7 - thương nhớ ở ai
Ba rưỡi sáng, mặt trời vẫn còn lấp ló sau rặng tre. Thị gánh hai nồi nước dùng còn nóng hôi hổi từ nhà ra chợ. Bước chân thoăn thoắt mò mầm đi trong mảnh trời hãn còn tối nhem. Ra đến chợ cũng phải bốn giờ, đặt xuống nền đất ẩm thấp, thị thở phào nhẹ nhõm, ngồi lấy chiếc nón quạt cho mát cái người rồi tiếp tục làm tiếp.
Cứ lủi thủi bày hàng ra, nào là chả lá lốt xếp gọn vào một cái mâm, bên cạnh là thịt thăn nõn chưa trần. Rau muống xanh mướt đổ ra cái rổ bên cạnh chỗ thị ngồi, hành mùi thái sẵn đổ ra một cái bát. Gạch cua phi cà chua tốp mỡ để gọn vào một cái bát to, bên trên rắc hành phi vàng ươm thơm phức.
Cứ túc tắc mà làm cũng vừa kịp người người ra họp chợ, ngày xưa còn có u đi bán, cái nghề này là của u truyền lại cho thị, về sau u bệnh mất, thế là thị lại tiếp tục nối lại cái nghề ấy của u. Nhà còn có người thầy nát rượu, mà một đứa em đã lớn mà đầu óc lúc nào cũng như đứa trẻ lên ba, suốt ngày đi lang thang, vật vờ từ đầu làng đến cuối làng, nhốt vào thì nó dồ nó dại, nó hét ầm ĩ không cho ai yên, nên thị kệ, chả giữ được. Cứ sáng sớm, thị thổi một nồi cơm trộn với sắn, rang ít tép khô để gọn trong cái lồng bàn, nó đói thì tự lấy mà ăn.
- Mụ cho tôi ba bát bánh đa, đi rừng về đói mờ cả mắt.
- Từ từ, nước dùng chưa sôi.
Thị cau mày gắt lên, tay chân lúc nào cũng thấy làm, còn cái mặt thì khó tính không ai ngửi được. Bảo sao cái đám trai làng không đứa nào muốn dây vào.
- Thì tôi đợi, sao mụ cứ phải cáu với tôi.
- Ai cáu với nhà ông, tôi là tôi đang bực với thằng Tâm nhà tôi. Không biết đêm qua nó bỏ nhà đi từ bao giờ, cứ hở ra là bỏ nhà đi, có lần nó bỏ đi mấy ngày trời, tôi phải sang tận làng bên tìm nó, hóa ra nó bị người ta xích lại vì tưởng ăn trộm gà nhà người ta. Rõ khổ, chả biết đến bao giờ cái thân này mới được thảnh thơi đây.
Nghe thị nói, cậu cũng không biết nói thế nào. Mỗi nhà mỗi cảnh, cả cái làng này ai chả biết số thị khổ, có mỗi u là chỗ dựa tinh thần thì cũng đã về nơi chín suối, giờ chỉ còn thầy và thằng em không được bình thường. Ngày nào cũng canh thị bán xong hàng lại ra vòi vĩnh đòi tiền mua rượu, không cho thì đập phá, mà cho thì chẳng biết bao nhiêu cho đủ. Vậy mà cậu không thấy thị khóc hay buồn bao giờ, hay khổ nhiều rồi nên chỉ biết nuốt vào trong.
- Hay để tôi tìm nó về cho mụ, nó nghe tôi phết.
- Thôi, chả cần. Kệ nó, thích đi đâu thì đi, chết bờ chết bụi cũng mặc nó, đụng tới thân thì giẫy đành đạch lên, phát mệt.
Thị cáu um, miệng thì nói thế nhưng cứ hễ nó đi lâu lâu lại tự vác cái thân đi tìm. Bỏ thì thương, mà vương thì tội.
