(Sách dịch) Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Thèm Quan Tâm - Chương 2
Chương 2 Hạnh phúc là một rắc rối
Vào khoảng 2500 năm trước, dưới chân dãy núi Himalaya mà ngày nay là đất nước Nepal, có một vị vua vĩ đại sắp đón cậu con trai chào đời. Với người con này, vị hoàng đế đáng kính có một ý tưởng vô cùng lớn lao: ngài sẽ tạo dựng một đời sống hoàn hảo cho hoàng tử nhỏ của mình. Đứa trẻ sẽ không bao giờ biết tới một khoảnh khắc khổ sở nào cả – mọi nhu cầu, mọi khao khát đều sẽ được thỏa mãn vào bất cứ lúc nào.
Đức vương xây dựng những bức tường thành cao ngất bao quanh cung điện nhằm ngăn hoàng tử biết đến thế giới bên ngoài. Ngài dung túng đứa trẻ, ban cho nó ê hề thức ăn và những món quà, bao quanh nó là những người hầu thỏa mãn mọi ý tưởng bất chợt của nó. Và đúng như dư định, đứa trẻ lớn lên mà không biết tới sự đau khổ của những kiếp người.
Toàn bộ tuổi thơ của vị hoàng tử nọ đã trôi qua như thế. Nhưng mặc cho sự xa hoa và giàu sang vô tận ấy, vị hoàng tử vẫn trở thành một chàng thanh niên hay cáu kỉnh. Chẳng chóng thì chày, mọi trải nghiệm đều sớm trở nên trống rỗng và vô giá trị. Vấn đề nằm ở chỗ, dù cho cha chàng có ban cho chàng thứ gì đi nữa, thì nó cũng có vẻ như là không đủ, không bao giờ có ý nghĩa gì cả.
Nên vào một đêm nọ, chàng hoàng tử trốn khỏi cung điện để tìm hiểu xem có gì đằng sau những bức tường kia. Một tên hầu đưa chàng tới một ngôi làng gần đó, và những gì chàng chứng kiến khiến chàng khiếp sợ.
Lần đầu tiên trong đời mình, chàng nhìn thấy con người chịu đựng đau khổ. Chàng thấy người đau ốm, người già cả, những kẻ hành khất, những người đang đau đớn, và cả người chết.
Hoàng tử quay trở về cung điện và nhận thấy mình đang lâm vào một cuộc khủng hoảng về sự tồn tại. Không biết phải xoay sở với những điều mà chàng nhìn thấy bằng cách nào, chàng xúc động trước mọi thứ và kêu ca thật nhiều. Và, giống như những người trẻ tuổi khác, chàng hoàng tử cuối cùng lại oán trách cha mình vì mọi thứ mà ngài cố gắng mang lại cho chàng. Chính là sự giàu sang, chàng hoàng tử nghĩ, mới khiến chàng đau khổ nhường ấy, mới khiến cho cuộc đời chàng vô nghĩa thế. Chàng quyết định bỏ đi.
Nhưng hóa ra hoàng tử giống cha mình hơn chàng tưởng. Chàng cũng có những ý tưởng to tát. Chàng không chỉ bỏ đi; chàng còn từ bỏ cả vương vị, gia đình, mọi tài sản của mình và sống trên đường phố, sống trong bụi bậm như một con vật vậy. Vì thế chàng sẽ chịu đói khát, chịu dày vò, và xin xỏ từng mẩu thức ăn từ những người xa lạ trong phần còn lại của đời mình.
Đêm tiếp theo, chàng hoàng tử lại trốn khỏi cung điện, lần này không quay về nữa. Suốt nhiều năm chàng sống như một tên cặn bã, một kẻ dư thừa và bị xã hội lãng quên, một cục phân chó dưới đáy xã hội. Và đúng như dự định, chàng hoàng tử ăn không ít khổ. Chàng chịu đựng bệnh tật, đói khát, đau đớn, cô đơn, và suy sụp. Chàng phải đối mặt với bản thân cái chết, thường chỉ ăn có một trái cây mỗi ngày.
Vài năm trôi qua. Rồi thêm vài năm nữa. Và rồi ... chẳng có gì xảy ra hết. Chàng hoàng tử bắt đầu nhận ra rằng cuộc sống khổ hạnh này không phải là tất cả. Nó không mang lại cho chàng sự hiểu biết sâu mà chàng hằng mong muốn. Nó không phơi bày thêm bất kỳ một bí mật sâu xa về thế gian này hay một mục đích cao cả nào hết cả.
