Nhiên Thuân và anh
#2
Sau đợt ấy, Bân về chăm chỉ hơn. Y lên chức thiếu tá, nhưng lên chức xong y cứ là lạ. Người ta bảo tâm tư cậu thiếu tá trẻ có trời mới hiểu. Thiếu tá chỉ trực lỉnh đi làm chuyện không phải của mình, người ta kháo nhau anh thích thể hiện. Nấu ăn cho quân bưu, không phải việc anh nhưng người ta thấy anh hì hục chặt củi. Đi nhận đồ tiếp tế, không phải việc anh nhưng người ta thấy anh khệ nệ ôm thùng đạn về. Người ta thấy anh nhiều lắm. Nào biết anh thiếu tá đi đâu là có cậu thanh niên dậm dụi đi cùng.
Tối nay Bân đi trực về muộn. Anh nhẹ chân bước lên tấm sàn tre lạnh, rùng mình. Mùa xuân nơi rừng thẳm lạnh buốt lên từng cơn. Bân nhẹ cởi đôi giày đầy bùn đất đặt vào góc. Đêm hôm khuya khoắt, tay thiếu tá trẻ lỏn lẻn đi ngó xem đồng đội đã ngủ hết chưa. Bân đi từ gian này sang gian khác, ai thừa ai thiếu chăn anh cũng chỉnh trang cho họ, vuốt lại nếp, đặt lại áo, khép bớt cửa cho họ ngủ yên. Có người đã dạy anh phải tử tế với những người như mình.
Bân đi đến gian ngoài cùng, anh ghé mắt sát vào giữa khe sáng giữa hai thân tre, nhìn người đang nằm trong đó. Chắc là Thuân ngủ rồi. Ngoài này lạnh khiếp, thế mà một mình cậu nằm ở đây, với tấm chăn dạ to đùng. Bân kệ cậu, anh lách mình đi ra ngoài đấy, ngồi phịch xuống mâm cơm nguội ngắt đồng đội để dành cho. Thuân choàng dậy ngay, trân trân nhìn anh thiếu tá.
"Anh! Thiếu tá Bân, sao giờ anh mới về?" Thuân không mặc áo, cậu vội vàng chui ra được nửa lưng liền rụt lại vào vì lạnh.
"Cậu có điên không mà cứ ngủ mãi ngoài này." Bân nhìn bát cơm cuối cứng đờ, thiu thỉu, với đĩa măng nửa sống nửa chín, ít muối hột đã tan gần hết, mâm cơm cứ trưng ngoài hiên mưa lất phất cả mấy tiếng trời. Ruột gan Bân cứ sôi sùng sục cả lên nhưng anh nhìn mà không muốn động. Bân chống cằm nhìn qua Nhiên Thuân. Y lúc nào cũng thế. Đôi mắt ngời sáng, sự dạt dào cháy bỏng của cậu luôn khiến gương mặt đỏ lựng lên như sắc mai hồng giữa rừng xanh.
"Tôi ngủ lang quen rồi, với có ai thèm ngủ gần tôi." Thuân kéo chăn trườn gần đến chỗ Bân, "Đây là phần của anh à?" Bân gật đầu, rồi cầm đũa lên và vội để còn dọn. Cứ để đó mãi thì bụng cứ cồn cào còn nó cứ thiu mãi thôi.
"Sao không bảo tôi, tôi cứ tưởng đồng chí nào khó chịu cái chỗ này quá nên bỏ cơm. Không bảo tôi, tôi cất cho, tôi luộc lại măng cho."
"Không có gì, tôi ăn được. Chỉ là để tiếp tục sống bảo vệ đất nước thôi, tôi chẳng quan trọng đâu."
"Thế mai thiếu tá có cho tôi đi với thiếu tá nữa không?" Thuân hỏi. Anh hiểu ý cậu là gì, nhưng anh không trả lời. Không gì có thể trả lời trước được, nếu nói có, anh sẽ trở thành một kẻ nói suông, nếu không, anh lại thấy tội lỗi. Bân chỉ lẳng lặng dọn bát đũa gọn gàng lại cái mâm đồng vênh cong cong, chực đứng lên mang ra suối. Thuân thấy thế vội chìa tay níu ống áo anh. Thuân cứ giữ chặt mấy ngón gầy thế, rồi cậu xoa, đưa bàn tay âm ấm xoa lấy cả cẳng tay của chàng thiếu tá mới ngày nào còn đẫy, nay đã chi chít sẹo nhỏ. Nhiên Thuân truyền hơi ấm cho Bân mãi, bàn tay y cấu chặt lên da anh, họ xoa chặt tay nhau, Bân cũng không còn muốn mang mâm ra suối nữa. Đêm mưa rừng ấy, thiếu tá chui vào cùng chiếc chăn dạ với cậu lính trẻ, sưởi ấm rực hồng làn da đã lợt màu.
