100



"Chết chẳng là gì. Không sống mới đáng sợ."

- Victor Hugo -

Kể cũng lạ cái sự đời!

Một con điếm lăng loàn, trên giường bảy năm vật lộn lên xuống, được khen bóng khen gió là có tí trung thành với nghề; một con đĩ máu lạnh mười năm sau đó lại sống đời kẻ chém thuê, thấy mạng người cũng chẳng khác gì cỏ rác. Một con nửa người nửa ngợm như thế, tưởng là đã bận rộn lắm để nghĩ suy đến chuyện cái cọc polime mới cóng dằn xuống bàn có thể dày thêm đến mức nào mỗi đêm trở về từ địa ngục, hóa ra cũng còn chút rảnh rang để mà nhớ.

Nhớ nhiều là đằng khác! Non hai chục năm trời, Sài Gòn nức tiếng hoa lệ làm con người ta quên, quên quá – người ta chỉ ngậm ngùi khi giật mình nhận thấy ô hay, tóc đã bạc trắng rồi. Chứ người ta mới ba mươi, ba mốt, người ta mới chạm ngõ phân nửa đời, còn chưa rong chơi hết cái phồn hoa được đồn đại: Ai dừng chân lại để mà chờ, mà nhớ! Ai dừng! Mà có dừng, có nhớ, thì biết nhớ cái gì đây?

Vậy mà ả lại nhớ.

Kể cũng lạ cái sự đời!

Ả nhớ đến những ngày đã phủ bụi mờ trong ngăn kéo hoài niệm cũ; nhớ cái vùng quê nho nhỏ với cánh đồng mướt trĩu trập trùng, lúa trải dài thơm ngát, và mỗi sáng rực lên cái màu nắng cháy nhuộm tóc mẹ vàng hoe mà không cần bỏ tiền ra tiệm. Nhớ hoàng hôn đỏ ửng, thẹn thùng núp sau những áng mây già cỗi đã mỏi mệt, chỉ vu vơ thả lại vài tàn nắng tản dài thành vệt mỡ gà cuối chân trời loang lổ. Nhớ cả đôi mắt em gái thơ ngây, ngắm màn đêm tung chiếc áo choàng ma thuật tàng hình tất cả: Một đôi mắt sáng như sao sa! Ả nhớ ngôi trường làng, với cái giọng êm êm trầm trầm của cô giáo cũ, "O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội mũ, Ơ thì có râu"; Nhớ bài học ngày nào cô thong thả giảng, thời gian là vô thủy vô chung, nhưng cuộc đời con người lại có hạn, hãy sống sao cho ý nghĩa một kiếp người. Nhớ ả từng gật gù theo mỗi điệu hát: "Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương"...

Ả nhớ, biết mình chẳng nhớ lầm. Ả không phải là chim, là hoa, là mây; Ả là người. Nhưng phần Người ấy dường đang tự hỏi: Năm đó mười ba tuổi, vứt bỏ vườn tược ao làng, vứt bỏ mẹ cha và vứt bỏ cả ngôi trường  từng ước ao được trở về dạy – Ả đã vứt bỏ cái nghèo quẫn, khốn khó bần hèn, vứt bỏ một niềm đau nỗi khổ; Hay vứt bỏ quyền được thực sự sống, để tồn tại lay lất như một dấu gạch lửng vô danh giữa cuộc đời?

Ả nào có biết! Chẳng ai cho ả câu trả lời.

Không tự dưng mà kí ức quay về: Nó cứa vào hồn từng dòng hoài niệm khó chịu, ran rát. Nó làm ả thấy xót xa. Nó chảy theo một hình hài nhất định: hình hài của tờ giấy chẩn đoán bệnh bác sĩ vừa ghim vào tay sáng nay như một bản án tử mệnh.

Ả chỉ còn đúng một trăm giờ.

Trong đời, ả từng nhiều lần đặt ra cho mình những câu hỏi. Có câu giải đáp được, có câu không. Nhưng chưa bao giờ ả tự hỏi lòng, nếu chỉ còn đúng một trăm giờ trước cái chết, ả sẽ làm gì?

