Chương 5: PHẨM NGU - Pháp cú 60: Truyện tiếng sét ái tình
"Kẻ thức thấy đêm dài
Người mệt thấy đường xa
Còn ai thiếu Phật Pháp
Luân hồi khó ngày ra."
(V-Phẩm Ngu, Pháp Cú 60)
Truyện tích kể rằng: Lần đó vua Ba Tư Nặc tổ chức lễ diễu hành để dân chúng biết sức mạnh quân đội và sự giàu có của nước Ko-sa-la. Vua ngồi trên lưng voi diễu hành cùng binh lính, cung nữ, hoàng tộc... để dân chúng biết mặt vua.
Vua ngồi trên lưng voi rất cao nhìn xuyên vào nhà cửa dân chúng. Bất thình lình vua thấy một thiếu phụ và Ngài bị "Tiếng sét ái tình" đánh ngang lưng trời. Từ đó vua thẫn thờ đến khi về cung điện. Ta biết vua đã có hoàng hậu Mạc Lợi và vương phi Va-sa-ba-ca-ti-a vô cùng xinh đẹp. Bên cạnh đó vua còn rất nhiều thê thiếp cung nữ.
Về hoàng cung vua cho cận vệ dò hỏi xem nhà đó là ai? Gia đình ra sao? Thiếu phụ đó thế nào? Cận vệ điều tra thì biết nhà đó gia đình khá giả có cô vợ thuộc hàng "tuyệt sắc giai nhân".
Cả đêm hôm đó vua thức suốt không ngủ. Vua cứ trằn trọc lăn qua lăn lại mà hình bóng thiếu phụ cứ ở trong đầu. Đó là một đêm dài nhất trong đời vua Ba Tư Nặc.
Sáng hôm sau vua nghĩ ra một kế. Vua ra lệnh tất cả đàn ông trên dãy phố đó đi đắp đê. Lính đến từng nhà gõ cửa và đọc lệnh của vua. Đến nhà đó thì người chồng đề nghị:
- Thưa đại nhân, nhà tôi đơn chiếc nên tôi không thể đi được. Tôi có thể đóng tiền thay thế được không?
- Không được! Trong lệnh của vua có ghi rõ "Không đóng tiền thay thế".
Gia đình đó khá giả không quen lao động nên người chồng bê từng viên đá, đội từng rổ đất đi trên con đường mệt mỏi. Ông thấy con đường đó mọi ngày vẫn đi qua thấy ngắn nhưng nay sao nó dài như vô tận.
Rồi vua Ba Tư Nặc chuẩn bị một cái bẫy khiến toàn bộ dân công đắp đê rơi xuống mà chết. Nhưng vua Ba Tư Nặc còn thiện căn nên đêm hôm đó vua gặp ác mộng. Một quang cảnh địa ngục quỷ sứ đánh đập, lửa ngục bừng bừng hiện ra... còn tù nhân thì kêu la thảm thiết. Vua hoảng sợ không dám ngủ suốt đêm đó. Sáng hôm sau vua gọi thầy chiêm tinh vu thuật tới đoán điềm giải mộng:
- Đêm qua ta mơ thấy cảnh địa ngục lửa cháy, dầu sôi, quỷ dữ tra tấn phạm nhân, còn phạm nhân thì la hét vang trời... nghĩa là sao?
Thầy chiêm tinh là tà đạo nên nói:
- Cung vua đang bị quỷ ám. Vua phải làm một đại tế đàn gồm: 100 con gà, 100 con ngựa, 100 con dê... 100 đồng nam, 100 đồng nữ... giết để tế thần.
Vua nghe theo và ra lệnh kiếm đủ số lượng đó. Hoàng hậu Mạc Lợi trong cung sáng hôm đó nghe thấy tiếng kêu than, tiếng la hét, tiếng gà, tiếng ngựa, tiếng dê... Hoàng hậu chạy ra xem và hỏi vua Ba Tư Nặc chuyện gì? Vua kể lại sự tình. Hoàng hậu Mạc Lợi hoảng sợ nói với vua:
- Thưa Đại vương, vì sao Đại vương mơ thấy ác nghiệp hiện về cảnh báo mà Đại vương lại làm điều ác cho quả báo hiện ra đúng theo giấc mộng vậy? Sao Đại vương không đến hỏi Thế tôn?