Cậu đang xì xụp bát bánh đa, từ hàng lan của cậu có hai cô xinh lắm, nhìn lại hóa ra là khách quen. Cậu vội vã để dở bát bánh đa, đi ra bán hàng.
- Anh cho tôi mua hai chậu Lan.
- Ơ, ở phủ thầy trồng cả đống lan quý chị chả thèm ngắm lấy một lần. Cái lan ở đây nhìn trông xấu chết.
Uyển Bình đứng bên cạnh thêm lời, được ngày đòi theo chị ra ngoài chợ, mà lại còn chơi ngay cái câu đó thì chả khác nào làm bẽ mặt chị mình. Bảo Bình bấu vào thắt lưng của Uyển Bình, từ nhỏ đến lớn không bao giờ nó để cho Bảo Bình tí thể diện nào.
- Mặc chị.
Giọng cô Uyển Bình cao vút, bấy giờ tính đi lượn phượn qua những hàng quà chợ xem có gì. Đôi mắt cô Uyển Bình dừng lại, mắt cô bỗng sáng khi chạm mặt cậu. Da cậu chẳng trắng trẻo như bao đám trai nhà quyền thế mà cô thường gặp, cậu hơi ngăm ngăm nhưng khỏe, tướng mạo tuấn tú, nom nét nào ra nét ấy, mà còn hao hao giống ai mà cô không tài nào nhớ được. Vội đứng sát cạnh chị, thu lại cái vẻ kệch cỡm ban nãy, dìu dịu hơn bao nhiêu.
- Lan này là lan gì thế. Tuy nhìn cứ như cành củi khô, nhưng chắc nở sẽ đẹp lắm nhỉ?
Cậu vừa chọn cho hai cô, vừa đáp lời cô Uyển Bình.
- Này là lan rừng, tuy không đẹp như những loại lan khác nhưng khi nở rất thơm.
- Thế anh lấy thêm cho tôi đi, tôi mua hết.
Ba người nhìn nhau cứ ngỡ cô Uyển Bình đùa. Mới ban nãy còn chê lan không đẹp bằng lan nhà mình, vậy mà giờ đòi mua hết. Mới ban sáng cậu còn chưa mở hàng, mà ám quẻ cậu đốt vía tiễn vong ngay.
- Tôi chưa có mở hàng, nếu hai cô thiện chí mua thì tôi bán.
- Có, bao tiền tôi gửi.
Cô Uyển Bình lấy túi tiền ra đợi cậu đáp. Bảo sao chị hay ra đây mua lan, gớm thật, ai đời con phú ông lại thích thằng bán lan bao giờ, nhưng chẳng phải nói điêu, cậu nhìn tướng tá sáng lắm, cứ như con nhà quan võ, người khỏe khoắn, cao to vạm vỡ, đố ai bảo là một tên nghèo rớt mồng tơi.
Còn chưa ngồi nóng chỗ, cậu đã bán hết lan. Vậy còn ngồi làm gì. Quay lại gánh bánh đa cua, cậu hô rõ to là cho cậu thêm hai bát nhiều bánh nữa.
- Sướng nhỉ, vừa mới mở hàng đã bán hết sạch.
- Tôi mà lại.
Cậu khe khẽ nhếch miệng cười. Bình thường cậu xởi lởi chứ không mấy khi cười bao giờ, mà có thì cũng chỉ nhếch miệng lên cười nhàn nhạt cho có. Kể từ ngày Kim Ngưu về nhà chồng, cậu càng lầm lì hơn. Nhưng dù thế nào thì mình vẫn phải sống, để mà còn kiếm cái ăn đổ vào mồm, chứ giờ nằm một xó cũng đâu giải quyết được gì.
- Thị cho cậu nhà tôi một bát như bình thường.
Cái giọng thằng Sao đi lên trước gọi rõ to, nó không hiểu sao mà cậu thích cái gánh bánh đa này thế. Thì nó cũng ngon, nhưng cái mặt mụ chủ dữ tợn quá, có cho tiền nó cũng chẳng dám ăn.
