1. Bắt kì nhông
Hồi 1 – Bắt kì nhông
Tôi sinh ra vào năm 1961, tại tỉnh Vũng Tàu, miền đất mũi của tổ quốc. Thời thơ ấu của tôi gắn liền với cuộc chiến tranh chống giặc Mỹ thống nhất hai miền Nam Bắc. Tuy vậy khi đó tôi còn nhỏ quá, chưa ý thức được nhiều về cuộc chiến này. Gia đình tôi có tám anh chị em, bố tôi là sĩ quan của quân Ngụy, ông có tới bốn bà vợ, và cũng chẳng bao giờ về nhà nên tôi không có ấn tượng gì về ông. Tôi sống cùng mẹ và các anh em trong một căn nhà nhỏ, được ghép qua loa bằng mấy tấm tôn xiêu vẹo, chỉ có vỏn vẹn hai gian, gian trong kê một cái giường cho mẹ và em gái, gian ngoài kê một tấm ván trên nền đất, vừa đủ cho bảy anh em con trai chen chúc nằm ngủ. Căn nhà tuy nhỏ nhưng tình cảm luôn đầy ắp, anh em chúng tôi luôn yêu thương và đùn bọc nhau hết mình, chia nhau từng mẩu bánh miếng khoai. Đặc trưng của miền Nam là nóng quanh năm, lúc nào mặt trời cũng chói chang, mùa đông nhiệt độ cũng có khi lên tới 25, 30 độ là chuyện bình thường. Do nhà được ghép bằng tôn, mái nhà cũng được lợp từ hai tấm tôn to tướng kê chênh chếch, nên cứ mỗi khi mặt trời xuất hiện là căn nhà nhỏ bé của chúng tôi lại nóng rực lên như một cái lò nướng, vì nhà làm bằng tôn nên nó hấp thu nhiệt rất nhanh, chỉ trong chốc lát là nhiệt độ trong phòng đã lên tới 40, 50 độ, còn nóng hơn cả ở bên ngoài. Tôi nghĩ là nếu có để một quả trứng gà lên cái tấm tôn đó, sau vài tiếng quay lại có khi trứng cũng chín, tiếc là hồi đó tôi không có tiền mua trứng để mà thử nghiệm xem suy nghĩ của mình có đúng hay không.
Nhà tôi ở gần biển Vũng Tàu, bước ra khỏi nhà là có thể nhìn thấy bãi cát trải dài ở ngay phía trước, và nghe thấy tiếng sóng vỗ rì rào phía xa xa. Mỗi sáng những làn gió từ biển thổi vào nhà mang theo cái vị mằm mặn của biển, cái vị mà sau này đi đến rất nhiều nơi tôi cũng không thể quên được. Phía sau nhà tôi có một vườn ổi, nơi hồi nhỏ tôi thường mắc võng nằm ngủ mỗi buổi trưa, vì trong nhà quá nóng. Đó là những buổi trưa yên ả, thanh bình, tôi nằm trong vườn ổi, vừa đung đưa theo võng, vừa lắng nghe tiếng gió xào xạc trên những ngọn cây, vừa lắng nghe tiếng sóng vỗ rì rầm ngoài biển, vừa hòa mình vào làn gió mát thoang thoảng mùi hương ổi dịu ngọt.
Tuy nhiên những ngày tháng đó không kéo dài được bao lâu. Hai anh trai của tôi sớm ra thành phố làm việc, và công việc cũng không được thuận lợi lắm nên hai anh phải rất vất vả mới đủ tiền nuôi sống bản thân ở nơi phố xá đất chật người đông, vì vậy dù là con thứ ba trong nhà nhưng tôi đã trở thành trụ cột của gia đình từ rất sớm. Từ khi học lớp 2 tôi đã vừa đi học, vừa đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ. Tan học là tôi đi bán kem, bán bánh chuối, bán ổi... làm tất cả những gì có thể để kiếm vài đồng xu lẻ về cho mẹ mua gạo. Tuy vậy tôi cũng chỉ được học hết lớp 5, khi lên đến lớp 6 thì mẹ không còn đủ tiền cho tôi đi học nữa, tôi nghỉ học đi làm thuê làm mướn, nuôi bầy em ăn học. Tôi theo mẹ làm thuê làm mướn đủ nghề, cắt cỏ, chăn trâu... chẳng thiếu nghề gì mà chúng tôi chưa làm. Có lần tôi và mẹ được người ta thuê cắt cỏ, hai mẹ con vất vả cong lưng gập gối suốt từ sáng đến tối mới xong, vậy mà lão chủ vẫn không hài lòng, liên tục mắng chửi, lăng mạ mẹ tôi. Lão dùng những lời tục tĩu xúc phạm mẹ một cách khủng khiếp mà tôi không thể nào chấp nhận nổi, mẹ vì bát gạo cho anh em chúng tôi mà chẳng dám phân bua câu nào, cứ đứng chôn chân tại chỗ, nước mắt lăn dài trên gò mà xanh xao, cúi mặt nhìn xuống ruộng cho lão chửi. Tôi mím chặt môi, cố gắng lắm mới không cầm cái liềm cắt cỏ đang ở trên tay mà lao đến bổ vào mặt lão mấy nhát cho cái mồm khốn khiếp của lão câm đi. Nhìn thấy mẹ vì anh em chúng tôi mà chịu nhục, lòng tôi đau như dao cắt, tôi không khóc thành tiếng nhưng hai hàng nước mắt cứ tuôn ra không ngừng. Từ ngày đó tôi thầm nhủ “Mai sau mình phải trở nên thật giàu có, phải có thật nhiều tiều để lo cho mẹ và các em, để mẹ có một cuộc sống no đủ, không phải vất vả khổ sở thế này nữa.”