Lúc đó vua Ba Tư Nặc bừng tỉnh. Đó là vì vua bị "tiếng sét ái tình" khiến vua u mê lú lẫn quên mất cả Đức Phật. Vua bèn đến Tinh xá Kỳ Viên hỏi Phật:
- Bạch Thế Tôn, hôm trước con mơ thấy ác mộng. Sau đó con nhờ quan chiêm tinh vu đoán điềm giải mộng thì được biết phải làm một đại tế lễ. Nay con xin nhờ Thế Tôn giảng giúp con và chỉ cho con cách thức hóa giải.
- Này Đại vương, Đại vương hãy sai lính đến bờ đê gọi người có tên đó về đây ta sẽ giải cho Đại vương.
Vua Ba Tư Nặc đỏ mặt tía tai vì biết Phật đã thấy hết. Vua cho lính đến khúc đê gọi người chồng đến Tinh xá Kỳ Viên gặp Phật. Người chồng nấm nem bùn đất không kịp sửa soạn đến quỳ lạy Phật.
Phật khuyên vua về ái dục, tà dâm, tham dục... đã biến cho con người ta thành kẻ ác độc. Thoáng xúc động trên lưng voi mà vua thấy đó chỉ là ý nghiệp tà hạnh kiếp xưa mà thôi.... Phật giảng nhiều và sâu về đạo lý tham dục tà dâm khiến vua Ba Tư Nặc bừng tỉnh. Vua Ba Tư Nặc bèn nói:
- Bạch Thế Tôn, đêm thật là dài khi con trằn trọc không ngủ.
Người chồng bên cạnh vua cũng nói:
- Bạch Thế Tôn, đường rất là xa khi con lê từng bước chân mệt mỏi.
Và Phật dẫn 2 ý đó thành đạo lý:
- Cũng vậy, Luân hồi là vô tận nếu các ông không thông đạt Chánh pháp và tu hành.
Sau đó Phật đọc bài kệ:
"Kẻ thức thấy đêm dài
Người mệt thấy đường xa
Còn ai thiếu Phật Pháp
Luân hồi khó ngày ra."
(V-Phẩm Ngu, Pháp Cú 60)
Bài học kinh nghiệm:
Bài học 1: Luân hồi khó ngày ra
Tục ngữ Việt Nam có câu rằng:
"Thức đêm mới biết đêm dài
Ở lâu mới rõ lòng người có nhân".
Vậy sự thật hiển nhiên là thức đêm sẽ thấy đêm dài, người mệt vì lao khổ lê lết trên đường sẽ thấy đường xa. Từ đó dẫn đến một sự thật hiển nhiên khác quan trọng. Đức Phật thì nói: "Cũng vậy, ai thiếu Phật Pháp thì luân hồi khó có thể thoát ra". Còn dân gian Việt Nam ta thì nói: "Cũng vậy, lòng người muốn rõ tốt xấu phải ở lâu bên cạnh kẻ đó mới thấy rõ bản chất nhân tâm họ".
Các bạn có thắc mắc vì sao Phật lại giảng về đạo lý giải thoát Luân hồi cho vua Ba Tư Nặc và người chồng không? Phật muốn nhân một sự thật mà chính 2 người đó đã trải nghiệm thấy đúng đắn để dẫn đến một đạo lý tu hành giải thoát. Bởi vì phúc 2 vị đó không phải hạng tầm thường. Một vị là vua của đại quốc Ko-sa-la. Còn một vị đại phú gia và có diễm phúc lấy vợ đẹp "sắc nước hương trời chim sa cá lặn". Nếu 2 vị đó mà tu hành giải thoát Luân hồi thì dễ đạt.
Bài học 2: Tiếng sét ái tình
"Tiếng sét ái tình" có thể là do duyên kiếp xưa hội tụ. Ví như nàng Thiện Sanh đầu thai làm con vua Atula tổ chức lễ kén rể. Trong hàng trăm thanh niên Atula đẹp trai ngời ngời mà nàng không chọn. Nàng lại bị "Tiếng sét ái tình" với ông già xấu xí đứng giữa các thanh niên Atula. Nàng đến đó cầm tay ông già và chọn ông làm chồng. Ông già cầm tay công chúa lập tức biến thành vua trời Đế Thích bay lên giữa hư không hào quang rạng ngời. Đó là một trường hợp "Tiếng sét ái tình" vì duyên kiếp xưa hội tụ.
