ĐIỂM NHÌN NGHỆ THUẬT

1. Khái niệm

- Tầm quan trọng của điểm nhìn nghệ thuật: Tác phẩm văn học nào dù là thơ hay truyện cũng xuất phát từ điểm nhìn cụ thể. Không thể không có tác phẩm văn học nếu không có điểm nhìn và điểm nhìn góp phần quan trọng tạo nên giá trị tác phẩm. Tác giả Nguyễn Thái Hòa trong Điểm nhìn trong lời nói giao tiếp và và điểm nhìn trong nghệ thuật trong truyện đã khẳng định điểm nhìn điểm bắt đầu và chi phối sâu sắc đến tác phẩm. Đồng thời ông cũng nhận thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa điểm nhìn với người kể, tác phẩm và người đọc: "Điểm nhìn nghệ thuật là điểm xuất phát của một cấu trúc nghệ thuật, hơn thế nữa là một cấu trúc tiềm ẩn được người đọc tiếp nhận bằng thao tác suy ý từ các mối quan hệ phức hợp giữa người kể và văn bản, giữa văn bản và người đọc văn bản, giữa người kể và người đọc hàm ẩn"

- Khái niệm: Nguyễn Thị Thu Thủy trong cuốn sách Điểm nhìn và ngôn ngữ trong truyện kể đã khẳng định điểm nhìn trong truyện kể chi phối tới quá trình quan sát và kể lại: "Điểm nhìn là vị trí, xuất phát điểm mà từ đó hiện thực được quan sát và kể lại". Tác giả Nguyễn Thị Hoài An trong luận án tiến sĩ của mình khẳng định "Điểm nhìn nghệ thuật trong tự sự là vị trí, chỗ đứng nhất định để nhìn nhận, xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng ...và sau đó kể, miêu tả, thể hiện chúng bằng hình thức của một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ". Cần lưu ý rằng vị trí, chỗ đứng không chỉ là vị trí trong không gian, thời gian mà còn là tầm nhận thức, trình độ, văn hóa, lứa tuổi, giới tính, trải nghiệm... của người kể chuyện. Từ điểm nhìn nghệ thuật người kể chuyện xác định thông tin trọng tâm (tiêu điểm) để kể, miêu tả và thể hiện thái độ, bình luận. Mối quan hệ giữa chủ thể của điểm nhìn với truyện và tiêu điểm sẽ quyết định ngôi kể trong truyện".

- Mối quan hệ của điểm nhìn với đối tượng được nói đến trong tác phẩm: Điểm nhìn của chủ thể có điểm rơi vào khách thể. Từ điểm nhìn nghệ thuật, chủ thể của điểm nhìn quan sát, kể lại, miêu tả và bình luận khiến đối tượng được nói đến hiện lên sống động. Nhìn chung, khi phân tích tác phẩm theo điểm nhìn nghệ thuật chúng ta phải trả lời cho các câu hỏi: Người trần thuật là ai? Anh ta miêu tả cái gì? Và dưới cái nhìn của anh ta thì cái được miêu tả hiện ra như thế nào? Từ đó, điểm nhìn nghệ thuật trong tác phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp người đọc thâm nhập sâu vào tác phẩm trên bình diện nghệ thuật, khám phá một cách sâu sắc giá trị nội dung, tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm ở đứa con tinh thần của mình.

- Điểm nhìn thể hiện phong cách nhà văn: Về bản chất điểm nhìn nghệ thuật luôn xuất phát từ điểm nhìn của tác giả và mỗi tác phẩm truyện đều ẩn chứa trong đó hình tượng tác giả. Từ việc phân tích điểm nhìn nghệ thuật của tác phẩm, người đọc còn có thể tìm ra được nét riêng độc đáo trong phong cách nghệ thuật của mỗi nhà văn.

2. Phân loại điểm nhìn

- Theo vị trí quan sát của người kể, có thể phân theo điểm nhìn kể chuyện như: điểm nhìn bên ngoài, bên trong; điểm nhìn không gian (xa, gần), điểm nhìn di động (từ đối tượng này sang đối tượng khác), điểm nhìn thời gian (quá khứ, hiện tại, tương lai), điểm nhìn luân phiên (trong, ngoài). Sự luân phiên điểm nhìn này cho thấy sự linh hoạt của các kiểu tổ chức miêu tả và bình luận trong cốt truyện.

- Tuy nhiên, điểm nhìn người kể chuyện thường được phân chia thành ba loại chính: điểm nhìn toàn tri (vô điểm nhìn), điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn bên trong. Ngoài ra, còn có thể kể đến kiểu điểm nhìn di động. Dựa trên tầm nhìn, vai trò của người kể chuyện và mối quan hệ giữa điểm nhìn với tiêu điểm, ngôi nhân xưng, hình thức ngôn ngữ người ta xác định các tiêu chí nhận diện điểm nhìn trong tự sự như sau:

2.1. Các tiêu chí nhận diện tác phẩm kể chuyện theo điểm nhìn toàn tri

- Về tầm nhìn và vai trò của người kể chuyện: Người kể chuyện có khả năng biết hết về câu chuyện, biết nhiều hơn nhân vật và là chủ thể của điểm nhìn. Người kể chuyện không chỉ có vai trò kể lại câu chuyện mà còn có thể bình luận, điều khiển nhân vật.

- Về ngôi, nhân xưng:

+ Người kể chuyện thường không xuất hiện (hàm ẩn) hoặc hiếm khi là người kể chuyện tường minh xưng "tôi".

