ĐIỀU SÓT LẠI

Vậy là An "đá" tôi, bỏ tôi lại một mình trong căn trọ sau một năm sống thử hòa hợp. Vậy là tôi trở thành đứa hư đốn và bi lụy, là cái mầm vừa đen vừa ác cho xóm sinh viên và cho cả dòng họ tôi. Nhưng tôi có dòng họ gì đâu? Tôi bị chối từ kể từ hồi chưa chui ra khỏi bụng mẹ kìa, cũng bởi vì má tôi tái giá... Tôi chưa từng đòi hỏi ba tôi sống thêm mấy bữa hay má tôi nặng tình thêm mấy năm, mà người đời cứ đòi hỏi tôi cái xuất thân đủ đầy và cái danh con dòng con dõi.

Nhưng tôi xưa nay có dòng dõi gì đâu? Nên bấy giờ tôi mới đơn thương độc mã trước miệng lưỡi người tôi ngỡ là chồng, và hai ông bà mà tôi kính yêu như thể ba mẹ ruột.

Ngày tôi rời thành thị về quê ăn Tết là một ngày âm u lộng gió. Ngồi xuồng, luồn qua mấy con lạch tối mù, lòng thòng tán dừa nước để về nhà, mấy bận tôi muốn "phóng" xuống nước cho thôi tức. Tức gì thì lâu nay tôi không còn đủ tỉnh táo để biết nữa. Vậy mà mấy tấm ván xuồng tự nhiên mọc chông ghìm chặt chân tôi lại. Tôi đành ngồi yên với bầy muỗi, với gió lạnh và với ý nghĩ quyên sinh chưa bao giờ thôi lởn vởn trong đầu. Thoảng sau, khi ánh đèn tù mù đằng xa chấp chới trong mắt, tôi mới giật mình, siết cái ba lô con trong tay.

Xuồng đi từ bóng tối ra ánh sáng như người ta sực tỉnh cơn mê. Tôi vừa theo chân con Đình lên bờ vừa ước thầm, giá mà mình cũng sang được bên kia cái dốc bấp bênh mê - tỉnh như thế; cho dẫu bên kia toàn là sương mù, chí ít tôi vẫn biết mình đang trong tình trạng nào. Chứ như bây giờ thì không. Tôi còn chẳng hay mình có đang tồn tại hay không, hay vốn là huyễn tưởng của một đầu óc bị trần gian đày đọa nào.

Tiếng má kêu tôi bên tai vời vợi, vời vợi như tiếng cầu hồn, hồn tôi cũng theo đó mà "xuất ra". Khắc cuối cùng trước khi mê man, tôi nhớ mình lấy hết sức níu tay con Đình - đứa em cùng mẹ khác cha mà tôi không ưa gì mấy - rồi lăn ra bất tỉnh.

...

Ở thành phố ngót hai năm, tôi quen với việc vừa mở mắt đã thấy bóng đèn cà na lập lòe ánh đỏ trên bàn thờ ông Táo đằng bếp. Lần này tỉnh lại dưới ánh đèn nê - ông chói lóa, tôi thót mình bật dậy, và phải mất tầm mấy chục giây để trấn tĩnh. Cái đầu đen nhánh gục gặc bên giường hình như cũng bị hoảng lây, ngẩng phắt nhìn tôi chăm chú. Là con Đình. Nó liếc tôi rồi lật đật đi kêu với má, chứ không ở lại thêm một giây nào.

Biết là nhà mình rồi nhưng tôi không tài nào nằm xuống được mà bồn chồn như đứa con nít mắc lỗi, chờ bị người lớn hỏi tội. Hay nặng hơn, là hạch sách.

Tôi lớn lên trong lời bàn tán và chì chiết của cả họ nội con Đình lẫn họ ngoại tôi, nên bấy lâu tôi tưởng mình không còn buồn tủi. Vậy mà lần này về quê, mang trên người thêm một vết dơ, tôi lại sợ bị người ta hỏi tội. Người ta đó có thể là má tôi lắm chứ! Còn tội, có lẽ một người ta khác sẽ luận tội tôi từ cái thuở má đương chửa đẻ, kèm theo đó là cái tội mất sớm của ba tôi nữa kia. Toàn là những cái tội khiến tôi muốn biến mất khỏi cõi đời.

