"Con mẹ nó, ta không tin ta vẫn không sinh được một nhóc bụ bẫm!!!"
... Cầu gì cũng có, Tạ Liên nghe mà đầu to như cái đấu, vội vàng bắt quyết niệm chú, ngăn cách mọi âm thanh. Bên này tai y vừa yên tĩnh lại, chỉ nghe một tiếng kêu to, một người mặc áo đen hai tay bịt lỗ tai chạy ra từ sau điện, la toáng lên: "Cái quỷ gì thế này!!!"
Chúng khách hành hương hoàn toàn không phát hiện sự xuất hiện của người này, tiếp tục dập đầu bái lạy. Tạ Liên thở dài một hơi, vỗ vai người nọ, cười nói: "Phong Tín, cực thân ngươi rồi."
Cung Tiên Lạc nhang đèn dồi dào như vậy, lời cầu nguyện mà mỗi ngày Tạ Liên có thể nghe được nào chỉ hơn một ngàn. Ban đầu, y còn xông xáo nhờ vào tinh thần ham mới lạ, chẳng phân lớn nhỏ tự mình làm hết, về sau người cầu phúc thật sự quá nhiều, y bèn ném một phần cho Phong Tín và Mộ Tình. Những cái nào nằm trong phạm vi chức trách của y, những cái nào có thể bỏ qua, hai người xem qua một lượt, sau đó lọc ra cái nào cần chú trọng giao cho Tạ Liên.
Mộ Tình xem xong sẽ báo cáo cho y, trước giờ chưa từng phàn nàn câu nào, Phong Tín thì không tài nào hiểu nổi vì sao có người cứ thích cầu bậy bạ một tràng, ngay cả hòa hợp chuyện phòng the cũng đến cung Tiên Lạc để cầu. Tạ Liên là Võ Thần, làm sao quản loại chuyện đó được? Cứ như thế mãi, còn khiến cho những thần quan khác có ý kiến bất mãn, ngấm ngầm ám chỉ bọn họ không ị mà chiếm hầm cầu, quản không được còn muốn lôi kéo tín đồ qua, đúng là cạn lời mà. Tay bịt tai của Phong Tín lần lữa không chịu buông, dù rằng bịt tai thật ra chẳng có tác dụng gì. Hắn nói: "Điện hạ, sao huynh nhiều nữ tín đồ quá vậy!"
Tạ Liên lồng hai tay vào tay áo, ngồi trong khói mây lượn lờ, mỉm cười nói: "Nhiều nữ tín đồ không tốt sao? Mỹ nhân như mây, cảnh đẹp ý vui."
Phong Tín ra chiều sợ hãi: "Không tốt chút nào hết, nữ tín đồ hình như suốt ngày ngoại trừ cầu cho lớn lên xinh đẹp gả vào nhà lành sinh được con trai thì chẳng còn nguyện vọng nào khác, không ai đàng hoàng cả, ta thấy các nàng là đau đầu!"
Tạ Liên mỉm cười, đang định tiếp lời, đột nhiên, đoàn người náo loạn. Tạ Liên và Phong Tín nhìn ra ngoài điện, chỉ nghe có người hạ giọng nói: "Tiểu Kính Vương tới rồi, đi mau đi mau! Tiểu Kính Vương tới rồi!"
Vừa nghe ba chữ "Tiểu Kính Vương", mọi người cứ như nghe được "Đại Ma Vương", ai cũng sợ xanh mặt, hốt hoảng giải tán. Chỉ trong nháy mắt, hệt như có gió lốc thổi qua, khách hành hương vốn dĩ đang thăm viếng tượng thần tháo chạy gần hết. Lát sau, một thiếu niên áo gấm dáng vẻ cao quý thân khoác áo choàng, hai tay bê một ngọn đèn cúng* làm bằng ngọc lưu ly, bước qua bậc cửa, nghênh ngang tiến vào. Nếu không nhìn cặp mắt, dung mạo của thiếu niên này có ba bốn phần tương tự Tạ Liên, mà khi nhìn cặp mắt lại cảm thấy gã quá ngạo nghễ chói lóa, không phải Thích Dung thì còn ai?
*Bảo đăng: ý chỉ đèn dùng để cúng thần phật, hoặc đèn chạm trổ hoa lệ.
Bây giờ Thích Dung cũng tầm mười bảy mười tám tuổi, mặt mày nẩy nở, khí chất trầm lắng, cũng xem như có vài phần phong thái của nam tử quý tộc. Gã vào cửa, nhưng không cho phép thuộc hạ và tùy tùng vào theo, hai tay bê ngọn đèn, bước vào trong điện, vén áo choàng quỳ dưới mặt đất sạch sẽ, nâng đèn qua khỏi đỉnh đầu, nghiêm trạng lạy vài cái. Hai người trên bệ thờ đưa mắt nhìn nhau, Phong Tín chép miệng, Tạ Liên đọc hiểu vẻ bực mình trong mắt hắn.
