1 câu chuyện về Stalin

MỘT MẨU CHUYỆN KHÓ TIN VỀ STALIN

65 năm trước, vào một ngày giữa hè 1941, phát-xít Đức đã ồ ạt tấn công Liên Xô, đẩy cuộc Thế chiến khởi đầu từ năm 1939 vào một giai đoạn quyết liệt chưa từng có.

Nhà độc tài Stalin, người từng được xưng tụng là "đại nguyên soái", "thiên tài quân sự", "người cha của các dân tộc"...

Cho đến nay, thái độ "bình chân như vại" của Stalin trước cuộc chiến của Đức vẫn là một bài toán khó hiểu đối với mọi sử gia. Ngay từ đầu năm 1941, đã có vô số dấu hiệu cho thấy phát-xít Đức sẽ tấn công Liên Xô vào giữa mùa hè. Các nước Anh, Pháp... cũng từng cảnh báo Liên Xô về điều đó. Vài tuần trước ngày 21-6, siêu điệp viên Richard Sorge đã thông báo trước ngày giờ chính xác của cuộc tấn công Liên Xô. Vậy mà nhà độc tài Stalin vẫn bình thản tuyên bố "chớ có mắc mưu khiêu khích của địch, gây mất hòa khí!" Cuối tháng 6-1941, đến khi Đức đồng loạt thả bom nhiều thành phố Liên Xô, vị tổng bí thư còn hạ lệnh cho quân đội Xô-viết "chỉ được cử trinh thám đột nhập vào đất địch 60 km" thôi, ngoài ra vẫn phải "án binh bất động". Thái độ "điếc không sợ súng" đó của Stalin đã khiến quân và dân Liên Xô phải trả một giá rất đắt trong thời gian đầu của cuộc chiến.

Trái với những quan niệm cho rằng Stalin bị bất ngờ trước cuộc tấn công của Đức, hoặc Stalin đã biết trước, nhưng vẫn làm ra vẻ không biết để kéo dài thời gian chuẩn bị, để đánh lạc hướng đối phương..., hồi ký của các tướng lĩnh, các lãnh tụ Liên Xô, kể cả của con gái Stalin, đều viết rằng "thiên tài quân sự" Stalin đã bị chấn động thực sự trước cuộc chiến: ông hoảng hốt đến mức trốn bặt về nhà nghỉ tại Kuntsevo (ngoại ô Moscow) trong hơn một tuần. Theo lời kể sau này của tổng bí thư Khrushchev, Stalin còn bi quan đến mức trót buột miệng: "Chúng ta đã dìm đảng của Lenin vào hố phân!"

Mãi đến ngày 30-6, sau khi các thành viên Bộ Chính trị đến Kuntsevo van vỉ (thoạt đầu, nhà độc tài tưởng họ đến để bắt ông!), Stalin mới chịu về lại thủ đô. Trong bài phát biểu trên làn sóng điện ngày 3-7-1941, ông cất giọng cầu khẩn "Các anh, các chị của tôi..." (trước và sau đó, không lần nào Stalin dùng giọng điệu "lễ phép" như thế với các "thần dân"!), báo tin quân Đức đã tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô. Trước đó, vào ngày 22-6-1941, Stalin đã khôn khéo nhường cho Molotov - lúc đó là ngoại trưởng kiêm phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - tuyên bố trên đài phát thanh tin nước Đức tấn công Liên bang Xô-viết (có lẽ Stalin tính toán như sau: đứng về mặt danh chính ngôn thuận thì Molotov là người ký hiệp định hòa bình với Đức, vậy để ông ta lộ mặt hứng sự bất bình của dân chúng là "đắc sách" nhất).