Cậu ngồi ăn mà mắt để ý thị gắp cho nhà đằng kia bao nhiêu là nhân, thế là bát bình thường đấy ư? Mụ ta điêu lắm, rõ là phân biệt đối xử đây mà.
- Mụ cho tôi thêm bát bình thường như này đi. Chứ tôi gọi bát đặc biệt mà còn không bằng cái bát bình thường của người ta.
- Gớm ông đừng có mà điêu, lớ ngớ tôi cấm tiệt không bán cho ông nữa đâu đấy. Bát bình thường nào mà chả giống nhau, bát của ông bao nhiêu nhân thế còn gì, chứ cho thêm để con này lỗ vốn à.
Thị lườm cho cậu chỉ thiếu điều muốn đấm cho một trận. Còn cậu ba ngồi bên cạnh chỉ dám tủm tỉm cười, chứ nào có ý kiến.
- Con Ma Kết đâu rồi, mày mày...có liệu hồn đưa tiền cho tao không hử!! Thầy mày đã bảo mày là để tiền ở nhà cho tao, sao mày không để, đã thế tao ra đây cho mày khỏi bán nữa.
Ông Quan lảo đảo đi ra chợ, cả người vẫn còn nồng nặc mùi men rượu trên người. Lão đi ra cầm đôi guốc trên tay, chỉ thẳng về phía đứa con gái của lão, cả chợ lại được thể xem tuồng nhà thị.
- Con không có tiền, thầy muốn uống thì thầy tự đi mà liệu, giờ nhà còn có vài đồng bạc thầy cũng lấy hết đi uống rượu, vậy thầy muốn con sống sao? Đây, còn cái thân xác này thôi này, thầy muốn giết hay muốn bán thì tùy thầy.
- Á con này láo, mày nói người sinh ra mày thế à? Không có tao, thì mày nghĩ cái phận đời này còn được sống đến bây giờ đấy, cứ thế bảo sao cái ngữ hỗn hào như mày chẳng ai thèm rước.
- Ngoài cái việc sinh ra con, thầy còn làm được cái gì nữa? Cả cái nhà này chỉ trông chờ vào mỗi cái gánh bánh đa này, cứ kiếm ra đồng nào thầy lại moi móc đem đi uống rượu, đời u con vì thầy mà khổ, giờ đến phận con thầy cũng không tha, vậy thầy giết con đi cho con đỡ khổ. Chứ để con sống có khi còn mệt cái thân hơn đấy.
Cả cái chợ nháo nhào bu quanh cái gánh bánh đa của thị, người ta chỉ xem hai thầy con nhà thị cắn xé nhau, nào có ai thương cho phận con gái đã quá lứa lỡ thì như thị.
Khóc cũng không khóc được, mà chết cũng không xong, đời còn cái gì quật thì quật nốt đi, rồi chết quách cho đỡ mệt cái thân xác này.
- Á à, mày tưởng cái gánh bánh đa này to à? Cái nhà này tao to nhất, giờ tao hỏi lần cuối là mày có đưa tao tiền uống rượu không? Hay để tao phá cái gánh bánh đa ra cho mày hết già mồm?
- Đây của ông đây, đem đi mà uống rượu.
- Kìa cậu...
Thằng Sao không kịp ngăn cậu lại, cậu ba đã đem hết nửa già tiền trong túi đem đưa cho cái lão lát rượu. Cậu thì làm gì có tiền, đến tiền sách còn chắt chiu từng đồng một.
- Ôi quý hóa quá, đội ơn cậu đã cho tôi. Thế là cậu hơn đứa con bất hiếu của tôi rồi đấy cậu ạ.
Nói rồi cuối cùng lão cũng chịu rời đi, còn cậu ăn xong cũng đặt tiền lên bàn. Tính quay lưng bỏ đi, thị tức tối chặn ngay lại, móc tiền ra trả lại cho cậu bằng đủ.
