14.Trình bày nội dung những luận điểm chủ yếu của HCM về Đảng Cộng sản Việt Nam
1. Đảng cộng sản là nhân tố quyết định hàng đầu đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi
Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Bác Hồ đặt vấn đề: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì?”, và Người viết: “Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. (HCM toàn tập, tập 2, trang 267-268).
Với lời nói giản dị, mộc mạc, Người đã chỉ ra vai trò quyết định của Đảng:
Tuyên truyền giác ngộ quần chúng nhân dân.
Tổ chức và lãnh đạo quần chúng nhân dân.
Thực hiện sự đoàn kết quốc tế.
Người khẳng định: cách mạng là sự nghiệp chung của dân chúng chứ không phải là việc của một vài người. Quần chúng phải giác ngộ, được tổ chức và lãnh đạo mới giành được thắng lợi.
Nghiên cứu các nước thuộc địa của Pháp, Người nói: Nạn nghèo đói đều tăng, sự phẫn uất càng lên cao. Trong nhiều nước thuộc địa, nông dân đã từng nổi dậy, song đều bị dìm trong máu, “vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng”. (HCM, Toàn tập, Tập 1, trang289).
Năm 1953, trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Người lại nhấn mạnh: “Những cuộc đấu tranh “tự phát” của nhân dân thường không có mục đích rõ ràng, kế hoạch đầy đủ, tổ chức chắc chắn. Vì vậy, mà lực lượng rời rạc, nơi này lên thì nơi khác xẹp. Kết quả là thất bại.
Muốn thắng lợi thì cách mạng phải có một Đảng (cộng sản) lãnh đạo…” (HCM, Toàn tập, Tập 7, trang 228).
Vai trò đoàn kết quốc tế: “liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”.
Đảng có vững mạnh cách mạng mới thành công.
Đảng gánh vác sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và phải thực hiện tốt vai trò lãnh đạo mới đưa cách mạng đến thắng lợi. Phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức để Đảng làm tròn trách nhiệm mà lịch sử và dân tộc giao phó cho Đảng.
Hồ Chí Minh đã sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam và không ngừng rèn luyện Đảng qua các thời kỳ cách mạng, xác lập quyền lãnh đạo của Đảng nhằm đưa cách mạng, kháng chiến và kiến quốc đến thành công.
2. Đảng cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
- Học thuyết Mác - Lênin nêu: Đảng cộng sản là sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân.
Lênin: “Đảng dân chủ - xã hội là sự kết hợp phong trào công nhân với CNXH”. Chính “do sự kết hợp ấy, cuộc đấu tranh giai cấp của công nhân trở thành một cuộc đấu tranh tự giác của giai cấp vô sản để tự giải phóng mình khỏi sự bóc lột của giai cấp hữu sản, đồng thời một hình thức cao của phong trào công nhân XHCN được hình thành; đó là: Đảng công nhân dân chủ - xã hội độc lập”.
Năm 1960, Bác Hồ viết: “Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930” (Bài viết cho Tạp chí Những vấn đề hoà bình và CNXH, Praha. HCM, Toàn tập, Tập 10, trang 8).
Đây là sự bổ sung, phát triển sáng tạo của Hồ Chí Minh về quy luật ra đời của một Đảng cộng sản ở một nước thuộc địa, giai cấp công nhân còn nhỏ bé, xã hội còn kém phát triển.
- Tại sao trong quy luật ra đời của Đảng ta có thêm yếu tố phong trào yêu nước?
Chủ nghĩa yêu nước là yếu tố trường tồn trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Dưới thời thuộc Pháp, các phong trào đấu tranh của nhân dân ta diễn ra liên tiếp, từ rất lâu trước khi có giai cấp công nhân và phong trào công nhân.
Giai cấp công nhân ở nước ta còn nhỏ bé, việc ra đời của Đảng cộng sản nếu chỉ có sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân thì chưa đủ.
Phong trào yêu nước là phong trào lôi cuốn toàn dân tộc tham gia, gồm phong trào của nông dân, trí thức tiểu tư sản, tư sản dân tộc, những nhân sĩ yêu nước, một bộ phận quan lại có tinh thần dân tộc chống đế quốc.
