Pháp cú 31: Truyện vị đốn ngộ diệt kiết sử

"Vui thích không phóng dật,

Tỳ kheo sợ phóng dật,

Bước tới như lửa hừng,

Thiêu kiết sử lớn nhỏ."

(II-Phẩm Không Phóng Dật, Pháp Cú 31)

Tích Pháp Cú: Thời Đức Phật, các Tỳ kheo sau khi học giáo lý cơ bản xong sẽ đến xin Phật phương pháp tu hành. Phật quan sát căn duyên và năng khiếu của từng vị mà hướng dẫn một phương pháp thích hợp phát huy tối đa sở trường. Sau đó, Tỳ kheo cứ theo lời dạy của Phật mà tu hành thuận duyên đến khi đắc đạo.

Có một vị được Phật cho một pháp môn tu hành. Sau đó Ngài cáo từ Phật đi đến một nơi thanh vắng khá xa Tinh xá để chuyên tâm tu hành. Ngài tu mãi mà không thấy kết quả gì. Ngài nghĩ rằng pháp môn Phật dạy không thích hợp. Ngài bèn quay về gặp Phật để trình bày và xin một pháp môn khác.

Giữa đường đi, bất chợt có một trận cháy rừng. Ngài tránh ngọn lửa mà trèo lên ngọn đồi trọc. Ngài đứng giữa đồi trơ trọi nhìn xuống thấy lửa bao bốn bề. Chợt tâm Ngài động niệm thấy rằng lầm lỗi kiết sử, ác nghiệp quá khứ... trong tâm Ngài dày đặc như khu rừng bên dưới. Ngài khởi niệm mong ước sao cho toàn bộ kiết sử trong tâm bị thiêu đốt hết như trận cháy rừng. Ngài nhập định lúc nào không hay.

Trong định Ngài thấy Phật hiện ra trước mặt. Phật đọc bài kệ:

"Vui thích không phóng dật,

Tỷ kheo sợ phóng dật,

Bước tới như lửa hừng,

Thiêu kiết sử lớn nhỏ."

(II-Phẩm Không Phóng Dật, Pháp Cú 31)

Nghe xong bài kệ Ngài liền đắc đạo A-la-hán.

Bài học kinh nghiệm:

Bài học 1: Tỳ kheo sợ phóng dật

"Phóng dật" là sống buông thả, lười biếng, tham đắm thế gian. "Tỳ kheo sợ phóng dật" tức Tỳ kheo chuyên tâm tu hành Giới hạnh, Thiền định, Tuệ giác (Giới-Định-Tuệ). Vị đó như ngọn lửa hừng hực bốc cháy thiêu đốt mọi Kiết sử lớn bé. Sau khi diệt tận Kiết sử thì vị đó đắc đạo A-la-hán.

Phật dạy rằng: "Tu hành là diệt trừ kiết sử gồm 10 tật xấu trong tâm bằng cách Không phóng dật".

Bài học 2: Kiết sử là gì?

Phật liệt kê 10 Kiết sử mà một vị tu hành cần diệt trừ. "Kiết" hay "Kết" tức là thứ bám keo két trong tâm mọi chúng sinh từ đời này sang đời khác và có thể là mãi mãi trong luân hồi. "Sử" là nó sai sử mọi hành động của chúng sinh. Kiết sử hay Tật xấu, ta hay gọi tắt là: Tham Sân Si gồm 10 món sau:

(1) Thân kiến: là tính xấu tham lam, ích kỷ, thu vén lợi ích cá nhân. Thân kiến sẽ dẫn đến các tội: lừa đảo, trộm cướp, giả dối, man trá, tật đố, đố kị, ghen ăn tức ở, phản bội, muốn hơn người.

(2) Giới cấm thủ: là tính xấu cố chấp, bám chặt vào cái sai, ai khuyên cũng không nghe, kiên trì với cái sai, ngoan cố, cố thủ, định kiến, thành kiến, bảo thủ, trì trệ.

(3) Nghi: là cái đúng chánh pháp thì không tin, không giữ, lại nghi ngờ chánh pháp, từ bỏ chánh pháp chạy theo tà pháp. Nghi là: hoang mang, bồng bột, nông nổi, lung lạc tinh thần, không chính kiến, dễ mất quan điểm, dễ bị tác động, dễ lung lay, thiếu chính kiến, mù quáng.

(4) Tham dục: là tính xấu tâm thường nghĩ đến dục, ham muốn tình dục, thường động dục, dâm dê, mê gái, mê trai, thích phim con heo 18+, thích hình ảnh đồi truỵ. Kẻ đó luôn có lời nói ý tứ kích dục, gợi dục, quấy rối tình dục. Kẻ đó rất dễ ngoại tình, mại dâm, cưỡng dâm, hiếp dâm...

(5) Sân hận: là kẻ có tâm tức giận muốn gây đau khổ cho người để hả cơn giận. Kẻ đó bày mưu tính kế hại người, hạ độc thủ làm người đau khổ. Kẻ đó có lời lẽ quát mắng, chửi bới, xỉ nhục người. Kẻ đó có hành động đánh đập hành hạ người.

Trên đây là 5 Thượng phần Kiết sử của chúng sinh cõi phàm trần Dục giới thô kệch dễ thấy. Ai cũng thấy đó là tội là tật xấu. Sau đây là 5 Hạ phần Kiết sử vi tế, khó thấy của cõi thánh. Các tật xấu này cõi phàm trần Dục giới không có. Hoặc nếu có thì ta đôi khi không coi đó là tội.

