#9. "Học Sử cho nó dễ!"
Trong khoảng thời gian 4 tháng mình là học sinh lớp 10 của một lớp chuyên Sử, mình đã hình thành một thói quen: nghiêm túc hỏi tất cả các bạn nữ theo học chuyên Sử rằng, "Cậu/mày/em có thật sự thích Sử không?". Nguyên do là năm lớp 9, tại lớp luyện thi chuyên Sử, mình được nghe rất nhiều bạn nữ cùng lớp luyện thi tâm sự về việc các bạn ghét học Sử như nào, sau một đợt trả bài kiểm tra đặc biệt kém:
"Chắc không có bài sau đâu. Hết hôm nay, tao xin bố mẹ tao nghỉ."
"Gì mà từ bỏ sớm thế. Đã thích thì cố gắng đến cùng chứ. Quan trọng là mình đã cố-"
"Nhưng mà tao không thích!"
"Không thích...học Sử ấy hả?"
"Ờ, tao thích học Hóa cơ."
"Vậy sao-"
"Tại bố mẹ tao nói con gái học Hóa khổ lắm. Con gái nên học Sử cho nó dễ. Muốn vào trường chuyên thì học Sử để vào cho dễ, tại điểm sàn lớp Sử cũng thấp nữa."
"Ơ vãi-"
"Mày thì sướng rồi. Vừa thích học, vừa học tốt, bố mẹ lại không cản. Học như này chán vãi chưởng. Tiết nào trả bài kiểm tra cũng thấy nhục vãi. Đếch hiểu học Sử dễ cái gì nữa. Lắm ngày tháng vãi."
Mình quay ra các bạn nữ còn lại: "Chúng mày cũng thế hả?"
"Phải. Tao thích học Tin cơ."
"Tao thích học khối A cơ. Cơ mà bố mẹ tao cũng bảo học Sử cho dễ. Bảo con gái học khối A khổ lắm."
Những điều vô lí gì đây! Tại sao một môn xã hội được cho là "dễ hơn"? Tại sao con gái là những người nhận lời khuyên phải đi theo con đường dễ hơn? Tại sao các bố mẹ lại nghi ngờ khả năng "chịu khổ" của con mình khi học khối A? Và lần nữa, tại sao một môn xã hội lại được cho là "dễ hơn"! Buổi ăn nem chua hôm đó rốt cuộc trở thành một buổi luận phân biệt giới (và môn chuyên), với mình là người chủ trì và các bạn là những người hoặc hăng hái đồng ý, hoặc đồng ý nhưng thở dài rằng:"Làm sao cãi với bố mẹ được." Nhưng nhìn chung vẫn là đồng ý. Không phải các bạn mình không ý thức được, nhưng có vẻ như khi những người chịu ảnh hưởng của phân biệt giới là những người mình gặp hàng ngày, mình như được "gãi đúng chỗ ngứa" và hăng hái tuồn tuột phun ra tất cả ý kiến của mình từ trước đến nay về phân biệt giới tính. Dù sao thì cũng rất là vui sướng, khi mọi ý kiến mình đưa ra đều được nhận những tràng gật gù "Đúng đúng!
Vậy nên khi khi chính thức trở thành một học sinh chuyên Sử, mình có thói quen hỏi các bạn nữ tại các lớp chuyên Sử, "Cậu/mày/em có thật sự thích học Sử không?", như một cách để mình một lần nữa kiểm định tình trạng phân biệt giới tính "kinh khủng" này.
Nhưng dù sao những định kiến mà mình đã chỉ ra ở trên chỉ là một sản phẩm của xã hội kéo dài trong nhiều năm, và dù sao cũng không phải nói ra với động cơ ác ý! Nó chỉ là câu chuyện của lựa chọn giữa thích nhất và không thích bằng. So với những bất công khác, nó chỉ là một bất công mà những đứa trẻ thành phố được đầu tư ăn học gặp phải. So với những người khác không có cơ hội đến trường, không có cơ hội đi làm, không có cơ hội được gia đình đầu tư vì họ yêu thương mình, vấn đề này thực sự là quá nhỏ!
Bạn muốn nghe tiếp những gì "kinh khủng" còn lại của vấn đề này không?
Như là kể từ đó trở đi, mình đã hiển nhiên cho rằng các bạn nam đã đang theo học chuyên Sử đều xuất sắc vượt trội, bởi được tự do yêu thích và tận tụy với môn Sử.
Như là kể từ đó trở đi, mình đã hiển nhiên hay tham gia tranh biện về các vấn đề bài học với các bạn nam hơn là với các bạn nữ, bởi các bạn nữ có lẽ không dành nhiều thời gian tư duy phản biện, nếu đa số các bạn không thật sự yêu thích nó.