"Hình như tôi trẻ con hơn, và cái tay lính ngày nào tôi đã từng nghĩ rằng sốc nổi, giờ lại trưởng thành hơn thì phải." Bân nhớ đêm ấy Thuân nói thế.
Vài ngày sau, trên đường đi tuần trong rừng, Thái Hiền bất ngờ rơi thẳng xuống một chiếc bẫy hổ tự chế. Lúc người ta đưa nó về đến doanh trại, chân phải Hiền đã bong gân, người nó xước xát, lếch thếch dinh dính bùn đất. Y đau không nói nổi, nó cứ túa mồ hôi liên tục, run lên từng cơn đau quặn ở chiếc chân. Mọi người dìu nó đến lán trại để bác Truy băng bó. Bác nhìn y rồi cười khúc khích, nhìn nó cứ thất thần thế, chứ ai cũng rõ nếu nó trúng đạn vào chân ở ngoài chiến trường kia, nó cũng sẵn sàng chặt phăng chân đi mà chiến tiếp. Cái chân Hiền chưa tan mùi sát trùng buôn buốt, chỉ huy và vài người đã tụ lại cái lán tí tẹo để xem xét. Mọi người thì thầm nhau có kẻ hại y, và sau đó ai cũng chắc chắn chuyện ấy. Giữa rừng sâu, cách đây tận mấy dặm mới có ngôi làng nhỏ, ai lại đi đào hầm bẫy thú ở ngay đấy. Vả lại, hôm qua nhóm tuần của Bân đã đi ngang đấy hai, ba lượt, chẳng lẽ nào có hố mà anh không thấy. Ai cũng im ỉm như có suy nghĩ riêng.
Bân ráo hoảnh chạy đến ngay sau đó, anh vồ đến hỏi thăm Hiền ngay. Nghe Hiền kể tất cả, anh cũng tường thuật lại buổi tuần hôm qua một lần nữa, rồi cũng rơi vào trầm mặc. Y nhìn thấy tay chỉ huy có vẻ dáo dác tìm gì đấy. Y như đoán được người mà chỉ huy tìm, chỉ có Nhiên Thuân, chứ tay đấy thì còn hay tìm ai khác. Chợt nỗi lo nổi lên trong lòng y. Bân chưa kịp tiên liệu những gì để bảo vệ Thuân, chỉ huy đã lên tiếng trước.
"Ai biết tối hôm qua cái thằng bóng cái kia ở đâu không?"
"Ý chỉ huy là ai? Anh Thuân?" Hiền sẵng giọng hỏi, Bân biết y đang bực mình.
"Không thằng đấy thì ai? Lúc nào nó cũng lấm la lấm lét, ai đi tìm nó rồi lôi ra đây cho tôi xem nào."
"Này đồng chí..." Hiền chưa kịp nói xong thì giọng tay thiếu tá trẻ đã xộc ngang vào.
"Anh đừng tưởng mình có quyền uy ở cái chốn này mà muốn nói gì thì nói. Cậu ta hay các đồng chí ở đây ai chẳng giống nhau." Bân liến thoắng, anh không muốn tên đáng ghét kia và đồng đội mình cứ chắc như đinh đóng cột rằng chỉ có Thuân mới là kẻ xấu. Thuân sao mà xấu được? Dẫu anh biết đêm qua khi anh đến tìm cậu, Thuân đã vội vã vừa buộc giày vừa nhoẻn miệng cười, giải thích rằng tối nay cậu có việc phải làm. Đêm qua Bân đã ở một mình. Nhưng những đêm trước đó, hàng ngàn lần trước đó, không phải cậu vẫn luôn nằm cạnh anh sao, vậy anh cũng đâu có cớ sự gì mà nghi ngờ cậu được. Một kẻ gầy guộc như Thuân thì đào sao được cái hố sâu đến thế. Vả lại, điều làm Bân chắc chắn nhất Thuân không thể làm điều đó, ấy là vì lúc con gà non tơ trẻ khỏe ở chuồng gáy vang đinh tai, anh đã thấy cậu trở về ngủ say trong lòng mình. Thuân đi cũng chỉ đâu đấy hơn một tiếng, cậu làm gì có thời gian.
Nhưng mọi thứ cứ dần tiêu tan trong đầu Bân khi anh thấy rõ ánh nhìn kỳ lạ của mọi người dán lên mình. Con ngươi đen láy của chỉ huy đang hút chặt Bân, khiến cơn giận bừng bừng trong người anh như tắt ngúm. Anh ngây ra, ú ớ không hiểu. Chỉ huy nhếch khóe môi lởm chởm râu ria, hắn cười, một điệu man rợ, nắc nẻ.
"Gì đây, cậu thiếu tá trẻ Tú Bân đây cãi lại cả tôi để bảo vệ thằng bóng kia, cậu có cái gì với nó à? Hay cậu em Hiền của thiếu tá có gì với thằng bóng kia nên cậu mới nổi đóa thế?"
