Chương 2
Vừa về đến nhà, "phịch" một cái, Song Ngư đã đặt thúng lúa xuống, mặt đỏ bừng bừng, nhễ nhại mồ hôi. Đằng sau, Xử Nữ thong thả vừa đi vừa cười, miệng ngoác ra tận mang tai:
- Có nặng không? Lần sau tao cho mày cầm tiếp nhá?
- Tại chị lừa em thì có! – Song Ngư ấm ức
- Hai đứa về rồi đấy à? Vào rửa chân tay cho sạch sẽ đi. – Từ trong nhà, một người phụ nữ bước ra. Dù trên người chỉ là cái áo tứ thân đã phai màu, sờn chỉ, tuy nhiên nó chẳng thể nào che giấu được vẻ đẹp của người đàn bà mới ngoài đôi mươi: cái nhanh nhẹn của đôi mắt bồ câu, cái đỏ hây hây của đôi gò má, cái mịn màng của làn da đã lặn lội ngoài đồng theo thời gian,...; tất cả những điều đó như chỉ để tôn lên nụ cười hiền hậu của bà khi nhìn thấy hai đứa trẻ.
- U! – Song Ngư phụng phịu – Chị Nữ bắt nạt con!
- Làm gì có! – Xử Nữ phản bác – Tao đi mót lúa rồi thì mày phải cầm thúng lúa chứ! Đúng không u? – Nói đoạn, con bé quay sang cười toe toét – Mà u thấy con giỏi không? Con mót được bao nhiêu đấy nhé!
- Ừ, giỏi, giỏi. Con với cái Ngư có đói không? U còn củ khoai trong bếp đấy. – Bà cười hiền.
- Không, bọn con không đói đâu. Con với con Ngư đi chơi luôn đây. – Nhoáng một cái, Xử Nữ với Song Ngư đã vội rửa qua loa chân tay rồi chạy đi chơi, bỏ lại câu nói sau lưng. – Bọn con sang nhà con Bình, tí nữa bọn con về.
- Nhớ về sớm để thổi cơm nhé!
- Dạ vâng! Con Ngư này, chạy nhanh lên!
- Ơ này! Chị đợi em với! – Song Ngư hớt hải, ba chân bốn cẳng chạy vụt lên.
_________________________________________________________
Theo như Song Ngư được nghe u nó kể, thì từ ngày xưa, dòng họ Nguyễn đã là một dòng họ rất giàu có. Không ai còn nhớ được người đầu tiên của dòng họ Nguyễn đến đây lập nghiệp, chỉ biết rằng từ khi người ta mới đến sinh sống tại cái làng này thì nhà ông Nguyễn Phúc đã là địa chủ giàu nứt đố đổ vách khét tiếng một vùng. Cứ thế, từ đời này qua đời nọ, dòng họ Nguyễn đã giàu lại còn giàu hơn, đến đời ông Nguyễn Văn Đại thì quả thực không còn từ nào miêu tả độ giàu có của nhà ông nữa. U nó kể rằng, hồi u nó còn nhỏ, vào mỗi mùa gặt, trong khi nhà ông bà nó phải khó khăn lắm mới có bát cơm trắng cùng nồi thịt kho be bé thơm lừng để ăn rồi đi gặt ấy, thì ở nhà ông, thóc lúa cứ càng lúc càng chất cao như núi, bồ gạo nặng trịch đến mức hai người lớn cũng phải vất vả lắm mới bê được, thậm chí nhà ông nhiều thóc gạo đến mức phải bán bớt đi vì không còn chỗ để nữa.
Nói là địa chủ, nhưng thật ra nhà ông lại rất tốt bụng. Nhà có người hầu người hạ, nhưng không vì thế mà ông bà ăn không ngồi rồi. Ngược lại, mỗi khi có việc gì, ông bà đều đi làm cùng người ở. Mùa gặt đến, ông không những hào phóng tăng số gạo cho nhà nó từ ba đấu thành năm đấu gạo trắng, mà ông còn cho cả làng vào mót ruộng nhà ông. Vợ chồng ông sống rộng lượng, quan tâm đến làng trên xóm dưới, chứ không chỉ chăm chăm giữ của như mấy người nhà giàu khác. Vậy nên cả làng quý nhà ông lắm, bảo ông bà sống tốt như vậy, chắc chắn sẽ có phước lớn.
