Pháp cú 47: Truyện vua Ba Tư Nặc và dòng họ Thích Ca diệt vong
"Người nhặt các loại hoa
Ý đắm say tham nhiễm
Bị thần chết mang đi
Như lũ cuốn binh lính"
(IV-Phẩm Hoa, Pháp Cú 47)
Tích Pháp Cú: Nước Thích Ca là quê hương của Đức Phật với kinh thành Ca Tỳ La Vệ, với hoàng tộc dòng họ Thích Ca. Điều đó ai cũng biết. Nhưng điều đáng nói là dòng họ Thích Ca da trắng. Hoàng tộc Thích Ca da trắng sống giữa thiên hạ da đen nên họ phân biệt chủng tộc nặng nề. Họ tự coi mình là "Chủng tộc da trắng thượng đẳng cao quý". Đó là sự khởi đầu của một câu chuyện và mối họa diệt vong.
Phía tây nước Thích Ca là đại quốc Ko-sa-la rộng lớn do vua Ma-ha-Ko-sa-la trị vì. Do là một tiểu quốc nhỏ cạnh một đại quốc to lớn nên nước Thích Ca chịu cúi đầu khuất phục Ko-sa-la. Nước Thích Ca thường xuyên bị đồn ép và buộc phải cống nộp các vùng đất màu mỡ. Họ di chuyển dần về phía đông nơi đất đai khô cằn sỏi đá. Trong tâm dòng họ Thích Ca thù hận Ko-sa-la. Đồng thời họ cũng coi thường Ko-sa-la vì hoàng tộc nước đó da đen.
Vua Ma-ha-Ko-sa-la có con trai là Ba Tư Nặc (Ba-sê-la-đi). Hoàng tử Ba Tư Nặc đi về trung tâm Ấn Độ vùng Hoa Vị Thành. Ngài nghe tin ở đó có một cao nhân dạy học (cũng có thể là một trường học uy tín chuyên dạy vua chúa).
Tới Hoa Vị Thành Ba Tư Nặc gặp 2 hoàng tử ở 2 xứ khác và họ làm bạn học của nhau. Đó là hoàng tử Ma-ha-li xứ Ku-xi-la-ra (kinh A-Hàm gọi là Câu Thi Na, chính xứ đó về sau Phật nhập Niết Bàn). Và một hoàng tử khác tên là Ban-đu-ra xứ Ma-la phía nam nước Thích Ca.
Sau khi học xong 3 người chia tay và thề sẽ giữ trọn tình bạn mãi mãi. Do học chung nên 3 người hiểu rõ tài nghệ và sở trường của nhau.
Hoàng tử Ba Tư Nặc quay về Ko-sa-la. Vua cha hỏi "Con học được gì?" Hoàng tử trình bày cho cha về văn thao võ thuật và sách lược trị quốc an dân bình thiên hạ. Cha ưng ý bèn truyền ngôi cho Hoàng tử. Vua Ba Tư Nặc cùng tuổi Đức Phật. Khi Phật 29 tuổi thì rời hoàng cung làm Sa môn còn vua Ba Tư Nặc lên ngôi vua. Vua Ba Tư Nặc cũng mất cùng năm với Phật. Ngài thọ 9*9=81 tuổi (cả tuổi mụ). Do vậy 2 vị có duyên gắn bó. Ta hay thấy vua Ba Tư Nặc xuất hiện trong Tích Pháp Cú là vậy.
Còn hoàng tử Ma-ha-li sau khi về Câu Thi Na đã truyền dạy hết kiến thức cho các hoàng thân xứ đó. Sau đó chàng bị mù nhưng kinh không nói rõ nguyên nhân. Chàng được các vị vương công hoàng tộc yêu quý kính trọng như một vị thầy vĩ đại của nước Câu Thi Na.
Còn hoàng tử Ban-đu-ra có võ nghệ cao thâm. Các hoàng tử khác xứ Ma-la muốn thử thách và muốn hạ thấp uy tín chàng nên họ đề nghị Ban-đu-ra trổ tài. Ban-đu-ra nói rằng: "Một nhát gươm của ta chặt đứt một bó tre to 1 người ôm".
Mọi người mang các bó tre đến cho Ban-đu-ra trổ tài. Chàng rút gươm chặt các bó tre đều đứt đôi nhưng có một bó không đứt. Đó là vì lõi các ống tre bó đó bị nhét sắt. Ban-đu-ra bị thua bèn tức giận bỏ xứ Ma-la qua xứ Ko-sa-la. Ban-đu-ra gặp vua Ba Tư Nặc kể sự tình và được vua Ba Tư Nặc phong làm đại tướng quân quản lý quân đội nước Ko-sa-la.
Vua Ba Tư Nặc lên ngôi được 6 năm cũng là lúc Đức Phật đắc đạo. Thời gian sau vua được thám báo báo tin cho biết có một vị Sa Môn tu hành đắc đạo thành Phật là bậc Thế Tôn thầy của trời người. Hiện vị đó đang trong thành Xá Vệ tại Tinh xá Kỳ Viên vườn ông Cấp Cô Độc. Ông Cấp Cô Độc là một đại phú gia tiền bạc quyền lực mạnh nhất nước Ko-sa-la. Đến mức vua Ba Tư Nặc cũng phải nể sợ ông.
Ngày hôm đó, vua Ba Tư Nặc chủ động đứng trên lầu cao quan sát tăng đoàn Đức Phật. Tăng đoàn đó uy nghi trang nghiêm thanh tịnh dẫn đầu là một vị Sa Môn cao lớn da trắng thân như tỏa hào quang. Đoàn người đang đi đến nhà ông Cấp Cô Độc. Vua thấy ông Cấp Cô Độc quỳ từ ngoài ngõ đón rước. Vua Ba Tư Nặc ngạc nhiên tột độ. Một vị đại phú gia quyền lực tiền bạc nhất nước đến vua phải nể sợ mà lại quỳ lạy tôn kính vị Sa Môn đó như vậy.
