Đâm chồi nảy lộc
Mùa thu năm Tuất, biên cương vỡ trận, thành Châu Sa thất thủ, quân binh bị tổn hao trước đạo quân vạn lính rầm rập tiến vào nước Nam của phương Bắc, chúng cướp đất, giết hại dân chúng rất dã man, không nơi nào vó ngựa đi qua mà không có người chết. Hoàng thượng xót con dân, lập tức hạ chỉ cho Tướng quân Thôi dẫn đoàn binh ra chiến trường, trước là cứu dân, sau là dẹp giặc. Tướng quân không có thời gian chần chừ lập tức xuất quân đi ngay trong đêm, khi hành quân ngang phủ Tổng đốc còn không kịp chào đàng hoàng một tiếng, chỉ kịp gửi lại chiếc khăn thêu đôi ngỗng màu lam.
Tổng đốc Thôi cầm chiếc khăn trong tay mà lòng quặn thắt, tuy Tướng quân không kịp nói nhưng quan Tổng đốc hiểu, hiểu rằng Tướng quân gan lì mạnh mẽ, hiểu rằng Tướng quân tài giỏi thao lược, giặc có hung tàn đến đâu đều sẽ bị Tướng quân gặt đầu đem nhốt vào ngục tối.
Chiếc khăn tay ấy dường như còn thay lời Tướng quân nói với Tổng đốc, rằng Tổng đốc cứ an tâm là hậu phương vững chãi, dẹp yên đợt giặc này, Tướng quân cam đoan sẽ bình an trở về.
Đúng vậy, nhất định phải khải hoàn, bình an trở về.
Cậu út Khuê đi không hẹn ngày trở lại, chỉ có cậu cả Thuân ở hậu phương với nỗi nhung nhớ khôn nguôi. Tin tức báo về từ biên cương chủ yếu là báo cáo tình hình chiến sự, rằng quân ta đã giành lại được bao nhiêu thành ấp, rằng quân địch đã tàn phá lực lượng của ta như thế nào. Qua sáu tháng ròng rã, đoàn binh vẫn đang kiên trì đàn áp sức giặc dẫu cho chênh lệch về quân số khá lớn.
Tình hình chiến sự căng thẳng khiến quan Tổng đốc không đêm nào ngủ yên, cứ nghĩ đến mình đang chăn ấm nệm êm còn ai kia thì có khi giờ này đang băng rừng lội suối, nấp trong hang sâu giếng cạn chờ thời cơ gặt đầu giặc là lại nhắm mắt không nổi.
Tháng thứ mười một kể từ khi trận chiến bắt đầu, chiến trường báo về tin Đại tướng quân ở tiền tuyến bị thương nặng, yêu cầu triều đình cấp thêm chi viện, các võ quan có thể dẫn binh thì lại tốt quá. Trong cung không ngày nào là không họp bàn, quan lại triều thần ngày đêm tâu vua các các sách lược, hiến không biết bao nhiêu là diệu kế nhưng tình thế vẫn như treo mình trên ngọn tre. Tình hình ở biên thùy căng thẳng hơn bao giờ hết, đạo quân chủ lực của nước Nam ngày đêm giằng co với quân phương Bắc không ngơi nghỉ như thể sơ suất một chút thôi thì hàng vạn tấc đất của non sông đều sẽ rơi cả vào tay giặc.
Tin tức báo về cho biết ở biên thùy hiện tại khắp nơi đều là đồng hoang cỏ cháy, quan Tổng đốc Thôi lòng sôi như lửa vội tâu vua phải cử binh đi sơ tán dân sống ở gần biên cương vào miền xuôi lánh nạn trước, đấy là ưu tiên hàng đầu, còn dân là còn nước, còn dân là còn cơ hội.
Trong bản tấu, quan Tổng đốc nhất mực xin vua cho phép quan ra tiền tuyến, nhìn thế sự nguy nan như vậy, quan thật sự ngồi im không đặng. Nhưng vua chỉ phê chuẩn đề nghị cứu dân chứ không cho phép quan Tổng đốc xông ra chiến trường ôm mấy trăm mạng dân đen về, vì trận đánh này phức tạp hơn việc chống lũ nhiều, hơn nữa, vua lo rằng một quan văn không thể sống sót ở chiến trận mưa gươm giáo mác như vậy. Quan Tổng đốc Thôi là nguyên khí quốc gia, nếu xót dân thì cứ ở kinh thành, cật lực nghĩ ra diệu kế để hạ chỉ cho quân binh ở tiền tuyến cứu dân là được.
Đoàn binh được các võ quan dẫn dắt mất năm ngày đêm để đến nơi, dọc đường đi đã dẹp được mấy trăm đạo quân giặc, chiếm lại được nhiều thành ấp, sơ tán dân về miền xuôi. Chỉ là lúc vừa đặt chân lên tiền tuyến mưa sa bão táp thì nhận được hai tin, một tin tốt và một tin xấu.