- Cậu không cần phải làm thế, tôi không có thói quen nợ nần ai hết. Mà bận sau nhà tôi có chuyện, cậu đừng xen vào, kẻo sau này lại đem phiền phức đến cho cậu.
- Ô kìa, tôi cho lão lát rượu chứ liên quan gì đến thị nào. Tôi ăn xong rồi, giờ tôi phải đi một chuyến lên kinh thành, không nắng lên khổ tôi lắm.
Cậu khẽ cười, mở cái quạt ra thong thả đi lên trước. Bao con người ở chợ đứng ở đó chứng kiến hết mọi chuyện, chắc kiểu gì cũng đến tai thầy u thôi.
- Cậu ơi, nãy cậu đem hết tiền cho cái lão kia rồi, giờ cậu lấy tiền đâu mà đi đường đây?
- Không sao, hay Sao cho cậu vay. Nào về phủ, cậu trả.
Thằng Sao ôm nải đắn đó, nếu biết thế thì cậu cho cái lão đó làm gì. Cậu cũng sĩ gái lắm cơ, nhưng nó coi như là cậu có lòng tốt, nếu không đưa thì mụ cũng đâu có được yên thân. Mà làm việc tốt thì chấp nhận được.
- Nhưng con không mang nhiều, không thể cho cậu ăn ngon được, cậu đừng trách con nhé.
- Không sao, cậu không đói. Sao đói thì ăn thôi.
Cậu chắp tay ra đằng sau, hai người thong dong trên cánh đồng bạt ngàn lúa chín. Mặt trời cũng dần lấp ló sau rặng tre xa xăm.
...
Hương xôi dừa thơm nức cả gian bếp. Thị ngồi đồ ít xôi trắng, ăn với gà hấp hành. Con gà mái tơ vàng óng, mềm mướt được chặt sẵn bày biện ra đĩa. Bạch Dương cúi xuống thổi cho lửa to hơn, đến lúc nhấc ra xôi bóng bảy, hạt vừa tơi vừa dẻo, bấy giờ thị mới cho vào đĩa, rắc ít dừa đã nạo sẵn.
Trên mâm sáng của phủ họ Trịnh còn nhiều hơn cả phủ họ Gia, đám người làm ở đây đông có khi phải gấp hai lần. Mới tờ mờ sáng cho đến giờ, ai cũng tất bật chân tay, thị cũng xắn tay vào phụ mà giờ mới xong.
- Mợ cả thông cảm, bọn em chỉ là đám người hầu thấp kém, phận làm tôi tớ sao mà dám làm trái ý bà hai được. Bà hai cai quản phần bếp núc này bao năm nay rồi, bà cả chẳng mấy khi nhúng tay vào, giờ mà làm phật ý bà thì chúng em khó sống lắm mợ ạ.
Cái Miên cẩn thận pha ấm trà dưỡng nhan, miệng nhỏ nhẹ nói với thị. Mà không cần nói, thị cũng tự biết phận mình khi bước chân vào đây, nào có một bước lên tiên như người đời hay nói. Chỉ thấy hơi tủi cho phận mình, vớ được tấm chồng giàu sướng đâu không thấy, lúc nào cũng thấp thỏm, luồn cúi vì phận mình thấp hèn.
- E hem, kinh thật...giờ con hầu cũng học đòi làm sang, cũng biết tỉ tê với mợ cả cơ đấy. Đem ra ngoài vả bốn mưới cái cho bà, cái thói hỗn xược này không nên xuất hiện ở trong cái phủ này hiểu chưa hả Miên? Mày cũng chỉ là con hầu, đừng cố trèo cao để khi té nó đau, bận sau tao mà còn nghe mày nói chuyện gì với mợ cả tao đánh cho gãy giò, mày hiểu chưa?
Bà hai từ đâu xuất hiện, bà chỉ cần thấy đứa nào bén mảng đến làm thân với mợ cả là bà cho ăn vả hết. Cũng là cái hạng thấp hèn như nhau, nên dễ làm loạn lắm, bà mà không ngăn thì về sau cái vị trí của bà trong cái nhà này kẻo lung lay mất.
