oneshot

Anh trai tôi không phải anh ruột.

Anh trai tôi là con của bạn thân mẹ tôi, ở đối diện nhà tôi từ nhỏ. Anh trai tôi lớn hơn tôi bốn tuổi, nhưng tôi không gọi anh ấy là anh bao giờ. Hồi trước anh rất mập, tôi thường gọi anh là heo con, mà anh thì không thích bị tôi gọi là heo con, tôi bèn sửa lại, gọi anh là Bồng Bồng. Sau này anh gầy đi, tôi càng không có lý do gì để gọi anh là heo con nữa.

Thực ra tôi rất thích heo con, cái bụng vừa mềm vừa tròn, mặt cũng tròn xoe. Vào một mùa hè nọ, cây hoa quỳnh do ông nội anh trồng nở hoa, hai đứa chúng tôi cùng nhau chụp ảnh với cái cây đó trên ban công nhà anh. Lúc ấy anh mặc bộ đồ ngủ sọc vàng đen, tròn vo như một con ong nhỏ, như thể trên người đang mang mật vậy. Thế là tôi dính lấy cái bụng anh.

Qua một đêm hoa quỳnh sẽ tàn, thế là ông nội hái xuống, phơi ngoài ban công cho khô rồi pha trà uống. Ngửi mùi rất thơm, nhưng uống vào lại chẳng có vị gì cả, cứ trôi tuột đi, chỉ có một chút xíu ngọt ngọt thanh thanh. Bồng Bồng là ngoan nhất, cầm cốc một hơi uống cạn, trông rất ư là ngon miệng, ngay cả mẹ tôi cũng khen anh.

Mẹ tôi quay sang chê tôi gầy như khỉ, ăn một bát cơm mà cứ nhảy tới nhảy lui, phải để người ta cầm bát đuổi theo đằng sau.

Trương Gia Nguyên con nhìn Bồng Bồng nhà người ta kìa. Mẹ tôi nói.

Mẹ tôi bị nghiện nói câu này, lúc nào cũng Trương Gia Nguyên con nhìn Bồng Bồng nhà người ta kìa. Bồng Bồng Bồng Bồng, không mấy nhận Bồng Bồng làm con luôn đi.

Sau đó mẹ tôi nhất định sẽ nói: "Nếu Bồng Bồng có thể làm con của mẹ thì mẹ còn cần con chắc?"

Mặc dù ngày nào cũng nghe, nhưng có hôm chẳng biết vì sao tự dưng tôi đâm khó chịu, cực kì khó chịu, mẹ tôi nhéo nhéo vành tai tôi, còn nói con nhìn Bồng Bồng nhà người ta kìa. Tôi cãi lại: "Có cái gì đẹp đâu, nhìn gì mà nhìn, xấu chết đi được, con không thèm."

Mẹ tôi giật mình. Bồng Bồng cũng sững người, anh ngơ ngác cầm bát nhìn tôi, khóe miệng còn dính hột cơm. Dường như anh vẫn chưa tiêu hóa xong những lời tôi vừa nói, mắt anh khẽ chớp, tốc độ khởi động có thể sánh ngang với Windows XP, rất chậm. Sau đó có vẻ trong đầu anh vang lên tiếng đèn, ting ting ting (đã là lúc nào rồi mà tôi còn nghĩ tới mấy cái này), khởi động thành công. Bàn tay mũm mĩm của anh cầm đũa gắp nốt miếng cơm cuối cùng lên miệng, rồi đứng dậy khỏi bàn ăn nhà tôi.

"Con no rồi dì." Anh nói. Anh thu dọn bát đũa vào bếp, bước đến sofa đeo cặp sách của mình lên, quay đầu lại nói với mẹ tôi: "Con về nhà làm bài tập đây, tối nay ba con tan làm sớm."

Nói xong, anh không thèm liếc tôi lấy một cái, bỏ đi thẳng tắp. Tay mẹ vẫn còn nắm lấy vành tai tôi, nghe thấy rõ tiếng cườm rèm cửa nhà tôi vang lên rào rào, sau đó cửa nhà đối diện được mở ra, rồi Bồng Bồng đóng cửa lại.