Ba năm trước, lúc Tạ Liên rời khỏi hoàng thành ra ngoài du ngoạn, Thích Dung còn đang bị cấm túc, sau khi trở về, y còn chưa kịp gặp biểu đệ này một lần, tối đó đang say giấc nồng đã đùng đoàng phi thăng. Trong ba năm nay, Tạ Liên báo mộng không ít lần cho cha mẹ và quốc sư, cũng báo cho Thích Dung một lần, khuyên bảo Thích Dung từ nay về sau phải thiện chí giúp người, kiềm chế tính tình, không được càn quấy. Thế là Thích Dung hết sức tích cực đi khắp nơi tham gia xây dựng đạo quán miếu thờ, cúng đèn và quyên tặng công đức.
Tuy rằng gã làm rất gắng sức, vô cùng thành kính, nhưng vẫn thường xuyên gây chút rắc rối như cũ, nhiều lần Phong Tín phải xuống thu dọn tàn cuộc, vì vậy Tạ Liên cũng hiểu được tại sao Phong Tín bực mình.
Bên kia, Thích Dung bái xong, nói bằng giọng trách móc: "Thái tử biểu ca, đây là ngọn đèn thứ năm trăm mà ta cúng cho huynh, kẻ làm em này trung thành với huynh như thế, chừng nào huynh mới đến gặp ta đây? Báo mộng cho ta lần nữa cũng được mà. Dì dượng cũng nhớ huynh da diết, huynh lại chẳng buồn ngó ngàng đến chúng ta, đúng là cao ngạo lạnh lùng mà."
Thích Dung hoàn toàn không phát hiện Phong Tín đang đứng bên cạnh gã nhắc nhở Tạ Liên: "Huynh đừng bao giờ để ý đến gã. Đế Quân đã nói với huynh, nếu sự cố không nghiêm trọng thì thần quan tuyệt đối không thể tự lén lút hiển linh trước mặt người phàm. Họ hàng thân thuộc lại càng phải kiêng kỵ."
Tạ Liên nói: "Yên tâm, dĩ nhiên ta biết rồi."
Thích Dung nâng ngọn đèn đứng dậy, cầm lấy một cây bút, cúi đầu bắt đầu viết chữ lên đèn. Do lòng mang nỗi ám ảnh với Thích Dung, Tạ Liên và Phong Tín nhịn không được cùng nhích lại gần xem thử rốt cuộc gã viết cái gì, thấy chỉ là mấy lời bình thường như quốc thái dân an mưa thuận gió hoà này kia chứ không phải cầu mong ai đó bị chém cả nhà ở cổng chợ, hai người đều thở phào một hơi. Đến khi nhìn lại Thích Dung viết nắn nót từng nét từng chữ, Tạ Liên không khỏi nhớ đến một việc khác.
Hồi Thích Dung mới vừa theo mẹ về nhà, một lần nọ, có một đám vương công quý tộc kết bạn với nhau lên núi Thái Thương cầu phúc. Mẹ của Thích Dung bỏ trốn theo dân đen rồi chạy ngược trở về, cho nên không dám ra ngoài gặp người, nhưng vẫn muốn cầu phúc cho con trai, để nó có thêm kiến thức, không thể chui rúc một chỗ với mình suốt ngày rồi biến thành ếch ngồi đáy giếng được, vì vậy mới nhờ hoàng hậu dẫn Thích Dung theo.
Mặc dù đã cố hết sức ém xuống, nhưng chuyện bê bối của giới quý tộc bao giờ cũng truyền nhanh hơn mũi tên gắn cánh, trong hoàng thành làm gì có ai không biết chuyện của mẹ con Thích Dung? Bởi vậy, con em quý tộc thời đó đều tự giác gạt Thích Dung ra ngoài, không nói chuyện hay chơi đùa với gã. Tạ Liên thấy xích đu bèn chạy lên chơi, tất cả những đứa trẻ cùng tuổi đều chơi chung với y, thay phiên nhau giúp Thái tử điện hạ đẩy xích đu, còn lấy làm vinh hạnh. Lúc Tạ Liên đung đưa lên chỗ cao nhất, tình cờ cúi đầu nhìn thấy Thích Dung núp sau bóng mẫu hậu của mình, thò đầu ra ngửa mặt nhìn mình đầy hâm mộ.