Có lẽ vì cái chết đến đột ngột quá.

Mà ả nhủ thầm, dẫu sao cũng là một ân huệ. Có kẻ chết trong giấc ngủ, êm đềm nhưng vội vã; không ai biết, chẳng ai hay. Người ta chỉ nhận ra khi thi thể đã lạnh ngắt sau một đêm rất dài, và tiễn đưa bằng lời khóc than vật vã. Có kẻ chết với những ngày thống khổ; cái cuối cùng còn sót lại trong chiếc ba-lô của hắn trên hành trình trở về với đất mẹ chỉ là tiếng rên rỉ xót xa. Có kẻ chết đứng không kịp nhắm mắt – người thân đến vuốt mãi vẫn không nhắm: chắc là Tử Thần giục giã đến mức hắn còn chưa hiểu chuyện đã phải khép sự đời, nên hắn giận! Có kẻ chết dưới gầm xe, một tích tắc. Và đường phố trả về không gì khác ngoài một cơ thể nát tươm, quện những vệt máu đã khô cùng tiếng khóc. Có kẻ chết vì dao đâm súng đạn – những kẻ này thấy nhiều, đơn giản vì ả cũng từng mười năm là con mụ kết liễu cuộc đời chúng! Ả nghe tiếng van xin; ả thấy người quỳ lạy. Ả chứng kiến cuộc gọi về cho người thân lần cuối cùng. Nhưng cái chết vẫn đến, trên chiếc xe tay ga gầm rú kinh hoàng, và tóm lấy những mạng sống thoi thóp. Để lại ả, với hai bàn tay nhuốm đầy máu tươi.

Dẫu sao cũng là một ân huệ. Ả hiểu. Nợ thì phải trả, muôn đời vẫn vậy. Ít ra, ả còn được biết trước một trăm giờ, mỉa mai thay, lại không biết phải làm gì với một trăm giờ đó. Ả từng trải nhiều; dám cá cũng khó thể nói, có hiểm nguy nào là chẳng từng đối diện, nhưng đầu ả giờ lại trống rỗng như vừa bị quét sạch bởi một cơn lũ. Cơn lũ đến, rồi đi. Và tan hoang. Tự dưng ả thấy sợ.

Bao nhiêu năm qua chiến đấu một mình vẫn dửng dưng, giờ lại đi bảo là sợ; Sợ, sợ cái đếch gì? Ả muốn tự phá lên cười, nhưng nhận ra sau giọng cười khản đặc và lạc đi của chính mình, ả vẫn sợ.

Vậy thì cứ như sách nói: Điều đầu tiên ả làm trong cái ngân quỹ một trăm giờ này, là trở về lại quê hương vậy!

_

Nhà ba gian chẳng thay đổi nhiều từ ngày ả đi, có chăng là cũ mục và xập xệ hơn trước. Vẫn đấy tấm phản gỗ rằn ri, mẹ từng đung đưa đứa con gái đầu lòng trên tay mà ầu ơ tiếng hát; Vẫn đấy chiếc bình thủy, ả còn nhớ rõ một vệt nứt bên trái – chiếc bình đã bao năm ròng đôi bàn tay người cha thô ráp bán mặt cho đất, bán lưng cho trời chầm chậm pha sữa nuôi con. Qua khe hở vách phên nứa, ả thấy bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói: ông ngoại , bà ngoại, dì ruột, cả người chị gái song sinh chưa một lần mở mắt nhìn đời. Những người đã lâu lắm ả không thấy mặt; Những người dần trở nên nhạt nhòa trong kí ức của ả. Cho đến khi ả nhận ra mình cũng sắp cùng họ sum vầy. Vẫn đấy trong góc chiếc thùng xốp, mười bảy năm qua chẳng còn được đụng lại: những thú bông, những đồ hàng, những chiếc váy giản đơn mẹ tỉ mẩn may cho con búp bê ả nâng niu bằng lời ru tiếng hát. Ba gian nhà lặng im như ả - một sự im lặng xúc động chào đón ngày trở về của đứa trẻ bao năm bồng bột. Hay sự im lặng thờ ơ vì nơi này đã chẳng thuộc về ả nữa rồi?