Tuy nhiên, những sự kiện trên không hề được đưa vào sử sách chính thống của Liên Xô. Trong các thước phim tài liệu cũng như trong "Tiểu sử giản yếu" của Stalin, chúng ta chỉ thấy hình ảnh một vị thủ lĩnh quả cảm, anh minh, không rời nhân dân một bước. Đặc biệt, nhiều người nhớ đến hình ảnh Stalin đứng trên bục của lăng Lenin, dùng những lời lẽ bất hủ để cổ vũ tinh thần binh sĩ trong cuộc diễu binh độc nhất vô nhị, được tổ chức vào ngày 7-11-1941 tại Hồng trường; sau buổi lễ, các đơn vị quân đội đã đi thẳng từ đó ra chiến trận với tiếng thét trên cửa miệng "Vì Tổ quốc, vì Stalin"!

Dưới thời XHCN, có lẽ không mấy ai ở Liên Xô và các nước trong khối cộng sản không biết đến buổi diễu binh lừng danh đó. Khi ấy, quân Đức đã tiến đến gần thủ đô Moscow, thậm chí đã có thể nhìn qua ống nhòm rõ mồn một những đỉnh tháp điện Kremlin. Hồng quân Liên Xô, hoàn toàn bị động trước sức mạnh quân sự khủng khiếp của phát-xít Đức, đã thua hết trận này đến trận khác và phải trải qua những giờ phút kinh hoàng nhất, khi quân Đức có thể chiếm được Moscow vào bất cứ lúc nào.

Mẩu chuyện sau đây, dĩ nhiên cũng không được đưa vào chính sử, rút từ bộ sưu tầm của Yulian Semyonov, một nhà văn nổi tiếng với thể loại "tiểu thuyết tư liệu" ở Nga. Dựa vào hồi tưởng của một đồng nghiệp - nhà văn Aleksandr Voynov -, Semyonov đã thuật lại một câu chuyện khó tưởng tượng liên quan đến Stalin và buổi diễu binh lừng danh kể trên.

HƠI THỞ CỦA LÃNH TỤ BIẾN ĐU?

- Cuối tháng Chạp năm 1944, tôi [nhà văn Aleksandr Voyno] bị thương và được nghỉ phép một tuần. Tôi đến Kuybyshev, thủ đô thứ hai hồi ấy, để nhận một huân chương. Ngoài phố, tôi gặp Kiselyov, đạo diễn phim tài liệu, tục danh là "Chàng đỏ".

- Cậu có muốn xem bộ phim mới của tớ không? - Kiselyov hỏi. - Tớ quay ở trên Hồng trường, lúc Stalin phát biểu trong lễ diễu binh.

- Tất nhiên, sao lại không?

Chúng tôi đi vào tòa nhà, tại đó xưởng phim tài liệu được sử dụng vài phòng nhỏ. Khán đài nhỏ chật ních, ai nấy nín thở xem phim, nhiều người còn rơi nước mắt. Cảnh phim: tại Hồng trường, những bông tuyết lớn bay mịt mù, âm thầm phủ lên những tảng đá hình khối vuông của quảng trường, lên lăng Lenin, lên áo choàng của binh lính và sĩ quan, đọng trên khuôn mặt gày sọp của Stalin, bay mù mịt quanh đầu các bạn chiến đấu của ông: Molotov, Voroshilov, Berya, Andreyev, Kalinin, Kaganovich, Shcherbakov, Mikoyan... Trùm lên mọi nơi mọi chỗ là sự câm lặng băng giá, bầu không khí im ắng trọng thể, tất cả như chờ đợi... Trong toàn bộ cái bất động lớn này, chỉ có một thứ sống động duy nhất: hơi thở tràn trề của mọi người. Con người, khi lạnh, thường thở bằng miệng. Những kẻ may mắn hơn được đi ủng dạ và hẳn là cả đồ lót ấm áp nữa, vì hơi ấm tuồn ra từ mũi họ và gần như cắt đứt luồng không khí lạnh ngoài trời.

Trong cảnh cuối của bộ phim, Stalin bước đến gần ống nói và đọc một diễn văn ngắn. Tôi tưởng tượng các chiến sĩ tiểu đoàn tôi giờ đây hạnh phúc đến mức nào khi họ được xem cảnh này. Ở đây, Người cha nói với Các con, trong bộ áo choàng quân đội giản dị, gương mặt hốc hác, nhưng ân cần, dịu dàng làm sao...