Suýt nữa thì mẹ tôi kéo rách cả tai tôi.

Hôm đó tôi phải xoa tai cả tối, lúc đầu rất đau, sau đó bỏng rát, nóng lên dữ dội, tôi lén vào nhà vệ sinh soi gương, vành tai tôi đỏ ửng, đỏ hệt như mấy món có vị dâu mà Bồng Bồng thích ăn nhất. Trước đây ba từng nói với tôi, vành tai đỏ có nghĩa là ai đó đang nghĩ tới mình. Ai đang nghĩ tới tôi thế nhỉ?

Nghĩ tới tôi không hẳn là nghĩ tốt, chắc chắn Nhậm Dận Bồng đang mắng tôi chứ gì.

Thôi bỏ đi, cứ để anh mắng vậy.

Năm đó anh mười lăm, tôi mười một. Tôi vừa mới lên cấp hai, Bồng Bồng đã là học sinh trung học rồi. Anh đậu vào một trường khá ổn, ngày nào mẹ tôi cũng nhắc đến chuyện đó trước mặt tôi, phải học hỏi anh Bồng Bồng đấy.

Biết rồi biết rồi. Phiền quá đi. Chẳng lẽ con không muốn học cùng trường với anh ấy chắc?

Mọi khi tôi học cũng không tệ, nhưng hôm đó tinh thần tôi hơi bất ổn, vừa định làm bài tập thì bên tai vang lên tiếng rèm cửa nhà tôi bị vén lên, mấy con giun trên cuốn bài tập tiếng Anh nối đuôi nhau đi mất, một chữ cũng không vào đầu tôi. Lúc mẹ vào phòng đưa sữa tôi đang mở trang đó, đến tận lúc đưa thêm nước trái cây, tôi vẫn chết ở trang đó.

Mẹ tôi đập mạnh đĩa hoa quả xuống bàn, làm tôi giật cả mình, tay run run viết xuống một chữ D. Thực ra ngay cả cái đề tôi còn chưa đọc hết. Tôi ngẩng đầu, mẹ tôi đứng bên cạnh chống nạnh: "Con không biết làm hả?"

Tôi lắc đầu nguầy nguậy: "Không ạ không ạ."

Mẹ tôi nói: "Không biết làm thì cứ đi hỏi Bồng Bồng đi."

Bóng đèn trong đầu tôi ting một cái, sáng chói. Tôi kẹp cuốn bài tập dưới nách, xỏ dép chạy sang nhà đối diện. Gõ cửa ba cái, người ra mở là chú Nhậm, trong tay chú cầm một cuốn sách. Chú hỏi tôi: "Gia Nguyên nhi, tìm Bồng Bồng đúng không?"

"Dạ! Có bài này con không biết làm, muốn hỏi anh ấy một chút."

"Được được, chăm chỉ học tập, ngoan lắm." Chú xoa xoa đầu tôi, cười cười: "Nhưng mà bây giờ Bồng Bồng không ở nhà."

"Dạ?" Tôi thừ người: "Muộn thế này rồi anh ấy còn đi đâu thế ạ?" Anh biết ra ngoài chơi đêm hồi nào vậy?

Chú nói: "Có đi đâu đâu, nó chạy bộ dưới sân chung cư."

Chạy bộ?

Chú suy nghĩ một lúc rồi đi tới, nhỏ giọng hỏi tôi: "Gia Nguyên nhi, từ nhỏ tới giờ Bồng Bồng chơi thân với con nhất, ở trường nó có gặp phải chuyện gì không?"

Chuyện gì cơ?

