12 co so ha tang kien truc thuong tang
3. Biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng của xã hội
3.1. Khái niệm cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng
3.1.1. Khái niệm cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng là toàn bộ những quan hệ sản xuất hợp thành cơ cấu kinh tế của
một hình thái kinh tế-xã hội nhất định.
Khái niệm cơ sở hạ tầng phản ánh chức năng xã hội của các quan hệ sản xuất
với tư cách là cơ sở kinh tế của các hiện tượng xã hội. Cơ sở hạ tầng của một xã hội
cụ thể bao gồm những quan hệ sản xuất thống trị, những quan hệ sản xuất là tàn dư
của xã hội trước và những quan hệ sản xuất là mầm mống của xã hội sau. Nhưng
đặc trưng cho bản chất của một cơ sở hạ tầng là quan hệ sản xuất thống trị. Trong
một cơ sở hạ tầng có nhiều thành phần kinh tế, nhiều kiểu quan hệ sản xuất thì kiểu
quan hệ sản xuất thống trị và thành phần kinh tế tương ứng với nó bao giờ cũng giữ
vai trò chủ đạo, chi phối các thành phần kinh tế và các kiểu quan hệ sản xuất khác;
quy định và tác động trực tiếp đến xu hướng chung của toàn bộ đời sống kinh tế xã
hội.
Trong xã hội có giai cấp đối kháng, thì trong cơ sở hạ tầng tồn tại các quan hệ
đối kháng. Sự đối kháng giai cấp và xung đột giai cấp bắt nguồn ngay từ trong cơ sở
hạ tầng.
3.1.2 Khái niệm kiến trúc thượng tầng
Kiến trúc thượng tầng là toàn bộ những quan điểm chính trị, pháp quyền, triết
học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật, v.v.. cùng với những thiết chế xã hội tương ứng
như nhà nước, đảng phái, giáo hội, các đoàn thể xã hội, v.v.. hình thành trên một cơ
sở hạ tầng nhất định.
Mỗi yếu tố của kiến trúc thượng tầng có đặc điểm riêng, có quy luật phát triển
riêng, nhưng không tồn tại tách rời nhau mà tác động qua lại lẫn nhau và đều nảy
sinh trên cơ sở hạ tầng, phản ánh cơ sở hạ tầng. Song không phải tất cả các yếu tố
của kiến trúc thượng tầng đều liên hệ như nhau đối với cơ sở hạ tầng của nó. Các tổ
chức chính trị, pháp luật có liên hệ trực tiếp với cơ sở hạ tầng; còn các yếu tố khác
như triết học, nghệ thuật, tôn giáo chỉ liên hệ gián tiếp với nó.
Kiến trúc thượng tầng của xã hội có đối kháng giai cấp bao gồm hệ tư tưởng và
các thể chế của giai cấp thống trị, tàn dư của các quan điểm xã hội trước để lại;
quan điểm và tổ chức của giai cấp bị trị mới ra đời; quan điểm tư tưởng và tổ chức
của các tầng lớp trung gian. Tính chất hệ tư tưởng của giai cấp thống trị quyết định
tính chất cơ bản của kiến trúc thượng tầng trong một hình thái xã hội nhất định.
Bộ phận có quyền lực mạnh nhất trong kiến trúc thượng tầng của xã hội có đối
kháng giai cấp là nhà nước - công cụ của giai cấp thống trị xã hội về chính trị, pháp
lý. Chính nhờ có nhà nước mà tư tưởng của giai cấp thống trị mới thống trị được
toàn bộ đời sống xã hội. Giai cấp nào thống trị về mặt kinh tế và nắm giữ chính
quyền nhà nước thì hệ tư tưởng cùng với những thiết chế xã hội của giai cấp ấy
cũng giữ địa vị thống trị. Nó quy định và tác động trực tiếp đến xu hướng phát triển
của toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội và quyết định cả tính chất, đặc trưng cơ
bản của toàn bộ kiến trúc thượng tầng xã hội đó.