Chú ý: nông dân chiếm 95% dân số, nông dân là bạn đồng minh tự nhiên của giai cấp công nhân.
Phong trào công nhân dù có tiên tiến nhất nhưng nếu không gắn bó với phong trào yêu nước, trở thành nòng cốt của phong trào yêu nước thì cũng không mở rộng được cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và đưa cuộc đấu đến thắng lợi.
Thực hiện hoài bão cứu nước, Hồ Chí Minh đã tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, lựa chọn con đường cách mạng vô sản. Để chuẩn bị cho thành lập Đảng, Người đã dẫn dắt cả một lớp thanh niên yêu nước tiên tiến đi theo con đường Người đã lựa chọn, tổ chức ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Với vai trò của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, chủ nghĩa Mác-Lênin được đồng thời truyền bá vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Khi giai cấp công nhân đấu tranh, nó kết hợp được ngay từ đầu với phong trào yêu nước, vì hai phong trào này cùng có chung kẻ thù, cùng tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin.
Thực tiễn phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới đã kiểm nghiệm luận điểm của Hồ Chí Minh.
Đây là luận điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh về xây dựng một Đảng kiểu mới: vừa quán triệt nguyên lý Đảng kiểu mới của Lênin, vừa vận dụng sáng tạo vào điều kiện lịch sử của một nước lạc hậu, chậm phát triển.
ở Người, có sự gắn bó chặt chẽ vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp trong việc thành lập Đảng, bởi vì bản thân Người đã từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin.
3. Đảng cộng sản Việt Nam- Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam
Nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ ra Đảng của giai cấp công nhân.
Hồ Chí Minh xác định: Đảng cộng sản Việt Nam - “Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam”.
- Cơ sở sự khẳng định của Người:
Mục tiêu đấu tranh của Đảng là mục tiêu đấu tranh của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Đảng đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Tuy trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, Người viết: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp”. Nhưng trong Điều lệ vắn tắt, Người lại viết: “Ai tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình Đảng và Quốc tế cộng sản, hăng hái đấu tranh và dám hy sinh phục tùng mệnh lệnh của Đảng và đóng đảng phí, chịu sự phấn đấu trong một bộ phận Đảng, thời được vào Đảng”. (HCM toàn tập, tập 3, trang 5).
Câu này cho thấy, người được kết nạp vào Đảng không nhất thiết phải xuất thân từ giai cấp công nhân.
Quyền lợi của giai cấp công nhân và của cả dân tộc là thống nhất.
Tháng 2/1951, Người viết: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì vậy, Đảng lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. (HCM toàn tập, tập 6, trang 175).
Đảng đại biểu lợi ích cho cả dân tộc.
Năm 1953, trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Người lại viết: “Đảng lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc”.
“Đảng là Đảng của giai cấp lao động, mà cũng là Đảng của toàn dân”. (HCM toàn tập, tập 7, trang 230 - 231).
Tháng 12 năm 1961, Người lại nói: “Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là Đảng của dân tộc, không thiên tư, thiên vị”. (HCM toàn tập, Tập 10, trang 467).
Chính vì thế, khi nói về Đảng Người thường hay dùng cụm từ: Đảng ta, Đảng của chúng ta, Đảng yêu quý của chúng ta, Đảng thân yêu vĩ đại của chúng ta...
Luận điểm của Hồ Chí Minh đã định hướng xây dựng Đảng cộng sản Việt Nam thành một Đảng có sự gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc. Mọi người Việt Nam đều cảm thấy Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng của Bác Hồ, Đảng của mình, có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Đảng.
- Hồ Chí Minh nói Đảng là của giai cấp, đồng thời là Đảng của dân tộc, nhưng vẫn đảm bảo bản chất giai cấp công nhân của Đảng.
Tuy đảng viên của Đảng xuất thân từ giai cấp công nhân, nông dân, trí thức và các thành phần khác nhưng tư tưởng của Đảng là hệ tư tưởng của giai cấp công nhân.
“Tư tưởng của Đảng là tư tưởng của giai cấp công nhân, nó đấu tranh cho lợi ích của toàn dân. Vì vậy, trong Đảng không thể có những tư tưởng, lập trường, tác phong trái với tư tưởng, lập trường và tác phong của giai cấp công nhân”.