- Cậu này, để ý mà coi - trong khi ngốn ngấu chiêm ngưỡng khuôn mặt Lãnh tụ, tôi quay sang hỏi Kiselyov - tại sao tớ không thấy hơi thở của Người nhỉ?

Vai Kiselyov lên cơn giật. Anh làm như thể không nghe thấy câu hỏi của tôi; khi đó tôi mới 26 tuổi, chưa bao giờ học cung cách ngoại giao, tôi tin tưởng mù quáng vào lời khuyên được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: "Cậu đừng giấu giếm gì hết, hãy hỏi mọi thứ mà cậu không biết; các đồng chí sẽ giúp cậu tìm hiểu mọi điều."

- Ơ mà tại sao đồng chí Stalin không có hơi thở nhỉ? - tôi tiếp tục ngạc nhiên. - Tất cả mọi người đều có hơi thở. Chỉ có Người là không...

Sau lưng tôi, trong bóng tối nặng nề và căng thẳng, một giọng nói thì thầm nhưng khó tính vang lên:

- Ai hỏi han ở đây vậy?

Kiselyov cáu kỉnh dùng đầu gối ra hiệu cho tôi, anh ho khan và hướng cái nhìn ra phía cửa. Rồi anh đứng dậy, lại ho để giấu câu nói và thì thầm vào tai tôi: "Đi theo tớ".

Tôi không hiểu gì cả, nhưng cũng ra ngoài với anh. Ở hành lang, tôi lạnh toát người khi thấy gương mặt trắng bệch như một các chết của Kiselyov: "Quay lại mặt trận nhanh lên! - anh thầm thì. - Quên buổi xem phim này đi! Đừng kể một lời với ai! Cậu có biết cái người lúc nãy hỏi về cậu là ai không? Chạy ngay ra ga đi, đừng để ai thấy cả. Coi như tớ không biết tên cậu, tớ chỉ biết cậu là nhà báo chi đó và chấm hết. Và cậu cũng giữ mồm giữ miệng nhé, đừng cho ai biết bọn mình là bạn. Hiểu chửa?"

Sau đó, "Chàng đỏ" quay về phòng chiếu phim. Đến lúc ấy tôi vẫn không hiểu lắm là điều gì đã xảy ra, nhưng trong cơn hoảng hốt, chứng kiến những tàn hương lấm tấm trên khuôn mặt trắng bệch của Kiselyov và bàn tay anh run rẩy, tôi vỡ ra là có gì uẩn khúc ở đây và chắc tôi đã chúi mũi vào một trò cấm gì đó, thành thử "tẩu vi thượng sách".

Tôi chạy cắm đầu cắm cổ chạy ra ga, nhảy lên chuyến tàu gần nhất và trở về mặt trận. Tại đó, tôi vẫn bị day dứt bởi câu hỏi chưa được giải đáp: "Tại sao không thấy hơi thở của đồng chí Stalin?"

*

... Hè 1957, tôi [nhà văn Yulian Semyonov] làm quen với đạo diễn Kiselyov ở Kabul, tại đây tôi làm phiên dịch Anh ngữ trong một cuộc triển lãm công nghiệp được tổ chức kèm hội chợ. Khi đó, tôi nhắc lại câu hỏi thuở xưa của Voynov: "Tại sao không thấy hơi thở của đồng chí Stalin trong phim?"