- Thưa bà hai, mong bà tha cho cái Miên. Nó không tỉ tê gì với con hết, nó chỉ bảo con ngày mai dậy sớm hơn để phụ nó lo chuyện bếp núc thôi ạ.
Bạch Dương vội vã quỳ xuống xin bà hai, thị sợ đứa nào vì mình mà bị phạt lắm, vì thị biết rõ hơn ai hết. Trước đây mỗi lần bị phạt oan, lòng thị ấm ức lắm, chua xót cho phận đời của mình.
- Con không phải xin cho nó, ta biết con hiểu cái cảm giác của nó hơn ai, vì dù sao trước đây con cũng cùng chung cái cảnh này, nhưng mà nó có tội thì phải bị phạt, trong cái phủ này lời nói của ta đã nói ra thì không rút lại được. Nếu con thích, thì chịu phạt chung với nó cũng được, vậy thì nó sẽ được san sẻ bớt sang cho con. Còn nếu con không làm được, vậy thì đừng có thêm lời.
Cả gian bếp không ai dám ho he câu nào, chỉ lẳng lặng đứng cúi gầm mặt xuống để tránh tai họa ập đến với mình.
- Vâng, vậy bà hai cho con chịu phạt chung với cái Miên, dẫu sao là vì con nó mới bị phạt.
- Được, ta thích cái tính dám làm dám nhận của con. Chắc hồi còn bên phủ họ Gia, con được nhà bên ấy trọng dụng lắm phải không? Tiếc thật, vậy mà lại bị vuột mất sang nhà họ Trịnh, hẳn nhà bên ấy khó chịu lắm.
Bạch Dương nắm chặt tay mình, nếu không vì mặt mũi của cậu cả, vì mặt mũi của thầy u thì thị chẳng tội gì mà ôm cục tức này. Làm thị nhớ cô Song Ngư, cô chưa một lần nặng lời với thị, ở bên ấy thị cũng không bao giờ bị đay nghiến như thế này. Biết lấy chồng khổ thế này, thị thà bỏ đi biệt xứ còn hơn.
Mỗi cái tát cứ như trời giáng, nó đau đến nỗi tai thị cứ mỗi lúc một ù đi, hai cái má đỏ phừng phừng, ran rát. Cứ ngã lại có người kéo lên tát tiếp, đủ hai mươi cái mới thôi.
Đám người của bà hai đi hết, thị mới khụy xuống vì không quỳ nổi. Cái Miên vội chạy ra đỡ thị, hai hàng nước mắt của nó rưng rức chảy xuống đôi gò má vừa đỏ vừa sưng.
- Mợ ơi, em xin lỗi...khổ cho mợ quá. Để em gọi cậu cả, lần này em không thể nào nhịn được nữa.
- Thôi Miên, mình còn sống trong phủ này dài mà...đâu chỉ có sống cho ngày hôm nay, hết đau thì mình tính tiếp.
Thị cố cười dù hai cái má đau điếng, có thù tất báo. Được lắm, hai mươi cái tát này thị sẽ nhớ mãi không quên.
- Đến giờ ăn rồi, ta phải đi đây không cậu lại hỏi.
Bạch Dương xuýt xoa hai cái má xưng đỏ của mình, đi lên gian nhà chính. Ở đó có ông Bách, bà cả, bà hai, bữa nay còn có cả cậu hai mới đánh trận trở về, cậu ba mãi khi thị ngồi vào ghế mới thấy cậu ngáp ngắn ngáp dài đi vào.
Cả bữa sáng không ai nói ai câu nào, thì phép tắc của phủ thường trong bữa cơm không được nói chuyện. Nhưng cả bữa sáng, cậu nhìn mợ mãi, rõ ràng sáng nay má đâu có đỏ như thế?
