#2. "Những người bạn có thể biết"
Trong hồ sơ tài khoản Facebook của mỗi người dùng, có những thông tin bạn có thể điền và Facebook sẽ biến những thông tin này thành các dữ liệu đề xuất kết bạn với những người cùng điền thông tin chung đó trong hồ sơ của họ. Ví dụ, nếu mình ghi trong hồ sơ của mình rằng "Đã theo học tại trường L.", Facebook sẽ truy tìm và lọc ra những người dùng cũng ghi "Đã theo học tại trường L."trong hồ sơ của họ, và tài khoản của mình cũng như của họ sẽ xuất hiện trong đề xuất kết bạn của nhau. "Những người bạn có thể biết" - đó là lời ghi chú của Facebook.
Vậy nếu những người cùng chia sẻ các thông tin "Nữ", "Sinh năm 2000", "Đã theo học tại trường L" tình cờ có cơ hội gặp gỡ và nói chuyện, những người họ "có thể biết" sẽ dễ chia sẻ nhất điều gì? Từ ngày tốt nghiệp cấp 1 cho đến giờ, mình đã có cơ hội được gặp khoảng 20 cá nhân là nữ, sinh năm 2000 và đã theo học tại trường L. 20 lần đầu gặp những người bạn này, khi các trao đổi về các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên thể dục và giáo viên mĩ thuật đã theo học đang đến hồi vãn xuống, luôn có một câu hỏi được ném ra, như hòn sỏi phá sự im lặng của mặt hồ.
"Cậu có biết thầy T. dạy tin học không?"
Không ít người khi nghe xong câu hỏi, khuôn mặt của họ như mặt hồ rút cạn nước vậy - không còn thần sắc lấp lánh của ánh cười trên mỗi gương mặt. Những đôi mắt tối lại và cụp xuống. Mình chẳng hạn, khi nghe được câu hỏi, sẽ im lặng trong một phút, rồi sẽ bật cười đầy đắng chát, chống tay lên thái dương, nhìn người đối thoại đầy ý nghĩa.
"Biết chứ. Năm lớp 4. Ôn luyện học sinh giỏi tin học. Lão ấy nói đổi máy để hướng dẫn cho dễ. Rồi bế cả tớ lẫn ghế lên ra trước cái máy tính khác. Sau đó sờ đùi."
Còn 20 người đối thoại?
"Năm lớp 5. Gần chỗ kín lắm."
"Cũng lớp 4. Cũng giở trò đó."
"Tớ thoát, nhưng bạn thân bị, xong rồi biết. Sợ vãi c*t. Không bao giờ dám hỏi bài lão ấy luôn."
"Biết vụ bố mẹ một đứa lớp số 3 hay số 4 của khóa bọn mình kiện trường vì con bé đấy mách bố mẹ không?"
"Kiện ấy hả? Sao khi về thăm trường vẫn còn thấy mặt lão?"
Đó là đối thoại với 20 người khác-lớp-cùng-trường-L mà mình quen biết. Mình ước tính là khóa 2006-2011 tại trường L có 6 lớp, mỗi lớp có trung bình khoảng 20 học sinh nữ. Khoảng 120 người cùng chia sẻ ba thông tin trên, họ sẽ chọn câu chuyện chung để làm thân gì? Trung bình còn khoảng 80 người nữa, trong đó đã loại trừ 20 người bạn nữ cùng-lớp-cùng-trường L với mình, và trong 20 người đó, có khoảng 5 người biết trải nghiệm của mình. Những người còn lại, nếu tình cờ gặp nhau, cuộc đối thoại của họ sẽ mất bao lâu để trùng xuống, và thấp thỏm hỏi một câu hỏi thay lời mở đầu một câu chuyện đã một năm, ba năm, bảy năm hay mười năm tuổi? Mỗi lần trò chuyện, họ sẽ phải bổ sung thêm bao nhiêu người vào con số những người cùng trải nghiệm, trên tổng số 120 người? Một câu chuyện không hi hữu, không phải là một tai nạn đáng tiếc. Một trải nghiệm của phản bội và chế ngự, một trải nghiệm như một miếng ghép hình cô độc cần một bức tranh lớn để miếng ghép có một ý nghĩa. Miếng ghép đó bị giúi vào tay họ, rồi được cất ở một góc tủ, bởi nó không có ý nghĩa, cho đến ngày chủ nhân tìm thấy những người đang cầm những mảnh ghép khác. Không hoàn toàn giống với cái mà mình đã có, nhưng khi ghép lại, miếng ghép là một phần, như bạn có thể đoán, của một bức tranh lớn. Một vỡ lẽ: bao năm qua, họ là một phần của một sang chấn chung. Một sang chấn mà họ không thể gọi là sang chấn tập thể, bởi khi chuyện đó xảy ra, không phải ai cũng biết, mình không cô đơn.
Trong 20 lần đối thoại đó, sau khi mỗi người kể ra trải nghiệm của mình, vừa dè dặt vừa giận dữ, chúng mình sẽ trân trân nhìn nhau, kinh ngạc vì giữa chúng mình có một điểm chung lớn hơn bản thân tưởng. Nếu muốn điện ảnh hóa khung cảnh đó, thì bạn có thể tưởng tượng một trường đoạn phim cắt đan xen giữa nhiều nhân vật khác nhau, mỗi người ở một bối cảnh khác nhau, nhưng như cùng đang đi tới một địa điểm chung mà tất cả không ngờ tới. Rồi từng người cẩn trọng chìa ra mảnh ghép nhiều năm vô nghĩa của mình. Tất cả cùng cúi nhìn, từ những mảnh ghép, cho đến những bàn tay đang cầm chúng, cho đến những cánh tay, cho đến những gương mặt đang sững sờ kìa. Lời giải cho bí ẩn của những người đã rất cô độc: năm đó, mình không phải là nạn nhân duy nhất. Những người mình có thể biết, họ có nhiều hơn với mình ba điểm chung.
Vậy nên nếu "Có biết thầy T. dạy tin học" trở thành một dữ liệu cơ sở đề xuất kết bạn trên Facebook, "Những người bạn có thể biết" có lẽ sẽ phải đổi thành "Bạn không phải là người duy nhất". Đó là một an ủi rằng mình không phải là người duy nhất, nhưng cũng là một ám ảnh, rằng năm đó người lớn và hệ thống đã làm bạn thất vọng. Bởi năm đó, đối với 120 người mỗi bạn, không ai nói với bạn rằng, có một kẻ xâm hại đang phụ trách lớp học của bạn, hai lần một tuần.
---
Phân cảnh mình cũng cho là hay nhất của Spotlight (2015). "They knew, and they let it happen to kids. Okay? It could have been you. It could have been me. It could have been any of us."
https://youtu.be/dmwO8tGHvdo
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top