đàm phán
41 chiến thuật và nguyên tắc trong đàm phán-Trần Văn Khê
Ngày nay, trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Trong một cơ chế như thế, các cá thể, tập thể cần một lưu lượng giao tiếp rất lớn hàng ngày. Một trong các vấn đề cốt lõi của các cuộc giao tiếp là sự đàm phán và thương lượng. Có người nói đó là linh hồn của giao tiếp. Cuốn sách này nhằm giúp các bạn một số kỹ năng và phương pháp để trở thành người đàm phán và thương lượng giỏi. Tư tưởng của nó là: Nếu bạn là người đi đàm phán và thương lượng, bạn luôn luôn phải nghĩ và tạo điều kiện cho đối tác (hay bên kia) cũng đạt được thắng lợi như bạn chứ không phải là đàm phán chỉ mang lại thắng lợi cho bạn mà thôi, tức là cả hai cùng có lợi.
Tại sao lại như vậy? Bởi vì trong thương trường và cuộc sống rất ít các cuộc đàm phán và thương lượng chỉ xảy ra một lần giữa hai bên là xong. Hoặc chỉ "làm ăn" với nhau một lần xong là thôi. Thông thường chúng ta cần làm ăn lâu dài với nhau. Cao hơn tất cả là uy tín và tiếng tăm tốt. Bạn có thể dùng các biện pháp để thắng đối tác một lần với những lợi nhuận to lớn. Nhưng nếu bạn không tạo cho đối tác một điều gì có lợi cho họ, dù là một sự an ủi, thì bạn sẽ mất rất nhiều, nếu không nói là sụp đổ sự nghiệp trong tương lai. Chúng ta gọi cách làm như vậy là "chụp giựt".
Thương trường quốc tế hiện nay đang diễn ra các cuộc cạnh tranh ngoạn mục. Cách làm trên chỉ là vật cản trở cho cạnh tranh. Chiến lược và chiến thuật đàm phán là điều rất quan trọng của một cuộc đàm phán thương lượng để có được kết quả hai bên cùng có lợi. Không phải đối tác nào cũng có cùng tư tưởng như vậy. Nhiều người chỉ muốn dành thắng lợi về phía họ. Tiếp theo đó, bạn phải có tính cách của một con người công tâm và đáng tin tưởng. Có như vậy đối tác mới tin ở bạn mà tiếp tục đàm phán.
1. Chiến thuật chê bai
Người đàm phán giỏi thường có thói quen chê đắt ngay từ đầu khi nghe phía bên kia nói giá. Họ trợn mắt ra vẻ ngạc nhiên về "giá đắt quá". Đây là chiến thuật "dội gáo nước lạnh" vào đối phương.
Ví dụ:
- Người mua: Ông bà định tính giá căn nhà là bao nhiêu?
- Người bán: Dạ thưa, 110 "cây".
- Người mua (mở to mắt): Ông bà không đùa đấy chứ? Tại sao lại đắt quá vậy.
- Người bán (kể thêm các giá trị khác): Dạ thưa không đùa ạ, bởi vì nhà có đồng hồ điện nước riêng, đã đóng lệ phí sử dụng đất, gần trường học, chợ búa và bệnh viện ạ. Nếu người mua không "chê đắt" thì người bán chắc chỉ dừng tại đó. Nhưng không, người mua và người bán lại tiếp tục.
- Người mua: Tôi nghĩ là giá quá đắt đấy ông chủ ạ.
- Người bán: Không đâu. Đấy là tôi chưa kể tiền đường sá, cống rãnh tôi đã đóng đủ rồi ạ.
**** Đối lại chiến thuật chê bai
Khi bạn ở cương vị người ra giá và bị "chê đắt" thì phải biết bảo vệ các giá trị của nó. Không được nhượng bộ khi bạn chưa hiểu chắc chắn tại sao họ lại "chê". Nhiều người "chê" vì họ không hiểu biết về sản phẩm, dịch vụ hay giá cả, thậm chí không biết giá trị của nó. Bạn phải giải thích và nêu ra các tính năng tốt của sản phẩm và dịch vụ, hoặc có thể đưa ra giá của một số sản phẩm dịch vụ khác để họ tiện so sánh. Người ít kinh nghiệm rất dễ nhượng bộ khi bị chê bai.
Có một câu chuyện vui nhưng cũng minh họa được ý trên. Có một người mang ba con vẹt ra chợ bán. Một con có lông màu xanh, một con có lông màu vàng và một con có lông màu đỏ.
- Khách hàng: Con màu xanh giá bao nhiêu?
- Người bán: Dạ thưa 100.000 đồng.
- Khách hàng: Sao mắc quá vậy?
- Người bán: Dạ không. Nó nói giỏi lắm, nói như người thật.
- Khách hàng: Thế còn con màu vàng?
- Người bán: Dạ thưa... 200.000 đồng.
- Khách hàng: Ông giỡn tôi hay sao vậy? Con kia 100.000 mà con này những 200.000?
- Người bán: Dạ không! Ngoài biết nói ra, con này còn biết múa và đánh thức chủ thay cho đồng hồ báo thức ạ.
- Khách hàng: Thế còn con màu đỏ?
- Người bán: Dạ thưa... 1.000.000 đồng.
- Khách hàng: !!!...!!! Ông này bán hàng kỳ quặc quá, làm gì mà mắc như heo vậy. Con kia 200.000 mà con này tới 1.000.000? Chắc nó còn biết thêm nhiều thứ hay lắm đây như thổi sáo, làm xiếc, ảo thuật, ngâm thơ và ca cải lương chắc!!!
- Người bán: Dạ không! Nó không biết làm gì hết ạ.
- Khách hàng: !!!...!!! Vậy sao lại đắt tới 1.000.000?
- Người bán: Dạ... thưa... dạ... thưa... Vì nó là sếp của hai con kia ạ.
2. Chiến thuật "bỏ đi"
Chiến thuật "bỏ đi" có nhiều tác dụng trong một số trường hợp và hòan cảnh nhất định. Khi làm như vậy phía bên kia sẽ dễ nhượng bộ hơn thay vì phải thuyết phục lâu và rắc rối. Ở Việt Nam, chiến thuật này thường được áp dụng ở hầu hết các chợ búa. Hồi chưa lấy vợ, tôi hay phải đi chợ. Tôi luôn áp dụng chiến thuật này. Khi nghe người bán nói giá xong, tôi trả giá một câu. Nếu người bán hàng không đồng ý, tôi giả bộ "bỏ đi" và người bán hàng nhượng bộ ngay lập tức sau khi tôi bước được ba bước. Ở các chợ bán đồ điện tử ở Singapore, tôi cũng đã áp dụng chiến thuật này và đạt được kết quả tốt khi tôi mua tivi, đầu máy.