Bân im bặt. Cơn tê dại từ đỉnh đầu lan khắp cơ thể anh. Bân bám chặt vào chiếc ga giường mổ trắng phau, tay anh hơi run lên. Khi con người ta bị chọc trúng thứ họ luôn cố che giấu, họ thường không kiểm soát nổi hành vi của mình. Bân cố gắng làm cho mình trông như đang tức đến run rẩy, nhưng ai biết những con mắt quanh đây hiểu anh thế nào? Họ đang nghĩ gì, họ đang lẩm bẩm gì?
"cái gì đã cố giữ kín tức là cố để hở, cho nên muốn để hở một cách kín đáo, không gì bằng ta bịt kín nó một cách hớ hênh." (1)
Đáng lẽ Bân không nên cất lời. Giờ anh có làm gì đi chăng nữa, nói gì thêm nữa, cũng sẽ biến thành trò cười đúng không? Bân đưa mắt về phía Hiền. Nó nhìn anh chằm chằm, nhưng không giống vòng tròn người xung quanh. Mặt Hiền lấm tấm đất, nó vẫn hổn hển vì cơn đau dưng dức ở chân, mắt nó mở to nhìn anh, vừa ngạc nhiên, vừa mong đợi. Nhưng Hiền mong đợi được điều gì? Bân đã chúc cần cổ như hóa đá của y xuống một ít, mái tóc rơi lên trán ướt đẫm mồ hôi, anh nhìn Hiền rồi nhắm mắt. Y nhẹ lắc đầu.
Hiền rủ đầu xuống thất vọng. Cơn nộ khí chạy trong cơ thể nó, nhưng bị kìm lại thành sự thất vọng tràn trề. Nó gạt tay Bân ở mép miếng vải trắng, nhìn thẳng vào mắt tên chỉ huy và gần như hét lên với những người xung quanh: "Tôi mong chỉ huy biết giới hạn mấy trò đùa vớ vẩn của ông lại. Ông đã lên đến chức này nhờ vào điều gì thế, hay ông đã làm được gì cho cái chức này của mình thế. Và vì tôi chưa nói láo bao giờ, tôi muốn ông biết tôi sẽ kinh tởm ông ngay từ phút giây này trở đi. Đừng động vào anh em chúng tôi."
Người ta hay bảo nhau từ cái lời tuyên bố hùng hồn của Hiền chiều hôm ấy, không còn bắt gặp chỉ huy làm khó anh em họ nữa. Chỉ huy còn phải sợ Hiền. Còn Hiền bỗng dưng ít nói và không còn hoạt bát, lúc nào cũng thấy nó đăm chiêu. Hình như nó cũng không nói chuyện với Bân. Người ta cũng không hiểu sao khu giặt quần áo thi thoảng lại om sòm vì quần áo có mùi lạ.
Và Bân, hay Hiền, hay ai cũng sẽ không thể nào biết được chính Nhiên Thuân đã ngồi một xó, nghe rành rọt được tất về câu chuyện ở lán mổ dã chiến. Cậu không nói gì, nhưng vài tiếng sau Bân đi tìm, không thấy Thuân đâu.
"Bác Truy, bác có thấy Thuân đâu không? Cháu muốn nhắc cậu ấy vài chuyện." Bân lại tìm ra lán mổ, hỏi thăm bác quân y. Bác ngước lên nhìn anh lắc đầu, ý rằng hôm nay bác cũng chẳng thấy cậu đâu cả. Bân cúi chào bác rồi lững thững đi ra suối. Đến bác còn không biết Thuân đi đâu thì anh hỏi ai được, khi mà Thuân đã luôn không phải người được yêu gì ở nơi này. Anh chợt thấy một đoàn lính mới đi tuần về, Bân mỉm cười chào họ. Khi đi ngang, anh đã nghe lỏm được cái tên anh đang kiếm tìm trong cuộc nói chuyện của họ.
"Này, cái anh mà gầy gầy tóc cứ che sạch mắt ý, nãy tao thấy anh ấy đi một mình về cánh rừng phía Nam. Sao hôm nay anh ấy đi một mình nhỉ, chả biết đi đâu."
Nửa tiếng sau Bân gặp được Thuân. Cậu đang ngồi xem la bàn rồi cặm cụi ghi gì đấy lên bản đồ. Không phải đánh dấu, Bân thấy y viết dài lắm, nét bút cứ lia lịa. "Nhiên Thuân."
Thuân quay qua nhìn anh, cậu không biểu lộ gì, chỉ cúi xuống vo vội tờ bản đồ chằng chịt chữ bỏ vào túi và xách đồ đứng lên. Cậu bước tiếp chứ không cất lời nào với Bân. Anh thấy lạ, vội đuổi theo. Bân túm được cánh tay Thuân, nhưng cậu giằng ra khỏi anh, gương mặt cứ giấu dưới lớp mũ. Bân không chịu được, anh giữ chặt vai Thuân, xoay cậu lại hỏi"
"Này Thuân, tôi gọi cậu mà sao cậu không trả lời. Cậu bị cái gì đấy?"