Tới điện Thần Võ, những người lớn cúng đèn xong, trước tiên cùng các quốc sư đi xin xăm, giải xăm và trò chuyện, để lại một đám nhóc trong điện Thần Võ cúng đèn nhỏ chơi đùa. Lần đầu tiên gặp hoàng hậu, Thích Dung không biết hoàng hậu đã cúng giúp mẹ con mình một ngọn, thấy mấy ngọn đèn kia tinh xảo đẹp mắt nên cũng muốn cúng đèn cầu phúc. Thích Dung tuổi còn nhỏ chưa hiểu nhiều, đi khắp nơi hỏi người ta nên viết lời cầu phúc ước nguyện cho mẹ như thế nào. Mấy đứa nhóc cùng tộc với Thích Dung mọi khi ở nhà cũng rất ghét Thích Dung, chịu sự ảnh hưởng của trưởng bối nên cũng cảm thấy mẹ con bọn họ làm mất mặt nhà mình, thế là cố ý giở trò gạt Thích Dung. Tạ Liên tập trung tinh thần viết xong ngọn đèn của mình, vừa đặt bút xuống thì nghe có người ở sau lưng mình hi hi ha ha, cười một cách bất bình thường, ngoảnh đầu lại nhìn chỉ thấy Thích Dung tay dính đầy mực nước, ôm một ngọn đèn như báu vật, cười hớn hở chuẩn bị đem cúng. Mà trên ngọn đèn đó viết chín chữ xiêu vẹo, "Thích Dung mong sớm ngày quy thiên với mẹ".
Tạ Liên ném phăng ngọn đèn đó tại chỗ, nổi trận lôi đình.
Khi đó y cũng chưa lớn, nhưng lại dọa tất cả thiếu niên quý tộc sợ đến quỳ rạp dưới đất, không dám hó hé tiếng nào. Phát giận xong, Tạ Liên tự mình viết lại một ngọn đèn khác cho Thích Dung, không còn kẻ nào dám giở trò nữa. Sau đó xuống núi, y lại đi chơi xích đu. Lần này, Thích Dung chạy ra từ sau lưng hoàng hậu, chủ động đứng sau đẩy xích đu cho y. Thích Dung thấp hơn Tạ Liên, nhưng đẩy rất gắng sức, vẫn ở phía dưới ngửa mặt nhìn Tạ Liên, chỉ là ánh mắt từ hâm mộ đổi sang sùng bái. Sau đó nữa, Thích Dung biến thành cái đuôi của Tạ Liên, suốt ngày lắc lư bám theo sau "Thái tử biểu ca".
Phải thừa nhận rằng, Thích Dung của ngày trước vẫn được xem là một người khá bình thường, cũng không biết xảy ra chuyện gì mà càng ngày càng vặn vẹo. Có điều trong ba năm qua, người và việc mà Tạ Liên phải quan tâm nhiều vô kể, không có thời gian chú ý người xưa, cũng không biết gã có tiến bộ hay không.
Nghĩ đến đây, Thích Dung đã cúng đèn xong, chuẩn bị rời khỏi điện. Nào ngờ lùi một hồi lại đụng trúng một người phía sau. Thích Dung lảo đảo, đoạn xoay phắt người, chẳng buồn nhìn đã mắng ngay: "Cái quái gì thế? Ngươi mắt mù hay chết đứng rồi mà không biết tránh ra?"
Gã vừa mở miệng, Tạ Liên với Phong Tín cùng đỡ trán, nghĩ thầm: "Không thay đổi. Vẫn y như xưa!"
Có lẽ vì trước năm tuổi luôn sống chung với cha, khó tránh tiêm nhiễm thói chợ búa và tính tình cáu kỉnh của cha, cho dù sau này hoàng hậu kiên nhẫn dạy bảo Thích Dung cỡ nào, hễ mà gã kích động, nói theo lời của quốc sư, thì gã vẫn sẽ "lộ rõ nguyên hình". Chắn đường Thích Dung là một thanh niên áo quần rách rưới, tầm hai mươi bốn hai mươi lăm tuổi, vác một bọc hành lý thô sơ, đôi giày rơm gần như bị mài đến mất đế mất mép, lam lũ mỏi mệt. Có điều tuy thanh niên này sắc mặt tiều tụy, bờ môi khô nứt, xương gò má lõm xuống, nhưng ngũ quan lại hết sức đoan chính, gầy mà không yếu, ánh mắt sáng rỡ, hỏi: "Đây là đâu vậy?"
Thích Dung nói: "Đây là cung Tiên Lạc, điện Thái Tử!"
Người nọ lẩm bẩm: "Điện Thái Tử? Thái tử? Nơi này là hoàng cung thật sao?" Thấy tượng thần trong điện, bị vàng ròng thuần chất rọi cho sắc mặt nhuốm vàng, người nọ hỏi tiếp: "Đây là vàng ư?"
Thấy đạo quán này quá tráng lệ, người nọ ngỡ rằng điện thần là hoàng cung. Bên cạnh có kẻ hầu bước lên xua đuổi, nói: "Dĩ nhiên là vàng rồi. Điện Thái Tử là điện thần của Thái tử, không phải điện Thái Tử trong hoàng cung! Ngay cả đây là đâu cũng không biết, ngươi là dã nhân đến từ phương nào?"
Người nọ hỏi: "Vậy rốt cuộc hoàng cung nằm ở đâu?"
Thích Dung híp mắt nói: "Ngươi hỏi cái này làm gì?"
