1 - 10

Chương 1

Khi Dì nhặt được tôi nơi góc hẻm, dì đã nói tôi trông như một con cún.

Lúc ấy, dì tìm thấy tôi đang ngồi xổm trong bãi rác – sau này Dì kể lại với tôi – với cái mồm đầy cơm thừa, dì cũng ngồi xổm xuống với tư thế khá bất nhã, vạt áo sơ mi dài phủ xuống nửa đùi, miệng phì phèo điếu thuốc dành cho nữ giới, đôi mắt nheo lại phả ra làn khói trắng xóa.

"Nè."

Dì không lai lịch, không người thân, không nơi chốn. Cái chân gầy nhẳng của tôi cố đứng thẳng, chùi trét bàn tay nhớp nháp lên quần, gương mặt đầy tàn nhan với đôi mắt đen nhánh đối diện dì dưới mái hiên, trông xấu xấu mà buồn cười.

Dì cũng cười, cười rất vui vẻ.

Tôi nắm chặt quần áo dì, trong lòng dấy lên một niềm tin vô căn cứ và khờ dại rằng dì sẽ dẫn tôi theo.

Mái tóc đen dài đáp trên vai dì xõa xuống tận cánh tay, đôi bàn tay chỉ sơn đen ngón giữa trông cứ như tín đồ của một tà giáo nào đó. Dì dùng cái khăn dính đầy hắc ín* lau vết bẩn trên mặt tôi, vươn ngón định búng trán tôi, nhưng tôi lại không tránh kịp, thế là dính một cú.

"Nhóc muốn làm con ta à."

Tôi đi theo dì, chân đạp lên vũng nước đọng bẩn thỉu, nước len vào trong đôi giày rách nát khiến tôi loạng choạng. Dì quay đầu nhìn, cơn gió khiến cho ánh mắt dì trở nên phức tạp.

"Nhóc theo họ ta, vậy lấy tên là Hạ Tức đi."

...

Tôi đã từng cho rằng, chỉ từng, giữa thế giới này và tôi có sự gắn kết với nhau, tất cả những chuỗi ngày lang bạc gian khổ đều như nét sẩy sơ của bức tranh, chỉ là chút sai sót nhỏ không đáng kể.

Nhưng thực tế đã dạy tôi, chỉ cần chúng ta còn sống thì thử thách chính là cái mà ta phải đối mặt từng ngày.

Ví như rỗng túi, bị bắt nạt, làm nhạc, bị đánh rớt trong kỳ thi tài, thêm nữa, về sau lại thích một người đàn ông.

Câu chuyện bắt đầu từ đây.

Thứ lỗi cho tôi vì vừa mở đầu đã kể lại thời thơ ấu. Sự thật thì tôi cũng không có cảm xúc gì đặc biệt, chỉ nhớ là hôm đầu tiên Hạ Giai mang tôi về nhà tắm rửa rồi nói với tôi, ta cũng bỏ nhà đi, hai chúng ta đồng cảnh ngộ.

Hồi ngần ấy tuổi cũng không hiểu được bao nhiêu, còn ra vẻ mình mạng lớn mà rướn cổ cãi rằng tôi không sợ.

Tôi thật lòng đó, chỉ là không ngờ tới một người.

Vả lại, tôi cảm nhận được một loại khí chất từ dì, khác với những người kia, họ chỉ trừng tôi, mắng nhiếc tôi, xô đẩy tôi, sự xuất hiện của dì khi ấy dường như là một sự cứu rỗi đối với tôi.

Vì thế tôi đi theo dì, đơn giản vậy thôi.

Dù cho có gian khổ đến mấy cũng không sao.

...

Nghèo túng và cô độc. Mãi đến sau này tôi mới hiểu, nó không chỉ là thiếu thốn về mặt vật chất, không có loại thuốc nào có thể chữa lành đói khát và nó đủ để khiến con người ta từ bỏ tôn nghiêm.

Tôi căm ghét cảm giác đó mà trong thâm tâm lại sợ hãi, vì sống sót, tôi không thể không cúi đầu, nhưng tôi nhất định sẽ nhìn về phía mặt đất.

—Nơi đó, trừ cái bóng của tôi, không còn gì cả.

...

Năm tôi được 6 tuổi, để nuôi tôi, Hạ Giai đã mở sinh ý làm ăn.

Công việc đơn giản lại không yêu cầu chuyên môn, bán tạp hóa.

Vung tay trang hoàng mặt tiền cửa hàng bằng toàn bộ số tiền tích cóp nhiều năm của dì, ngày khai trương dì rất vui vẻ, ôm tôi ngồi trên quầy chào hỏi hàng xóm láng giềng qua lại.

Những người đến với khu phố chật hẹp cũ kỹ này đều không khác mấy so với chúng tôi, vô luận là thân phận hay hoàn cảnh. Tôi hết bị người này đến người khác xoa đầu véo mặt, kháng nghị lại bị ông chú râu quai nón chọc đến phát khóc.

Vậy mà mọi người còn cười tôi.

Tôi cảm thấy rất phiền hà, cho đến khi bác gái bán khoai lang nướng sát bên cho tôi một củ khoai nóng hổi.

Khi đó tôi nghĩ rằng bao nhiêu ức chế đều có thể giải quyết bằng thức ăn. Tất nhiên bây giờ tôi vẫn nghĩ như vậy, nhưng trước tiên phải đề phòng lỡ như tai họa ụp vào đầu trong giây lát mà chẳng hay thì toi.

Ví dụ như tôi vất vả có được hộ khẩu nhờ đi cửa sau, lại không có tiền đi học.

Bởi vì tôi đích thật là "Không hộ khẩu", Hạ Giai sầu não nhất là chuyện này. May mà có người đồng ý giúp dì giải quyết, chính là một tên dân anh chị coi như có chút tiếng tăm.

Khi hắn mang sổ hộ khẩu có tên tôi trên đó đưa cho Hạ Giai kèm theo vẻ mặt tươi cười nịnh nọt, con mắt vốn đã như sợi chỉ giờ gần như hết thấy Tổ Quốc, nói, Tiểu Hạ ơi, chuyện cưng nhờ xong rồi nè.

Tôi đang ngồi trên băng ghế nhỏ đọc truyện tranh, nghe thấy giọng điệu kia cũng phải ngẩng đầu lên, tầm mắt hướng về phía tên côn đồ và cái mồm đầy vàng chói lóa, mẹ tôi lại không ngẩng đầu, dì nói, cám ơn đại ca, hết bao nhiêu tiền, tôi nếu có khả năng sẽ trả đủ cho anh.

Ông chú côn đồ kia nói, không cần tiền, cưng theo anh là được.

Cuối cùng mẹ tôi cũng dời mắt khỏi máy tính. Dì đang tính thu nhập trong ngày, nếu dư dả thì bữa tối sẽ có thêm đồ ăn, thậm chí có thể có cả kem và nước ngọt.

Nhưng dì bây giờ hoàn toàn không bận tâm chuyện đó, chỉ thấy lông mi dài mảnh của dì run run, khóe miệng nhếch nhếch, nhìn kiểu nào cũng chả giống cười.

Ông chú côn đồ còn với vẻ mặt có vẻ kiên nhẫn chờ đợi, cứ như mẹ tôi sẽ vì thế mà cảm động lao vào vòng tay hắn, cảm xúc của hắn còn lây sang tôi theo đường không khí khiến tôi cũng có tí hồi hộp chờ mong.

Nhưng sự thật là, mẹ tôi rút ra một xấp tiền đỏ–tôi không rõ bao nhiêu, 'nhẹ nhàng' ném lên người ông chú kia.

"Đừng coi thường người ta vậy chứ, giả vờ cái quần ấy." Dì cười tủm tỉm nói.

Hạ Giai khi đó khoảng độ 20, tuổi trẻ khí thịnh, cho dù đang chửi người khác cũng tỏa ra khí chất không kiêu ngạo không siểm nịnh; Dì tính tình cũng không được tốt cho lắm, hồi mới được nhận nuôi tôi cũng hay lo sẽ làm sai chuyện sẽ bị trách mắng, mặc dù trong đó cũng có vài phần thăm dò; trên cơ bản tôi vốn không loại trẻ con vô tư vô lo.

...

Vì sợ bị đá khỏi cửa, tôi đảm đương công việc nội trợ trong nhà, tôi không muốn phải học theo như trong 《 Tam Mao** 》đã miêu tả, một đứa nhóc gầy nhom như que tăm có cái đầu to quá cỡ so với thân hình đi bán báo dạo khắp mọi ngõ hẻm, còn tệ hơn hồi tôi đi nhặt nhụm ngoài bãi rác.

Bà con láng giềng có lẽ thấy tôi thú vị, họ không từ chối con trẻ, yêu thương quý mến trẻ nhỏ từ tận tấm lòng, cho nên đã trao cho tôi sứ mệnh đi giao sữa vĩ đại. Trong kỳ nghỉ hè, vào trước lễ khai giảng năm tiểu học, tôi ngày ngày đèo xe giao sữa bò suốt ba tháng trời, nắng phơi gáy muốn tróc da mới gom đủ học phí.

Tôi cảm giác tôi có thể sánh với yêu quái.

Tác giả có lời muốn nói: Viết đủ tám vạn chữ , lấp hố dần dần ~

Chương 2

Tôi vĩnh viễn không quên hình ảnh Hạ Giai ngồi xổm trước cổng trường chờ tôi tan học. Dì kéo ống quần jean cũ kĩ, tóc mai tán loạn như nữ danh ca trong phút dâng trào cảm xúc trên sân khấu, với vẻ mặt vạn năm cười lạnh trong tư thế ngồi xổm, vẻ đẹp đầy đặn của thân thể phụ nữ có tuổi chưa từng được phô bày dưới lớp áo quần, tạo thành một khung cảnh u ám trước cổng trường tiểu học.

Mới tối hôm trước còn trốn góc hẻm nhỏ khóc vì không đủ tiền trả học phí, thấy tôi đi tới thì vội lau mặt, ra vẻ điềm nhiên như không mà chỉa mất chai nước suối trong tay, đưa đôi mắt hồng hồng như thỏ con khinh khỉnh nhìn phía chân trời xa xa nói, trời nóng hen.

Tôi nhảy chân sáo sau lưng gật gù.

Phụ nữ quả là không thành thật tí nào hết.

—— Hôm sau dì vẫn ngồi xổm góc đường cái chờ tôi tan học, phì phèo điếu thuốc nắm lấy tay tôi, nhẹ nhàng đi qua đám đông hiếu kỳ xung quanh, gọi tôi một tiếng "Con trai" đầy tự hào.

Tôi gượng gạo đáp lại

Bởi vì trong số những con người rỗi rãi có cả vị chủ nhiệm đang trong thời kỳ mãn kinh của lớp tôi. Không ngoài dự đoán, ngay lần gặp phụ huynh đầu tiên bà đã hỏi, đó là... chị của trò?