Trong đàm phán - thương lượng lớn cho các công ty hay quốc gia, chiến thuật này cũng thường được áp dụng. Tôi đã mục kích có lần một phái đòan đưa ra một điều kiện quá cao, thế là bên kia không mặc cả, không bàn thêm lấy một lời. Trưởng đòan đứng lên nói: "Rất cảm ơn các ông đã đến hợp và trình bày cho chúng tôi nghe, bây giờ chúng tôi xin lỗi phải ra về vì có một số việc quan trọng phải làm ở cơ quan". Họ đứng dậy ra về một cách dứt khóat để lại muôn vàn hối tiếc cho phái đòan nọ. Lần họp tiếp, tôi thấy thái độ của họ và điều kiện đưa ra khác hẳn, mềm hơn, nhẹ nhàng hơn và có tính thuyết phục hơn.
**** Đối lại chiến thuật "bỏ đi"
Bây giờ bạn ở cương vị của người ra giá (hay người bán hàng). Nếu bạn nói đúng giá và xứng đáng với hàng hóa hay dịch vụ và bạn thấy mình hòan tòan không bị ế hay là "phá sản" thì không nên gọi người mua lại khi họ "bỏ đi". Vì khi gọi họ lại bạn bị yếu thế hơn rất nhiều. Đặc biệt là trong các cuộc đàm phán - thương lượng trịnh trọng và có ý nghĩa thì việc chạy theo gọi lại vào bàn đàm phán là hết sức dở. Làm như thế chẳng khác nào tạo thêm thế cho phía bên kia. Để giữ thế cho mình, người ta cứ để cho họ "bỏ đi" rồi hãy tính sau.
3. Chiến thuật cạnh tranh công kênh
Đây là chiến thuật có nhiều hiệu quả nhất và thường được áp dụng trong nền kinh tế thị trường. Người mua hay người thuê chỉ cần đưa ra lời "đe" là có nhiều người khác đã chào hay mời họ với giá rẻ hơn. Lúc đó, người bán có thể sẽ dễ thay đổi các điều kiện hay giảm giá đi.
Ví dụ: Bạn nói: "Có ba nhà thầu đã báo giá xây dựng cho tôi rồi đấy. Ông báo giá cao hơn họ những 2 "cây". Thực tình, tôi muốn thuê ông làm cho tôi nếu ông chịu giảm giá.
**** Đối lại chiến thuật cạnh tranh công kênh
Bây giờ nếu bạn ở cương vị người bán hay người đi làm dịch vụ. Khi bị công kênh theo kiểu có sự "cạnh tranh" thì bạn cần phải bảo vệ và trình bày cho họ hiểu về chất lượng của hàng hóa hay dịch vụ của bạn hoặc đưa ra các ưu điểm mà các hàng hóa và dịch vụ khác không có.
Một lần đi mua máy giặt, tôi đã khảo giá ba, bốn nơi trước khi đến cửa hàng nọ. Tại đây giá cao hơn những chỗ kia. Tôi nói cho họ biết là giá ở ba, bốn chỗ kia rẻ hơn. Họ nói: "Chúng em bảo hành cho anh trong một năm, ngoài ra chúng em còn chở về tận nhà lắp đặt cho anh đâu vào đấy". Tôi đã bị họ chinh phục.
Bạn cần nhớ một điều là nhiều khi họ công kênh lên như thế để rồi trả thấp xuống, hòng kết thúc giao tiếp với bạn chứ họ không có ý định mua hoặc thuê bạn. Có nhiều khi họ chỉ làm động tác khảo giá mà thôi.
4. Nguyên tắc viết ra các ràng buộc chặt chẽ
Nguyên tắc này thường được áp dụng khi phải làm các hợp đồng thuê mướn. Khi viết ra các ràng buộc chặt chẽ bạn sẽ xác định rõ ràng các trách nhiệm của mỗi bên. Bởi vì, nhiều khi người ta chỉ thống nhất những điểm chung chung mà thôi, trong khi thực tế lại rất phức tạp và nhiều thứ "hầm bà làng" hơn.
Ví dụ: Bạn đi thuê nhà để ở. Sau một thời gian đi tìm, cuối cùng bạn tìm thấy một căn nhà ưng ý và đồng ý thuê với các điều kiện sau:
- Thuê trong vòng một năm.
- Giá là 1.000.000 đồng/tháng.
- Được miễn một tháng.
Sau đó một hai ngày, bạn làm hợp đồng. Lúc bấy giờ bạn cần viết các ràng buộc một cách hết sức chặt chẽ như sau:
- Thuê trong vòng một năm, kể từ 1 - 1 - 1995.
- Giá thuê là 1.000.000 đồng/tháng bao gồm tiền điện, tiền nước (người chủ chịu).
- Tháng được miễn là tháng thuê đầu tiên. Tiền thuê trả hàng tháng vào ngày cuối cùng của tháng đó.
"Bút sa gà chết". Khi nói có thể thiếu nhưng khi viết ra cái gì thì phải hết sức chặt chẽ, bởi vì nó là những cơ sở cho pháp lý sau này. Trong ví dụ trên ta thấy lúc đầu các điều kiện rất lỏng lẻo.
**** Đối lại sự thể hiện chặt chẽ trong văn bản
Với cương vị là người cho thuê, nếu như lúc đầu gặp nhau đồng ý những điểm cơ bản rồi. Sau đó về nhà, phía bên kia viết ra các ràng buộc chặt chẽ quá, có lợi cho họ nhiều hơn thì bạn phải phản ứng ngay. Bạn có thể nói là: "Lúc đầu tôi với ông đồng ý với nhau như thế nào, ông còn nhớ không?" Nếu bạn không phản ứng ngay thì sẽ bất lợi cho bạn. Bạn để một thời gian rồi mới quay lại đàm phán tiếp, lúc đó họ sẽ nói: "Sao ông không báo ngay cho tôi biết, bây giờ mọi việc tôi đã chuẩn bị xong hết rồi". Bạn đã bị "cải thể".
5. Chiến thuật đánh tụt giá xuống
Đây là chiến thuật làm giảm bớt hy vọng của người bán hay của phía bên kia.