Chậm rãi thả từng bước chân lần mò trên lối cũ, ả nhận ra bàn ăn cơm ngày nào vẫn còn ấm áp, nay nguội lạnh cùng độc nhất một chén nước mắm gần cạn, vả nải chuối vừa mang xuống khi đã tắt nén nhang. Cha mẹ chắc vẫn đang ra đồng. Và mồ hôi họ lại rơi trên cành lúa trĩu nặng thứ ngọc mà những ngày xa xỉ nơi đô thành, ả từng coi như cỏ rác. Nắng lại cháy trên đầu họ, mây lại vờn trên tóc họ. Và những làn gió chẳng mang gì khác ngoài cái oi nực thiêu sống họ giữa nương ruộng mênh mông.

Mở chiếc hộc tủ gỗ đã sờn nhưng chưa từng ai đoái hoài tới: nhiều bức tranh, vài ghi chú, một cọc tiền. Ả thấy nét vẽ của mình ngày thơ bé – màu đã sắp phai và giấy đã tưa góc, ngả vàng, nhưng vẫn còn được giữ gìn cẩn thận. Ghi chú đánh dấu lại sinh nhật, ngày ả lần đầu biết nói, biết bò, biết đi, ngày ả rời bỏ làng quê bến nước. Còn cọc tiền, ba trăm mười hai triệu – mười ba năm, một trăm năm mươi sáu tháng, mỗi tháng hai triệu ả gửi về gia đình từ năm mười bảy tuổi, vẫn chưa một lần được dùng. Ả tự hỏi tại sao; nhưng rồi nhìn thấy dòng chữ nhờ nhờ, lòng ả bỗng dưng chùng xuống.

"Để dành cho con gái, biết con khổ cực nhiều. Thương con."

Họ vẫn đi làm, vẫn cày thuê cuốc mướn. Bao năm qua gửi tiền về, ả ngưỡng mong họ có một cuộc sống sung túc, nhưng rõ ràng mọi thứ vẫn vậy. Ả rời đi, nghĩ mình đang hy sinh cho gia đình, hy sinh cho cuộc sống sau này của cha mẹ. Nhưng rồi là ả hy sinh, hay là ả ích kỷ? Ả cho đi, hay là ả cố nhận về, thèm khát một thứ hào quang nhung lựa phủ vây lấy nơi phồn hoa thành thị - thứ nhung lụa chẳng thể kiếm tìm được nơi làng quê?

"Nhiên này, bao giờ thì con về?"

"Con chả biết, công việc con bận lắm! Mà ô hay, tiền tháng con vẫn chu cấp vẹn toàn thế kia? Cha mẹ còn muốn con về chi nữa? Con chẳng mang thêm đồng nào đâu!"

" Ừ, mẹ nói thì mẹ nói vậy. Tại Tết này, chỉ mỗi Tết này thôi cũng được, cha mẹ muốn gặp con..."

- Nhiên!

Có tiếng gọi. Thân thương. Ấm áp. Ả chẳng biết nữa, rằng nó vọng về từ những chiêm bao ngày cũ, từ những tuổi thơ đánh rơi đâu đó dọc trên suốt đại lộ đời khắc nghiệt này; Cũng có thể vọng về từ chính những khao khát trong tiềm thức - khao khát có được tình yêu thương. Bôn ba. Rồi xa xứ. Đi và không biết ngày trở lại: Ả tìm thấy gì sau những bóng hình đã cũ, những kỉ niệm đã cũ, những ấn kí đẹp đẽ mang ra tráo đổi cho một cuộc sống phồn hoa? Cái giá đắt, mà ả tưởng rằng rất rẻ! Để rồi sau một thoáng cát bụi, những cơn gió thốc lên mịt mờ lột trần trụi thứ hào quang dễ vỡ mà ả tìm kiếm ngàn đời.

Trả lại ả. Trơ trọi. Xót xa.