"Thì là, có nữ sinh nào thích nó không, kiểu kiểu thế?" Chú nháy nháy mắt: "Đang yên đang lành tự nhiên giảm cân, hỏi nó có phải ở trường có người bắt nạt nó hay không thì nó bảo không, bạn bè ai cũng tốt hết. Thế thì là, nói sao nhỉ, kiểu con gái làm đẹp vì người mình thích ấy, con trai cũng vậy thôi, Nguyên nhi, chạy chậm thôi, con đang đi dép đấy, này, coi chừng trượt thang ngã bây giờ!"

Tôi chạy một mạch xuống sân, lao tới bồn hoa ở tầng dưới. Sau đó cũng không biết phải đi đâu. Cũng may tôi nhìn thấy áo khoác với bình nước của Nhậm Dận Bồng trên bồn hoa.

Tôi ôm cuốn bài tập tiếng Anh ngồi đợi.

Khoảng mười phút sau, Bồng Bồng thở hổn hển chạy tới. Quần áo trên người anh ướt đẫm, nhìn thấy tôi, anh hơi sững người. Tôi mở bình nước đưa cho anh, anh cầm lấy uống một nửa.

"Chạy chậm khiếp." Tôi nói: "Em chờ hơn nửa tiếng rồi đấy, chạy được hẳn hai vòng luôn quá."

"Hết cách." Anh lắc lắc tóc mái ướt sũng: "Anh béo mà."

Tôi nghẹn họng. Tôi cảm giác anh cố tình lấy lời này chặn họng tôi. Bồng Bồng đóng nắp bình lại, đặt bên cạnh bồn hoa, ép ép chân. Anh hỏi tôi: "Tìm anh có việc gì không?"

"Không có việc gì thì không được tìm anh chắc?" Tôi đáp.

"Không có việc gì à." Ánh mắt anh thoáng lay động: "Không có việc gì thì tranh thủ học bài đi, anh cũng bận lắm, không có thời gian chơi game với em đâu."

Được, là anh nói đấy nhé, Nhậm Dận Bồng. Tôi đứng lên khỏi bồn hoa, cố tình giữ thẳng cổ (về sau Bồng Bồng bảo trông tôi như bị sái cổ), ra vẻ hiên ngang bước qua anh. Dưới cánh tay vẫn kẹp bài tập. Cho dù là một con gà trống, cũng không được làm một con gà trống bại trận (*).

(*) Trong đá gà, gà trống chiến thắng sẽ ngẩng cao ngực thể hiện sự dũng mãnh. Con gà trống thua cuộc sẽ bị vứt bỏ, thường được ví với vẻ xác xơ tàn tạ.

Thực ra thì tôi có chút muốn khóc. Nhưng mà không được, Trương Gia Nguyên, trong sách nói nước mắt đàn ông không dễ rơi, khóc cái gì mà khóc, mày hơn mười một tuổi rồi, không phải thằng nhóc tám chín tháng.

Sau này tôi đọc lại cuốn sách, đằng sau câu đó hóa ra còn một câu khác, "chỉ là chưa đến lúc buồn thôi". Tức chết tôi, sao không nói sớm, nói sớm là tôi khóc rồi.

Lúc ấy tôi thực sự rất buồn.

Tôi bắt đầu cuộc chiến tranh lạnh dài nhất lịch sử với Nhậm Dận Bồng.

Để biểu đạt quyết tâm chiến tranh lạnh, tôi không gọi anh là Bồng Bồng nữa, tôi gọi anh là Nhậm Dận Bồng. Hằng ngày Nhậm Dận Bồng vẫn kiên trì chạy bộ giảm cân như cũ, cứ đến tám giờ rưỡi tối là tôi lại nghe thấy tiếng mở cửa từ nhà đối diện, sau đó là tiếng bước chân xuống cầu thang.

Mỗi lúc như thế tôi lại giơ sách giáo khoa ngữ văn lên đọc bài Quan Thương Hải, "đông lâm kiệt thạch dĩ quan thương hải", đọc to thành tiếng. Tôi phải át hết tiếng của anh ta khỏi thế giới của tôi.

Ai hơn ai còn chưa chắc, Nhậm Dận Bồng, anh xem xem tôi giống để ý đến việc anh có chơi với tôi không? Anh xem, tôi rất bình thản đấy nhé, không hề tức giận chút nào.

