2;
Chuyến bay thứ mười mấy đến Thủ đô, nửa đêm về sáng đáp xuống Nội Bài. Bình thường, anh sẽ nằm ở băng ghế nào đó, chập chờn cho qua giấc, rồi kéo lê ba lô ra đường, gọi đại một chiếc xe, phóng thẳng ra Cầu Giấy. Hôm ấy, chưa kịp làm gì Trường đã đứng khựng lại trước cửa ra, tay dụi mắt liên hồi đến choáng váng, chỉ sợ mình nhìn nhầm. Hàng ghế sắt khó ngồi ngay phía trước, lại có bóng hình to bự của chàng cầu thủ với gương mặt quen nhưng không thuộc, khoác áo câu lạc bộ, ngủ gà gật đến đáng thương.
Lúc đó, Xuân Trường không thể nhớ nổi bản thân đã nghĩ gì, chỉ biết ngay phút sau đầu của gã đã gối lên hai đùi anh, người đắp áo khoác, còn anh thì dựa mình vào lưng ghế cứng.
Sáng, sân bay ồn ào huyên náo, Trường hé mắt nhìn xuống hai chân tê rần, muốn đẩy người ra nhưng lại không nỡ, đành ngồi thẳng lưng ngắm dòng người chen chúc dần lấp đầy sảnh sân bay. Nửa tiếng, Đức Huy cũng mơ màng tỉnh giấc, đập ngay vào mắt là gương mặt với đôi mắt híp tịt quen thuộc, giật mình bật dậy, đụng vào trán kẻ kia cái cốp. Hai thằng cùng la oai oái vì đau, Huy từ nằm sang ngồi giờ ngay lập tức đứng lên, xoa xoa cái trán. Xuân Trường, mặc dù cũng nhức đầu không kém, đứng dậy theo gã, loạng choạng suýt ngã vì chân tê, sốt ruột đưa hai tay ôm lấy bên má Huy.
có sao không?
mày buông ra.
Đức Huy gạt đi đôi tay ấm áp đó, quay lưng lại với Xuân Trường, đủ chậm để anh kịp phát hiện vài vệt đỏ xoẹt ngang trên mặt gã, nhưng lại quá nhanh để gã có thể thấy được nét cười bên khóe môi anh.
huy đến đây làm gì thế?
đón mày.
Nói đoạn, Đức Huy giơ tay ra hiệu, ý bảo anh đưa ba lô sang để gã cầm giúp. Trường nhìn xuống một chút, nhìn bàn tay to, múp míp như con gấu trúc đang đung đưa trước mắt. Anh cười nhẹ, khoác ba lô lên vai rồi thản nhiên như không lồng tay mình vào tay gã. Huy chẳng nói gì nhiều, chỉ hơi giật mình, cũng không buông tay ra, thả vài câu càm ràm vì vốn đã định làm người dẫn đường, giờ lại thành kẻ lẽo lẽo theo sau cái thằng cao hơn gã vài xăng ấy, rồi thôi.
Đường dài rong ruổi, gã chở anh trên chiếc Cub 50 cũ kỹ, sơn vàng tróc mất mảng lớn, tiếng động cơ nổ rầm vang, ngoằn ngoèo qua ngõ nhỏ, phố cổ Hà thành. Anh im lặng, gã cũng không cất tiếng, lặng thinh cảm nhận vòng ôm quanh eo đôi lúc siết chặt hơn khi gió lạnh ùa ngang, thổi bay đi cánh thạch thảo tím ngắt, hương hoa sữa thơm quấn lấy hai người cả buổi. Những nơi này, những cung đường này, vốn dĩ Trường đã đi đến mòn chân. Hôm nay, chạy lướt qua với tốc độ nhanh đến bất ngờ, khung cảnh thị thành hòa vào với nhau thành những mảng màu loang lổ, hệt như màu nước quệt bừa trên tấm canvas trắng tinh.
Vô thức gục đầu vào vai Đức Huy, hít hà mùi ngai ngái của cỏ sau mưa quyện với vị thuốc lá đắng nghét, Xuân Trường, trong một giây mơ hồ, bỗng dưng thấy bình yên bớt đi vẻ mông lung, rằng nó là một cái gì đó rất gần, và cũng thật giản đơn.
