MỐI QUAN HỆ GIỮA NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨCTRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC
1. Các khái niệm
- Tác phẩm văn học:
Tác phẩm văn học là công trình nghệ thuật ngôn từ được tác giả sáng tác nhằm khái quát bằng hình tượng về cuộc sống con người, thể hiện tư tưởng, tình cảm, thái độ của tác giả trước thực tại. Nó trở thành đối tượng thưởng thức, tiếp nhận của bạn đọc. Bản chất, thuộc tính của văn học đều biểu hiện ở tác phẩm văn học. Tác phẩm văn học được biểu hiện ở hai mặt nội dung và hình thức. Tác phẩm văn học độc đáo phải là "một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung" (Leonit Leonop).
- Nội dung trong tác phẩm văn học:
+ Nội dung của tác phẩm bất nguồn từ mối quan hệ giữa văn học và hiện thực. Tác phẩm văn học mô phỏng, tái hiện đời sống sống động với hoạt động của con người, con vật, đồ vật... Thông qua đó nhà văn bày tỏ tư tưởng, tình cảm, tâm tư của mình với cuộc đời, thể hiện cái nhìn cá nhân về hiện thực đời sống. Vì vậy, nội dung của tác phẩm văn học bao gồm: đề tài, chủ đề, cảm hứng, tư tưởng.
+ Nhà văn chân chính luôn suy nghĩ, trăn trở sao cho nội dung tác phẩm của mình thấm nhuần tinh thần nhân văn cao đẹp, có ý nghĩa tư tưởng sâu sắc, có tác dụng nâng cao phẩm chất, hoàn thiện con người.
- Hình thức trong tác phẩm văn học:
+ Hình thức trong tác phẩm văn học là chất liệu, thủ pháp tổ chức nên tác phẩm văn học, cụ thể là một văn bản ngôn từ. Nó là kênh duy nhất truyền đạt nội dung của tác phẩm, là phương tiện cấu tạo nội dung và làm cho nó có bộ mặt độc đáo. Hình thức tác phẩm văn học bao gồm các yếu tố như thể loại, ngôn ngữ, kết cấu, hình ảnh, nhịp điệu, biện pháp tu từ...
+ Hình thức cũng là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị tác phẩm. Không đạt đến trình độ nghệ thuật nhất định, một văn bản ngôn từ không được xem là tác phẩm văn học đích thực. Hình thức tác phẩm văn học hướng đến sự hoàn mĩ.
2. Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong tác phẩm văn học
- Trong tác phẩm văn học không thể tách rời hai yếu tố nội dung và hình thức. Nội dung và hình thức của tác phẩm văn học có quan hệ mật thiết như tâm hồn và thể xác, tồn tại thống nhất, hữu cơ với nhau . Nội dung chỉ có thể được biểu hiện qua hình thức và hình thức phải là của một nội dung nào đó. Tác phẩm văn học phải có sự thống nhất, hài hòa giữa nội dung và hình thức, thống nhất giữa nội dung, tư tưởng cao đẹp và hình thức nghệ thuật hoàn mĩ.
- Sự thống nhất giữa nội dung và hình thức được biểu hiện ở hai mặt: nội dung quyết định hình thức và hình thức phù hợp nội dung.
+ Trong quan hệ nội dung – hình thức ở tác phẩm văn học thì nội dung bao giờ cũng quyết định hình thức, quyết định sự lựa chọn phương tiện, phương thức sáng tạo tác phẩm. Tất cả những yếu tố hình thức như ngôn ngữ kết cấu, thể loại,... đều nhằm phục vụ tốt nhất cho chức năng bộc lộ sinh động và sâu sắc của nội dung tác phẩm.
+ Cái hay của tác phẩm văn học phải được thể hiện qua nội dung mới mẻ, có ý nghĩa sâu sắc và nội dung đó phải được đặt trong một hình thức phù hợp thì người đọc mới cảm nhận được.
+ Tuy nhiên, hình thức cũng có tính độc lập nhất định. Nó tác động trở lại với nội dung. Nó đòi hỏi nhà văn phải có sự tìm tòi, trăn trở để sáng tạo nên những gì có giá trị nghệ thuật cao nhất. Và một khi tìm được phương tiện và phương thức phù hợp nhất thì những phương tiện, phương thức này phát huy tối đa giá trị của chúng và mang lại giá trị vô giá cho tác phẩm.
- Những tác phẩm văn học có giá trị lớn thì càng chứng tỏ sự thống nhất cao độ giữa nội dung và hình thức. Nhà văn Nga, Lê-ô-nôp khẳng định: "Tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và là một khám phá về nội dung".
Một tác phẩm văn học có đứng vững được trong lòng người hay không chính là nhờ tài năng và phẩm chất của người nghệ sĩ. Phải qua bàn tay nhào nặn tài hoa của nhà văn, mỗi tác phẩm mới thực sự là một công trình sáng tạo nghệ thuật. Sáng tạo nghệ thuật là một thứ sáng tạo tinh thần. Nó không sản xuất theo dây chuyền công nghệ mà phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ là người quyết định sự ra đời của tác phẩm. Và tác phẩm văn học là một công trình sáng tạo nghệ thuật chỉ khi lao động của người nghệ sĩ đúng là lao động sáng tạo. Nhà văn có vai trò quan trọng trong quy trình sáng tạo. Mỗi nhà văn là một thế giới khác nhau, tạo nên sự phong phú cho nền văn học, cho sự đa dạng của các cá tính nghệ thuật.
Quá trình lao động nghệ thuật của nhà văn là quá trình công phu bởi nó đòi hỏi nhiều trí lực, tâm huyết của người nghệ sĩ. Đó là công việc không chỉ đổ mồ hôi mà thậm chí còn đổ cả máu và nước mắt. Có người nghệ sĩ cả đời chung đúc để viết một tác phẩm nhưng cũng có người chỉ trong một khoảnh khắc một tác phẩm ra đời.
Sự sáng tạo trong văn chương không cho phép người nghê sĩ chân chính dẫm lên đường mòn hay đi theo con đường của người khác. Nam Cao đã từng nói khẳng định một tác phẩm văn học phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi; ca tụng tình yêu, bác ái, công bằng và "Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có. "Văn học nằm ngoài những định luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết" (Sê-đrin). Tác phẩm văn học đã ghi nhận những sáng tạo của người nghệ sĩ và khẳng định nó bằng những giá trị bất tử của mình.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top