Nhậm Dận Bồng nói: "Anh không nhìn em."

Có một hôm hai chúng tôi đụng mặt trên hành lang, chủ yếu là do tôi ở lại lớp giúp lớp vẽ báo tường, về trễ, thế nên chúng tôi mới va phải nhau. Anh đang khóa xe đạp trên hành lang, tôi liếc nhìn anh một cái, anh gầy đi rất nhiều. Thực sự gầy đi rất nhiều, tí nữa thì tôi không nhận ra, so với trước kia cứ như hai người khác nhau. Tôi hoảng hốt tự hỏi, đã bao lâu rồi chưa gặp anh.

Nhậm Dận Bồng mặc đồng phục, đồng phục của anh vẫn dựa theo vóc dáng ban đầu, khá là lớn, eo anh gầy đi hẳn mấy vòng, làm áo đồng phục trông thùng thình như bao bố. Quần mặc không vừa nữa, đổi thành quần thể dục, có vẻ là mới mua. Anh đi đến trước mặt tôi, tôi phát hiện anh còn cao lên. Tôi phải ngẩng đầu nhìn anh.

Khuôn mặt không còn núng nính, mắt cũng to lên. Tôi nhìn anh, thầm nghĩ, Nhậm Dận Bồng, anh vẫn là Nhậm Dận Bồng của tôi đấy chứ?

"Trương Gia Nguyên." Anh gật đầu với tôi, gọi tôi bằng tên đầy đủ, cũng không hỏi sao tôi lại về muộn thế, cũng không hỏi tôi gần đây thế nào, học có mệt không, có bài tập nào không biết làm không, ở trường có hay đánh nhau với bạn không, có được giáo viên khen gì không, cuối tuần có muốn sang nhà anh làm bài tập không.

Anh chẳng hỏi gì hết, cứ vậy lướt ngang qua tôi, lên lầu, tôi nghe thấy tiếng mở khóa. Quay đầu nhìn chiếc xe đạp của anh, nó nghiêng người dựa lên tường, bị khóa chặt, không đi đâu được. Thật tội nghiệp.

Tôi thấy mình cũng thật tội nghiệp. Tôi cũng bị Nhậm Dận Bồng khóa chặt, làm cách gì cũng không thể nhúc nhích nổi. Khoảnh khắc ấy tôi mới cảm nhận được chiến tranh lạnh là như thế nào.

Tôi ngồi trong phòng, theo dõi nhất cử nhất động của anh, thi đọc văn với anh, cũng không hẳn là chiến tranh lạnh, khi đó trong lòng tôi có một Bồng Bồng, cũng đối đầu với tôi như cách tôi đối đầu với anh, dường như chúng tôi chỉ là thay đổi trò chơi mà thôi.

Bây giờ tôi mới phát hiện, hóa ra trò chơi này chỉ có mình tôi chơi. Lúc tôi đang đọc "đông lâm kiệt thạch dĩ quan thương hải", Nhậm Dận Bồng đã xuống lầu từ đời nào, sao mà nghe thấy được cơ chứ. Ngay cả đối đầu cũng là do tôi ảo tưởng.

Tôi quên mất về sau chúng tôi làm lành thế nào rồi, trẻ con trí nhớ không tốt, nhớ ăn chứ không nhớ đòn. Đây là Bồng Bồng nói với tôi. Anh rất hay nói về chuyện tôi nhỏ hơn anh vài tuổi. Sau này tôi bắt đầu cao lên, tôi nhanh chóng bắt kịp anh, thậm chí còn có xu hướng cao hơn. Anh lại trông non choẹt, đi ngoài đường ai không biết còn tưởng tôi mới là anh trai anh.

Dù tôi nhỏ hơn anh vài tuổi, bây giờ chúng tôi như nhau, nhưng mà anh đã không còn cao được nữa, tôi thì vẫn đang phát triển. Sớm muộn gì cũng có ngày tôi cao hơn anh.