Tin xấu là Tướng quân đã bị hạ, tin tốt thì Tướng quân ấy là Tướng giặc.
Điều đó có nghĩa, Tướng quân Thôi không cần đến chi viện đã một mình dẫn quân đi diệt gọn tuyến đầu của giặc, đánh cho Tướng bên ấy sống dở chết dở,
quỳ gối xin tha mạng. Cả đạo quân mấy vạn binh cũng vì vậy mà tháo chạy về phương Bắc, quân lính nước Nam áp giải Tướng giặc về triều, tùy vua phân xử.
Trên yên ngựa trở về kinh thành, Tướng quân Thôi trò chuyện cùng một cận vệ nằm trong đạo quân chi viện, nếu những câu đầu tiên là hỏi về thân phụ và thân mẫu ở quê nhà thì những câu sau đều là hỏi về quan Tổng đốc Thôi.
_
Mùa xuân năm Hợi, Tướng quân khải hoàn hồi cung từ chiến trường mưa máu gió tanh, hoàn thành lời hứa sẽ bình an trở về với quan Tổng đốc.
Quan Tổng đốc thì không có thời gian đàm đạo thưởng trà với Tướng quân, thời gian sau đó đều phụng chỉ đi đến các ấp xã làng huyện để chấn hưng lại cuộc sống của dân chúng sau trận thập tử nhất sinh vừa rồi. Ráo riết qua ba tháng quan mới trở về phủ, lúc này tóc của Tướng quân đã dài chạm gáy.
Lúc chỉ có hai người, Tướng quân vẫn theo nếp mà gọi quan Tổng đốc như ngày xưa, một tiếng cũng Thuân à mà hai tiếng cũng Thuân ơi, khi nào muốn trêu chọc lại gọi là cậu cả bằng giọng ngọt xớt, cố ý vuốt thật dài thật ngâm. Mường tượng như trong mắt cậu út, cậu cả vẫn chỉ là cậu cả dịu dàng thuở nào chứ không phải một quan Tổng đốc cao ngạo trong lời người ta đồn đại.
Cậu cả thì xưng hô rất theo lễ nghi, lễ nghi đến mức đôi khi cậu út thấy phật lòng. Chẳng hạn như nếu cả hai gặp mặt trong triều thì sẽ gọi cậu út là ngài Tướng quân, nếu ở trước mặt gia nô trong phủ và tùy tùng thì sẽ gọi cậu út là Ngài, khi chỉ có cả hai thì một tiếng cũng cậu út, hai tiếng cũng cậu út. Cậu út chưa khi nào nghe người khác cung kính mình mà phát bực đến vậy.
Hôm ấy trời trong, gió nhè nhẹ vắt mình trên tán cây cau rồi dịu dàng luồn lách qua lũy tre, cậu út Khuê mặc thường phục, lóc cóc cưỡi ngựa sang phủ Tổng đốc tìm cậu cả. Gia nô tâu quan Tổng đốc đang ở tư thất, Tướng quân không nói gì, vui vẻ rảo bước đi vào.
Vén tấm màn lụa lên rồi ló đầu nhìn, quả thật nhìn thấy cậu cả đang đọc sách. Gương mặt sắc sảo, hàng mi hơi rũ xuống và dáng vẻ chăm chú ấy làm cậu út xuýt xoa, hồi nhỏ cậu út cứ chạy theo cậu cả là vì người ta xinh trai, lớn lên thì người ta đẹp trai rồi nhưng cậu út vẫn cứ thích. Thế là cậu út đứng đấy khoanh tay, tựa vào tường một lúc, đến khi cậu cả ngước lên và nhận ra, cậu út mới phì cười đi vào.
- Cậu cả bất cẩn quá đấy, nhỡ có thích khách tìm đến mà cậu cả nhận ra chậm như lúc nãy thì biết phải làm sao?
- Ta biết đấy là cậu út rồi nên mới không cảnh giác.
- Xì, dẻo miệng.
Cậu út Khuê bước đến ngồi xuống cạnh bên cậu cả Thuân, đoạn ngả đầu lên vai cậu cả mà dụi dụi mặt như con mèo. Tóc của cậu út đã dài và có thể buộc được rồi, nhưng cậu út thích để vậy, thích dụi tóc mình vào vai cậu cả hơn.
Cậu cả thì dung túng cho người kia muốn làm gì thì làm, muốn quấy thế nào thì quấy. Đoạn cậu út lại ngả ngớn nằm dài lên đùi cậu cả, gây bất tiện cho việc đọc sách, ấy vậy mà cậu cả không mắng, tay phải cầm sách, tay trái thì đặt xuống vân vê tóc của cậu út, đoạn lại xoa xoa dái tai đến khi nó đỏ lên.