Còn trường hợp 2 là "Tiếng sét ái tình" bởi dục tính bộc phát khi gặp một tuyệt sắc giai nhân. Đó là bản năng tình dục có trong muôn loài động vật trong đó có loài người. Đó là tâm động dục và tham muốn chiếm đoạt sở hữu một nhan sắc "nghiêng nước nghiên thành". Và đây là trường hợp của vua Ba Tư Nặc khi thấy "tuyệt sắc giai nhân" qua ô cửa sổ.
Người thường thì luôn bị "tiếng sét ái tình" dạng này đánh cho suốt ngày. Thế nhưng vì quyền hèn, lực kém nên ta cứ phải nhẫn nhịn mà bỏ qua. Còn vua Ba Tư Nặc trí tuệ vĩ đại, quyền lực vĩ đại nên "thèm là phải có". Chính vì "thèm là phải có" nên vua đã bày kế thâm hiểm hại hạnh phúc gia đình đó để độc chiếm giai nhân. Cũng may ác nghiệp đang chuẩn bị thực hiện thì vua bị thiện căn ngăn cản và Đức Phật hóa giải.
Nên coi vậy quyền hèn lực yếu như ta đây lại hóa may. Quyền lực lớn "thèm là phải có" thì ta ắt sẽ tạo ác nghiệp. Bởi vì do thời nay chẳng còn Đức Phật ngăn cản nữa. Quả báo sẽ giống như cơn ác mộng.
Bài học 3: Vụng trộm luôn hấp dẫn
Tâm lý con người luôn là vậy. Vụng trộm thì luôn thấy ngon. Còn ê chề đầy ặc lại thấy chán. Vua có tam cung lục viện, cung tần mỹ nữ chẳng thiếu ai. Rồi vua có 2 bà hoàng hậu đẹp tuyệt sắc giai nhân lại không thèm. Thế mà vụng trộm nhìn xuyên cửa sổ nhà dân thấy cô gái đẹp thấp thoáng thì lại thèm khát.
Bài học 4: Tình yêu là mù quáng
Có anh chàng than rằng: "Tôi cưới cô ta bởi những đức tính tốt đẹp mà cô ta không có. Và rồi tôi ly dị cô ấy bởi những tính xấu mà cô ấy cũng không có".
Vậy nên khi bị tiếng sét ái tình đánh thì Thị Nở cũng thành nàng tiên. Còn khi đã chán ghét rồi dù có đẹp như tiên cũng thấy như Phù Thủy. Thế nên có câu rằng: "Tình yêu và hận thù là 2 thái cực của tình cảm. Tại 2 nơi đó lý trí bị đánh mất". Tóm lại: "Yêu và ghét đều là đồ mất trí".
Quay lại chuyện vua Ba Tư Nặc bị tình yêu làm cho mù quáng. Chính vì mù quáng nên vua làm sai, làm ác hại dân mà vẫn cứ làm dù bản chất vua rất thương dân. Chính vì mù quáng mà vua trí tuệ rạng ngời lại đi nghe thầy vu thuật tà ác. Chính vì mù quáng mà vua quên luôn Đức Phật.
Bài học 5: Điềm báo
Văn hoa thần bí phương đông có các môn bói toán, tử vi, lý số, nhân tướng, chiêm tinh, vu thuật, đoán điềm, giải mộng... Đa phần là suy luận điềm báo diễn ra trong hiện tại hay quá khứ để tiên đoán một kết quả ở tương lai.
Nhân tướng học dựa trên dữ liệu về tướng trạng con người: mặt mũi, chân tay, dáng vẻ, thần thái, khí sắc, thanh hương, nốt ruồi... để luận ra số mệnh người đó. Ví dụ: Đức Phật sinh ra đã có đầy đủ viên mãn 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Đó là điềm báo của một tương lai tươi sáng.
Còn Tử vi thì lấy dữ liệu đầu vào là ngày giờ, năm tháng sinh đẻ. Sau đó thầy tử vi áp dụng các thuật toán thần bí cổ xưa như Lý thuyết Kinh Dịch để đoán số mệnh trọn đời kẻ đó. Đó gọi là "Bốc lá số tử vi trọn đời".
Còn Bói nghĩa là thầy bói sẽ cúng lễ các vị thần linh phù hộ cho thầy rồi thầy gieo quẻ, rút xăm. Thầy dựa vào điều xăm nói, quẻ nói mà dự đoán tương lai. Quẻ dịch có 8*8=64 quẻ. Quẻ Quan Âm có bách xăm 10*10=100 lá xăm. Thế nhưng phải có thần linh phù hộ thì quẻ hay xăm mới linh. Còn không có thần linh phù hộ thì Rút Xăm chỉ là sự ngẫu nhiên mà thôi.