Ví dụ: Khi đi tìm mua một căn nhà. Bạn nghe người chủ nhà đưa ra giá 100 "cây". Bạn có thể trả thật thấp xuống còn 30 "cây". Lúc đầu trả như vậy, người bán sẽ bị "dội một gáo nước lạnh" và sẽ giảm bớt hy vọng. Nếu bạn có thiện chí mua, sau đó một thời gian bạn quay lại thì sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
Anh bạn tôi đã kể cho tôi nghe về "thành tích" chinh phục một người đẹp được coi là hoa khôi của trường. Lúc đầu anh ta tạo cho được sự quen biết bình thường với cô ta như mọi người khác. Trong lúc các chàng trai khác thi thố tài năng và ra sức lấy lòng người đẹp nọ thì anh ta hờ hững, dửng dưng mặc dù trong lòng rất thích và rất yêu cô ta. Với thái độ như vậy của anh bạn tôi, cô ta phải nghĩ lại và giảm đi phần nào sự kiêu hãnh mà tạo hóa đã dành cho mình. Từ "trên từng cây số", anh bạn tôi đã tiến công cho đến thắng lợi cuối cùng.
**** Đối lại khi bị đánh tụt giá xuống
Với cương vị là người bán, khi bị đánh tụt giá quá thấp, bạn có thể đối lại như sau:
- Không nói chuyện hoặc đàm phán nữa.
- Nếu thấy giá mà bạn đưa ra là hợp lý và xấp xỉ với mặt bằng giá chung thì bạn có thể khẳng định bằng câu nói cá độ: "Nếu ông mua ở đâu được giá như ông nói tôi sẽ cam kết biếu không ông thêm từng ấy tiền".
6. Chiến thuật "hỏi ý kiến cấp trên" hoặc "hỏi ý kiến bà xã"
Đây là một kế "hoãn binh" tạo một khỏang thời gian "đệm" để tiến lui cho tốt hơn. Dù bạn đã đồng ý nhưng hãy để trong lòng và nói câu cuối cùng trước khi ra về: "Để tôi hỏi ý kiến cấp trên rồi trả lời ông vào cuối tuần này, được không ạ?" hoặc "Để tôi về hỏi ý kiến bà xã, có gì ngày mốt tôi quay lại trả lời". Làm như vậy rất có lợi vì bạn có thêm thời gian để suy nghĩ thêm, sau đó là "mượn lời cấp trên" hay "mượn lời bà xã" để trả bớt đi hay ra thêm điều kiện. Thực ra, ở đây không có "cấp trên" hay "bà xã" nào cả. Tôi hay áp dụng chiến thuật này khi đàm phán - thương lượng với đối tác nước ngoài. Có nhiều lĩnh vực tôi không hiểu, để giữ quan hệ và giữ thể diện cho mình cũng như phòng tránh các "hớ hênh", khi kết thúc, thường tôi nói: "Tôi đồng ý với những gì ông đưa ra, nhưng để tôi trình bày với giám đốc và xin ý kiến của ông ta đã. Tuần này ông ta bận giải quyết một số vấn đề cấp bách. Nếu không có gì thay đổi tôi sẽ trả lời ông vào thứ ba, lúc 8 giờ nhé." Tôi có cả một tuần để tìm tòi và suy nghĩ kỹ thêm mà không bị họ phát hiện ra điểm yếu, không mất quan hệ và quan trọng là giữ được đối tác trong không khí thân mật. Sau khi xem xét kỹ, vào ngày "đến hẹn lại lên", tôi thường trả lời là: "Thủ trưởng của tôi hoan nghênh các kết quả đàm phán giữa chúng ta, tuy nhiên ông ta yêu cầu cần phải có... hoặc giá nên là...".
Khi đi mua nhà đất để kinh doanh, tôi cũng hay áp dụng chiến thuật này. Tôi nhớ có lần tôi đi mua một mảnh đất. Tôi rất thích miếng đất đó và quyết định mua sau khi trả giá. Ngay sau đó tôi nói với người bán: "Để tôi về xin phép bà xã đã, nếu như bà ấy đồng ý thì chủ nhật sau tôi sẽ chồng tiền". Hai ngày sau, tôi quay lại và nói với người chủ: "Bà xã tôi chê hai điểm. Thứ nhất là giá đắt quá, thứ hai là ngay đầu hẻm có mấy ngôi mộ. Bà ấy sợ ma".Và cuối cùng tôi cũng ép bên kia bớt được thêm 10 "cây".
**** Đối lại chiến thuật "hỏi ý kiến cấp trên" hay "hỏi ý kiến bà xã"
Bây giờ bạn đóng vai trò của phía bên kia. Ngay từ lúc đầu bạn vào đàm phán - thương lượng bạn có thể hỏi ai là người quyết định cuối cùng. Làm như thế bạn sẽ chặn đứng khả năng "lùi" của đối phương hoặc là biết trước mà lường. Nếu người nói chuyện với bạn không phải là người quyết định cuối cùng thì tốt nhất là bạn chỉ đưa ra có chừng mực và khôn khéo làm sao để họ cho gặp trực tiếp người ra quyết định cuối cùng.
**** Đối lại khi bị hỏi "Ai là người ra quyết định cuối cùng"
Bây giờ bạn lại đóng vai trò ngược lại. Bạn bị họ hỏi: "Phía bên các ông, ai là người ra quyết định cuối cùng?" thì đối phó ra sao? Nếu bạn không phải là người quyết định cuối cùng thì cứ mạnh dạn chân thật nói là không, chứ không nên nói dối. Sau đó bạn nói cho đối tác biết rằng người quyết định cao nhất bao giờ cũng nghe và xem xét ý kiến của bạn trước khi ra quyết định cuối cùng. Khi đó đối tác mới tin và trình bày với bạn nhiều hơn.
**** Đối lại khi nghe "Bao giờ người quyết định cao nhất cũng nghe và xem xét ý kiến của tôi trước khi ra quyết định"
Bạn có thể lựa chọn một trong ba cách sau:
- Bỏ đi.
- Dùng chiến thuật "siết ốc" sẽ trình bày ở phần 9.18.
- Dùng chiến thuật "quậy" và quấy rối sẽ trình bày ở phần 9.21.
7. Chiến thuật thả bóng thăm dò
Nhiều khi, để biết rõ hơn về vai trò của người đàm phán trực tiếp với ta "nặng bao nhiêu gram" trong việc ra quyết định cuối cùng hoặc sự ảnh hưởng của anh ta ra sao đối với vấn đề cần bàn, bạn có thể phải "thả bóng thăm dò".
Sau khi "thả bóng thăm dò" xong, qua phản ứng của họ, bạn sẽ suy đóan được "gram" của người đang nói chuyện với bạn, từ đó mà "liệu cơm gắp mắm" như ông bà ta đã dạy.