Một gia nô được lệnh hầu trà bánh bưng vào, nhìn thấy cảnh ấy thì cũng chỉ đỏ mặt bước ra. Quan Tổng đốc nổi tiếng là khó tính, bất kì ai làm phiền đến khoảng nghỉ của quan đều sẽ bị phạt, vậy nhưng Tướng quân Thôi chẳng những đột ngột xông vào tư thất của quan, lại còn càn quấy không cho quan đọc sách, thế mà quan chẳng những không mắng, lại còn để yên cưng nựng.
Bởi vậy mà cậu út Khuê không hiểu sao khi nhắc đến quan Tổng đốc Thôi, những gì được người ta nói nhiều nhất là khó tính, lạnh lùng. Quan Tổng đốc Thôi trong mắt cậu út Khuê lại là người ấm áp nhất trên đời, là người tuy ít nói nhưng luôn âm thầm làm, là người miệng cứng lòng mềm, không thể giận cậu út quá lâu, cũng là người nếu cậu út ngủ say và giật hết chăn về một phía thì cũng sẽ ngồi dậy đắp ngay ngắn lại cho cậu út.
Cậu cả Thuân thì luôn vì vấn đề này mà trầm tư suy nghĩ, hai mươi hai cái xuân trên đỉnh đầu rồi, không biết khi nào cậu út Khuê mới nhận ra rằng cậu út đặc biệt với cậu cả như thế nào.
- Thuân, em hỏi. Cái lần tương phùng sau hai năm ấy, Thuân giận em thật sao?
Giận thì có giận, nhưng mừng nhiều hơn giận. Bao lâu không gặp mà cậu út vẫn bình an như vậy thì tốt rồi.
Cậu cả Thuân xoa xoa một bên má cậu út Khuê, ngẫm nghĩ như vậy, nhưng cậu không nói.
- Ừ, ta giận thật đấy. Đi biệt tích bao nhiêu năm, thi đỗ cũng không báo về, lên đường tòng quân cũng không hé răng một lời.
Cậu cả thì dỗi hờn kể tội, cậu út lại nhổm ngồi dậy, vươn hai tay lên cổ cậu cả rồi bạo dạn ngả đầu lên ngực người ta. Tay còn lại vân vê cái ấn, dẩu môi ngọt nhạt phân trần.
- Xin lỗi, vì em muốn khi nào thật sự thành danh mới cho Thuân biết, em không biết lại làm Thuân giận đến vậy.
Cậu út Khuê muốn im lặng mà làm rồi khi nào khải hoàn mới báo cho cậu cả Thuân để cùng vui niềm vui lớn mà không biết rằng với cậu cả, được nhìn thấy cậu út lớn lên khỏe mạnh từng ngày là niềm vui lớn nhất rồi.
Cậu út Khuê cứ nghĩ làm Tướng lớn thì ân điển cũng lớn, lúc ấy có thể làm nhiều điều hơn cho cậu cả. Nhưng cậu cả Thuân từ lúc biết cậu út muốn lên đường tòng quân năm mười ba tuổi cho đến tận bây giờ vẫn luôn giữ vững quan điểm, vàng bạc châu báu gì đó, cậu cả không có cần, chỉ cần cậu út bình an sau mỗi trận chiến là được.
Cả hai trò chuyện một lúc mà không để ý tư thế nãy giờ rất là không đứng đắn, Tướng quân lại ngồi trọn trên đùi quan Tổng đốc, vòng tay qua ôm lả lơi lấy cổ quan khiến trong lòng quan dâng lên một cơn nhộn nhạo không yên.
Lúc này hình như cậu cả có hơi đồng cảm với Trụ Vương năm xưa rồi. Thế là cậu đưa mắt ngắm nhìn gương mặt trong lòng thật lâu, làn da khỏe mạnh, đôi môi hồng hào như trái đào vừa chín, đôi mi khép hờ mê hoặc lòng người, cậu cả Thuân không tin nổi một Tướng quân từng cầm binh anh dũng đại thắng biết bao trận chiến lại mềm mại và xinh đẹp đến vậy khi nằm trong vòng tay mình.
Mà cậu cả không biết cậu út cố tình hay vô tư quá mà không để ý hành động của cậu út lúc này rất là thiếu chín chắn. Đến cả phu thê mặn nồng cũng không quấn quít nhau đến vậy.
Đoạn cậu út Khuê leo xuống, đòi cậu cả cắt tóc, dẩu môi bảo rằng thời gian qua dù tóc dài cũng không cho ai động vào cả, nhất quyết đợi cậu cả Thuân đi chấn hưng đời sống dân chúng xong thì trở về cắt cho mình.