Gió ngừng, mây cạn, họ dừng chân dưới một ngôi nhà vừa nhìn qua đã biết được xây nên từ năm nào. Hàng hoa thiên lý rung rung trên cánh cổng gỉ sắt, thường xuân thì vẫn cứ xanh rờn trên mái ngói đỏ, Đức Huy loay hoay với cái quần nhiều túi, cố gắng tìm chìa khóa đi vào.
Xuân Trường đứng trong nắng thu, cảm nhận cái ấm áp hiếm hoi giữa khúc giao mùa, chậm chạp đưa máy ảnh lên, chụp bóng lưng Huy cái tách, vui vẻ nhìn tấm ảnh nhòe mà cười. Nhà hai tầng, Trường không hỏi của ai, cũng không hoàn toàn muốn biết. Huy đẩy anh vào trong, tiện tay khóa luôn cửa chính bằng gỗ, kính cửa thủy tinh có hoa văn màu. Gã thành công giật lấy ba lô từ vai anh, bước hai bậc một lên trên lầu, không hề đợi anh kịp phản ứng.
Sàn hoa văn bông, đôi chỗ bị mất mẩu gạch, tường thì một màu vàng nhạt nhẽo, treo vài bức tranh không rõ tác giả, chủ yếu vẽ cảnh đồng quê sông nước. Phòng khách để chiếc đi văng xám sờn, đặt phía trước là ti vi hộp to bự, ngay bên cạnh có chiếc máy chơi nhạc không hiểu sao còn tồn tại ở giữa thế kỷ này, cùng vài ba chiếc đĩa than hiếm hoi, xếp gọn gàng trong ngăn tủ.
Bàn kính thấp, được trang trí bằng bộ ấm trà cổ điển, hũ đựng tăm và chiếc gạt tàn còn sót lại vụn đen. Phía bếp nhỏ xíu, quạt thông gió bám bụi quanh năm suốt tháng không mở, tủ lạnh một cánh lỗi thời, cạnh cửa bếp treo tờ lịch năm ngoái chưa thay, ở phía trên cái bàn để điện thoại vô tuyến đã hỏng. Cả tầng một toát ra hơi thở của thế kỷ trước, đúng cái kiểu cũ kỹ mà Xuân Trường hằng kiếm tìm.
Ngắm nghía và chụp choẹt xong xuôi, anh mới lần theo tay vịn cầu thang cũ, phát ra những tiếng kẽo kẹt mỗi bước chân đi, lò dò lên phía trên. Ngôi nhà vốn đã nhỏ, tầng hai chỉ có độc một phòng ngủ và một phòng tắm, mọi thứ thực sự rất tĩnh lặng, nhuốm màu sắc cổ kính của thành phố này. Giường trải drap sạch bong, còn có cả chiếu nữa, nhưng dường như ít ai sử dụng.
Tủ quần áo to đùng, anh lén lút mở ra xem thử, cũng chả có gì, toàn sơ mi trắng tinh khôi, như đồ của học sinh vậy. Đèn tường tỏa ra ánh sáng màu cam dịu khi được bật lên, và thú thực, phải rất lâu rồi anh mới thấy lại sắc cam đó, do ở học viện hay homestay hoàn toàn không có loại đèn này. Phòng ngủ nối liền với ban công, tấm rèm màu kem đã được Huy kéo ra che khuất lối.
Đức Huy ở bên ngoài, lập lòe ánh lửa từ điếu Craven, thản nhiên nhả khói như thể đã hút cả trăm lần. Anh đặt máy ảnh xuống giường, chậm rãi bước ra ban công, đặt một tay lên thanh sắt. Hôm ấy, là lần đầu tiên Lương Xuân Trường hai-mươi-mốt-tuổi tập hút thuốc, hít vào một hơi dài mà không suy nghĩ gì, ho sặc sụa khi luồng khí đắng tràn vào cổ họng. Kẻ bên cạnh anh giật lấy điếu thuốc cháy dở, tặng cho anh cái nhìn khinh bỉ rồi thổi một đống khói đen vào mặt anh. Họ đứng đó, không biết là bao lâu, chỉ biết là đủ lâu để cổ họng Xuân Trường chẳng còn bám bụi, và bao thuốc mèo đỏ của Đức Huy rỗng không. Hai cậu trai trẻ, bộn bề chất chứa suốt mấy năm qua dường như đã tan ra theo làn khói đầu thu.
