VĂN HỌC LÀ NGHỆ THUẬT NGÔN TỪ

1. Ngôn từ là chất liệu xây dựng hình tượng của văn học

Nghệ thuật nói chung đều phản ánh cuộc sống con người nhưng mỗi ngành nghệ thuật có một chất liệu riêng. Hội họa dùng màu sắc, đường nét... âm nhạc diễn tả bằng âm thanh, tiết tấu... điêu khắc dùng chất liệu (kim loại, đá, gỗ...) tạo nên hình khối, đường nét v.v... Còn văn học phải diễn tả bằng ngôn từ. Mỗi tác phẩm văn học phải được gắn liền với một thứ ngôn ngữ và văn tự (gốc) nhất định. Ngôn ngữ, văn tự là công cụ của nhà văn. Nhà văn Nguyễn Tuân được ca ngợi là bậc thầy về ngôn ngữ. Văn của ông là tờ hoa, là trang văn. Hồ Chí Minh viết văn làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ, bằng tiếng Pháp, bằng chữ Hán.

2. Những đặc điểm của ngôn từ văn học

- Nhà văn nhà thơ phải sử dụng ngôn từ và trau chuốt nó, tạo thành một thứ ngôn ngữ văn chương giàu có, sang trọng, đẹp đẽ. Ngôn ngữ văn học có những đặc điểm sau:

– Tính hệ thống

– Tính chính xác

– Tính truyền cảm

– Tính hình tượng

– Tính hàm súc, đa nghĩa

– Tính cá thể hoá

Trong đó, tính chính xác, tính truyền cảm, tính hình tượng là cực kỳ quan trọng. Nói rằng "Văn hoa dã chất chi đối", "Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu" là như vậy. Kim Trọng khen Kiều khi nàng làm một bài thơ viết lên bức tranh Kim Trọng mới vẽ:

"Khen tài nhả ngọc phun châu,

Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này!"

Nhà văn sử dụng ngôn từ để xây dựng hình tượng văn học. Vì thế đọc sách hoặc phân tích thơ văn không được thoát li văn bản và ngôn từ.

Ngoài ra, ngôn từ còn phải có tính trong sáng, phù hợp chuẩn mực toàn dân và có tính mới lạ, hấp dẫn.

3. Tính chất "phi vật thể" của chất liệu ngôn từ và khả năng diễn tả đặc biệt phong phú của nghệ thuật ngôn từ

- Xem tranh xem ti vi... đã thấy được cụ thể cảnh vật, sự việc biểu hiện. Đọc văn, ta phải tưởng tượng, liên tưởng, suy luận, cảm xúc với tất cả mọi giác quan và tâm hồn, mới hình dung được cảnh vật, sự việc. Điều đó nói lên rằng, ngôn từ mang tính chất "phi vật thể". Con chữ đấy, câu thơ đấy nhưng không phải ai cũng hiểu và cảm như nhau.

- Ngôn từ có sức mạnh vạn năng, có thể diễn tả sự việc theo dòng chảy lịch sử qua hàng trăm năm, hàng vạn năm trên một không gian hữu hạn hoặc rộng lớn vô hạn.

- Ngôn từ còn có khả năng diễn tả những rung động biến thái của tâm hồn con người. Thật là kỳ diệu khi Nguyễn Trãi viết:

"Ngư ca tam xướng yên hồ khoát,

Mục đích nhất thanh thiên nguyệt cao!"

(Ức Trai thi tập)

Văn học là sự thể hiện tinh tế tư tưởng và tình cảm, ước mơ và khát vọng, quan điểm và lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn đối với con người và cuộc sống. Mỗi trang văn, mỗi bài thơ (đích thực) dù nói về gì, đề tài gì rộng lớn hay bé nhỏ đều thể hiện lòng yêu, sự ghét của tác giả, thể hiện một quan điểm nhân sinh hoặc lên án cái ác, hoặc ca ngợi tình yêu, đưa tới sự hướng thiện, cái cao cả, cái đẹp của thiên nhiên và con người. Văn học mang tính khuynh hướng rõ rệt.

"Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,

Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi

Lẽ nào trời đất dung tha

Ai bảo thần dân chịu được

(Nguyễn Trãi)

"Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh

Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần.

Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm,

Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân...

(Nguyệt Cầm – Xuân Diệu)

"Yêu biết mấy, những con người đi tới

Hai cánh tay như hai cánh bay lên

Ngực dám đón những phong ba dữ dội

Chân đạp bùn không sợ các loài sên"

("Mùa thu tới" – Tố Hữu)

Nếu không hiểu được ngôn từ sao có thể cảm được cái hay của hai câu thơ trên?

4. Văn học (nghệ thuật ngôn từ) là một lĩnh vực độc đáo

- Văn học nghệ thuật bao gồm: tác phẩm, nhà văn và quá trình sáng tác, hiện thực đời sống, bạn đọc và quá trình tiếp nhận.

- Sự độc đáo của tác phẩm văn chương được thể hiện qua các yếu tố:

+ Về tác phẩm: Tác phẩm độc đáo phải là "một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung"

+ Về nhà văn: Để có một tác phẩm văn học độc đáo, nhà văn phải có phong cách riêng. Nghĩa là phải có những nét riêng độc đáo trong trong nhận thức, trong phản ánh cuộc sống, trong sáng tạo hình thức nghệ thuật và để lại dấu ấn riêng trên từng trang sách.

+ Về hiện thực đời sống: Hiện thực trong tác phẩm văn học vừa giống như ngoài đời vừa không giống và phải là một hiện thực độc đáo được phản ánh qua cái nhìn độc đáo của nhà văn.

(Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại nhưng nghệ sĩ không ghi lại những cái đã có rồi mà muốn nói một điều gì mới mẻ).

+ Về người đọc và quá trình tiếp nhận: Người đọc luôn đòi hỏi văn học nghệ thuật phải độc đáo, mới lạ. Họ sẽ nhàm chán nếu cứ gặp lại cái cũ lỗi thời. Người đọc cũng phải có cái nhìn độc đáo mới có thể khám phá hết cái độc đáo của nhà văn và tác phẩm. Càng có năng lực thẩm mỹ thì người đọc càng có cơ hội tìm thấy tiếng nói độc đáo của nhà văn.

⇨ Nghệ thuật là lĩnh vực độc đáo là nói đến bản chất thẩm mỹ của nghệ thuật. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top