Ôm gối ngồi một hồi, độ năm phút sau tôi mới nghe tiếng đẩy cửa bước vào. Má bê trên tay cái mâm con vừa tô vừa ly vừa muỗng. Cái muỗng nhôm trượt qua lại trên mâm kêu rổn rảng, phá tan bầu không khí căng chùng, gượng gạo. Ví mà không có cái muỗng, tôi áng chừng má hoặc tôi sẽ là người làm ra âm thanh rổn rảng đó. Hoặc là tôi giãy tử khóc lóc rơi vỡ đồ đạc, hoặc là má giận tôi quá nên ném đồ cho hả dạ...

Nhưng không. Những mường tượng kỳ dị oái oăm khác xa tình mẫu tử vốn dĩ trong đầu tôi chỉ biết chơ vơ trong đầu cho đến khi tôi húp xong tô cháo và nuốt vội liều thuốc tây đắng nghét. Đột nhiên, má ôm tôi khóc rấm rứt, nước mắt ướt cả vai áo hai má con. Còn tôi, tôi không tài nào khóc theo được. Từ dạo nào đó hồi chưa đầy mười tuổi tôi đã khô nước mắt, kể cả lúc An xách giỏ đi khỏi phòng trọ tôi cũng chỉ ngồi thừ ra nhìn theo.

Tiếng quạt máy quay kêu ro ro. Tôi như nghe rõ tiếng cánh quạt chầm chậm cắt không khí rồi chém đôi hạt bụi. Tai nghe mà thịt da ran rát, sống lưng rờn rợn. Lòng tôi tĩnh lặng lạ kỳ, dù tôi đã bắt đầu vòng tay ôm lại má như thể an ủi.

Má, má đang khóc vì thương quãng đường con đã đi qua hay khóc cho ngày tháng của con sau này? Má khóc cho vết tù đày của quá khứ trên thân con, hay cho lời kết tội từ người đời mà con sắp nhận vào ngày mai? Hay là đơn giản hơn, má khóc vì tội nghiệp thân má?

Nước mắt má xuôi thành dòng, như con sông trôi vào cái ao tù đọng dưới đáy vực. Đêm đó tôi nằm mơ ba dẫn tôi đi câu cá ở cái ao nước mắt. Thấy mình câu lên toàn những mảng nhầy nhụa, đỏ tươi như thịt sống, tôi cuống quýt hỏi ba phải làm sao. Ba tôi trầm ngâm trong làn khói không phải khói thuốc, rồi bất thần, ông nhảy ùm xuống ao. Nước ao đục ngầu bắt đầu loang loáng màu đỏ. Không lâu sau, tôi nối chân ba nhảy vào vùng oan nghiệt đó.

...

Ngày ở quê trôi chậm hơn trên phố thị, nên dù về hồi hôm hai mươi bốn Tết tôi cũng ngóng hoài mà không thấy ba mươi hay mùng một đến. Người ta tất bật, tôi thì lùi lũi. Chẳng ai cho tôi mó tay đến việc gì, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ quặc. Việc tôi ăn nằm rồi bị An bỏ lúc sắp cưới cũng chẳng ai đả động đến. Thay vì cười mình mấy hôm nay lo xa, tôi lại bắt đầu lo xa hơn. Lẽ nào người ta định đến mùng một, bà con tề tựu đông đủ mới phanh phui ra cho má con tôi bẽ mặt?

Chắc mẩm như vậy rồi tôi không còn thiết tha quanh quẩn trong nhà nữa mà quá giang xuồng ra đình thần giải khuây. Người chèo xuồng là một cậu trai da ngăm, gương mặt và sức vóc nhuốm mùi sông nước. Đương đi bẻ hoa sen về cúng, thấy tôi ngồi thẫn thờ ở nhà sau, cậu ta nảy ý rủ đi cùng. Tôi nghĩ một hồi rồi liều mình "ừ" đại, leo tót xuống xuồng bỏ mặc cái ao đầy máu trong suy tưởng dở dang.