Ví dụ: Khi đi mua nhà, sau khi tìm được căn nhà mà chủ nhà đòi 100 "cây". Bạn có ý muốn mua nhưng muốn trả 50% chậm lại sau đó 6 tháng. Bạn có thể "thả bóng thăm dò" như sau:
- Nếu bà đồng ý, tôi sẽ trả bà 70 "cây". Lúc đầu tôi trả bà 35 "cây", sau đó 6 tháng tôi sẽ trả hết cho bà, có được không?
- Giá 70 "cây" không được đâu. Chắc giá là 90 "cây" thì tôi mới bán.
Như vậy là bạn thả một "quả bóng thăm dò" giúp bạn có thể suy ra được hai điều: Một là bà ta có thể chấp nhận cho bạn trả 50% chậm lại 6 tháng. Hai là có thể 88 "cây" bà ta sẽ bán. Với những thông tin và suy đóan như vậy, bạn sẽ yên tâm và tự tin hơn cho lần gặp cuối cùng để trả tiền.
Chiến thuật "thả bóng thăm dò" là chiến thuật tốt thường được áp dụng trong các cuộc đàm phán - thương lượng lớn. Bởi vì nó tránh được các "phạm húy" không cần thiết và giúp ta có thể suy đóan tốt hơn. Một điều quan trọng là khi bị phản đối, hai bên vẫn giữ được quan hệ tốt đẹp với nhau sau khi né tránh vấn đề "cấm kỵ" đó.
Người Việt Nam rất nhạy cảm với những gì thuộc về tế nhị. Cách giao tiếp của người Việt nhiều lúc trở nên tinh tế ở một trình độ mang đậm màu sắc nghệ thuật và trí tuệ. Tôi nhớ có một lần sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác kinh doanh với công ty nọ của Pháp, thủ trưởng tôi muốn sang Pháp tham quan cơ sở của công ty đó. Thủ trưởng tôi nói: "Tháng sau có một công ty ở Mỹ mời tôi sang thăm cơ sở của họ ở New York, theo ông thì tôi nên bay theo hành trình thành phố Hồ Chí Minh - Singapore - Hawai - New York hay thành phố Hồ Chí Minh - Bangcoc - Paris - New York?" và thủ trưởng của tôi nhận ngay được một phản ứng tích cực: "Nhân tiện, chúng tôi mời ông sang thăm chúng tôi và nên đi theo hành trình qua Paris."
**** Đối phó với trường hợp đối tác "thả bóng thăm dò"
Vấn đề quan trọng là phải nhận biết được "họ đang thăm dò ta đấy". Từ đó mà "tương kế tựu kế". Khi cần, ta cũng có thể nói thật và thẳng. Nếu bí, ta có thể tiếp tục "vòng vo" tiếp với bạn để có chút thời gian suy tính.
8. Chiến thuật thêm thắt
Chiến thuật này được áp dụng sau khi đã đạt được sự đồng ý ban đầu. Lúc đó bạn thêm vào một số điều kiện. Theo tâm lý thì những việc lớn đã đồng ý rồi thì những việc nhỏ cũng đồng ý luôn.
Ví dụ: Bạn nói: "Tôi đồng ý là mua với giá 100 "cây" nhưng để lại cho tôi cái tủ lạnh, máy điều hòa và cả điện thoại nữa nhé?"
**** Đối lại với chiến thuật thêm thắt
Khi bạn bị người ta áp dụng chiến thuật "thêm thắt" thì hãy cương quyết từ chối hoặc yêu cầu họ nên thêm cái gì thì phải đổi lại cho bạn thứ khác.
9. Chiến thuật xẻ thành mảnh nhỏ
Nhiều trường hợp nếu để cả một khối lượng lớn thì người ta thấy khó "trôi" hơn, nên người ta chia nhỏ thành từng phần hoặc tính theo đơn vị. Làm như vậy tính thuyết phục sẽ cao hơn. Nhiều khi người ta chấp nhận do cảm giác bị đánh lừa.
Ví dụ: Một người có diện tích đất là 50x25=1000m2. Ông ta muốn bán với giá 200 "cây". Những khách hàng có số tiền trên 200 "cây" rất ít, do đó việc bán diện tích trên rất khó khăn. Một người bạn của ông ta đã mách cho ông ta là chia nhỏ diện tích đất ra làm 10 lô với diện tích 5x25 và bán với giá 30 "cây"/lô. Quả nhiên ông ta bán hết nhanh chóng với tổng số tiền là 300 "cây", hơn kế họach đề ra là 100 "cây". Lý do là giá 30 "cây" là vừa với túi tiền của rất nhiều người và người ta dễ chấp nhận hơn.
**** Đối lại chiến thuật xé thành mảnh nhỏ
Nếu bị vấp phải chiến thuật "xé thành mảnh nhỏ" thì bạn lại phải đối lại bằng chiến thuật "hợp thành mảnh lớn". Với ví dụ trên, bạn có thể khôn khéo liên kết với 50 khách hàng kia và bầu ra một người thống nhất giao dịch với chủ đất, nói rằng: "Tôi sẽ mua hết 10 lô của nhưng ông lấy của tôi là 20 "cây" một lô, được không?". Làm như vậy ít ra chủ đất cũng bớt được vài cây.
10. Chiến thuật không đàm phán không thương lượng
Nhiều người sau khi đưa ra giá cả và điều kiện của họ, thường đưa ra câu khẳng định "không đàm phán - không thương lượng". Lý do là vì, thứ nhất là họ tin vào lý lẽ của họ đưa ra là đúng, thứ hai là họ muốn giảm bớt hy vọng của đối tác, thứ ba là họ làm cho phía bên kia xem xét lại thái độ.
Ví dụ: Bạn đang đi tìm mua một căn nhà. Sau một thời gian tìm kiếm bạn tìm ra một căn nhà ưng ý. Bạn trả chủ nhà với giá thấp hơn giá trị họ đưa ra là 15%. Người chủ nhà trả lời là "chắc giá và không có thương lượng trả tới trả lui đâu. Ông bà có mua thì mua, không mua thì thôi".
**** Đối lại chiến thuật "không đàm phán - không thương lượng"
Trong trường hợp trên, đối phó lại chiến thuật này của chủ nhà, bạn có thể làm như sau:
- Nhờ người môi giới hoặc người khác đến thuyết phục.
- Áp dụng chiến thuật "bỏ đi". Nếu sau một thời gian, chủ nhà không thấy có dấu hiệu khả dĩ hơn, họ sẽ tìm đến bạn.
11. Chiến thuật chia nhỏ tiền
Chiến thuật này có phần giống như chiến thuật xé thành mảnh nhỏ. Người ta tránh nói số tổng mà chia số tiền lớn đó thành những số nhỏ, làm cho phía đối tác không có cảm giác là mình phải giải quyết một số lớn.
