#4. Áp lực chiều dọc và áp lực chiều ngang của học sinh nữ (phần 1)


Trải nghiệm xã hội của một người nữ ở Việt Nam trong độ tuổi từ 11-18 thông thường sẽ diễn ra tại môi trường trường học phổ thông. Trong lúc làm quen và thích nghi với những điều đang xảy ra với cơ thể và tâm lí của cá nhân mình, họ vẫn phải tiếp tục thực hiện vai trò học sinh của mình. Giống như giữa người đi làm nữ và người nội trợ nữ có những bất cập, bất công khác biệt đến từ môi trường xã hội và vai trò xã hội được hình thành dành cho môi trường đó, học sinh nữ cũng có những khó khăn đặc biệt hình thành trong môi trường trường học trên cơ sở giới. Cho đến giờ, mình có thể diễn giải những khó khăn này thành hai dạng áp lực: áp lực chiều dọc và áp lực chiều ngang. Bài viết ngày hôm nay sẽ thảo luận hiện tượng áp lực chiều dọc.

Áp lực chiều dọc là áp lực mình cho rằng xuất phát từ trật tự xã hội từ cao xuống thấp. Nói cách khác, trật tự xã hội cao xuống thấp và quy luật vận hành của nó sản sinh ra loại áp lực này, với mục tiêu trật tự xã hội đó sẽ được duy trì. Đối với học sinh nữ, mình thấy rằng loại áp lực này đến từ trật tự nhà trường/giáo viên - học sinh, người lớn tuổi - người nhỏ tuổi, và nam - nữ. Những áp lực này xảy ra khi người điều hành môi trường xã hội có quy chuẩn về con người xã hội trong môi trường đó: ở đây chính là quy chuẩn dành cho học sinh - nữ (khía cạnh nhỏ tuổi ở đây đã bao gồm trong khía cạnh học sinh). Các quy chuẩn dành cho mỗi khía cạnh tuy được đặt ra rất riêng rẽ và cụ thể, nhưng trong thực tế, chúng có ảnh hưởng lẫn nhau trong tác động đối với học sinh nữ.

Ví dụ điển hình nhất mình có thể lấy ra từ trải nghiệm đi học của mình là quy chuẩn một học sinh nữ nên nhìn như thế nào. Khi mình còn là học sinh trung học phổ thông, trường cấp III của mình có hai quy định sau dành cho học sinh nữ: không trang điểm và không nhuộm tóc. Mục tiêu là để giữ gìn hình ảnh cho nhà trường - tạo dựng một hình ảnh học sinh chuẩn mực làm phổ biến. Các học sinh nữ nếu đến trường bị phát hiện trang điểm và nhuộm tóc sẽ được yêu cầu xóa đi lớp trang điểm và đi nhuộm lại tóc. Những ai cố tình không xóa hoặc không nhuộm lại sẽ bị kỉ luật, từ nhẹ đến nặng.

Nhưng thế thì sao nhỉ? Học sinh phải nhìn cho ra học sinh chứ? Nhìn một cách khác, đây chính là xây dựng truyền thông mà. Phải có một bộ nhận diện thương hiệu. Xu hướng chung của xã hội ngoài trường học sẽ đánh giá một người nữ trong độ tuổi đi học trang điểm hoặc nhuộm tóc là nghiêm túc trong việc học tập - công việc chính của họ. Kỉ luật để giữ gìn hình ảnh của nhà trường, cũng không có gì quá đáng.

Đó là lý thuyết, nhưng mình muốn đưa ra một hiện tượng mình quan sát. Các học sinh nữ trong trường cấp III của mình mà được biết đến có trang điểm hoặc nhuộm tóc, họ thường bị đánh giá thấp hơn về khả năng học tập, và có một thực tế là, kết quả học tập của họ thật sự không tốt. Điều này liệu có nghĩa rằng trang điểm và nhuộm tóc là nguyên nhân dẫn đến kết quả học không tốt? Khi còn đi học, mình cảm nhận đây là cách nhà trường/giáo viên diễn giải hiện trạng học không tốt của các bạn nữ. Nhưng mình không chia sẻ cách nhìn này. Mình cho rằng nếu có điều gì dẫn đến kết quả học tập không tốt, thì đó là sự phủ nhận của nhà trường/giáo viên đối với sự thể hiện tính nữ của học sinh. Nói rõ hơn, khi sự thể hiện tính của một học sinh không phù hợp với quy chuẩn của nhà trường, nó được dùng để lí giải kết quả kém đó, và phủ nhận tiềm năng tiến bộ của học sinh nữ đó. Việc phủ nhận không phải là một hành vi thuộc về hệ thống quy định của nhà trường, mà thuộc về văn hóa được tạo ra bởi quy chuẩn mà quy định yêu cầu. Nó không được hợp thức hóa bởi văn bản quy định, nhưng mình đã thấy hành vi đó đến từ giáo viên nhà trường. Trong mỗi buổi 15 phút đầu giờ, trong mỗi giờ chào cờ, trong mỗi giờ học, trong mỗi lần đụng mặt trên hành lang, khi một học sinh nữ có trang điểm hoặc nhuộm tóc, yếu tố này rất thường xuyên được đem ra làm yếu tố đối chất. "Đây là lí do bạn đang xao nhãng, bạn đang không hoàn thành tốt nhiệm vụ học sinh của mình."