Dọc đường, cậu ta nhận mình tên Dương, thua tôi một tuổi. Dương theo ba má đi lập nghiệp bấy lâu, một năm nay mới về quê. Hèn chi mà tôi thấy mặt mũi cậu ta lạ hoắc. Tôi qua loa gợi chuyện, hỏi Dương học ở đâu. Cậu ta bẽn lẽn cười, nói mình thôi học từ hồi mới về lận. Từ đó đến nay cậu ta chỉ giữ đình thần với ông ngoại mình, và có lẽ sau này cũng thế.

Tôi ngóng sông, nửa hời hợt nửa thật bụng nói:

- Rồi mai mốt ba má hối cưới vợ, Dương cũng phải "sắm" cho mình một cái nghề ngoài việc giữ đình à.

Tự nhiên, Dương im bặt. Trên dòng chỉ còn tiếng dầm khua bì bõm và tiếng gió sượt nhẹ bên tai. Tôi dời mắt nhìn Dương, thấy cậu ta mím môi, mặt rười rượi buồn như muốn khóc. Não nề vậy đó mà một giây sau Dương đã ráo hoảnh, mắt cậu ta nheo lại nửa vì cười nửa bởi nắng trên sông.

- Ba má em đi hồi năm ngoái rồi, gặp tai nạn xe nên hai ông bà đi một lượt... - Dương ngập ngừng - Rồi ngoại kêu em về quê vì em không có nghề. Em thấy hai ông cháu không có tiền nên tự ý xin trường nghỉ học, ở đây coi sổ sách trong đình với ngoại luôn. Hổm rày nghe ngoại kêu, em kiếm bông, bánh trái bán bên hông cửa đình cho người ta mua vô cúng.

Tôi không dám nhìn Dương mà lảng mắt vào đám cây điên điển vàng xanh, còm cõi mọc lan ra từ bờ, hỏi nhỏ:

- Rồi, buôn bán làm sao?

- Cũng được. Bán thì không mắc không rẻ, nhưng chắc thuận đường nên người ta mua giúp hộ.

- Hà, chắc tại Dương có "dang" mua bán nữa.

- "Dang" gì đâu. - Dương ngài ngại gãi đầu - Thí dụ có "dang" thiệt thì phải bán rồi mới biết là có, mới mừng. Còn bằng em ở không thì có "dang" cũng có ích gì.

Tay Dương vẫn khua nước miệt mài, nửa lưng trên nhoài tới nhoài lui như tấm màn che treo đòng đưa trên thanh đòn là bờ vai rắn rỏi. Tôi nhìn Dương, bắt đầu mường tượng khác đi về cậu ta. Tôi nghĩ, ở cậu ta phải còn một cái gì hơn là chàng trai trẻ đơn thuần, nguyện chôn chân ở rẻo đất hẻo lánh này.

Nhưng rồi sự tò mò về cậu con trai mới quen không át nổi cái ao máu dở dang trong đầu. Sông sâu nước cả, sóng dập dờn hai bên mạn xuồng thoắt uốn, thoắt gập bóng tôi thành những dáng hình kỳ lạ. Dưới con nước chừng như yên ả, tôi thấy An, thấy cả ba mẹ và cô dì chú bác của An, thấy mồn một từng ánh mắt săm soi tát lên người tôi của dòng họ nọ.

Trong bữa tiệc, có những món nằm sẵn dưới bếp, chỉ chờ đến giờ chiêu đãi mà mang lên bàn ăn. Trong cốt cách của con người, có những thứ ngấm sâu từ kiếp nào nhưng phải đúng thời cơ người ta mới biết vốn mình tròn dẹt ra sao. Tôi rùng mình. Lẽ nào cốt cách của tấm thân này vốn như dòng họ nhà An chê bai: dễ dãi, buông thả, hoang đàng và thậm chí, là... đĩ thõa? Nên tôi mới vội vàng yêu vội vàng tin một người, vội vàng trao danh dự một đời cho người ta, để rồi bị hắt hủi, rẻ khinh cũng vội vàng y như thế?