Tối ấy, nằm đối lưng với Huy, cuộn tròn trong cái chăn thơm mùi xả vải rẻ tiền, là lần đầu tiên trong nhiều năm Trường có được một giấc ngủ trọn vẹn. Không mộng mị, cũng chẳng bật dậy giữa đêm, một mạch tới sáng.
;
Tần suất Xuân Trường mò ra Hà Nội, kể từ lần gặp gỡ định mệnh đó, chỉ có nhiều thêm chứ không hề ít đi, hoàn toàn ngoài dự đoán của anh. Cũng chẳng để làm gì, chỉ là những cuộc gọi đường dài vơi dần, mặc cho số ngày mưa vẫn như cũ; chỉ là chẳng biết tự bao giờ, anh đã không cần phải chật vật kiềm lại nước mắt. Chỉ là, mỗi lần đến nơi, ngắm cái bóng to lớn chau mày nhìn anh từ dưới lên trên, phát hiện thêm quầng thâm dưới mắt hay sụt mất ký nào lại lo lắng dò hỏi cả quãng đường từ sân bay về nhà; thì bao mỏi mệt bỗng nhiên bay biến theo mây theo gió. Đơn giản vậy thôi.
Ở lâu với Đức Huy, dù cố ý hay vô tình, thì Xuân Trường cũng ôm hết vào lòng mọi thói quen cùng tật xấu của gã. Một thằng khô như ngói, xuề xòa đến không thể xuề xòa hơn, đi sự kiện hay hẹn hò gì cũng chỉ độc chiếc sơ mi trắng trơn như ngày còn đi học, xộc xệch không là ủi cho thẳng thớm. Chiều mùa hè đi uống trà đá, la cà Hồ Gươm với cốc sấu ngâm đường; tối đầu đông lai rai ăn ốc bên cạnh ly nước ngô ấm nóng. Hai mươi hai tuổi, nghiện thuốc lá, chẳng ngại bia bọt và nhất định phải có một tách trà sen mỗi sáng. Một gã nấu ăn siêu đỉnh thế nhưng Trường phải năn nỉ hết cỡ mới chịu lết xác vào bếp, suốt ngày viện cớ bận, mệt, không có thời gian đi chợ, không thích quần áo ám mùi dầu mỡ.
Ở lâu với Đức Huy, mới phát hiện tính tình gã lên xuống thất thường như thời tiết miền Nam. Gặp Trường là im lặng chẳng nói gì ngoài mấy câu càu nhàu vô nghĩa, tán gẫu với đám đàn em trong câu lạc bộ thì mười câu chửi thề hết chín. Khoái gây chuyện mỗi lần lên tuyển, chẳng nể gì ai, hết giành đồ ăn với Quang Hải lại bay sang chọc phá Văn Toàn, từ cãi nhau ỏm tỏi với Văn Thanh vì thua mấy ván game đến chê Đức Chinh suốt cả ngày lẫn đêm chỉ vì thằng nhóc có chút đen. Bảy phần trẻ con, ba phần thô tục, nhưng lại yêu nhạc Trịnh, thường xuyên nghe Ngô Thụy Miên, thi thoảng mở Phạm Duy và đôi lúc sẽ bỏ nhiều tiền hơn cần thiết chỉ để mang về nhà một chiếc đĩa than. Ghét chụp ảnh, ghét luôn cái máy ảnh cùng đống phim đắt tiền Xuân Trường hay tha về chất đống trên bàn cạnh giường, thế nhưng chẳng bao giờ từ chối khi anh nhờ gã giữ đồ hộ.
Ở lâu với Đức Huy, được gã dẫn đi khắp chốn, những điều xa lạ sớm đã trở nên quen thuộc trong mắt trường. Huy, gã thương những ngày thu lá vàng rơi rụng theo đừng đợt gió heo may, thương tán lộc vừng rung rinh dưới bầu trời trong vắt không gợn mây mù, thương màu cờ đỏ rực treo cao vào ngày Quốc Khánh, thương cả hương cốm thơm lừng mỗi sáng sớm mai. Trường, anh lại dốc hết cả tấm lòng ra để yêu mùa xuân, yêu tiếng pháo nổ đì đùng dịp Tết Nguyên Đán, yêu cành đào xinh khoe sắc thắm mà cả anh lẫn gã phải mặc cả mãi mới mua được, yêu màu sắc rực rỡ của pháo hoa mang theo nuối tiếc năm cũ trôi về miền xa thẳm.
