#10. Sự yêu cầu chịu trách nhiệm là vô nghĩa, trừ khi nó được áp dụng cho tất cả

Một năm sau phong trào #MeToo bùng nổ, vào ngày 27 tháng 7 năm 2018, nhà báo Ronan Farrow trở lại với phóng sự lớn thứ hai của anh  trên tờ New Yorker về nạn xâm hại tình dục trong ngành giải trí: Giám đốc đương nhiệm của đài CBS - Les Moonves - bị cáo buộc quấy rối và đe dọa bởi 6 người phụ nữ . Các cáo buộc này cũng đồng thời xuất hiện với các cáo buộc đến từ rất nhiều phụ nữ khác, về sự lạm dụng quyền lực của Les Moonves trong đài CBS. (*)

Là người đứng đầu CBS, vào thời điểm các cáo buộc được tung ra, Les Moonves khi đó cũng là sếp của Stephen Colbert - người dẫn chương trình trò chuyện "The Late Show with Stephen Colbert", sản xuất bởi đài CBS. Trong chương trình The Late Show lên sóng vào ngày 31/7/2018, bốn ngày sau khi bài báo của Farrow được xuất bản, Stephen Colbert đã dành một phân đoạn độc thoại 3 phút để đề cập và chia sẻ suy nghĩ của ông về các cáo buộc về người sếp của mình. Cho bài viết hôm nay, mình muốn dịch và chia sẻ với mọi người một phần của phân đoạn này:

"Nhưng vào cuối tuần vừa rồi, một vài người hỏi tôi, có lẽ bởi vì tôi làm việc ở đây, rằng "Anh nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra?". Tôi không biết. Và tôi không biết người mà có biết. Trong một tình huống như này, tôi sẽ gọi cho Les (Moonves).

Trong năm vừa qua, đã có nhiều cuộc thảo luận về việc liệu người bị tố cáo rút lui khỏi cuộc sống hoạt động công chúng, và tôi hiểu tại sao nên có nhiều cấp độ phản ứng, nhưng tôi hiểu tại sao sự biến mất lại xảy ra. Có một nói của J.F.K mà tôi thích: "Những kẻ khiến cho cách mạng ôn hòa là bất khả, sẽ làm cách mạng bạo lực thành bất khả kháng." Và trong một thời gian rất dài đối với phụ nữ ở công sở, đã không có thay đổi nào, công lí nào cho người bị làm dụng, nên chúng ta không nên ngạc nhiên khi sự thay đổi tới, nó đến đầy triệt để. Tiếng gầm này chỉ là một phản ứng dữ dội đầy tự nhiên đối với mọi sự im lặng đó.

 Nên tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng tôi tin vào sự yêu chịu trách nhiệm. Và nó không chỉ dành cho chính trị gia mà bạn không đồng quan điểm. Tất cả mọi người tin vào sự chịu trách nhiệm, cho đến khi nó là về "người của họ". Và, không sai đâu, Les Moonves là "người của tôi". Anh ta đã nhận thuê tôi ngồi vào chiếc ghế này. Anh ta đã chống đỡ chương trình khi chúng tôi còn đang đi tìm giọng nói của mình. Anh ta đã sát cánh bên chúng tôi khi có người tức giận với tôi. Và tôi thích làm việc cho anh ta, nhưng sự chịu trách nhiệm là vô nghĩa, trừ khi nó được áp dụng cho tất cả. Dù cho đó là lãnh đạo của một mạng lưới hay của thế giới dân chủ."