3.2. Mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng
3.2.1. Cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng
Vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng đối với kiến trúc thượng tầng thể hiện
trước hết ở chỗ cơ sở hạ tầng nào thì sinh ra kiến trúc thượng tầng ấy. Trong xã hội
có giai cấp, giai cấp nào chiếm địa vị thống trị về kinh tế thì cũng chiếm địa vị
thống trị trong đời sống chính trị và tinh thần. Mâu thuẫn trong lĩnh vực kinh tế, xét
đến cùng, quyết định mâu thuẫn trong lĩnh vực chính trị tư tưởng. Tất cả các yếu tố
kiến trúc thượng tầng đều trực tiếp hay gián tiếp phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, do cơ
sở hạ tầng quyết định.
Vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng đối với kiến trúc thượng tầng còn thể
hiện ở chỗ cơ sở hạ tầng thay đổi thì sớm hay muộn kiến trúc thượng tầng cũng thay
đổi theo. Sự thay đổi đó diễn ra không chỉ trong giai đoạn thay đổi từ hình thái kinh
tế-xã hội này sang hình thái kinh tế-xã hội khác, mà còn diễn ra ngay trong bản thân
mỗi hình thái kinh tế-xã hội.
Sự thay đổi cơ sở hạ tầng dẫn đến làm thay đổi kiến trúc thượng tầng diễn ra
rất phức tạp. Trong đó, có những yếu tố của kiến trúc thượng tầng thay đổi nhanh
chóng cùng với sự thay đổi cơ sở hạ tầng như chính trị, pháp luật, v.v.. Nhưng cũng
có yếu tố thay đổi chậm như tôn giáo, nghệ thuật, hoặc có những yếu tố tiếp tục tồn
tại dai dẵng ngay cả sau khi cơ sở kinh tế sinh ra nó không còn tồn tại và có những
yếu tố của kiến trúc thượng tầng được kế thừa trong xã hội mới. Trong xã hội có
giai cấp, sự thay đổi đó thông qua đấu tranh giai cấp, thông qua cách mạng xã hội.
3.2.2. Sự tác động trở lại của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng
Toàn bộ kiến trúc thượng tầng cũng như các yếu tố cấu thành nó đều có tính
độc lập tương đối trong quá trình vận động phát triển và tác động một cách mạnh
mẽ đối với cơ sở hạ tầng.
Sự tác động trở lại của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng thể hiện
chức năng xã hội của kiến trúc thượng tầng là bảo vệ, duy trì, củng cố và phát triển
cơ sở hạ tầng sinh ra nó, chống lại mọi nguy cơ làm suy yếu hoặc phá hoại chế độ
kinh tế đó. Một giai cấp chỉ có thể đứng vững được sự thống trị về kinh tế chừng
nào xác lập và củng cố được sự thống trị về chính trị, tư tưởng.
Tất cả các yếu tố cấu thành kiến trúc thượng tầng đều có tác động đến cơ sở
hạ tầng. Tuy nhiên, mỗi yếu tố khác nhau có vai trò khác nhau, có cách thức tác
động khác nhau. Trong xã hội có giai cấp, nhà nước là yếu tố có tác động mạnh nhất
đối với cơ sở hạ tầng, vì đó là bộ máy bạo lực tập trung của giai cấp thống trị về
kinh tế. Các yếu tố khác của kiến trúc thượng tầng như triết học, đạo đức, tôn giáo,
nghệ thuật, v.v... cũng đều tác động đến cơ sở hạ tầng bằng những cách thức khác
nhau. Thường những tác động đó phải thông qua nhà nước, pháp luật thì mới phát
huy được hiệu lực đối với cơ sở hạ tầng, cũng như đối với toàn xã hội.
Sự tác động kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng diễn ra theo hai chiều
hướng. Nếu kiến trúc thượng tầng tác động phù hợp với các quy luật kinh tế khách
quan thì nó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế phát triển; còn nếu tác động
ngược lại nó sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế, kìm hãm sự phát triển xã hội. Nhưng
sự kìm hãm đó chỉ là tạm thời, sớm hay muộn bằng cách này hay cách khác kiến
trúc thượng tầng cũ sẽ được thay thế bằng kiến trúc thượng tầng mới cho phù hợp
với yêu cầu của cơ sở hạ tầng.
Trong bản thân kiến trúc thượng tầng cũng diễn ra quá trình biến đổi, phát triển
có tính chất tương đối. Quá trình đó càng phù hợp với cơ sở hạ tầng thì sự tác động
của nó đối với cơ sở hạ tầng càng có hiệu quả.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top