Như là kể từ đó trở đi, mình đã hiển nhiên tự mãn với bản thân, rằng phần lớn các "đối thủ" của mình là các bạn nam.
Như là kể từ đó trở đi, mình đã hiển nhiên nghi ngờ năng lực của các bạn nữ trong lớp, bởi các bạn có thể chỉ ở trong lớp chỉ vì "học Sử cho nó dễ".
Như là kể từ đó trở đi, mình đã hiển nhiên cho rằng, trong một lĩnh vực này, rất nhiều bạn nữ kém hơn các bạn nam.
Khoan. Dừng lại. Một người có ý thức về bình đẳng giới và tầm quan trọng của nữ quyền lại có những hành động và suy nghĩ đánh giá thấp các bạn nữ hơn các bạn nam? Phải đấy, cái đầu "thông thái" của mình có thể rất dễ nhận ra những ý kiến nặng về phân biệt giới đến từ những người khác (mà trong suy nghĩ và trái tim của họ chắc chắn không phải là ác ý), nhưng không có nghĩa mình đã giải phóng bản thân hoàn toàn khỏi thói quen và lối suy nghĩ cũng nặng về phân biệt giới không kém. Qủa thực là không khác gì chiếc hộp Pandora đã mở: thay cho sự tò mò là một lần nghe chuyện, và những gì xấu xí thoát ra ngoài là ý thức về sự "vượt trội" của mình, thay vì nhìn ra đó là sự ưu ái mình có điều kiện để nhận.
Nhưng cái xấu xí này của mình đang chỉ ra một điều lớn hơn, rằng những hành động và suy nghĩ này của mình có thể bắt nguồn từ một câu chuyện cụ thể, nhưng cơ chế chúng hoạt động là một sản phẩm của một xã hội định kiến. Mình có thể là một người được rất nhiều ưu ái, nhưng những ưu ái đó được trao cho mình khi bị phân biệt đã là thông thường, và ưu ái đó thì bù đắp tổn thương của những phân biệt trước đây. Đó chính là cơ chế. Và đã là cơ chế thì ở một bối cảnh khác, những hành động và suy nghĩ này cũng có thể lặp lại. Mình có thể trở thành người luôn nghi ngờ đồng đội làm việc là nữ vì việc họ có thể làm công việc này vì dễ. Mình có thể là người được tín nhiệm và hỏi ý kiến đề xuất nhân sự, và là người cân nhắc yếu tố nam-nữ nhiều hơn yếu tố đáp ứng khả năng. Tệ hơn cả, mình có thể là người không tin vào khả năng cá nhân của một người, nếu người đó đơn giản là nữ.
Phải, trong bối cảnh của một lớp học toàn những đứa nhóc 15 tuổi thì những hành động và suy nghĩ này không có mấy hậu quả. Nhưng mình không cần một bối cảnh lớn lao hơn, nghiêm trọng hơn, để chỉ ra rằng cơ chế mặc định của nhận định và đối xử với phụ nữ là nghi ngờ khả năng của họ. Bạn thậm chí không cần ghét phụ nữ với tất cả đúng nghĩa của nó để hoạt động trên cơ chế này. Phần kinh khủng chính là, bạn thậm chí không cần ghét phụ nữ để có thể ngăn cản cơ hội đến với những người nữ khác, và là người bảo trì bánh răng cơ chế đó.
Mọi chuyện có thể bắt đầu từ việc được chọn lớp chuyên yêu thích của mình hay không chẳng hạn.
---
Mình đã mất tổng cộng 10 tiếng để viết và hiệu đính bài viết này. Động lực để hoàn thành bài viết này là do mình may mắn đọc được câu văn sau của Chimamanda Ngozi Adichie trong cuốn "Dear Ijeawele":
"Hãy dạy con bé rằng nếu người đánh giá phụ nữ là X nhưng không đánh giá đàn ông là X, vậy thì người không có vấn đề với tính X, mà người có vấn đề với phụ nữ. Cho X, hãy thay thế bằng những từ như giận dữ, tham vọng, to tiếng, cứng đầu, lạnh lùng và tàn nhẫn." (Teach her that if you criticize X in women but do not criticize X in men, then you do not have a problem with X, you have a problem with women. For X please insert words like anger, ambition, loudness, stubbornness, coldness, ruthlessness.)
Dành tặng bạn bài phỏng vấn của Chimamanda Ngozi Adichie về cuốn sách "Dear Ijeawele":
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top