Đã 15 năm trôi qua kể từ khi Kiselyov quay buổi lễ diễu binh lừng danh: Stalin đã chết, tệ sùng bái cá nhân của ông ta đã bị Khrushchev lật tẩy. Nước ta trải qua một giai đoạn hòa dịu ngắn ngủi, mọi người tuy vẫn sợ hãi và thiếu tin tưởng, nhưng họ đã bắt đầu loại bỏ những nỗi khiếp đảm và sự ngờ vực. Kiselyov không trả lời ngay câu hỏi của tôi. Anh lưỡng lự nhìn tôi vì vào thời đó, tôi còn rất trẻ so với anh. Rồi đột ngột, anh phẩy tay giận dữ:

- Được rồi, tôi sẽ kể... Bolshakov, dân ủy Bộ Điện ảnh, trao cho tôi một nhiệm vụ đòi hỏi tinh thần trách nhiệm toàn diện: quay phim lễ diễu hành ở Hồng trường... Thật vinh dự biết bao... Tôi làm xong bộ phim... Ngay trong đêm hôm đó, chúng tôi rửa phim ở phố Likhov... Phần hình ảnh rất thành công, có điều người ta đã không thu lại bài phát biểu của Stalin... Anh có thể hình dung ra tình thế lúc ấy chứ?!... Không, anh không thể tưởng tượng được đâu... Lỗi lầm ấy đồng nhất với cái chết của toàn thể chúng tôi, và chẳng những thế, nó còn đồng nghĩa với sự cáo chung của mọi thành viên gia đình, mọi người quen, bạn hữu của chúng tôi. Và nó còn là thất bại của ngành phim tư liệu: "Hành vi phá hoại vô lương tâm của những kẻ thù bí mật của nhân dân đã khiến nhân loại không được coi một bộ phim tài liệu độc nhất vô nhị..." Lúc đó, trong những khoản khắc kinh hoàng khi người kỹ sư âm thanh, miệng tái xám, lí nhí thuật lại sự thể đã xảy ra, trên đầu tôi đã xuất hiện những sợi tóc bạc đầu tiên.

"Sao lại thế được?" - tôi hỏi, sau khi đã hoàn hồn. - "Cậu có biết là cái gì đang chờ chúng ta hay không? Người ta sẽ tố cáo chúng ta cộng tác với Hitler." - "Vâng, tôi biết - cộng sự của tôi ấp úng. - Tôi biết chứ... Nhưng vội quá, tôi không còn thì giờ kiểm tra lại dây cáp... Và tuyết thì rơi nhiều... Chắc hẳn dây cáp bị tuột ở đâu đó... Nếu cần, tôi xin lấy tính mạng để đảm bảo cho mấy thanh niên cùng làm với tôi. Anh cũng biết họ đấy. Họ đều là những người bôn-sê-vích, là đoàn viên thanh niên cộng sản..." - Rykov (1) cũng tự nhận là người bôn-sê-vích - tôi bảo anh -, vậy mà khi bị tra khảo, ông ấy chẳng thú nhận là điệp viên Gestapo là gì?"

- Tóm lại - Kiselyov nói tiếp -, tôi đến gặp Igor Grigoryevich Bolshakov, chủ tịch Hội đồng Điện ảnh. Nghe tôi báo cáo, ông cũng tái mặt, bồn chồn đi lại trong phòng rồi ngừng lại trước mặt tôi, ông hỏi: "Anh nghĩ sao? Ai phải chịu trách nhiệm về chuyện này?" - "Tôi. Trách nhiệm thuộc về phần tôi. Ngoài ra, tôi có một đề nghị như sau: đêm nay, ở một phòng nào đó trong điện Kremlin, chúng ta nhờ đội ngũ trang trí dựng lại lễ đài; tại đó, chúng ta thu lại lời đồng chí Stalin." - "Nhưng làm sao có thể giải thích được cho đồng chí ấy hiểu, tại sao băng ghi hình ở Hồng trường lại bị gián đoạn?" - "Băng ghi hình không hề bị gián đoạn. Chúng tôi đã quay cảnh một cách tuyệt vời. Nhưng chúng tôi có quá ít thời gian để chuẩn bị và một đầu nối của ống thu thanh bị tuột ra, trời thì lạnh cóng và tuyết rơi, đội bảo vệ cũng luôn luôn hướng đám đông về phía các máy quay để họ khỏi tới gần Lăng..."