An. An là duyên, là kiếp của tôi. Chính bởi An mà bao nhiêu người quanh tôi và cả tôi, vỡ lẽ ra cái cốt cách rẻ mạt không ai dung thứ đó. Hay là từ hồi bập bẹ, đón những ánh mắt quái dị, nửa xót nửa khinh của người bên nhà cha dượng tôi đã nên hiểu "mình là thứ gì". Cũng có khi tôi không là thứ gì cả. Cho dẫu tôi cố trốn tránh những ánh mắt định danh định tội nọ, tôi vẫn không nên là "thứ gì" trên đời.

Tôi co ro ôm mình, bàng hoàng ngó nhìn vùng trước mặt. Xanh, mơ màng xanh, bạt ngàn xanh. Gió sông nồng tanh lạnh ngắt cũng chịu thua cái lạnh đến hững hờ vì bóng râm của hồ sen ngan ngát lá. Xuồng len lỏi giữa những lá cao lá thấp, lướt bên má là một đài hoa to che khuất cả mặt trời. Dương cố lách xuồng, lựa tới lựa lui thật kỹ rồi mới hái, không thèm thưởng thức mùa hoa cuối năm. Tôi thì ngơ ngẩn từ hồi nào... Cả hai im lặng, hồ sen cũng im lặng. Đất trời dường như nhạt nhòa, câm nín vì chợt nhận ra mọi sự tồn tại trên đời đều có thể vô danh vô nghĩa.

Từ sáng đến chiều hôm đó một mình tôi rong chơi. Sân đình, điện thờ, hồ ao phía sau, chưa nơi nào tôi chưa thăm qua, và cả mái nhà kho cũng không bị bỏ sót. Mấy ngày sau tôi cứ y vậy mà tiến. Đi cùng Dương, câu được câu chăng trò chuyện, vào đình thắp nhang, trèo lên nóc nhà kho ngửi mùi nhang thoảng lên, chập chờn ngủ bù cho mấy đêm liền mất ngủ.

Chiều hai mươi tám, Dương rủ tôi ở lại gói bánh tét; mà nhà tôi phải đến hai mươi chín mới gói bánh nên tôi gật đầu không tư lự. Ngày đó tôi nằm miết trên mái nhà kho, định bụng khi nào cô dì trong xóm lên đình nhóm lửa mới xuống phụ. Vậy mà chưa kịp trèo xuống tôi đã quay ngoắt đi, không xuống nữa. Tôi lại thiu thiu ngủ trong lời xì xầm không rõ chữ, chở chúng theo vào trong mơ.

Trong cái giấc hồi xa lắc nào tôi cũng mơ y hệt như bây giờ: người tôi bị treo trên cột cao, trước mặt là đám đông, sau lưng là biển thẫm. Tôi nín thinh nghe người ta đọc to sớ kết tội, từ tội đời ba, đời má của ba má cho đến đời tôi. Lần trước tôi không nghe rõ mình tội gì, còn lần này, giọng đàn bà eo éo như dao chọc khoáy trong tai. Tôi nghe người ta bàn về nết na của mình, rằng còn gì nữa đâu mà dám vác mặt đi cùng làng cuối xóm. Người ta nói, đáng lẽ ra tôi nên trốn trong nhà. Một giọng đàn bà khác đanh hơn, ác ý đồn tôi muốn dụ dỗ Dương để cậu ta cứu vớt cuộc đời lầm lỗi. Vì đâu? Vì Dương hiền hậu hay vì tánh tình tôi sẵn như thế? Rồi người ta bàn về đôi mắt. Đàn bà ai đời lại mắt lá răm, nhìn có khác gì bọn ăn chơi đàng điếm.

"- Nó kè kè theo dụ thằng Dương là cái chắc, chứ trên kia cũng ăn nằm với người ta chán chê rồi. Nhiều khi nó có bầu, rồi nó dụ thằng Dương đổ vỏ.

- Tội nghiệp má với dượng nó chưa! Ăn ở đàng hoàng mà có đứa con gái nhìn phát ớn. Đàn ông nào dám cưới.

- Tôi là nó chẳng thà tôi vô am cạo đầu.

- Có am nào chứa đâu.

- Thì đi "Bình Dương", đi biệt xứ...".