Đôi mắt Thuân tối sầm. Cậu hất văng tay Bân khỏi vai, căn chỉnh lại mũ trên đầu rồi gắt: "Tôi biết cả rồi, biết hết. Anh đừng có giả vờ nữa. Tôi đã đăng ký tham gia lên cao điểm 861 hỗ trợ họ rồi. Tôi," Thuân nghèn nghẹn, "Tôi sẽ không ở đây nữa. Anh đừng giả vờ nữa, đừng tìm tôi nữa. Mai tôi đi rồi."
Hai người đứng im lặng dưới những tán cây che rợp trời. Bân cứ như thấy nhành mai đỏ vội lướt qua trước mắt mình.
Ngày hôm sau, Thuân trở mình trước Bân, chuyện mà cậu không hay thường làm, bỏ Bân ở lại để rời khỏi . Lúc cậu đi ngang lán mổ, có vài tên đang ngồi tán gẫu ngay đấy. Chúng có nhắc về Bân, rồi cười ha hả. Thuân không biết nghĩ gì hay quen thói, cậu chen vào câu chuyện, rồi tiện tay thò vào tấm lưng sạn.
Thuân đáng ra có lẽ có thể đi sớm hơn, nhưng chỉ huy giữ cậu lại tặng một trận đòn cuối cùng ra trò. Gã ấy ghét Thuân ghê gớm lắm. Má Thuân không còn hồng lựng nụ cười thường ngày. Y bị đánh rất đau, đau hơn những lần bị đè ép xuống mặt đất mà thụi, bởi chỉ huy chỉ đánh y bằng mấy món đòn ra dáng "dạy bảo" nhưng độc hơn. Chỉ huy tát cậu mấy cái váng vất đầu óc, gò má anh đỏ bầm, như muốn tóe máu. Thuân không chống trả giống mọi lần, cậu cúi gằm mặt xuống đất. Mái tóc đen còn trĩu nước suối trong cứ nhẹ chảy ngang bờ má rát. Chỉ huy cho Thuân rời đi. Cậu bước vội, như cố lao thật nhanh khỏi cái doanh trại giữa rừng, đôi chân không vừa đôi giày cũ dằn mạnh từng bước, gai cỏ và bùn nâu bám theo từng bước Thuân đi vội. Đôi mắt sáng ngời của Thuân nhuốm màu nam chẩm.
Tú Bân vờ như không có gì, anh cứ ngồi bên suối, và như mọi lần, người ta thấy anh chăm chăm giũ nước cái quần đùi.
_____
Rồi ông già tôi nghẹn họng, không thể kể tiếp. Tôi bối rối, không biết làm thế nào với người cha khắc khổ đang run lên từng cơn của mình. Ông chống tay ngồi dậy, dò dẫm đến cái tủ gỗ ép cũ của ông, cái tủ ông khóa kỹ tận hai ổ, lôi ra cho tôi xem mớ giấy tờ vàng nâu hoen hoen, một tập mỏng và một tập dày sạch sẽ. Nét chữ nghiêng nghiêng của bút mực nhòe trên bìa hai tập giấy tôi đọc mãi mới ra.
"Nhiên Thuân"
"Nhiên Thuân và anh"
Ngỡ ngàng, tôi không nghĩ cuối cùng chuyện lại thành ra thế này.
Sáng hôm sau ông đi, xách chiếc balo xanh xanh năm xưa và rời đi. Tôi đứng đó nhìn cha thật lâu. Căn nhà không có ông vẫn thế, tôi không dám nói rằng nó yên tĩnh hơn, vì những mảnh đạn pháo nổ rầm trời xuân An Nam ngày ấy hình như vẫn thường ghé ông trong từng giấc ngủ. Tôi không chắc ông đi tìm người tên Thuân về liệu ông có ngủ ngon không.
Tôi thấy tôi không buồn, lạ quá. Má tôi cũng chẳng buồn. Hôm cha định đi ông cũng nói thật, tôi chẳng phải con ông, ngày xưa trên đường về lại Hà Nội gặp má tôi - một người con gái chiến sĩ từ Nam ra tận Bắc - đang bị Việt gian cưỡng bức, ông cứu má về. Thế là tôi cứ lơ lớ nửa Hà Nội nửa miền Nam. Ông bảo tôi cứ như Nhiên Thuân của ông, tôi thấy hoàn cảnh buồn cười của mình cũng giống người đó. Lần đầu tôi thấy ông huyên thuyên nhiều thế, dường như muốn bảo "ta có thể đi không sau khi đã giải thích tất cả cho con", "liệu ta có thể đi tìm người đó không con", nhưng ông không nói gì cả. Ông ra đi cũng không ngoảnh mặt.