Bolshakov lại đi đi lại lại trong phòng, rồi ông đến gần máy điện thoại, nhấc ống nghe và quay ba số: "Chào đồng chí Stalin. Các nhà làm phim đã quay một bộ phim tuyệt vời về lễ diễu binh tại Hồng trường... Có điều chất lượng âm thanh không được tốt lắm vì thời tiết xấu. Để phim được thành công, chúng ta nên dựng lại lễ đài tại phòng Granite trong điện Kremlin và quay lại phần phát biểu của Đồng chí. Sao cơ ạ? Chúng tôi sẽ dựng lại một phần của Lăng, thưa đồng chí Stalin... Vâng... Đúng vậy ạ... Chỉ nửa tiếng thôi, thưa đồng chí Stalin... Không, không nhiều hơn đâu ạ... Vâng... Đội ngũ trang trí có thể dựng lễ đài trong vòng 4 giờ đồng hồ... Ba giờ sáng nay ạ? - Bolshakov bối rối nhìn tôi. Chiếc đồng hồ lớn treo trên tường đã chỉ 11 giờ đêm, tôi quả quyết gật đầu, chắc chắn là sẽ làm được, vị dân ủy cất tiếng ho khe khẽ rồi chậm rãi nói: - Nếu có thể vào lúc 5 giờ thì tốt... Vâng, thưa đồng chí Stalin, chân thành cám ơn đồng chí, đội quay phim sẽ có mặt vào hồi 4 giờ rưỡi ở cổng Spasskaya, còn nhóm trang trí sẽ đi ngay bây giờ..."

... Đúng 4 giờ rưỡi, cánh cửa phòng Granite bật mở và Stalin bước vào. Hẳn Bolshakov đã nhắc ông từ trước vì ông mặc chiếc áo choàng quân đội như ngày hôm trước, ở Hồng trường. Stalin khẽ gật đầu một cách cầm chừng với tổ quay phim, rồi ông bước tới chiếc bục mà đội trang trí của chúng tôi đã thiết kế. Tôi ra hiệu cho nhóm phụ trách ánh sáng, họ bật chùm đèn pha, một luồng sáng đột ngột phủ lên mọi vật. Stalin đưa tay che mắt, ông rút trong túi ra tờ giấy có ghi lời phát biểu và đọc chầm chậm, trầm ngâm. Quan sát ông ở cự ly rất gần, tôi thấy Stalin gầy đi rất nhiều, mí mắt ông chảy xuống; có thể thấy rõ những đốm rỗ trên mặt và những sợi tóc bạc trên đầu ông. Tôi quay về phía người quay phim và ngầm ra hiệu cho anh ta. Anh hiểu ngay tôi muốn gì: phải tránh những tấm ảnh rõ mặt vì không chắc là vị lãnh tụ sẽ thích. Thống soái của dân tộc đã quen với một hình tượng hoàn toàn khác: lồng ngực oai phong, bộ ria đen, nụ cười tinh nghịch trong ánh mắt; nhưng ở đây, tại phòng Granite, trên bục diễn giả bằng gỗ giả làm Lăng, lại là một ông cụ già cỗi, lưng còng, vẻ mệt mỏi.

