TIẾP NHẬN VĂN HỌC

Các nhân tố trong đời sống văn học bao gồm: Tác giả, tác phẩm, người tiếp nhận . Các nhân tố ấy luôn có sự tác động lẫn nhau, kích thích nhau để cùng phát triển. Trong đời sống văn học không thể thiếu bất kì một nhân tố nào. Nói đến tiếp nhận văn học là nhắc đến bạn đọc (người tiếp nhận).

1. Tiếp nhận trong đời sống văn học

- Cũng như bất cứ một loại hình nghệ thuật nào khác, trong đời sống văn học luôn có mối liên hệ qua lại giữa sáng tạo, truyền bá và tiếp nhận. Nếu tác giả là người sáng tạo văn học thì tác phẩm là phương tiện truyền bá văn học và người đọc là chủ thể tiếp nhận văn học. Không có người đọc, không có công chúng thì những cố gắng của tác giả, mọi giá trị của tác phẩm cũng trở nên vô nghĩa.

- Cần phân biệt tiếp nhận và đọc. Tiếp nhận rộng hơn đọc, vì trước khi có chữ viết và công nghệ in ấn, tác phẩm văn học đã được truyền miệng. Ngày nay, khi tác phẩm văn học chủ yếu được in ra, nhiều người vẫn tiếp nhận văn học không phải do đọc bằng mắt mà nghe bằng tai, như nghe chính tác giả đọc thơ, nghe "đọc truyện đêm khuya" trên đài phát thanh... Tiếp nhận văn học chính là quá trình người đọc hoà mình vào tác phẩm, rung động với nó, đắm chìm trong thế giới nghệ thuật được dựng lên bằng ngôn từ, lắng nghe tiếng nói của tác giả, thưởng thức cái hay, cái đẹp, tài nghệ của người nghệ sĩ sáng tạo. Bằng trí tưởng tượng, kinh nghiệm sống, vốn văn hoá và bằng cả tâm hồn mình, người đọc khám phá ý nghĩa của từng câu chữ, cảm nhận sức sống của từng hình ảnh, hình tượng, nhân vật, dõi theo diễn biến của câu chuyện, làm cho tác phẩm từ một văn bản khô khan biến thành một thế giới sống động, đầy sức cuốn hút. Như vậy, tiếp nhận văn học là hoạt động tích cực của cảm giác, tâm trí người đọc nhằm biến văn bản thànhthế giới nghệ thuật trong tâm trí mình.

2. Tính chất tiếp nhận văn học

- Tiếp nhận văn học thực chất là một quá trình giao tiếp. Sự giao tiếp giữa tác giả với người tiếp nhận là mối quan hệ giữa người nói và người nghe, người viết và người đọc,
người bày tỏ và người chia sẻ, cảm thông. Bao giờ người viết cũng mong người đọc hiểu mình, cảm nhận được những điều mình muốn gửi gắm, kí thác. Cao Bá Quát từng nói: "Xưa nay, nỗi khổ của người ta không gì bằng chữ tình, mà cái khó ở đời không gì bằng sự gặp gỡ". Gặp gỡ, đồng điệu hoàn toàn là điều vô cùng khó khăn. Song dẫu không có được sự gặp gỡ hoàn toàn, tác giả và người đọc thường vẫn có được sự tri âm nhất định ở một số khía cạnh nào đó, một vài suy nghĩ nào đó. Đọc Truyện Kiều, người không tán thành quan niệm "Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau" của Nguyễn Du vẫn có thể chia sẻ với ông nỗi đau nhân thế; người không bằng lòng việc tác giả để cho Từ Hải ra hàng vẫn có thể tâm đắc với những trang ngợi ca người anh hùng "Chọc trời khuấy nước mặc dầu - Dọc ngang nào biết trên đầu có ai",...

- Trong sự giao tiếp giữa tác phẩm với độc giả, cần chú ý tính chất cá thể hoá, tính
chủ động, tích cực của người tiếp nhận. Ở đây, năng lực, thị hiếu, sở thích của cá nhân
đóng vai trò rất quan trọng; tuỳ theo lứa tuổi già hay trẻ, trình độ học vấn cao hay thấp,
kinh nghiệm sống nhiều hay ít mà có kết quả tiếp nhận cụ thể, riêng biệt cho mỗi người.
Thậm chí cùng một người, lúc nhỏ đọc tác phẩm ấy đánh giá khác, sau lớn lên đánh giá
khác, về già lại đánh giá khác. Tính khuynh hướng trong tư tưởng, tình cảm, trong thị
hiếu thẩm mĩ càng làm cho sự tiếp nhận văn học mang đậm nét cá nhân và chính sự chủ
động, tích cực của người tiếp nhận đã làm tăng thêm sức sống của tác phẩm. Tác phẩm
văn học tuy miêu tả cuộc sống cụ thể, toàn vẹn, sinh động, nhưng vẫn còn rất nhiều điều
mơ hồ, chưa rõ. Người đọc phải quan sát, tri giác để làm nổi lên những nét mờ, khôi
phục những chỗ còn bỏ lửng, nhận ra mối liên hệ của những phần xa nhau, ý thức được
sự chi phối của chỉnh thể đối với các bộ phận. Ở đây không chỉ có tác phẩm tác động tới
người đọc, mà còn có việc tác động, tìm tòi của người đọc đối với văn bản. Thiếu sự
tiếp nhận tích cực của người đọc thì tác phẩm chưa thể hiện lên thật sinh động, đầy đặn,
hoàn chỉnh.