Đến khi dùng trà, bà cả mới lên tiếng. Bà cả muốn thị học thêu thùa, may vá, cho đến học gia quy của phủ họ Trịnh, học lễ nghĩa cho bài bản, sau này thị còn phải học nhiều, nhưng cứ từng bước một, biết một chút rồi sau sẽ biết đủ.
Tính bà cả ít nói, nhưng bà rất dịu dàng, bảo ban thị. Dù thị có sai cũng chỉ nhỏ nhẹ khuyên dăn, chưa thấy bà cả to tiếng với ai bao giờ. Chỉ có bà hai là tác oai tác quái.
Bạch Dương cảm thấy làm dâu nhà giàu, khổ chứ đâu có sướng. Cái gì cũng phải biết, không biết thì phải học, vậy mà Sư Tử bảo làm mợ cả nhà họ Trịnh, ngày ngày ngồi chơi xơi nước, hướng thụ thứ ngon vật lạ. Đâu không thấy, chỉ toàn là khổ ải.
...
Mặt trời đã treo cao trên tít đỉnh trời, cơn nắng gắt gao rọi xuống đồng lúa vàng chín ươm, vàng óng. Hương lúa thơm lồng bay theo mùi gió, tỏa khắp làng Lý. Thị cứ gặt được hết nửa sào đất thì mới ngồi dựa lưng vào bụi tre, uống hớp nước cho đỡ mệt rồi lại làm tiếp.
Chiếc áo tứ thân đã sởn màu, đến cả chiếc khăn mỏ quạt trên đầu cũng sởn đến nơi. Đám con gái trong làng thường bảo thị cứ như thế thì không ai rước. Phải biết làm đỏm thì trai làng bên người ta mới thích, thị chỉ biết cười, làm mửa cả mặt ra tối ngày thì lấy đâu ra mà có người để ý.
Thị nghĩ rồi, âu cũng là cái số. Cứ ở quách vậy cả đời cũng được, tội gì phải làm khổ mình làm gì cho mệt.
- Này, cơm thôi chứ ngồi thần ra đó làm gì. Tranh thủ ăn cho xong còn làm nốt, tối đi xem hội. Bữa nay phủ ông Bách lại mở tiệc đấy, cậu hai mới đánh thắng trận trở về, mở linh đình lắm, các quan từ khắp hướng cũng về đây chung vui đấy, chị em mình lại có dịp chiêm ngưỡng.
Sư Tử ngồi bên cạnh mụ Mão, nghe loáng thoáng thế cũng đủ hiểu. Đúng là to thật chứ đùa, cậu hai đánh trận trở về, cả cái kinh thành không ai không biết danh, lần này cậu lập công lớn làng Lý lại được thơm lây. Tự nhiên thị cũng thấy vui vui, khóe miệng cũng cong cong.
Dù cậu cả nhà ông Bách có đỗ trang nguyên, thì cũng không bằng một người đi ròng rã hai năm giời để đem lại bình yên cho mảnh đất An Nam này được.
- Sư Tử, cười gì đấy.
- Đâu, các chị cứ mặc em.
Sư Tử lấy cái thúng ra, bên trong đã đựng sẵn ít cơm, nhúm rau muống luộc, thêm bát cà pháo chấm muối thế là xong bữa. Tuy đạm bạc, thế mà thị lại thấy ngon, ăn tù tì hết hai bát cơm, làm thêm bát nước canh rau muống dầm sấu nữa thì buổi trưa coi như là mãn nguyện.
- Sư Tử này, hay mày lấy tạm thằng Tâm nhà ông Quan đi. Mày giờ cũng quá lứa rồi, lấy tạm tấm chồng cho người đời đỡ nói ra nói vào.
- Lấy tạm là lấy tạm thế nào? Đời em cái gì có thể tạm chứ chồng thì không.
- Ui giời, vẽ chuyện. Cưới về rồi lại đẻ sòn sòn mấy lứa ấy chứ lại, người ta cưới nhau còn chưa biết mặt chứ nói gì là yêu đương, gớm bảo sao giờ vẫn không có đám nào thèm.