Đêm ba mươi, hai đứa ngồi gà gật quanh đống lửa sắp tàn, trông hộ nồi bánh chưng to đùng của hàng xóm giữa thành phố, đầu tựa đầu bên vai, tay nắm tay thật chặt.
Bốn mùa luân chuyển, nơi này sớm đã được Trường đặt vào tâm trí với tiếng gọi nhà thân thương. Huy sẽ nhẹ nhàng gọi anh dậy khi mặt trời đã lên cao quá đỉnh đầu nếu anh chưa kịp thức. Hai người sẽ ngồi ngoài ban công, bên cái bàn mà Trường một hôm trái gió trở trời đã tha về từ xó xỉnh nào đấy. Sẽ luôn là tách trà sen thơm lừng, cạnh ly cà phê đen đặc lúc thường và đôi lúc thay bằng cà phê trứng khi gió mùa đông thổi đến nơi. Sẽ luôn là bao thuốc mèo, loại mà ở bìa không ghi cảnh báo, đặt trên chiếc gạt tàn tròn tròn nâu nâu.
Những buổi trà chiều trong ký ức nhạt nhòa hẳn đi, cứ như Đức Huy đã tự tay đặt tấm vải trong suốt lên trên, dù vẫn ở nguyên chỗ cũ, thì nó cũng chẳng thể ám ảnh Xuân Trường thêm nữa. Thay vào đó là những buổi sáng đậm mùi khói, đầy gió lộng, thơm hương thiên lý hòa cùng với sắc xanh của thường xuân.
Và Phạm Đức Huy, là một màu sắc rất khác, biệt lập lạc loài trong bảng màu vẽ lên thanh xuân của Lương Xuân Trường.
Không phải ánh vàng sáng rực rỡ năng động như ánh mặt trời ban trưa mà hằng ngày Nguyễn Quang Hải tỏa ra. Không phải màu rừng thăm thẳm ẩn sâu trong đáy mắt kiên định mỗi khi nhìn về phía trùng khơi của Nguyễn Công Phượng. Không phải sắc xanh thủy thủ nơi biển cả bao la cùng những đợt sóng bạc đầu Vũ Văn Thanh hằng kiếm tìm. Không phải màu trắng đẹp đẽ tinh khôi qua tâm hồn chẳng vướng chút bụi trần của Phan Văn Đức. Càng không phải, một màu trời cao xa vời vợi, dù cố thế nào cũng chẳng thể với tới nơi Nguyễn Tuấn Anh.
Trường hai-mươi-tuổi-hơn của hiện tại, chưa đủ chín chắn, chưa đủ trưởng thành, không hề biết phải gắn Đức Huy với màu sắc nào. Chỉ biết, nếu không có nó, hẳn đời anh sẽ vơi bớt đi rất nhiều những bình yên.
;
Thu sang đông, ở cái ngưỡng cuối cùng của tuổi 22, Đức Huy là một trong số ít những người vững vàng bên cạnh anh khi tất cả đã sụp đổ. Đáng lẽ phải ở lại Gia Lai, an ủi hay được an ủi bởi những đồng đội thân thiết, hoặc ít nhất cũng lo lắng một chút tới tâm trạng của người ấy. Nhưng không, nguyên cả quãng đường di chuyển, trong đầu anh chỉ hiện lên một gương mặt duy nhất, một nơi chốn duy nhất. Lặng lẽ đặt vé, tắt điện thoại, đứng dưới cổng mà bấm chuông inh ỏi mặc kệ việc có ai ở nhà hay không, trước khi kịp nhận ra trong người có chìa khóa dự phòng.
Bước vào trong, ném mạnh cái ba lô về phía cửa. Anh cáu bẳn, gắt gỏng, làm càn dưới sân nhà, xé rách từng bức ảnh, đập nát tan mọi thứ, muốn cho cả thế giới vỡ vụn theo mình. Thế mà nhác thấy bóng gã, lòng lại chùng xuống một mảng, sức lực đập phá nãy giờ vụt tan, trong người khó chịu mỏi mệt, chả muốn làm gì nữa. Trái ngược với suy nghĩ của anh rằng gã sẽ phản ứng ra sao, Đức Huy chỉ nhẹ nhàng bước qua đống hoang tàn, vùi đầu anh vào bụng mình, từng ngọn tóc ngắn lởm chởm luồn qua kẽ tay ấm áp.
muốn khóc thì cứ khóc đi.
