Pháp cú 43: Truyện chàng trai hóa thành cô gái

"Điều cha mẹ thân thích

Không làm được cho mình

Nhưng chính tâm hướng đạo

Giúp mình được nhiều hơn"

(III-Phẩm Tâm, Pháp Cú 43)

Tích Pháp Cú: Một thanh niên tên là So-li-a con vị trưởng khố thành Ta-ca-si-la (xưa gọi là Trưởng khố, nay gọi là Chủ ngân hàng). Chàng có nhiều bạn bè, có vợ và 2 con. Một hôm chàng rủ bạn bè đi tắm sông. Khi đang tắm thì Tôn giả Ca Chiên Diên ôm bình bát đi qua. Tôn giả là một trong 10 đại đệ tử của Đức Phật có danh vị Nghị luận đệ nhất. Ngài đẹp rực rỡ toàn thân như tỏa hào quang.

Khi Tôn giả đi ngang qua bờ sông, So-li-a nhìn thấy Ngài đẹp quá nên đầu khởi ý nghĩ: "Nếu vị Sa Môn này mà là con gái thì ta sẽ cưới làm vợ liền". So-li-a vừa khởi ý nghĩ đó thì lập tức chàng biến thành con gái. So-li-a hoảng sợ. Chàng quấn vội cái áo vào người và cắm đầu chạy mất.

Cô gái So-li-a chạy một hồi đến chỗ vắng thì có xe ngựa chạy qua. Cô xin đi nhờ về thành phố khác. Người trên xe thấy cô gái xinh đẹp nên giới thiệu cho con của người trưởng khố ở thành phố mới. Họ thành vợ chồng và cô gái So-li-a sinh được 2 người con. So-li-a sống đoan trang tiết hạnh đảm đang giúp chồng nuôi dạy 2 con khôn lớn.

Về phần gia đình thanh niên So-li-a sau thời gian tìm không thấy chàng nên tưởng chàng đã chết. Họ lập bàn thờ và thờ cúng.

Năm tháng trôi qua, một hôm cô gái So-li-a ngồi trên lầu nhìn xuống thấy người bạn thân năm xưa đi qua. Cô đi xuống hỏi thăm tên họ nơi ở thấy đúng là bạn cũ ở thành Ta-ca-si-la. Cô mời bạn vào nhà và trước mặt chồng cô hỏi bạn:

- Anh có nhớ một người bạn thời trẻ của anh tên là So-li-a không?

Người kia thấy cô gái có nét giống So-li-a thì tưởng cô là em gái chàng. Thế nhưng cô gái nói:

- Tôi chính là thanh niên So-li-a.

Người bạn cũ không tin. So-li-a bèn kể lại sự tình.

"Khi đó tôi đang tắm sông cùng bạn thì tôi gặp Tôn giả Ca Chiên Diên vô cùng đẹp đẽ đi ngang qua. Tôi đã khởi ý nghĩ rằng: "Nếu Tôn giả là con gái thì tôi sẽ cưới Tôn giả làm vợ". Lập tức tôi bị biến thành thân con gái. Tôi hoảng sợ bỏ chạy đến đây và được người chồng này cưới rồi sinh ra 2 đứa con".

Người bạn cũ ngạc nhiên và chợt có ý tưởng:

- Tôi biết Tôn giả Ca Chiên Diên đang ở gần đây. Ngày mai chúng ta hãy mời Ngài đến để bạn sám hối.

Người bạn đó đến gặp Tôn giả đảnh lễ và mời Ngài đến thọ trai tại nhà trưởng khố. Tôn giả đồng ý. Sáng hôm sau Ngài đến như đã hẹn. So-li-a quỳ xuống đảnh lễ Ngài và nói:

- Bạch Tôn giả, vào thời gian đó tại thành phố Ta-ca-si-la. Chúng con tắm sông thì thấy Tôn giả đi ngang. Con đã động niệm sai lầm lập tức bị quả báo biến thành thân nữ. Con hoảng sợ bỏ chạy đến đây được người chồng hiện tại của con cưới làm vợ. Con biết đó là cái tội. Nay Tôn giả xin cho con được sám hối ngăn ngừa tội này và mãi mãi về sau. Xin Tôn giả hãy chấp nhận lời sám hối của con.

Tôn giả Ca Chiên Diên nói:

- Được, ta chấp nhận lời sám hối của cô.