Vua cho điều tra thêm thì biết rằng: "Không chỉ ông Cấp Cô Độc mà toàn bộ vương quan và giới Bà-la-môn cao quý ở thành Xá Vệ đã Quy Y Phật. Họ đều nhận vị Sa Môn đó làm thầy. Chưa dừng lại tại đó mà toàn bộ thành Vương Sá của đại quốc Ma Kiệt Đà lân bang và cả vua Bình Sa cũng quy y Phật".
Ngạc nhiên hơn nữa khi vua Ba Tư Nặc biết rằng vị Sa Môn đó là Thái tử nước Thích Ca phía đông Ko-sa-la. Thái Tử Thích Ca đã bỏ ngôi vua xuất gia tu hành và đắc đạo thành Phật.
Vua nghĩ: "Một vị làm thầy toàn bộ giai cấp quý tộc, phú hào, Bà la môn thành Xá Vệ, còn là thái tử nước Thích Ca, lại là thầy của vua Bình Sa đại quốc Ma Kiệt Đà. Vậy nếu ta không làm theo họ thì họ sẽ chống lại ta". Thế là vua Ba Tư Nặc quy y Phật.
Sau đó vua Ba Tư Nặc làm theo ông Cấp Cô Độc là thỉnh tăng đoàn đến dự trai tăng. Vì vua không thật tâm cầu đạo nên Phật không đến, chỉ có chư tăng đến. Việc đón tiếp cũng không chu đáo. Vua không tham dự mà sai người hầu trong cung dự. Nên các lễ trai tăng càng ngày càng nhạt nhẽo và các Tỳ kheo ít dần. Cuối cùng chỉ còn duy nhất một mình Ngài A-Nan tham dự.
Vua phát hiện lễ trai tăng chỉ có 1 vị đến dự bèn đến Tinh xá Kỳ Viên vườn ông Cấp Cô Độc hỏi Phật:
- Bạch Thế Tôn, vì sao con thỉnh các Tỳ kheo đến dự trai tăng mà chỉ có 1 vị đến dự?
- Này Đại vương, các Tỳ kheo không bao giờ đến một nơi mà bị người khác xem thường.
Việc vua Ba Tư Nặc mời Phật và tăng đoàn đến dự trai tăng. Nhưng vì tâm vua xem thường nên Phật và tăng đoàn không đến đã lan truyền trong thành Xá Vệ.
Vua nghe tin thám báo báo vậy thì sợ hãi. Vua bèn tính kế để lấy lòng Phật. Vua biết Phật là Thái Tử nước Thích Ca. Vậy muốn lấy lòng Phật thì kế thượng sách là làm thông gia với Phật. Vua Ba Tư Nặc bèn cử xứ giả qua kinh thành Ca Tỳ La Vệ xin cầu hôn công chúa nước Thích Ca.
Thời gian đó vua Tịnh Phạn đã qua đời. Vua mới là Ma-ha-na-ma, là em cùng cha khác mẹ với Phật. Vua Ma-ha-na-ma là con bà Kiều Đàm Di, em ruột của Nan Đà (Ta chú ý: hoàng tử Nan-đà kém Phật 7 ngày tuổi. Bà Kiều Đàm Di đã dùng sữa của mình để nuôi 2 anh em khôn lớn. Sau Nan-đà theo Phật đi tu).
Khi đó toàn bộ triều đình nước Thích Ca bối rối vì không thể gả công chúa dòng họ Thích Ca da trắng cao quý cho "cái thằng mọi da đen hạ đẳng" dù nó là vua đại quốc Ko-sa-la. Chính tâm phân biệt chủng tộc màu da này đã mang đến cái hoạ diệt vong của dòng họ Thích Ca ở tương lai.
Vua Ma-ha-na-ma ngoại tình với người hầu gái và có con gái. Cô gái đó da trắng và xinh đẹp. Vua quyết định gả con gái của người hầu đó cho vua Ba Tư Nặc và nói dối là công chúa nước Thích Ca.
Hôn lễ được tổ chức và vua Ba Tư Nặc rất yêu vương phi mới vì xinh đẹp trắng trẻo. Vua không biết đó là con gái người hầu không thuộc hoàng tộc Thích Ca. Vua Ba Tư Nặc có con trai với "Công chúa nước Thích Ca" là hoàng tử Lưu Ly.
Ngày hoàng tử Lưu Ly ra đời thì bầu trời u ám mây đen vần vũ. Đây là điềm báo cho một tương lai đen tối của cả 2 Thích Ca và Ko-sa-la. Lớn lên hoàng tử Lưu Ly tài giỏi văn võ song toàn. Nhưng đặc biệt hoàng tử không bao giờ thấy người bên ngoại sang thăm. Chàng hỏi mẹ nhiều mà mẹ không nói. Chàng muốn cùng mẹ về thăm ông ngoại mà mẹ không cho.
Khi hoàng tử Lưu Ly 16 tuổi là tuổi trưởng thành. Chàng báo với cha rằng chàng sẽ về thăm quê ngoại. Vua Ba Tư Nặc đồng ý và sai tuỳ tùng hộ tống.
Bước vào hoàng cung nước Thích Ca thì hoàng tử Lưu Ly ngạc nhiên vì tin đã báo trước đó rất lâu mà không ai đón tiếp. Chàng gặp ông ngoại là vua Ma-ha-na-ma thì thấy ông ngoại lạnh nhạt hờ hững. Điều đó đánh mạnh vào lòng tự ái của một vị hoàng tử đại quốc Ko-sa-la. Người mà từ khi sinh ra đã được đại vương Ba Tư Nặc yêu quý và bá quan văn võ đều nể trọng.