- Nhiên!

Lần này, vẫn đấy tiếng gọi, nhưng dường như rõ hơn; nó níu kéo, van xin, buộc ả phải quay lại. Anh Phùng! Ả giật mình trước dáng hình mà đã lâu lắm rồi không còn nhìn thấy. Mái tóc vẫn rối bù, thoảng hương nắng cháy – cái mùi từng một ngày nào đó, ả hít hà, thơm lên, ả giữ mãi trong lòng. Đôi mắt vẫn cương nghị, sáng lấp lánh. Khuôn mặt vẫn làm tim ả chậm lại một nhịp, bồi hồi: Khuôn mặt trong những đêm khuya thanh vắng đã rón rén tìm về trong giấc mơ sâu kín, khiến ả trằn trọc, thao thức chẳng nguôi.

Hỏi ả, còn yêu không? Chắc là có. Bởi đứng trước Người, ả bỗng dưng muốn khóc: tuyến lệ tưởng đã khô mà những giọt châu chát mặn vẫn chực chảy tràn. Nhưng hỏi ả, còn muốn tiến tới không? Còn muốn không một cái đám cưới, chẳng cần linh đình nhưng đủ đầy và hạnh phúc? Chắc là không. Bởi vì mười bảy năm lăn lộn với đời, ả tự biết, bản thân mình không còn xứng đáng để được trao bất kì một ân huệ nào nữa.

Huống chi, chỉ còn có một trăm giờ.

"Nhiên, em đừng đi!"

"Anh Phùng, em hứa. Để em đi đi, em hứa khi em quay về, em sẽ giàu, thật giàu. Rồi mình sẽ được lấy nhau. Anh phải tin em chứ, em hứa mà!"

- Nhiên... Em về rồi sao?

Ả thấy Người mấp máy môi. Ả thấy Người nhìn trìu mến, sau một thoáng kinh ngạc vẫn dành cho ả sự nâng niu. Ả thấy Người đến gần: chàng trai của ả, chàng trai năm mười ba ả thầm thương trộm nhớ, chàng trai năm ba mươi ả vẫn trộm nhớ thầm thương. Nhưng rồi sao? Ả có quyền gì; có quyền gì khi thân thể này đã bị dày vò bởi hàng ngàn, hàng vạn người đàn ông khác. Có quyền gì khi nhân phẩm cũng rách nát như thân thể; Và ả - đơn giản là một con điếm, một con mụ già khắm khú đã ba mươi tuổi đời. Ả chẳng có! Hay chăng là chỉ còn chút quyền lựa chọn: lựa chọn rời xa để bóng ma u uất và ô uế của ả, không làm mất đi vẻ sáng lấp lánh tỏa ra từ người thương.

- Nhầm rồi, tôi không phải là Nhiên.

Ả đáp khô khốc, tự kéo chiếc nón áo che xuống và lầm lũi bước đi. Anh Phùng định đưa tay giữ lại. Rồi bỏ xuống. Trong phút chốc, ả muốn khóc. Những giọt lệ như lũ, đã dâng lên cao, cao lắm rồi. Vẫn không được! Cái rảo hoánh đã mười bảy năm nay gìn giữ. Cái rảo hoánh, mười bảy năm ròng rã, ả dùng như then chốt đè chặt những tình cảm trong lòng. Chính cái rảo hoảnh ngăn ả lại; và cây cầu nối xúc cảm gãy dần.

Ả biết, mình không còn khóc được nữa.

Bóng Người nhòe đi, nhòe như chính những kỉ niệm. Chỉ thấy lại nhờ nhờ cái nắng cháy hừng hực trên đầu như lửa.

Chói chang.

_

Cuối cùng, ả quyết để lại nửa số tiền bấy lâu nay ả dành dụm, cùng một bức thư nhỏ trên bàn, hy vọng cha mẹ đọc thấy. Một trăm giờ, ả đã chẳng còn đủ một trăm giờ nữa rồi; và không chờ đến khi họ đi làm đồng về: Ả chọn rời khỏi. Dù lòng mưng mủ từng mảng, nhói đau.