Và nếu vậy thì sao? Chỉ ra nguyên nhân cho một tình trạng kém chẳng phải là khởi điểm của tiến bộ? Nhưng câu hỏi mình muốn đặt ra là khởi điểm của tiến bộ gì? Nhà trường/giáo viên đang mong muốn mình tiến bộ mặt gì, và tại sao? Câu trả lời hiển nhiên nhất là tiến bộ về học tập, nhưng mình không muốn nó là điều hiển nhiên. Học tập trong giáo dục phổ thông Việt Nam vẫn được hiểu là các bộ môn học thuật phổ thông. Nhưng đó là lí thuyết. Không phải ai hoàn thành giáo dục phổ thông xong cũng sẽ theo đuổi một sự nghiệp học thuật thuần túy sách vở. Thay vào đó, những giá trị căn bản để xây dựng một con người và hình thành tư duy lựa chọn sự nghiệp tương lai như niềm tin vào bản thân, nỗ lực cá nhân, lòng kiên nhẫn, và tính trung thực thì lại không được đặt làm mục tiêu tiến bộ. Kết quả học tập nên là phản ảnh của những giá trị này, thay vì là mục tiêu tối thượng của một học sinh. Và nếu vậy, thì việc một học sinh nữ trang điểm và nhuộm tóc dù có thể là biểu hiện của việc lơ đãng học tập, nhưng sẽ không được giải thích và tư vấn thỏa đáng, và hơn nữa để lại một vết thương mang tên thể hiện tính nữ của mình.

Dông dài như vậy, nhưng đó là lí giải và phân thích chủ quan của mình về hiện tượng áp lực chiều dọc. Rằng việc áp đặt học sinh nữ cách họ thể hiện tính nữ, và lấy đó làm yếu tố tấn công khả năng học tập của họ hay làm nguyên nhân dẫn đến tình trạng học tập của họ, chính là một điều cản trở các học sinh nữ trở nên tiến bộ hơn. Bởi vì việc áp đặt này không dẫn tới những giá trị căn bản mà con người trong độ tuổi giáo dục phổ thông nên được khuyến khích hình thành và nuôi dưỡng, nên việc học sinh nữ không tiến bộ được trong học tập vẫn hoàn không thay đổi. Áp lực chiều dọc về việc một học sinh - nữ nên thể hiện ra sao theo mình là yếu tố ngăn cản học sinh nữ trở thành bản thân tốt nhất của mình. Bởi lẽ vai trò xã hội (học sinh) của họ bị đánh giá trên cơ sở giới và yêu cầu giới bởi môi trường xã hội (trường học), cảm nhận của họ về vai trò xã hội đó và giá trị cá nhân sẽ là tự ti và bức bối. Cảm nhận này sẽ được chuyển hóa thành cách họ đối xử với những người cùng trang lứa, cùng chia sẻ vai trò xã hội trong cùng một môi trường- những người bạn học khác. Hệ quả của nó là sự hình thành ra một loại áp lực khác trong môi trường xã hội trường học - áp lực chiều ngang giữa nữ sinh và nữ sinh.

(Còn tiếp)

---

Thật ra mình đã định không đăng tải bài viết nay ngày hôm nay, do mình chưa thể đưa ra các tài liệu và học thuyết củng cố quan điểm của mình (đang đợi cô Jill gửi nha 😂😂😂😂). Nhưng mình sẽ chấp nhận là nó còn rất thiếu sót để trong tương lai mình có thể quay lại và phát triển thêm. Rất hi vọng được nhận giúp đỡ và đóng góp của mọi người.

---
Bài hát chủ đề của series "Anne with an E". Các bạn nữ, mình tin chúng ta đang luôn đi trước cả một thế kỉ.

https://youtu.be/7fbGFO1EaAE

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top