Tôi thực hiện được nguyện vọng vào trường của Bồng Bồng, một trường cấp 3 trọng điểm, mẹ tôi rất vui. Bà nghĩ tất cả đều là nhờ tấm gương Bồng Bồng dựng nên, phải cảm ơn người ta đàng hoàng mới được. Thực ra thì tôi giận anh suốt một khoảng thời gian dài, nói được với nhau mấy câu đâu, chỉ có nén cục tức cắm đầu học bài thôi. Nhậm Dận Bồng đậu được thì mắc gì tôi không đậu được. Tôi sẽ đậu cho mà xem.

Trước mặt ba mẹ Bồng Bồng mẹ tôi khen anh không dứt mồm, nói có Bồng Bồng làm gương, thằng bé chăm học hẳn, tối nào cũng ở rịt trong phòng đọc sách.

Mẹ à, đừng nói nữa mẹ. Mất mặt chết đi được. Chỉ có tôi với Bồng Bồng biết chi tiết chuyện này, tôi xấu hổ đến mức không ngẩng đầu lên nổi, Bồng Bồng lại còn cười, vừa cười sặc sụa vừa uống nước cam, thế là ngã lên người tôi, làm tôi phải vỗ lưng cho.

Mẹ tôi còn kể, trước khi thi tuyển sinh Bồng Bồng đã đưa tôi đến lễ tốt nghiệp của anh, tiếp thêm cho tôi rất nhiều động lực, nên điểm chác mới cải thiện.

Mẹ tôi biết khen thật, cái gì tốt cũng đều nhờ Bồng Bồng hết. Nhưng mà cái lễ tốt nghiệp kia của anh đúng là tôi có đi, tôi ngồi dưới sân khấu cùng với lớp anh, bạn anh, đa số là nữ sinh, vây quanh tôi hỏi: "Em là gì của Nhậm Dận Bồng thế?"

Tôi là gì của Nhậm Dận Bồng ấy à? Tôi không muốn nói anh là anh trai tôi, anh cái gì mà anh. Tôi nghĩ nghĩ một hồi, nói là bạn đi, nhưng tôi là học sinh cấp 2, làm bạn với học sinh cấp 3 thì có hơi lạ, bọn họ sẽ không cười Bồng Bồng chứ.

Tôi nhớ tôi tình cờ đọc được một bài thơ,

Lang kỵ trúc mã lai, nhiễu sàng lộng thanh mai.

Đồng cư trường kiền lí, lưỡng tiểu vô hiềm sai.

Trước giờ đọc thơ tôi chỉ nhớ được vài dòng, cũng quên mất phía sau là gì rồi. Tôi bèn nói: "Tôi là trúc mã của anh ấy."

Đám nữ sinh tíu tít cười, bắt đầu xì xầm to nhỏ với nhau, nhưng mà có vẻ không có ác ý, tôi cũng mặc kệ. Về phần vì sao Bồng Bồng không ở đây, bởi vì tối nay anh có tiết mục kéo đàn cello, đó cũng là lí do tôi tới đây. Tôi ngồi vào chỗ của anh, anh đang chuẩn bị sau hậu trường.

Nhân lúc đèn tắt, Bồng Bồng bước lên sân khấu, sau đó đèn bật sáng, một chùm ánh sáng lớn chiếu lên đỉnh đầu anh, anh mặc áo sơ mi trắng đồng phục, do gầy đi nhiều nên dì với chú mua cho anh bộ đồng phục mới. Anh cúi đầu, cây cello dựa lên người.

Đẹp trai quá. Bên tai tôi vang lên tiếng hét inh ỏi của các nữ sinh, còn có cả nam sinh, tôi hơi ngạc nhiên. Đây là Bồng Bồng ư. Đám đông bắt đầu ồn ào hẳn lên, nhưng Bồng Bồng vẫn điềm nhiên đứng trên sân khấu, tôi cũng bất động theo. Nhìn anh, tôi quên mất nhóm người bên cạnh mình, quên mất sàn nhà dưới chân, quên mất chiếc ghế dưới mông, khi anh kéo nốt nhạc đầu tiên, tôi còn quên cả thở. Mặc dù tôi đã nghe anh chơi bài này ở nhà nhiều rồi, nhưng chưa lần nào tôi thực sự nghiêm túc lắng nghe.