Ta còn nhớ trước khi Phật từ bỏ khổ hạnh cực đoan quay về với con đường thiền. Khi đó Phật thả cái bát xuống dòng sông Ni Liên Thiền và chú nguyện: "Nếu con đường thiền là đúng thì xin chiếc bát trôi ngược dòng nước". Và sự thật chiếc bát đã trôi ngược dòng nước. Đó chính là một hình thức Bói với tỷ lệ thành công vô cùng nhỏ bé. Còn bói Bách xăm thì tỷ lệ thành công là 1%.
Còn Chiêm tinh thì dùng dữ liệu đầu vào là vị trí, độ sáng tối, sự dịch chuyển của các vì sao để luận đoán số mệnh cho vua hay quốc gia. Đoán điềm giải mộng hay vu thuật là dùng dữ liệu đầu vào là giấc mơ để luận đoán điều gì sẽ xảy ra ở tương lai.
Điềm báo dùng để dự báo một kết quả ở tương lai. Giống như trước mỗi cơn mưa thì bầu trời luôn mây mù vần vũ. Người thường nhìn đám mây thì đoán biết sẽ có mưa. Còn ta thấy điều nhỏ đến trước gọi là "Điềm báo" thì sẽ đoán ra cái lớn như số mệnh, cát hung, buồn vui sướng khổ ở tương lai.
Và ở đây ta còn thấy một điều mới: "Một điềm báo không nhất thiết là báo trước quả báo sẽ tới ở tương lai mà còn là sự cảnh tỉnh trước một hành động ác". Vua Ba Tư Nặc trước hành động ác là sẽ giết toàn bộ dân chúng bị bắt đi đắp đê với mục tiêu chiếm hữu thiếu phụ xinh đẹp. Đó là một đại tội vì vua âm mưu giết con dân của vua để phục vụ lòng tham thì vua đó sẽ đau khổ nơi địa ngục. Điềm báo chính là lương tâm thức tỉnh đã cảnh giác cho vua ngăn vua không làm sai.
Ngoài ra ta còn thấy, cũng là điềm báo nhưng gặp phải thầy tà ma ngoại đạo, thầy bói rởm, thầy vô đạo đức phi nhân quả... thì sẽ luận sai khuyên tầm bậy. Thầy bói đó lại khuyên vua giết thêm 100 đồng nam, 100 đồng nữ, 100 voi, 100 ngựa, gà, dê, chó... để làm lễ tế thần. Nếu vua nghe theo thì tội chồng tội.
Bài học 6: Thời gian nhanh chậm, không gian gần xa do tâm ta cảm nhận
Khi ta đau khổ vì thức đêm không ngủ được thì ta thấy thời gian thật là chậm. Khi ta bị đày ải lao động khổ sai bước lê trên đường mỏi thì ta thấy con đường thật xa. Sao vậy?
Thời gian nếu đo bằng phút giây đồng hồ thì ai cũng giống ai. Quãng đường nếu đo bằng mét thì ai cũng giống ai. Nhưng khi tâm ta đau khổ thao thức không ngủ thì cảm nhận 8 tiếng ngủ đó thật là dài. Rồi khi ta đau khổ bước lê thì ta thấy quãng đường đó thật là xa. Ngược lại, nếu ta có một giấc ngủ bình an hạnh phúc thì 8 tiếng đó như chớp mắt. Hoặc ta hạnh phúc đi trên đường sẽ như vừa bước chân đã tới đích.
Do vậy thời gian nhanh chậm, quãng đường gần xa là do tâm ta cảm nhận. Nếu ta khổ thì thời gian như bị kéo chậm lại và quãng đường như dài ra. Nếu ta sung sướng hạnh phúc thì thời gian trôi qua nhanh và quãng đường cảm giác như ngắn lại.
Cũng vậy, một cô gái chờ bạn trai tới để cùng xem phim ở rạp. Bạn trai đến muộn 15 phút mà cô chờ cảm thấy lâu như thế kỷ. Sau đó cả 2 vào xem phim "Avenge End Game" 180 phút. Họ thì vừa xem đã thấy hết phim.
Hết tập 1
Mời bạn đón đọc tập 2!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top