"Những đứa con gái khác"
"Cái con bị les ở 8A4 đấy. Nó không chơi với con gái, mà chỉ chơi với ba thằng đụt đụt kia. Lúc nào cũng bám mấy thằng đó, mà luôn mồm nói là không thích chúng nó. Chắc nó định chơi cả ba thằng cùng lúc. Không có đứa con gái nào muốn chơi với con trai nhiều như thế mà không định tà lưa chúng nó cả. Tưởng tượng một đứa les chơi bốn với ba thằng đụt khác nhé!"
Cho đến năm 13 tuổi, cuộc sống của tôi đã lên lên xuống đến chóng cả mặt. Thích đơn phương một người từ năm 11 tuổi? Có. Chứng kiến bạn thân mình đá lưỡi với bạn cùng lớp năm 12 tuổi? Có. Phải chuyển trường vì điểm toán của tôi quá thấp và nhị vị phụ huynh tin rằng ngôi trường cũ đã khiến tôi thành thằng chột làm vua xứ mù? Có. Nhưng giờ cuộc đời của tôi lại chỉ có đi xuống thôi. Giờ thì những người bạn học mới thì ghét bỏ tôi vì tôi là học sinh mới, và giờ thì đang lan truyền tin đồn tôi là một đứa lẳng lơ hoặc là một đứa les hoặc là cả hai, bởi tôi chỉ chơi với ba đứa con trai được cho là đụt nhất lớp.
Đây chắc hẳn là cái giá vì đã quyết tâm khác mọi đứa con gái khác. Những đứa con gái khác là những đứa con gái chỉ quan tâm đến uốn tóc mái, tô son bóng và buôn dưa lệ. Những đứa con gái nhỏ nhen và thảm hại khác! Hở ra là khóc! La bài hãi vì một tí đất bẩn! Nói xấu nhau suốt ngày! Cho nên những đứa con gái khác mà tôi nói, chính là mọi đứa con gái mà tôi quen. Trong khi nhìn tôi đi, khác hẳn với đám đó, bởi tôi chỉ muốn làm thân với mấy đứa con trai. Sự công nhận của con trai là mình "ngầu" cũng đền bù đáng kể mọi lời xỉa xói vì là "đứa les đó.". Tôi rõ ràng không phải là les, cho nên cũng chẳng có gì phải cảm thấy nhạy cảm hay nhảy dựng lên vì lời buộc tội đó.
Thật tuyệt làm sao, là một người "không như những đứa con gái khác.
---
Trên đây là một đoạn dịch và phóng tác trích đoạn "1.2013" trong tự truyện ngắn "5 lần người ta nói tôi bê đê và 1 lần tự tôi nhận điều đó" (5 times people call me queer and 1 time I claim that myself) mà mình viết đầu năm 2019, sau được đăng tải trên tờ "Phụ nữ song tính Boston" (Bi Women Boston Quarterly")(*). Khi đọc lại truyện ngắn này, mình muốn lắc đầu với tất cả những cá nhân mình đem vào và biến họ thành nhân vật trong câu chuyện này. Và rồi có lẽ pha trà Thái cho tất cả những đứa trẻ 13 tuổi này, và trò chuyện với các em (chúng nó?) về cách các em đang tiếp nhận sự liên hệ giữa các mối quan hệ xã hội khác giới và cùng giới, giữa giới, thể hiện giới và xu hướng tính dục. Mình đã có một thời gian là nạn nhân của bắt nạt học đường, và những tổn thương mà mình nhận bởi những lời miệt thị như trên là có. Nhưng 7 năm sau nhìn lại , mình đã là một người lớn nhìn thấy không chỉ có một đứa trẻ nhận tổn thương. Những đứa trẻ bắt nạt mình năm đó, là nạn nhân của một văn hóa không dành chỗ cho sự thấu cảm, và không dung thứ cho việc là con gái. Giữa những đứa con gái với nhau, việc một người nằm ngoài quy chuẩn chung, hay việc nhiều người chia sẻ những điểm chung được áp dụng thành hệ quy chiếu đánh giá cá nhân của mỗi người. Bởi năm đó mình vốn tự cho những đứa con gái khác là nhỏ nhen và tầm thường, nên mình từ chối mở rộng tình bạn với họ. Bởi năm đó những đứa con gái khác cho rằng mình kì quặc, nên họ từ chối mở lòng ra với mình. Bởi năm đó những đứa con gái đặc biệt nhạy cảm với cách một đứa con gái tương tác với những đứa con trai khác, nên chúng mình sẵn sàng quy chụp lên nhau những định kiến tàn nhẫn nhất (mà mỗi cá nhân cảm thấy có thể xảy ra với mình): đồng tính nữ, lẳng lơ, nhỏ nhen, tầm thường.