... Trong trong giây phút ngắn ngủi khi tôi quay về hướng các đồng sự, người kỹ sư âm thanh ra hiệu cho tôi hay: mặc dù các máy quay chạy ù ù, mặc dù ánh đèn pha sáng choang gần như làm cháy sém khuôn mặt Stalin trong căn phòng trống trải khổng lồ, nhưng "ca" hôm trước đã lặp lại: không có âm thanh!... Tôi cảm thấy buồn nôn, mái trần hình cung của căn phòng như sập xuống đầu tôi, tôi nghẹt thở và đột nhiên, tôi cảm thấy mình chỉ là một đốm lửa, một hạt bụi không đáng kể. Thử hỏi lẽ ra tôi có cần phải gắng sức dể thăng tiến hay không?! Lẽ ra tôi đã có thể cầm lòng, ẩn mình trong cái nhá nhem của kẻ không được ai biết đến! [Như thế] tôi có thể chết trên giường, giữa những người thân và không đày đọa họ, bặt họ phải chịu đựng những điều kinh khủng sắp tới! Nhưng chính trong những giây phút thất vọng, giữa những hoàn cảnh gay cấn nhất, giải pháp lại thường tự đến... Stalin kết thúc bài diễn văn, ông hạ mũ, lau vầng trán đẫm mồ hôi rồi chậm chạp tiến đến cửa phòng Granite. Tôi chạy ngang qua Bolshakov và nói: "Thưa đồng chí Stalin, phải đọc lại bài phát biểu..." Không thể quên ánh mắt hoảng hốt của Bolshakov, lúc đó đang tiễn Stalin; ông không thể giấu được nó. Phản ứng của Stalin cũng còn dai dẳng theo tôi đến tận bây giờ: "Thế là sao?" Khi đặt câu hỏi, ông không hề nhìn tôi, có thể nhận ra trong giọng nói của ông vẻ thờ ơ, lãnh đạm toàn diện của một con người mỏi mệt. Tôi nhìn Bolshakov, ánh mắt tôi gần như thôi miên ông và lặng lẽ, tôi cầu khẩn ông đừng để lộ lời nói dối bắt buộc của tôi. Tôi trả lời Stalin: "Khi quay phim, chúng tôi luôn phải làm một bản sao, thưa đồng chí Stalin". Rốt cục, con người vĩ đại cũng chầm chậm ngước mắt nhìn tôi, khi đó tôi mới nhận ra ánh mắt ông chỉ có vẻ tốt bụng, độ lượng và tươi tắn nếu nhìn từ xa; trong thực tế, đó là một cặp mắt vàng ệch, luôn cử động và bồn chồn. Đột nhiên, tôi đánh mất tự chủ từ cái nhìn đó. Stalin chậm rãi quay về phía Bolshakov, khuôn mặt vị dân ủy hóa đá, lộ rõ mọi sợi dây thần kinh: ông không thốt ra nổi một lời, chỉ còn đủ sức để câm lặng gật đầu. Do dự, Stalin quay lại và đi về phía bục diễn đàn, dưới ánh sáng nóng bỏng của dàn đèn pha. Tôi chạy đến chỗ người kỹ sư âm thanh, nói thầm vào tai anh "coi lại chỗ nối đi!" rồi dùng ngón tay gõ cồm cộp để thử ống nói. Anh kỹ sư gò lưng nhào đến một chiếc ghế bành, môi anh giần giật, thoảng một nụ cười: "Xong rồi, có thể bắt đầu!" Trong tôi còn nảy ra một ý nghĩ nghịch ngợm: giá thử bây giờ tôi đề nghị "đồng chí Stalin, xin đồng chí nói: một, hai, ba, thử ống nghe!" thì sao? Rồi tôi nghĩ: Stalin hẳn sẽ làm theo nếu tôi bảo ông bằng một giọng đủ tính mệnh lệnh...

"Bản sao" đã thành công. Không buồn chào hỏi, Stalin chậm rãi bước ra cửa, còn tôi nhảy chân sáo tiễn Bolshakov; như thường lệ, lúc đó ông cũng đi cách Stalin nửa bước chân. Khi đã đến cửa, Stalin bật cười: "Điện ảnh cũng đầy rẫy những Machiavelli!" (2)

_________________

(1) Aleksei Rykov (1881-1938): lãnh tụ bôn-sê-vích, chủ tịch Hội đồng Dân ủy (thủ tướng) Liên Xô sau khi Lenin qua đời. Bị xử tử trong phiên tòa ngụy tạo năm 1938.

(2) Ý nói: toàn những kẻ thực dụng.

Trần Lê giới thiệu, chuyễn ngữ và chú giải

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: