Pháp cú 58, 59: Truyện hoa sen mọc lên từ lửa
"Như giữa đống rác nhơ
Bị quăng bỏ bên đường
Chỗ ấy hoa sen nở
Thơm ngát khiến người vui"
(IV-Phẩm Hoa, Pháp Cú 58)
"Cũng vậy giữa quần sinh
Ô nhiễm và tầm thường
Có nhiều đệ tử Phật
Tuệ giác như ánh dương"
(IV-Phẩm Hoa, Pháp Cú 59)
Tích Pháp Cú: Có 2 người bạn sống trong thời Đức Phật. Một người Quy Y theo Phật tên là Si-ri-pu-ta. Một người tên là Ga-ra-ha-đi-na tu theo ngoại đạo loã thể Ni Kiền Tử. Ni Kiền Tử chủ trương tu khổ hạnh và không mặc quần áo. Ni Kiền Tử có nhiều vị tu khổ hạnh đắc thần thông, ngồi thiền nhập được vào định. Đặc biệt các vị tu càng cao thì càng ăn mặc "thiếu vải". Ta chỉ cần nhìn phong cách thiếu vải là biết mức độ đắc đạo thấp cao của các thầy tu lõa thể.
Vị thầy Ni Kiền Tử nói với Ga-ra-ha-đi-na rằng:
- Con có người bạn thân gia đình khá giả sao không khuyên theo ta mà lại theo Sa Môn Gô-ta-ma?
Ga-ra-ha-đi-na về gặp Si-ri-pu-ta khuyên tu theo lõa thể thì hai bên tranh cãi. Rồi Si-ri-pu-ta nói:
- Anh bảo bên anh các thầy Thần thông cao siêu. Vậy anh để tôi làm bữa trai tăng và anh mời các vị đó đến dự.
Ga-ra-ha-đi-na về gặp các thầy Ni Kiền Tử trình bày và mời thầy đến dự. Ở nhà Si-ri-pu-ta chế ra các loại bẫy: Đồ ăn chỉ có 1 lớp mỏng ở trên còn dưới toàn đất. Ghế thì cưa chân xong gá lại cho đứng hờ...
Sáng hôm sau các thầy Ni Kiền Tử đến theo hẹn và Si-ri-pu-ta ra đón ở cửa. Khi đứng ở cửa thì tâm anh nói thầm: "Thưa các vị, trong này đồ ăn không có và các thứ đều rất nguy hiểm. Mong các vị đừng vào". Nhưng các thầy Ni Kiền Tử không đọc được tâm chàng ta nên họ vẫn đi qua cửa vào nhà.
Khi mọi người đã an tọa thì Si-ri-pu-ta giật dây khiến toàn bộ ghế gãy rời và đồ ăn đổ ra chỉ thấy toàn là đất. Các Ni Kiền Tử giận dữ ra về. Còn Ga-ra-ha-đi-na căm thù cậu bạn vì đã chơi khăm. Nhưng Ga-ra-ha-đi-na giả vờ không giận. Thời gian sau anh đến nói với Si-ri-pu-ta rằng:
- Này bạn, tôi thấy phái Ni Kiền Tử rất tầm thường chẳng có gì hay ho. Nay tôi muốn Quy Y theo Sa Môn Gô-ta-ma vì tiếng tăm uy tín của Ngài. Vậy anh có thể mời Người đến nhà tôi dự trai tăng để tôi cúng dường và xin được quy y không?
Si-ri-pu-ta đồng ý và thỉnh Phật đến nhà Ga-ra-ha-đi-na dự trai tăng. Ở nhà thì Ga-ra-ha-đi-na làm những cái bẫy chết người. Toàn bộ nền nhà anh làm thành hầm lửa than hồng. Phía trên anh che chắn xếp đặt bàn ghế đồ ăn như bình thường.
Khi Phật và tăng đoàn tới thì Ga-ra-ha-đi-na đứng ở cửa nói thầm trong tâm: "Nếu Ngài có thần thông thì Ngài không nên vào vì bên trong là bẫy chết người". Nhưng Đức Phật vẫn bước qua cửa vào nhà.
Khi Phật bước lên nền nhà thì toàn bộ nền nhà sụp xuống lộ rõ hầm lửa bên dưới. Phật không dừng lại. Người vẫn bình thản bước tiếp. Mỗi bước đi của Phật hiện ra một đóa hoa sen đỡ bước chân Đức Phật. Rồi lửa tự động tắt. Phật và chư tăng ngồi an tọa. Ga-ra-ha-đi-na bèn quỳ xuống sám hối và nói:
- Bạch Thế Tôn, con không hề chuẩn bị thức ăn và đây chỉ là sự trả thù.