Cậu cả cầm con dao bén nhỏ xíu rê qua từng lớp, nhận ra tóc cậu út đúng là đã dài quá cổ rồi. Rê qua mấy lớp nữa thì gáy đã lộ ra, cậu cả nhìn cần cổ trắng nõn của người trước mặt, hai bên tai đột nhiên đỏ lên.
Cậu út Khuê nãy giờ đang líu lo bỗng dưng quay lưng lại, nhìn vào mắt cậu cả rất lâu, đoạn cầm tay cậu cả, mắt nhìn âu yếm, môi mấp máy định nói gì đó nhưng rồi lại thôi.
_
Bao năm qua chinh chiến sa trường, đi đi về về giữa biên cương và kinh thành, đến nay đất nước thái bình, cậu út Khuê mới có thời gian khăn gói trở về quê nhà.
Lần gần nhất thân phụ và thân mẫu của cậu út gặp con trai là hai năm trước, từ đó đến nay chỉ có thư tay gửi về, đến giờ mới được ôm con trai bằng xương bằng thịt vào lòng. Cậu út Khuê lớn lên cao to khỏe mạnh, bu của cậu nhìn mà nước mắt lăn dài vì xúc động.
Cậu cả Thuân đã xin phép để về nhà cùng giờ với cậu út, nhưng cậu út bảo không cần, nam nhi trai tráng như cậu út có thể tự đi được, thế là bị cậu cả gạt đi, bảo rằng đường về quê nhà rất xa, cậu cả không muốn cậu út đi một mình.
Cậu út thay quần áo, nói chuyện tâm tình với thầy bu xong cũng đã xế chiều, nhìn qua nhà kế bên còn sáng thì lạch cạch bước qua tìm cậu cả. Cậu cả đương đọc sách ở trên chõng ngoài vườn, nhìn thấy bóng dáng thân quen thì nhích qua một chút, dư chỗ cho cậu út ngồi.
Trên chõng có mâm bánh mứt và ấm chè, kế bên còn có một cái bánh ú nhân đậu.
Cậu út lại theo nếp quen mà ngả đầu lên vai cậu cả, đoạn thở dài ra một cái, bảo rằng mình lại bị thầy bu giục cưới nữa rồi. Nữ thập tam, nam thập lục. Trai tráng trong làng bây giờ đều đã hai tay hai đứa, không nếp cũng tẻ, ấy vậy mà cậu út Khuê đã qua cái ngưỡng thập lục từ lâu, đi kinh thành từng ấy năm vẫn không có cho thầy bu một nàng dâu. Thầy bu đâu có ép cậu út phải thành đôi với con nhà danh gia vọng tộc, ví dụ là con gái của một nhà quan Lục phẩm cũng được rồi.
Cậu út nhắc đến chuyện cưới xin khiến cậu cả Thuân nhớ về một chuyện hồi trước. Lúc cậu út còn là Đề đốc, hôm ấy cậu cả được mời đến phủ một ông quan Tứ phẩm dùng trà, cùng đàm đạo Nho thư. Giữa chừng ông quan ấy nhắc tới Đề đốc Thôi Phạm Khuê, nửa câu đầu khen ngợi phẩm chất cao quý, tuổi trẻ tài cao làm cậu cả nghe rất ưng bụng, nửa câu sau thì lại nhắc đến xuất thân của cậu út, rằng là con trai của một công thần thì đúng là hổ phụ sinh hổ tử, nhưng dù sao cũng là công thần đã hết thời. Ở triều đình này, nếu không có thế lực chống lưng thì thật sự là không sống sót nổi, bởi thế Đề đốc dẫu có tài lĩnh đến đâu cũng không thể đứng quá lâu trong chốn quan trường. Vậy nên người như Đề đốc Thôi, nếu có đem trăm vàng lượng bạc đến trước phủ hỏi cưới con gái, ông ta cũng sẽ không chấp thuận.
Cậu cả Thuân nghe vậy thì dừng tay đang uống trà, bỏ tách xuống rồi thong thả ngả lưng nhìn xung quanh một lúc, sau đấy quay sang nói với lão quan:
- Phủ của ngươi đúng là rộng thật đấy, cái gì cũng có cả.
Lão quan nghe khen thì tí tớn, vuốt râu cười ngoác cả miệng, nhưng câu nói sau đó của cậu cả Thuân lại khiến lão im bặt.
- Chỉ thiếu mỗi chiếc mâm son.
Mỗi lần nhớ đến chuyện đó, cậu cả Thuân đều không khỏi khó chịu. Cậu út Khuê tuy là Tướng quân lẫy lừng bốn phương người người kính nể, giặc nghe danh đã e sợ một phép thì về cơ bản vẫn là cành vàng lá ngọc, lúc bé sống trong vòng tay thầy bu, lớn chút xíu thì cậu cả chăm đi học, cậu cả cưng như trứng mỏng. Thế mà mới chỉ để cậu út ra đời có mấy năm đã bị khinh miệt như vậy, làm sao cậu cả không thấy bực tức trong lòng?