Mục tiêu của Đảng, đường lối của Đảng là độc lập dân tộc và CNXH; giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.
Đảng vẫn tuân thủ những nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của Lênin.
4. Đảng cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin “làm cốt”
- Nền tảng tư tưởng và làm kim chỉ nam cho hành động của Đảng và nhân dân Việt Nam là chủ nghĩa Mác-Lênin.
Trong lời tựa của tác phẩm Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh nêu ra quan điểm của Lênin về tầm quan trọng của lý luận cách mạng: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động… chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”. (HCM toàn tập, tập 2, trang 259).
Người chỉ rõ: “Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy, Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. (HCM toàn tập, tập 2, trang 259).
Chủ nghĩa Mác Lênin trang bị cho Đảng lý luận cách mạng, khoa học; trang bị thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn, từ đó Đảng vận dụng vào điều kiện cụ thể của đất nước đề ra đường lối đúng, để lãnh đạo, tổ chức phong trào…
Lý luận cách mạng tiền phong đó là chủ nghĩa Mác-Lênin, lý luận về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người; lý luận về sự phát triển xã hội, một chế độ xã hội tốt đẹp là xã hội cộng sản.
“Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. (HCM toàn tập, tập 2, trang 268)
“…phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”. (Sách đã dẫn, trang 280)
Về vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin đối với Đảng cộng sản, Hồ Chí Minh khẳng định: “Là lực lượng tư tưởng hùng mạnh chỉ đạo Đảng chúng tôi, làm cho Đảng chúng tôi có thể trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc chúng tôi”. (Hồ Chí Minh, tập 7, trang 517)
- Dựa trên nền tảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng Người lại vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
chủ nghĩa Mác-Lênin là hệ thống mở, cần phải được bổ sung và phát triển.
Kế thừa tốt các kinh nghiệm của các đảng anh em và của Đảng ta.
Phải đấu tranh bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin: không vận dụng máy móc, chống lại những luận điểm xuyên tạc, xét lại chủ nghĩa Mác-Lênin.
5. Đảng cộng sản Việt Nam phải được xây dựng theo những nguyên tắc Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản:
Hồ Chí Minh tuân thủ những nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của Lênin. Những luận điểm của Người về các nguyên tắc xây dựng Đảng:
a. Nguyên tắc tập trung dân chủ.
Đây là nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng Đảng, Người gọi đây là nguyên tắc tổ chức của Đảng.
Người hay nhấn mạnh dân chủ và tập trung là hai mặt có quan hệ gắn bó và thống nhất với nhau trong một nguyên tắc, biểu hiện:
Dân chủ là để đi đến tập trung, là cơ sở của tập trung.
Tập trung trên cơ sở dân chủ, không phải tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền.
Về nội dung của vấn đề tập trung, Người nói: Phải thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động. Do đó, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, mọi đảng viên phải chấp hành vô điều kiện nghị quyết của Đảng.
“Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”.
(HCM toàn tập, tập 5, trang 553).
Về vấn đề dân chủ, Người phân tích:
“Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào?
Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó cũng là quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người.
Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý”. (HCM toàn tập, tập 8, trang 216).
Phải thực hiện và phát huy dân chủ nội bộ Đảng, có dân chủ trong Đảng mới có thể nói đến dân chủ trong xã hội.
b. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Người cho đây là nguyên tắc lãnh đạo của Đảng.
Nội dung của nguyên tắc này được Người phân tích như sau:
Tập thể lãnh đạo: một người dù tài giỏi đến mấy cũng không thấy hết mọi mặt của một vấn đề, càng không thể thấy hết mọi việc, hiểu rõ được mọi chuyện. Nhiều người thì nhiều kiến thức, người thấy mặt này, người thấy mặt kia, do đó hiểu được mọi mặt, mọi vấn đề.
Cá nhân phụ trách: việc gì đã được tập thể bàn bạc kỹ lưỡng, kế hoạch đã được định rõ thì cần giao cho một người phụ trách chính.
Giao cho cá nhân phụ trách thì công việc mới chạy, tránh được thói dựa dẫm, người này ỷ vào người kia, cá nhân ỷ vào tập thể, giống như “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”.
Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách luôn đi liền với nhau:
“Lãnh đạo không tập thể thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan, kết quả là sẽ hỏng việc.
Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ dẫn đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc.
Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”. (HCM toàn tập, tập 5, trang 505)
“Tập thể lãnh đạo là dân chủ
Cá nhân phụ trách là tập trung
Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung” (Sđd, tập 5, trang 505).
c. Tự phê bình và phê bình.
Người rất coi trọng nguyên tắc này và coi là nguyên tắc sinh hoạt Đảng.
Mục đích: làm cho mỗi người tốt hơn, tiến bộ hơn và tăng cường đoàn kết nội bộ hơn; để nâng cao trình độ lãnh đạo của Đảng.
“Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình”. (HCM toàn tập, tập 7, trang 492).
Phương pháp tự phê bình và phê bình:
Mỗi đảng viên trước hết tự mình thấy rõ mình, để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, cũng giống như phải tự soi gương rửa mặt hàng ngày. Hơn nữa, nếu biết tự phê bình tốt thì mới phê bình người khác tốt được.
Đảng cũng tự phê bình và phê bình.
“Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. (HCM toàn tập, Tập 5, trang 261)
“Luôn luôn dùng” và “khéo dùng cách phê bình và tự phê bình”.
Đòi hỏi mọi người phải trung thực, chân thành với bản thân mình và với người khác, “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. (HCM toàn tập, tập 12, trang 498).
d. Kỷ luật nghiêm minh và tự giác.
Mục đích: để tạo nên sức mạnh to lớn của Đảng.
Bác rất coi trọng vấn đề này.
Yêu cầu cao nhất của kỷ luật Đảng là chấp hành các chủ trương, nghị quyết của Đảng và tuân thủ các nguyên tắc tổ chức, lãnh đạo và sinh hoạt Đảng, các nguyên tắc xây dựng Đảng.
Yêu cầu: mọi cán bộ đảng viên, không phân biệt lãnh đạo cao hay thấp, cán bộ lãnh đạo hay đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật Đảng.
Mỗi đảng viên ở mọi cương vị còn phải chấp hành nghiêm túc kỷ luật của các đoàn thể và pháp luật nhà nước.
Đảng ta là một tổ chức gồm những người tự nguyện phấn đấu cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, cùng đứng trong hàng ngũ để chiến đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho nên tự giác là một yêu cầu bắt buộc đối với mọi tổ chức Đảng và đảng viên.
e.Đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Đảng phải đoàn kết thành một khối vững chắc, toàn Đảng phải thống nhất ý chí và hành động, mọi đảng viên phải bảo vệ sự đoàn kết thống nhất của Đảng.
“Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. (HCM toàn tập, Tập 12, trang 510).
Phải xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng để làm nòng cốt cho việc xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong nhân dân.
Cơ sở để xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng chính là đường lối, quan điểm của Đảng và Điều lệ Đảng. Nó là cơ sở để tạo nên sự thống nhất về tư tưởng, về tổ chức, từ đó có sự thống nhất về hành động của Đảng.
Để xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, phải thực hiện và mở rộng dân chủ nội bộ, phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân.
Phải đoàn kết thống nhất các cán bộ lãnh đạo vì nó có ảnh hưởng đến sự đoàn kết thống nhất của nhiều cán bộ, đảng viên, đến toàn Đảng.
“Ngày nay, sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo. (HCM toàn tập, tập 7, trang 492)
6. Tăng cường và củng cố mối quan hệ bền chặt giữa Đảng với dân.
Đây là luận điểm rất quan trọng của Hồ Chí Minh.
- Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Cách mạng muốn thành công phải có Đảng lãnh đạo (luận điểm 1)
Từ năm 1930 đến nay, Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam và là người lãnh đạo duy nhất.
Từ năm 1945 đến nay, Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là Đảng cầm quyền.
Đảng không có quyền lợi gì riêng của mình ngoài quyền lợi của giai cấp, của dân tộc. Đảng không phải là bè nhóm để tranh địa vị, tranh tước lộc. Đảng gồm những người mà giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục.
Làm đầy tớ nhân dân: cán bộ đảng viên phải phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân trung thành, tận tuỵ.
“Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. (HCM toàn tập, tập 12, trang 510).
- Đảng lãnh đạo, dân là chủ.
Đảng cầm quyền là Đảng trực tiếp lãnh đạo Nhà nước, nhằm xây dựng Nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân. Trong bộ máy nhà nước, hầu hết cán bộ, đảng viên đều nắm giữ các cương vị chủ chốt ở các cấp chính quyền.
Không được cho phép Đảng ở trên dân, trên pháp luật.
Đảng cầm quyền, song dân là chủ:
“Bao nhiêu lợi ích đều là vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều là của dân. Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân… Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. (HCM toàn tập, tập 5, trang 698)
- Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với dân:
Lắng nghe ý kiến nhân dân, học hỏi dân.
Thường xuyên vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
Đảng phải có trách nhiệm nâng cao dân trí.
Nâng cao dân chúng, không theo đuôi quần chúng.
7. Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn
- Đảng phải vững mạnh mới giữ được vai trò lãnh đạo và nắm giữ được chính quyền.
Nếu không rèn luyện, sẽ đứng trước nguy cơ của Đảng cầm quyền: độc đoán, chuyên quyền dẫn đến sai lầm về đường lối; quan liêu, xa dân; cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất…Người nêu rõ:
“Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. (HCM toàn tập, tập 12, trang 557-558)
- Mục đích đổi mới và chỉnh đốn Đảng là làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm cho đội ngũ cán bộ đảng viên không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.
Đổi mới và chỉnh đốn Đảng phải được tiến hành thường xuyên.
Người chỉ rõ: Đảng sống trong xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên đều chịu ảnh hưởng của xã hội, cả cái tốt và cái xấu, cái hay và cái dở. Chỉ có thể phát huy được cái tốt, cái hay, loại bỏ được cái xấu, cái dở bằng việc rèn luyện thường xuyên của mỗi cán bộ đảng viên, thường xuyên chú ý đến việc chỉnh đốn Đảng.
Tháng 1/1949, phát biểu tại buổi lễ bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng, Người nói: “trước hết phải chỉnh đốn nội bộ Đảng” (HCM toàn tập, tập 5, trang 551).
Năm 1952, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của cuộc kháng chiến, Người nêu rõ:
“Đảng là đội ngũ tiên phong của giai cấp và dân tộc. Để làm tròn nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc, Đảng phải mạnh, toàn Đảng tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí”. (HCM toàn tập, tập 6, trang 463).
“Muốn lãnh đạo vững thì trước hết cán bộ đảng viên phải có tư tưởng và lập trường vững chắc để lãnh đạo, để xung phong gương mẫu. Vì vậy, chỉnh đốn Đảng là việc mà chúng ta phải làm ngay”. (HCM toàn tập, Tập 6, trang 465).
Trong Di chúc, Người nêu rõ sự cần thiết về chỉnh đốn Đảng: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng làm hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Theo ý tôi, việc cần phải là trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi” (HCM toàn tập, tập 12, trang 503).
- Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng trở thành quy luật tồn tại và phát triển của Đảng cầm quyền. Người nhấn mạnh tự đổi mới, tự chỉnh đốn trên những vấn đề sau đây:
Đảng phải luôn luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải luôn luôn xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Đội ngũ cán bộ đảng viên phải là những người toàn tâm toàn ý phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; phải là những người vừa có đức vừa có tài; phải là những người luôn luôn giác ngộ cách mạng, đi đầu trong mọi công tác. Đảng viên phải là những người thật sự gương mẫu trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Họ phải suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp của Đảng, của Tổ quốc, đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết, lên trước hết. Đảng viên phải có đạo đức cách mạng và lối sống lành mạnh.
Đảng phải đề phòng và khắc phục các biểu hiện tiêu cực, thoái hoá, biến chất, luôn giữ gìn Đảng trong sạch, vững mạnh.
Đảng phải tự vươn lên đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới. Muốn vậy, Đảng phải chú ý nâng cao tầm trí tuệ, tầm tư tưởng, nâng cao trình độ về mọi mặt.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top