Mọi người cứ xa lánh và lạnh nhạt với chàng. Khi ăn cơm với ông ngoại thì chàng không được ngồi chung bàn với ông. Hoàng tử Lưu Ly đã 16 tuổi. Chàng đã trưởng thành và hiểu sự đời. Chàng thấy rất lạ nhưng không thể giải thích. Rồi hoàng tử và tùy tùng cáo từ ông ngoại ra về.
Trên đường về thì một người lính trong đoàn để quên cây gươm. Anh ta hoảng sợ vì theo quân pháp mất vũ khí sẽ bị xử tội rất nặng. Anh cắm đầu chạy trở lại hoàng cung lấy lại cây gươm một cách bí mật.
Khi đó có 2 người hầu đang bị bắt phải cọ rửa cái ghế mà hoàng tử Lưu Ly ngồi bằng loại sữa đặc biệt cho thật sạch. Họ vừa làm vừa buôn truyện với nhau Người lính đã nghe được câu chuyện động trời là: "Công chúa nước Thích Ca cưới vua Ba Tư Nặc thật ra là con một người hầu gái không thuộc đẳng cấp Thích Ca".
Người lính này cấp tốc về báo lại cho hoàng tử Lưu Ly. Hoàng tử Lưu Ly nghe vậy thì sân hận sục sôi và thề rằng: "Hôm nay bọn chúng rửa cái ghế ta ngồi bằng sữa. Ngày mai ta sẽ rửa lưỡi gươm của ta bằng máu của bọn chúng".
Hoàng tử về thành Xá Vệ thì tin đồn đã tới trước. Vua Ba Tư Nặc chặn không cho hoàng tử Lưu Ly vào cung. Vua đuổi 2 mẹ con khỏi hoàng cung giáng làm thường dân. Khi đó Đức Phật đã đến gặp vua Ba Tư Nặc và Phật hỏi vua:
- Này đại vương, vai trò của người cha hay của người mẹ là quan trọng?
- Bạch Thế Tôn, vai trò của cha là quan trọng.
- Đúng vậy đại vương. Và này đại vương người con sẽ kế thừa tính cách của cha hay của mẹ?
- Bạch Thế Tôn, người con sẽ kế thừa tính cách cha.
- Đúng vậy đại vương. Và này đại vương trong hôn nhân thì vai trò người chồng là quan trọng hay người vợ là quan trọng?
- Bạch Thế Tôn, vai trò của người chồng là quan trọng.
- Đúng vậy đại vương. Vương phi là con ruột của vua Ma-ha-na-ma tức là hoàng tộc chứ không thể là người hầu. Vương phi lấy Đại vương sinh ra hoàng tử Lưu Ly thì hoàng tử theo vua và thừa kế vai trò của vua chứ không thể theo mẹ.
Vua Ba Tư Nặc hiểu ra bèn phục chức cho vương phi và hoàng tử. Hoàng tử Lưu Ly mang ơn Phật nhưng lòng thù hận với dòng thọ Thích Ca thì không nguôi. Chuyện về hoàng tử Lưu Ly tạm dừng ở đây.
Ta tiếp tục kể về tướng quân Ban-đu-ra thống lĩnh quân đội nước Ko-sa-la. Tướng quân lấy vợ và vô cùng thương yêu vợ. Thế nhưng vợ Ngài nhiều lần xảy thai. Một lần vợ Ban-đu-ra được gặp Phật và Phật chúc phúc. Sau đó bà có thai. Khi mang thai thì bà có tâm lý kỳ lạ là mong ước được tắm trong hồ sen ở hoàng cung xứ Câu Thi Na. Thời nhỏ có lần bà đi qua hồ sen đó và ao ước được tắm trong đó. Nay có thai tự dưng tâm đó hiện ra mãnh liệt.
Tướng quân Ban-đu-ra yêu vợ tha thiết. Ông quyết tâm thực hiện mong ước của vợ. Ông mang theo một cây cung, một thanh gươm, đánh một cỗ xe ngựa trở vợ đến kinh thành Câu Thi Na. Ông đi vào hoàng cung như chỗ không người. Ông cho vợ tắm trong hồ sen còn mình đứng gác.
Các hoàng tử và lính cận vệ hoàng cung muốn lao vào đánh. Nhưng thầy giáo mù Ma-ha-li đã ngăn cản:
- Ta với tư cách là giáo thọ của hoàng cung cấm không ai được động thủ.
Các hoàng tử lúc đầu vâng lời thầy. Nhưng khi Ban-đu-ra cho vợ tắm xong lên xe ngựa rời hoàng cung thì các hoàng tử đuổi theo. Vợ Ban-đu-ra thấy đằng sau binh lính đuổi theo bèn nói với chồng:
- Anh ơi, đằng sau có binh lính đuổi theo.
- Em yêu, khi nào em thấy đoàn người đó đi vào đoạn đường thẳng và họ nối nhau thành một hàng thì báo anh biết.
Trước khi các hoàng tử đuổi theo thì thầy giáo mù Ma-ha-li đã căn dặn họ rằng:
"Các con không nên đuổi theo. Nếu đã đuổi rồi thì đến đoạn đường thẳng phải quay về. Nếu không quay về mà thấy xe ngựa của tướng quân Ban-đu-ra chạy chậm rồi nghiêng một bên thì lập tức bỏ chạy".
Tất cả các lời dạy của thầy giáo mù Ma-ha-li bị các hoàng tử bỏ ngoài tai và quên sạch.
Khi đoàn người đi vào một đoạn đường thẳng thì xe ngựa tướng quân Ban-đu-ra chạy chậm lại, nghiêng một bên. Cây đại cung nặng trăm ký đã được kéo. Một mũi tên xé gió bay đi xuyên qua toàn bộ đoàn người rồi chui vào lòng đất.
Xe ngựa Ban-đu-ra dừng lại và đoàn người vẫn đuổi theo. Tướng quân Ban-đu-ra nói:
- Ta không đánh nhau với các ngươi vì các ngươi là những người đã chết.
- Chúng tôi chưa chết.
- Các ngươi hãy tháo đai bụng ra xem.