Đối phương nói một cách nghiêm túc: "Ta muốn đến hoàng cung gặp quốc vương. Ta có lời muốn nói với ngài ấy."
Thích Dung và mấy kẻ theo hầu đều bật cười, mặt lộ vẻ khinh miệt, nói: "Thứ dân quê đến từ nơi nào kia, ngươi muốn tới hoàng cung để làm gì? Lại còn gặp quốc vương nữa, ngươi nói gặp là cho ngươi gặp chắc? Tới hoàng cung rồi, chỉ sợ ngay cả cổng chính ngươi cũng không vào được."
Không hề suy suyển vì bị cười nhạo, người nọ nói: "Để ta thử xem. Biết đâu làm được."
Thích Dung cười ha ha: "Vậy ngươi thử đi." Nói đoạn nhấc tay lên, cố ý chỉ hướng ngược lại cho người nọ. Người nọ đáp: "Cảm ơn." Dứt lời vác bọc hành lý, xoay người đi ra ngoài quán. Lên đến cầu đá, bỗng nhiên dừng chân nhìn xuống. Xuyên qua nước hồ trong vắt, có thể thấy hàng lớp tiền xu lẳng lặng nằm dưới đáy hồ.
Thanh niên này trông như suy tư chốc lát, giây tiếp theo, hắn trèo qua lan can cầu đá, nhảy xuống dưới hồ.
Thân thủ của hắn vô cùng mạnh mẽ, sau khi nhảy xuống hồ, hắn khom lưng vớt hết vốc tiền này đến vốc tiền khác dưới đáy hồ, nhét vào trong ngực và bọc hành lý của mình. Bởi vì chưa từng thấy người nào ngay cả tiền của thần tiên cũng dám cướp, Tạ Liên và Phong Tín đều ngẩn ngơ. Thích Dung cũng sửng sốt, sau đó giận tím mặt, xông tới đập lan can quát to: "Mẹ kiếp! Ngươi làm cái gì đấy?! Mau kéo nó lên cho ta!!! Thật đúng là khốn kiếp!!!"
Vài kẻ hầu vội vã nhảy xuống nước kéo người nọ, ngờ đâu thanh niên này võ nghệ cao cường, tay đấm chân đá, thế mà chẳng ai làm gì được hắn. Thích Dung ở bên trên nhìn mà nổi cơn tam bành, cả đám đạo nhân trong quán cũng đành người bó tay. Thanh niên kia vớt một đống tiền nặng trịch, vác bọc hành lý chuẩn bị trèo lên bờ, nào ngờ đạp trúng rêu xanh, trượt chân một cái, ngã tõm xuống nước với tư thế ngửa mặt lên trời, bấy giờ đám kẻ hầu mới nhân cơ hội tóm cổ hắn, vặn tay đưa hắn lên bờ. Thích Dung nhấc chân đá ngay một cú, mắng: "Tiền này mà ngươi cũng dám cướp!"
Lúc Thích Dung nhấc chân, Phong Tín đứng sát bên cạnh, nắm chắc thời cơ tiện tay cản lại, vì vậy cú đá này tuy Thích Dung ra đòn hung bạo, nhưng thực tế đá vào người đối phương không đến nỗi nghiêm trọng. Mặc dù Thích Dung không thấy Phong Tín đứng bên cạnh phá rối, nhưng cũng phát hiện có chỗ nào là lạ, như thể bị quỷ đè chân, đá mạnh bảy tám cú đều có cảm giác đó, không khỏi có chút buồn bực. Chẳng biết có phải sặc nước không, thanh niên kia ho khù khụ vài tiếng, nói: "Tiền này đặt trong hồ cũng chỉ để đó, tại sao không thể cho ta lấy đi cứu người?"
Thích Dung đá chưa sướng chân, cuối cùng chán ngán hỏi: "Cứu người nào? Ngươi là ai? Từ đâu đến?"
Gã hỏi như vậy, đơn giản là vì muốn gán tội danh cho thanh niên này rồi nhốt vào đại lao, thế nhưng thanh niên lại là một người thật thà, đáp: "Ta tên Lang Anh, sống tại Vĩnh An, nơi đó gặp nạn hạn hán, không có nước nên hoa màu không mọc nổi, mọi người không có đồ ăn, không có tiền xài. Nơi này có nước uống, có đồ ăn, có tiền xài, dùng vàng đúc tượng, ném tiền xuống nước, cớ sao không thể chia một ít cho chúng ta?"
Vĩnh An là một tòa thành lớn trong biên giới nước Tiên Lạc, Tạ Liên đứng dậy, sắc mặt sa sầm, hỏi: "Phong Tín, gần đây bên Vĩnh An gặp nạn hạn hán à? Sao ta không nghe nói gì hết?"
Phong Tín quay đầu đáp: "Không biết, ta cũng chưa nghe nói bao giờ, lát nữa hỏi Mộ Tình xem sao?"