Ví dụ: Một chủ đất định bán một diện tích đất là 1000m2 với giá 300 "cây". Thay vì nói là 300 "cây", người chủ đó nói 3 "chỉ"/1m2.
**** Đối lại chiến thuật chia nhỏ tiền
Cách tốt nhất là phải có khả năng tính nhẩm nhanh. Khi nghe thấy một số tiền nhỏ trên một đơn vị nào đó thì phải tính được ngay tổng số.
12. Chiến thuật cưa đôi chênh lệch
Khi hai bên đưa ra hai con số sai biệt nhau, hay hai quan điểm khác nhau và cuộc đàm phán - thương lượng có vẻ dẫn đến chỗ bế tắc, thì cách tốt nhất là đưa ra đề nghị "cưa đôi chênh lệch" hay hai quan điểm tiến tới gặp nhau ở một điểm giữa.
Ví dụ: Chủ nhà đòi bán nhà với giá 100 "cây". Người mua trả 80 "cây". Như vậy giữa con số của người bán và người mua có sự chênh lệch là 20 "cây". Hai bên đều muốn giữ ý kiến của mình nhưng cũng rất muốn bán và mua nhà. Lúc đó một người thứ ba nói: "Thôi, bây giờ cưa đôi con số 20 thành 10. Bên bán chịu mất 10 "cây" và bên mua cũng mất 10 "cây". Như vậy hai bên sẽ gặp nhau ở giá 90 "cây". Đây là cách dễ giải quyết nhất và thông thường được áp dụng trong các cuộc thương lượng mua bán.
**** Đối lại chiến thuật "cưa đôi chênh lệch"
Nếu bên kia đưa ra đề nghị "cưa đôi chênh lệch" thì bạn lại đề nghị "cưa đôi chênh lệch" tiếp. Trong thí dụ trên, nếu người bán đề nghị cưa đôi và chịu giá 90 "cây". Đến lượt bạn, là người mua, bạn lại đề nghị cưa đôi chênh lệch tiếp. Bạn nói: "Ông đồng ý giá 90 "cây". Tôi trả 85 "cây". Thôi, ta cưa đôi chênh lệch và gặp nhau ở 85 "cây" nhé?"
13. Chiến thuật mặc cả có đi có lại
Trong đàm phán - thương lượng, bạn luôn luôn nhớ mặc cả là nguyên tắc tốt nhất và cũng là căn bản. Nguyên tắc đó là; mỗi khi nhượng bộ cho đối tác cái gì bạn phải đòi được nhận lại một nhượng bộ gì đó từ phía họ. Tôi mất cái này cho anh thì anh phải nhường cho tôi cái kia, hay "có đi có lại".
Ví dụ: - Báo cáo thủ trưởng, em xin phép thủ trưởng nghỉ làm ngày hôm nay để đi Vũng Tàu chơi với bạn, được không ạ? - !!!... Ừ... được. Nhưng chủ nhật phải làm bù nhé. - Dạ. Cám ơn thủ trưởng.
**** Đối lại chiến thuật mặc cả
Nguyên tắc là luôn luôn phải có đi có lại. Khi bạn đã nhượng bộ cái gì thì phải được cái gì từ phía bên kia. Nếu không người ta nghĩ là bạn là người dễ dãi và tiếp tục "đào mỏ" tiếp.
14. Chiến thuật giả bộ từ bỏ
Trong một số trường hợp, người ta không áp dụng chiến thuật bỏ đi như đã nói ở phần 9.2 trên mà người ta chỉ làm động tác giả bộ từ bỏ. Thực chất là người ta rất muốn nhưng làm như thế đối tác sẽ giảm bớt được phần nào ưu thế của họ.
Ví dụ: Anh bạn tôi đi mua nhà. Sau một thời gian tìm kiếm, anh ta kiếm được một căn rất vừa ý. Sau nhiều ngày đàm phán mà chủ nhà không nhượng bộ. Nhân tiện chủ nhà đưa ra một số so sánh với một nhà khác để thấy được ưu thế của nhà ông ta. Lúc đó anh bạn tôi "quay quoắt" sang trao đổi về ngôi nhà kia mà không hề đả động một câu đến căn nhà mà anh ta đang quyết chí mua. Thậm chí, anh ta còn nhờ ông chủ dẫn đi xem căn nhà khác đó. Sau một hai ngày, ông chủ nhà "hỏang" và phải nhượng bộ theo ý anh bạn tôi.
**** Đối lại chiến thuật giả bộ từ bỏ
Bây giờ bạn ở cương vị ông chủ bán nhà như ở ví dụ trên thì bạn sẽ phải đối phó ra sao khi gặp trường hợp trên? Việc đầu tư là phải phát hiện được đây chỉ là sự giả bộ. Tiếp theo là bạn cũng từ bỏ. Thứ ba là bạn có thể áp dụng chiến thuật "cưa đôi chênh lệch". Và cuối cùng là áp dụng chiến thuật mặc cả.
15. Nguyên tắc từ chối dứt khoát
Trong đàm phán - thương lượng, nhiều khi phải biết từ chối dứt khóac khi thấy không thể tiếp tục nhượng bộ tiếp hoặc mặc cả tiếp.
Ví dụ: Một lần tôi bán một căn nhà. Tôi đòi giá là 35 "cây". Sau khi đàm phán - thương lượng, tôi đồng ý giá 30 "cây". Hôm sau người mua đưa vợ đến. Bà ta chỉ cái hướng nhà xấu và đòi giảm xuống còn 28 "cây". Tôi nói rằng: "Giá 30 "cây" là giá cuối cùng, ông bà mua được thì mua còn không mua được thì thôi chứ tôi không nói chuyện nữa". Trước thái độ dứt khóat của tôi, người mua đã quay lại như đã thống nhất là 30 "cây".
**** Đối lại việc từ chối dứt khoát
Nếu bạn ở cương vị người mua như ở ví dụ trên và gặp thái độ dứt khóat như vậy bạn có thể đổi lại bằng cách bỏ đi. Nếu người bán muốn thì họ sẽ gọi bạn lại. Cách thứ hai là giả bộ từ bỏ như đã nêu ở phần trước.
16. Chiến thuật "ép bí" hay "ép giá"
Với chiến thuật này, bạn có thể thu được lợi nhuận rất lớn với một vấn đề thực ra là không quan trọng đối với bạn.