- Không, thức ăn đã có đầy đủ. Đây là cơm, đây là cháo...
Phật chỉ đến đâu thì thức ăn hiện ra theo đúng lời nói của người. Sau khi mọi người thọ trai xong thì Phật thuyết pháp. Thuyết pháp xong Phật đọc bài kệ Pháp cú:
"Như giữa đống rác nhơ
Bị quăng bỏ bên đường
Chỗ ấy hoa sen nở
Thơm ngát khiến người vui"
(IV-Phẩm Hoa, Pháp Cú 58)
"Cũng vậy giữa quần sinh
Ô nhiễm và tầm thường
Có nhiều đệ tử Phật
Tuệ giác như ánh dương"
(IV-Phẩm Hoa, Pháp Cú 59)
Phật đọc xong bài kệ thì Ga-ra-ha-đi-na chứng Sơ quả Dự Lưu vì tâm chàng quá xúc động, quá tôn kính Phật và quá hối hận. Cũng trong buổi thuyết pháp đó có rất nhiều người đắc đạo vì hình ảnh Đức Phật bước trên hầm lửa cháy. Mỗi bước chân của Phật là một bông hoa sen hiện ra nâng đỡ bước chân người. Hình ảnh đó thật đẹp, thật diệu kỳ gây xúc động mạnh mẽ và lòng tôn kính Phật trào dâng.
Bài học kinh nghiệm:
Bài học 1: Hoa sen biểu tượng Phật Giáo
"Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".
Hoa sen mọc lên giữa bùn dơ tanh hôi bẩn thỉu. Thế nhưng hoa sen lại có hương thơm thanh tịnh "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Bài kệ Pháp Cú ta thấy Phật sử dụng hình ảnh hoa sen để ví đệ tử Phật đạo đức trí tuệ sáng ngời. Nhưng những vị thánh đạo đức đệ tử Phật đó lại sinh ra trong xã hội đầy nhiễm ô, tham sân si, ác độc.
Về sau hình ảnh hoa sen được dùng làm biểu tượng của đạo Phật. Tôi nghĩ có thể xuất phát điểm của biểu tượng Hoa Sen chính từ Tích Pháp Cú này.
Bài học 2: Khổ hạnh cực đoan và Trung đạo
Sau 6 năm tu khổ hạnh cực đoan sai lầm thì Sa môn Cồ Đàm ăn uống trở lại bình thường. Rồi Người ngồi thiền dưới gốc cây Bồ Đề bên bờ sông Ni Liên Thiền 49 ngày thì đắc đạo thành Phật. Sau đó bài Pháp đầu tiên mà Phật giảng cho 5 anh em Kiều Trần Như ở Vườn Lộc Uyển là Kinh Chuyển Pháp Luân. Kinh đó nói về con đường Trung đạo: "Khổ hạnh quá là sai lầm, hưởng thụ vật chất quá cũng sai lầm. Ta phải sống với một cơ thể khoẻ mạnh và tinh thần minh mẫn nhưng không quá quá hưởng thụ dục lạc thế gian. Chỉ có con đường Trung đạo cân bằng ở giữa mới đúng Chánh pháp, mới có thể đắc đạo".
Ta còn nhớ "Pháp Cú 35: Người đọc được tâm" kể về mẹ của Ma-ti-ca chứng Nhị quả. Rồi Bà nhập định quan sát thấy 60 vị Tỳ kheo thấy không ai đắc đạo. Bà tiếp tục quan sát xem các vị có duyên đắc đạo không thì thấy có. Rồi bà quan sát tìm nguyên nhân sao không đắc đạo thì thấy vì ăn uống thiếu thốn.
Thế nên ai tu khổ hạnh cực đoan đày đoạ cơ thể sẽ không thể đắc đạo. Nhưng ai ăn uống quá mức, hưởng thụ sơn hào hải vị (Phật gọi là "Ăn uống thiếu tiết độ") cũng chẳng thể tu hành. Vì sao?
Bởi vì "ăn no rửng mỡ". Bản năng con người cũng như mọi loài vật cứ ăn no thì nhu cầu tình dục kéo đến nên chẳng thể tu. Phật khuyến khích "ăn uống có tiết độ" là ăn uống vừa đủ để nuôi cơ thể khỏe mạnh để tu hành. Đó chính là "Con đường trung đạo".