Tôn giả vừa dứt lời thì So-li-a lập tức biến thành người nam. Thanh niên So-li-a quỳ xuống đảnh lễ Tôn giả Ca Chiên Diên. Sau đó người chồng nói:

- Này bạn, bây giờ chúng ta cũng đã có 2 đứa con. Dù chúng ta không thể làm vợ chồng được nữa nhưng tôi xin bạn hãy ở lại cùng tôi chăm sóc 2 con.

- Thưa bạn, tôi đã quá chán cảnh Luân hồi và cuộc sống. Mọi thứ mong manh tạm bợ và dễ phạm tội. Chỉ chút ý nghĩ sai lầm mà quả báo khốc liệt. Không biết trong cuộc sống này ta đã phạm bao nhiêu sai lầm mà ta không thấy. Vậy nay tôi sẽ xin Tôn giả được xuất gia tu hành.

Sau đó Tôn giả đưa thanh niên So-li-a về thành Sá Vệ trình Đức Phật. Việc đó trấn động cả kinh thành. Có người tìm gặp Tỳ kheo So-li-a và hỏi:

- Thưa Ngài, Ngài có phải là So-li-a không? Trước đây Ngài biến thành nữ rồi mới đây Ngài lại biến thành nam và xuất gia đúng không?

- Phải tôi là So-li-a.

- Vậy trong 4 đứa con thì 2 đứa Ngài làm cha và 2 đứa Ngài làm mẹ Ngài thương đứa nào nhiều hơn?

- Tôi thương 2 đứa tôi làm mẹ nhiều hơn.

Rồi vì hiếu kỳ mọi người cứ kéo đến Tinh xá rất đông chỉ mong nhìn mặt So-li-a nhằm thoả trí tò mò. Thế nên Ngài đóng cửa không gặp ai. Ngài tinh tấn tu hành một thời gian thì đắc đạo. Một lần có người gặp được Ngài lại hỏi câu hỏi cũ rằng:

- Ngài thương đứa con khi làm cha hay đứa con khi làm mẹ nhiều hơn?

Ngài đáp:

- Nay ta không thương con nào hơn con nào. Mọi chúng sinh đều đáng thương đáng quý như nhau.

Rồi Ngài kín đáo không lộ diện. Mọi người chưa thỏa trí tò mò còn mang truyện đó hỏi Phật:

- Bạch Phật, vì sao So-li-a lại thương 2 đứa con khi làm mẹ nhiều hơn. Rồi sau đó được hỏi lại thì Ngài lại nói không thương đứa nào hơn đứa nào?

Phật trả lời:

- Nay So-li-a đã chứng đạo nên So-li-a chỉ còn lòng từ bi cho mọi chúng sinh.

Rồi Phật đọc bài kệ:

"Điều cha mẹ thân thích

Không làm được cho mình

Nhưng chính tâm hướng đạo

Giúp mình được nhiều hơn."

(III-Phẩm Tâm, Pháp Cú 43)

Bài học kinh nghiệm:

Bài học 1: Tự ta giúp ta được nhiều hơn

Bài Pháp Cú Phật nói rằng: "Cha mẹ hay những người thân thích không thể giúp ta được nhiều. Chính tâm hướng đạo biết tu hành của bản thân sẽ giúp cuộc đời ta nhiều hơn". Phật khẳng định: Tự ta tu, tự ta tạo phúc, tự ta hưởng quả báo lành sẽ lợi ích hơn mong chờ vào người khác dù người đó là cha mẹ hay họ hàng thân thích của ta.

Ở Tích Pháp Cú 47 ta sẽ học về sau có truyện về dòng họ Thích Ca bị diệt vong bởi vua Lưu Ly, con trai của vua Ba Tư Nặc. Khi đó Đức Phật đã 2 lần hiện ra giữa đường ngăn cản đạo quân vua Lưu Ly. Đến lần thứ 3 thì Đức Phật không ngăn cản nữa và toàn bộ dòng họ Thích Ca bị thảm sát diệt vong.

Nói về quyền năng, uy đức và sự vĩ đại thì không thể có ai bằng Đức Phật. Ấy vậy mà "Định nghiệp đã tới Phật không thể cản". Đức Phật chấp nhận đứng nhìn thảm cảnh dòng họ Thích Ca diệt vong bởi ác nghiệp đã gieo nay quả báo đủ duyên kéo tới.