Các hoàng tử tháo đai bụng thì thấy thủng lỗ to. Họ quấn chặt đai lại chạy về hoàng cung Câu Thi Na thì chết hết không ai sống sót.
Vợ tướng quân Ban-đu-ra sinh đôi được 2 con trai. Sau đó đều đặn mỗi năm bà lại hạ sinh 1 lần mỗi lần được 2 con trai. Sau 16 năm thì tướng quân Ban-đu-ra có 32 người con trai. Các con trai tướng quân Ban-đu-ra đều tinh thông võ nghệ. Họ cùng cha nắm trọn quyền lực quân đội nước Ko-sa-la.
Lần đó ở thành Xá Vệ có vụ án giết người. Vụ án được các quan tòa xét xử nhưng vì họ ăn đút lót nên xử không công minh. Người bị oan liên tục kêu oan lên vua Ba Tư Nặc. Vua bèn giao cho tướng quân Ban-đu-ra xét xử.
Ban-đu-ra văn võ toàn tài. Ông xét xử công minh điêu luyện và tìm ra thủ phạm. Thủ phạm cúi đầu nhận tội và kẻ oan được giải thoát. Từ đó tin đồn tướng quân Ban-đu-ra tài giỏi, quang minh, chính trực lan toả khắp thành Xá Vệ. Còn các quan tòa là đồ tham nhũng ăn đút lót. Các quan tòa xấu hổ tức giận nên bày mưu kế hãm hại Ban-đu-ra.
Họ thêu dệt tin tức giả rằng: "Tướng quân Ban-đu-ra cùng 32 người con có kế hoạch cướp ngôi". Ta biết điều mà vua sợ nhất là bị cướp ngôi. Mà kẻ dễ cướp ngôi nhất chính là kẻ nắm giữ quân đội trong tay. Tin đồn đó lan rộng toàn thành Xá Vệ. vua Ba Tư Nặc ban đầu không tin nhưng sau thì tin. Vua Ba Tư Nặc bèn lên kế hoạch tiêu diệt 33 cha con Ban-đu-ra.
Ta nhớ vua Ba Tư Nặc là bạn học với Ban-đu-ra nên biết rõ sở trường của tướng quân. Về võ công vua thua tướng quân, nhưng về mưu kế thì vua hơn tướng quân một bậc.
Vua âm thầm sai một toán người thân cận ra biên giới nổi loạn. Vua gọi tướng quân Ban-đu-ra lên và giao trọng trách cùng các con đi dẹp loạn biên ải. Rồi 33 cha con bị trúng độc chết hết ở đó.
Vợ của Ban-đu-ra sau khi được gặp Phật chú nguyện giúp bà hạ sinh. Bà đã quy Y Phật và tu đắc đạo Sơ quả Dự Lưu. Bà nghe tin báo chồng và các con đều chết. Bà vẫn bình thản cúng dường trai tăng.
Khi đó, Phật nói với bà rằng đây là quả báo của các ác nghiệp quá khứ, nặng nhất là tội giết toàn bộ hoàng thân xứ Câu Thi Na. Phật còn nói tướng quân và các con bị chết vì bị nghi oan cướp ngôi. Nhưng thực tế Ban-đu-ra hoàn toàn trong sạch. Cho nên bà bình thản nhận xác chồng và các con rồi cử hành tang lễ hỏa táng theo nghi thức.
Thám tử về báo với vua Ba Tư Nặc rằng vợ Ban-đu-ra nghe tin chồng con chết thì bình thản không gào khóc. Đức Phật ở tại đó cũng đã xác thực rằng tướng quân Ban-đu-ra trong sạch không có ý tạo phản. Vua Ba Tư Nặc nghe vậy buồn bã hối hận. Kể từ đó tâm vua bất ổn không sáng suốt. Nên vua có một quyết định nguy hiểm. Để hối lỗi vua phong cho cháu ruột của Ban-đu-ra tên là Đi-a-ca-ga-ra-ga làm quan thân cận bên vua.
Lần đó vua nghe Phật ở gần Câu Thi Na. Vua có duyên sự ở gần đó nên xin vào đảnh lễ Phật. Phật ở trong căn nhà bạt dựng tạm. Theo nghi thức thời đó thì vua đảnh lễ Phật sẽ không được mang theo 5 món tượng trưng cho vương quyền: Thanh gươm, ấn chiện, áo choàng, vương miệng và đôi giày.
Vua giao cho Đi-a-ca-ga-ra-ga giữ 5 món đó và đứng chờ ngoài cửa. Đi-a-ca-ga-ra-ga trong lòng mang mối thù vua Ba Tư Nặc giết chú ruột. Cơ hội trả thù đến, ông ra lệnh rút quân về thành Xá Vệ. Ông chỉ để lại 1 con ngựa già và 1 người hầu cho vua.
Vào thành Xá Vệ, Đi-a-ca-ga-ra-ga mang 5 món báu dâng hoàng tử Lưu Ly và tôn hoàng tử làm vua. Toàn bộ hoàng cung sau khi thấy hoàng tử Lưu Ly có đủ 5 món báu tượng trưng cho vương quyền thì nhất loạt tôn hoàng tử làm vua nước Ko-sa-la.
Vua Ba Tư Nặc thăm hỏi Phật xong bước ra cửa chỉ thấy con ngựa già và người hầu. Vua lập tức biết chuyện gì xảy ra. Vua bèn nhảy lên ngựa già phi về thành Xá Vệ nhưng không thể nhanh nổi. Đến cửa thành vua thấy quân lính đóng cửa không cho vào. Vua biết đã có biến cố bèn hét lên:
- Ta là đại vương Ba Tư Nặc.
- Thưa Ngài, nay đại vương chúng con là vua Lưu Ly. Chúng con được lệnh đóng cửa thành không cho ai vào. Vậy nên mời Ngài tìm chỗ nghỉ bên ngoài.