CHƯƠNG 70:
Tạ Liên nói: "Gọi cho Mộ Tình ngay."
Phong Tín khép ngón trỏ và ngón giữa tay phải, đặt lên huyệt thái dương, thông linh với Mộ Tình. Bên kia, Thích Dung mắng: "Ra là chạy đến từ cái xó Vĩnh An, đúng là núi nghèo nước độc sinh điêu dân. Bộ nghèo là được quyền cướp tiền của thần tiên à?"
Lang Anh nói: "Ta không có cướp. Bây giờ ta lạy thần tiên mà các ngươi thờ, ta quỳ gối dập đầu trước ngài ấy, cầu xin ngài ấy cho ta tiền cứu mạng người dân quê nhà ta, ngài ấy có cứu chúng ta không?"
Thích Dung nghẹn họng, nhủ thầm nếu như nói có, chắc không phải cái thằng này sẽ trèo lên từ lan can ôm tiền bỏ chạy như đúng lý hợp tình chứ? Vì vậy, gã nói: "Thái tử điện hạ là thần tiên, thần tiên đều bận tối tăm mặt mũi, ai mà rảnh để ý tới hạng điêu dân các ngươi!"
Nghe vậy, Lang Anh chậm rãi gật đầu, nói: "Ta cũng cho rằng sẽ không để ý. Đâu phải chúng ta chưa từng van lạy, chẳng phải từ đầu chí cuối đều vô dụng sao? Nên chết vẫn chết thôi."
Lòng Tạ Liên chấn động, một đạo nhân quát lên: "Cái kẻ này, dám nói lời bất kính như thế trong điện thần, không sợ thiên nhân giáng tội sao!"
Lang Anh lại nói: "Chẳng sao cả. Giáng thì giáng đi. Đã không sợ ngài ấy không cứu, còn sợ ngài ấy giáng tội sao?"
Thích Dung phất tay, một đám kẻ hầu chờ chực đã lâu đua nhau xông lên, vây quanh thanh niên kia tay đấm chân đá. Phong Tín ở bên trong tận dụng mọi điều kiện có thể, tiêu trừ độ lực đấm đá của bọn chúng, vì thế tuy Lang Anh trông như bị đè xuống hành hung, nhưng mặt mũi lại ngớ ra, không tránh không né, chỉ thỉnh thoảng nâng tay che bọc hành lý trên lưng mình. Thích Dung thì cầm một nắm hạt dưa, vừa cắn vừa rung đùi, quát: "Đánh, đánh mạnh vào cho bản vương!" Đúng là rặt một bộ kẻ gian ác. Nghe gã tự xưng, Lang Anh bỗng dưng ngẩng đầu lên, hỏi: "Ngươi là vương? Vương gì cơ? Ngươi sống trong hoàng cung sao? Ngươi gặp được quốc vương sao?"
Thích Dung thuận miệng phun một cái: "Ta là ông nội của ngươi đấy! Ngươi còn trông mong được gặp quốc vương bệ hạ à? Bệ hạ ngày bận ngàn việc, ai mà rảnh để ý tới ngươi."
Lang Anh lắc lắc cổ, ngoan cường hỏi: "Tại sao không rảnh để ý tới ta? Thần tiên không rảnh để ý tới ta, bệ hạ cũng không rảnh để ý tới ta, vậy cuối cùng ai rảnh để ý tới ta đây? Rốt cuộc ta nên đi tìm ai? Quốc vương có biết bên Vĩnh An đã chết rất nhiều người không? Người trong hoàng thành có biết không? Nếu biết thì tại sao thà ném tiền xuống nước cũng không muốn cho chúng ta?"
Thích Dung cười sằng sặc: "Tiền của bọn ta, thích tiêu thế nào thì tiêu thế nấy, cho dù chơi lia đồng xu trên mặt nước cũng chẳng mắc mớ gì đến người khác, dựa vào đâu phải chia cho các ngươi? Ngươi nghèo thì ngươi có lý à?"
Tuy rằng lời trên cũng có lý lẽ nhất định của nó, nhưng nói vào lúc này thật sự không phù hợp cho lắm. Tạ Liên đang định nghĩ cách bịt miệng Thích Dung lại, ngay lúc đó, một thiếu niên áo đen vội vã vòng ra từ sau điện, hỏi: "Điện hạ cho gọi ta có chuyện gì?"
Tạ Liên ngoắc tay, nói: "Mộ Tình mau tới đây. Mấy ngày nay trong số những lời cầu nguyện ngươi nhận được, có nghe về tin tức Vĩnh An gặp nạn hạn hán không?"
Mộ Tình cũng sửng sốt: "Không có nghe nói."
Phong Tín buột miệng thốt ra trong lúc cấp bách: "Làm sao không có được? Dân chạy nạn bên kia trốn đến đây luôn rồi!"