Thực ra, vị hoàng tử nhận ra được điều mà hầu hết chúng ta đều đã biết từ lâu: rằng đau khổ thì tệ lắm luôn. Và nó cũng chẳng cần thiết phải như thế. Rằng với sự giàu có, sự chịu đựng đau khổ chả có giá trị nào cả nếu như nó không được thực hiện vì một mục đích nào đó. Và không lâu sau đó, vị hoàng tử đi đến kết luận rằng ý tưởng vĩ đại của mình, cũng như của cha chàng, thật là tồi tệ và chàng nên làm một điều gì đó khác thì hơn.
Vô cùng hoang mang, hoàng tử gột rửa bản thân sạch sẽ và ra đi và tìm thấy một cái cây nằm bên một dòng sông. Chàng quyết định sẽ ngồi xuống bên gốc cây và không đứng lên cho tới khi đạt tới một ý niệm nào đó.
Như truyền thuyết kể lại, vị hoàng tử bối rối ấy ngồi dưới gốc cây suốt bốn mươi chín ngày. Chúng ta không đào sâu vào tính khả thi của việc ngồi nguyên một chỗ trong suốt 49 ngày như vậy, nhưng ta hãy bàn đến việc trong quãng thời gian đó vị hoàng tử đã luận ra được một số giác ngộ quan trọng.
Một trong số những giác ngộ ấy chính là: bản thân cuộc đời đã là một sự chịu đựng đau khổ. Người giàu đau khổ bởi chính sự giàu có của họ. Người nghèo đau khổ bởi sự nghèo túng của họ. Người không có gia đình thì đau khổ bởi vì họ không có gia đình. Người có gia đình thì khổ vì gia đình mình. Những người theo đuổi những niềm vui trần tục thì đau khổ bởi chính những thú vui trần tục ấy. Người tránh xa những thú vui trần tục thì cũng đau khổ bởi sự kiêng kị ấy.
Không phải là nỗi khổ nào cũng đều như nhau cả. Có những nỗi khổ thì đau đớn hơn những nỗi khổ khác. Nhưng dù sao tất cả chúng ta đều phải chịu đựng chúng cả.
Nhiều năm sau đó, vị hoàng tử kia xây dựng nên triết lý của riêng mình và chia sẻ nó với cả thế giới, và giáo lý đầu tiên và trọng tâm của nó chính là: nỗi đau đớn và mất mát là không thể tránh được và chúng ta cần từ bỏ việc cố gắng chống lại chúng. Vị hoàng tử ấy chính là Đức Phật. Và phòng trường hợp bạn chưa từng nghe nói tới Ngài, thì Ngài ấy nổi tiếng lắm.
Có một tiên đề nằm bên dưới rất nhiều giả định và niềm tin của chúng ta. Tiên đề đó chính là hạnh phúc là một dạng thuật toán, rằng nó có thể kiến tạo được và kiếm được và đạt tới như là việc được nhận vào trường luật hay khi ta lắp ráp xong một mô hình Lego siêu phức tạp. Nếu như mà tôi đạt được X, thì tôi sẽ hạnh phúc. Nếu như tôi trông giống Y, thì tôi sẽ hạnh phúc. Nếu như tôi có thể ở bên một người như Z, thì tôi sẽ hạnh phúc.
Dù vậy, tiên đề này, chính là vấn đề của chúng ta. Hạnh phúc đâu phải là một phương trình toán học có thể giải được. Sự không hài lòng và bất an là phần không thể thiếu được trong đời sống loài người, và như ta sẽ thấy, là một yếu tố quan trọng để tạo nên hạnh phúc. Đạo Phật đã nhấn mạnh điều này theo một cái nhìn mang tính tâm linh và triết học. Tôi cũng có cùng một quan điểm như thế, nhưng tôi sẽ đề cập đến nó theo cách tiếp cận mang tính sinh học hơn, và với lũ gấu mèo.
---
Nếu như tôi có thể kiến tạo ra một vị anh hùng, thì tôi sẽ tạo ra một nhân vật được gọi là Gấu Mèo U Uất. Nó sẽ đeo cái mặt nạ che mắt thổ tả và mặc cái áo thun (với một chữ T in hoa to đùng ngay trước ngực) nhỏ xíu xiu so với cái bụng mỡ căng tròn của nó, và năng lực siêu nhiên của nó là khả năng nói được với mọi người những sự thật khó nghe về bản thân họ mà họ cần được nghe mà không muốn chấp nhận.