Kể cả dì cũng không mấy tự tin với suy nghĩ của tôi, vì thế tôi lập tức dõng dạc, "Đó là mẹ em."

Tôi đã từng nghĩ rằng một đứa trẻ sẽ cảm thấy mình vượt trội vì mình khác biệt, trong mắt tôi, những gia đình kiểu mẫu nhàm chán trong sách giáo khoa không đáng chú ý, chỉ có khác biệt so với số đông mới được cho là mới mẻ.

Nhưng cảm giác mới mẻ này không duy trì được bao lâu, trong những tiếng cười cợt của đám nhóc choai choai, chúng tựa như quả dưa hấu thối rữa trong tiết trời mùa hè, nó tanh tưởi không gì sánh được.

"Hạ Tức."

Thằng nhóc béo cao hơn tôi hai cái đầu, nó đẩy vai tôi, đẩy mạnh vào thùng rác trong góc phòng học

"Mày chỉ là thằng con hoang nhặt từ thùng rác thôi."

Không thể để cho cái mùi thối rợn người kia ám vào người, tôi tung một cú vào cằm đối phương, xương ngón thấu đau đổi lại tiếng khóc rầm trời, tôi hoặc không nhúng tay, đã làm thì phải làm tới cùng, đá tiếp chân tên đó. Tiếc thay, thời cơ không hiểu ý người, chúng tôi đã bị giáo viên thể dục tách ra trong tiếng thét thất thanh của lớp trưởng.

Tuy nhiên tôi cũng trúng phải mấy cú trong cuộc ẩu đả, giàn giụa máu mũi.

Mà nguyên nhân tôi động thủ đa phần là do cái bụng trông như quả bóng cao su kia có vẻ đá rất thích.

Đáng ra tôi không nên làm như thế.

Một phút bốc đồng của tôi đã khiến Hạ Giai bị mời lên trường, banh mắt ra mà nghe mấy ông giáo già trông như tượng đồng Thiếu Lâm tự* tụng kinh. Mặc dù sự kiện ẩu đả này có thể là chưa kết thúc, các lão sư vẫn cho nó chỉ là trò trẻ con, cười cợt cho qua.

Vào ngày tiếp theo, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu tôi và tên béo giải hòa trước lớp, tôi nắm chặt bàn tay núc ních thịt của tên kia, người ngoài chỉ thấy tôi cười nhưng thực chất là đang mấp máy, giữ kín cái mồm mày.

Dường như tôi có một loại thiên phú đáng sợ nào đó, đặc biệt bộc phát trong tình cảnh bắt buộc.

Sau đó tôi ra sức sửa chữa sai lầm trước đây, quyết tâm làm một người con hiếu thuận ngoan ngoãn vâng lời, tất nhiên tôi vốn chỉ muốn dì an tâm —— không tồn tại cái gọi là giác ngộ, tôi chỉ làm vì dì. Tôi không muốn mẹ nuôi phải vất vả vì tôi như vậy, nhưng tôi không dám hỏi dì vì sao , có lẽ cũng không nên.

Nhưng sau đó dì lại nói với tôi.

"Ngần ấy lý do không đủ để ta bỏ lại con, " Dì nói, "Trên đời này người bị *cùng đánh gục là người hèn nhát. Vì cùng mà từ bỏ mơ ước của mình, vứt bỏ con của mình, vì thẹn quá hóa giận mà thành đi giết người cướp của, sau đó lại khóc lóc biện hộ là 'Tôi đây là bị ép buộc', đều là kẻ hèn hạ."

"Có thể là 'Ta không thích', 'Ta không nguyện', 'Ta không nhẫn', 'Ta không hứng thú', nhưng không thể là cùng."

"Con nhớ kỹ cho ta."

Dì ngậm cây cỏ rong chó, tàn thuốc hay tiền xu gì đó đều bỏ vào lọ đựng tiền tráng men trên bàn tôi.

Dì không thích kể về mình, nhưng thay vì nói là cố tình giấu diếm thì phải nói là không đáng để kể.

"Chỉ là một nữ sinh viên có hoàn cảnh gia đình bất hạnh bị lạc lối trên con đường nhân sinh, có cái gì hay ho?" Dì cười khẩy.

Quả thật chẳng có gì hay ho.

Tôi thử hỏi cách khác, "Vậy chừng nào mẹ tìm cho con một người bố?"

Dì im lặng một hồi, nói với giọng nhẹ tênh, "Ta lười, chờ tên đó tới tìm ta đi."

Tôi nghe mà như lọt vào sương mù, nói thô thiển thì, là tìm cái khỉ khô ấy.

Đêm hè ngắn ngủi, tôi mặc quần ngắn ngồi trong bồn tắm được dì gội đầu cho, xà phòng chảy xuống mặt, dì cũng gạt về lại trên đầu. Vừa tắm vừa trò chuyện, gội có hơi mạnh tay, tôi cũng không để ý mà chỉ nghịch con vịt cao su trong bồn.

Ngước lên trần, phòng tắm mờ hơi nước, tôi nhìn thấy nào bình nào lọ bên cạnh cửa sổ cùng với lớp sơn màu xanh lá bị bong tróc nơi góc tường, trông như vết sẹo âm ỉ.

Bên ngoài, những đứa trẻ chơi giỡn đầu đường sau khi tan học, đến lúc bị bố mẹ ba lần hối thúc mới tiếc rẻ đi về.

Cái TV cũ kỹ trong phòng khách chiếu những bản tin đầy vệt sóng nhiễu, bữa tối trên bàn hôm nay cũng không được đa dạng.

Nội thất ám trầm khiến căn phòng nhỏ càng thêm tù túng.

Sinh hoạt thường ngày là thế.

Mỗi ngày đều là một ngày khác biệt. Mỗi ngày đều là một ngày giống nhau.

Sáng nào cũng vậy, mỗi khi tôi rời giường, hết lần mò cạnh giường lại lăn lộn trong chăn một hồi, sau đó hớn hở khi nghe thấy thanh âm leng keng từ phòng bếp, rồi chạy tới nhìn dì chế biến bữa sáng đơn giản cho tôi. Dì không bao giờ qua loa chuyện chăm sóc tôi.

Tôi nghĩ, tôi có lẽ là ván cược cuối cùng trong cuộc sống túng nghèo của dì.

chương 3

Tôi có lòng học tập, phải cái tật xấu khó bỏ. Tôi chỉ nghĩ đây là một phương pháp giải quyết vấn đề, không phải duy nhất nhưng nó lại thỏa thuê nhất. Mãi sau này tôi mới hiểu, bạo lực khiến người ta cảm thấy sung sướng bởi nó đơn giản, trực tiếp, không cần kỹ xảo lại cho kết quả trực quan nhất: thắng là thắng thua là thua, cho nên một phần người ta kiêng kị bạo lực, một phần lại hưởng thụ cảm giác thỏa mãn bạo lực mang đến.

Thành thật mà nói, khu phố tôi ở cũng không tốt lành gì cho cam, một nơi mà phần lớn dân cư là thành phần dưới đáy xã hội như thế này quả là môi trường thích hợp cho cặn bã bại hoại. Trừ những lúc đầu tắt mặt tối lo cho kế sinh nhai hàng ngày thì tất nhiên những hoạt động bất hợp pháp như cờ bạc đầy rẫy ra, tôi lớn lên trong hoàn cảnh như vậy thì nào có tư cách thương hại hay ghi hận ai.

Dưới lầu là một con ma men.

Lầu gác xép chúng tôi thuê phải dùng chung phòng khách với y, mỗi ngày tôi phải đi qua cái phòng đã bê bối còn chật chội đó, có khi bắt gặp y ngủ gật trên sofa, kế bên là bộ quần áo cũ kỹ và cà mên, áo quần trên người đã không thay mấy ngày bốc mùi hôi chua lòm, nửa tỉnh nửa mơ, vành mắt sâu hoắm vì say rượu.

Y nhìn đăm đăm không rời, con ngươi quá nhiều tròng trắng khiến ánh mắt càng có vẻ hung ác. Tôi mỗi ngày đều phải đến trường nên ít khi tiếp xúc với y, quyết định đi đường vòng, tránh xa khỏi khu vực ôn dịch này.

Thực sự thì với tôi, "Sợ hãi" và "Chán ghét" không khác nhau mấy, bởi lần xung đột trực tiếp duy nhất giữa chúng tôi là lúc tôi vừa tan học về, thì thấy, y suýt nữa thì cường bạo Hạ Giai.

Cái tư thế vặn vẹo khi ấy đã vượt quá tầm hiểu biết của tôi, đầu óc choáng mù, não bộ như bị trì trệ và không có cách nào hình dung sự việc được nữa.

Đến lúc hoàn hồn thì mới nhận ra tôi đã nhào tới túm cổ áo y, sau đó chộp lấy con dao hoa quả đâm vào bàn tay y, cái cảm giác lưỡi dao bén nhọn xuyên qua da thịt khiến tôi rùng mình nhưng vẫn không thả tay ra.

Mũi dao làm thủng bàn trà, máu chảy xuống dọc theo chân bàn, bấy giờ y mới buông tha Hạ Giai, vung chân đá văng tôi đi.

Tôi ngã nhào xuống đất, ấy vậy mà tôi vẫn bình thản ngồi dậy, đỡ mẹ tôi bên kia, nhìn mẹ chỉnh sửa lại y phục xốc xếch, môi đã bị cắn rách, phun ngụm nước bọt có lẫn máu bên trong, trong khi đó nhịp tim không hề thay đổi.

Tôi há miệng thở dốc.

Dì bật cười, một tay ôm chặt lấy tôi. "Chủ nhà sẽ lập tức đến mà, thằng con kỹ nữ này."

Người đàn ông vô danh kia rút con dao đầy máu ném đi, tôi không nhặt lại, bởi vì lúc này cửa bật mở.

Vốn phải là ánh sáng bất tận phía sau cánh cửa nhưng lại bị vài người che khuất, tôi chú ý thấy một thanh niên có mái tóc ngắn bù xù màu vàng nhạt, lông mày đậm, trên người mặc bộ đồng phục màu đen cổ cao, tay đút túi quần, hắn khiến tôi liên tưởng đến mấy bộ phim Nhật, chả có gì tốt lành.

Hắn chắp tay sau lưng, trong miệng ngậm kẹo mút, nhếch cằm, nghiêng đầu với người trong phòng.

"Họ Triệu?"

Hắn hỏi người đàn ông có bàn tay đầy máu. Người kia giựt liên hồi huyệt thái dương, hiện ra thần thái tỉnh táo hiếm thấy trên gương mặt, "A..."

Hắn nghiêng đầu liếc nhìn tôi và Hạ Giai, với ánh mắt đờ đẫn và hỗn loạn, Hạ Giai vỗ vỗ tôi, bảo tôi lên lầu. Tôi nhặt lại sách vương vãi trên sàn, là do vừa nãy một đám người đột nhiên xông vào ấn chặt cái người họ Triệu kia, làm tôi hoảng hồn run tay làm rơi, sẵn lôi quyển tập bị một đôi giày da đạp lên, nửa dấu chân ịn lên trang bìa, hắn cũng ngồi xổm xuống, chộp lấy balo màu xám của tôi, đung đưa cái túi rỗng tuếch.