Vua Ba Tư Nặc buồn rầu tìm nhà trọ ngoài thành để nghỉ. Đêm hôm đó vua Ba Tư Nặc băng hà thọ 9*9=81 tuổi (cả tuổi mụ). Và lúc này đây Đức Phật cũng đã 81 tuổi (cả tuổi mụ).
Vua Lưu Ly cử hành tang lễ cho cha theo nghi thức. Chưa mãn tang thì vua Lưu Ly đã chuẩn bị binh mã nhằm hướng đông thẳng tiến đến nước Thích Ca. Đoàn quân vừa rời thành Xá Vệ thì thấy Đức Phật ngồi thiền giữa đường ngăn cản. Vua Lưu Ly vô cùng tôn kính Đức Phật và mang ơn Phật đã cứu giúp khi xưa nên không dám vô lễ. Vua xuống ngựa đến bên Phật đảnh lễ và nói:
- Bạch Thế Tôn, nơi kia có bóng mát cây già. Con mời Thế Tôn vào đó ngồi nghỉ cho dễ chịu.
- Này Đại Vương, chỉ có bóng mát của thân tộc mới làm ta cảm thấy dễ chịu.
Vua Lưu Ly bị tâm của Phật gửi cùng lời huấn thị làm cảm hóa nên ra lệnh rút quân về. Về thành Xá Vệ thời gian ngắn thì lòng vua Lưu Ly lại sục sôi căm thù. Vua Lưu Ly lại quyết định hành quân thẳng tiến đến nước Thích Ca. Một lần nữa vua lại thấy Đức Phật ngồi thiền giữa đường hành quân. Một lần nữa Phật lại dùng lời giáo huấn cảm hóa tâm vua. Vua Lưu Ly lại rút quân về.
Đến lần thứ 3 vua Lưu Ly quyết tâm hành quân tiến đánh nước Thích Ca thì Phật không hiện ra ngăn cản. Vua Lưu Ly cùng đạo quân hùng mạnh đánh tan kinh thành Ca Tỳ La Vệ máu chảy thành sông. Âu cũng vì binh sĩ và hoàng thân trong thành Ca Tỳ La Vệ quy Y Phật lâu năm nên biết đây là ác nghiệp kiếp xưa. Tâm họ không muốn sát sinh nên thua dễ dàng.
Vua Lưu Ly ra lệnh bắt sống toàn bộ hoàng tộc Thích Ca. Còn toàn bộ người trong thành Ca Tỳ La Vệ thì giết sạch. Sau khi chiếm xong kinh thành vua ngồi lên ngai vàng. Vua sai mang ông ngoại là vua Ma-ha-na-ma tới và nói:
- Hôm nay ông ngoại ngồi ăn cơm chung với con.
- Ta không thể ngồi ăn cơm cùng con của một người hầu.
Nói xong vua Ma-ha-na-ma lao mình qua cửa sổ nhảy xuống ao sâu tự tử. Vua Lưu Ly cho vớt xác ông ngoại lên chôn cất và ra lệnh giết hết tù binh rồi kéo quân về.
Trên đường về đoàn quân đi qua vùng đất rộng rãi, quang đãng, không cây cối. Vua ra lệnh cắm trại nghỉ ngơi dưỡng sức. Không ngờ đó là lòng một con sông lớn bị khô hạn thành bãi đất rộng mênh mông. Đêm hôm đó ở thượng nguồn có trận mưa to kỳ lạ. Nước cuồn cuộn đổ về hạ lưu như Đại hồng thuỷ. Toàn bộ đoàn quân cả vua Lưu Ly đều bị nước lũ cuốn trôi chết mất xác.
Kể từ đó nước Thích Ca xuy tàn vì kinh thành Ca Tỳ La Vệ bị diệt vong. Nước Ko-sa-la cũng xuy tàn vì toàn bộ quân đội mạnh đều chết hết. Rồi nước Ma Kiệt Đà của vua A Xà Thế nhân cơ hội đó nổi lên chiếm trọn vẹn đại quốc Ko-sa-la và nước Thích Ca.
Nước Ma Kiệt Đà sau thời Đức Phật 200 năm là thời vua A Dục (Ashoka). Vua đã lãnh đạo quân đội đánh bại Alexander đại đế và thành lập Đại Đế Quốc Khổng Tước – Maurya (từ 321 đến 185 TCN). Đế Quốc Khổng Tước mộ Đạo Phật và có lãnh thổ bao trọn tiểu lục địa Ấn Độ rộng tới 5.000.000 km2 dân số khoảng 50-60 triệu. Đế Quốc Khổng Tước là đế quốc rộng lớn nhất và đông dân nhất Thế giới trong cùng giai đoạn lịch sử. Chính vua A Dục đã tổ chức Đại Hội Kết Tập Kinh Điển Phật Giáo lần thứ 3. Lần này thì Kinh được ghi chép cẩn thành thành Tam Tạng Kinh và truyền bá sang Đông Nam Á, Sri-lanka, Tây Á, Trung Đông, Tây Tạng, Địa Trung Hải.
Khi đó Tỳ kheo mới hỏi Phật:
- Bạch Thế Tôn, do nguyên nhân gì mà dòng họ Thích Ca quy y theo Thế Tôn lại chết thảm như vậy?
Phật kể lại kiếp xưa khi đó dòng họ Thích Ca đánh giặc. Lần đó để có được chiến thắng thì họ đã đổ thuốc độc xuống dòng sông. Tác hại của hành động đó vô cùng nghiêm trọng. Không những toàn bộ quân địch bị chết mà toàn bộ dân chúng sống 2 bờ sông hạ nguồn cũng chết. Rồi toàn bộ các loài động vật, chim, cá trên sông cũng chết. Ngày hôm nay quả báo đến khiến toàn bộ dòng tộc Thích Ca bị diệt vong. Nghe đến đây tôi chợt nhớ đến chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ thả xuống Việt Nam đã gây hậu quả thảm khốc.
