Pháp cú 38, 39: Truyện kẻ 7 lần xuất gia

"Ai có tâm bất an

Chẳng hiểu chân diệu pháp

Tính tâm không kiên cố

Trí tuệ khó viên thành."

(III-Phẩm Tâm, Pháp Cú 38)

"Tâm không nhiễm ái dục

Không xao động bởi sân

Trừ diệt mọi hơn thua

Người trí không sợ hãi."

(III-Phẩm Tâm, Pháp Cú 39)

Tích Pháp Cú: Có người nông dân tên là Chi-ta-hat-tha gia đình bình thường sống ngoài thành Xá Vệ nước Ko-sa-la. Người nông dân đó có nhiều bò. Một hôm một con bò đi lạc chàng phải đi tìm. Sau thời gian khá lâu thì thấy và chàng dắt bò về. Trên đường về vô tình chàng ngang qua Tinh xá Phật.

Chàng đói và mệt vì tìm bò vất vả quên cả ăn. Lúc đó các Tỳ kheo đang thọ trai. Chàng đứng ngoài nhìn thèm. Các Tỳ kheo thấy vậy bèn mang phần ăn dự phòng đưa cho chàng. Theo giới luật thì Tỳ kheo khất thực phải để lại chút phần ăn. Để đề phòng có Tỳ kheo nào đó không xin được đồ ăn thì họ dùng.

Người nông dân dùng bữa ở Tinh xá thấy các thầy tu đời sống đơn giản, dễ mến, đồ ăn cũng ngon. Chàng bèn hỏi xin đi tu. Tỳ kheo đồng ý cho chàng xuất gia. Chàng vội vã dắt bò về rồi quay lại Tinh xá xuất gia.

Tỳ kheo trẻ Chi-ta-hat-tha tu được gần 1 tháng thì không thể chịu nổi. Chàng nhớ vợ, nhớ nhà, nhớ đàn bò, nhớ cánh đồng... rồi chàng lặng lẽ chào thầy và bỏ về nhà. Chàng nông dân về nhà bị vợ mắng bắt phải ra đồng cày cấy vất vả... Chàng nhớ lại thời gian xuất gia thấy sướng hơn. Cuộc sống khi đó đơn giản không lo nghĩ. Chàng nông dân nén bỏ vợ quay lại Tinh xá mặc y như cũ và xin quý thầy cho tu tiếp.

Sự việc diễn ra theo vòng lặp như vậy 6 lần. Nhưng sâu thẳm trong tâm chàng nông dân có tâm cầu đạo. Vì nghiệp cũ kiếp xưa che khuất nên nó không hiện ra. Đến lần thứ 6 về nhà thì tâm chàng thay đổi. Vào giữa trưa nắng hè chàng quay sang nhìn vợ thấy vợ sồ sề xấu xí, nhìn nhà cửa thấy tuềnh toàng tạm bợ, nhìn đàn bò thấy bẩn thỉu đáng chán, nhìn ruộng đồng thấy vất vả khổ cực...

Tâm chàng tự thấy đời sống tại gia thật đáng chán. Chàng chạy vội vào góc nhà lấy cái y Tỳ kheo và cắm đầu chạy khỏi nhà. Mẹ vợ ở ngõ thấy chàng bèn gọi lại nhưng chàng vẫn cắm đầu chạy. Mẹ vợ vào nhà nói với con gái:

- Con không biết giữ chồng con sao.

- Kệ ông ta, mấy hôm nữa ông lại về đó mẹ. Mẹ cứ yên tâm.

Chi-ta-hat-tha trên đường đi về Tinh xá thì tâm chàng dính chặt vào hình ảnh cô vợ sồ sề xấu xí, nhà cửa siêu vẹo tạm bợ, đàn bò bẩn chỉu, cánh đồng khổ cực vất vả. Tâm chàng dính chặt vào niệm: "Thế gian là tạm vợ vô thường đáng chán". Đến cửa Tinh xá chàng chứng Sơ quả Dự lưu.

Thấy mặt chàng các thầy chán ngấy hỏi bâng quơ:

- Sao lại xin tu tiếp à? Lần này được mấy bữa?