Trong vô thức, ả thấy mình tìm đến chùa.

Đã lâu lắm, ả mới lại đến chùa.

Ngôi chùa nhỏ, nằm khiêm tốn cách nhà chừng hơn năm cây số, rợp bóng xanh ươm, tưởng như ngăn hết mọi tia nắng gắt gao, giận dữ trút xuống mặt đất đã sớm khô quắt lại vì chẳng đón nổi một ngụm mưa; và như ngăn hết thảy những tham – sân – si tục trần, những danh lợi phù hoa đeo bám từ ngày ả đi, rời bỏ bao êm đềm bến nước. Đường lên chùa dốc, khúc khuỷu sỏi đá, nhưng thấy tự tại và suôn sẻ hơn nhiều so với con đường đời mười bảy năm qua ả chọn.

Có lẽ vì tiếng tụng kinh đều đều vẳng ra từ Chánh điện, hay tiếng chim ríu rít bên thềm cửa, hay tiếng những cành lá xôn xao ngày một con người tội lỗi tìm về, đã khiến ả rùng mình cảm nhận trái tim mình đang đập. Tim mà, có bao giờ thôi đập? Có bao giờ ngừng lại, dẫu chỉ một nhịp nào; Nhưng tự dưng ả lại thấy giữa khe hở của những nhịp đập ấy, có thứ gì chầm chậm đánh rơi.

Không là nỗi đau của một chiều đã cũ, trên thân thể ả bầm tím những vết tích của cuộc hoan lạc chẳng gây tạo nổi một giọt hạnh phúc. Không là niềm vui đọa đày lóe lên, khi thấy những xấp tiền ả nhận được từ việc kết liễu vài ba mạng người. Không là gì cả - ánh hào quang lấp lánh, ả những tưởng mình đã kiếm tìm từ muôn thế kỷ qua. Những nhịp đập cách đều; giữa chúng vỡ ra trong tâm hồn nỗi phiền muộn.

Ả nghe thấy nhịp đập, và nghe thấy nỗi buồn.

Tiếng gõ mõ vẫn đều đều đến đứt ruột. Vang lên lồng lộng giữa xì xào tạp âm.

"Thiên thủ thiên nhãn, vô ngại Đại-bi tâm đà-la-ni.

Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam mô a rị da bà lô yết đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da..."

Chú Đại Bi! Ả từng nghe loáng thoáng ai đó nói, nhất tâm tụng Chú Đại Bi có thể diệt được ba ác nghiệp: Thân nghiệp, Khẩu nghiệp, Ý nghiệp. Lâu lắm rồi, có lẽ trong tiềm thức đã nhợt cũ. Chẳng biết, liệu một kẻ đang tự dìm mình trong tội lỗi không thể rửa gột nổi này, có thể nắm lấy một cơ hội nào để tiêu trừ nghiệp chướng nặng nề không?

Chắc là khó. Có vay, có trả. Ả đang trả, một trăm giờ. Và sau một trăm giờ, ả vẫn còn phải trả nữa. Ả hiểu; đến thời điểm này cũng tình nguyện coi Thần Chết là cố nhân. Ả biết không còn con đường nào. Mạng người như cát, đang rỉ rả từng giọt trong chiếc đồng hồ, còn oan gia trái chủ thì lăm le chực chờ ngoài rìa của sự sống.

Nhưng ả vẫn chọn đến chùa.

Nửa số tiền còn lại, ả mang cúng dường ngôi Tam Bảo. Để ít ra, trong suốt cuộc đời đầy tanh tưởi máu me và gớm ghiếc của con mụ đâm thuê chém mướn, vẫn có phút giây đầu nó ngẩng cao vì làm việc thiện lành. Dù chỉ là giúp đỡ một sinh linh.

"Mẹ yên tâm, dù có trở thành đứa xấu xa, con nhất định vẫn sẽ làm một điều tốt đẹp trong đời!"

"Thôi đi cô! Cô làm ơn sống đời người bình thường, hạnh phúc cho tôi là tôi vui rồi. Tôi chỉ mong có thể..."