Tập thơ và bút kí của cha được bỏ lại nhà. Má tôi thi thoảng lại cầm ra đọc, ngồi hàng giờ ngoài hiên. Tôi thấy bà hay thở dài. Tôi không biết nó có gì, nhưng má hay bảo tôi phải cẩn thận, kỉ vật của cha như có dao, dễ cứa nát lòng. Tôi cứ cố lảng nó để không đọc, nhưng hai tập ấy chẳng hiểu thế nào lại truyền tay mọi người trong xóm, cứ từ tay người này đến người kia, ai đọc xong, không lắc đầu thì cũng thở dài, cũng lại ngồi bần thần ở hiên như má tôi. Tôi lén mang nó lên gác xép, cố gạn đọc nó cả chiều. Những trang ố vàng, những giọt mưa làm nhòe nét chữ xanh tím, mấy trang về cuối trống rỗng nhưng vẫn điền ngày tháng. Chiều hôm ấy mưa lớn, tôi nghĩ cả xóm - kể cả tôi - cũng đau vì bị cứa lòng rồi.
Thi thoảng tôi lại điện đàm cho vài người bạn ngày xưa của cha, xem ông có ghé đấy không, nhưng hầu như không ai biết gì. Ban đầu nghe tôi hỏi về cha, ai cũng lo sốt vó, tôi nghe được điệu bộ gấp gáp qua chiếc máy, nhưng khi nghe tôi nói cha đi tìm người tên Thuân, ai cũng nén lặng. Có người đã dập bộp máy ngay tức khắc, chú Hiền là người đã làm vậy. Tiếng khớp điện thoại đặt trượt khỏi cái hõm đáng lí nó vừa khít vào vang sang tận chỗ tôi, khi cả hai bên đã dập máy vài tíc tắc nhưng nó vẫn cứ vang mãi. Chú hình như đã dồn tất cả sức lực mà đập điện thoại thật mạnh, lần sau tôi gọi đến chú cũng không buồn nhấc máy. Những lúc vậy tôi chỉ tiu nghỉu vì không biết cha đâu, tôi nào hay tôi lại nhân thêm nỗi buồn cho những người ở lại.
Có một ngày kia cha trở về, vẫn bộ đồ mặc ngày rời đi, vẫn chiếc balo xanh. Tôi thấy ông khang khác. Tôi cứ tò mò người Thuân kia đâu rồi, người ta lấy vợ, hay người ta có chồng chăng. Rồi tôi nhận được một chuyện đau buồn vô biên: người thương Nhiên Thuân năm nào của ông đã mất trong một trận đánh ngoài cao điểm 861. Người ấy lao mình cứu đồng đội ngã nhưng không kịp chạy khỏi bom. Thế là người ông yêu cả một đời đã ra đi từ khi ông mới chỉ yêu được nửa đời.
Tôi nhớ ông đã bảo người ấy từng nói: "Mấy người trẻ tuổi mà kiêu như anh tôi gặp đầy, nhưng kiêu thì cũng giữ lấy mạng của mình đi, cứ lao chân vào bom. Ở đây tôi là người giỏi hơn."
Những ngày sau ở nhà, cha ngủ không còn giật mình hét lên nữa. Ông không ngủ thì cũng ngồi thẫn thờ ngoài hiên, nhìn trời nhìn đất, ngồi cả ngày trời. Tôi và má không ai dám phiền ông, chắc ông có nỗi lòng. Nếu người ngoài kia hỏi tôi thấy chuyện này ra sao, tôi cũng chẳng biết. Chắc là những ngày gần đất xa trời, con người ta hay nhớ về ngày họ hạnh phúc nhất, về những ngày họ yêu - cháy bỏng và da diết nhất - rồi họ ôm nó đi về nơi xa. Cha tôi đã can đảm đi tìm thanh xuân của ông. Vĩnh viễn tôi, má hay tất cả mọi người, sẽ chẳng bao giờ hiểu được tâm tư chàng thiếu tá năm nào, sẽ chẳng chui vào tấm chăn dạ ủ cho nhau ấm giữa rừng mưa, sẽ chẳng hiểu trên con xe dã chiến đầy bụi đất đỏ ngầu hai người đã đắm say thế nào. Ngày xuân An Nam nợ cha tôi một chàng trai mắt màu nam chẩm.
Cha tôi lâm chung vào một ngày bình thường. Hôm đó tôi thấy cha ngủ lâu hơn hẳn mọi khi, quẳng cây chổi xuống đất vào gian buồng gọi ông dậy. Có điều cha chẳng bao giờ tỉnh dậy nữa. Sau khi chúng tôi lo ma chay hậu sự cho cha xong cũng đã được gần cả tuần sau. Bà con khách đến viếng ai ai cũng trầm mặc, cũng xót thương má con tôi lại tiếp tục cảnh nhà vắng chồng, không còn là một khắc đi rồi về mà là mãi mãi. Họ chắc không biết nếu ông tìm được Nhiên Thuân, ông cũng chẳng về đây nữa.
Hoặc ông sẽ đưa Nhiên Thuân về Hà Nội mà ông yêu.
Về phần tôi, ngồi nhớ lại từ lúc cơ thể lạnh ngắt của cha lọt thỏm trong đám chăn gối cho đến khi tôi bồng cha chạy giật ngược ra giữa lộ, tôi vẫn chưa bao giờ hết để ý đến nụ cười trên môi cha. Dù tôi chưa từng nói điều này với ai, nhưng tôi biết chắc rằng giấc mơ cuối cùng của cha là về chiều mưa bụi hồng mai năm nào cùng Nhiên Thuân.
Và có lẽ trong giấc mơ đó, cha đã nói là cha yêu Nhiên Thuân.
- END -
Ngày x/02/xxxx
Tôi đi đưa thư gửi hỏa tốc với cậu trai bị cả doanh trại xa lánh. Người tôi thương mới vừa gửi vào đây lá thư chia lìa. Tôi ước gì nàng cứ thế mà lấy chồng, đừng gửi cho tôi lá thư đau buồn ấy. Cậu thanh niên nhỏ bé kia cứ liến thoắng cái gì đó, tôi không nhớ nổi, vì lòng tôi bề bộn kinh khủng. Tôi thấy cậu ta sao mà phiền quá. Ai ai ở đây cũng không ưa gì cậu ta cả. Có lẽ tôi cũng sắp thế mất nếu cậu ta còn lải nhải nữa. Rồi tôi bỗng xúc phạm cậu. Ôi cái bản tính, mà Hiền đã khuyên nhủ tôi cả trăm lần rằng tôi phải thay đổi, ngẫu hợp trỗi dậy cùng lòng tự ái và sự tổn thương. Tôi giật mình bởi lời nói ấy của mình và ngước nhìn cậu chằm chằm, dường như đã nhìn thấy cả những hạt cát trên vành mũ xanh rêu của cậu, và cái cách cậu nhìn lại về tôi, khiến tôi thấy rắm rối.
Chính cái chàng trai tôi vừa xúc phạm ấy, mấy tiếng sau lại cứu tôi một mạng ra trò. Đến giờ tay tôi vẫn lập bập run rẩy. Tôi thấy mình đốn mạt. Tôi chẳng còn là tên hảo hớn, hoặc ngay từ đầu tôi đã không hề mạnh mẽ được như cậu. Tôi đinh ninh là nếu cứ gọi cậu là cậu trai này nọ nữa thay vì cái tên Nhiên Thuân của cậu, tôi sẽ còn trơ trẽn khiếp nữa. Thuân nhường nốt cả vốc nước còn lại trong bình cho tôi rửa mặt, phải đi mấy cây số nữa mới có bờ suối cho cậu lấy bình nước mới. Tôi muốn xin lỗi cậu trai nhỏ bé ấy, nhưng không thể mở lời. Hình như chẳng ai ở đây ngoài tôi với Hiền nhớ tên cậu, nên Thuân, tôi sẽ gọi tên cậu bằng tất cả sự huếch hoác trong tâm hồn mình.
Ngày xx/03/xxxx
Hiền bị thương. Tôi chẳng hiểu sao có người lại ghét thằng bé, khi tôi thì ước ao dũng cảm được như nó vạn lần. Từ khi chạy đến cái lán mổ, tôi đã có linh cảm không hay. Tôi biết ngay rồi họ sẽ nghĩ đến em, Nhiên Thuân. Không, làm ơn người nào làm điều khủng khiếp ấy hãy tự thấy hối lỗi với chính Hiền và cả em, vì tôi biết rằng em chắc chắn không làm thế. Tại sao, tại sao đã cay ghét Hiền rồi lại cay ghét cả Nhiên Thuân, liệu tên đó có cay ghét cả tôi hay không, liệu có ngày sẽ hủy hoại thêm cả tôi nữa không. Tôi thành khẩn trong trái tim ruỗng nát của mình hãy bảo vệ Nhiên Thuân. Đêm qua em không ở với tôi, nhưng tôi chắc chắn, tôi lấy tính mạng và cái lòng danh dự hão của tôi ra cược, em không làm gì sất. Cái thân thể đau ốm ấy có khi đào được một nửa hố đã kiệt sức mà tự chôn mình rồi.
Người ta nghi ngờ em thật. Trong một khắc sôi òng ọc, tôi lỡ gấp gáp lên tiếng. Cái ý như phản bác lại trong câu nói tôi, tôi chắc chắn tai tên chỉ huy đã khẽ động khi nghe tôi nói thế. Nhưng xong rồi, một lần nữa tôi lại hèn hạ im bặt. Tôi nhìn Hiền như thể muốn nó cứu Thuân thay tôi, cứu cả cái tôi tội nghiệp của tôi. Tôi biết Hiền giận tôi lắm. Mấy tiếng sau tôi gặp Thuân, hóa ra em biết tất thảy. Em đã đăng ký ra ngoài cao điểm 139. Tôi đáng lý ra giận em lắm, nhưng tôi bây giờ mới như được tỉnh khỏi cơn mộng, tôi mới nhận ra tôi cứ hèn hạ thế này thì tôi có cớ gì mà đòi giận Thuân. Hai chúng tôi lại làm tình.
Ngày xx/03/xxxx
Thuân đi. Sáng hôm ấy em nhổm người khỏi chăn và hỏi tôi "Thiếu tá có yêu tôi không?". Nhưng tôi vẫn không trả lời.
Tôi không rõ những gì vừa xảy ra có phải là ảo giác, là tưởng tượng, là cơn mê mộng dài ngoằng của kẻ mắc bệnh lao đang rên lên với âm nghẹn đặc không, nhưng hình như tôi chưa nói mình yêu Nhiên Thuân.
Tôi chắc chắn mình chưa nói yêu Thuân.
·.¸¸.· giải thích mưa bụi hồng mai ·.¸¸.·
• Mô típ "hồng mai": - hồng mai là loài hoa mai nhưng mà màu đỏ, ở Việt Nam nuôi trồng khá nhiều. "mưa bụi hồng mai" nghĩa là mưa màu đỏ, mưa đỏ nghĩa là mưa nhuốm máu thời chiến.
• Nhân vật "ông già tôi" là ba của chàng trai kể lại câu chuyện này.
• Nhân vật Xuân:
- Là một người đồng tính và rất nhiệt huyết trong tình yêu với cha của người dẫn chuyện, cũng là thiếu tá trong đội ngày đó.
- Có điều trước khi yêu thiếu tá thì Xuân cũng hay đi táy máy với nhiều nam nhi khác trong đội vì là theo bản năng nên cũng bị người ta kì thị và cảnh cáo nhiều lần.
- Cho đến một lần đại úy giận quá đến đánh, lúc đó nhân vật "ba" của người dẫn chuyện đang ngồi bên suối giặt quần, hàm ý là sau khi hai người làm chuyện đó. Trừ những lúc đi tắm cùng anh em trong đoàn thì những lần ông giặt quần, lẩm nhẩm tính quần đều là sau khi cả hai làm tình.
• Lần Xuân tỏ tình với thiếu tá là khi trên chiếc xe bán tải (thiếu tá, em yêu anh).
• Thiếu tá là nhà thơ, nhưng thơ vương vãi, tuy có một tập "thanh Xuân và anh" nói về tình yêu của ông và Xuân nhưng ông đem giấu trong két, nghĩa là dù ông rất yêu Xuân nhưng cũng sợ định kiến thời đó.
• Gần cuối thì "ông già tôi hết kể được" nghĩa là tất cả những đoạn trên là lời nhân vật "ba"của người dẫn chuyện đang kể lại chuyện tình yêu ngang trái của mình với Xuân cho con trai. Khúc cuối nhân vật "ba" xách đồ đi tìm tình yêu của đời mình, "nhìn má con" người dẫn chuyện mà chẳng thấy tiếc thương, chỉ nhớ về những kỉ niệm đẹp với Xuân ngày xưa, và mô típ "hồng mai" (biểu thị cho hôm hai người yêu nhau trên xe dã chiến) xuất hiện lần cuối, cũng là kết thúc bài thơ.
• Xuân là trong chữ "thanh xuân", "ngày xuân An Nam" là An Nam trời trong gió lộng, An Nam hòa bình, hàm ý chỉ về trách nhiệm đem lại vinh quang cho Tổ quốc của Xuân và nhân vật ba (nên hai người không thể yêu nhau).
·.¸¸.· Về câu chuyện riêng của Tú Bân và Nhiên Thuân ·.¸¸.·
• Nói chung là mọi thứ đều theo sườn của bài thơ này, chỉ có điều Thuân hoạt bát nhiệm vụ gì cũng xông xáo, còn Xuân là một người lính.
• Họ có những phản kháng, có những mập mờ hơn để mọi người lọ mọ đoán được gì đó, họ có đứng lên vì nhau đôi lần, nhưng định kiến thời đó là quá lớn và là một thiếu tá, cũng như một trang nam nhi, Tú Bân cũng không thể thừa nhận tình cảm mình dành cho Thuân. (như lần Thuân bị nghi ngờ hại Hiền, Bân dường như không phản kháng lời nói của mọi người gì cả, chính đó cũng là lý do khiến Thuân thất vọng mà lao đi nhận nhiệm vụ một mình rồi cậu đăng ký đi lên cao điểm 861 để không gặp Bân nữa.)
• Hiền luôn bị ràng buộc bởi chuyện nó hiểu rằng có gì đó giữa anh mình và Thuân, ngay từ đêm đầu ở doanh trại nó đã tò mò. Lúc Hiền bị thương, nó thấy Bân phản kháng, nó đã mong chờ anh đủ dũng cảm bảo vệ Thuân, nhưng anh lại lắc đầu. Chính điều ấy làm Hiền thất vọng. Nhưng Hiền không nỡ trách Bân vì nó hiểu anh sợ hãi định kiến đến mức nào, mặc dù giận anh do anh không dám thừa nhận tình cảm, Hiền cũng có phần do dự không biết anh có tình cảm với Thuân thật không. Nó luôn bị xoay vòng bởi một bên là định kiến, một bên là tình cảm của Bân, một bên là sự hối lỗi khi không thể bảo vệ cả Thuân, nên nó chọn cách nói với chỉ huy rằng "đừng động vào anh em chúng tôi". Khi người ta đã bớt xét nét mình thì họ cũng sẽ không gán ta với cái làm ta khó chịu, ở đây những người xung quanh có thể hiểu là anh em Hiền ghét bị nhắc đến Thuân, bắc cầu thì Thuân cũng sẽ không bị lôi ra đùa nhiều nữa. Nó giận Bân nhưng nó cũng bó tay bởi thời cuộc, tuy nó mạnh mẽ nhưng nếu là Hiền, có khi việc thừa nhận phản kháng vì ai đó cũng không hề dễ dàng.
• Ngày cuối ở doanh trại, Thuân không giống Xuân, cậu bước vội vì cả hai người đang dỗi hờn nhau. Sáng đó Bân có giặt quần ở suối nên ta hiểu là họ có làm tình đêm hôm qua, có một chi tiết mình không viết trong mạch truyện nhưng trong nhật kí của Bân thì có, đấy là Thuân có hỏi "Thiếu tá yêu tôi không?" và Bân vẫn không trả lời, vậy nên Thuân giận bỏ đi. Đi ngang lán mổ dã chiến, thấy có người nói xấu về Bân, cậu không chịu được mà quen thói sờ mó bọn chúng. Trong tâm lý Thuân hiểu, những kẻ ấy khi bị một tên đồng tính chạm vào sẽ phản ứng thế nào, nên đây được xem là một kiểu trả đũa vì dám nói xấu Bân. Có một chi tiết về quần áo có mùi khó ngửi sau ngày Hiền bị thương và mọi người cãi nhau ở lán mổ, thì nôm na có thể, Hiền, Bân hay Thuân đã đổ nước bẩn trả đũa. Cả ba người họ bảo vệ nhau theo cách riêng.
• Bân không phải nhà thơ, anh trước khi vào doanh trại là một cậu trai đang có một mối tình với cô gái nọ, nhưng khi vào đội được một thời gian, cô gái ấy đi lấy chồng, Bân cay đắng ném bỏ lá thư gần lều trị thương, tình cờ Thuân thấy, cậu nhặt được và đọc nó, nên sau đấy cậu mới tò mò tiếp cận tìm hiểu Bân. Lý do cô gái bỏ Bân đi lấy chồng ngoài do anh sẽ đi không có ngày trở lại, mà còn do nếu có trở lại thì cái nghề nhà văn Bân muốn theo không thể nuôi sống đời họ. Bân không viết thơ hoàn toàn, mà anh còn bút ký lại tất cả những dáng vẻ, tâm trạng, hành động của Thuân (những trích đoạn cuối truyện) và cả tâm tình của anh. Bân cũng bỏ đi tìm tình yêu đời mình, bỏ lại vợ con, nhưng cái kết của cả hai đã trọn vẹn hơn.
• Được lấy cảm hứng bởi : "mưa bụi hồng mai" ; "đào, phở và piano" ; "đường thư".
• (1): Trích dẫn truyện ngắn Bạc đẻ, Nguyễn Công Hoan.
·.¸¸.· lời cuối ·.¸¸.·
"mưa bụi hồng mai" là tác phẩm bị đăng lỗi nên mình để sang hôm nay đăng. Thật ra thì mình phải đăng một fic khác trước, đó là "căn phòng cuối dãy trên đỉnh chung cư" nhưng vì trục trặc, hôm qua mình mở máy tính lên thấy bị log out, và thấy phân nửa số nháp của mình bị mất!
Mình bối rối luôn vì mình không có thói quen viết trên Word hay Google Docs, nghĩa là mình không có cái gì dự phòng cả, và mình sẽ phải viết lại đâu đó hơn 8000 từ cho fic ấy. Mình sốc không nói nổi luôn trời không ngờ project mà mình xui xẻo tới vậy, "mưa bụi hồng mai" thì mình còn copy sang Docs để sửa chính tả nên vẫn còn hơn ⅔ nội dung và viết tiếp được, nhưng "CPCDTDCC" thì mất sạch.
Nên là, rất rất xin lỗi mọi người vì sự cố này và mình cũng bất cẩn nữa, mình không thể cày lại từng ấy chữ trong một đêm (không có khả năng nào xảy ra) nên là sẽ phải mất kha khá thời gian nữa mới đăng lại được fic ấy, hoặc mình sẽ viết một fic khác luôn và pub bình thường không theo project nữa vì mình rất bận. Sự cố hy hữu mong mọi người vẫn thấy trọn vẹn với project này nhé. Trân trọng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top