- Thưa Tôn giả lần này con ở luôn không về nữa.

Mọi người nửa tin nửa ngờ và cũng không hi vọng nhiều. Nhưng rồi lần đó Tỳ kheo Chi-ta-hat-tha tu chuyên cần và đắc A-la-hán oai ghi vĩ đại. Các Tỳ kheo chưa đắc đạo thấy lạ vì Chi-ta-hat-tha không về gia đình nữa. Họ hỏi chàng nói:

- Tôi đây bây giờ tâm ổn định và thấy thế gian vô thường tạm vợ. Chỉ thấy đạo giải thoát là đáng quý nên tôi tu yên ổn.

Thấy Chi-ta-hat-tha trả lời thuận đạo lý. Các Tỳ kheo bèn đến hỏi Phật. Phật kể về đời Phật quá khứ thì Chi-ta-hat-tha cũng là Tỳ kheo tu hành. Khi đó có vị tu sỹ đồng đạo chán đạo đến tâm sự với Chi-ta-hat-tha. Chi-ta-hat-tha khuyên: "Thôi anh không tu nữa thì anh về nhà đi".

Chính vì đồng tình với việc tu sỹ không tu thì hoàn tục. Nên đời này Ngài tu hành gặp quả báo đi vô đi ra đạo tràng 6 lần. Phải tới lần thứ 7 mới yên ổn. Một kiếp nọ thì Chi-ta-hat-tha là một tu sỹ trên núi cao. Vị tu sỹ đó đang tu thì nhớ nhà da diết lại chạy về nhà sống một thời gian. Về nhà lại nhớ núi rừng tịnh cốc trên núi thì lại chạy lên núi tu... Đúng 6 lần lên núi, về nhà tới lần thứ 7 mới yên ổn.

Đời Phật quá khứ Chi-ta-hat-tha tu kiên cố nên có nhân đắc đạo. Đến đời sống này gặp Chánh pháp Như Lai thì Ngài tu đắc Phạm Hạnh viên mãn.

Kể đến đây Phật đọc bài kệ:

"Ai có tâm bất an

Chẳng hiểu chân diệu pháp

Tính tâm không kiên cố

Trí tuệ khó viên thành."

(III-Phẩm Tâm, Pháp Cú 38)

"Tâm không nhiễm ái dục

Không xao động bởi sân

Trừ diệt mọi hơn thua

Người trí không sợ hãi."

(III-Phẩm Tâm, Pháp Cú 39)

Bài học kinh nghiệm:

Bài học 1: Tâm bất an và tâm không tham sân si

Kệ Pháp Cú thì Phật dạy rằng: "Ai có tâm bất an sẽ chẳng thể hiểu Phật pháp nhiệm màu. Tâm kẻ đó sẽ không thể tu kiên cố. Trí tuệ giải thoát sẽ khó viên thành. Ai có tâm không tham ái (tham), không sân hận (sân), không hơn thua (si) thì kẻ đó sẽ tu hành kiên cố, không sợ hãi mà đắc thành trí tuệ giác ngộ".

Các bạn biết: "Tu hành để diệt trừ tham sân si, tâm được bình an hạnh phúc". Thế nhưng để có thể tu được thì căn cơ người đó phải có tâm bình an và nhẹ tham sân si. Từ căn cơ đó thì vị đó sẽ tu thăng tiến mà đắc đạo tuệ giác ngộ. Nếu không có căn cơ đó, tâm quá loạn động bất an, tâm quá tham sân si sẽ chẳng thể tu kiên cố.

Như ta muốn thành tỷ phú thì đầu tiên ta phải có vốn làm ăn kinh doanh. Nếu túi không 1 đồng sẽ chẳng thể đầu tư kinh doanh để thành tỷ phú.

Bài học 2: Duyên tu hành

Ta thấy người nông dân Chi-ta-hat-tha được ăn bữa cơm do Tỳ kheo cho thì thấy yêu đời sống tu hành mà xin vào tu. Đó gọi là "Duyên xuất gia". Khi duyên đã đủ, nhân tu hành kiếp xưa thúc đẩy thì người đó tự nhiên yêu đời sống tu sĩ. Họ khát khao được đi tu. Họ sẵn sàng bỏ hết của cải vật chất cùng vợ đẹp con thơ mà đi tu. Người có duyên xuất gia thì tu ổn định, tinh cần, thăng tiến.