Vậy ta đừng trông chờ vào cha mẹ hay người thân giúp ta. Ta chỉ nên mong chờ vào quả báo của tâm hướng thiện biết tu của ta cứu giúp ta mà thôi.

Bài học 2: Cha mẹ họ hàng không giúp được nhiều

Bài Kệ Pháp cú Phật dạy rằng: "Cha mẹ họ hàng không giúp ta được nhiều. Đa phần ta sống là nhờ phúc duyên của ta".

Cụ thể là trường hợp của chàng So-li-a. Chàng là con trai vị trưởng khố giàu có thành Ta-ca-si-la. Ta tưởng cha mẹ chàng giàu sinh ra chàng và chàng thật may mắn vì được sinh ra ở gia đình giàu có.

Nhưng... KHÔNG!

Khi chàng biến thành con gái chạy sang thành phố bên cũng được làm vợ con quan trưởng khố thành phố mới. Vậy nên cái phúc giàu có của chàng không phải do cha mẹ giúp. Đó hoàn toàn là phúc duyên của chính bản thân chàng tạo thành. Thế nên dù trong hoàn cảnh nào, nam hay nữ, sống ở thành phố A hay thành phố B chàng So-li-a cũng bị "tiền đè chết người - chạy đâu cho thoát".

Bài học 3: Niệm xấu với A-la-hán quả báo lớn

Ta thấy So-li-a khởi niệm xấu đến vị A-la-hán thì lập tức bị quả báo nặng nề. Chàng So-li-a biến thành nàng So-li-a xinh đẹp. Cuộc đời chàng sang trang và đảo lộn. Thời xưa truyện này quá sức tưởng tượng. Thời nay bay sang Thái Lan cầm theo đủ số tiền cần thiết sẽ được vậy. Thế nên thời nay mọi thứ đảo lộn. Xã hội loạn động bất an. Đặc biệt là ở Thái Lan.

Thế nên tạo tội với A-la-hán dù chỉ trong ý nghĩ thì quả báo nặng nề. Ý Nghiệp quả báo cũng nặng không khác so với Thân nghiệp và Khẩu nghiệp.

Tích Pháp Cú 25: "Truyện về Ngài Châu Lợi Bàn Đặc". Ngài Châu Lợi Bàn Đặc là tu sỹ thời Đức Phật quá khứ. Ngài thông minh trí tuệ nhưng chưa đắc đạo nên còn Kiết sử Thân Kiến. Ngài thấy chúng bạn kém trí tuệ thì khởi tâm khinh thường. Nhưng chúng bạn đồng tu với Ngài thời Phật quá khứ có nhiều vị chứng A-la-hán mà Ngài không biết. Quả báo nhiều đời Ngài bị kém trí tuệ 1 câu kệ cũng không thể thuộc. Quả báo đó kéo từ thời Phật quá khứ đến thời Phật Thích Ca.

Và đây, chỉ một niệm nhảm nhí của So-li-a khởi lên đối với vị thánh A-la-hán thì bị quả báo đảo lộn cuộc đời. Thế nên Đại Thừa có nhiều bộ kinh coi thường A-la-hán vô cùng nguy hiểm. Cụ thể, trong các "Phẩm công đức" của Kinh Pháp Hoa có đoạn nói rằng: "Chỉ một niệm tín giải một câu kinh Pháp Hoa thì công đức bằng muôn ngàn ức độ chúng sinh thành A-la-hán". Ai đọc đến đây mà khởi ý niệm coi thường A-la-hán thì đổ nghiệp.

Vậy nên, Kinh Đại Thừa không phải dành cho người phúc bé mới tu học. Kinh Đại Thừa dành cho hàng Bồ Tát đã chứng Thánh quả học. Ta đặc biệt lưu ý câu đầu tiên của Kinh Pháp Hoa nói rằng:

"Nay thấy điềm lành này, cùng với xưa không khác, cho nên ta xét nghĩ hôm nay đức Phật Như-Lai sẽ nói kinh Đại-thừa tên: "Diệu-Pháp Liên-Hoa" là pháp giáo hoá Bồ-Tát được chư Phật hộ niệm".

Ta đặc biệt chú ý câu này. Đây là chìa khóa mở ra Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Kinh Đại Thừa là thuốc bị bệnh cho Bồ Tát mà ta lại cố tình uống thì khổ.

Bài học 4: Phúc của So-li-a rất lớn

Ta thấy So-li-a khi làm trai thì là con vị trưởng khố thành Ta-ca-si-la. Chàng đẹp trai có vợ và 2 con. Khi chàng là gái cũng là cô gái xinh đẹp có chồng là con trưởng khố và có 2 con. Ta thấy phúc So-li-a rất lớn nên có: Thân tướng đẹp, cuộc sống giàu sang, tài sản lớn, quyền lực nhiều, hạnh phúc gia đình viên mãn. Dù So-li-a sống ở đâu, thành phố nào, nam hay nữ, thì vẫn đủ các món báu thế gian đó để hưởng.

Phúc So-li-a lớn và có duyên được sinh vào thời Đức Phật. Chàng tu hành thời gian ngắn là đắc A-la-hán. Còn thiếu phúc thì trong thời Đức Phật có tồn tại Chánh pháp mà nhiều vị tu chẳng đắc đạo. Hoặc thiếu duyên không có được Chánh pháp thì phúc vĩ đại như Sa-môn Cồ Đàm tu sai lầm 6 năm chẳng đắc đạo. Còn Ngài Sa-môn Cồ Đàm tu đúng thì 49 ngày là đắc đạo thành Đức Phật Thích Ca vĩ đại.

Bài học 5: Tình yêu và lòng Từ bi

Ta thấy So-li-a khi chưa đắc đạo thì yêu những đứa con khi chàng làm mẹ nhiều hơn. Đó 100% đúng sự thật. Bản năng của mọi loài vật luôn là con mẹ yêu thương chăm sóc con non của nó. Ta gọi là Tình Mẫu Tử. Con bố đôi khi còn muốn giết các con non để con cái vào kỳ động dục như loài Hổ. Đó là bản năng duy trì nòi giống của vạn vật muôn loài. Loài nào con mẹ không yêu thương chăm sóc con non thì loài đó sẽ bị tuyệt chủng chẳng thể tồn tại phát triển.

Duy chỉ có loài người mới có đạo đức cao cả: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín (Ngũ thường). "Nhân" là tình yêu mọi con người hay tình yêu nhân loại. "Nghĩa" là yêu thương và đền ơn đáp nghĩa những người có ơn nghĩa với ta. "Lễ" là phép tắc trên kính dưới nhường. "Trí" là hành động trí tuệ, hợp đạo lý. "Tín" là nói phải đi đôi với làm.

Còn một vị thánh đắc đạo có tâm Từ bi vĩ đại thì vị đó yêu thương mọi chúng sinh trong Luân Hồi: Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh, Người, Thần, Trời. Lòng Từ Bi Bồ Tát trong Đạo Phật này cao cấp hơn lòng "Nhân" tức yêu thương mọi con người.

Bài học 6: Trí tò mò của loài người

Ta thấy người dân thời đó rất tò mò. Họ thấy sự việc lạ lùng chưa bao giờ thấy thì phải "nhìn tận mắt, bắt tận tay, day tận trán". Họ tìm Ngài So-li-a chỉ để hỏi lung tung những điều nhảm nhí liên quan đến đời tư để thỏa mãn trí tò mò. Vẫn không thỏa mãn họ còn mang chuyện nhảm nhí đó hỏi Đức Phật.

Thời nay trí tò mò của dân còn gấp ngàn vạn lần thời xưa vì có Facebook và mạng xã hội Youtube, Tiktok.... Mỗi khi có khám phá mới lạ, địa điểm mới lạ, đẹp đẽ, gây sốc, đáng ngạc nhiên... thì họ thi nhau đến để quay phim, chụp ảnh khoe lên mạng xã hội. Ai chưa đến thì phải đến để trải nghiệm. Họ bị trí tò mò kích động.

Ta xét một ví dụ vui: Trên bức tường có 1 cái lỗ nhìn xuyên qua bên kia chẳng ai thèm nhòm ngó. Một hôm có một dòng chữ "Cấm nhìn vào cái lỗ này" và một mũi tên chỉ vào cái lỗ. Kết quả điều tra là 99% mọi người đi qua đó đền ghé mắt nhìn vào cái lỗ đó xem trong có cái gì.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lvt