Thương mẹ, thương em, tôi quyết tâm phải làm cái gì đó kiếm được nhiều tiền hơn để mẹ và các em đỡ khổ. Tôi không đi làm thuê cho người ta nữa mà chuyển sang đi bắt kì nhông, lúc bấy giờ kì nhông bán rất được giá. Nghĩ là làm, vài ngày sau tôi bắt tay ngay vào công việc này. Tuy nhiên nó không phải là một công việc dễ dàng gì. Kì nhông ở trong rừng có rất nhiều, nhưng nhà tôi lại ở bờ biển chứ có phải ở rừng đâu. Khi đó cũng nhiều người đi bắt kì nhông, nên muốn bắt được thì phải đi rất sâu vào rừng, nơi nào mà ít người đặt chân đến thì mới mong bắt được; bởi kì nhông vốn là loài rất sợ người, thấy có hơi người là nó chạy mất ngay. Để đến được nơi có kì nhông, tôi phải đi bộ dọc theo bờ biển, xuyên qua những cồn cát, xuyên qua những cánh đồng, rồi xuyên qua những dãy núi, cứ đi bộ như thế ròng rã suốt 4 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Ban đêm kì nhông đào hang chui xuống đất ngủ, đến khi trời sáng nó sẽ mò ra ngoài kiếm ăn, phải đi rất sớm đặt bẫy thì mới mong bắt được nó. Nên ngày nào tôi cũng phải rời khỏi nhà từ 3 giờ sáng, trong túi chỉ vỏn vẹn hai củ khoai luộc và một chai nước. Khoảng 7 giờ sáng thì tôi tới nơi, bắt đầu đi tìm các hang kì nhông và đặt bẫy. Đặt bẫy xong thì trốn vào một góc và ngồi im ở đó, không được di chuyển vì sẽ làm kì nhông sợ, rồi cứ 30 phút lại chạy ra một lần xem có con nào đã dính bẫy chưa. Hôm nào mà trời mưa vào tối hôm trước thì sáng hôm sau kì nhông sẽ ra khỏi hang nhiều, và dễ bắt hơn, tuy nhiên những ngày mưa gió mà phải vượt đồi vượt núi suốt 4 tiếng đồng hồ, trong những cánh rừng vừa ẩm ướt, vừa lầy lội không phải là việc đơn giản tẹo nào.
Thật sự đó là những khoảng thời gian vô cùng buồn tủi đối với tôi, lúc nào cũng lủi thủi một mình, lọ mọ một mình; tuổi thơ là tuổi được vui chơi cùng chúng bạn, vô lo vô nghĩ, còn tôi phải ngồi ôm gối nấp trong gốc cây, nín thở chờ đợi từng giờ từng phút trôi qua trong lặng lẽ để chờ kì nhông thế này, phải nói là rất tủi thân. Nhưng vì mẹ, vì các em, cứ mỗi lần nhớ đến cảnh mẹ bị mắng chửi, tôi lại dặn mình tuyệt đối không được bỏ cuộc. Nghĩ như vậy, tôi lại có thêm quyết tâm để tiếp tục cố gắng.
Ngồi bẫy kì nhông suốt cả ngày, hôm nào may mắn thì còn được kha khá, hôm nào đen đủi thì chả được bao nhiêu. Đến khoảng 1 giờ trưa là tôi phải thu dọn đồ đạc và nhanh chóng đi về để kịp chợ chiều. Cái nắng chói chang và gay gắt của miền Nam làm cho hành trình của tôi càng thêm vất vả, những bãi đất và cồn cát bị Mặt Trời thiêu đốt đến nóng rát, do nhà nghèo không có tiền mua dép dép nên tôi phải cuốn lá rừng vào chân mà chạy qua những chỗ như thế. Thêm cái bụng tội nghiệp của tôi không ngừng kêu réo và quặn thắt, hai củ khoai nhỏ từ sáng như tan biến hết tự bao giờ, dọc đường về tôi cứ vừa đi vừa tranh thủ hái quả dại dọc đường mà ăn thêm cho đỡ đói.
Ròng rã như vậy suốt hai năm trời, chính quãng thời gian khó khăn đó đã hun đúc trong tôi một mong muốn thay đổi cuộc sống, một khát khao vươn lên, một ước mơ trở nên giàu có. Giai đoạn vất vả này cũng giúp tôi rèn luyện được một tinh thần thép và một ý chí sắt đá. Sau này khi ra nước ngoài lập nghiệp, hình ảnh những năm tháng trèo đèo lội suối đi bắt kì nhông luôn thường trực trong tôi, mỗi lần gặp khó khăn tôi lại nghĩ “vẫn sướng hơn hồi mình đi bắt kì nhông”, nhờ vậy mà tôi đã vượt qua được rất nhiều thử thách và có được thành công như ngày hôm nay.
Chính những khó khăn thời thơ ấu đã dạy cho tôi hiểu rằng,
Khó khăn không phải là để chúng ta gục ngã, mà khó khăn chính là thử thách để trui rèn chúng ta thêm mạnh mẽ, thêm vững vàng.
Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông.
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian nan vất vả mới thành công.
– Hồ Chí Minh –
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top