Rồi tu thời gian ngắn chàng ta lại yêu đời sống gia đình không thể chịu nổi đời tu. Chàng bèn tháo y chào thầy chạy về nhà với vợ con. Đây là tâm lý người đời. Người đời thì yêu thích cảnh gia đình vợ con, ruộng vườn, con trâu, cái cày, cái cuốc. Nói đến xuất gia đi tu thì tâm kẻ đó dửng dưng, lạnh nhạt. Kẻ đó gọi là: "Không có duyên xuất gia".

Ở Thái Lan có tập tục. Người đàn ông trước khi cưới sẽ vào chùa "xuất gia gieo duyên" 7 ngày đến 3 tháng. Sau đó họ rời chùa cưới vợ. Nếu họ không làm vậy đôi khi bị gia đình vợ từ chối. Người Thái cho đó là nét đẹp văn hóa và sự báo hiếu cha mẹ. Theo bạn có nên không?

Theo tôi cách làm này tầm thường hóa đạo Phật. Đạo Phật là đạo Giác ngộ. Sư tức là thầy thiên hạ về đạo đức, triết học, lý luận, trí tuệ. Mục đích của tu hành là đắc đạo A-la-hán làm thánh nhân giữa đời, vượt thoát khỏi Luân Hồi.

Ở đây họ coi tu chỉ để trải nghiệm đời sống xuất gia trong 7 ngày. Nó giống du lịch trải nghiệm vậy. Sau đó họ về cưới vợ. Đến khi họ lễ lạy một vị sư tu chân chính mà đầu họ nghĩ "Sư này cũng giống ta thời ta tu 7 ngày. Có khi tối về sư cũng ôm vợ giống như ta". Và Sư nơi đó thật sự vô cùng tầm thường vì ai ai cũng có thể làm Sư.

Bài học 3: Ác nghiệp ngăn cản quả báo lành

Ta thấy khi ác nghiệp kiếp xưa chấm dứt cũng là lúc tâm người nông dân bị thôi thúc tu hành mãnh liệt. Tâm ông tự dưng ấn sâu vào hình ảnh bà vợ sồ sề xấu xí, căn nhà tạm bợ, đàn bò vô nghĩa, cánh đồng nắng mưa vất vả. Đi đến cửa Tinh xá thì đắc quả Dự Lưu. Mà mới trước đó thì Ngài không có lý tưởng tu hành đắc đạo gì.

Vậy nên quả báo lành hiện ra chỉ khi ác nghiệp cũ kiếp xưa chấm dứt. Nếu ác nghiệp cũ vẫn còn thì nó sẽ khiến tâm Ngài mê mờ loạn động, lầm đường lạc lối. Nên ai biết đạo thì sợ làm ác bởi ác nghiệp sẽ che mất tâm họ. Họ làm lành tích thiện không mong cầu quả báo. Bởi vì khi nào trả nợ xong ác nghiệp thì quả báo lành tự đến.

Còn nếu ta biết đạo rồi mà làm lành tích thiện mãi không thấy quả báo lành đâu thì là do ác nghiệp ta quá nặng và chưa chấm dứt. Còn làm thiện mà quả báo lành đến ngay là ác nghiệp mỏng nhẹ.

Bài học 4: Con số 7 huyền bí

Ta thấy Phật ngồi thiền dưới gốc Bồ Đề 7*7=49 ngày thì đắc đạo. Phật khẳng định trong Kinh Tứ Niệm Xứ: "ai tu theo kinh này sẽ đắc đạo sớm nhất là 7 ngày". Trong Kinh Đại Bổn (Trường Bộ kinh), Phật nói về 6 vị Phật quá khứ của 91 Đại Kiếp và Phật Thích Ca là vị Phật thứ 7. Trong Kinh Đại Thiện Kiến Vương (Trường Bộ Kinh) Phật kể về tiền kiếp Phật là 7 vị Chuyển Luân Thánh Vương. Rồi Đức Mục Kiền Liên 6 lần biến mất trước mặt bọn cướp đến lần thứ 7 thì Ngài ngồi đó để cho bọn cướp chém tan xương nát thịt... Và truyện tích này là 7 lần xuất gia.