Ánh mắt của hắn khóa chặt tôi.

"Nhóc mấy tuổi rồi?" Hắn cười hỏi, tay đặt trên đầu gối, cong cong khóe môi.

"Mười." Tôi đáp.

"Còn nhỏ đã biết bảo hộ mẹ, rất có tiền đồ." Hắn đứng dậy, đưa tay xoa đầu tôi, xúc cảm hóa ra cũng không khác mấy với mấy chú mấy bác, rất ấm áp, tựa như giọng nói ôn hòa của hắn vậy.

Sau đó hắn ra lệnh với đám người ngoài cửa bằng giọng nói ấm nhuận ấy, "Nhét vào cốp xe, đừng làm hắn bị thương."

Bọn họ cung kính đáp, "Dạ, anh Diệp."

Tôi đoán, hắn họ Diệp.

Nhưng tôi đã lầm.

Bẵng đi một thời gian, tôi vẫn không biết tên đầy đủ của người kia, hắn cũng không quay lại, mấy người đen thùi không hợp cảnh kia cũng biến mất. Mẹ gọi hắn là ngài chủ nhà, tôi nghĩ hắn có thân phận không tiện tiết lộ, dù sao thì so với dì hắn còn trẻ hơn vài tuổi, không thích hợp với xưng hô người trên như thế này.

Tôi biết thế giới này rất rộng lớn, cuộc sống cũng không thể công bằng với tất cả mọi người. Tôi mặc bộ đồng phục lỏng lẻo đến trường, chiều chiều về nhà đá sỏi, ráng nhịn không đòi Hạ Giai món đồ chơi đắt tiền vượt quá khả năng chi trả, mặc dù tôi rất muốn. Tôi đã từng thấy hai vợ chồng làm lao công đi sớm về trễ, gia đình có người vợ một mình nuôi chồng tàn tật cùng con nhỏ, người chủ quán mì cả năm không có lấy một ngày nghỉ, còn có những người vì cái ăn không quản khó nhọc, họ còng lưng lết bước trên con đường cũ bẩn thỉu; Thỉnh thoảng họ sẽ dừng lại, cách quầy gọi tôi, tôi dừng bút lại, đứng trên ghế đón chào họ và nhận lấy những đồng tiền có thể coi là nhiều nhặn từ bàn tay thô ráp nứt nẻ kia, đưa cho họ chai sữa chua, một quả táo hay chút thức ăn nhanh. Chỉ vậy thôi mà nụ cười đã nở rộ từ niềm hạnh phúc nhỏ nhoi kia, vương vấn đắng cay cùng với sướng vui thỏa mãn.

Mặc dù bọn họ cười nhiều, lại rất ít khi khóc.

Bởi vì giả tạo có thể giúp chúng ta sẽ quên đi khổ đau, quên đi kiêu ngạo, quên đi xấu hổ.

— quên đi Thiên Đường vốn không bao giờ dành cho chúng ta.

W aka Glen Yuruzu: Mấy ông họ Diệp chả ông nào nghiêm cmn túc = =|| dù đây không phải tên thật :v btw sai sai sai quá sai rồi =)))) tui đã sai quá trầm trọng rồi.

chương 4

Tôi may mắn gặp được người bạn chân chính đầu tiên vào năm lớp 4 Tiểu học.

Hai chúng tôi ngồi đối diện nhau, những lúc tôi chuyền xuống trước mặt nó tờ trắc nghiệm Toán, nó rất hay gác chân lên thanh ghế ngồi đánh nhịp, đôi lúc tôi cũng không rõ nó nhịp cái gì, cả người lẫn bàn đều rung theo, ấy vậy mà tiết Toán cũng không còn nhàm chán nữa.

Có hôm mãi ngơ ngẩn không nghe giảng, tôi và nó bị phạt đứng ngoài hành lang. Cả lớp nhìn cười nhạo, tôi cũng đã quá quen với những ánh mắt như thế này, kéo khóa lên tận cằm, thọc tay vào túi đủng đỉnh đi ra ngoài, nó cười giễu một cái phía sau rồi đứng dậy, cúi đầu đi theo tôi. Gió tháng mười hai lạnh lẽo luồn qua lọn tóc xoăn, nó vòng qua tôi, đứng dựa tường.

Hành lang vắng lặng, không khí cũng lành lạnh, xa xa bên kia cửa sổ là một vùng trắng xóa tựa như tấm bông rũ nước, thấm đẫm từng chút một, từ từ cảm nhận cái lạnh thấu vào lòng. Phòng học lớp kế bên vang vang tiếng đọc sách, đôi lúc giọng nói nghiêm khắc của thầy giáo lại cất lên.

Nó nói với tôi, tên tao là Lý Khiêm Lam, Khiêm trong khiêm tốn, Lam là màu lam.

Tôi cũng nói, tao là Hạ Tức, tự[1] của chính mình đặt ở trong tim.

[1]: chữ Tức-息, gồm một chữ Tự 自 và chữ Tâm 心 chồng lên nhau

Chưa đầy 1 phút sau, tôi cố nhịn nhưng vẫn không chịu nổi mà cười một trận, Màu Xanh Khiêm Tốn??

Nó nhìn tôi, thật là một đôi mắt màu nâu đen xinh đẹp cùng với chiếc mũi cao thẳng, nó mò mẫm trong ống tay áo lấy ra dây tai nghe màu đen, hỏi tôi, Nghe không?

"Bài gì vậy?"

"Không biết, là Tiếng Anh." Nó khịt mũi, luồng khí ấm áp toát ra khi nói, "Nhưng mà nghe cũng hay."

"Nhưng giai điệu rất kỳ lạ."

Tôi vùi mặt vào cổ áo kéo cao, nghe một lúc cũng phải gật gù.

"Ừ, cũng được."

Sau đó chúng tôi 'được' giáo viên mời vào uống trà.

Hôm đó chúng tôi bị bắt đứng đến tận tan học, dù sao tôi cũng đã ghi chú mấy từ đơn lạ trong lời bài hát vào tay, về nhà ăn tối làm bài tập rồi lại quên béng không tra từ điển. Đêm đến, lớp tuyết thật dày đọng trên mái hiên đối diện, tôi cuộn mình trong tấm chăn ấm áp. Chút hứng thú nho nhỏ ấy đã nhanh chóng bị lãng quên ngay trong buổi tối.

Cho đến khi, một ngày nọ, tôi tình cờ nghe được giai điệu quen thuộc phát ra từ tiệm băng đĩa dọc đường, xung quanh đông nghịt người qua lại, tôi đã đi được một khoảng xa vẫn quay trở lại; cứ đứng tần ngần mãi trước tấm kính, bên người vẫn đeo cái túi xỉn màu, cái quần rách nát không thể che đi đôi giày thể thao bẩn thỉu, nhưng tôi vẫn ngẩng đầu, thành kính như đang thờ phụng.

Dường như có một con chim trong mắt tôi, nó đập cánh bay đi, bay xen tầng dây điện đan cài vào nhau, bay qua đại dương và sa mạc rộng lớn xa xôi, đi đến những nơi tôi chưa bao giờ được thấy.

Tôi bật ra một từ đơn, 'Stan'.

My tea's gone cold, I'm wondering why I got out of bed at all

the morning rain clouds up my window and I can't see at all

And even if I could it'd all be grey, but your picture on my wall

it reminds me that it's not so bad

it's not so bad[2]

[2]: Lyrics bài hát "" by DIDO

Đây là tên người.

Nhưng tôi là Hạ Tức, là tự của chính mình đặt ở trong tim.

Tôi thường hay nghe nhạc chung với Lý Khiêm Lam trong giờ nghỉ, trong lớp, tôi nghiêng người dựa vào cái lò sưởi phiến hiếm gặp, nó với tôi đều kéo khóa lên kín cổ, tay phải quay bút giải đề toán. Chúng tôi cách nhau 1 bàn, cùng đeo 2 bên tai nghe. Nó xé thêm tờ nháp.

Hai đứa không nhúc nhích gì, tôi chỉ nhìn không chớp lũ bạn cùng lớp đùa giỡn, xô đẩy nhau làm bàn ghế lộn xộn cả lên, mấy đứa con gái thì tụ một chỗ vừa nhâm nhi vừa líu ríu nói chuyện, thỉnh thoảng lại quay sang nhìn chúng tôi, lúc này tôi đổi nhạc.

Lý Khiêm Lam đẩy tôi, không cho đổi. Nó bỏ đôi tay cóng đến trắng bệch khỏi túi áo, lần mò tai nghe ấn nút playback.

Chúng tôi đã trải qua mùa đông như thế đó.

Chiều 30 Tết (tây), Hạ Giai đi chợ về, lấy cái túi nhét trong người đưa tôi, trong cái túi giấy hình chữ nhật ấy đầy quà bánh. Dì mặc bộ quần áo công nhân bằng vải bông dành cho nam, không biết lấy đâu ra, bộ quần áo rộng thùng thình che kín ba phần bốn cơ thể, càng tôn lên dáng người gầy nhỏ. Tôi mở cửa cho dì, nhìn mũ trùm được bỏ xuống lộ ra mái tóc đen dài, dì nhét cái túi vào tay tôi, "Cầm đi."

Dì đưa tay xoa đầu tôi, giọng điệu hớn hở nói, " Tiền nhà tháng này và tháng sau đủ cả rồi, gần đây thu nhập cũng không tệ lắm."

Tôi cầm túi không nói gì, bóc cục kẹo dinh dính bỏ vào miệng, chocolate ngọt ngào được bao bọc bởi viên sữa đậm đà, nhìn dì ung dung thay dép vào bếp, gọi tôi, " Con chạy đi khóa cửa tiệm hộ ta, ta đi nấu cơm, ăn sớm chút còn xem Gala Mừng Năm Mới*"

Tôi ậm ờ cho qua, cầm chùm chìa khóa đặt trên tủ giày, khoác cái áo ban nãy rồi chạy xuống lầu, qua tiệm tạp hóa bên kia đường.

Chúng tôi cũng không thường xuyên ở trong tiệm mà nhờ hàng xóm trông hàng giúp, tôi quen thói [3-ngựa quen đường cũ] chào hỏi ông chú hói và thím tóc quăn gần đây phát tướng, kiểm kê lại quầy hàng một chút trước khi đóng cửa, trong tiệm không bật đèn, bên ngoài là tiếng gió gào thét quật vào mặt kính đã kết băng[4], bốn bề chỉ có tiếng thở dốc vì chạy mệt của tôi.

[4]: nguyên văn 结了霜花- kết sương hoa

Tôi ra khỏi cửa, gió lạnh lùa qua ống tay áo tôi, tôi kiễng chân muốn kéo nắm cửa cuốn làm mái tóc dựng ngược ra sau, cố với cái móc đung đưa liên tục, cài khóa, rút cái chìa rỉ sét ra.

Lúc về lại đi ngang qua tiệm băng đĩa kia, vẫn là bản nhạc tôi thích ấy, tôi cũng không kiềm được đứng lại lắng tai nghe một lát.

Chợt có tiếng tắt động cơ xe ở sau lưng, tôi còn đang hát nhẩm theo cũng quay lại nhìn thì thấy một người đàn ông mặc vest đen đứng bên vệ đường*.

Tôi hơi vô lễ nhìn hắn cả buổi, ngờ ngợ một hồi mới chợt nhớ [5-hậu tri hậu giác], hình như đã gặp người này ở đâu rồi.

W aka Glen Yuruzu: Tụi nhỏ mới lớp 4 mà sao có cảm giác như cấp 2 ấy =.=


chương 5

"Há."

Hắn hếch cằm với tôi, tôi ngưỡng cổ lên nhìn – thân hình quá cao to đành chịu, tôi không biết nên chào hỏi như thế nào cho phải, bèn đáp, "Chào ngài."

Hắn mặc nguyên cây vest đen, trên vai khoác thêm chiếc áo bành tô lông cừu, từ kiểu dáng đến chất liệu đều thuộc hàng thượng hạng, trông như vừa trở về từ một buổi lễ trang trọng nào đó; Hắn đứng tại chỗ, sau lưng còn có hai người đàn ông lạnh lùng nghiêm nghị, bọn họ vẫn giữ nguyên tư thế mở cửa.

Quá nhiều màu đen chiếm mất tầm nhìn, tôi đành phải bày tỏ lòng 'tôn kính' bằng cả cơ thể, "Ngài chủ nhà."

Hắn vừa nghe thì ánh mắt chợt lóe rồi tắt lịm, ngớ ra, cười nói, "Ta không phải chủ nhà..."

Thấy tôi hoang mang đầy mặt, hắn nhanh chóng sửa lời, "...Cũng gần vậy đi."

"Sao chú lại ở đây?"

Rút lại câu hỏi kịp thời, nghĩ mãi vẫn không hiểu, sao người này lại xuất hiện ở nơi này, chưa kể tôi còn dùng chân chà chà giày làm nó càng bẩn thềm, hỏi vài ba câu nhảm nhí.

"Tôi", tôi thanh họng, "Tôi đang nghe nhạc."

Không ngoài dự đoán, hắn lật tay chỉ chỉ tiệm băng đĩa, kinh ngạc, "Cái này á?"

—Làm như tôi khiếm thính ấy.

Tôi thừa nhận tôi có hơi dỗi trong một giây, đúng một giây.

Cảm giác y lúc bị người ta coi thường mắng nhiếc vậy, nhưng không hề sai.

Hắn cũng nghe, nâng chân bước lên bậc thềm, tôi giật mình phát hiện khoảng cách 2 bên một lúc một gần, áp lực không phải khách quan về cự ly mà là trên khí chất, cảm giác áp bách giống như sông với đại dương. Tôi vừa nhận ra, bộ âu phục trên người khiến gương mặt trẻ trung càng thêm lạnh lùng, càng khiến nhân tâm e sợ.

Tôi chưa từng gặp người nào có khuôn mặt đẹp như thế.

Vẻ đẹp của hắn khiến người đối diện phải lúng túng, tay chân trở nên thừa thãi. Tôi chợt muốn co rúm lại, phần tự ti đã nghèo khổ còn ăn bám tận xương tủy dâng trào trong khoảnh khắc, giống như độc tố phát tác làm tôi khó chịu, khiến tôi cảm thấy bối rối về sự tồn tại của mình.

Ngay cả lần đầu gặp mặt cũng không nảy sinh cảm giác mãnh liệt như vậy.

Tôi muốn đi khỏi đây.

Hắn cũng không phản ứng gì, tôi uốn lưỡi nói thật nhanh, "Tôi về nhà gặp lại sau." Lập tức cầm chìa khóa chạy biến.

Tôi không màng đến tiếng nhạc vẫn đang réo rắt giữa trời tuyết nữa.

—o0o—​

Cả kỳ nghỉ đông tôi chui vào bàn sưởi làm bài tập, chuẩn bị tập sách, lâu lâu lại nghe radio, nhưng ít khi rà được cái tôi muốn nghe, toàn là những bản tình ca da diết, tình yêu lứa đôi.

Lý Khiêm Lam hình như về quê rồi, hồi mùng Một tôi có gọi cho nó 1 lần, cũng chỉ là chuyện tôi muốn dành tiền mua Album.

—o0o—​

Vào buổi học đầu tiên sau khai giảng, giáo viên giảng với chúng tôi về ước mơ.

Đối với một đứa trẻ đã hơn mười tuổi thì cái chủ đề này hầu như năm nào cũng nhai đi nát lại. Tôi chống tay trên bàn, thổi đi bã gôm trên trang giấy, tôi kéo áo khoác ngoài che đi cổ tay áo len bị bẩn lộ ra. Ruột chì ma sát in vết màu xám lên cổ tay, qua khóe mắt tôi thoáng thấy những hình bóng đứng lên ngồi xuống, tiếp đó, sau lưng có tiếng ghế kéo ra để đứng lên.

Lý Khiêm Lam bị điểm danh tự giác đứng dậy, tôi và mọi người đồng loạt nhìn nó, sự chú ý chưa từng được có làm nó tái cả mặt, nó khó khăn đáp, Con muốn trở thành DJ.

Ánh ban mai mỏng manh của tiết trời đầu xuân bao phủ bờ vai của nó, khiến vóc dáng trông có vẻ cao lớn hơn tôi. Nó nói ra danh từ lần đầu tiên mọi người được nghe, cố gắng nói mà giọng vẫn run run, thần kinh căng như dây đàn. Ngay cả giáo viên như không lường được đáp án này, hơi bất ngờ trầm mặc một hồi.

Hẳn cô giáo muốn đáp án phải là phi hành gia, nhà khoa học, quân nhân, bác sĩ, ... các kiểu, đằng này lại quá thực tế với trẻ con, cho nên cô chỉ kết thúc cho xong phần xấu hổ này. Cô giáo bảo nó ngồi xuống.

Tôi thấy rõ vẻ mặt như được thoát tội của nó trong nháy mắt. Ánh mắt chúng tôi giao nhau, nó chớp mắt với tôi một cái, gãi đầu, ngượng ngùng cười.

—o0o—​

Buổi chiều tan học chúng tôi cùng đi bộ đến nhà ga, không ai nói chuyện, lúc đi ngang qua một quán lẩu cay nhỏ trên phố, tôi dừng chân, nhìn vẻ thắc mắc trên mặt nó đang tới gần.

Sau lưng nó là đường cái rộng lớn sầm uất, bụi đất như bao trùm những dãy tòa nhà làm nó xám xịt, những con người hối hả bước nhanh vào giờ phút cao điểm, bức tranh đan xen nhau khiến tôi lóa mắt. Nó lẳng lặng nhìn tôi, phía trên là bầu trời xanh thẳm nhã nhặn (Khiêm Lam).

Giai điệu ấy lại vang lên trong đầu tôi.

Tôi chưa từng nghĩ đến ước mơ, tôi như sặc sụa trong cơn ho của sự tự ti. Đối với loại người như tôi, đây không phải ước mơ mà là ảo tưởng. Tôi không tiếc nuối gì cả, tôi biết một khi đã mở miệng là không rút lại được, tôi đã từng than thở, cái gọi là hiện thực đeo bám trên lưng tôi đã không còn có thể chối cãi. Không thể thay đổi, chỉ có thể nhẫn nhục chịu đựng.

Quá mức khát vọng chỉ dẫn đến ảo tưởng*( Cực độ quý trọng sẽ dẫn đến sự bảo bọc uốn cong thành thẳng), cho nên bị coi như là hình thức khác của sự tự tiện ( tiện trong ti tiện, hèn hạ). Niềm đam mê âm nhạc là bí mật mà tôi không thể kể với ai, giống như lần vô tình gặp 'chủ nhà' tại tiệm băng đĩa, vì đối với tôi, điều đó là 'không thể với tới' – phạm vi mới đáng cười làm sao.

Ngay cả một đĩa nhạc còn mua không nổi.

Tôi không muốn trở thành trò cười cho thiên hạ, nên cũng chỉ dám âm thầm khát vọng trong lòng mà thôi.

Nhưng càng ngày nó càng rừng rực sôi trào, càng thiêu đốt khó nhịn.

Tôi muốn đứng lên tuyên bố cho toàn thế giới biết, mặc kệ họ đồng loạt xoay lại nhìn tôi.

Tôi nói với Lý Khiêm Lam, tao muốn trở thành Rapper.

Tôi nói thật đó.

W aka Glen Yuruzu: Đánh giấu giai đoạn đầu tiên của em thụ trên con đường thực hiện ước mơ. Bây giờ mạch truyện rõ ràng hơn rồi.
P/S: Cái tiếng "Há" trên kia, có cảm giác như "Hí" ấy :v, truyện này mà hài khéo tôi đã để "ahihi" rồi =)). Có vẻ ưng 2 nv mới, chưa nói đến chính tà thấy đẹp là nhích :v

chương 6

Trước ngày sinh nhật 12 tuổi của tôi, vừa nghe trung tâm mua sắm gần nhà đang có đợt khuyến mãi, Hạ Giai sống chết cũng phải lôi tôi theo làm khuân vác cho bằng được.

Cũng không hẳn là làm không công, một lọ đào ngâm mật ong cũng không tệ, thịt quả mềm mại ngập trong nước mật vàng óng trong suốt.

Dì bảo đây coi như là quà sinh nhật. Bởi vì không rõ gốc gác của tôi nên chúng tôi tự quyết định lấy ngày dì nhặt tôi về làm ngày kỷ niệm hằng năm.

Nói cách khác, đây chính là ngày tôi được tái sinh.

Tôi vừa ngậm kem vừa xách túi dầu ăn và gạo, còn bàn tay với những ngón tay được sơn đỏ của dì thì xách túi rau củ nhẹ như không, tôi theo sau dì chen lên xe bus; xe bắt đầu lăn bánh, cái nóng oi nồng giữa tiết hè mang theo luồng khói bụi mù mịt đập vào cửa sổ kính trước mặt tôi.

Tôi đặt lưng dựa vào tay vịn nóng hổi, bỏ túi đồ trên tay xuống bên chân, Hạ Giai thuận tay vén tóc tôi, nói, "Cục cưng càng lớn càng đẹp mà."

"Tàn nhang vẫn còn hạn thường trú." Tôi nói nhỏ sửa lại, "Ở ngoài đừng gọi con là... Cục cưng, nghe kỳ lắm."

Dì bật cười, có vẻ rất hào hứng khi tôi xấu hổ, "Ái chà, mắc cỡ hả con?"

Dứt lời vỗ vai tôi, đưa tay áng chừng, "Cao lên nữa."