"Sự yêu cầu chịu trách nhiệm là vô nghĩa, trừ khi nó được áp dụng cho tất cả.". Trước khi bắt đầu bài viết, mình có tham khảo vài người bạn về cách dịch lời nói gốc, đồng thời cũng là tiêu đề cho video phân đoạn độc thoại này của Stephen Colbert trên Youtube: "Accountability is meaningless unless it's for everybody.". Có một người bạn của mình khuyên nên dịch thoáng thoáng ra, rằng "Ta không thể yêu cầu người khác chịu trách nhiệm mà lại bỏ qua người mà ta thiên vị.". Người mà chúng ta thiên vị, đấy là ai? Có thể là một người đồng nghiệp mà chúng ta ưa thích. Một người mentor chu đáo. Một người đã kéo chúng ta đứng lên từ vũng bùn. Một người bạn thanh mai trúc mã. Người yêu, hoặc người yêu cũ tốt nhất. Thần tượng. Người thân trong gia đình và của gia đình. 


Mình phải ghi nhận rằng, để tiếng nói nhỏ bé phản đối những bất công của mình được cất lên, đằng sau đó là một hoàn cảnh rất có điều kiện: Mình về cơ bản là không có gì để mất. Mình có  gia đình - cả ruột thịt và cả lựa chọn - có thể tranh luận và cãi nhau về bất đồng, nhưng họ sẽ không bỏ rơi mình vì điều mình trải qua hay tin vào. Mình được chu cấp đầy đủ, và nếu mình có khi nào là nạn nhân của xâm hại, hay lựa chọn lên tiếng tố cáo thủ phạm và bảo vệ nạn nhân, điều kiện sống của mình sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Mọi cơ hội tiến lên nếu mất đi, luôn luôn có thể trở lại với mình. Mình may mắn thế đó. 

Giữa mình và người mình thiên vị, luôn có một cái "nợ", có một cái "ân", có một cái "nghĩa", và đôi khi nó còn là cái "tình". Vậy đấy, mình lại không thiên vị với người lạ. Nếu có nghe về một tên đồi bại lạ hươ lạ hoắc nào đó, mình sẵn sàng ngồi sùi bọt mép tranh luận về sự đồi bại đó. Nhưng nếu nó không chỉ là một người quen, mà là một người mà mình thiên vị, mình sẽ phải dừng để suy nghĩ chứ?  "Khoan đã, biết đâu chuyện lại không phải thế-" - mình có thể sẽ lắp bắp.Đôi khi chúng ta muốn nhắm mắt bỏ qua, bởi đời sẽ dễ dàng hơn biết bao. Dù sao cũng không phải là nạn nhân thiếu người quan tâm chăm sóc, đúng không? Thêm mình hay không thêm mình, có lẽ cũng không thay đổi gì được gì bản chất của sự việc. Đôi khi chúng ta phải nhắm mắt bỏ qua thật, bởi nếu không-

Nhưng mình muốn tin rằng công lí phải là không gấp gáp và thật bền lâu. Đã bao lần sau một lần bị quấy rối, mình rùng mình và thương cảm nghĩ: "Chao, gã đó là bố, là anh, em, chú, bác, cậu, cháu, chồng, bạn của một người phụ nữ nào đó. Mỗi một danh hiệu, một danh xưng là cho một người phụ nữ. Mình cũng vậy. Bạn cũng vậy. Một kẻ đồi bại luôn luôn là ai đó của một ai đó, và như Stephen Colbert đã nói, có thể là "người của ta". Nhưng "ta" cũng là người của rất nhiều người khác nữa, những người là nạn nhân của xâm hại và quấy rối tình dục. Nếu mỗi chúng ta đặt yêu cầu chịu trách nhiệm lên mỗi kẻ đồi bại "của chúng ta" như một viên gạch, thì mình tin bức tường công lí vĩnh cửu. Một bức tường mà nếu có kẻ nào cố gắng thọc đẩy một viên gạch đi, luôn có người nhảy tới và đặt một viên gạch mới vào.

Sau đó cũng có thể đập kẻ thọc đẩy bằng viên gạch cũ. Viên gạch của sự trách nhiệm mà.

---

Chú thích và trích dẫn:
(*): Ronan Farrow. Les Moonves and CBS Face Allegations of Sexual Misconduct. The New Yorkers. 2018

Bạn có thể xem phân đoạn độc thoại của Stephen Colbert tại đây:

https://youtu.be/JKa5u6mX05o



Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top