Cậu cả Thuân mãi suy nghĩ, không để ý cậu út Khuê nãy giờ đang trơ mắt cún nhìn mình. Để ý một chút, hình như hôm nay cậu út tắm nước lá bưởi, khắp người toát ra hương dịu nhẹ thơm phức, gió đêm dìu dịu thổi qua mái đầu khiến cậu út khẽ chớp mi, mấp máy cánh môi hồng hào như đào chín. Trong một khắc, hình như cậu cả Thuân thoáng thấy tiên trời.
Người trước mặt áp sát khiến cậu cả kiềm lòng không đặng, bèn ghé sát đến, tim đập như trống trong lồng ngực, không khí trở nên kì quặc, mà cậu út Khuê có vẻ không cự tuyệt hành động ấy, ngược lại đôi mi còn dần khép hờ.
- Thằng út về ăn cơm!
Tiếng của cậu cả Bân vang vọng rừng núi khiến cậu cả Thuân giật thót mình mà dời ra. Nhưng cậu cả Bân đứng ở tường nhà bên kia mà gọi thì đã tốt rồi, đằng này lại đứng ngay trước cổng, nhìn vào lập tức thấy ngay cảnh tượng lúc này. Thôi Tú Bân đã thành gia lập thất từ lâu, dĩ nhiên hiểu chuyện đò đưa tán tỉnh, bởi vậy nên không mất quá nhiều thời gian để nhận ra em trai mình và hàng xóm đang chuẩn bị làm gì tiếp theo.
Cậu cả Bân bị sốc trong một giây, đoạn dùng quạt châm che miệng lại rồi dời bước về nhà, trước khi đi chỉ thả lại câu cảm thán:
- Chà, cởi mở ghê.
Bầu không khí trở nên ngượng ngùng, cậu cả đỏ mặt tía tai quay sang hướng khác, cậu út thì tiu nghỉu cúi gằm mặt. Cả hai không ai nói gì với ai một lúc, sau đó cậu út Khuê bỏ chân xuống xỏ đôi guốc mộc, đứng dậy chỉnh lại áo the.
Vốn cứ tưởng cậu út định cứ vậy mà bỏ về, ai ngờ cậu lại đột ngột quay sang, nắm lấy cổ áo của cậu cả mà áp sát mặt với nhau, đặt môi kề môi say đắm.
Sau cái hôn hôm đấy, cậu cả và cậu út không chạm mặt nhau nữa, hay nói đúng hơn là cậu cả tìm đường tránh cậu út, từ lúc còn ở quê nhà cho đến khi lên kinh thành cũng vậy. Nhiều lần cậu út Khuê cưỡi ngựa lóc cóc sang tìm, gia nô thì lần nào y lần đấy, tâu rằng quan Tổng đốc đã ngủ rồi. Cậu út cũng chỉ buồn hiu bỏ về, biết rõ là bị ai kia tránh mặt, giờ Dậu mà ngủ cái gì chứ.
Buồn bã suốt mấy ngày, cậu út Khuê bèn đem chuyện kể cho anh trai. Thôi Tú Bân ngồi vắt vẻo trên cái chõng ngoài sân, vừa cắn bánh đa vừa nghe. Suốt câu chuyện em trai chỉ gọi cái người là nguồn cơn nỗi buồn bằng hai chữ người đó trong khi Tú Bân thì đã thừa biết người đó là ai, mặt mũi thế nào rồi.
Nhưng mà cậu út Khuê cũng bạo dạn thật đấy, bất thình lình đè con trai người ta ra hôn như vậy thì ai mà không hoảng. Cậu út nghe đến đó thì giãy đành đạch lên cãi, là do người đó muốn hôn trước, cậu út là thuận theo thôi.
- Rồi tại sao thuận theo? Tưởng đó giờ mày xem cậu cả Thuân là bằng hữu? Có bằng hữu nào đi hôn môi người ta vậy hả?
- Em...Em đâu có xem Thuân là bằng hữu...
- Vậy chứ gì? Tri kỉ hả? Cũng không có tri kỉ nào lại hôn nhau hết.
Cậu út Khuê đỏ mặt tía tai cúi gằm mặt xuống đất, môi dẩu lên rồi im lặng một lúc. Nhìn cái điệu này, Tú Bân biết liền em trai mình rung động rồi. Chưa kịp hỏi thêm thì cậu út đã quay ngoắt lên, bĩu môi chê anh trai không tinh tế, để mình nói ra thì lộ hết rồi. Tú Bân nghe vậy trề môi một cái rõ dài, nhìn thằng nhóc ngại ngùng trước mặt đang kiếm cớ bao biện.