Giọng điệu của Phong Tín quá chắc chắn, khiến cho sắc mặt Mộ Tình hơi đanh lại, gượng gạo nói: "Ta nói đúng sự thật thôi, đích xác là không có. Chẳng lẽ ý của ngươi là ta cố tình biết mà không báo? Vậy ngươi có nhận được không? Nếu thật sự có người Vĩnh An khẩn cầu giải hạn, điện Thái Tử là tháng lẻ do ta phụ trách, tháng chẵn do ngươi phụ trách, chắc không đến mức toàn bộ lời cầu phúc liên quan đến nạn hạn hán đều tập hợp vào tháng lẻ đâu nhỉ, nên ngươi cũng chẳng biết tẹo nào hết."
Phong Tín ngẩn ra, ngẫm lại đúng là có lý, bèn nói: "Ta đâu có nói ngươi cố tình. Ngươi nghĩ nhiều quá rồi."
Nghe như bọn họ lại sắp bắt đầu cãi cọ, Tạ Liên đau đầu làm dấu "tạm dừng", nói: "Được rồi, Phong Tín không có ý đó đâu. Ngừng ngay đi."
Hai người lập tức ngậm miệng không tranh cãi nữa. Đúng lúc Thích Dung nhìn thuộc hạ đánh Lang Anh rốt cuộc cũng phát ngán, gã vớ cái túi nhỏ đựng vỏ hạt dưa, nói: "Lôi thằng trộm cắp này vào đại lao nhốt đi." Đám người hầu đáp: "Tuân lệnh!" Sau đó vài kẻ nhấc Lang Anh lên.
Tạ Liên nói: "Giải quyết vấn đề hiện tại trước đã, cứu người này ra, rồi ta sẽ hỏi kỹ hắn về chuyện của Vĩnh An."
Sắc mặt dịu lại, Mộ Tình dè dặt đáp: "Điện hạ muốn giải quyết thế nào? Huynh không thể tùy tiện hiển linh được."
Sau khi phi thăng, quy tắc mà Tạ Liên không tài nào hiểu được chính là cái này. Bảo rằng thần quan phải cứu rỗi chúng sinh, thế mà cứ khăng khăng muốn ra vẻ ta đây, ngự trị trên chúng sinh, không được tùy tiện hiển linh, khiến cho y thường xuyên khoanh tay bó gối, phiền muộn vô cùng. May là Tạ Liên cũng có không ít cách đối phó, y không nghĩ ngợi gì, cũng chẳng buồn ngoảnh đầu, đưa tay đẩy một cái. Phát hiện cái bóng trên mặt đất thoáng lắc lư, đám người phía trước ngờ vực xoay người lại. Giây tiếp theo, Thích Dung kêu thảm thiết: "Thái tử biểu ca --"
Cái đẩy này, Tạ Liên thế mà lại đẩy ngã tượng thần của mình!
Pho tượng vàng cầm kiếm cầm hoa tao nhã tuấn tú như nghiêng mà không nghiêng, từ từ ngả sang một bên. Sắc mặt Thích Dung trông tan nát ruột gan cứ như nhìn thấy mẹ mình thắt cổ đá ghế, chẳng còn hơi sức để ý Lang Anh, chạy ào qua ôm chặt đùi tượng thần, ngoan cường chống đỡ, gào khản cổ: "Lũ vô dụng các ngươi còn chờ gì nữa! Mau giúp ta đỡ huynh ấy! Đừng để Thái tử biểu ca ngã!! Huynh ấy không thể ngã được!!!"
Thích Dung thì đau xé ruột, còn Tạ Liên lại bình chân như vại đi lướt qua người gã, bước ra khỏi điện Thái Tử, mặt của Phong Tín và Mộ Tình muốn nứt cả ra. Hồi lâu sau, Phong Tín mới nói: "Điện hạ! Đây là tượng thần của huynh đó!"
Chuyện ngã tượng này là điềm xấu, ít nhiều cũng sẽ kiêng kỵ phần nào. Thần quan tự đẩy ngã tượng thần của mình như thế, đúng là mới nghe lần đầu, chuyện lạ ba giới. Tạ Liên nói: "Một cục vàng to thôi mà, không làm vậy sao dời lực chú ý của bọn chúng được. Các ngươi đè tượng vàng đó đi, đừng để bọn chúng thoát ra được, ta sẽ đi gặp người kia."
Dù rằng không nói tiếng nào, nhưng Phong Tín và Mộ Tình chỉ có thể nghe lệnh, mỗi người đứng cạnh tượng thần duỗi một ngón tay đè tượng. Bọn họ chỉ cần ra nhiêu đó sức là đủ, mấy người kia dốc hết sức bình sinh mà cũng không nâng lên nổi, chỉ còn cách miễn cưỡng cầm cự, nghiến răng nghiến lợi nói: "... Không hổ là vàng thật, đủ cân lượng phết!"