Lòng bàn tay dì thô ráp và đầy vết chai không hợp tuổi, đang độ thanh xuân lãng mạn lại phải bươn chải xóm chợ, không ngại cả việc leo lên sửa mái dột hay cò kè mặc cả với thương lái và người bán dạo, nhưng dì vẫn luôn khoe khoang về tôi trước mặt người ngoài và hất cằm ưỡn ngực như sẵn sàng đối đầu với cả thế giới; nếu có ai bàn tán chê cười chúng tôi, trong đó loáng thoáng "Không chồng đã có chửa", dì cũng không quan tâm.

Chúng tôi xuống xe, đến một sạp trái cây, dì bóc trái vải đỏ thắm nhét miệng tôi, hỏi, "Ngọt không?"

Tôi gật đầu.

—Rất ngọt.

...

Buổi chiều sau ngày thi cuối kỳ, tôi mang một vài quyển sách giáo khoa và sách tham khảo không cần thiết về nhà bán ve chai, những con chữ hành hạ tôi suốt sáu năm trời vậy mà cũng chỉ được 10 đồng, dù vậy tôi vẫn rất hài lòng, tạm thời bỏ qua chuyện tiền nong, lấy tiền mua một bao hạt dẻ rang đường mà Hạ Giai thích.

Tối hôm đó tôi qua nhà Lý Khiêm Lam ăn cơm, nhà nó đối diện hàng cháo ngon có tiếng, nhất là món cháo hải sản Triều Châu đặc sản, quán vẫn rất đông người mặc cho thời tiết khắc nghiệt hay những lão già thô lỗ cũng có mặt trong quán. Chúng tôi ngồi trên lầu, cánh quạt màu xanh nhạt xoay mòng mòng, bên rìa cánh còn có vết rỉ sét cũ kĩ, bóng đèn sáng trưng, cái TV 21 inch đặt góc tường đang chiếu phim, tôi cầm muôi múc cháo, kê gần miệng thổi cho nguội bớt, nghe Lý Khiêm Lam nói, "Sau này chúng ta vẫn có thể đến trường."

"Tốt rồi." Tôi gắp con tôm trong bát cháo ra lột vỏ, bỏ thịt tôm luộc màu hồng nhạt vào miệng.

Dù chỉ ăn mỗi nồi cháo nhỏ nhưng người vẫn đầy mồ hôi, quần áo ướt đẫm, sau khi ăn xong chúng tôi dạo chơi chỗ quảng trường của thành phố, hai đứa cứ cắm đầu chạy gần đài phun nước làm nước bắn tung tóe vào người 2 đứa trẻ nghịch ngợm, khắp quảng trường vang vọng tiếng cười đùa vui vẻ.

Giữa quảng trường, trong những âm thanh rộn rã, tôi hét với nó, Thật tốt quá, Khiêm Lam.

Nó hứng mặt vào dòng nước đổ như thác, để những lọn tóc màu đen quấn rít lấy nhau, đáp, Ừ.

...

Mùa hè sắp tới, tôi muốn tìm một công việc bán thời gian.

Trong thời gian chờ kết quả thi, tôi đã chạy đôn chạy đáo năm sáu con phố lân cận, cuối cùng có được công việc giao hàng cho một nhà hàng, dù có hơi xa nhưng tôi chỉ làm việc vào khoảng từ trưa đến chiều tối nên cũng không nhọc nhằn mấy.

Quan trọng là gần đó có một quán bar.

Lúc đầu Hạ Giai không tán thành, nhưng sau này cũng chịu thua với tôi, đành chỉ dặn dò tôi đừng về trễ.

Tôi cũng dặn lại dì, đừng để bị lợi dụng bởi mấy người giả mua thuốc.

Dì cười mắng, Thằng nhóc thúi.

...

Khí trời tháng Bảy vừa khô vừa nóng, mặt đất như bị tia nắng chọc thủng hòng rút cạn đi lượng hơi nước ít ỏi, tôi lái chiếc xe đạp của quán, hòa mình vào dòng người hối hả của ngã tư đường dưới ánh mặt trời 12 giờ trưa như thiêu đốt da thịt.

Thỉnh thoảng tôi được bà chủ quán bao ăn trưa, hoặc có khi dúi cho tôi hộp cơm thịnh soạn mang về, khiến tôi chợt nhớ lại những ngày tháng nhặt rác nơi hẻm nhỏ kia, vì thế tôi sẽ lễ phép và có một chút khách sáo từ chối bà.

Có lần tôi đi giao hàng đến quán net cách đây 500 mét, hên xui thế nào mà gặp được mấy tên cùng lớp. Đây hình như là một nơi kinh doanh ngầm phi pháp thì phải, tôi xách mấy bọc nylon đi vào, dưới ánh đèn lờ mờ dày đặt khói, tôi sặc không chớp mắt nổi, chỉ có thể thao láo nhìn dàn máy sáng rực.

Tôi lơ đãng nhìn quanh cái cảnh tưởng chừng như giống nhau mà chỉ hao hao* một chốc, chợt có người gọi, tôi men theo tiếng nói tìm chủ nhân nhưng đến hành lang lại bị một cánh tay chặn ngang.

* Đại đồng tiểu dị: Giống nhau ở cái lớn mà cái nhỏ khác nhau, ý nói chỉ khác nhau về chi tiết.

Người đó nói, Hạ Tức?

Không lớn nhưng vừa đủ nghe, khiến vài người hiếu kỳ nhìn qua đây, tôi không phản ứng, người đứng gần tôi nhất nói, À, Hi.

Cậu làm gì ở đây?

Làm việc.

Ồ, làm việc à. Có người sau lưng hắn cười châm chọc, là kiểu cười không kiêng nể, cười nhạo ra mặt, tôi không cần nhìn cũng tưởng tượng được bả vai run rẩy và khóe miệng hàm súc.

Tôi không nói gì, lách người chen vào giữa họ đi qua, nhận tiền từ người mua, bước ra khỏi cánh cửa sáng lòa.

...

Tiếng ve kêu, tiếng còi ô tô inh ỏi cùng với tiếng người vừa đi đường vừa nghe điện thoại ập vào màng nhĩ, tôi dừng xe đạp chỗ đèn giao thông, dưới ánh mặt trời gay gắt phải nheo mắt mới thấy được lằn ngăn, mồ hôi trượt theo khuôn cằm, tôi chớp mắt liên tục dù nó rất nhức.

Không chịu nổi lại chớp liên hồi.
___

W aka Glen Yuruzu: Hai bạn nhỏ rượt đuổi nhau giữa đài phun nước dễ thương quá Nếu không biết anh công trước thì khéo ship 2 đứa rồi. Cơ mà đây không phải thanh mai trúc mã hay thanh xuân vườn trường nên... =)))

chương 7

Đầu tháng chín cũng là lúc tôi cùng Lý Khiêm Lam bắt đầu năm học mới, bữa đầu tiên sẽ thông báo về các khoản phí và ngày nhập học chính thức, ngày thứ hai là huấn luyện quân sự và thi xếp lớp, thế là lại phải làm quen với môi trường và bạn bè lần nữa.

Tôi hoàn toàn bị động ở phương diện này, thà đứng ngoài nhìn các thanh niên dư thừa năng lượng chạy ngược chạy xuôi còn hơn ra mặt, bởi thế mới bị xếp vào hàng mờ nhạt trong khối, lời phê mỗi cuối học kỳ Tiểu học đều là 'Trầm tính hướng nội, chăm chỉ quyết đoán", hẳn sau này tốt nghiệp cũng không ai nhận ra trên ảnh kỷ yếu.

Đoạn thời gian này không có gì đặc biệt, có thể khái quát được trong vài dòng chữ, tôi vốn không có thói quen thập thò mà hưng phấn viết nhật ký, không lâu lâu lên cơn vênh váo đi khiêu khích lớp bên, kể cả lén nhét thư tình vào túi váy nữ sinh cũng không.

Đã nhắc đến nữ sinh xinh xắn thì không thể không kể đến Kiều Hinh Tâm ngồi cùng bàn với tôi.

Đừng thấy trong tên cô nàng có hai từ láy nghe có vẻ ngây thơ* mà lầm, đó là sức mạnh của từ đồng âm. Cái đẹp của cô nàng không phải loại đẹp lộng lẫy mà loại có trí tuệ, vừa có năng lực vừa có nhan sắc, không cần ngôn từ để hình dung, trên cơ bản đã khác xa với đám con gái thất thường hay kêu réo ầm ĩ rồi.

*Kiều Hinh Tâm – 乔馨心 : chữ "Hinh" – 馨 và chữ "Tâm" – 心 đều đọc là xīn

Có lần Lý Khiêm Lam tới lớp tìm tôi cùng đi ăn trưa, vừa thấy cô nàng đã khó thở, mất một lúc mới thụi nhẹ tôi nói khẽ, mày có thấy nhỏ trông hao hao nữ diễn viên Nhật Bản trên phim không?

Tôi tức thì né xa, quan sát nó từ trên xuống bằng ánh mắt cực kỳ khinh bỉ, đặng nói, không ngờ bây lại xem loại phim như này, bạn học kỵ sĩ của âm nhạc, tao thật thất vọng về bây.

Lý Khiêm Lam chỉ thiếu điều úp mặt tôi vào bát, không kiêng nể gì mà hét to, "Cái thằng này, tao đang nói đến Lily Chou-chou*!"

Lily Chou-chou: All about Lily Chou-chou, là bộ phim Nhật Bản trình chiếu năm 2001 do Shunji Iwai biên kịch và đạo diễn. Bộ phim khắc họa cuộc sống của lứa học sinh vừa bước qua tuổi 14 tại một trường trung học Nhật Bản, và ảnh hưởng từ âm nhạc của nữ ca sĩ Lily Chou-Chou đến một vài cá nhân trong số này. Link review:

Hồi chưa quen với người bạn cùng bàn, tôi và Kiều Hinh Lam không nói chuyện với nhau, thật sự, không có câu nào, nhưng thỉnh thoảng cũng gật đầu cảm ơn khi hai đứa chuyền bài sửa qua cho nhau.

Kỳ lạ là không ai thấy mất tự nhiên, bởi vì không cần thiết, hai đứa cũng thấy bớt việc và thoải mái hơn, khác với mấy nam nữ sinh khác, đứa nào dám lấn qua vạch ngăn cũng làm một trận, xem xét cho kỹ thì rõ là ấu trĩ.

Tôi thấy hình như mình cũng có một tâm hồn trưởng thành mà thanh cao nhé.

Kết quả là bị Lý Khiêm Lam bóc mẽ không thương tiếc, nói mày đừng có ảo tưởng, do mày quá lười thôi con, đến cười thôi còn sợ hết hơi nữa chứ, mày rõ là thằng bình bông mà.

Tôi vừa buồn cười vì cái lý luận rách nát và hình ảnh so sánh minh họa rất sống động của nó, vừa muốn đập nó một trận.

Thật ra tôi cũng không đến nỗi đó, chỉ là tôi không muốn rước lấy phiền phức, như việc giao lưu với bạn bè hay tiết Toán và hoạt động tập thể, sức người có hạn, vướng bận lại càng nhiều, tôi cần phải tiết kiệm năng lượng.