Nó sẽ gõ cửa hết nhà này đến nhà khác như một người bán hàng cần mẫn và nói những lời tựa như, "Ừa, chắc chắn là việc kiếm ra một đống tiền sẽ khiến anh thật oách nhưng điều ấy đâu có khiến bọn trẻ nhà anh yêu anh đâu chớ," hay "Nếu như anh phải tự hỏi chính mình rằng anh có tin tưởng vợ mình không, thì câu trả lời có lẽ là không đấy", hay "Những gì mà anh xem như là 'tình bạn' thực ra chỉ là sự cố gắng để gây ấn tượng với người khác mà thôi." Rồi sau đó nó sẽ chúc vị chủ nhà một ngày tốt lành và thơ thẩn sang gõ cửa nhà khác.
Như thế hẳn là rất tuyệt. Và bệnh nữa. Với cả hơi bị đáng buồn. Và đầy kích thích. Và cần thiết. Túm cái váy lại là, sự thật lớn nhất trong đời luôn là những điều khó nghe nhất.
Con Gấu Mèo U Uất có thể sẽ là vị anh hùng mà không một ai trong chúng ta mong muốn nhưng ai ai cũng cần tới. Nói một cách văn vẻ thì nó chính là món rau bổ dưỡng không thể thiếu cho chế độ kiêng khem các loại thực phẩm rác rưởi dành cho tinh thần của chúng ta. Nó sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn dù có khiến ta thấy khó chịu. Nó sẽ làm cho ta mạnh mẽ hơn bằng cách khiến cho con tim ta tan nát, thắp sáng tương lai của chúng ta bằng cách cho ta thấy bóng tối. Việc nghe nó nói cũng giống như việc xem một bộ phim mà cảnh cuối cùng là vị anh hùng phải chết: nó khiến bạn thích thú hơn cả cho dù nó cũng khiến bạn thấy buồn tê tái, bởi vì cảm giác chân thật mà nó mang lại.
Vì thế vào lúc này, hãy cho phép tôi được mang vào chiếc mặt nạ của con Gấu Mèo U Uất và quăng một lời thật tình không mấy dễ chịu nữa vào cái mặt bạn:
Chúng ta chịu dằn vặt bởi một nguyên nhân vô cùng đơn giản là việc chịu đựng ấy là hữu ích về mặt sinh học. Nó là yếu tố hoàn toàn tự nhiên thúc đẩy sự thay đổi. Chúng ta luôn có xu hướng sống với một sự không hài lòng và bất an nhất định bởi vì chính sự không hài lòng và bất an ấy mới là những thành phần hài hòa tạo nên sự đổi mới và sự tồn tại của chúng ta. Chúng ta loay hoay khi trở nên không hài lòng với những gì mình có và chỉ cảm thấy thỏa mãn với những gì mình không có được. Sự bất mãn thường xuyên này ngăn trở giống loài chúng ta khỏi việc đấu tranh và nỗ lực vươn lên, xây dựng và chinh phục. Ôi không – đau đớn và khổ sở của chúng ta đâu phải là lỗi hệ thống trong sự tiến hóa loài người; mà chúng chính là một nét đặc trưng.
Nỗi đau, dù ở dưới bất kỳ một hình thức nào, đều là một cú thúc hiệu quả nhất cho cơ thể chúng ta. Cứ lấy một ví dụ cực kỳ đơn giản như là việc bạn bị vấp chân vậy. Nếu bạn cũng giống như tôi, khi bị vấp bạn thường kêu lên từ có bốn chữ cái mà sẽ khiến cho Đức giáo hoàng Francis phải khóc thét. Bạn cũng có thể sẽ xỉ vả một đồ vật vô tri nào đó vì gây ra đau đớn cho bạn. "Cái bàn chết tiệt," bạn có thể nói vậy. Hoặc cũng có thể bạn sẽ đi xa hơn tới mức đặt ra câu hỏi về tính triết lý của việc sắp xếp đồ đạc trong ngôi nhà dựa vào cái ngón chân đau, "Đứa đần nào để cái bàn này ở đây thế? Không thể tin được!"
Nhưng mà tôi lạc đề mất rồi. Cơn đau nơi ngón chân đáng thương bị vấp kia, cái điều mà cả bạn và tôi và Đức giáo hoàng đều căm ghét ấy, tồn tại vì một lý do quan trọng. Nỗi đau thể xác là một sản phẩm của hệ thống thần kinh chúng ta, một cơ chế phản hồi để giúp ta cảm nhận được về sự cân bằng của cơ thể – nơi nào ta có thể di chuyển hay không nên di chuyển tới và cái gì ta có thể hoặc không thể chạm vào. Khi chúng ta vượt quá những giới hạn này, hệ thống thần kinh của ta sẽ trừng phạt chúng ta một cách thích đáng nhằm đảm bảo rằng ta chú ý và không bao giờ phạm phải sai lầm đó nữa.
