136 Thủy xinh
4. Tội cướp giật tài sản (Điều 136 Bộ luật hình sự)
a. Định nghĩa
Cướp giật tài sản là hành vi nhanh chóng giật lấy tài sản của người khác một cách công khai rồi tìm cách tẩu thoát.
b. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm quan hệ sở hữu về tài sản. Quan hệ nhân thân không là mục đích mà người phạm tội muốn xâm hại nhưng khi thực hiện hành vi, người phạm tội ý thức được rằng, để cướp giật được tài sản, hậu quả về nhân thân của nạn nhân là khó tránh khỏi. Vì thế, hầu hết các luật gia đều cho rằng, quan hệ nhân thân cũng là khách thể trực tiếp của tội cướp giật tài sản. Tuy nhiên, theo chúng tôi, quan hệ nhân thân không là
khách thể trực tiếp của tội phạm này. Bằng không, chúng ta rất khó phân biệt giữa tội phạm này với tội cướp tài sản. Ngoài ra, tội phạm này còn gián tiếp tác động xấu đến trật tự an toàn xã hội. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản mà người phạm tội muốn cướp giật.
- Khách quan:
Người phạm tội có hành vi lợi dụng sơ hở, đoạt lấy tài sản đang do người khác quản lý rồi nhanh chóng tẩu thoát nhằm tránh sự đuổi bắt của người quản lý tài sản. Đặc trưng của tội phạm này là công khai chiếm đoạt tài sản (không lén lút, để phân biệt với tội trộm tài sản), không dùng bạo lực (phân biệt với tội cướp tài sản), không dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần (cưỡng đoạt tài sản)… Cũng xem là hành vi cướp giật khi người phạm tội có tác động nhẹ vào người nạn nhân (không đáng kể, không nhằm làm mất đi sự phản kháng của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản) và giật tài sản. Đối tượng của hành vi cướp giật thường là những loại tài sản gọn nhẹ, như: đồng hồ, dây chuyền, hoa tai, túi xách…, cá biệt có thể là xe đạp, xe gắn máy.
Tội cướp giật tài sản khác tội cướp tài sản (Điều 133) ở chỗ không có dùng vũ lực. Nếu có dùng vũ lực thì vũ lực trong tội cướp giật chỉ mang tính chất để chiếm được tài sản chứ không nhằm mục đích làm cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản mất khả năng chống cự. Vì vậy, nếu người phạm tội dù ban đầu có ý định cướp giật tài sản nhưng trong khi cướp giật, người phạm tội có sử dụng vũ lực khiến người phạm tội không thể chống cự được, không còn khả năng giữ được tài sản thì phải xác định đó là tội cướp tài sản.
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích vụ lợi (nhằm chiếm đoạt tài sản) là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Mục đích này chỉ có thể hình thành trước khi hành vi cướp giật diễn ra.
- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định. Tuy nhiên, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, 3 và 4 Điều này.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top