Cậu út Khuê sau hôm đấy, về nằm đêm cứ mãi trằn trọc suy nghĩ. Rõ ràng là thích cậu cả Thuân từ hồi bé xíu, lớn lên dẫu có đi năm phương mười bể cũng chưa từng rung động với ai, trong lòng trước sau như một chỉ có cậu cả Thuân, ra sa trường mưa máu gió tanh, giặc có dồn đến mức rơi vào khốn cùng bế tắc như nào cũng cố gắng tìm đường trở về, cốt chỉ muốn cậu cả Thuân an lòng. Vậy mà hình như vô tình khiến thiên hạ nghĩ rằng đấy chỉ là tình bằng hữu sống chết có nhau.
Bằng hữu cái gì chứ, cậu út Khuê đây không có nhu cầu. Cái cậu út muốn là có danh có phận.
Ý của cậu út Khuê là như thế còn cái người kia ra sao thì cậu út không đoán được. Bây giờ muốn thấy mặt cũng khó, nói chi đến việc dò hỏi tâm ý của người ta.
Nhưng cậu cả Thuân vì ngại ngùng mà tránh mặt cậu út Khuê mãi cũng không phải là cách hay, không lẽ tránh cả đời? Thế là hôm ấy cậu cả dậy từ sớm, tươm tất áo quần chuẩn bị đánh ngựa sang phủ Tướng quân, gọi gia nô đến nhưng chưa kịp sai bảo thì gia nô đã tâu rằng Tướng quân có chuyện rồi.
Cậu cả không kịp nghe tâu hết câu đã chân vắt lên cổ chạy đi tự mình dắt ngựa, cũng tự mình đánh ngựa sang phủ Tướng quân mà không kịp chỉ thị tùy tùng đi theo. Đến nơi rồi cũng không chờ ai nghênh đón mà lập tức xông thẳng vào phủ, nhìn thấy vết máu trải dài thành vệt thì mặt mũi sa sầm hết cả.
- Tướng quân! Tướng quân đâu rồi? Sao lại đổ máu nhiều thế này?
Chưa thấy người đã nghe tiếng vọng từ xa, cậu út Khuê liền ngó ra nhìn. Cậu cả Thuân mặc kệ sự ngăn cản của gia nô tùy tùng mà bằng một bằng hai xông vào tư thất của Tướng quân, lập tức nhìn thấy Tướng quân, hay còn gọi là cậu út Khuê đang ngồi bó gối trên chõng để gia nô lau vết thương trên mặt.
- Thuân? Ơ? Tin tức theo đường nào mà nhanh thế?
Cậu út toan đứng dậy nhưng lại dừng, đưa mắt nhìn cái người kia còn cái người kia thì đang lẳng lặng quan sát mình. Trên mặt cậu út Khuê có vết trầy dài bằng hai đốt ngón tay, bắp tay đầy sẹo thời gian thì có vết bầm to tướng. Nhìn đến đó, cậu cả chống tay lên hông rồi xoa xoa mắt, thở dài một lượt.
Hỏi ra mới biết do cậu út bất cẩn nên bị ngựa đá, nhưng do phản xạ nhanh, né kịp nên không bị thương nặng, chỉ có bị bầm ở bắp tay và móng ngựa tung cao nên sượt qua mặt trầy một đường dài. Còn máu vương vãi ngoài sân là máu ngựa, không phải máu của cậu út. Con ngựa ấy lâu không ai chăm sóc nên móng nó bị gãy, ảnh hưởng đến lớp da xung quanh nên chảy máu khiến nó khó chịu, tâm trạng như các cô thiếu nữ vào độ xuân thì. Mà ma xui quỷ khiến thế nào, nó đá ai không đá, lựa ngay Tướng quân mà đá, đã thế còn thượng ngay vào cái mặt tiền như hoa như ngọc của Tướng quân.
Thế rồi không biết đứa nào nhanh nhảu thấy máu vương ngoài sân, chưa kịp xác minh đầu đuôi đã hoảng sợ chạy đi báo cho quan Tổng đốc như thể phủ Tướng quân gặp chuyện xui xẻo như thổ phỉ ghé thăm hay bị cướp kho bạc vậy.
Tướng quân thấy quan Tổng đốc đến thì không giấu nổi vui vẻ. Đoạn cho đám gia nô đi ra ngoài hết, thế là trong tư thất chỉ còn lại hai người họ. Bầu không khí chuyển từ trong lành sang kì lạ một cách khó hiểu.
Cậu út Khuê đặt chén thuốc xuống, sau đó đưa tay lên khuy áo, từng bước từng bước cởi bỏ lớp áo gấm bên ngoài, cảnh tượng đó khiến cậu cả Thuân trợn to hai mắt, đỏ mặt tía tai quay chỗ khác, trong lòng thầm nghĩ cậu út Khuê chẳng lẽ thật sự cởi mở như vậy, mới chỉ hôn thôi mà, bây giờ phải làm đến mức đấy sao.