Sau đó Phật đọc bài kệ Pháp Cú để chuyển sang vấn đề khác vì câu chuyện đó quá đau lòng:
"Người nhặt các loại hoa
Ý đắm say tham nhiễm
Bị thần chết mang đi
Như lũ cuốn binh lính".
(IV-Phẩm Hoa, Pháp Cú 47)
Bài học kinh nghiệm:
Bài học 1: Ý đắm say tham nhiễm cuộc đời
Pháp Cú Phật nói rằng: "Ai là người sống trong đời mà tham đắm đời sẽ bị thần chết mang đi như lũ cuốn binh lính của vua Lưu Ly". Phật khuyên Tỳ kheo rằng: Thôi lo tu đi, đừng chấp thế gian với những truyện thị phi đau lòng đó nữa, nếu không cái khổ sẽ đến với ta bất cứ lúc nào như lũ cuốn binh lính đó.
Bài học 2: Nhân quả chi phối thế gian
Truyện Tích Pháp Cú là một bản trường ca hào hùng tráng lệ bi ai. Truyện diễn ra trong một trường đoạn lịch sử thời Đức Phật. Truyện bắt đầu từ khi vua Ba Tư Nặc ra đời cũng là năm Đức Phật ra đời. Cho đến khi vua Ba Tư Nặc chết cũng là năm Phật 81 tuổi. Và ta thấy nhân quả hiện đời diễn ra rõ ràng rành mạch vì 80 năm đó đủ lâu để quả báo thành.
Không như các Tích Pháp Cú khác chỉ kể về một thời gian ngắn. Cuối các truyện đó Đức Phật đa phần giải thích quả báo là do nhân kiếp xưa đến nay tạo quả báo. Nhưng khi thời gian kéo dài 80 năm nên ta thấy nhân đã gieo thì quả báo sẽ đến. Bởi vì 80 năm là quãng thời gian đủ dài để duyên hội tụ khiến nhân tạo thành quả báo. Tuy nhiên quả báo hiện đời chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" mà thôi. Phần lớn của quả báo vẫn là kiếp sau khi duyên đủ đầy vẹn toàn.
Các tình tiết nhân quả hiện đời trong truyện là:
1. Vua Ba Tư Nặc nghi oan mà giết 33 cha con tướng quân Ban-đu-ra bằng thuốc độc nơi sa trường. Cuối đời vua bị chết cô đơn trong căn nhà trọ ngoài thành.
2. Dòng họ Thích Ca phân biệt chủng tộc nặng nề. Họ coi thường người da đen dù người da đen là vua của đại quốc Ko-sa-la. Quả báo là toàn bộ dòng họ Thích Ca diệt vong.
3. Các hoàng tử xứ Câu Thi Na vì kiêu ngạo tin tưởng vào võ công của họ không nghe lời thầy. Quả báo họ bị chết vì một mũi tên của tướng quân Ban-đu-ra.
4. Tướng quân Ban-đu-ra giết toàn bộ các hoàng tử xứ Câu Thi Na. Quả báo là toàn bộ 33 cha con bị ngộ độc chết cùng lúc nơi sa trường.
5. Vua Lưu Ly vì lửa hận trong lòng mà tận diệt toàn bộ thành Ca Tỳ La Vệ và quả báo đến ngay và luôn. Toàn bộ đạo quân gồm cả vua Lưu Ly bị lũ cuốn trôi chết mất xác.
6. Kiếp quá khứ dòng họ Thích Ca chiến đấu với giặc đổ thuốc độc xuống dòng sông. Thuốc độc đã giết quân giặc đồng thời giết toàn bộ dân chúng hạ nguồn cùng các loài động vật tôm cá. Quả báo đến với họ thật thê thảm.
Vậy nên: "Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả". Mọi ý nghĩ, lời nói, hành động của Bồ Tát là nhân trong hiện tại Bồ Tát vô cùng sợ hãi làm sai tạo tội. Bồ Tát biết rằng nếu gây ác nghiệp ở hiện tại thì quả báo sẽ đến ở tương lai không thể thoát. Còn ác nghiệp quá khứ đã gieo nay đủ duyên thì quả báo đến. Quá khứ chẳng thể thay đổi hay làm lại. Thế nên Bồ Tát nhẫn nhục Ba-la-mật bình an đón nhận quả báo, trả nợ quả báo. Bồ Tát biết trả nợ nhân quả xong thì hết khổ nên Bồ Tát không hề sợ hãi trước cảnh khổ.
Còn chúng sinh thì ngược lại. Hiện tại thì họ vô tư thoải mái tham, sân, si, ác độc, lừa đảo, điêu toa... Họ không hề sợ vì không tin nhân quả. Chỉ đến khi quả báo đến thì chúng sinh sợ hãi, kêu gào, cầu xin, lễ bái, cầu trời, khấn Phật, phong thủy, bùa chú, trấn ếm... nhưng làm sao thoát được tội.
Truyện tích này nếu ai đó có thể dựng thành phim dã sử kể về lịch sử thời Đức Phật thì tuyệt. Đặc biệt nhấn mạnh yếu tố nhân quả để đưa đạo lý nhân quả đến cho đời sẽ có công đức lớn. Ngoài ra các tình tiết trong truyện rất chân thật, hấp dẫn và logic.
Bài học 3: Hộ pháp vĩ đại
Theo bạn Hộ pháp vĩ đại thời Đức Phật là ai? Xin thưa đó không phải là Đức Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất, cũng không phải các A-la-hán có đủ 6 loại thần thông. Hộ pháp vĩ đại thời Đức Phật là vua Ba Tư Nặc của đại quốc Ko-sa-la. Vua cha Tịnh Phạn của nước Thích Ca. Vua Bình Sa của đại quốc Ma Kiệt Đà. Ông Cấp Cô Độc lấy vàng phủ kín vườn thái tử Kỳ Đà mua để cúng Phật. Đó chính là những Hộ pháp vĩ đại. Đây gọi là "Có thực mới vực được Đạo". Muốn xây dựng được đạo dù đó là Chánh đạo thì đầu tiên vẫn là "Tiền đâu". "Vật chất có trước tinh thần có sau". Để xây dựng được tinh thần thì đầu tiên ta cần phải có vật chất hùng mạnh. Hộ Pháp Đạo Phật chính là những tín chủ vĩ đại, quyền lực vĩ đại, tài sản vĩ đại.