Trong Tiểu Kinh Khổ Uẩn thuộc Trung Bộ Kinh Nikaya thì Đức Phật có nói rõ triết lý và lỗi sai của trường phái thiền khổ hạnh Ni Kiền Tử như sau:
Thiền khổ hạnh Ni Kiền Tử chủ trương: "Chúng ta không đắc đạo là vì còn ác nghiệp ngăn cản. Nếu chờ ác nghiệp đến sẽ mất nhiều kiếp. Vậy ta nên chủ động dùng Khổ hạnh cực đoan để trả nợ ác nghiệp. Khi ác nghiệp trả nợ xong chính là lúc ta đắc đạo".
Nghe rất Logic và hợp lý. Bất kỳ ai hiểu Nhân Quả cũng thấy lý thuyết này rất đúng. Nhưng Phật đã chỉ cho Ni Kiền Tử cái sai cơ bản của lý thuyết đó. Lý thuyết đó chỉ sai duy nhất một chữ "Duyên".
Phật dạy rằng "Vạn hữu do duyên sinh". Không có duyên thì không thể có kết quả. Năng lực như Phật cũng không thể cưỡng lại duyên nên "Định nghiệp Phật không thể cứu". Định nghiệp là quả báo tới khi duyên hội đủ thì Đức Phật không thể cứu. Phật luôn thấy rõ duyên, lợi dụng duyên để hóa độ chúng sinh mà đạt kết quả vĩ đại. Cho nên Tiểu Kinh Khổ Uẩn thì Đức Phật đã dạy Ni Kiền Tử cái sai trong giáo lý Khổ hạnh cực đoan của họ là:
"Khổ do ác nghiệp theo duyên sẽ đến ở tương lai. Nay ta chủ động dùng Khổ hạnh này ở hiện tại để hi vọng trả nợ ác nghiệp trong hiện tại là không được. Ác nghiệp ta đã gây ra là khẩu nghiệp hay ý nghiệp. Nay ta dùng cái khổ ở thân thể để trả nợ cho khẩu nghiệp hay ý nghiệp là không được".
Bài học 3: Khổ hạnh đúng chánh pháp trong thiền
Thế vì sao Tu thiền khổ hạnh Ni Kiền Tử sai lầm lại có thần thông, còn nhập được vào định? Sự thật rằng Khổ hạnh có kết quả nhưng chỉ kết quả nhỏ bé.
Ta biết vì Khổ hạnh có kết quả rõ ràng nên Sa-môn Cồ Đàm khi chưa thành Phật đã tu theo mất 6 năm sai lầm. Ta thấy trí tuệ của Sa môn Cồ Đàm đắc cảnh giới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng là tầng thứ 4 trong 5 tầng xứ định không phải tầm thường. Trước khi Sa môn Cồ Đàm thành Phật thì đây là kết quả vĩ đại nhất của giới tu sỹ. Và Đức Phật là vị tu sỹ đầu tiên trên thế giới đắc tầng xứ định thứ 5 A-la-hán viên mãn mà thành Phật. Sau đó Phật dạy lại con đường tu đó cho đệ tử khiến nhiều vị đắc A-la-hán.
Thế nhưng tu Khổ hạnh dù sai lầm vẫn đắc đạo có thần thông là một điều bí mật. Bí mật tới mức Sa môn Cồ Đàm mất sáu năm tu theo mới phát hiện ra bị sai. Sau đây là bí mật được ghi ở đoạn cuối Tiểu Kinh Khổ Uẩn: "Khổ hạnh trong thiền giúp tu sĩ ly dục, ly ác pháp chứ không đắc A-la-hán":
"Khi ngồi thiền và chịu cái đau khổ hạnh thì hành giả thấy Tham dục không khởi. Khi xả thiền thì Tham dục lại hiện ra. Vậy nên hành giả hãy dùng Khổ hạnh trong thiền để diệt trừ Tham dục.
Khi ngồi thiền và chịu cái đau khổ hạnh thì hành giả thấy Ác pháp không khởi. Khi xả thiền thì Ác pháp lại hiện ra. Vậy nên hành giả hãy dùng Khổ hạnh trong thiền để diệt trừ Ác Pháp.
Sau một thời gian tu thiền Khổ hạnh vị hành giả đó chứng ly dục, ly ác pháp. Tại đó vị đó chứng và an trú thiền Thiền thứ nhất, một trạng thái hỉ lạc do ly dục sinh còn tầm còn tứ.