Người ta càng nói, người tôi càng biến thành mớ thịt da bùng nhùng đen đúa khác xa loài người. Mắt tôi mờ đi, não tôi nhũn ra, cuống họng tắc nghẽn. Những luồng không khí hít vào như dao cùn cứa tới cứa lui trên phổi, cơn đau điếng hồn kéo dài mà tôi không tài nào ngất đi. Cuối cùng, tôi được người ta thảy xuống biển. Biển đen như mực. Những dòng chảy ngầm cuộn quanh người tôi như liếm láp vết thương đến kỳ lành lặn, rồi bảo bọc, rồi chở che. Đáng lẽ tôi nên nhảy xuống biển trước khi những lời kia được thốt ra.

Có lẽ tôi là một cái gì vô danh vô nghĩa trong đất trời, nên chỉ một mình lòng trời đất mới dung dưỡng nổi.

Mấy ngày Tết tôi kén ăn hẳn, suốt ngày chỉ cho bánh mứt vô bụng, đến khuya lắc lại mò mẫm mà đi ói ra. Có một bữa bị má bắt gặp, những thứ đang trào ra nghẹn ắng ở cuống họng tôi. Bóng đèn dây tóc vàng mờ đung đưa. Bóng má lay lắt kéo dài trên nền gạch màu huyết dụ cũ kỹ. Tôi liếc dọc liếc ngang né tránh cái bóng vì chợt nghĩ nó đang chảy máu. Má thấy tôi ngập ngừng giấu giếm, thở dài thườn thượt rồi quay đi.

- Coi lại coi, bệnh tật thì đừng có lên trển sớm, không ai lo hết.

- Dạ.

Tôi gục đầu, môi nhênh nhếch, chân lảng hướng về buồng. Lúc đã yên vị trên giường sắt loang loáng ánh trăng non, tôi nghe má gõ cửa buồng, thỏ thẻ vừa đủ hai má con nghe thấy:

- Mai thèm gì nói với má, má nấu cho.

Chắc biết trước tôi không trả lời, má thở dài, về ngủ. Tôi siết mớ thuốc nhức đầu, nhức răng, đau bụng, cảm, sốt... trong tay, tự nhiên tròng mắt căng ra nhức nhối. Vậy mà tôi vẫn không khóc được. Nếu những năm này tôi biết khóc, biết đâu chừng tôi đã khác đi.

Mùng năm - theo ông bà - là ngày xui. Thay vì trốn thui trốn thủi trong nhà như con Đình, hay bận rộn bếp núc với má, tôi lại thong thả lên đình chơi. Khác với những lần lên đình trước đêm hai mươi tám, lần này tôi chỉ đi vòng quanh chứ không vào trong thắp nhang hay tìm Dương nữa. Quyền kết bạn của tôi đã bị tước mất, hoặc là tự tay tôi tước bỏ. Trong những giấc mơ vô định, ba đã dạy tôi một điều: nếu không biết làm gì thì việc tốt nhất là làm thinh. Tôi đinh ninh mình sẽ còn làm bộ như câm như điếc trước lời chỉ trỏ của chòm xóm, cho đến khi nhà cha dượng hoặc má từ mặt tôi. Làm vậy không phải vì tôi tin tưởng mấy chữ máu mủ ruột rà hay tình người, mà bởi tôi tin trong mắt người ta tôi là kẻ không đáng kể đến. Người ta khác tôi, không nhất quán như tôi. Người ta không dung được một tôi có ý thức hoàn chỉnh, nhưng hình như vẫn chứa nổi một tôi phủ nhận sự tồn tại của chính mình.

Chiều, tôi chạm mặt Dương ngay trước cổng. Cậu ta ngoắc tay, tôi sường sượng lắc đầu đáp lại. Thấy tôi đứng im như trời trồng, Dương mặc xác cái lắc đầu vừa nãy, bước dài đến vỗ vỗ vai tôi:

- Đi. Đi.

- Đi đâu?

- Đâu cũng được. Đi là được, chứ đứng yên hoài thì không.