+ Nhân vật thường ở ngôi thứ ba.

- Về tiêu điểm kể chuyện: Người kể chuyện có cái nhìn biết hết nên nhân vật có thể được kể từ bên ngoài (ngoại hình, lời nói, hành động) vào bên trong (nội tâm) một cách rõ nét.

- Về ngôn ngữ kể chuyện: chủ yếu là lời người kể chuyện, là lời kể gián tiếp.

2.2. Các tiêu chí nhận diện tác phẩm kể chuyện theo điểm nhìn bên ngoài

- Về tầm nhìn và vai trò của người kể chuyện: Người kể chuyện mặc dù vẫn là chủ thể của điểm nhìn nhưng biết ít hơn nhân vật, chỉ có khả năng nhìn nhận từ bên ngoài mà không biết gì về nội tâm bên trong của nhân vật. Người kể chuyện ít có khả năng đánh giá, phán đoán và không có khả năng điều khiển nhân vật.

- Về ngôi, nhân xưng:

+ Người kể chuyện không xuất hiện trong tác phẩm, hoàn toàn giấu mình.

+ Nhân vật thường ở ngôi thứ ba.

- Về tiêu điểm kể chuyện: Nhân vật chỉ có thể được kể từ bên ngoài bằng ngoại hình, lời nói, hành động.

- Về ngôn ngữ kể chuyện: Ngôn ngữ gián tiếp, chủ yếu là ngôn ngữ người kể chuyện. Trong một số tác phẩm ngôn ngữ đối thoại của nhân vật được coi trọng và chiếm một tỉ lệ cao.

2.3. Các tiêu chí nhận diện tác phẩm kể chuyện theo điểm nhìn bên trong

- Về tầm nhìn và vai trò của người kể chuyện: Chủ thể của điểm nhìn là nhân vật. Người kể chuyện có thể là nhân vật kể chuyện mình hoặc nhập thân vào nhân vật để kể chuyện nên chỉ có thể nhìn nhận, kể chuyện, bình luận, lí giải, phán đoán bằng tầm nhìn của một nhân vật.

- Về ngôi, nhân xưng: Người kể chuyện đồng thời là nhân vật, có thể xuất hiện trong tác phẩm ở ngôi thứ nhất (với trường hợp người kể chuyện là nhân vật kể chuyện mình) hoặc ngôi thứ ba (với trường hợp người kể chuyện nhập thân vào nhân vật để kể chuyện).

- Về tiêu điểm kể chuyện: Tiêu điểm kể chuyện là nội tâm của nhân vật nên truyện kể thường ít sự kiện, ít nhân vật, ít hành động, lời nói.

- Về ngôn ngữ kể chuyện: Ngôn ngữ kể chuyện là lời kể trực tiếp với trường hợp người kể chuyện là nhân vật kể chuyện mình hoặc nửa trực tiếp với trường hợp người kể chuyện nhập thân vào nhân vật để kể chuyện.

2.4. Điểm nhìn di động: Là kiểu kể chuyện mà người kể chuyện tựa vào nhiều điểm nhìn khác nhau để kể chuyện: Trong tác phẩm người kể chuyện di chuyển từ điểm nhìn này sang điểm nhìn khác để kể chuyện. Tiêu biểu cho phương thức kể chuyện này là tác phẩm Đời thừa. Ban đầu, người kể chuyện kể chuyện kể từ điểm nhìn của Từ với đối tượng được quan sát và kể, miêu tả là nhân vật Hộ. Sau đó, người kể chuyện lại xuất phát từ điểm nhìn của nhân vật Hộ để quan sát, kể và miêu tả về nhân vật Từ. Điểm nhìn di chuyển như vậy cung cấp một cái nhìn đa chiều về cuộc sống mòn mỏi của người trí thức trong xã hội cũ.

3. Phương thức kể chuyện

Trong nghệ thuật kể chuyện hiện đại, căn cứ vào điểm nhìn nghệ thuật có thể chia thành ba phương thức trần thuật.

3.1. Phương thức kể chuyện thứ nhất: Người kể chuyện giấu mình, không xuất hiện nhưng lại biết tất cả và kể về các nhân vật, sự kiện ... Nhân vật là đối tượng được kể nên thuộc ngôi thứ ba (hắn, y, thị, nó, anh, cụ...).

2.2. Phương thức kể chuyện thứ hai: Nhân vật tự kể chuyện mình xưng tôi, thuộc ngôi thứ nhất kể chuyện về chính mình, về những gì mình biết. Vai trò của anh ta trong tác phẩm vừa là nhân vật vừa là người kể chuyện.

3.3. Phương thức kể chuyện thứ ba: Người kể chuyện giấu mình nhưng chuyển điểm nhìn trần thuật cho nhân vật, điểm nhìn là điểm nhìn nhân vật, lời kể theo giọng điệu của nhân vật thuộc ngôi thứ ba còn gọi là lời nửa trực tiếp. Về bản chất điểm nhìn nghệ thuật luôn xuất phát từ điểm nhìn của tác giả và mỗi tác phẩm truyện đều ẩn chứa trong đó hình tượng tác giả. Tuy nhiên, đặc điểm nghệ thuật của mỗi tác phẩm khi đến với người đọc lại có những hiệu quả khác nhau. Hai phương thức trần thuật thứ nhất và thứ hai chịu chi phối sâu sắc hơn từ điểm nhìn tác giả, còn phương thức trần thuật thứ ba lại cho ấn tượng chủ yếu từ điểm nhìn nhân vật. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top