Thời nay cũng vậy. Đạo Phật tổ chức lỏng lẻo yếu kém không như Thiên Chúa Giáo hay Hồi Giáo. Phật giáo là thoát đời, thoát tục, không dính vào chính trị, không có quân đội, không đảng phái, phe cánh hay ý thức hệ. Thế nên Phật ở Ko-sa-la cũng là thầy vua, ở Ma Kiệt Đà cũng là thầy vua, ở nước Thích Ca cũng là thầy vua. Cho dù các nước đó đang đánh nhau chí choé. Vua Lưu Ly mang quân đi giết dòng họ Thích Ca mà gặp Phật Thích Ca vẫn quỳ lạy vâng lời Phật.
Còn Thiên Chúa Giáo thì Vatican chỉ nói một câu, một sắc lệnh ban ra là toàn bộ giáo dân vùng hẻo lánh xa xôi ở Việt Nam phải vâng lời. Còn Hồi Giáo là nhà nước Hồi giáo. Nước đó xây dựng luật pháp dựa trên luật Hồi giáo. Hồi giáo tổ chức như một Đế Chế với nhiều quốc gia. Ở một số nước thủ lĩnh Hồi Giáo cũng là lãnh đạo tối cao như Ả rập, Iran.
Còn Đạo Phật giới luật thì có hàng trăm hàng ngàn mà khâu xử phạt bằng "0". Chẳng bao giờ giới luật Phật lại ghi: "Phạm giới này sẽ bị phạt 10 triệu hoặc bị tù 10 năm" cả. Phật để nhân quả giám sát, xử phạt. Vậy nên đạo Phật phải dựa vào Hộ pháp là nhà nước, chính phủ hay các tỷ phú đại gia mến đạo. Nếu chính phủ, nhà nước đó không mộ đạo Phật, không tin nhân quả, không làm chức năng Hộ pháp thì đạo Phật nơi đó xuy tàn.
Nền Phật Giáo Việt Nam ta cũng vậy. Vua Lý Thái Tổ mồ côi được thiền sư Lý Khánh Vân nuôi dạy từ nhỏ. Vua lên 8 tuổi làm đệ tử của Vạn Hạnh Thiền Sư. Vua Lý Thái Tổ uy đức đã xây dựng Nhà Lý tồn tại 216 năm qua 8 đời vua.
Tới thời Nhà Trần thì 3 đời vua đầu đều xuất gia tu hành sau khi rời ngôi báu. Vua Trần Thái Tông tu ở am Thúy Vi (Hoa Lư, Ninh Bình). Vua Trần Thánh Tông tu ở chùa Tư Phúc (Thăng Long). Vua Trần Nhân Tông tu ở Trúc Lâm Yên Tử và là Điều Ngự Giác Hoàng Tổ Sư Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam. Giác Hoàng Tổ Sư viên tịch hỏa thiêu có Xá Lợi Ngũ Sắc hơn 3000 viên. Vua Trần Nhân Tông được dân gọi là Phật Hoàng.
Phật Giáo thời Lý, thời Trần ở Việt Nam phát triển rực rỡ. Thời này cũng là thời hùng mạnh nhất của Việt Nam với 3 lần đánh bại Nguyên Mông, đánh bại 32 vạn quân Tống, 5 lần đánh bại Đế Quốc Khơ Me.
Bài học 4: Phân biệt chủng tộc hay giai cấp
"Tiểu Kinh Nghiệp phân biệt" thuộc Trung Bộ Kinh Nikaya, Phật nói rằng: "Ai đời này kiêu mạn thì quả báo đời sau sẽ sinh vào giai cấp hạ liệt". Do vậy đời này ai phân biệt chủng tộc, kiêu ngạo, tự phụ vì ở giai cấp thượng đẳng. Đời sau kẻ đó sẽ sinh vào chủng tộc hạ đẳng hay giai cấp thấp kém.
Tục ngữ Việt Nam có câu: "Ghét của nào trời trao của đó". Ta ghét ai, coi thường ai, khinh bỉ ai thì "ông trời" sẽ cho ta thành cái mà ta khinh bỉ hay ghét bỏ đó. "Ông trời" trong tục ngữ trên là Luật nhân quả.
Xã hội nào phân biệt giai cấp hay phân biệt chủng tộc nặng nề thì xã hội đó không phát triển. Vì sao? Vì đời này một kẻ giàu có, quyền lực ở giai cấp thượng đẳng phân biệt giai cấp thì đời sau kẻ đó là kẻ hạ liệt. Nên xã hội đó không thể cùng nhau phát triển. Đời này họ bước lên 1 bước thì đời sau họ lại lùi 1 bước.
Tích Pháp Cú cho ta thấy: "Chỉ vì phân biệt chủng tộc mà dòng họ Thích Ca bị diệt vong". Đây cũng là lời cảnh báo cho các nước có nạn phân biệt chủng tộc sâu sắc. Phân biệt chủng tộc là tạo ra kẻ thù và kích động sự thù hận. Kết quả cuối cùng chính kẻ thù đó, sự thù hận đó sẽ đưa họ đến họa diệt vong.
Theo tôi phân biệt chủng tộc là sai. Giống vua Ba Tư Nặc là vua của đại quốc Ko-sa-la. Ngài thông minh, trí tuệ, tài giỏi, giàu có, quyền lực, làm vua tới 80 tuổi... Phúc của Ngài hơn gấp bội so với vua tiểu quốc Thích Ca. Nhưng vua Ba Tư Nặc da đen và dòng họ Thích Ca da trắng. Vậy có phải chủng tộc Thích Ca da trắng thượng đẳng hơn không?