Dương dẫn tôi ra bờ sông, gần ngã ba sông rẽ vào hồ sen. Dưới bãi bồi điên điển lơ thơ, úa màu, cái vàng nhạt nhòa của những chiếc lá cuối cùng như hòa làm một với trời chiều tái ngắt. Cỏ mùa xuân cao ngang bắp chân, sột soạt theo mỗi bước chúng tôi đi, như reo vui với khắp thế gian rằng chúng đã tái sinh sau một kỳ trời khô và lạnh lẽo.

Tự nhiên tôi nao nao ước mong điều gì, mà khi ngẩng đầu nhìn chân trời đã cháy thành tro đen, mấy thứ vừa manh nha vội vàng bay biến.

Dương dẫn tôi về hiện thực bằng tiếng thở dài, và câu trần thuật kế đó làm vùng sông nước quạnh quẽ hơn hẳn:

- Em nghe người ta nói rồi, nhưng em không tin. Chị biết sao không? Tại vì em kiếm chuyện với chị trước chứ không phải chị kiếm em.

Giống như phát hiện ra điều gì mắc cười, Dương reo giọng mấy tiếng, nhưng vì không ai hứng lấy nên tiếng cười của cậu ta lọt thõm vào lặng lẽ. Nghĩ một hồi, tôi "ừ" lấy lệ. Dương thở hắt bất lực:

- Hồi hăm lăm, em thấy chị ngồi mình ên sau nhà, điệu bộ quen lắm. Chị giống em hồi đó, mắt toàn nhìn đâu đâu, lâu lâu ngó xuống sông làm em hoảng hồn, tưởng chị muốn... nhảy.

Bấy giờ tôi mới xả miệng, cười ra tiếng:

- Chị không nhảy đâu. Chị biết bơi mà.

- Chứ chị tính "xử" ở đâu?

Không biết lấy đâu ra dũng khí, tôi bắt đầu trả lời từng câu hỏi một của Dương, về mình, về những thứ lởn vởn trong đầu từ hồi nhỏ xíu. Tôi kể, hôm hăm tám chị xử một lần trên nóc kho của đình, bằng mớ thuốc an thần lúc nào cũng đem theo. Không có nước, chị nhai. Nhưng mà đắng quá nên chị nhổ bỏ. Thật ra đắng chỉ là cái cớ. Mấy ai muốn chết mà được chết dễ dàng đâu.

- Vậy là mới đây còn một lần nữa? - Dương trầm ngâm - Chắc chị không uống thuốc nữa hả?

Khắc bần thần qua đi, tôi sửa soạn câu trả lời kỹ lưỡng, làm sao cho bớt nặng nề nhất có thể. Chuyện chết sống - với kẻ điên hay không điên - đều không phải chuyện nhỏ. Nhưng ít ra khi thốt ra miệng, tôi muốn chuyện của tôi cũng tầm thường, không đáng kể như hằng hà sa số sinh mạng ngoài kia.

- Mới tối hôm qua, nhưng chị nắm mớ thuốc hoài mà không uống. Chị thấy bây giờ còn Tết, tâm trạng vui vẻ, mình đi thì mặt mũi dễ coi hơn hồi giông bão. Tính kỹ chưa?! Vậy mà nửa đêm má kêu ngày mai thèm gì má nấu, chị nấn ná tới sáng trời.

- Hồi ba má mới mất em cũng nuốt một ngụm thuốc. - Dương nhìn mông lung ngoài sông, hồi tưởng - Đủ thứ, nhiều nhất là panadol. Nửa đêm em mơ thấy ba cầm chổi rượt em chạy về chỗ ông ngoại, mơ xong em tỉnh dậy ói hết đống thuốc ra. Đen sì! Rồi, em khỏe re, em về với ngoại; nhưng hôm bữa đi khám em mới biết panadol làm gan em hư nhiều. Cũng có mấy bận nghĩ bậy nhưng nhớ tới ba má, em lại thôi...

- Ừ, ý em là chị nhớ kiểm tra trong mớ thuốc có panadol hay không, phải chưa?

- Phải. Chẳng những vậy chị còn phải kiểm tra quanh chị còn ai. Còn một người cũng là còn.