Thấy cả đám người chẳng để ý đến mình nữa, Lang Anh ngã ngồi bên ngoài nhìn chằm chằm tượng thần lấp lánh ánh vàng kia hồi lâu, cuối cùng vẫn đứng dậy, phủi phủi bụi trên người, vác bọc hành lý chạy ra ngoài. Tạ Liên đi theo sau hắn, chờ hắn chạy tuốt ra xa, chui vào một rừng cây rậm rạp xanh tươi, dáo dác nhìn quanh, sau cùng mới ngồi nghỉ dưới một gốc cây. Tạ Liên thì núp ở sau cây, tiện tay bắt quyết niệm chú, biến thành một tiểu đạo sĩ áo trắng.
Biến hình xong, Tạ Liên nhìn mình từ trên xuống dưới, sau khi xác định không có sơ hở, y vung phất trần một cái, đang nghĩ xem xuất hiện kiểu nào mới không đột ngột thì thấy Lang Anh ngồi chồm hổm bên một vũng nước cạnh gốc cây, miệt mài dùng hai tay đào một cái hố dưới đất.
"......"
Đôi tay của thanh niên này rất thô to, một bàn tay xúc xuống, đã rộng mà còn sâu, đào cho bùn đất văng tung tóe, hệt như một con sói đen gầy gò. Tạ Liên đang kinh ngạc với việc tự dưng Lang Anh lại đào hố, chỉ thấy hắn chùi bùn đất lên quần, đoạn dùng tay múc một vốc nước trong vũng nước, đưa đến bên miệng.
Thấy thế, Tạ Liên không trốn được nữa, vội vã bước ra chặn tay hắn lại, lấy một bình nước từ túi càn khôn trong tay áo, đưa cho hắn.
Lang Anh đã ngậm một ngụm nước múc từ vũng nước, đang phồng má nuốt xuống, thấy tiểu đạo sĩ này thình lình xuất hiện cũng chẳng lấy làm lạ, hơn nữa cũng không chối từ, nhận bình tu ừng ực một hơi cạn sạch, uống xong mới nói: "Cảm ơn."
Nếu đã đột ngột xuất hiện, Tạ Liên cũng không chú trọng lời dạo đầu tự nhiên gì nữa. Y cố gắng vẫy phất trần sao cho trông đáng tin cậy và đầy cốt cách tiên nhân, nói: "Anh bạn này, ngươi từ đâu đến, muốn đi nơi nào?"
Lang Anh đáp: "Chúng ta đến từ Lang Nhi Loan của thành Vĩnh An, lẽ ra muốn đến hoàng cung. Bây giờ ta đổi ý rồi, không đi nữa."
Tạ Liên sửng sốt, hỏi: "Chúng ta?"
Lang Anh gật đầu: "Chúng ta. Ta, và con ta."
Tạ Liên càng bối rối hơn, trong lòng lại thoáng thấy ớn lạnh. Chỉ thấy Lang Anh tháo bọc hành lý trên lưng xuống, mở ra, nói: "Con ta."
Thứ được quấn trong bọc hành lý trên lưng hắn, thế mà lại là thi thể của một đứa con nít!!!
Thân hình của đứa bé cực nhỏ, xem ra chưa đầy hai ba tuổi, mặt mũi vàng vọt, đôi má lõm xuống, vài sợi lông tơ vàng nhạt lưa thưa trước trán, ngoài ra còn nổi một ít rôm sảy. Gương mặt nhỏ nhắn của nó nhíu thành một biểu cảm kỳ quặc, trông như sắp khóc tới nơi, khó chịu tột cùng. Hai mắt đã nhắm lại, nhưng miệng vẫn còn há, tiếc rằng không phát ra được tiếng nào nữa.
Con ngươi của Tạ Liên chợt co rút, cõi lòng bàng hoàng, thốt không nên lời. Thảo nào y cứ cảm thấy thái độ của thanh niên này có gì đó không ổn, không nói được kỳ quặc chỗ nào, chỉ cảm thấy không giống người bình thường. Nói năng, hành động, như thể hoàn toàn không suy xét đến hậu quả, xông ngang đánh thẳng, bất chấp ngọn ngành. Bây giờ xem ra, người này làm gì còn hậu quả nào cần suy xét nữa?
Cho Tạ Liên xem con trai xong, Lang Anh bọc con lại, cẩn thận nhét góc bọc. Nhìn nét mặt và động tác chuyên tâm của hắn, trong lòng Tạ Liên khó chịu khôn tả. Đây là lần đầu tiên y nhìn thấy thi thể của đứa trẻ nhỏ như thế, lắp bắp hỏi: "Ngươi... con của ngươi chết như thế nào?"
Lang Anh vác bọc hành lý trên lưng, ngơ ngác nói: "Chết thế nào hả... ta cũng không biết chết thế nào nữa. Vừa khát, vừa đói, vừa bệnh, hình như cái nào cũng có một chút."