Ở trên sân, ngắm nhìn trái bóng quen thuộc lăn vào lưới đội nhà mà không thể làm gì hơn, anh không khóc. Nghe tiếng còi mãn cuộc vang lên, tiếng anh em mình ngồi phịch xuống mặt cỏ trong đớn đau cùng cực, hòa với âm thanh reo vang của đội bạn, anh không khóc. Chói mắt inh tai bởi ánh sáng máy ảnh, đối mặt cả chục cái mic cùng chĩa vào người kèm theo mười vạn câu hỏi của cánh phóng viên, anh không khóc. Người hâm mộ quay lưng, cộng đồng mạng rẻ rúng, nửa bước ra khỏi phòng là bị người ta chê cười, anh không khóc. Thậm chí, thấy bóng lưng lầm lụi bước vào đường hầm sân vận động của người mà anh từng lầm tưởng là quan trọng nhất trong đời, Trường cũng chẳng rơi nổi một giọt nước mắt.
Vậy mà hôm nay, cảm nhận vòng ôm chặt cứng quanh đầu, anh lại có thể gào thét thật to, để tàn dư gắt gao của màn đêm che đi những giọt nước mắt chảy ngược sau thất bại, để tiếng thở đều của người ta vỗ về từng đợt sóng cuộn trào dâng khuấy đảo cõi lòng. Mãi như vậy, dìu dắt nhau qua những tháng ngày tuyệt vọng đến cùng cực.
Để rồi, cho đến tận giây phút ngắm nhìn tuyết rơi trắng xóa ở sảnh sân bay, ngắm nụ cười toe toét, trên tay cầm vốc tuyết khoe với anh mà cả người run lập cập do ăn mặc phong phanh. Xuân Trường đã sớm chấp nhận, việc quay đầu lại, vốn dĩ là không thể.
huy này.
ừ?
cảm ơn huy.
vì điều gì?
vì tất cả.
;
Tuấn Anh về, chưa được bao lâu đã vội đi. Ngày tiễn cậu sang nơi xa xôi vạn dặm, chỉ có vài người đến, một phần vì không nỡ, phần còn lại vì chính Tuấn Anh cũng không muốn làm rùm beng mọi chuyện. Xuân Trường có mặt như mọi lần, nhưng hôm ấy, anh kéo theo cả con gấu béo ục ịch kia, bỏ qua sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người.
Đức Huy xoa hai đôi bàn tay vào nhau, đưa tay lên miệng thổi phù, cổ khoác khăn quàng anh tặng, đáng lẽ phải mang găng tay mà gã lại để quên, báo hại anh để ý gã liên tục, sợ gã lạnh chết mất thôi. Rốt cuộc, Trường cũng mặc kệ thiên hạ, lồng tay trái gã vào tay phải mình, nhét cả hai vào túi áo khoác. Huy ban đầu còn ngại, gắt lên bảo anh buông tay ra, mà có người mặt dày không bỏ, cho nên cuối cùng gã cũng đành im lặng.
Tuấn Anh và Công Phượng trò chuyện cả buổi, đương nhiên nhận ra sự khác thường nơi hai tên bạn, không nghĩ suy gì nhiều, chỉ nhìn nhau cười hiền. Cuối ngày, lần lượt từng người ôm lấy Tuấn Anh thật chặt, thì thầm với nhau những câu chúc bình an, đến lượt gã cũng thế. Cho dù trước đây họ không hẳn là thân thiết, nhưng cũng đã đi cùng nhau một quãng thanh xuân, không dài, chẳng ngắn.
Và Đức Huy, có cất riêng trong lòng những tình cảm không tên dành cho chàng trai ấy. Gã gật đầu nhìn Tuấn Anh, ngang ngược bắt cậu khẳng định rằng lần sau sẽ tiếp tục đá cùng nhau, nhìn thấy cậu cười xòa, hứa hẹn xong xuôi hết cả, mới an tâm buông tay ra để cậu đi tiếp.
Tuấn Anh vẫy tay chào mọi người lần cuối trước khi mất hút sau cửa quan, để rồi, Xuân Trường mới dám thả lỏng người, nãy giờ đang siết lấy tay Huy đến phát đau. Mọi người lục tục ra về hết, hai cậu trai vẫn ở lại đợi thêm chuyến bay muộn, một chiếc ba lô vải cùng va li con con, và, hai bàn tay chưa từng tách rời lấy một lần.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top