-

Có phải cái Nhiên của tuổi lên mười đã từng nói câu đó không? Có phải cái Nhiên của tuổi lên mười đã từng ao ước được làm một giáo viên hiền hòa, chân chính? Có phải không, mà sao đời đẩy đưa lắm đường!

Mẹ thương, đặt tên cho ả là An Nhiên. Nhưng cuộc đời ả lại chưa từng tìm thấy an nhiên như điều bà hằng mong muốn.

Sau khi gửi phong thư nơi bàn Cầu Siêu – Cầu An, ả vào Chánh điện, chắp tay quỳ. Trước Phật, ả mấp máy môi, nhưng chẳng biết cầu xin gì. Chỉ thẫn thờ ngồi đó. Ngoài kia, chao ôi là nắng vàng! Và Đức Phật, Ngài cũng tỏa ánh hào quang chói rạng đẹp biết bao! Nhưng Ngài ơi, sao hôm nay lòng con tự dưng lạnh quá. Bao nhiêu hình ảnh lũ lượt kéo về; Bao nhiêu tội ác lũ lượt kéo về, và Thần Chết hình như đang sẵn sàng đưa tay tiễn con vào Địa Ngục.

Con phải đi. Quá nhiều mạng người đã đánh đổi.

Nhưng tạ ơn Ngài, vì con vẫn còn biết trước một trăm giờ. Dù để sống, để hối cải, hay để chấp nhận như một thương đau.

'Cho tôi như bóng mây

Lang thang qua cõi này

Cho tôi được ngắm sao trên trời giữa hương đồng cỏ nội.

Cho tôi như khúc ca,

Bay đi xa rất xa

Cho tôi được sống trong tim Người bằng những lời ca.'(*)

Ô hay! Mưa thì chẳng mưa, mà cớ sao ả thấy mắt mình phủ một tầng sương khói. Mờ rồi, mờ rồi. Nhạt hết rồi, cả cuộc đời ả! Khóc, ả cho phép mình khóc, và ngạc nhiên thấy mình còn có thể khóc. Ả khóc, chẳng vì sung sướng hay khổ sở: Có một cơn địa chấn buộc bản thân phải rơi nước mắt. Trong thinh không ảm đạm, ả tưởng vọng lại đâu đây những ca từ dường đã cũ lắm, như chỉ viết riêng cho mình.

'Nếu chỉ còn một ngày để sống

Chợt nhận ra cuộc đời quá đẹp!

Phải chăng ta có lúc vội vàng

Nên ra đi chưa được bình an?'(*)

Tận bây giờ, ả mới hiểu. Đời người, đi đâu, về đâu, hay làm gì; âu thứ ta hằng khao khát, cũng chỉ gói gọn trong hai chữ "Bình An" ấy mà thôi.

Sài Gòn, 07.06.2018.

(*) lời bài hát 'Nếu chỉ còn một ngày để sống'.

*

Đôi lời: Ý tưởng lóe lên trong đầu tôi, như từng diễn tả nhiều lần, "giống một cơn địa chấn", buộc tôi phải viết khi tôi nghe đến ca từ bài 'Nếu chỉ còn một ngày để sống' qua tiếng hát của nữ ca sĩ Giang Hồng Ngọc. Ngoài trời lúc đó mưa tầm tã, và lòng tôi cũng tầm tã nỗi buồn. Vừa hay, hôm đấy nhớ đến Event mình tham dự cho ra đề liên quan đến độc thoại nội tâm và số 100, thế là nghĩ ngay đến việc chắp bút cho câu chuyện có nội dung đại khái là 'Nếu chỉ còn một trăm giờ để sống' :D.

Ả trong "100." là nhân vật tôi vừa thương vừa giận. Nhưng có lẽ tôi cũng bớt giận rồi. Vì tôi đã cho những giây phút cuối đời, ít ra ả bắt đầu cảm nhận được phần Người của mình thực sự tồn tại. Quay đầu là bờ.

Đến cuối cùng, có lẽ An Nhiên cũng đã được an nhiên.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top