Bài học 5: Sân hận và kiêu mạn là tâm Ác Ma
Hoàng tử Lưu Ly kiêu mạn vì là con vua Ba Tư Nặc đại quốc Ko-sa-la vĩ đại. Khi hoàng tử nghe người lính nói: "Dòng họ Thích Ca cho lau cái ghế chàng ngồi bằng sữa vì chàng là con người hầu không thuộc chủng tộc thượng đẳng". Chàng đã sân hận sục sôi. Kết quả cuối cùng thì ai cũng thấy.
Kinh Hàng Ma thuộc Trung Bộ Kinh Nikaya kể rằng: Đại Ác Ma Du-si muốn chiếm tâm Tỳ kheo thì có 2 môn võ. Đó là nhập vào tâm Phật tử đến chửi rủa để Tỳ kheo sân hận nhưng không thành. Hắn lại nhập vào tâm Phật tử đến khen tặng nịnh bợ để Tỳ kheo kiêu mạn cũng thất bại. Ta thấy: "Tâm sân hận hoặc tâm kiêu mạn là tâm ma. Kẻ sân hận hoặc kiêu mạn sẽ bị đại ác ma Dusi chiếm tâm".
Ta thấy: Hoàng tử Lưu Ly có tâm kiêu mạn và sân hận ngút trời. Hoàng tử Lưu Ly chính thức biến thành một Đại Ác Ma Dusi thảm sát toàn bộ dòng họ Thích Ca của ông ngoại. Rồi quả báo tới ngay và luôn.
Bài học 6: Tiểu nhân luôn hại người quân tử
Ta thấy Ban-đu-ra xét xử công minh mang lại lẽ phải cho đời nhưng lại thành kẻ thù của lũ tiểu nhân tham nhũng. Đời là vậy: "Ta là người tốt. Ta là người quân tử thì ta sẽ là kẻ thù của lũ tiểu nhân". Ta phải xác định vậy để khi ta bắt tay làm điều tốt rồi bị lũ tiểu nhân chống phá hại ta. Ta sẽ không nao lòng nản trí hoặc than trời oán đất cho rằng "Đời bất công".
Vì sao lại xuất hiện tâm lý này? Tâm lý này nằm trong Kiết sử Thân kiến mà Phật dạy. Kẻ tiểu nhân có tật xấu Thân kiến sẽ luôn: ích kỷ, nhỏ nhen, hám lợi, tham lam, ghen tị, GATO (ghen ăn tức ở), con gà ghét nhau tiếng gáy, không muốn ai hơn mình... Những người tốt được nhiều người ca ngợi khiến tâm họ bực bội muốn tiêu diệt. Thân kiến là tật xấu thô thiển nhất, thấp nhất trong 10 Kiết sử. Thân kiến là bản chất của kẻ tiểu nhân. "Giàu có thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, thông minh thì nó tiêu diệt".
Vậy nên ta làm điều tốt muốn giữ mình thì càng bí mật càng tốt, càng ít người biết ta là ai càng tốt. Còn làm điều tốt mà lại muốn nổi tiếng dễ chết lắm. Bởi khi đó ta sẽ làm bia tập bắn cho lũ tiểu nhân đầy nhung nhúc trong xã hội.
Bài học 7: Định nghiệp Phật không thể cứu
Ta thấy năng lực vĩ đại như Phật mà trước quả báo dòng họ Thích Ca bị diệt vong Phật cũng không thể cứu. Phật chỉ 2 lần cố gắng ngăn cản vua Lưu Ly. Đến lần thứ 3 thì duyên đã mãn quả báo ắt thành và Phật không ngăn nữa.
Nếu có ai hỏi: "Thế sao Phật không báo động về hoàng cung Ca Tỳ La Vệ về thảm cảnh diệt vong để họ chuẩn bị chiến đấu chống lại vua Lưu Ly?"
Bạn còn nhớ truyện ông Nan Đà trưởng ngành gia súc của ông Cấp Cô Độc bị tên bắn chết khi tiễn Phật không? Có người hỏi Phật: "Nếu ông không đưa tiễn Phật thì có thể không chết được không?" Phật trả lời: "Nếu không tiễn ta thì Nan Đà vẫn bị bắn chết vì đó là Định nghiệp".
Vậy nếu Phật cố gắng cản vua Lưu Ly lần 3,4,5... hay thông báo về kinh thành Ca Tỳ La Vệ để họ luyện binh thì họ vẫn diệt vong mà thôi. Bởi vì đó là Định nghiệp, và: "Định nghiệp Phật không thể cứu".
Ta không có Thiên nhãn như Phật thì biết đâu là Định nghiệp? đâu không là Định nghiệp? Nếu vậy ta hãy học Đức Mục Kiền Liên. Bọn cướp mang vũ khí lao vào hang Ka-la-si-la, 6 lần Tôn giả dùng thần thông biến mất. Đến lần thứ 7 thì Tôn giả để mặc cho bọn chúng chém giết mà không biến mất. Vậy khi quả báo đến ta hãy cố gắng hết sức. Nếu đã cố hết sức rồi quả báo vẫn tới thì là Định Nghiệp. Chứ đừng buông xuôi chấp nhận số mệnh. Ta không có Thiên nhãn sao biết đó là Tận số?
Ta tuyệt đối không nên làm như 3000 vị Tỳ kheo ở Đại Học Nalanda năm 1197. Khi đó chỉ gần 100 tên lính Hồi Giáo mang gươm đi vào. Thế nhưng các Tỳ kheo không hề kháng cự. Các vị thực hành Nhẫn nhục Ba-la-mật chịu chém giết. Sau sự kiện đó thì toàn bộ Phật Giáo Ấn Độ bị xóa sổ. Đến nay Ấn Độ không còn Phật Giáo nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top