Hắn gãi gãi đầu, nói: "Lúc vừa cõng ra khỏi Vĩnh An, nó còn ho được vài tiếng, ở đằng sau kêu ta cha ơi cha ơi. Dần dà nó không lên tiếng nữa, chỉ ho khù khụ thôi. Rồi sau đó, ngay cả ho cũng không có, ta còn tưởng nó đang ngủ. Đến khi tìm được đồ ăn, lúc định gọi nó dậy, nó chẳng dậy nổi nữa."
Không ngờ đứa bé này lại chết trên đường chạy nạn.
Lang Anh lắc đầu, nói: "Ta không biết chăm sóc trẻ con. Nếu vợ ta biết con trai đã chết chắc sẽ mắng ta té tát cho mà xem."
Im lặng một hồi, hắn nói tiếp: "Ta ước gì vợ ta còn có thể mắng ta."
Ánh mắt của hắn từ đầu chí cuối vẫn bình thản như thường, tựa như một khúc cây chết rũ, một đầm nước tối mịt, không dậy nổi chút sức sống và gợn sóng. Cổ họng Tạ Liên sít chặt, hồi lâu sau mới khẽ mở miệng: "Ngươi... ngươi... chôn đi."
Lang Anh gật đầu: "Ừ. Ta muốn chọn nơi tốt một chút, nơi này không tệ, có cây chắn ánh nắng, còn có nước nữa. Chôn xong ta sẽ quay về. Cảm ơn nước của ngươi."
Hắn ho khan vài tiếng, đoạn cúi người tiếp tục dùng tay đào hố. Tạ Liên lại lầm bầm: "Không. Ngươi đừng nói cảm ơn ta... đừng nói cảm ơn ta, đừng nói."
Bấy giờ, Phong Tín và Mộ Tình cũng chạy tới, thấy bên này một người đào hố một người đờ đẫn thì ù ù cạc cạc. Tạ Liên chẳng còn tâm trạng nói nhiều, ngơ ngác lặp lại vài câu, nửa ngày sau mới sực nhớ, chỉ cho nước là chưa đủ, người này còn phải về Vĩnh An, thế là y bèn thò tay vào tay áo, mò mẫm hồi lâu, cuối cùng móc ra một thứ, đưa cho đối phương: "Ngươi lấy cái này đi."
Lang Anh dừng động tác, nhìn kỹ thứ trong tay Tạ Liên. Đó là viên ngọc đỏ thẫm lớn chưa bằng móng tay, màu sắc trong suốt, sáng bóng lấp lánh, đẹp đến động lòng. Dẫu cho không biết đây là cái gì, chỉ cần nhìn một cái cũng hiểu vật nhỏ này chắc chắn giá trị liên thành.
Đây chính là bên khuyên tai còn lại trong đôi khuyên tai ngọc san hô đỏ mà Tạ Liên đeo vào buổi diễu hành Thượng Nguyên tế trời ba năm trước. Mộ Tình cũng xem như có ấn tượng sâu sắc với viên ngọc này, vừa thấy nó là thay đổi sắc mặt. Lang Anh cũng không chối từ, như đã mất sạch lễ tiết và đắn đo mà người bình thường nên có, hắn đưa tay nhận ngay, nói: "Cảm ơn."
Lang Anh cẩn thận cất viên ngọc vào trong đai lưng, đoạn tháo bọc hành lý trên lưng, nhẹ nhàng thả xuống hố, nói: "Cha sẽ quay về gặp con ngay."
Nói xong, hắn trịnh trọng dùng tay vun đất phủ lên bọc vải. Tạ Liên đỡ trán, nhắm nghiền mắt. Qua một hồi nữa, hắn bước nhanh đi mất, Phong Tín ngạc nhiên hỏi: "Điện hạ, hắn chôn thứ gì thế? Hắn nói 'cha'? Này là chôn người sao?"
Mộ Tình thì lại quan tâm chuyện khác, nói: "Điện hạ, ta mới vừa đi điều tra, làm rõ sự việc rồi. Bên Vĩnh An vốn dĩ đã không giàu có, cung quán miếu thờ xây rất ít, chưa kể hình như đạo quán bên kia có nơi quy định rằng, người không thờ phụng thì không được vào cung quán thăm viếng, vì thế vào được điện Thái Tử toàn là người giàu có, còn người nghèo gặp nạn căn bản không vào được..."
Tạ Liên không trả lời, trầm giọng nói: "Các ngươi, đến Vĩnh An xem tình hình. Ta, đến gặp quốc sư, hỏi cho ra lẽ rốt cuộc là chuyện thế nào."
Từ trước đến nay sắc mặt y chưa bao giờ khó coi như thế, hai người hầu không dám sơ suất, đồng thanh đáp lời, lập tức xuất phát. Tạ Liên thì xoay người lao nhanh về phía núi Thái Thương.
Xem ra tình hình thiên tai ở Vĩnh An, e rằng chỉ lớn chứ không nhỏ. Nhưng mà, cho dù y không nghe được tiếng cầu phúc, bên hoàng cung không thể nào không biết!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top