Và cơn đau này, dù ta có ghét nó nhường nào, thì cũng là cần thiết. Nỗi đau là thứ dạy cho ta biết cần phải chú ý tới điều gì khi mà ta còn nhỏ và vô tâm. Nó giúp ta thấy được điều gì là tốt hay không tốt đối với mình. Nó giúp cho ta hiểu ra và chấp nhận những giới hạn của mình. Nó dạy ta đừng có léng phéng gần lò nướng nóng hổi hay đừng có dại mà chọc thanh kim loại vào ổ điện. Do đó, việc tránh xa nỗi đau không phải bao giờ cũng là đúng đắn cả, bởi vì những cơn đau nhiều khi chính là yếu tố sống còn đối với sự tồn tại của chúng ta.
Nhưng những cơn đau không chỉ dừng lại ở mức độ thể xác. Giống như bất kỳ một ai từng ngồi xem tập phim Star War đầu tiên có thể nói với bạn rằng, loài người chúng ta cũng có khả năng chịu đựng những cơn đau về mặt tinh thần. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng não bộ của chúng ta hầu như không phân biệt giữa nỗi đau thể xác với nỗi đau tinh thần. Vì thế nên khi tôi bảo với bạn rằng việc mối tình đầu của tôi đã lừa dối tôi và bỏ rơi tôi giống như là có một mũi dao bằng băng chầm chậm đâm vào ngực tôi, là bởi vì, ờ, tôi cảm thấy đau như thể có một khối băng đang chầm chậm đâm ngang lồng ngực mình vậy.
Cũng giống như nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần của chúng ta cũng là một lời cảnh báo về điều gì đó đang mất cân bằng, một giới hạn nào đó mà cần phải vượt qua. Và cũng giống như nỗi đau thể xác của chúng ta, nỗi đau tinh thần không phải lúc nào cũng là xấu hay không đáng mong đợi. Trong một số trường hợp, trải qua nỗi đau thể xác và tinh thần có thể còn có lợi và cần thiết nữa là khác. Giống như việc bị vấp chân nhắc nhở chúng ta cần cẩn thận hơn khi bước đi, nỗi đau gây ra từ việc bị từ chối hay thất bại dạy cho chúng ta biết cách để tránh xa những lỗi lầm tương tự trong tương lai.
Và đó cũng chính là điều nguy hiểm của một xã hội ngày càng tự bồi đắp mình bởi những bất an không thể tránh được trong cuộc sống: chúng ta đánh mất những lợi ích của việc trải nghiệm các nỗi đau cần thiết, là một sự mất mát đẩy ta ra xa khỏi thực tế cuộc sống.
Bạn có thể sẽ chảy nước dãi trước cái ý tưởng về một cuộc sống không trở ngại đầy ắp hạnh phúc và đam mê bất tận, nhưng trên trái đất này có khi nào mà mấy chuyện ngoài ý muốn lại biến mất đâu cơ chứ. Nói một cách nghiêm túc nhé, các rắc rối không thể hết được. Con Gấu Mèo U Uất vừa ghé qua nhà tôi chơi xong. Chúng tôi vừa nhấp margaritas, và nó vừa tỉ tê với tôi: rắc rối có bao giờ biến mất éo đâu, nó bảo – chúng nó chỉ có phình ra mà thôi. Warren Buffett thì gặp phải mấy vấn đề về tiền bạc; gã lang thang say rượu ở Kwik- E Mart cũng gặp phải vấn đề tiền bạc luôn. Chẳng qua vấn đề của Buffett thì dễ giải quyết hơn so với gã lang thang kia mà thôi. Đời ai mà chả vậy.
"Cuộc sống là một chuỗi những vấn đề không dứt, ku Mark ạ," con gấu mèo lải nhải với tôi. Nó nhấp một ngụm rượu và xoay xoay cái ô nhỏ xinh màu hồng trong cái cốc. "Giải pháp đối với vấn đề này không khéo lại là nguyên nhân cho vấn đề kế tiếp cũng nên. "
Một phút trôi qua, và tôi thắc mắc không biết thế méo nào mà cái con gấu mèo này lại có mấy lời vàng ngọc thế. Và trong lúc chúng tôi nói chuyện nghiêm túc dư lày, thì ai pha mấy ly margaritas ấy đây nhỉ?
"Đừng có mà mong đợi một cuộc đời không rắc rối," con gấu mèo tiếp tục. "Làm gì có chuyện ấy. Thay vì vậy, hãy mong đợi một cuộc đời với toàn những rắc rối dễ thương."
Và với những lời ấy, nó đặt cái ly xuống, chỉnh lại cái mũ đội đầu, và biến mất trong ánh hoàng hôn màu tím
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top