—o0o—​

Rap có thể giúp tôi giải tỏa áp lực.

Kỳ nghỉ hè vừa kết thúc, tôi dùng tiền dành dụm được của mình mua thảm chiếu, làm ai cũng hết cả hồn, nhưng rốt cuộc vẫn không đến cửa hàng băng đĩa, để phù hợp với nguyên tắc duy trì phát triển lâu dài, tôi đến cửa hàng đồ second hand tậu một cái mp3 cũ.

Nó là loại không màn hình, chỉ gồm có phím lớn hình tròn màu trắng cùng với ổ cắm tai nghe, sau lưng là cái kẹp hình vuông, có thể kẹp lên người, nó nhỏ đến nỗi tôi không khỏi nghi ngờ giá thành, anh chàng mọt kỹ thuật kia lại nói tôi không biết nhìn hàng, "Nhóc con không có mắt, không thấy trong tiệm chỉ còn mỗi một cái thôi sao, coi như nhóc là người quen mới ưu đãi cho đấy, nghe anh mày, đồ tốt đó."

Cái hộp nhỏ trong tay chợt nặng lên cả tạ, tôi rụt rè gật đầu ưng thuận, nhẹ nhàng hỏi, "Sau này em có thể tới đây dùng ké máy của anh được không...?"//để down nhạc về á

Đôi mắt cá chết như có thể ngất đi bất cứ lúc nào kia trừng tôi được voi đòi tiên, đẩy cái máy chắp vá trước mặt tôi, tức tối dí dí đầu thuốc lá vào gạt tàn rồi nói, "Đây này."

Tôi mừng húm, từ đó đến mỗi thứ Sáu tan học về là mang cặp đến chỗ tiệm sửa chữa với sức chứa cho ba người, anh ta cũng không ngại truyền bá tinh túy của khoa học kỹ thuật, cho nên tôi cũng hay đem món thịt hầm, tôi không nỡ ăn, mời anh ta để cảm ơn.

—o0o—​

Tôi chồm hổm trên chỗ vốn của người ta, kiên nhẫn lia chuột download từng bài về thẻ nhớ, còn anh ta thì ngồi vắt chân bên cạnh, bên dưới cái quần đùi rộng thùng thình là nguyên cánh rừng, miệng nhai chóp chép cơm chùa, "Nhóc nghe bài gì vậy?"

Tôi rút tai nghe đưa anh ta, chọn bừa một bài trong album đang mở, ảnh vừa nghe chưa đầy một phút đã tháo ra, vẻ cực kỳ ngạc nhiên trên gương mặt đầy dầu mỡ, "Nhóc nghe hiểu hả?"

"Nghe nhiều cũng quen."

Anh ta lắc đầu. "Anh mày ngần ấy tuổi vẫn không ngấm nổi loại này...Có gì hay ho chứ?"

Tôi thầm may ổng không nói cái quái gì đây. Tôi giải thích, "Đây là Hardcore rap, thể loại rap gằn giọng ấy."

"Hò, có vẻ ngầu." Anh ta hỏi, "Nhóc muốn làm ca sĩ à?"

Tôi gõ phím, không để ý chun mũi nói, "Đúng thế, có gì không anh hai."

"OK, OK, nhóc, anh sẽ cầu cưng lên như diều gặp gió." Giờ anh ta mới hé ra được lời khen, dù nghe rõ dối lòng, "Đừng quên người anh em khó nghèo có nhau này là được."

Anh chàng mọt kỹ thuật đã no nê cơm nước, ngồi xỉa răng, ánh mắt lại nhìn về phương trời xa xăm, nom cũng có khí chất cao nhân lắm. Cơ mà tôi quá hiểu anh ta chỉ đang tăm tia chị gái mặc quần cũn cỡn ngoài kia, tôi đã thấy cổ 2 lần rồi, quần áo không bao giờ trùng, có cái ít vải như nhau, bà chị đứng chỗ kia chào mời khách vào tiệm mát xa có cái đèn màu hồng.

"Làm người phải có ước mơ." Anh chàng mọt kỹ thuật thở dài, bàn tay đầy hỗn hợp mùi thuốc lá và dầu máy xoa đầu tôi, "Gái cũng được tiền bạc cũng tốt, dù sao cũng phải có mục tiêu, không thì khó sống lắm."

W aka Glen Yuruzu: Again, tui vẫn thấy mấy đứa nó không giống học sinh tiểu học lắm ==

chương 8

Kỳ thi giữa kỳ đã sắp đến gần, nhưng lúc này tôi phát hiện nan đề gay go trong học tập của mình – tôi học lệch nghiêm trọng.

Nghiêm trọng đến cỡ nào á.

Ngữ Văn và Tiếng Anh kết quả tối đa, Lịch Sử, Địa Lý, GDCD cũng tạm chấp nhận, Hóa Học, Vật Lý, Sinh Học vừa đủ trên trung bình, chỉ có Toán là thê thảm đứng bét.

Thành ra là xếp cuối lớp.

Nguyên nhân chính là, tôi vốn hứng thú với rap, cho nên rất đầu tư vào Tiếng Anh, hiệu quả rõ rệt có thể thấy; mặt khác, Khoa học tự nhiên và tôi không chung chí hướng, tôi không tài nào chống cự nổi cơn buồn ngủ ập đến vào mỗi giờ Toán học, Hóa Học Vật Lý còn vớt vát lại được nhờ áp dụng công thức, nhưng đối với môn học cho rằng chỉ cần theo đúng hướng là có thể giải quyết, tôi là tôi không có tí ti cái hướng nào hết, kể cả đánh lụi trắc nghiệm thôi mà xác suất đúng cũng thấp thấy thương.

Dù sao thì tôi vẫn cảm thấy tự trách lắm, nhất là sau khi Hạ Giai họp phụ huynh về không ngờ lại an ủi tôi, không thể đáp ứng kỳ vọng của người khác càng khiến cảm giác áy náy càng tăng lên.

Bởi tôi không mấy quan tâm, không quan tâm thành tích không màng ánh mắt người đời, ngày ngày cắm tai nghe làm bài tập, không để ý thế gian, đây là lần đầu tôi cảm thấy thật sự xấu hổ.

Phải làm gì đó cải thiện tình trạng này.

Sau khi nhận được thông báo kết quả, nhân sinh mười ba năm của tôi có biến buộc tôi phải suy ngẫm lại.

Tan học, tôi cùng Lý Khiêm Lam chạy đến cây cầu đá màu xám xanh chỗ kênh đập, nó vắt áo đồng phục lên vai, sống lưng hiện lên bên dưới lớp áo sơ mi trắng tinh, nó vén áo lên lau mồ hôi, bâng quơ nói, "Bảo con nhỏ cùng bạn phụ đạo cho."

–Ah, suýt thì quên vị top 3 toàn khối kế bên.

Tôi không hiểu biết mấy về Kiều Hinh Tâm.

Da nhỏ rất trắng, đồng phục nghiêm túc phẳng phiu, giống hệt bánh răng vận hành một cách chính xác, sinh hoạt hàng ngày dường như không bao giờ lãng phí thời gian, nghe giảng, đọc sách, thỉnh thoảng tranh thủ chợp mắt trong giờ học, không tụm năm tụm ba đi vệ sinh với các bạn nữ, bị thầy giáo gọi lên bất ngờ thì trả lời với giọng nói nhẹ nhàng.

Tuy không đến nỗi xa không với tới nhưng khó gần là chắc chắn.

Đối tượng nữ giới tôi từng tiếp xúc từ bé đến giờ chỉ có mẹ tôi thôi.

Bọn trẻ ở độ tuổi này còn rất hiếu động, hễ có đứa nào hồ hởi lại gần làm thân thì sẽ ngầm dè chừng nhưng giả vờ nhiệt tình; Nếu như trong trường có mấy đôi như này, thì hẳn là ngày nào cũng có phim xem, chúng bạn coi như chiến sĩ sẵn sàng hi sinh thân mình mua vui cho mọi người sau giờ học mệt mỏi.

Vì vậy cho nên, dù rất muốn mở miệng nói 'Cậu có phiền dạy tớ Toán không', nghe như một lời thú nhận lố bịch ấy, không nói được.

Cơ mà tôi đã nhanh chóng phát hiện điểm chung hiếm hoi giữa hai đứa, đó là vừa làm bài vừa cắm tai nghe.

Điều này vốn là vi phạm nội quy, nhà trường từng nghiêm cấm học sinh mang theo thiết bị điện tử — tất nhiên là chẳng có tác dụng gì rồi. Mỗi trường đều có một khuôn phép riêng, nhưng cuối cùng học sinh vẫn ngoan cố lách luật, dù sao thì, đạo cao một thước, ma cao một trượng*

"Ðạo cao nhất xích,
Ma cao nhất trượng.
Ðạo cao nhất trượng,
Ma tại đầu thượng."

Nghĩa:
"Ðạo cao một thước,
Ma cao một trượng.
Ðạo cao một trượng,
Ma trên đầu ta."

=> Khi người tu hành tu được một chút công đức (đạo cao 1 thước) thì trước mặt người đó khó khăn phải vượt qua sẽ đến mạnh hơn, dồn dập hơn trước (ma cao một trượng).

Mà tiết tự học vào buổi tối chính là khoảng thời gian học sinh bùng cháy. Lén trốn giáo viên tám chuyện trên trời dưới đất, xem tạp chí, ăn vụng, chuyền giấy, chơi điện thoại, thậm chí mấy bàn cuối còn mở sòng Tiến lên, cứ như ban ngày bị tử khí bao trùm phải ẩn thân, đến đêm là hiện nguyên hình.

Đến Kiều Hinh Tâm thanh niên nghiêm túc vậy mà còn cắm tai nghe nhạc vừa làm bài, nhỏ đó y hệt quyển sách giáo khoa ấy, chuyện này coi như hơi bị ngạc nhiên rồi.

Cũng trong hôm đó, thầy giáo chúng tôi yêu cầu phải hoàn thành xong bài tập ngay hôm nay, đồng thời mời các giáo viên khác tới giám thị, người nào xong mới được về. Núi bài tập khổng lồ khiến lòng người hoang mang, công phu tán dóc cạn kiệt, bể sòng bài, nhất thời cả căn phòng chỉ còn tiếng loạt xoạt múa bút, nghe mà hoảng hồn.

Kiều Hinh Tâm vẫn đeo tai nghe.

Sau đó vẫn là người đầu tiên nộp bài.

Trong thời gian nhanh đến không tưởng, nhỏ bỏ bút xuống và tháo tai nghe ra đứng dậy.

Người nào người nấy như bông hướng Tâm dõi theo nhỏ, loáng thoáng nghe tiếng xì xào to nhỏ, tôi có thể đoán được nội dung đại khái. Nhưng cái mà tôi chú ý đến là tai nghe đặt trên cuốn sách.