Kết thúc phần biểu diễn của Bồng Bồng, đám đông kéo nhau lên sân khấu tặng hoa, tức chết mất, tôi quên mang hoa rồi. Trong túi tôi chỉ có đúng một cây kẹo mút. Bồng Bồng ôm hoa trở về, anh hỏi tôi: "Gia Nguyên, em không có gì cho anh à?"

Tôi cũng muốn tặng anh hoa, nhưng mà tôi không có, chỉ có thể đem hết tất cả những gì mình có ra đưa cho anh. Tôi vét sạch túi quần, ngoại trừ chìa khóa nhà, thật sự chỉ còn một cây kẹo mút, tôi bèn lấy ra hết, nắm trong tay: "Anh muốn cái nào?"

Bồng Bồng do dự một lát, rồi cầm lấy cây kẹo mút kia, mở ra cho vào miệng. Tôi biết anh nhất định sẽ ăn mà. Đang định nhét chìa khóa trở vào thì anh đưa tay giữ lại: "Cái này anh cũng muốn."

"Vậy cho anh hết." Tôi nói.

Bồng Bồng mỉm cười: "Đùa thôi, anh cầm rồi thì em về kiểu gì?" Dứt lời, anh nhét chìa khóa vào túi quần tôi.

"Thì em sang nhà anh ngủ, anh làm con của mẹ em đi." Tôi nói: "Chắc mẹ em chết vì sướng luôn đấy."

Anh búng trán tôi: "Nói bậy."

Tối nay Bồng Bồng còn trang điểm, que kẹo mút dính son môi nhàn nhạt, tóc anh dính kim tuyến lấp lánh, tôi nhẹ nhàng phủi bớt đi. Anh hỏi tôi: "Lát nữa lớp anh đi chơi, em cũng đi nhé?"

Mình đi có sao không nhỉ?

"Không sao đâu." Anh nói: "Đều là học sinh với nhau cả, đi chơi cùng là quen ngay."

Tôi đi, về sau tôi mới biết anh rủ tôi đi để làm gì, thì ra là sợ không ai đưa anh về. Bạn anh cũng thiệt tình, cứ nhè mỗi anh mà rót rượu, Bồng Bồng trông giống biết uống rượu lắm à? Bồng Bồng say đến choáng váng, anh dựa lên lưng tôi, tôi cõng anh trên lưng, chậm rãi bước đi.

Anh gọi tên tôi.

Tôi hỏi anh: "Về nhà chú với dì sẽ không mắng chứ?"

Anh nói: "Gia Nguyên, Gia Nguyên."

Thôi được, xỉn quắc cần câu rồi còn đâu. Tôi xốc anh lên, sợ anh ngã. Má Bồng Bồng dán trên cổ tôi. Tôi gọi anh: "Bồng Bồng."

Anh đáp: "Ơi."

Tôi nói: "Anh là Bồng Bồng đúng không?"

Anh đáp: "Anh là Bồng Bồng."

Vui phết. Tôi bắt chước bạn anh hỏi anh: "Anh là Bồng Bồng giỏi nhất đúng không?"

Anh rất nghiêm túc đáp: "Anh là Bồng Bồng giỏi nhất."

"Vậy anh." Bước chân tôi chậm lại, bỗng giật mình vì những gì mình nói sau đó. Sao tôi lại muốn hỏi câu đấy nhỉ, tôi buột miệng nói: "Anh là người thích Trương Gia Nguyên nhất đúng không?"

Mùi rượu trong hơi thở của anh khiến tôi ngay ngẩn.

"Anh là,

Anh là người thích Trương Gia Nguyên nhất."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top