(6) Trạo hối: là tật xấu trạo cử hối tiếc khi ngồi thiền. Khi ngồi thiền thân hành giả lay động, tâm hành giả xuất hiện tâm lý hối tiếc, bồn chồn, bất an, loạn tâm, loạn động khiến vị đó không thể thiền định. Đây là tật xấu khiến hành giả khó tu thiền. Còn người thường lại thích những nơi náo nhiệt để thêm hưng phấn. Thế nên họ vào vũ trường, karaoke, sân bóng đá... để hò hét, nhảy nhót, gào thét... để tâm thêm loạn. Tức họ đang muốn có trạo hối.

(7) Kiêu mạn: Kiêu mạn là tật xấu thấy ta hơn người. Hệ quả là kẻ đó sẽ khinh bỉ, khinh thường người. Người thường thì yêu thích sự kiêu mạn gọi nó là "tự hào". Kẻ tự hào thái quá sẽ thành không khiêm tốn. Kẻ đó sẽ thành tự phụ, kiêu ngạo, kiêu căng ngạo mạn, khinh bỉ người.

(8) Tham Sắc ái: Vị đó chứng thiền nhập định đi vào cõi Trời Sắc Giới. Tại đó cảnh trí vĩ đại huy hoàng khiến vị đó ham thích gọi là Tham sắc ái.

(9) Tham Vô Sắc ái: Vị đó chứng thiền nhập định đi vào cõi Trời Vô Sắc Giới. Tại đó cảnh trí vĩ đại huy hoàng khiến vị đó ham thích gọi là Tham vô sắc ái.

(10) Vô Minh: Vị đó chưa đắc Tam Minh nên không thấy Nhân Quả Tam thế Luân hồi hay Chân lý vũ trụ. Phật gọi là Vô Minh. Ví như một người không thấy ánh sáng nên không thấy vạn vật. Vị đó được người sáng mắt miêu tả vạn vật rồi vị đó tưởng tượng ra vạn vật mà thôi. Cũng vậy, ta chưa đắc đạo A-la-hán thì vẫn Vô minh. Ta chỉ có thể suy luận nhân quả chứ không thể thấy nhân quả luân hồi.

Bài học 3: Năng khiếu

Phật bằng Thiên nhãn minh vĩ đại của một vị Phật nên Người biết rõ căn duyên của chúng sinh. Chỉ một lời dạy của Phật dành cho ai thì đó là lời dạy vĩ đại. Bởi vì lời dạy đó đúng sở trường, đúng năng khiếu, đúng thế mạnh kẻ đó.

Năng khiếu hay thế mạnh sở trường của một con người không phải đời này mới có. Nó hình thành từ quá khứ nhiều đời nhiều kiếp người đó đã từng làm việc trong lĩnh vực đó. Đời này người đó được làm đúng năng khiếu sở trường tức là làm lại những cái đã làm trong quá khứ.

Vậy nên vào thời Đức Phật, các Tỳ kheo xin Phật chỉ dạy đúng pháp môn thích hợp, đúng năng khiếu sở trường nên dễ đắc đạo. Sau thời Đức Phật rất ít người tu thành chính quả vì không có Đức Phật khéo léo chỉ bảo đúng năng khiếu sở trường nữa.

Bài học 4: Đốn Ngộ và Công Án

Hiện tượng đốn ngộ hay hiện tượng "Giọt nước tràn ly" là một hiện tượng mà một vị tu hành rất lâu không thấy kết quả gì. Nhưng trong một thời điểm, một giây phút ngắn ngủi đột nhiên vị đó bừng ngộ. Nó giống như ly nước có bao nhiêu giọt nước rơi vào trước đó không thấy chuyển biến gì. Chỉ đến giọt nước cuối cùng rơi vào ly nước khiến nước trong ly tràn túa ra ngoài. Đó là hiện tượng Đốn Ngộ.

Các điều kiện hay sự kiện dẫn đến Đốn Ngộ được gọi là Công Án. Công Án có thể là một câu kinh, một bài kệ, một hiện tượng, một cảnh trí khiếm tâm vị đó vỡ oà. Như vị Tỳ kheo tu hoài tu mãi chẳng thấy đắc đạo. Thế nhưng chỉ trong giây phút đứng giữa ngọn đồi nhìn lửa cháy thì tâm nhập định. Rồi Phật hiện ra đọc bài kệ thì vị đó đắc đạo A-la-hán ngay tức thì.

Văn hóa phương đông rất đề cao Thiên thời. Thiên thời là thời cơ, cơ hội, mọi điều kiện đã chín muồi, mọi sự cố gắng đến lúc hái quả ngọt. Đúng lúc đó, thời cơ đó, cơ hội đó thì quả báo hiện ra rực rỡ. Vậy nên trong lý thuyết Tam Tài thì yếu tố Nhân hòa là sự cố gắng của ta phải liên tục bền lâu. Yếu tố Địa lợi là những điều kiện thuận lợi về môi trường xã hội bên ngoài cũng liên tục bền lâu. Chỉ riêng yếu tố Thiên thời lại chỉ xảy ra bất chợt trong tíc tắc.

Đơn giản bạn hình dung cây hoa hồng. Cây đó xuất phát từ mầm non hay hạt giống và phải liên tục sống. Gọi là Nhân hòa. Cây đó phải có điều kiện môi trường, đất đai, khí hậu, nắng, gió, mưa... thuận lợi. Gọi là Địa lợi. Thế nhưng hoa hồng chỉ nở trong thời gian ngắn. Nó "Bung lụa" rồi tàn úa rất nhanh. Và giá trị của cây hoa hồng chính là vẻ đẹp của bông hoa.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lvt