Điều đó có nghĩa là năm đó, mỗi người có một mối quan hệ đặc biệt không tốt với bản dạng giới của mình, và nó xen lẫn với những khía cạnh khác của bản dạng, như là thể hiện giới, hay khuynh hướng tính dục được cho là bình thường của một giới. Bởi lòng tự tôn con gái vốn đã cạn kiệt từ lâu, nên chúng mình ghét bỏ nhau dựa trên cơ sở giới. Những quy chụp và tấn công đều kéo về vấn đề người đang là một đứa con gái như thế nào.
Viết đến đây mình cảm thấy mệt và héo đi rất nhiều. Nhưng đây là mình đã có 7 năm để ngẫm nghĩ vấn đề này, và ít nhất 5 năm tự học về lí thuyết nữ quyền để nhận ra những điều này. Nhưng những đứa con gái 13 tuổi năm đó, không có ai ngồi xuống, pha trà Thái và hỏi các em: "Tại sao em lại nghĩ như vậy?". Vậy nên mới có điều đáng tiếc là mình là nạn nhân của bắt nạt, và giữa mình và những con người năm đó, mãi mãi sẽ không có sự thấu cảm giữa con gái và con gái, phụ nữ và phụ nữ với nhau. Và nếu vậy thì, mình e là cơ sở để có sự thấu cảm giữa con người và con người với nhau, cũng sẽ lâu lắm nữa mới được hình thành giữa mình và bọn họ. Mình không phải là thần thánh mà có thể hoàn toàn bỏ qua những gì đã xảy ra và nói "Chúng ta hãy làm bạn luôn đi!". Nhưng nếu có "ước muốn cho thời gian trở lại", thì mình ước gì 7 năm về trước, có ai đó giúp chúng mình gỡ dần, gỡ dần sự ghét bỏ tự thân mà mỗi người chúng mình đã trút bỏ lên người khác.
Trong báo cáo nghiên cứu về dạy khuôn mẫu tiêu cực trong trường học và giảng đường để nâng cao làm toán của phụ nữ, Johns, Schmader và Martens (2014) có thảo luận sau phân tích thí nghiệm (**) rằng, việc tích cực và chủ động dạy về các quan điểm phân biệt giới tính và hạ thấp khả năng làm toán phụ nữ là một yếu tố tâm lí giúp cho phụ nữ tiến bộ trong việc thể hiện khả năng làm toán của mình. (***) Liên hệ với câu chuyện mình vừa nói, mình buộc phải đặt câu hỏi: giáo dục Việt Nam có thể chủ động dạy điều gì, để trẻ em nữ có thể đi qua tuổi thơ ấu, thiếu niên và thành niên vượt qua được sự ghét bỏ giới nữ của bản thân và những người khác, và dành cho nhau sự thấu cảm thật sự?(****) Chúng ta có thể gieo những hạt giống gì, để khu vườn của các em sẽ không um tùm những ghét bỏ dành cho "những đứa con gái khác"?
---
(*) Đọc truyện ngắn "5 times people call me queer and 1 time I claim that myself" trên "Bi Women Boston Quarterly" tại đây:(**) Tạm dịch giải trình thí nghiệm:"Chúng tôi kiểm tra ý tưởng này bằng cách cho sinh viên đại học nam và nữ làm một bài kiểm tra toán ở mức độ khó, với một trong ba điều kiện sau. Điều kiện thứ nhất, bài kiểm tra được đưa ra như một bài tập giải quyết vấn đề không mang tính chất chẩn đoán (vấn đề khuôn mẫu tiêu cực). Người tham gia trong điều kiện thứ hai được nói rằng bài kiểm tra là một thước đo về năng khiếu toán học và mà thể hiện của họ sẽ được dùng để so sánh dựa trên cơ sở giưới. Điều kiện thứ ba cũng tương tự với điều kiện thứ hai, nhưng người tham gia cũng được cung cấp một bản miêu tả ngắn gọn về sự đe dọa của khuôn mẫu, và đối với phụ nữ thì hiện tượng này được đưa ra như một giải thích cho sự căng thẳng mà họ có thể cảm thấy khi hoàn thành bài kiểm tra."(***) Johns, Schmader, Martens. ( 2005). Knowing Is Half the Battle: Teaching Stereotype Threat as a Means of Improving Women's Math Performance. University of Arizona.(****)Mình muốn lưu ý rằng, trẻ em nữ bao gồm các em sống ở thành phố và nông thôn, đồng bằng và vùng núi, thuộc các dân tộc khác nhau, là LGBT+, có khuyết tật, và thuộc các nhóm đối tượng khác nữa. --
https://youtu.be/1VM5R1zrMnE
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top