Nghe rồi tôi chỉ biết lắc đầu, lòng rỗng rễnh. Dương khác tôi. Cùng mồ côi, Dương hầu như chưa bao giờ nghe những lời đàm tiếu. Huống hồ tôi còn mang trên lưng cái tội mất nết; có điều kia cũng là lựa chọn của tôi, tôi cam lòng gánh cả. Tôi cũng biết tôi đang mơ hồ đến độ nào và cần làm gì để thoát khỏi đống ngổn ngang tiền nhân để lại lắm chứ, nhưng tôi như người đứng dưới cái hố sâu hoắm, biết mình phải leo lên, nằm lòng những cách leo lên nhưng không tài nào leo lên được. Có lẽ tôi quen với độ sâu và hơi ẩm dưới đó, hoặc chăng tôi ngại một ngày mình chạm ánh mặt trời tôi ước mong, mặt trời sẽ tiếp tay lột trần, phanh phui từ lưng tôi một mớ tội nghiệt nữa.

Đầu buổi nói chuyện tôi tưởng Dương hiểu mình, nhưng không. Chuyện của chúng tôi ngỡ một mà hai. Không phải ai cũng tìm thấy cùng một mục đích sống và cách để kéo dài sự sống, hoặc, cơn hấp hối.

Mùng năm - theo ông bà - là ngày xui.

Tôi cuối cùng giã từ cuộc đời trong cơn vật vã vì sốc thuốc tây, sau khi dồn hết hi vọng vào một người lắng nghe mới, để rồi sau cùng mới phát hiện người ta muốn mình tiếp tục cuộc đọa trần dù khổ đau đã siết thành thòng lọng. Lang thang trên không trung, tôi thấy linh cữu mình được đưa lên xuồng, xung quanh xếp đầy hoa cúc trắng. Con Đình chèo xuồng, vừa chèo vừa khóc. Ồ, Đình, mày khóc gì nữa, tao đi rồi còn ai giành má với mày đâu? Còn cha dượng tôi, ôi, ông phải vui lên, con không còn quẩn quanh làm mất mặt dòng họ nhà ông nữa? Sao ông buồn xo thế? Chắc hai người trách tôi vì tôi trót làm má đau khổ, dù thâm tâm tôi biết má thương tôi cỡ nào và tôi cũng thương lắm người đàn bà cùng huyết thống cuối cùng ấy.

Nhưng tôi đi rồi. Tôi xuôi dòng bên hoa cúc trắng tôi hằng ưa. Tôi về với đất trời, nơi duy nhất mà tôi được dung chứa. Vậy thì mọi nỗi khổ đau, tiếc thương - hoặc giả hoặc thật - ở cõi tạm đọa đày, có can chi tới tôi đâu? Cớ sao tôi vẫn buồn, bên tai văng vẳng tiếng má và tiếng dượng. Dượng kể về cái tên Trầm Kha của tôi bằng giọng não nề...

"Dượng ít học, nghe thì biết "trầm kha" tức nghĩa là lâu năm, thâm căn cố đế. Mày theo họ ba mày, dượng mới biểu má đặt cho mày là "Trầm Kha", coi như còn chút gì cho má mày tưởng niệm... Dượng đâu có biết "trầm kha" là mày, là thứ mày chịu hai chục năm lẻ...".

"Biểu tao thương mày, khó lắm. Tao cũng sợ dị nghị họ hàng nữa. Nhưng ghét mày tao cũng đã nỡ đâu, vì má mày, cũng vì biết bao nhiêu năm nay mày toàn cúi mặt làm thinh..."

"Chị... hai..." - tôi loáng thoáng nghe con Đình kêu mình bằng cái tiếng nó né tránh từ thuở bập bẹ, vừa nói vừa nấc - "Chị ráng nhìn má cho má vui, rồi chị muốn gì em cũng nhường.".

Đình thua tôi sáu tuổi, nó mới mười bốn chứ mấy, có gì để tôi phải thèm khát mà nhường. À, cái họ nó, dòng máu của nó, những thứ đó lâu lâu tôi vẫn thèm khát. Hay nói trắng ra, tôi thèm được sống như nó, được vỗ về nhiều hơn là bị móc mỉa, cạnh khóe. Tôi cũng ước ao sự ngây thơ của nó, vì chính tôi đến trong trắng còn đánh mất, huống gì là ngây thơ. Giả dụ mà những thứ đó san sẻ được và con Đình thuận ý, tôi cũng không đành lòng nhận lấy. Hình như tôi không mong con Đình phải lay lắt như tôi.