Khổ nỗi, ông có tiền, có tiếng nhưng lại hiếm muộn, đến cái tuổi tứ tuần rồi mà vẫn chưa có nổi một mụn con. Dù cho vợ chồng ông có cố gắng làm việc thiện thế nào, có hay đi chùa chiền cầu khấn ra sao, thì cái bụng của bà Đỗ Thị Đậu vẫn phẳng lì. May sao, trời cũng thương cho cái số của ông bà, để rồi vào ngày lành tháng tốt, ông bà chào đón đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Thiên Bình. U nó kể, năm ấy ông bà mừng quá, mở cái lễ đầu tháng to nhất làng Mè và mời bà con làng xóm đến chung vui. Cả làng ai cũng vui lây cho cái phúc của hai người, bảo trời cao có mắt quả không phụ lòng người; có người còn đùa rằng khéo mấy năm sau ông bà lại được đứa con gái nết na, thùy mị trong nhà. Ai mà ngờ, ba năm sau ông bà lại có với nhau thêm đứa con gái thật, đặt tên là Nguyễn Bảo Liên; nhưng có ông thầy bói bảo, số con bé này là số khổ, mai sau dễ bị họa sát thân, phải đặt cùng tên với thằng anh để mượn phúc thì may ra mới tránh được. Thế là ông bà lại lật đật sửa tên thành Nguyễn Bảo Bình. Hai cậu ấm cô chiêu nhà họ Nguyễn cũng rất thông minh, chăm chỉ, ngoan ngoãn, biết kính trên nhường dưới; cũng thường xuyên đi làm cùng người ăn người ở nên được quý lắm. Chỉ có điều, anh Thiên Bình thì hiền khô như cục đất, ai nói gì cũng chỉ cười xòa cho qua; còn chị Bảo Bình thì lại đanh đá, ương bướng hơn hẳn, chẳng phù hợp với mấy chữ "thùy mị", "nết na" gì cả, Song Ngư nghĩ thầm.
- Đến nơi rồi! – Xử Nữ quay qua vỗ vai Song Ngư – Mày nghĩ cái gì mà nhìn mặt đần ra thế?
- Ơ đến nơi rồi á? – Song Ngư giật mình ngước lên.
Trước mắt hai đứa bé là một ngôi nhà to lớn, khang trang, đứng sừng sững dưới ánh nắng buổi chiều tà. Ngôi nhà của ông bà, à không, Song Ngư lắc đầu, phải gọi là "dinh cơ của ông bà" mới đúng, là một không gian rộng rãi, thoáng mát và sạch sẽ vô cùng. Đi đến nơi, thứ đầu tiên gây ấn tượng với bất cứ ai là cái cổng cao, rộng với những hoa văn cầu kỳ, được xây theo kiểu mái chảy, hai bên khắc mấy chữ Hán được sơn son thếp vàng lấp lánh. Vào trong sân nhà được lát gạch thất đỏ quạch đã trải qua biết bao lần phơi lúa mùa gặt, Song Ngư vẫn không kìm được sự kinh ngạc của mình trước cái "cơ ngơi" đáng bằng cả đời người của hai ông bà. Căn nhà ấy gồm năm gian rộng rãi, gian chính để thờ tự, hai gian bên cạnh được kê hai giường ngủ làm chỗ ngủ của ông Đại và anh Thiên Bình, còn hai đầu là hai buồng kín – một là chỗ ngủ của bà Đậu và chị Bảo Bình, một là thư phòng với những chiếc kệ cao ngất ngưởng luôn được chất đầy bằng sách mới của hai anh chị. Gian nào cũng được làm từ gỗ xoan đào sáng bóng, gian nào cũng thơm nức mùi trầm được bà cất công đi tận nơi xa mua về. Tất cả những điều ấy như một lời khẳng định chắc nịch về sự giàu có cùng con mắt thẩm mĩ của hai ông bà.
Đột nhiên, nơi góc sân loáng thoáng truyền đến tiếng cười khanh khách trong trẻo của trẻ con.
- Có những ai thế chị Nữ? – Song Ngư hỏi. – Xa quá, em không nhìn thấy rõ.
- Để tao xem... – Xử Nữ nheo mắt, đặt tay ngang trán để che bớt đi cái nắng hanh vàng. – Có anh Thiên Bình, cái Bảo Bình... cả cái Dương nữa... Ơ, có cả anh Tử với con Mã này? Uầy, sao hôm nay mọi người tới đông thế?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top