Màu đen, hiệu Sony, nom đắt tiền.

Xung quanh yên ắng lạ thường, tôi ngồi gần đó nên nghe được tiếng đổ vỡ từ trong loa tai nghe, cứ như tính ăn mòn quái dị của Acid Sulfuric, da gà nổi đầy người.

Kiều Hinh Tâm về chỗ ngồi, nhỏ vén mái tóc đen ra sau tai, gương mặt thanh tú, dáng vẻ bình thản.

Lúc nhỏ ngồi xuống, tôi lúng túng hỏi, "Cậu nghe...Rock à?"

Bàn tay trắng xanh của nhỏ, dưới ánh đèn sáng trưng trong phòng học, mở ra và đặt lên trang sách, nghe tiếng hơi nghiêng đầu qua, con ngươi màu xám uể oải nhìn tôi.

Tôi đã thấy tia sáng lạnh băng lóe lên, thay vì trầm tĩnh lại là xuyên thấu lòng người.

"Là Acid Rock, hay còn gọi là Psychedelic Rock" nhỏ nói, "Có cả Black Metal* nữa"

*Black metal là 1 nhánh chính của heavy metal có đặc điểm sử dụng nhịp nhanh, thường chơi ở khoảng âm cao bằng kỹ thuật reo dây bằng phím (tremolo picking), trống đánh nhanh (thường blast beat), thu âm thô (tức là không qua xử lý phòng thu) và cấu trúc bài hát không theo một quy định nào.

– Rất nhiều năm sau, khi tôi muốn gần gũi với ai đó, tôi nhất định phải nghe thử playlist của người đó trước. Dù là tình ca hay dân ca, nhạc đồng quê hay Punk, âm nhạc phản ánh con người, phân tích tâm tư người đó, thấu hiểu quá khứ của người đó, không thể khẳng định người đó bạo lực hay dịu dàng, nhưng chỉ có âm nhạc là sẽ không dấu giếm.

Tôi có thể nghe ra được.

—o0o—

W aka Glen Yuruzu: Cái câu về Đạo và Ma, tức là cái thiện vẫn chiến thắng cái ác. Tuy nhiên đó là cái thiện tâm mạnh mẽ có đủ năng lực hàng phục cái ác ở chính tâm mình.
Rap, Rock, Dà ~ chọn truyện này quả là một ý hay mà ^^ , my style ~

chương 9

Lần kiểm tra trắc nghiệm Toán trước cuối kỳ, tôi đã phải cố gắng rất nhiều để đạt được kết quả trên trung bình.

Đây không chỉ là công lao của riêng một người.

Vào thứ Sáu, chuông tan học vạn người chờ vừa reo, tôi kẹp bài kiểm tra vào sách Toán và sửa soạn lại bàn học, cặp sách, vừa ngẩng đầu lên đã thấy hai người họ đứng chờ tôi ngoài kia.

— Từ góc nhìn này có thể thấy Kiều Hinh Tâm đứng dựa tường, trên vai nhỏ là túi sách quai màu xanh sẫm, hai tay thọc vào túi áo khoác mùa thu hơi dài mang đến cảm giác lạnh lẽo cho người khác. Nhỏ không nói gì hết.

Mà đối diện là Lý Khiêm Lam, từ lúc đứng ở phía còn lại thì con ngươi cứ hướng về phía người ta, nhưng không dám quá suồng sã, phút gần gũi hiếm hoi vậy mà cũng không nói nên lời.

Tôi đây kẹp giữa hai người họ không phải đối tượng phù hợp để chuyện trò.

Cho nên là cả một bầu trời khó chịu.

"..."

Ban đầu không phải như này.

Tháng trước, Lý Khiêm Lam vừa nghe tôi bắt được cành học bá thì căm phẫn biểu thị vậy cũng được á? "Nữ thần cũng quá dễ dãi rồi, thậm chí cả lấy lòng cũng không cần."

"Thứ lỗi nếu tao không làm mà hưởng, " Tôi nói, "Tao dở Toán, đó là sự thật."

Nó nghe vậy thì suy tư, "Không thì... Lần sau kiểm tra tiếng Anh tao nộp giấy trắng há!.."

Tôi không thể không khinh bỉ nó, trợn mắt chưa bao giờ trắng đến vậy, "Hay là bây cắt chân trước mặt nữ thần luôn cho rồi, biết đâu còn được người ta chăm sóc."

Cái này Lý Khiêm Lam cũng trầm tư.

Tôi nghi ngờ nó định làm thật.

Tôi kỳ thị nó trong tình huống như thế này còn phẳng não đến nỗi dũng khí dứt khoát cũng bay sạch, cho nên chủ động rủ hai đứa đến một tiệm bánh có tiếng gần trường.

Sau nhiều lần tiếp xúc, tôi cùng Kiều Hinh Tâm có thể coi như bạn bè bình thường chơi với nhau, ban dầu nhỏ chỉ phụ đạo tôi sau giờ Toán thôi, không tán gẫu linh tinh — vậy mà hợp ý tôi, tôi cũng không nói chuyện linh tinh với nhỏ, cùng lắm lâu lâu trao đổi về âm nhạc.

Người ta nói cha mẹ nhỏ đều là giáo viên, mẹ là giáo viên vũ đạo còn cha là giáo viên thanh nhạc, là sự phối hợp chất lượng cao, ngoài ra còn có một người anh đang là sinh viên nghệ thuật. Lớn lên trong điều kiện đủ đầy thuận lợi như thế này, nhỏ theo con đường nghệ thuật là bình thường, nhưng ngoài mong đợi của người nhà, nhỏ không chọn nhạc cổ điển phù hợp nhất mà là Rock.

Kể cả tôi cũng ngạc nhiên vì bề ngoài và đam mê ít liên quan đến nhau của nhỏ, nhưng cẩn thận nghĩ lại thì lại thấy rất có chủ kiến.

Nhỏ đối xử với người xung quanh chân thành, làm việc cẩn thận, duy chỉ không nói nhiều lắm, hiện tại chúng tôi đang chú ý phía đối diện phần xoài trước mặt. Tôi không động đậy, chỉ nhìn chủ quán đi tới chỗ trước bàn chúng tôi rồi dán cái gì đó lên tường.

Chủ quán là một sinh viên hơn 20 tuổi, mặc áo T-shirt hoa văn là hình vẽ Grafiti, có mái tóc màu hồng tía, vừa trải tấm poster ra vừa huýt sáo lạc nhịp.

Tôi chú ý thấy hai bạn nhỏ kế bên cũng giống vậy, cố rướn cổ ra nghía góc poster lộ ra.

"Là buổi concert"

Lý Khiêm Lam "A" một tiếng, nhìn tôi, "Bây biết không?"

Tôi lắc đầu, Kiều Hinh Tâm kế bên lại gật đầu, "Biết."

Nhỏ buông nĩa, cầm khăn ướt không biết lấy đâu ra lau tay, một vẻ 'Cảm tạ bao ăn', "Đây là concert của underground Rock band à?"

Người trả lời lần này là chủ quán, hắn quay lại hớn hở vỗ tay, "Hí! Mấy đứa cũng biết sao!"

Tôi chỉ biết sơ sơ về lĩnh vực này nên không chen miệng, cúi đầu gặm nhấm nửa tô kem còn lại, bên tai là đối thoại của bọn họ, "Tối mai, ở quán bar Bình Minh số bốn ngoài đường cái, vì là buổi diễn định kỳ nên không thu vé, bắt đầu lúc 8 giờ... Cơ mà, mấy đứa nhóc tì, nên đi cùng với người lớn hay đi thành nhóm thì hơn."

"Tại sao?"

"Sao à...?" Chủ quán ngừng lại một chút, ngậm điếu thuốc úp úp mở mở, "Tụi kia bung lụa mà quẩy, thành phần bẩn thỉu xấu xa cũng ở đó, mấy đứa còn nhỏ, nên cảnh giác một chút."

Lần đó chủ quán tạo cảm giác sâu sắc lạ thường, làm tôi nhất thời tưởng tượng ra khung cảnh sống động dựa trên chương trình TV: bọn con trai với mái tóc dài đầy vẻ chán chường cùng ánh mắt đờ đẫn, trên người có thể giũ ra cả sa mạc Sahara, người khản cổ gào thét trên sân khấu, người phía dưới phì phèo nhả khói, quần ma loạn vũ, quên đi tất cả, cứ như tận thế sẽ ập xuống trong khoảnh khắc tiếp theo.

Đây là việc đã cỡ nào chứ.

— đứng trên sân khấu, nhìn mọi người dưới khán đài điên cuồng nhảy múa, là cảm giác ra sao nhỉ?

Ban đầu tôi không nói gì, giương mắt nhìn phản ứng của Lý Khiêm Lam và Kiều Hinh Tâm... hóa ra, trong lúc tôi thất thần họ đã xúm lại chuyện trò, nhưng cũng trong dự liệu, chỉ là thấy Lý Khiêm Lam đột nhiên từ bệnh nhân cà lăm giai đoạn cuối hóa mùa xuân, có nói gì thì mặt vẫn đầy vẻ kích động.

Nó hỏi tôi, Hạ Tức, đi không?

Cái muỗng trong tay rớt xuống, trượt vào đáy ly bơ.

"A, được chứ, tao đi"

Lúc nói tôi cố ý liếc qua Kiều Hinh Tâm, nhỏ đan hai tay, vẫn không nói gì, nhưng ánh mắt lại dao động không rõ rệt, hình như nhỏ thật sự muốn đi.

Ngẫm lại lời chủ quán, tôi cũng hiểu ý Lý Khiêm Lam: Sao có thể để một quý cô yếu đuối tay trói gà không chặt đi một mình được, nói thế nào thì chúng ta phải cũng hộ tống.

Đây là tự giác của đàn ông.

Tôi không do dự nữa, gật đầu đồng ý, "Vậy hẹn vào 7 giờ tối mai tại cổng trường nhá."

"Ừ."

Khi Hạ Giai biết tôi muốn ra ngoài chơi với bạn bè thì trên mặt viết chữ vui vẻ rõ to.

Tôi biết tôi trong mắt dì có vẻ tăm tối hơn so với bọn trẻ cùng lứa, không hoạt bát hiếu động, từ nhỏ cũng không có bạn bè, dì hiển nhiên nhận trách nhiệm về mình, điều đó làm dì không yên lòng, thậm chí khó chịu.

Thật ra tôi không có ý kiến, hoặc biết đâu đấy, tôi không có gì phàn nàn về những gì mình có.

Nhưng thấy dì vui vẻ làm tôi cũng vui theo.

Cảm xúc này vẫn bập bùng đến tận khi tôi tới chỗ hẹn trước cổng trường.

Tổ hợp 2 nam 1 nữ bất luận thế nào thì vẫn có hơi kỳ dị, nhưng tôi và 2 vị bằng hữu đây ngoài mặt hồn nhiên không quan tâm, đồng thời trong lòng cũng vô tư.