Duy chỉ có má là tôi không thấy đâu suốt buổi tiễn đưa không kèn không trống. Cho tới khi linh cữu tôi giữa dòng sắp chìm, hoa cúc trắng ngập nước lềnh bềnh trôi, tôi mới hay ngoài bờ kia má đã nhảy xuống với xác tôi rồi.

"Ùm"!

Tiếng "ùm" vang mồn một trong đầu như lúc ba tôi bất thần nhảy vào cái ao máu dưới vực sâu, và một tiếng "ùm" nữa cũng y hệt thanh âm hồi tôi hớt hải nối gót theo ba. Hai tiếng "ùm" qua đi, bên tai tôi là tiếng người ta xầm xì, tiếng giấy viết sột soạt. Mùi thuốc khử trùng xộc mạnh vào khứu giác. Thịt da tê buốt, lạnh ngắt, cả người cứng đờ, đau mỏi. Ánh đèn nê ông rọi thẳng vào kẽ mắt vừa hé khiến tôi mấp máy hồi lâu. Chừng khi nghe được tiếng reo thất thanh "con tôi tỉnh rồi" của dượng và tiếng má nghẹn ngào nức nở, tôi mới hồi thần, giật mình nhận ra đám tang vừa nãy chỉ là cơn mơ...

Hai tháng sau cái hôm tự vẫn không thành, phải nằm nhà thương một tuần liền, tôi về nhà và ru rú suốt, không bước chân ra ngoài hay về thành thị. Việc học được tạm gác lại. Đầu óc tôi nhẹ nhõm lâng lâng, không biết do tác dụng của thuốc an thần hay vì tôi không còn quan tâm xung quanh bao nhiêu nữa. Những "người ta" trong thế giới của tôi đổ gục gần hết, thành những vệt đen nhơn nhớt như sình lầy. Rồi, tôi cố nghĩ rằng mình có ba và một đứa em gái thay vì cha dượng với con Đình hay mách lẻo. Không ai thương tôi hơn ngày xưa nhưng cũng không còn ai đả động câu nào can hệ tới An. Và, càng không một ai thiết tha với tôi, đến vực tôi dậy từ cái hố sâu rồi bảo với tôi là tôi phải leo lên cho bằng được. Tôi được bỏ mặc trong tự do. Thế giới của tôi chìm vào yên lặng, thỉnh thoảng mới thấy má gõ cửa, rón rén bước vào.

Vậy ra cả má cũng không phải lý do để tôi tiếp tục bấu víu, trèo lên khỏi hố lòng sâu hoắm.

Thói quen ngẩn người một mình của tôi trở thành cố hữu. Ngồi sau nhà, dường như tôi nghĩ được nhiều hơn. Những lời tôi nghe trong "đám tang" quanh đi quẩn lại trong đầu. Cái cảnh má nhảy sông theo tôi còn ám ảnh mãi. Dường như chẳng thứ gì đủ lớn để kéo con người đã thất lạc trong tôi về lại, và tôi cứ tìm, cứ tìm, cho đến khi Dương lần nữa cầm dầm bơi xuồng ngang qua, ghé lại.

- Chị muốn lên đình thần chơi không, em cho quá giang. Em tên Dương. Còn chị, chị tên gì?

Tôi gật đầu:

- Còn bày đặt giới thiệu lại nữa... Chị tên Đỗ Trầm Kha, nghen.

Giây phút chính miệng thốt lên họ tên mình, tôi vỡ òa, bật khóc. Nắng mùa hè ngan ngát, lấp lóa đằng sau tán dừa nước vốn đen thui và đầy muỗi mòng, dát những mẩu vàng đầu tiên lên con lạch hẹp. Ngọn gió mới nào đòng đưa trên mái lá đã mục, hôn phớt gò má tôi, vấn vít tóc mai như lời tán thưởng.

Hóa ra người cuối cùng trong lời Dương ngày đó, cũng là người giúp tôi bấu víu, lại là chính bản thân tôi.

Ngọc Nhữ

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top