Ví dụ: Hồi tôi đi mua xe máy đời 81, 50cc. Sau một thời gian đi tìm, tôi gặp được một người muốn bán một chiếc trong tình trạng còn tốt. Sau khi xem xét giấy tờ, tôi thương lượng giá với người mua. Anh ta đòi 2 "cây". Tôi phát hiện ra số xe của anh ta có "một nút" ("Nút" là cộng tất cả các chữ số lại sau đó chỉ lấy chữ số cuối cùng của tổng số). Mà theo "mốt mê tín" chung lúc đó thì "một nút" là rất xấu, hay gặp xui xẻo. Nhưng đối với tôi việc đó hòan tòan không quan trọng. Song tôi vẫn lợi dụng cái đó mà khai thác. Tôi nói rằng: "Ông đi đổi cho tôi được nút tốt tôi sẽ đồng ý mua với giá 2 "cây". Thế là cuối cùng ông ta chịu bán cho tôi với giá 1,8 "cây".
**** Đối lại chiến thuật "ép bí" hay "ép giá"
Nếu bạn bị "ép bí" hay "ép giá" bạn phải nhận biết được đâu là động cơ thật đâu là động cơ giả của phía đối tác. Sau đó bạn có thể áp dụng chiến thuật giả bộ từ chối. Cuối cùng là bạn có thể bỏ đi.
17. Chiến thuật giả bộ "ngây thơ"
Ở đời, nhiều lúc khôn mà dại, dại mà lại khôn. Bạn có thể khai thác hiện tượng này vào đàm phán - thương lượng khi thấy cần thiết. Tức là bạn giả bộ ngây thơ về vấn đề cần đàm phán - thương lượng.
Người ta thấy bạn "ngây thơ" họ sẽ giúp bạn nhiều hơn hoặc thông cảm nhượng bộ cho bạn.
Ví dụ: Một lần tôi đến đại lý của Samsung để mua tivi. Tôi nói rằng tôi không hiểu biết chút gì về điện và điện tử. Cho nên tôi tin ông nhưng với điều kiện ông bảo lãnh cho tôi 18 tháng (thông thường là một năm). Trong 18 tháng đó, nếu xảy ra điều gì ông hòan tòan chịu trách nhiệm. Trước thái độ "ngây thơ" của tôi như vậy người bán đã chấp nhận đề nghị.
**** Đối lại chiến thuật giả bộ "ngây thơ"
Điều đầu tiên là cảnh giác và nhận biết sự giả bộ của phía bên kia. Dù trong trường hợp thật hay giả thì ta giúp họ bằng cách cung cấp thông tin hay giải thích để họ hiểu chứ tuyệt đối không được để họ khai thác các khỏan khác như giá cả, bảo hành...
18. Chiến thuật siết ốc
Chiến thuật siết ốc rất đơn giản. Mỗi khi phía bên kia đưa ra đề nghị và bạn thấy cần hòan chỉnh thêm thì bạn có thể nói: "Theo tôi thì ông nên hòan chỉnh thêm, chứ như vậy thì chưa đủ". Mỗi lần nói như vậy bạn phải nghĩ, đợi cho bên kia nói tiếp, sau đó cứ thế mà siết chặt thêm.
Ví dụ: Thời tôi làm hợp đồng cho một công ty dầu khí nước ngoài, tôi có một ông sếp rất điệu nghệ trong trò "siết ốc". Một lần ông giao cho tôi làm báo cáo. Khi tôi làm xong và trình bày cho ông ta, ông ta hỏi: "Anh đã làm thật cẩn thận chưa?". Suy nghĩ một lúc tôi trả lời: "Tôi làm cẩn thận rồi, chứ rất cẩn thận thì chưa." Thế là tôi lại lấy về và xem xét cẩn thận hơn. Sau đó ông ta nhận tập báo cáo của tôi. Sau hai ngày tôi nhận lại tập báo cáo cùng mấy dòng chữ: "Anh khẳng định là anh làm rất cẩn thận rồi chứ?". Để "chắc ăn" tôi đành phải dò xét lại rất kỹ lưỡng một lần nữa, sau đó mới đưa cho sếp và nói: "Lần này thì tôi đã làm rất cẩn thận rồi." Sếp mỉm cười và nói: "Lần này tôi sẽ đọc báo cáo của anh."
**** Đối lại chiến thuật siết ốc
Nếu bên kia trả lời bạn rằng: "Thế này thì chưa đủ", theo chiến thuật "siết ốc" thì bạn phải hỏi ngay: "Thưa ông, theo ông là thế nào là đủ ạ?" Hỏi như vậy có hai mục đích: một là có thể họ sẽ rút lui chiến thuật siết ốc, hai là ta bám theo những gì họ nói mà hòan tất thêm chỉ một lần. Lần sau nếu bị siết ốc tiếp thì bạn phản ứng ngay với câu: "Lần trước ông bảo tôi làm như thế còn gì".
19. Chiến thuật liên tưởng
Chiến thuật liên tưởng là chiến thuật tạo cho đối tác sự liên tưởng tới một phần thưởng vô cùng tốt đẹp trong tương lai mà nhượng bộ những gì đang thương lượng. Phần thưởng đó chỉ là ảo ảnh làm mê hoặc đối tác mà thôi chứ nó không có thật.
Ví dụ: Một lần tôi làm việc với một đối tác. Họ nói nếu chúng tôi giảm giá hợp đồng đợt này xuống 30% thì từ nay về sau họ sẽ dành tòan bộ các hợp đồng khác cho chúng tôi.
**** Đối lại chiến thuật liên tưởng
Như đã nói ở trên, những phần thưởng tương lai dạng này rất ít khi thực hiện. Sau này, thiếu gì lý do để họ thoái thác lời hứa. Rất tiếc, nhiều người thường bị rơi vào cạm bẫy này. Cụ thể ở Việt Nam, trong vụ Nguyễn Văn Mười Hai, chiến thuật này đã được khai thác triệt để.
**** Đối lại chiến thuật liên tưởng
Bạn nói với đối tác là công ty của bạn có chính sách là không giảm giá dựa trên cơ sở các lời hứa cho tương lai mà giá cả chỉ áp dụng cho hiện tại và công việc (hoặc hàng hóa) cụ thể.
Cách thứ hai là "tương kế tựu kế". Trong ví dụ trên, tôi đã nói: "Ông cứ ký hợp đồng với chúng tôi với giá chúng tôi đưa ra đi. Từ lần sau trở đi chúng tôi sẽ giảm giá 30%".
Cách thứ ba có thể đối lại bằng cách nói rằng đây là giá gốc nên không thể giảm được nữa.
Bạn hãy cảnh giác với chính bản thân bạn, đừng bị mê hoặc bởi những lời hứa "hươu vượn".