- Tính đa dạng, không thống nhất cũng là một điểm nổi bật trong sự giao tiếp của
người đọc với tác phẩm. Tính chất này bộc lộ ở chỗ cùng một tác phẩm nhưng cảm thụ
và đánh giá của công chúng có thể rất khác nhau. Đọc Truyện Kiều, người thấy ở Thuý
Kiều tấm gương hiếu nghĩa, người coi nàng như là biểu tượng cho thân phận đau khổ
của người phụ nữ,... Sự khác nhau trong cảm nhận, đánh giá tác phẩm có nguyên nhân
ở cả tác phẩm và người đọc. Nội dung tác phẩm càng phong phú, hình tượng nghệ thuật
càng phức tạp, ngôn từ càng đa nghĩa thì sự tiếp nhận của công chúng về tác phẩm càng
lắm hình nhiều vẻ. Tuổi tác, kinh nghiệm sống, học vấn hay tâm trạng người đọc cũng
tác động không nhỏ đến quá trình tiếp nhận tác phẩm. Chẳng hạn cùng đọc truyện Bà
chúa tuyết của An-đéc-xen, trẻ em và người lớn đều thích thú, nhưng cách hiểu của mỗi
người lại không giống nhau. Vẫn là bài Thơ duyên của Xuân Diệu nhưng khi buồn đọc
khác, khi vui đọc khác, khi đang yêu đọc khác. Điều đáng lưu ý là, dù cách hiểu có khác
nhau, nhưng người đọc cần cố gắng để đạt tới một cách hiểu đúng về tác phẩm, làm sao
để tác phẩm toả sáng đúng với giá trị thực của nó.

3. Các cấp độ tiếp nhận văn học

- Đọc và hiểu tác phẩm văn học là một hành động tự do, mỗi người có cách thức
riêng, tuỳ theo trình độ, thói quen, thị hiếu, sở thích của mình, nhưng nếu nhìn nhận một
cách khái quát vẫn có thể thấy những cấp độ nhất định trong cách thức tiếp nhận văn
học.

+ Cấp độ 1: Thứ nhất là cách cảm thụ chỉ tập trung vào nội dung cụ thể, nội dung trực tiếp của tác phẩm, tức là xem tác phẩm kể chuyện gì, có tình ý gì, các tình tiết diễn biến ra sao, các nhân vật yêu ghét nhau thế nào, sống chết ra sao... Đó là cách tiếp nhận văn học đơn giản nhất nhưng cũng khá phổ biến.

+ Cấp độ 2: Là cách cảm thụ qua nội dung trực tiếp để thấy nội dung tư tưởng của tác phẩm. Ở đây người đọc có tư duy phân tích, khái quát, biết từ những gì cụ thể, sinh động mà thấy vấn đề đặt ra và cách thức người viết đánh giá, giải quyết vấn đề theo một khuynh hướng tư tưởng - tình cảm nào đó.

+ Cấp độ 3: Là cách cảm thụ chú ý đến cả nội dung và hình thức biểu hiện của tác phẩm, thấy cả giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của nó, cảm nhận được cái hấp dẫn, sinh động của đời sống được tái hiện, lại biết thưởng thức cái hay, cái đẹp của câu chữ, kết cấu, loại thể, hình tượng..., qua đó không chỉ thấy rõ ý nghĩa xã hội sâu sắc của tác phẩm mà còn xem việc đọc tác phẩm là cách để nghĩ, để cảm, để tự đối thoại với mình và đối thoại với tác giả, suy tư về cuộc đời, từ đó tác động tích cực vào tiến trình đời sống.

- Để tiếp nhận văn học thực sự có hiệu quả, người đọc phải không ngừng nâng cao
trình độ hiểu biết của mình, tích luỹ kinh nghiệm tiếp nhận, biết trân trọng sản phẩm
sáng tạo của một ý thức khác, lắng nghe một tiếng nói khác, làm quen với một giá trị
văn hoá khác, tìm cách để hiểu tác phẩm một cách khách quan, toàn vẹn, nhờ thế mà
làm phong phú thêm vốn cảm thụ của mình. Không nên thụ động mà phải tiếp nhận văn
học một cách chủ động, tích cực, sáng tạo, hướng tới cái hay, cái đẹp, cái đúng. Thói
quen đọc - hiểu theo kiểu suy diễn tuỳ tiện chẳng những làm thui chột các giá trị khách
quan vốn có của tác phẩm, mà còn làm nghèo năng lực tiếp nhận các tác phẩm mới, lạ
và khó. Người ta bao giờ cũng có phát hiện mới về tác phẩm trên tầm cao của kiến thức,
tình yêu thiết tha với cái đẹp, sự say mê và rung cảm mãnh liệt với văn chương.

Tóm lại: Giá trị của tác phẩm văn học không chỉ phụ thuộc vào tác giả (người sáng tác) mà còn tùy thuộc vào khả năng tiếp nhận của người đọc. Người đọc (người tiếp nhận) không chỉ là tri âm tri kỉ mà còn tham gia vào tác phẩm với vai trò là người đồng sáng tạo với tác giả.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top