Bữa tối đã ăn trước ở nhà, chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện về trở ngại người nhà, tôi và Lý Khiêm Lam hai thằng con trai không cần quá lo lắng, Kiều Hinh Tâm hơi ngại, chỉ dám nói với anh trai mình đi xem liveshow.

"Bố mẹ không muốn tôi theo đuổi Rock, " nhỏ thở dài, "Tôi còn phải tốn kha khá thời gian để họ tiếp nhận đây."

"Bố mẹ tôi còn nghĩ tôi muốn làm học giả đây này." Lý Khiêm Lam nghiêm túc nói. Tôi méo miệng cười cười hùa theo, nghĩ thầm, tôi đây còn không dám nói với Hạ Giai chuyện tôi muốn làm ca sĩ.

Mẹ tôi trông thì có vẻ phản xã hội nhưng thực ra trong thế giới quan vẫn có chuẩn mực giới hạn riêng, người làm nghệ thuật chỉ có hai loại kết cục.

Một, ngồi hát rong nơi cầu vượt.

Hai, xuống nông thôn làm từ thiện.

Nghĩ lại thật ưu thương.

Tôi không cần phí công nghĩ về tương lai mai này của mình nữa, vì khi gần đến cổng quán bar thì một luồng sáng như đèn tuyết ập vào mặt tôi.

—o0o—

chương 10

Vừa bước vào bên trong, linh hồn bé nhỏ của tôi quang minh chính đại bị câu đi mất.

Hồi hồn lại, nhìn mấy người co rúm đứng ở cửa, còn trẻ mà đã nghiện thuốc, ánh đèn mù mờ hắt bóng họ như yêu ma, phía sau cánh cửa là buổi trình diễn nóng bỏng. Hai đứa con trai chúng tôi kẹp Kiều Hinh Tâm ở giữa, khách khí nói, "Xin nhường đường ạ." đi qua dòng người, nhưng vẫn cảm giác được những ánh mắt lưu luyến trên chúng tôi.

Phía trong chật ních người, chen chúc nhau chỉ còn kẽ hở nhỏ. Có vẻ như ban nhạc này được chào đón không phải dạng vừa, tôi kéo Lý Khiêm Lam đang ngó nghiêng tìm nhân vật chính trong poster, liên tục đụng phải các cô gái có hình xăm diêm dúa trên cánh tay khiến họ nhao nhao.

Cánh tay tôi đột nhiên bị nắm lấy, là kiểu ôm khuỷu tay, cánh tay nhỏ nhắn của nữ sinh không thể lầm được, vậy mà sức lại lớn đến bất ngờ, dứt khoát lôi hai thằng con trai khỏi đoàn người đến chỗ có thể coi là trống trải.

"Nhìn kìa."

Tiếng của Kiều Hinh Tâm thấp hơn 8 độ so với tiếng thét rầm trời xung quanh, tôi nhìn chung quanh không thấy bất kỳ đứa trẻ nào xấp xỉ chúng tôi, toàn thanh niên khoảng hai đến ba mươi, thậm chí có cả người đàn ông hơn 40 tuổi có ánh mắt quái lạ.... Lý Khiêm Lam vỗ lưng tôi, bảo tôi nhìn sân khấu.

Tôi cứ kiễng chân không chạm nổi đất, luôn có người cầm máy ghi lại trước mặt, tôi phải thay đổi góc nhìn liên tục.

Tôi cuối cùng cũng nhìn rõ năm người trên sân khấu, một cô gái tóc ngắn tươi tắn, một tên cao to vóc người đậm cùng với tay piano tay bass và drummer ngoài ánh sáng; Tên mập mang rặt khẩu âm Bắc Kinh không lầm được, nụ cười giòn giã tạo cảm giác tâm khoan thể bàn* náo động không khí.

Bụng to thân béo (tâm khoan thể bàn): chỉ người bụng dạ rộng rãi, vẻ ngoài khoan thai.

Trên mặt và cổ hắn đầy mồ hôi, tỏa sáng lấp lánh dưới ánh đèn, không cần lời giới thiệu dài dòng, hắn hướng về phía khán giả nói qua mic —

"Dâng hiến thanh xuân sau tòa đô thị

Vì giấc mộng tươi đẹp ta sẵn lòng trả giá."

Nhất thời xung quanh rơi vào yên tĩnh lạ thường, hơn chục người, thậm chí hơn trăm người hầu như kìm nén hơi thở.

Tôi không dám động đậy.

"Trao ái tình gửi đến người yêu dấu

Người theo ta cất lên lời ca, theo ta đi khắp thế gian

Theo ta cùng sống chết có nhau."

Mãng nhĩ rung động theo nhịp trống, bóng người nhấp nhô mờ ảo, ai đến người đi, dần dà có người hát theo tiếng ca cao vút của tên mập, càng lúc càng nhiều. Tôi như bị treo lửng lơ, lỗ chân lông co rồi lại nở.

—- Cảm giác được chăm chú dõi theo, được săn đón, được hòa mình cùng giai điệu, là như thế nào?

"Vượt qua đau thương đến với hy vọng

Người có dũng khí sánh cùng ta

Cùng nhau bỏ trốn thành đô về nơi xa nhất

Cùng nhau bỏ trốn làm người hạnh phúc."

Đang trong lâng lâng như hít phải thuốc phiện, tôi bỗng bị Lý Khiêm Lam đẩy một cái, ánh mắt mờ mịt nhìn người bên cạnh.

Hình như thiếu thiếu ai đó.

Không thấy Kiều Hinh Tâm.

Thoát khỏi biển người trong quán bar, mồ hôi lạnh chảy ròng ròng trên trán tôi, lòng bàn tay cũng dính nhớp.

Bên trong không ai biết chúng tôi đã rời đi, tên mập kia cũng đã thay đổi ca khúc, cảm ơn qua loa giữa khúc chuyển, lúc đó hai chúng tôi đang đứng chỗ WC nữ chần chừ không biết có nên vào tìm người.

Cuối cùng là nhờ nữ nhân viên phục vụ vào xem thử, không có.

Vẫn không thấy Kiều Hinh Tâm.

Ý thức được sự thật này thì mồ hôi lạnh đã dày đặc thêm.

Chúng tôi lạc mất con nhỏ này rồi.

Tôi quay đầu lại nhìn quán bar "Bình minh", cảm thấy nó rất giống một nơi long xà hỗn tạp.

Vấn đề hiện tại là nên làm gì đây.

"Tính sao đây?"

Lý Khiêm Lam nhìn quanh quẩn hai bên đường, nếu tính có người tiếp cận Kiều Hinh Lam rồi bị mang đi là một khả năng, tìm trong quán không thấy người vậy thì chỉ còn 2 phương hướng tìm thôi, tôi vừa định mở lời thì nó đã chạy đến cửa hàng tiện lợi kế bên quán bar, hỏi nhân viên thu ngân nhìn chúng tôi nãy giờ, "Xin hỏi, chị có thấy... thấy mấy người đi từ quán bar đó ra không? Trong đó có một cô bé khoảng 13 14 tuổi, đi cùng với những người không bình thường.... Mặc quần jean áo khoác trắng."

Tôi nghẹn họng trân trối nhìn nó, nhưng nó không nhìn tôi, nữ thu ngân ban đầu là ngẩn người, nghe thấy giọng điệu không có vẻ gì là đùa nhây mới cố nhớ lại, "Hình như là có.. Một cô bé rất xinh xắn phải không, nón áo khoác có cái tai thỏ nữa."

Tôi và Lý Khiêm Lam đồng thanh, "Dạ!"

"Cô bé bị xô đẩy buộc đi cùng với một nhóm đàn ông." Mặt cô nhăn nhó như đã hiểu ra cái gì đó, "Phía Đông bên kia đường có một xưởng hàn đã bỏ hoang... Ở đó thường hay xảy ra chuyện..."

Câu nói này đã khẳng định suy đoán trong lòng tôi.

Bất cứ ai vừa nghe chuyện như thế này đều có thể đoán được sự việc phát sinh.

Cảnh tượng năm 10 tuổi khi ấy vẫn rành rành trước mặt, gân xanh huyệt Thái Dương như muốn nổ tung. Lỡ như Kiều Hinh Tâm gặp phải chuyện gì bất trắc thì hai đứa tôi chết cũng không hết tội, nhỏ mới có mười mấy tuổi, nếu như sự việc gì đáng sợ xảy ra thì không biết ăn nói thế nào cho phải với gia đình.

Bánh răng xoay mòng mòng, vô số ý nghĩ dù tốt dù xấu lần lượt chạy qua đầu như lăn bánh, sự thật ngoài tầm với, tôi không thể nghĩ ra được đối sách nào hữu dụng; giả sử bên kia người đông thế mạnh, hơn nữa bọn họ cũng đã vị thành niên lăn lội xã hội, chúng tôi lại là trẻ con tay không tấc sắt, làm sao đánh lại được.

Tôi biết đây không phải lúc hối hận. Phải chi bọn tôi ở nhà ngoan ngoãn làm bài tập cuối tuần, không chạy ra ngoài chơi thì hay biết mấy.

Tôi siết tay gõ trán, chợt thấy một người đứng gần cửa hàng tiện lợi.

Chính xác thì hắn không hẳn là 'Đứng', mà là dạng chân chống đất ngồi trên chiếc xe máy màu đen, ngậm điếu thuốc đang xẹt xẹt châm lửa, tiết thu gió lộng, hắn châm mấy lần cũng không được.

Tia lửa giúp tôi thấy rõ mặt hắn.

Hắn cũng thấy tôi.

"Yo."

Không nói bừa đâu, với khuôn mặt gây ấn tượng sâu đậm như thế này thì cho dù là ai cũng không quên được.

"Nhóc con." Hắn gọi tôi, tiếng nói ngâm dài tùy hứng có chút vui vẻ, "Ở đây làm chi thế."

Hình như hắn hơi khác mấy năm trước, dù sao thì cảm giác của tôi với hắn cũng không đặc biệt sâu sắc. Tôi lại đánh mình cái nữa, cố nén sợ hãi, bước vài bước đến chỗ hắn, hắn không mặc đồng phục cổ cao, không mặc áo khoác lông dê, mái tóc hắn vén ra sau tai làm chiếc khuyên tai càng thêm lóe sáng.

Tôi thấy hình như mình run đến choáng luôn rồi, tôi nói, ngài chủ nhà, tôi có thể đi nhờ xe không?

Diệp... Tôi cắn răng, nuốt xuống chữ kia, Anh, xin anh đó.

Tôi đứng hắn ngồi vừa tầm nhau, hắn chậm rãi quan sát tôi, đầu lọc còn kẹp giữa răng môi, bóng đêm phản chiếu trong đôi mắt kia thật tươi đẹp mà hào nhoáng, sóng mắt lưu chuyển rồi lại trở nên khó nắm bắt.

Hắn chớp mắt mỉm cười.

"Được chứ." Hắn lắc lắc cái bật lửa trong tay, "Trước khi đi, cho anh xin miếng mồi lửa cái đã?"

—o0o—

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #bb