20. Chiến thuật kích thích mua hàng
Đây là chiến thuật thường dùng trong bán hàng. Người bán cho người mua mượn dùng trước để kích thích mạnh mẽ ước muốn mua hàng của người mua. Giống như những người bán đồ chơi dùng pin. Lúc đầu đứa bé nhìn đồ chơi với một ước muốn bình thường. Sau khi người bán bật pin cho đồ chơi chạy thử, lập tức đứa bé đòi mua bằng được.
Ví dụ: Anh bạn tôi đi mua một xe Honda Dream II của một người. Trong lúc đang thương lượng giá cả thì người bán đề nghị anh bạn tôi lấy về đi thử một hôm. Hôm sau quay lại, anh bạn tôi đã chấp nhận mua với giá mà người bán đưa ra sau khi "ước mơ" bị kích thích đến cao độ.
**** Đối lại chiến thuật kích thích mua hàng
Chiến thuật kích thích mua hàng rất lợi hại. Một khi bạn đã bị kích thích thì khó lòng mà cưỡng lại được. Nhiều người hay có câu: "Đã máu thì kiểu gì cũng chơi" và họ hành động theo "chân lý" đó một cách tuyệt đối. Những người bán hàng sành sỏi và tinh tế luôn khai thác yếu tố tâm lý này của một số người mua.
Cách tốt nhất khi thấy mình bị kích động hoặc có cảm xúc mạnh về ước muốn mua bán thì hãy tạm bỏ đi một thời gian cho tới khi hết bị kích động và xúc động rồi hãy quay lại đàm phán tiếp. Nếu không, nhờ người thân trong gia đình như bố, mẹ hoặc anh em đến đàm phán thay bạn.
21. Chiến thuật "quậy" và quấy rối
Chiến thuật này được áp dụng tùy lúc và thường cho các quan hệ ngắn. Nếu muốn quan hệ lâu dài, ít khi người ta dùng chiến thuật này. Nguyên tắc là họ "quậy" hoặc quấy rối cho đến khi phía bên kia chịu hết nổi mà phải nhượng bộ để thóat khỏi "của nợ".
Ví dụ 1: Một đôi trai gái yêu nhau. Sau một thời gian, cô gái thấy không hợp và xin chia tay với bạn trai. Anh ta đã "quậy" cho đến khi cô ta chịu hết nổi mà phải nhắm mắt buông xuôi cho cuộc đời đưa đẩy.
Ví dụ 2: Ở Việt Nam, nhiều người có cách kiên trì nài nỉ rất lâu. Nhiều người chịu không nổi nên nhượng bộ cho đỡ nhức đầu.
**** Đối lại chiến thuật "quậy" và "quấy rối"
Cách tốt nhất là khôn khéo kiên quyết cự tuyệt ngay từ đầu. Chớ để họ leo thang đeo đẳng.
22. Chiến thuật nóng giận không bình thường
Đôi khi trong đàm phán - thương lượng, sự nóng giận không bình thường cũng dễ làm cho đối tác dễ dàng nhượngượngượng bộ để "thoát thân" như trong chiến thuật 21 kể trên, hoặc đối tác không muốn có bầu không khí "nóng" như vậy. Người nào có khả năng làm chủ được thần kinh có thể áp dụng chiến thuật này tương đối có hiệu quả.
Ví dụ: Một lần tôi có tham gia đàm phán. Phía bên kia đưa ra một điểm hơi "phạm húy". Lập tức sếp của tôi đập tay rất mạnh xuống bàn tỏ ý nóng giận. Một khỏang khắc im như tờ xuất hiện kế cận sau đó. Một lúc sau một người trong chúng tôi đưa ra các yêu sách và phía bên kia cứ lần lượt nhượng bộ một cách dễ dàng.
**** Đối lại chiến thuật nóng giận không bình thường
Khi bạn gặp trường hợp này thì: thứ nhất là đừng chấp thái độ này của họ (nhất là có khi đây chỉ là cá tính). Ngoài ra, như đã nói, nhiều người họ chỉ giả vờ nóng giận mà thôi. Thứ hai là có thể tạm lánh mặt cho tới khi đối tác quay lại trạng thái bình thường. Thứ ba là có thể chấm dứt đàm phán với đối tác nếu họ nổi nóng không bình thường như vậy, để họ hiểu được thái độ như vậy là không tốt và phải trả giá.
23. Chiến thuật nước đã chảy qua đập
Khi nước đã chảy qua đập thì không thể nào quay ngược trở lại. Người ta áp dụng nguyên tắc này vào đàm phán - thương lượng. Một khi bạn đã nhượng bộ cái gì thì giá trị của nó trong đàm phán không còn nữa.
Ví dụ: Bạn đi mua một máy giặt cho gia đình. Khi đến cửa hàng, người bán hàng nói là 550 đô. Bạn đòi phải có bảo hành mới mua. Người bán đồng ý. Bạn lại nói để về hỏi ý vợ. Hôm sau ra cửa hàng đó, bạn nói rằng vợ bạn chê đắt và không "xuất quỹ" quá 500 đô. Nếu người bán hàng đồng ý thì bạn mới lấy. Trong ví dụ trên bạn đã áp dụng chiến thuật nước chảy qua đập rồi đấy.
**** Đối lại chiến thuật nước chảy qua đập
Nguyên tắc căn bản để đối lại với chiến thuật này là phải mặc cả. Mỗi khi nhượng bộ cái gì thì phải đòi hỏi một điều gì đó ở phía bên kia theo kiểu có đi có lại. Nếu không làm như vậy, bạn sẽ không có được điều gì ngoài mấy lời cảm ơn.
24. Chiến thuật người tốt - người xấu hay chiến thuật hai mặt
Nội dung của chiến thuật này như sau: Một người giả bộ đứng về phía bạn và giúp bạn giải quyết vấn đề. Lúc này anh ta là người tốt hay là mặt thuận. Nhưng khi đi đến gia đọan cuối cùng để phê duyệt thì anh ta lại là người xấu hay trở sang mặt nghịch. Lúc đó người xấu sẽ biết hết những điều chính yếu bạn đưa ra đàm phán và làm mất hết tác dụng đàm phán của bạn.