Mải mê suy nghĩ, cậu cả không để ý cậu út đã gọi mình đến lần thứ ba.
- Thuân, em đau.
Khác với suy nghĩ không đứng đắn của cậu cả, cậu út trên người vẫn còn chiếc áo lụa bên trong. Tay cậu út chỉ vào chén thuốc, sau đó lại nhìn vào bắp tay mình rồi bĩu môi, cậu cả không cần để cậu út nói đến câu thứ ba đã liền tay kê chân lên chõng, cậu út thì ngả đầu lên đùi cậu cả như một phản xạ, sau đấy vén cao tay áo, để lộ vết bầm ra.
Thường ngày cậu út nói rất nhiều, luyên tha luyên thuyên không ngơi miệng mà hôm nay lại đặc biệt im lặng. Im lặng không phải vì có bất an hay bực dọc, im lặng vì bận ngắm nhìn gương mặt chăm chú của người trước mắt đang ân cần đắp thuốc cho mình. Cậu cả Thuân nhìn vào phần thịt vừa xanh vừa tím trên vai cậu út, ngón tay di di lên đấy, còn thoáng mím môi, hai hàng lông mày chau hết vào nhau.
Cậu út Khuê từ nhỏ đã là lá ngọc cành vàng, thầy bu che chở mưa không đến mặt nắng không đến đầu. Lớn lên chút đi học trường xã thì cậu cả chăm như trứng mỏng, dù có luyện võ bị trầy xước tay chân thì đều là cậu cả thuốc thang săn sóc. Bởi vậy khi cậu út ra đời làm binh làm Tướng, cậu cả ở nhà cứ hoài xót xa không biết liệu cậu út ở sa trường có ổn không.
Nhưng cậu cả nghĩ vậy là do không biết khi rời xa vòng tay mình, cậu út Khuê cũng phải tự thương thân, trên chiến trường đao gươm giáo mác rơi vào đầu hằng ngày, cậu út cũng phải tự mình cầm máu, tự mình xé áo cột vết thương rồi lại lên đường hành quân, dẫn đầu đoàn binh tiến về phía trước mà không chùn chân một khắc nào.
Nhưng cậu cả không biết những điều ấy cũng đúng thôi. Lần nào từ chiến trường về, cậu út cũng lóc cóc xách thuốc sang nhờ cậu cả đắp, hoặc cũng có khi nũng nịu bảo mình thấy thân thể bất an, cho gia nô mời quan Tổng đốc đến phủ săn sóc.
Những khi ấy, quan Tổng đốc nhỡ đang soạn văn thư hay tấu chương thì sẽ đẩy nhanh tiến độ, hoặc nếu đang họp bàn trong triều thì vừa tan họp sẽ đến ngay. Nói tóm lại, cậu cả Thuân có thể tới muộn vì bận việc, nhưng chắc chắn là sẽ đến.
Cậu út được cậu cả nuông chiều riết thành quen, hai mươi hai cái xuân trên đầu rồi nhưng việc gì cũng một tiếng quan Tổng đốc, hai tiếng cậu cả Thuân.
Cậu cả Thuân cũng vì vậy mà quen nuông chiều bảo bọc người ta, nhìn mấy vết sẹo thời gian trên cơ thể người ta mà trong lòng đau xót. Hồi nhỏ cậu út trắng trẻo, dễ thương như cái bánh hấp, vậy mà lớn lên lại bị đao kiếm mổ vào hằng ngày, cậu cả tất nhiên không phải trách cậu út thân làm tội đời, chỉ là cậu cả nghĩ rằng những lúc như vậy, cậu út chắc chắn đã rất đau.
Mà cậu út đau thì cậu cả cũng đau.
Gối đầu trên đùi cậu cả, được cậu cả bôi thuốc cho, lại còn cảm nhận được sự xót xa của cậu cả, cậu út Khuê không giấu nổi vui vẻ mà cười tủm tỉm từ nãy đến giờ. Vừa bị đau đã có người sang chăm, nũng nịu một tiếng là làm người ta lo sốt ruột lên ngay được, nói xem trên cái cõi này ai sung sướng bằng cậu út nữa?
Cậu cả liếc thấy cậu út phơn phớn thì bèn dí ngón tay lên trán cậu út trách yêu cậu không cẩn thận. Thế mà ai kia bị trách móc cũng chỉ nhe răng cười hì hì, đoạn dịu dàng áp mặt lên bàn tay của người ta, chậm rãi mân mê một cách nhẹ nhàng.
Người ta bị tấn công bất ngờ nên đỏ mặt tía tai, vội rụt tay lại.