Nghe mấy cái mụ này rõ bực, suốt ngày chọc ngoáy vào chuyện nhà người khác. Đúng rồi, cưới chồng rồi bà nào cũng bị nó đánh cho lên bờ xuống ruộng, xong vẫn đẻ cho nó cả đàn con vứt vật vứt vạ, nó thì đi uống rượu, còn mình thì lai lưng ra mà làm từ sáng đến tối. Thế bỏ quách đi cho rồi.
Thị chả thèm đôi co, đội nón ra làm tiếp có khi đỡ tức hơn ấy chứ. Thị chả mong đời mình có được tấm chồng giàu có, chỉ mong người ta thương mình, hiền lành, chịu thương chịu khó là may lắm rồi.
...
Trong phủ ông Yến lại thêm chuyện, cô Uyển Bình nhất định đòi ông Yến xây hẳn cái giàn treo lan trước phòng. Xong còn đòi hết lan của cô Bảo Bình qua phòng mình, cô Bảo Bình nói không được đem lan phòng cô qua, thế là cô Uyển Bình khóc lóc đòi bằng được.
Hai chị em không chịu thua ai, đến nỗi cô Song Ngư phải qua giảng hòa mà cô Uyển Bình không chịu, gân cổ lên đòi bằng được, chỉ còn cách cuối cùng để chị cô phải chấp nhận đem số lan này sang phòng cô.
- Chị mà không đem qua, em...em mách thầy chị tương tương tên bán lan ngoài chợ đấy. Khi đó thầy sẽ cấm tiệt chị ra ngoài, cho chị chừa!
- Uyển Bình, chị tương tư người ta khi nào...em đừng có mà ăn nói luyên thuyên.
Uyển Bình ngồi trên ghế, mặt hếch lên trời dương dương tự đắc. Trúng bẫy rồi chứ gì.
- Chị không tương tư thì sao chị cứ phải ôm khư khư cái đống lan đó, chị đưa cho em đi, chị thích em bảo thầy treo đầy lan quý trước phòng chị, cho chị thơm điếc mũi thì thôi.
- Thôi, em bảo người đem qua phòng em đi.
Nghe chị nói thế, cô Uyển Bình cười toe toét, kêu người đem hết giàn lan đang nở về phòng mình. Cô Song Ngư biết tính, cũng không nói thêm câu nào, đánh ở lại dỗ dành cô Bảo Bình bớt tủi.
- Đến cả chơi lan giờ em cũng bị Uyển Bình cướp mất, không biết sau này em còn gì để lấy đây. Thôi, chị về nghỉ ngơi đi, làm chị nhọc lòng rồi.
- Tính Uyển Bình từ bé đến giờ cũng thế, khi Uyển Bình lấy về rồi cũng đâu có dùng được. Nên không nên nghĩ nhiều, để nào chị đi ra ngoài có lan quý chị mua về cho em.
- Thứ em cần đâu phải lan quý đâu chị, nên không phải mua cho em đâu. Em mua để ủng hộ người ta, cứ kệ nó vậy, sau em ra mua tiếp.
Bảo Bình khẽ thở dài, nhìn chị Song Ngư. Ánh mắt chị hiền hiện lên một nỗi muộn phiền, làm cho cô cũng không muốn làm chị buồn thêm.
Cô thấy mấy đứa ngoài phủ sống vui vẻ hạnh phúc, có khi lại hay. Trách phận mình sinh ra trong gia đình quyền thế, nhưng nỗi cô đơn như con chim bị nhốt trong lồng này, buồn lắm, không biết đến khi nào mới được thoát khỏi cái cảnh tù đầy này đây, có khi là đến chết mất, nếu cô lấy chồng rồi thì cũng như từ lồng này chuyển sang lồng khác. Cũng giống nhau cả thôi. Đời nào thầy đồng ý cho cô cưới một anh bán lan làm chồng, nếu đến cái nước ấy thì thầy cũng từ mặt cô là vừa.
...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top