Ví dụ: Khi bạn đàm phán - thương lượng để ký kết hợp đồng xây dựng nhà với một công ty xây dựng. Người đàm phán - thương lượng với bạn là trưởng phòng kỹ thuật. Sau một vài lần đàm phán, hai bên đã đi đến thống nhất về các hạng mục và giá cả là 40 "cây". Vấn đề còn lại là lấy phê duyệt của giám đốc. Trưởng phòng kỹ thuật nói là để giám đốc phê duyệt đã rồi khởi công. Hôm sau gặp lại, anh ta nói rằng giám đốc đồng ý với các hạng mục nhưng giá cả thì không đồng ý vì thấp quá, trong khi vật tư lại tòan là đồ ngoại và tốt. Khi đàm phán với bạn, anh ta là người tốt (mặt thuận) vì khuyên bạn nên dùng cái này tốt, bỏ cái kia xấu... nhưng khi đến giám đốc thì anh ta là người xấu (mặt nghịch) bởi vì anh ta đã đưa bạn vào "bẫy". Anh ta đã cố vấn cho giám đốc tăng giá với lý do rất chính đáng.
**** Đối phó với chiến thuật hai mặt
- Để đối phó với chiến thuật hai mặt thì bạn có thể áp dụng chiến thuật "dùng độc trị độc". Trong ví dụ trên, bạn có thể nói là để tôi về hỏi ý kiến bà xã tôi. Hôm sau đến bạn nói là bà xã nhà tôi không cho phép tôi tiêu quá 38 "cây" vào việc xây nhà vì bà ta còn mua máy giặt, tủ lạnh và bếp ga nữa.
- Cách thứ hai là bạn có thể nói thẳng ra rằng anh ta là người hai mặt và bạn không bằng lòng với cách làm như vậy. Nếu anh ta có thể quyết định được ngay thì làm, còn không thì thôi.
- Cách thứ ba là mọi vấn đề sau khi đã thống nhất thì nên ký kết ngay rồi mới ra về chớ để dây dưa.
25. Chiến thuật dồn nhau tới bờ vực nguy hiểm
Chiến thuật này nhằm dồn đối tác tới bờ vực nguy hiểm, sau đó đe dọa là sẽ đẩy họ xuống vực nếu không chịu nhượng bộ. Tác dụng của chiến thuật này như con dao hai lưỡi, có thể là rất tốt và cũng có thể là rất xấu.
Ví dụ: Gần đây ở thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra một vụ đình công đòi tăng lương tại một công ty may mặc do người Nam Triều Tiên làm chủ. Giới chủ muốn công nhân chấp nhận mức lương tối thiểu là 50 đô la/tháng. Đại diện công nhân không chịu với giá thấp hơn 70 đô la/tháng. Sau khi đàm phán vài ba lần không xong, chủ công ty X nói với đại diện công nhân là: "Nếu các ông không chấp nhận thì hai ngày nữa tôi sẽ tuyên bố phá sản công ty và tòan bộ các ông không có việc làm. Tôi cho các ông hai ngày suy nghĩ. Tùy các ông".
Ông chủ này đã áp dụng chiến thuật dồn nhau đến bờ vực và đe dọa sẽ đẩy xuống vực. Cuối cùng công nhân đã nhượng bộ và chấp nhận. Thực ra, ở đây công nhân cũng có phần được vì họ không muốn mất việc làm. Ông chủ cũng có phần được vì không mất thêm tiền. Và nhà nước cũng được vì không phải giải quyết số người thất nghiệp và còn thu được thuế từ ông chủ cũng như các khỏan tiền bảo hiểm khác.
**** Đối lại chiến thuật dồn nhau đến bờ vực nguy hiểm
Khi bị ai dồn tới bờ vực, nếu bạn thấy người đó có khả năng và có thể làm được những gì anh ta đe dọa thì tốt nhất là bỏ đi và chấp nhận các hậu quả. Cách thứ hai là bạn có thể chuyển sang nói về vấn đề khác. Cách thứ ba là thuyết phục họ đàm phán lại.
26. Chiến thuật tâng bốc và hài hước trong đàm phán - thương lượng
Tâng bốc và hài hước luôn luôn có nhiều tác dụng rất tích cực trong đàm phán - thương lượng. Nó sẽ giải tỏa một phần hoặc tòan bộ các bực tức hoặc đố kỵ giữa người với người. Nó là món giải trí nhanh và đơn giản cho mọi người tại bàn họp. Ngoài ra, nó còn có tác dụng khuyến khích mỗi bên có thái độ tích cực hơn. Những người thông minh tinh tế khi bị lỗi, nhất là làm cho người khác buồn hoặc bực, thường họ thay lời xin lỗi bằng các câu nói tâng bốc và hài hước làm vui lòng cả hai.
Ví dụ: Cách đàn ông khi đi chinh phục phái đẹp thường có câu "Không có em, anh cảm thấy cuộc đời anh không có ý nghĩa".
**** Đối lại chiến thuật tăng bốc và hài hước
Nếu sự tâng bốc là chân thành thì phải ghi nhận và cám ơn sự đánh giá đó của phía bên kia. Nếu sự tâng bốc chỉ là trò đùa thì phải cẩn thận đặt nó ra ngoài nội dung chính cần bàn cũng như giá trị thật của vấn đề.
27. Chiến thuật đặt các điều kiện và giới hạn khống chế
Chiến thuật này nhiều khi có tác dụng rất tốt. Chúng ta biết rằng thường thì các quyết định quan trọng lại nằm ở 1/4 thời gian cuối cùng. Giới hạn thời gian là một chiến thuật mà người ta đưa ra để khống chế đối phương. Ngoài ra, người ta còn đưa ra các điều kiện và giới hạn cho giá cả, không gian hoặc là thông tin... khi bên kia đưa ra điều kiện và giới hạn thì nguyên tắc là bạn không được chấp nhận ngay. Tốt nhất là hỏi họ xem tại sao họ lại đặt các điều kiện và giới hạn ra như vậy. Mặt khác, bạn cũng vạch sẵn các điều kiện và giới hạn cho chính bản thân bạn trước khi vào đàm phán - thương lượng, coi đó như các mục tiêu mình phải đặt đến.
Ví dụ: Bạn tìm thấy một căn nhà ưng ý. Chủ nhà đòi 60 "cây". Bạn trả 50 "cây" với điều kiện là trong 12 tiếng chủ nhà phải trả lời.
**** Đối lại chiến thuật đặt điều kiện và giới hạn
Trong ví dụ trên, nếu bạn là cương vị người bán thì đầu tiên bạn có thể hỏi tại sao lại đặt điều kiện khống chế về thời gian như vậy. Thứ hai là nói cho họ biết giới hạn như vậy thì khó chấp nhận quá. Thứ ba là bạn có thể thay đổi điều kiện, nói rằng bạn sẽ gặp lại sau 6 tiếng và sẽ trả lời chính thức sau 10 tiếng. Làm như vậy bạn sẽ có thêm thời gia
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top