Không chỉ riêng đạo Phật mà tôn giáo khác cũng thế. Ví dụ: Lịch âm hay dương thì 1 tuần đều có 7 ngày. Đức Chúa Trời tạo ra vũ trụ trong 6 ngày đến ngày thứ 7 mọi việc viên mãn và Chúa nghỉ gọi là Chúa Nhật. Sau nói chệch là Chủ Nhật. Trong chiêm tinh học thì 2 chòm sao thiêng nhất trên bầu trời là chòm Đại Hùng có 7 ngôi sao và Tiểu Hùng cũng có 7 ngôi sao. Rồi "huyền thoại 7 đại dương" của thủy thủ Simba... Con số 7 là con số huyền bí.

Bài học 5: Khẩu nghiệp

Ta thấy kiếp xưa Ngài Chi-ta-hat-tha chỉ vì Khẩu nghiệp là một câu nói đơn giản mà bị quả báo kéo dài nhiều kiếp từ thời Phật quá khứ tới thời Phật hiện tại. Nhưng nếu ta đánh gãy tay ai thì ta chỉ bị quả báo là bị đánh gãy tay 1 lần là hết. Sao khẩu nghiệp đó kéo dài nhiều kiếp vậy?

Bởi vì khẩu nghiệp khi nói ra một triết lý sống sai lầm nhiều người học theo thì tội nhân theo cấp số nhân. Ví dụ: "Thà ta phụ người còn hơn để người phụ ta". Câu nói đó của Tào Tháo có thể phá tan một dân tộc nếu dân chúng mến vua, học theo lời vua. Dân nước đó sẽ vô đạo đức, ích kỷ, dẵm đạp lên quyền lợi của người khác để thu lợi cá nhân. Nước đó sẽ loạn bởi dân chúng ai ai cũng ích kỷ phá hoại là chính.

Hoặc câu nói: "Ác giả ác báo, thiện giả thiện báo". Tức là: "Người ác sẽ nhận quả báo ác, người thiện sẽ nhận quả báo thiện". Khiến dân tộc đó đạo đức vì họ biết Luật nhân quả mà sợ tội. Ở đây Ngài Chi-ta-hat-tha vô tình nói ra triết lý sống sai lầm "không tu thì về với vợ con, sao phải khổ". Rồi có nhiều người học theo nên tội nhân theo cấp số nhân.

Bài học 6: Duyên đắc đạo giác ngộ

Đạo Phật có câu: "Vì đại nhân duyên mà Đức Phật ra đời". Tức thành công cần 2 yếu tố: Nhân và Duyên. Ta thấy từ thời Phật quá khứ Ngài Chi-ta-hat-tha đã có nhân tu hành tầm cầu giác ngộ mà chưa đắc đạo. Từ đó đến nay trải qua thời gian rất lâu Ngài vẫn tiếp tục tu hành. Nay Ngài được sinh vào thời có Phật Thích Ca là một Đại Duyên thì đắc A-la-hán. Ta chỉ thấy 1 đời hiện tại nên thấy Ngài tu đơn giản, dễ dàng. Ta đâu biết rằng Ngài đã tu ngàn đời, ngàn kiếp rồi nay gặp Đại Duyên mới thành Chính quả.

Cho nên thời Đức Phật tại thế thì A-la-hán có hàng ngàn vị vì thời đó là Đại Duyên có Chánh pháp Đức Phật chuẩn chỉnh đúng đắn. Sau thời Đức Phật 500 năm đến nay là thời Mạt Pháp. Thời mà Chánh pháp không còn đúng chuẩn của Đức Phật nên rất ít vị đắc A-la-hán. Việt Nam ta trong lịch sử chỉ ghi nhận duy nhất một Phật Hoàng Trần Nhân Tông hỏa thiêu có 3000 Ngọc Xá Lợi Ngũ Sắc (Đức Phật hỏa thiêu có 84.000 Ngọc Xá Lợi Ngũ Sắc). Và đó là một vị A-la-hán duy nhất trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lvt