- Sao cậu út còn chưa tính tới chuyện thành gia lập thất đi? Rước mợ út về, ốm đau trầy xước gì cũng có mợ út lo.
Cậu út chống cằm nhìn cậu cả, đoán chừng người trước mặt đang dỗi hờn rồi. Tự dưng lại nhắc đến chuyện phu thê, chắc là muốn khích cậu út chứ gì, nhưng cậu út tỉnh táo lắm nhé, không có dễ mà xuôi theo đâu.
Thế nên cậu út Khuê mới vui vẻ vươn người đến, lại gối đầu lên đùi ai kia, vân vê cái ấn quan của ai kia trên áo, ngọt nhạt đáp:
- Làm sao giờ? Đời này chắc em không rước mợ út được.
Im lặng quan sát một chút, nhìn thấy cậu cả mím môi, cậu út mới tiếp lời:
- Nhưng em thì sẵn sàng cho chuyện trăm năm rồi, chỉ không biết ý của dượng út thì thế nào?
Hai chữ dượng út vừa là nói bâng quơ, vừa là hàm ý nhắc đến một người. Cậu cả Thuân muốn hiểu thế nào thì hiểu, nhưng hơn hết cậu út mong cậu cả nhìn thấu câu hỏi ngỏ của mình, khắc khoải mong chờ người trong lòng đặt bút viết tiếp trang sau của câu chuyện dở dang.
Cậu cả dùng tay che mặt, quyết tránh ánh mắt của cậu út đến cùng. Trong lòng thầm nghĩ ở chiến trường ngoài kia chỉ toàn những kẻ bặm trợn dữ dằn, thế thì ai dạy cho cậu út Khuê bé bỏng ngày nào trở thành một cậu út Khuê mê hoặc lòng người như bây giờ vậy. Tiên sư cái thằng dạy hư cậu út Khuê, hại cậu cả Thuân không biết phòng thủ thế nào.
Cậu út Khuê lớn lên khỏe mạnh nhưng cũng đáo để quá đi. Rõ ràng cậu cả Thuân đã dành rất nhiều thời gian để chọn ra một lời tỏ bày sâu sắc và làm cậu út rung động nhất, suy đi tính lại, hóa ra người bị làm cho đỏ mặt e thẹn lại chính là cậu cả. Lời ông bà dạy chạy trời không khỏi nắng, cấm có sai.
Cậu út tiếp lời, hàng mi hơi rũ xuống:
- Nói thì nói vậy, nhưng em nghĩ lỡ dượng út không nguyện ý thì cũng không sao.
Lời nói của mỹ nhân quả thật là có sức nặng, ngay lúc này đây, cậu cả Thuân có cảm giác chỉ cần mình nói không, chỉ cần làm mỹ nhân trước mặt tắt đi hy vọng thì sẽ lập tức bị gông cổ đem ra chém đầu. Nhưng may mắn là cậu cả Thuân đã chờ rất lâu để nói có, đã khắc khoải suốt nhiều năm vì một lời đồng ý của người trong lòng.
Thú thật, cậu cả nghĩ rằng nhỡ mà chuyện không thành, nhỡ mà cậu út phải lòng một tiểu thư hay ái nữ nào đấy thì cậu cả vẫn sẽ toàn tâm toàn ý mà chúc cậu út viên mãn một đời, thấy cậu út vui vẻ, dù là không phải với mình thì cậu cả cũng toại lòng. Cùng lắm là ở bên cậu út với danh nghĩa tri kỷ. Cùng lắm thì hẹn cậu út ở một thời không khác khi cả hai đều đã sẵn sàng tính đến chuyện cả đời cùng nhau.
Nhưng bây giờ cậu út Khuê đã dạm ngỏ ý muốn cậu cả làm dượng út nhà họ Thôi thì cậu cả đây cóc phải lo mất người thương vào tay bất kì kẻ nào nữa. Cành vàng lá ngọc cậu cả nuôi lớn từ thuở còn tay bế tay bồng, tưởng là nuôi để cho người khác nhảy vào bế đi chắc?
Hai cậu ở trong tư thất rất lâu, không biết là nói gì, chỉ biết đến khi trời đổ ráng chiều, gia nô vào thay ấm chè mới thì nhìn thấy cậu út nằm lọt thỏm trong vòng tay cậu cả mà say giấc, cậu cả nhìn thấy bọn nó, chẳng những không ngại ngùng nhích ra mà còn đưa tay lên miệng suỵt một cái, thế là đứa nào đứa nấy mặt mũi đỏ rần hết cả, tự khắc đi nhẹ nói khẽ để không kinh động đến giấc say của cậu út. Nhỡ cậu út Khuê mà tỉnh giấc, cậu cả chắc sẽ bắt bọn nó quỳ vỏ sầu riêng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top