Kể từ đó, vị đó ngồi thiền không còn thấy đau khổ nữa. Vì cái Khổ trong thiền do bản ngã Tham dục và Ác pháp tạo ra để ngăn vị đó tu hành. Hay diệt xong Tham dục và Ác pháp thì vị đó ngồi thiền không còn khổ. Tâm vị đó chỉ còn hỉ lạc do ly dục sinh".
Chính vì Ni Kiền Tử dùng khổ hạnh để tu đã vô tình ly dục, ly ác pháp chứng Thiền thứ nhất. Vị đắc đạo trong Ni Kiền Tử có thần thông, nhập được định sơ thiền.
Đặc biệt, có phái Lõa thể của Ni Kiền Tử còn dùng ngay cơ thể để chứng minh sự đắc đạo. Vị đắc đạo phái đó không mặc quần áo đi ngoài đường gặp các cô gái xinh đẹp mà không động dục vì các vị đã ly dục. Cho nên phái thiền Lõa thể thời Đức Phật thu hút được nhiều tín đồ bởi họ dùng bộ phận sinh dục để chứng minh "Ta đây đã đắc đạo làm thánh".
Còn các vị thánh trong đạo Phật không dùng mục đích đắc đạo Ly dục. Các vị tu với mục đích trí tuệ giác ngộ thấy được chân lý chánh pháp. Còn khi cần chứng minh thể hiện thì các vị dùng thần thông như Đức Phật dùng thần thông trong truyện này vậy.
Bài học 4: Sự cố chấp của Ga-ra-ha-đi-na
Si-ri-pu-ta chơi khăm các thầy Ni Kiền Tử là để chứng minh cho Ga-ra-ha-đi-na thấy rằng các vị đó chưa ai đắc đạo. Còn Ga-ra-ha-đi-na cố chấp và trả thù nặng hơn gấp nhiều lần. Các thầy Ni Kiền Tử bị chơi khăm ngã ngửa bổ nhào thì anh trả thù khiến Sa Môn Gô-ta-ma chết trong lửa.
Đó là tâm lý thường tình của phàm phu tục tử. Đa phần ta không thấy ta sai. Khi một kẻ nói ta sai thì ta không nhìn lại bản thân để sửa. Ta lại tìm cách trả thù thâm độc gấp nhiều lần để hả giận. Đặc biệt kẻ đó xúc phạm đến điều ta tôn kính, điều ta yêu quý hay điều ta trân trọng.
Ví như bà hoàng hậu Ma-gan-bi-da tự hào vì sắc nước hương trời. Rồi bà gặp Phật thì Phật bảo: "Cơ thể đó coi vẻ ngoài vậy mà bên trong chứa đầy đồ tiêu tiểu. Ta không thèm đụng đến dù chỉ là ngón chân". Đó là sự thật 100%. Ai mà chẳng có thân thể vẻ ngoài là da bọc bên trong là mớ hỗn độn: xương, thịt, gân, cơ, phủ, tạng, đờm, rãi, máu, mủ và tiêu tiểu chưa bài tiết. Nhưng cô gái Ma-gan-bi-da không thấy nó là chân lý. Bà lại căm thù Phật và trả thù.
Bài học 5: Thần thông và đắc đạo
Ta thấy trước quang cảnh hầm lửa cháy mà Phật bình an bước lên hư không. Mỗi bước chân Phật có một đóa sen hiện ra đón lấy. Rồi đồ ăn hiện ra theo đúng lời Phật... Thế nhưng không ai vì thần thông đó mà đắc đạo. Chỉ khi Phật giảng pháp và đọc bài Pháp Cú thì mọi người mới vỡ òa đắc đạo.
Vậy nên thần thông không làm cho con người ta đắc đạo. Nó chỉ làm mềm tâm người quan sát, khiến tâm họ xúc động, tôn kính vị thánh đó mãnh liệt. Và chỉ đến lúc Chánh pháp được nói ra thì mọi người mới tìm được chân lý mới giác ngộ đắc đạo.
Có Thần thông mà thiếu Chánh pháp không thể đắc đạo. Có Chánh pháp mà không có Thần thông để khuất phục tâm người nghe cũng khó đắc đạo. Vậy nên hai thứ đó Thần thông và Chánh pháp phải song hành phối hợp mới hay. Cho nên Đức Phật mới có 2 vị Đại đệ tử thống lĩnh tăng đoàn là Tôn giả Xá Lợi Phất trí tuệ Chánh pháp đệ nhất và Tôn giả Mục Kiền Liên Thần thông đệ nhất. Hai vị phối hợp với nhau đã giáo hóa được rất nhiều người chứng A-la-hán.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top