PHONG CÁCH SÁNG TÁC
1. Khái niệm phong cách sáng tác
- Phong cách văn học (hay phong cách nghệ thuật) nảy sinh do chính những nhu cầu
của cuộc sống, bởi vì cuộc sống luôn đòi hỏi sự xuất hiện những nhân tố mới mẻ, những
cái không lặp lại bao giờ; và nó cũng nảy sinh từ nhu cầu của quá trình sáng tạo văn học, vì đó là một yếu tố quan trọng tạo nên tính hấp dẫn, sức sống của tác phẩm.
- Phong cách là những nét riêng biệt, độc đáo của một tác giả trong quá trình nhận thức và phản ánh cuộc sống, những nét độc đáo ấy thể hiện trong tất cả các yếu tố nội dung và hình thức của từng tác phẩm cụ thể. Nói cách khác, phong cách là sự thể hiện tài nghệ của người nghệ sĩ trong việc đưa đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ về cuộc đời thông qua những phương thức, phương tiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo, vì thế Buy-phông viết: "Phong cách chính là người". Trong tác phẩm của sếch-xpia "mỗi một ưu điểm nhỏ nhất cũng in dấu riêng, dấu ấn đó có thể lập tức nói với toàn thế giới rằng: Tôi là sếch-xpia" (Lét-xinh).
- Phong cách văn học mang dấu ấn của dân tộc và thời đại:
+ Quá trình văn học được đánh dấu bằng những nhà văn kiệt xuất với phong cách độc đáo của họ. Quá trình văn học mang tính lịch sử cho nên phong cách cũng in đậm dấu ấn dân tộc và thời đại. Văn hào Vôn-te nói: "cũng giống như từ gương mặt, ngôn ngữ, hành động cụ thể có thể nhận ra quốc tịch của con người, thì cũng có thể từ phong cách sáng tác nhận ra một số là người Ý, người Pháp, người Anh hay người Tây Ban Nha một cách dễ dàng".
+ Trong mỗi thời đại nhất định, do cùng có những điều kiện và trình
độ phát triển chung của lịch sử, trong sáng tác của nhiều khuynh hướng văn học khác
nhau có thể có những nét chung nào đó về tư duy nghệ thuật và kĩ thuật biểu hiện. Dù mỗi người có một "gương mặt" riêng, nhưng các nhà văn cái diện mạo chung ấy trong sáng tác của từng tác giả: "Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời".
2. Những biểu hiện của phong cách văn học
- Phong cách văn học biểu hiện trước hết ở cách nhìn, cách cảm thụ có tính chất khám phá, ở giọng điệu riêng biệt của tác giả. Ví dụ cái nhìn tài hoa, có khả năng khám phá mọi đối tượng ở phương diện thẩm mĩ của Nguyễn Tuân. Qua cái nhìn ấy, thiên nhiên hiện lên như công trình mĩ thuật của tạo hóa, con người hiện lên với tư chất tài hoa, nghệ sĩ.
- Sự sáng tạo các yếu tố thuộc nội dung tác phẩm cũng in đậm dấu ấn riêng của tác
giả, từ việc lựa chọn đề tài, xác định chủ đề, thể hiện hình ảnh, nhân vật cho đến xác lập
tứ thơ, triển khai cốt truyện,... Thạch Lam hướng ngòi bút tới cuộc sống và tâm hồn
những con người "nhỏ bé", Vũ Trọng Phụng chú ý tới những góc khuất, những nơi tăm
tối của xã hội trước Cách mạng. Ở sự vận động của tứ thơ về tình yêu, Sóng của Xuân
Quỳnh thật cồn cào, da diết, còn Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn lại dịu dàng,
nhẹ thoảng mà đằm sâu, lan toả mênh mang.
- Hệ thống phương thức biểu hiện, các thủ pháp kĩ thuật lưu lại đậm đặc cá tính sáng
tạo của tác giả, từ việc sử dụng ngôn ngữ, tổ chức kết cấu, định vị thể loại cho đến cách
kể chuyện, miêu tả ngoại hình, bộc lộ nội tâm,... Câu văn Nguyễn Tuân rất linh hoạt,
không theo một khuôn mẫu, chuẩn mực nhất định, đó thường là những câu văn dài, xuôi
theo dòng chảy dào dạt của cảm xúc suy tư Kim Lân có lối khắc hoạ nhân vật giàu chất
tạo hình. Nguyễn Khải rất sắc sảo khi để nhân vật độc thoại nội tâm hay đối thoại nội
tâm v.v...
- Phong cách văn học là cái thống nhất trong sự đa dạng của sáng tác. Cái độc đáo,
vẻ riêng phải xuất hiện thường xuyên, lặp đi lặp lại, có tính chất bền vững, nhất quán.
Thống nhất từ cốt lõi, nhưng triển khai phải đa dạng, đổi mới. Nguyễn Trãi trong Đại
cáo bình Ngô, Quân trung từ mệnh tật rất hào hùng, đanh thép, sắc bén, nhưng trong
Quốc âm thi tập lại u hoài, trầm lắng, suy tư. Hồ Chí Minh trong truyện và kí thì hiện
đại, nhưng thơ chữ Hán lại giàu sắc thái phương Đông cổ kính, thơ tiếng Việt đậm cốt
cách dân gian.
- Độc đáo một cách đa dạng, bền vững mà luôn đổi mới, những phong cách còn phải
có phẩm chất thẩm mĩ, nghĩa là nó phải đem lại cho người đọc một sự hưởng thụ mĩ
cảm dồi dào qua những tác phẩm giàu tính nghệ thuật, hay, sinh động, hấp dẫn. Chỉ khi
đó dấu ấn của phong cách trong quá trình văn học mới được ghi nhớ mãi mãi, không thể
phai mờ, nói một cách hình ảnh như nhà thơ lê Đạt:
"Mỗi công dân đều có một dạng vân tay
Mỗi nhà thơ thứ thiệt có một dạng vân chữ
Không trộn lẫn"
(Vân chữ)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top